Unknown

Bí Tích Hòa Giải và Tội Lỗi

Hỏi: Con xin cha giải đáp cho con thắc mắc về bí tích hòa giải: Thưa cha, nếu một người vào tòa giải tội đang xưng tội chưa kể xong các tội của mình mà vị linh mục đã ban bí tích hoà giải thì người đó có được tha các tội chưa kịp xưng không? (người xưng tội không có ý giấu bớt tội). Nếu phải xưng lại thì xưng lại hết hay chỉ xưng lại tội chưa xưng xong? Và thế nào là tiết lộ bí mật tòa giải tội - đó là việc về phía linh mục hay hối nhân? Và thưa cha, nếu không làm việc đền tội sau khi xưng tội thì có thể lên rước lễ hay không? Nếu nhiều lần không làm việc đền tội, không nhớ được hết các việc đền tội thì phải làm như thế nào để làm việc đền tội các lần xưng tội đó.

Thưa cha, con luôn trong trạng thái lương tâm bối rối nên luôn lo lắng về các tội mình đã xưng - không biết đã được tha chưa? Con không thể phân biệt được đâu là cám dỗ, đâu là tật xấu của mình, và đâu là tội trọng, đâu là tội nhẹ.....

Đáp: Khi một người đi xưng tội đã muốn xưng hết các tội mà vị linh mục vì một lý do nào đó đã không kịp nghe hết và ban bí tích giải tội thì người ấy cứ an tâm là tội đã được tha và cứ lên rước lễ. Tuy nhiên, nếu người ấy cảm thấy bối rối vì có tội trọng mà chưa kịp xưng và chưa nhận được sự hướng dẫn cần thiết thì lần xưng tội sau hãy xưng tội ấy với cha giải tội để ngài giúp đỡ.

Bí mật tòa giải tội hay còn gọi là ấn tòa giải tội là điều bất khả xâm phạm. Vì thế các cha giải tội buộc phải giữ bí mật những gì các ngài nghe được từ tòa giải tội. Giáo Luật điều 983 cấm tuyệt đối các cha giải tội không được tiết lộ hối nhân bằng lời nói hay bằng cách nào khác, và vì bất cứ lý do gì. Các ngài cũng không được dùng những kiến thức biết được trong lúc giải tội để làm hại hối nhân, mặc dù không có nguy cơ tiết lộ nào. (Giáo Luật 984 §1).

Cha giải tội nào trực tiếp vi phạm ấn tòa giải tội là tiết lộ hối nhân thì bị vạ tuyệt thông tiền kết mà chỉ có Tông tòa mới giải vạ được. Còn vị nào chỉ vi phạm cách gián tiếp thì bị phạt tùy mức độ nghiêm trọng của tội phạm (x. Giáo Luật 1388 §1).

Giáo luật 984 §2 còn quy định: không những chỉ cha giải tội phải giữ bí mật mà tất cả mọi người đã biết được tội bằng bất cứ cách nào, do việc thú tội, cũng đều buộc phải giữ bí mật (thí dụ: thông dịch viên, người đứng gần tòa giải tội mà nghe được người ta xưng tội ...). Và nếu vi phạm bí mật, thì phải chịu một hình phạt thích đáng, kể cả vạ tuyệt thông (x. Giáo Luật 1388 §2).

Về việc đền tội. Nếu không làm việc đền tội sau khi xưng tội thì có thể lên rước lễ không? Về vấn đề này cần phân biệt: không làm việc đền tội vì không muốn làm hay không thể làm được hoặc vì không nhớ đã làm việc đền tội hay chưa. Những trường hợp đó đều khác nhau. Một người đi xưng tội mà chỉ có ý định xưng thôi chứ không muốn làm việc đền tội thì hẳn là việc thống hối của người ấy chưa đầy đủ. Có những tội gây thiệt hại cho tha nhân mà ta phải đền bù (như trả lại đồ vật đã lấy cắp, phục hồi danh dự cho người mình xúc phạm, bồi thường thiệt hại...). Sau khi được tha, tội nhân còn phải làm một việc gì đó để sửa lại lỗi lầm của mình, phải đền bù cân xứng. Việc đền tội như vậy cũng gọi là thống hối (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1459). Nếu người xưng tội không thật tâm thống hối và chưa thành tâm thi hành việc đền tội thì việc lãnh nhận bí tích hòa giải vẫn chưa được coi là trọn vẹn.

Còn trường hợp người xưng tội vẫn có ý đền tội nhưng chưa thể làm được, thí dụ mắc một món nợ quá lớn mà chưa thể nào đền bù ngay được thì người ấy vẫn có thể rước lễ với điều kiện là khi có khả năng hay điều kiện thì phải lo hoàn tất.

Có nhiều người vì lương tâm bối rối nên sau khi đã làm việc đền tội lại lo lắng không biết mình đã làm chưa và cũng chẳng còn nhớ cha giải tội căn dặn phải làm gì. Trong trường hợp này thì người ấy cứ lên rước lễ. Sau đó vào lần xưng tội kế tiếp cứ thành thật trình bày với cha giải tội để xin ngài ra việc đền tội. Và tôi cũng có một lời khuyên với trường hợp hay bối rối thì nên mang theo giấy bút và ghi ngay việc đền tội rồi sau khi đã làm thì gạch đi như vậy sẽ giúp khỏi bị bối rối.

Khi đi xưng tội nếu đã thành tâm thống hối thì sau lời ban ơn xá giải tội trong tòa giải tội thì tội đã được tha rồi dù việc ăn năn tội "chẳng trọn" (Giáo Lý HTCG, 1453).

Làm sao phân biệt tội trọng và tội nhẹ? Câu hỏi này cũng có nhiều người đặt ra vì họ cảm thấy rất khó mà phân định.

Tôi sẽ tóm kết lại những gì được trình bày trong Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo để giúp chị hiểu rõ hơn vấn đề này.

Một tội được coi là trọng khi hội đủ ba điều kiện: "Phạm một lỗi nặng, với đầy đủ ý thức và cố tình" (Giáo Lý Công Giáo số 1857).

Như vậy để phạm một tội trọng có 3 yếu tố:

a) Một lỗi nặng nghĩa là một điều được xác định trong Mười Điều Răn, như Đức Giêsu trả lời người thanh niên giàu có: "Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thảo kính cha mẹ" (Mc 10,19).

Trong sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo ở phần Mười Điều Răn đã nói rõ về những tội nghịch với các Điều Răn ấy như:

Điều Răn 1: Mê tín, thờ ngẫu tượng, bói toán và ma thuật, thử thách Thiên Chúa, phạm thánh, mại thánh, vô thần...

Điều Răn 2: Lạm dụng Danh Chúa, lộng ngôn xúc phạm Danh Chúa, Đức Mẹ và cách Thánh, dùng Danh Chúa vào việc ma thuật, thề gian kêu cầu Chúa chứng giám cho điều nói dối, bội thề...

Điều Răn 3: Bỏ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và lễ buộc không có lý do quan trọng, lao động và sinh hoạt ngăn trở việc thờ phượng Chúa....

Điều Răn 4: Lỗi bổn phận thảo hiếu với cha mẹ, lỗi trách nhiệm trong đời sống gia đình (chồng, vợ, anh, em). Lỗi bổn phận trong xã hội (người lãnh đạo, nhà cầm quyền, công dân, giáo viên...) ...

Điều Răn 5: Cố ý giết người, đả thương, bỏ mặc người lâm nguy, phá tha, giết chết tránh đau, tự sát, chè chén say sưa, ăn uống quá độ, sử dụng ma túy, bắt cóc, giữ làm con tin, gây chiến tranh, hận thù, gây gương xấu lôi kéo người khác cố ý phạm lỗi nặng...

Điều Răn 6: Dâm ô, thủ dâm, tà dâm, sản xuất sách báo phim ảnh khiêu dâm, mại dâm, hiếp dâm, hành vi đồng tính, ngoại tình, ly dị, đa thê, loạn luân, sống không hôn phối, triệt sản, ngừa thai, thụ tinh nhân tạo...

Điều Răn 7: Lỗi công bằng, chiếm đoạt hay sử dụng tài sản kẻ khác cách bất công, trộm cắp, bội tín, cờ bạc gian lận, không đền bù thiệt hại, dùng tiền của, vật chất nô lệ hóa con người, phá hoại môi sinh, gây thiệt hại công ích...

Điều Răn 8: Chứng dối, thề gian, làm mất thanh danh và danh dự người khác, phán đoán hồ đồ, nói xấu, vu khống, tâng bốc đồng lõa điều xấu đồi bại, nói dối làm thiệt hại nặng nề, lừa dối...

Điều Răn 9: Chiều theo dục vọng của xác thịt, sống phóng túng...

Điều Răn 10: Thèm muốn của cải người khác, ước muốn điều bất công hại đến tài sản người khác, ganh tị...

Đây chỉ là tóm tắt những lỗi nghịch với 10 Điều Răn. Các lỗi ấy nặng nhẹ còn tùy ở mực độ vi phạm, mức độ nặng nề của sự thiệt hại, sai lỗi đức công bình và đức ái nữa vì tội trọng phá hủy đức mến trong lòng con người do vi phạm nghiêm trọng luật Thiên Chúa, muốn quay lưng với Thiên Chúa. Nếu muốn hiểu rõ hơn xin tham khảo sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo từ 2052 đến 2257.

b) Ngoài ra, tội trọng đòi phải có nhận thức đầy đủ và hoàn toàn ưng thuận. Điều này giả thiết người phạm tội phải biết hành vi đó là tội, trái với luật Thiên Chúa.

c) Tội trọng bao hàm một sự ưng thuận có suy nghĩ cặn kẽ để trở thành một lựa chọn cá nhân (Giáo Lý Công Giáo số 1859)

Nếu sự thiếu hiểu biết nằm ngoài ý muốn, người phạm lỗi nặng có thể được giảm hoặc miễn trách nhiệm. Nhưng không ai được coi là không biết đến những nguyên tắc của luân lý đã được ghi khắc trong lương tâm mỗi ngươì. Các thúc đẩy của bản năng, các đam mê, các áp lực bên ngoài, hoặc những rối loạn do bệnh tật, cũng có thể làm cho hành vi phạm lỗi bớt tình cách tự ý và tự do. (Giáo Lý Công Giáo 1860)

Hội đủ những điều kiện nêu trên thì coi như đã phạm tội trọng.

Còn phạm tội nhẹ là khi vi phạm luật luân lý trong điều nhẹ, hay lỗi điều nặng nhưng không hoàn toàn hiểu biết hay ưng thuận. Trong trường hợp này chị vẫn có thể lên rước lễ.

Nếu còn hồ nghi về tội, chị cứ hỏi cha giải tội và xin ngài giúp đỡ vì vấn đề này quá rộng không thể giải đáp đầy đủ trong mục này được.

Cám dỗ là một sự thúc dục ta phạm tội mà chưa có sự tham gia của ý muốn. Thí dụ một hình ảnh xấu hiện lên trong trí tưởng của ta hay một ý muốn trả thù nẩy ra trong trí nghĩ. Nhưng khi ta chợt nhận ra đó là điều không tốt mà ta dừng lại không tiếp tục theo đuổi ý tưởng xấu ấy thì ta không phạm tội. Còn nếu ta biết đó là điều không đúng mà vẫn cứ muốn tiếp tục theo đuổi điều xấu ấy thì ta đã phạm tội.


Lm. Nguyễn Ngọc Bích, CSsRR


Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :