Trong cuộc họp báo trưa ngày 9-3, Cha Lombardi SJ, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết đã có 17 HY lên tiếng phát biểu về các vấn đề như những mong đợi nơi vị Giáo Hoàng tương lai, hoạt động của Tòa Thánh, giáo triều Roma, đời sống và hoạt động của Giáo hội tại các nơi, v.v.
Trong phiên họp, các Hồng Y đã rút thăm để lấy phòng tại Nhà trọ thánh Marta trong nội thành Vatican, nơi các vị cư ngụ trong thời gian mật nghị bầu Giáo Hoàng. Các Hồng y có thể dọn vào nhà này từ lúc 7 giờ sáng thứ ba, 12-3-2013. Tiếp đến vào lúc 10 giờ sáng cùng ngày, các vị sẽ đồng tế thánh lễ do ĐHY Niên trưởng Angelo Sodano chủ sự tại Đền thờ thánh Phêrô.
Cha Lombardi cũng thông báo thời khóa biểu của mật nghị:
- Lúc 15.45 chiều ngày thứ ba, 12-3-2013, các HY sẽ rời nhà trọ thánh Marta tới dinh Tông Tòa. Lúc 16.30 các vị sẽ đi rước từ nhà nguyện Paolina đến nhà nguyện Sistina. Tại đây, lúc 16.45, có nghị thức tuyên thệ, vị trưởng nghi sẽ tuyên bố ”Extra omnes!” Tất cả những người không phải HY cử tri phải ra ngoài!
Các HY sẽ nghe bài suy niệm do ĐHY Prospero Grech, 88 người Malta, trình bày và sẽ bắt đầu bỏ phiếu lần đầu tiên bầu Giáo Hoàng.
Tiếp đến, các HY đọc Kinh chiều và 19 giờ 30 sẽ trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 8 giờ.
Trong những ngày mật nghị bầu Giáo Hoàng:
- Tại nhà trọ thánh Marta, các HY có thể dùng bữa sáng từ 6.30. Rồi 7.45 đi tới dinh Tông Tòa để đồng tế thánh lễ lúc 8.15 tại Nhà nguyện Paolina.
- 9.30 các HY đi vào nhà nguyện Sistina, nguyện kinh và bắt đầu bỏ phiếu. Có hai lần bỏ phiếu ban sáng.
- 12.30 các HY trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa trưa lúc 13 giờ.
- Lúc 16.00 các HY trở lại nhà nguyện Sistina để bắt đầu bỏ phiếu vào lúc 16.50. Có hai lần bỏ phiếu ban chiều.
- 19.15 các HY nguyện kinh chiều tại nhà nguyện Sistina rồi
19.30 trở về nhà trọ thánh Marta để dùng bữa tối lúc 20 giờ.
Việc đốt phiếu để có khói báo cho dân chúng được thực hiện sau lần bỏ phiếu chót ban sáng (khoảng 12.00) và ban chiều (khoảng 19 giờ chiều). Nếu có kết quả sau lần bỏ phiếu thứ I ban sáng
thì khoảng 10.30 và sau lần bỏ phiếu thứ I ban chiều thì khoảng 17.30.
Phiên họp thứ 8 của Hồng y đoàn: chiều 8-3-2013
Đầu phiên họp này, với đại đa số phiếu (90%), các HY đã quyết định ngày 12-3-2013 sẽ bắt đầu mật nghị bầu Giáo Hoàng.
Cha Lombardi bác bỏ tin của một số báo chí cho rằng các Hồng Y đã chia làm hai khối đối nghịch: một nhóm muốn kéo dài các cuộc thảo luận, một nhóm muốn bắt đầu mật nghị. Thực tế là tới 9 phần 10 các HY đã bỏ phiếu chấp thuận bắt đầu mật nghị vào ngày 12-3-2013.
Trong phiên thứ 8, đã có 15 HY phát biểu về nhiều vấn đề khác nhau. Cha Lombardi cho biết như vậy, tính đến trưa ngày 9-3, đã có 133 HY lên tiếng phát biểu, trong đó có một số nói hai lần.
Cha cũng thông báo một số tin tức:
- Lúc 17.30 chiều thứ hai, 11-3, tất cả các chức sắc và nhân viên phụ giúp mật nghị sẽ tuyên thệ giữ bí mật, trong một nghi thức tại Nhà nguyện Paolina.
- Sáng thứ hai, 11-3, các HY sẽ tiếp tục họp vì còn một số Hồng y muốn phát biểu ý kiến. Như thế tổng cộng sẽ có khoảng 150 Hồng y lên tiếng bày tỏ lập trường.
- Cha Lombardi cho biết đã thấy tận mắt 5 triện của ĐGH cũ bị hủy đi bằng cách rạch để không sử dụng được nữa, trong đó có 2 nhẫn như phủ của Đức Giáo hoàng. Nhẫn này có có hai hình thức: 1 cái ĐGH đeo ở tay và 1 cái dùng để đóng dấu. Tiếp đến có 2 triển nổi: một cái lớn và một cái nhỏ. Sau cùng là một mẫu triện bằng chì.
Nhẫn ngư phủ mới của Đức tân Giáo Hoàng cũng có hình tương tự, nhưng với tên mới của vị tân Giáo Hoàng ở chung quanh.
- Lúc 11 giờ sáng 9-3-2013, các nhân viên kỹ thuật Vatican đã gắn ống khói trên nhà nguyện Sistina nơi diễn ra mật nghị bầu Giáo Hoàng. Đây là phương tiện duy nhất để thông tin giữa mật nghị với thế giới bên ngoài. Khói đen báo hiệu cho thấy chưa có Giáo Hoàng mới và khói trắng thông báo cuộc bầu cử có kết quả. Lúc đó chuông đền thờ thánh Phêrô cũng được gióng lên. Ban tối ống khói sẽ có đèn chiếu sáng để dân chúng có thể thấy khói mầu gì.
- Một Ủy ban đã được thiết lập với nhiệm vụ niêm phong các lối vào mật nghị Hồng y bầu Giáo Hoàng. Ủy ban này tùy thuộc ĐHY nhiếp chính Bertone, và một số thành viên như vị chỉ huy trưởng vệ binh Thụy Sĩ, đại diện đoàn Hiến binh Vatican, một vị công chứng viên, v.v..
G. Trần Đức Anh OP. nguồn radiovaticana.va