www.langminhnews.net

TỰ DO NỘI TÂM Phần II: GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

1. TỰ DO VÀ GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

Một trong những điều kiện thiết yếu của tự do nội tâm là khả năng sống trong giây phút hiện tại. Vì một lý do, chỉ lúc đó chúng ta mới có thể sử dụng tự do. Chúng ta không kiểm soát được quá khứ - không thể thay đổi chút quá khứ nào. Một đôi khi, người ta tìm cách sống lại những biến cố quá khứ được coi là thất bại (“Lẽ ra tôi phải làm điều này… Lẽ ra tôi nên nói điều kia…”) nhưng những viễn cảnh tưởng tượng đó chỉ là giấc mộng, nó không thể tìm về lối cũ. Hành động tự do duy nhất mà chúng ta có thể làm đối với quá khứ là chấp nhận nó đúng như nó là nó và tin tưởng giao phó nó vào tay Thiên Chúa.

Chúng ta cũng kiểm soát rất ít tương lai. Dù mọi viễn cảnh thấy trước, những hoạch định hay hứa hẹn gì đi nữa thì chúng ta vẫn không có gì nhiều để thay đổi hoàn toàn mọi chuyện. Chúng ta không thể lên chương trình trước cho cuộc sống nhưng chỉ có thể đón nhận nó dần dần.

Tất cả những gì chúng ta có là giây phút hiện tại. Đây là nơi duy nhất chúng ta có thể thực hiện những hành vi tự do. Chỉ trong giây phút hiện tại chúng ta mới thực sự tiếp xúc với thực tại.

Ai đó có thể bi quan nghĩ rằng hiện tại thì quá thê thảm và quá khứ lẫn tương lai đều không thuộc về chúng ta. Nhưng một khi được tiếp cận từ cái nhìn đức tin và đức cậy Kitô giáo, giây phút hiện tại lại tràn trề ân sủng và chúng ta an tâm vững dạ vô cùng.

Đây là nơi Thiên Chúa hiện diện. “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”1. Thiên Chúa là hiện tại vĩnh cửu. Mọi khoảnh khắc, dù mang lại điều gì, đều ngập tràn sự hiện diện của Thiên Chúa và biết bao khả năng hiệp thông với Người. Chúng ta không thông hiệp với Thiên Chúa trong quá khứ hay trong tương lai nhưng bằng cách chào đón mỗi khoảnh khắc như là nơi để Người trao ban chính mình cho chúng ta. Chúng ta phải học sống trong mỗi khoảnh khắc như tự nó đã đủ để Thiên Chúa hiện diện ở đó; và nếu Thiên Chúa có đó, chúng ta không thiếu thốn gì. Chúng ta cảm thấy bỏ qua điều này, lỡ hẹn điều kia chỉ vì chúng ta đang sống trong quá khứ hoặc trong tương lai thay vì ở lại trong từng phút giây hiện tại. Thánh vịnh 145 nói, “Muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Người đúng bữa cho ăn. Khi Người rộng mở tay ban, thì bao sinh vật muôn vàn thoả thuê”2.

Có một điều gì đó rất tự do khi hiểu được hồng ân của giây phút hiện tại này. Thậm chí cả khi toàn thể quá khứ của chúng ta là một tai ương hoặc tương lai tưởng chừng như một ngõ cụt, thì giờ đây chúng ta vẫn có thể thiết lập một tương giao với Thiên Chúa ngang qua một hành vi đức tin, tín thác và trao phó. Thiên Chúa hiện diện mãi mãi, trẻ trung mãi mãi, mới mẻ mãi mãi; quá khứ và tương lai của chúng ta là của Người. Người có thể tha thứ mọi sự, thanh luyện mọi sự, đổi mới mọi sự. “Người sẽ lấy tình thương mà đổi mới ngươi”3. Trong giây phút hiện tại, vì tình yêu vô cùng nhân hậu của Người, chúng ta luôn luôn có thể bắt đầu lại, quá khứ không thể cản trở cũng như tương lai không thể dằn vặt chúng ta. Quá khứ ở trong tay Thiên Chúa Từ Nhân, Đấng có thể làm cho mọi sự sinh ích; tương lai nằm trong bàn tay quan phòng của Người, Đấng không bao giờ quên lãng chúng ta. Đức tin không để chúng ta sống như nhiều người sống, họ để cho quá khứ nặng nề và tương lai đầy sợ hãi đè bẹp. Sống giây phút hiện tại cho phép tâm hồn chúng ta trương rộng.

2. “YÊU THƯƠNG” CHỈ CÓ THÌ HIỆN TẠI

Các luận án về linh đạo nói đến những giai đoạn của đời sống thiêng liêng. Chúng liệt kê ba, bảy, mười hai hoặc bất kỳ con số nào mà mỗi một tác giả thích. Có nhiều điều để học từ những bản tường trình này, dù đó là bảy toà nhà của linh hồn được mô tả bởi thánh Têrêxa Avila hay mười hai mức độ khiêm tốn trong bộ Luật của thánh Bênêđictô.

Nhưng kinh nghiệm đã dạy tôi một lối tiếp cận khác. Tôi thường nói đùa rằng, chiếc thang của sự trọn lành chỉ có một bậc: cái bậc mà chúng ta bước hôm nay. Không để mình bận tâm với quá khứ hay tương lai, chúng ta có thể quyết định tin hôm nay, đặt mọi niềm tin vào Thiên Chúa hôm nay, yêu mến Thiên Chúa và tha nhân ngay hôm nay. Dù những quyết tâm tốt lành của chúng ta đem lại thành công hay thất bại, thì hôm sau chúng ta có thể bắt đầu lại, không dựa vào sức mạnh bản thân nhưng chỉ dựa vào lòng trung thành của Thiên Chúa.

Thái độ này rất thiết yếu trong đời sống thiêng liêng. Thánh Phaolô mô tả, “Quên đi chặng đường đã qua để lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho người được Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu… Dù đạt tới đâu đi nữa, chúng ta cứ hướng đó mà đi”4. Đó là một điểm căn bản trong linh đạo của đời sống tu viện. Thánh Antôn của Ai Cập (Giáo phụ Tu Viện, qua đời ở tuổi 105, khi còn ở tuổi 100, từng nói rằng, “Tôi chưa bắt đầu hoán cải!”) không ngừng lặp lại những lời của thánh Phaolô. Người viết tiểu sử của ngài, thánh Athanasiô thêm vào, “Ngài cũng ghi nhớ lời của Êlia: ‘Hôm nay tôi đang đứng trước Thiên Chúa hằng sống’. Thánh Athanasiô chỉ ra rằng, khi Êlia nói ‘hôm nay’, ông không đề cập đến quá khứ. Và như thế, dù chỉ mới khởi đầu, mỗi ngày ông cố gắng sống như ông muốn xuất hiện trước thánh nhan Chúa, tinh tuyền nơi tâm hồn và sẵn sàng vâng phục và không gì khác”5. Các thánh cũng thực hành thái độ tương tự. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu là một mẫu gương sáng ngời. Thánh nhân viết, “Ôi Giêsu, để yêu mến Ngài, con chỉ có ngày hôm nay”6.

3. CHÚNG TA CÓ THỂ ĐAU KHỔ CHỈ MỘT LÚC

Nỗ lực sống trong thực tại của mỗi giây phút hiện tại là điều quan trọng nhất lúc khổ đau. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu nói khi mắc bệnh, “Tôi chỉ đau một lúc thôi. Chỉ vì người ta nghĩ về quá khứ và tương lai nên họ trở nên nản chí và thất vọng”7. Không ai có khả năng chịu đau khổ mười năm hay hai mươi năm; nhưng chúng ta có ơn Chúa để ngày hôm nay mang lấy nỗi đau vốn là nỗi đau của chúng ta ngay lúc này. Phóng chiếu sự việc vào tương lai nghiền nát chúng ta - chúng ta không trải nghiệm đau khổ nhưng chỉ thấy trước nó.

…Thực tại không phải là một cái gì mỗi người phải gánh lấy cùng với khổ đau đi theo nó… Nhưng ý tưởng đau khổ (vốn không phải là thực tại, vì đau khổ thực sự luôn sinh hoa kết trái và có thể biến cuộc sống thành một điều cao quý) phải bị tiêu huỷ. Và nếu bạn có thể tiêu huỷ những ý tưởng mà đằng sau nó, cuộc sống bị giam hãm như đằng sau những chắn song, thì bạn đã giải phóng cuộc sống đích thực của mình; bạn đã giải phóng động cơ chính của cuộc sống, và bạn cũng sẽ có sức mạnh để mang lấy đau khổ thực sự, đau khổ của bạn và đau khổ của thế giới 8.

4. “NGÀY NÀO CÓ SỰ KHỐN KHỔ CỦA NGÀY ĐÓ”

Một trong những châm ngôn khôn ngoan nhất của Tin Mừng là, “Ngày nào có sự khốn khổ của ngày đó”. Chúng ta hãy hấp thụ bài học Chúa Giêsu dạy. Chúng ta thường phàn nàn về bao đau khổ đang gánh chịu mà không nhận ra rằng, đó là lỗi của chúng ta. Như thể nỗi đau ngày hôm nay chưa đủ, chúng ta thêm vào những tiếc xót trong quá khứ và lắng lo về tương lai! Thật không ngạc nhiên khi chúng ta cảm thấy bị vùi dập, điều đó chẳng lạ gì. Để cuộc sống trở nên nhẹ gánh, chúng ta phải tập mang lấy những vấn đề của hôm nay thôi.

Quá khứ phủ bóng trên hiện tại bất cứ khi nào chúng ta nghiền ngẫm những thất bại đã qua và những chọn lựa của ngày hôm qua. Dĩ nhiên, chúng ta cầu xin Thiên Chúa thứ tha những lầm lỗi của mình và nên rút ra từ chúng những bài học thích đáng. Nhưng một khi chúng ta nói mình lấy làm tiếc và thực tâm như thế, thì vậy là đủ rồi. Trong khi tìm cách cải thiện những tổn hại ngần nào có thể, những tổn hại do chúng ta gây ra, thì hầu hết thời giờ còn lại, hãy giao phó mọi sự trong tay Chúa và tin rằng Người sẽ điều chỉnh tất cả. Hãy đặt dấu chấm hết cho những thái độ và suy nghĩ cản trở chúng ta sống tin tưởng trong giây phút hiện tại.

Đôi lúc chúng ta thấy mình lãng phí rất nhiều thời giờ và đánh mất quá nhiều cơ hội để yêu thương và lớn lên. Nếu cảm giác đó dẫn đến lòng thống hối thật sự và bắt đầu lại một cách can đảm và tin tưởng thì đó là điều tích cực. Nhưng nếu cảm thức về thời gian bị lãng phí chỉ làm chúng ta thất vọng và cảm thấy mình đang huỷ hoại cuộc sống, hãy lập tức tống khứ nó. Khoá mình trong quá khứ khác nào thêm một tội vào những tội đã phạm. Đó là một sự thiếu niềm tin nghiêm trọng vào lòng nhân từ vô biên và quyền năng của Thiên Chúa, Đấng yêu thương luôn muốn tạo cho chúng ta cơ hội mới để trở nên thánh thiện dù quá khứ thế nào đi nữa. Một khi bạn chợt nghĩ, sao mình tiến bộ chậm chạp quá và ý tưởng đó có nguy cơ vùi dập chúng ta, hãy thể hiện một hành vi đức tin và đức cậy, chẳng hạn hãy nói với Chúa, “Lạy Chúa, con cám ơn Chúa về toàn bộ quá khứ của con. Con vững tin rằng, Chúa có thể rút ra điều lành từ mọi điều con đã trải qua. Con không muốn hối tiếc về một điều gì và hôm nay con quyết tâm bắt đầu lại từ con số 0 với niềm tin không lay chuyển như thể lịch sử quá khứ của con được dệt nên không bởi một điều gì ngoài lòng trung thành và sự thánh thiện của Chúa”. Không gì có thể làm vui lòng Thiên Chúa hơn thế!

5. NGÀY MAI SẼ LO CHO NGÀY MAI

Nếu chất thêm gánh nặng quá khứ vào trọng lượng hiện tại là một sai lầm, thì chất chồng tương lai lên hiện tại lại là một sai lầm tệ hại hơn. Phương thức chữa lành khuynh hướng đó là suy gẫm bài học chứa đựng trong Tin Mừng về việc phó thác cho Thiên Chúa Quan Phòng và xin Người ban ơn để thực hành nó. “Đừng lo cho mạng sống, lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể, lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời, chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay?…Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi ‘ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây?’”9.

Xin nói lại, điều này không có nghĩa là vô lo và thiếu trách nhiệm. Chúng ta phải hoạch định tương lai và nghĩ về ngày mai. Nhưng làm điều đó mà không lo lắng, không bận tâm day dứt trong lòng vì điều đó chẳng giải quyết được gì và thường ngăn cản chúng ta chú tâm vào những gì mình phải làm hôm nay và ngay bây giờ. Tâm hồn lo lắng về ngày mai không thể mở ra đón nhận ân sủng của giây phút hiện tại.

Như manna nuôi dân Do Thái trong sa mạc, ân sủng không thể dự trữ. Chúng ta không thể xây những kho dự trữ ân sủng nhưng chỉ có thể nhận nó dần dần, như phần “lương thực hằng ngày” mà chúng ta cầu nguyện trong kinh Lạy Cha. Để được giải thoát khỏi gánh nặng tương lai cũng như quá khứ, chúng ta cần được “giáo dục lại”. Sau đây là một số điểm thông dụng có ích cho chúng ta.

Sự việc hiếm khi xảy ra như chúng ta mong đợi. Hầu hết mọi nỗi sợ hãi và băn khoăn của chúng ta hoá ra chỉ là tưởng tượng. Những khó khăn chúng ta lường trước trở nên rất đơn giản trong thực tế; và những khó khăn thực sự là những gì đã không xảy đến với chúng ta. Chấp nhận sự việc khi chúng đến, việc này đến việc khác và tin rằng chúng ta có đủ ơn Chúa để giải quyết chúng đúng thời đúng buổi sẽ tốt hơn là tạo nên một chuỗi viễn cảnh về những gì có thể xảy ra - sự thường, những viễn cảnh này không bao giờ đúng. Cách tốt nhất để chuẩn bị cho tương lai là chú tâm vào hiện tại. Trong Tin Mừng, Đức Giêsu bảo, các môn đệ sẽ bị đem ra trước toà và rồi, Ngài nói thêm, “Anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến địch thù của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được”10.

Việc phóng chiếu những nỗi lo sợ của mình vào tương lai khiến chúng ta không sống trong giây phút hiện tại để giải quyết những gì lẽ ra chúng ta phải làm. Nó tiêu huỷ những nguồn năng lượng tốt nhất của chúng ta. Trong một đoạn văn khác từ nhật ký, Etty Hillesum nói, “Nếu người ta chất nặng những lo lắng của mình cho tương lai, tương lai đó không thể lớn lên một cách sống động. Lòng tôi ngập tràn tin tưởng, không phải rằng, mình sẽ thành công trong đời, nhưng là ngay cả khi mọi sự xảy đến với tôi dẫu không mấy xuôi may chăng nữa, tôi vẫn thấy đời thật đẹp tươi và đáng sống”11.

Như chúng ta thấy, sợ đau khổ gây đau đớn hơn chính sự đau khổ. Chúng ta cần sống sao cho phù hợp.

Chúng tôi phải chiến đấu mỗi ngày với những lo lắng nhỏ nhặt về ngày mai như chiến đấu với những con bọ chét, vì chúng huỷ hoại năng lượng của chúng tôi. Chúng tôi vắt óc suy nghĩ về những ngày sẽ đến và mọi thứ hoá ra không phải như vậy, hoàn toàn không phải như vậy. Ngày nào có đủ sự khốn khổ cho ngày đó. Điều gì cần làm thì phải làm; với những gì còn lại, chúng ta đừng để chính mình bị tàn phá bởi cả ngàn nỗi sợ và lo lắng vụn vặt với quá nhiều động thái dẫn đến việc mất niềm tin vào Thiên Chúa... Mọi chuyện sẽ ổn… Rốt cuộc, chúng tôi chỉ còn một việc đạo đức duy nhất là đòi lại những khu vực bình an lớn trong chính mình, làm sao càng ngày tâm hồn càng bình an hơn và thông chuyển sự bình an này cho những người khác. Càng có nhiều bình an trong chúng tôi, thì cùng lúc, càng có nhiều bình an trong thế giới rắc rối của chúng ta.12

6. HÃY SỐNG, THAY VÌ ĐỢI ĐỂ SỐNG

Cuộc sống hiện tại của chúng ta luôn là điều gì đó tốt lành, vì Tạo Hoá đã ban cho nó phúc lành mà Người sẽ không bao giờ huỷ bỏ dẫu tội lỗi đã làm mọi chuyện nên phức tạp. Sách Sáng Thế nói cho chúng ta, “Thiên Chúa thấy thế là tốt đẹp”. Đối với Thiên Chúa, “thấy” không chỉ có nghĩa là ghi nhận nhưng thực sự còn thông ban thực tại. Sự tốt lành căn bản này của cuộc sống cũng được Đức Giêsu biểu lộ, “Mạng sống không quý hơn của ăn và thân thể không quý hơn áo mặc sao?”13.

Không phải lo lắng khiến chúng ta chú tâm vào tương lai nhưng là niềm hy vọng vào một điều gì tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Đó có thể là một sự kiện rất đặc biệt, chẳng hạn một cuộc gặp gỡ với người nào đó mà chúng ta quý mến hay việc trở về nhà sau một chuyến đi dài thấm mệt. Hoặc đó có thể là một sự kiện ít rõ ràng khi mọi sự trở nên tốt hơn, hoàn cảnh thay đổi, cuộc sống thú vị hơn. Chúng ta tự nhủ, chúng ta không sống thực sự trong hiện tại, sau này chúng ta sẽ “sống một cuộc sống sung mãn”. Nghĩ như thế cũng không sai nhưng điều đó lại hàm chứa một nguy cơ nào đó. Chúng ta có thể dành cả cuộc đời chờ đợi để sống, vì thế chúng ta liều mình không hoàn toàn chấp nhận thực tại của cuộc sống lúc này của mình; dẫu thế, có gì bảo đảm chúng ta sẽ không thất vọng khi thời gian đợi trông mòn mỏi đến? Đang khi không chú tâm đủ vào cái hôm nay, chúng ta vì thế, bỏ lỡ những ân sủng lẽ ra đã đón nhận. Hãy sống trọn vẹn mỗi khoảnh khắc, đừng lo lắng liệu thời gian qua nhanh hay chậm nhưng hãy đón nhận mọi điều được ban cho chúng ta dần dần.

Để sống tốt hôm nay, chúng ta cũng phải nhớ rằng, Thiên Chúa chỉ đòi hỏi mỗi lúc một việc, không bao giờ hai. Không thành vấn đề công việc bạn có trong tay là lau chùi sàn bếp hay đang diễn thuyết cho bốn mươi ngàn người. Chúng ta phải chú tâm vào đó cách đơn sơ, bình thản và đừng cố giải quyết cùng lúc hơn một vấn đề. Ngay cả khi những gì chúng ta đang làm thực sự gây ngột ngạt, thì thật sai lầm khi chúng ta đổ xô vào công việc đó mà tưởng mình như đang phí phạm thời gian. Nếu có một việc nào đó cần thực hiện, đó cũng là một phần của cuộc sống chúng ta, thì dù tầm thường đến đâu, nó vẫn đáng làm và đáng được chú tâm vào.

7. SẴN SÀNG CHO KẺ KHÁC

Sẵn sàng là một yếu tố căn bản trong tương quan với người khác. Trong mọi cuộc gặp gỡ với người khác, dù dài hay ngắn, chúng ta nên làm cho người đó cảm thức một trăm phần trăm chúng ta ở đó cho họ vào lúc đó và không làm một việc gì khác ngoài việc có mặt và làm bất cứ điều gì họ cần. Thái độ tốt đã đành, nhưng còn phải sẵn sàng hết lòng và thực lòng. Điều này rất khó, bởi chúng ta ý thức cao về quyền sở hữu thời giờ của mình và có xu hướng dễ dàng nỗi cáu nếu không thể tổ chức nó như đã định. Nhưng đây là giá của tình yêu đích thực. Nếu Đức Giêsu yêu cầu chúng ta đừng lo lắng chút nào là cốt để mỗi người gìn giữ phẩm chất tương quan với người khác. Một tâm hồn bận tâm với những lo toan sẽ không sẵn sàng cho người khác. Cha mẹ nên ghi nhớ điều này: con cái có thể sống hạnh phúc mà không luôn đòi hỏi sự chú ý của chúng ta, miễn sao chúng ta ở với chúng dẫu không phải lúc nào cũng quan tâm tới chúng. Nếu cha mẹ bị sàng sảy với những lo toan thay vì giao phó những lo toan ấy vào tay Chúa thì chúng ta không thể cống hiến cho con cái loại thời gian ấy và chúng sẽ không bao giờ cảm thấy an toàn trong tình yêu của chúng ta, không thành vấn đề bao món quà đắt tiền chúng ta đổ dồn cho con cái.

8. THỜI GIAN TÂM LÝ VÀ THỜI GIAN NỘI TÂM

Nếu chúng ta cố gắng sống như thế và đào sâu tương quan của mình với Thiên Chúa bằng đời sống cầu nguyện để rồi chính mình có thể cảm nhận được sự hiện diện của Người bên trong chính mình; đồng thời, sống kết hiệp ngần nào có thể với sự cư ngụ bên trong đó của Người, chúng ta sẽ khám phá một điều gì đó thật tuyệt diệu, một giai điệu bên trong của ân sủng mà cuộc đời chúng ta đang dõi theo ở mức độ sâu sắc nhất của nó.

Có thể nói rằng, có hai mô thức thời gian: thời gian của lý trí và thời gian của tâm hồn. Thời gian thứ nhất là thời gian tâm lý, thời gian trong tâm trí chúng ta, thời gian chúng ta tính toán, chia thành giờ ngày để quản lý và lập kế hoạch. Loại thời gian này thường trôi qua hoặc là quá nhanh hoặc là quá chậm.

Nhưng bên cạnh đó, còn có một loại thời gian khác chỉ được cảm nghiệm vào những khoảnh khắc hạnh phúc hay ân sủng nào đó dù nó luôn luôn tồn tại. Đây là thời gian của Thiên Chúa, thời gian của những giai điệu ân sủng trầm lắng trong cuộc đời chúng ta. Nó bao gồm một chuỗi những khoảnh khắc liên kết hài hoà với nhau. Mỗi một khoảnh khắc trong chuỗi khoảnh khắc này trọn vẹn trong chính nó, vì chính trong khoảnh khắc đó, chúng ta làm những gì chúng ta phải làm trong sự hiệp thông với thánh ý Thiên Chúa. Thời gian đó hiệp thông với vĩnh cửu. Đó là thời gian chúng ta đón nhận như một quà tặng.

Nếu luôn sống trong thời gian đó, chúng ta sẽ tránh được những tổn hại và những sai sót cách đáng kể. Ma quỷ luồn lách vào thời gian khi chúng ta sống không tốt bởi chúng ta đang từ chối một điều gì đó hoặc bám quá chặt vào một điều gì đó.

Các thánh có thói quen sống trong thời gian nội tâm đó. Để được vậy, điều đó đòi hỏi một sự tự do nội tâm lớn lao, hoàn toàn tách biệt khỏi những kế hoạch, chương trình và xu hướng riêng của chúng ta. Chúng ta sẵn sàng làm tức khắc những gì chúng ta không mong đợi, hoàn toàn từ bỏ chính mình, không bận tâm gì hơn việc thực hiện thánh ý Chúa và hoàn toàn sẵn sàng cho người khác và những biến cố. Chúng ta cũng cần cảm nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa bên trong chúng ta qua việc cầu nguyện và lắng nghe Chúa Thánh Thần tận thâm tâm để làm theo những đề nghị của Ngài.

Thế rồi, không còn gì là ngẫu nhiên may rủi nữa. Có thể chúng ta thường bước đi trong bóng đêm, nhưng lại cảm nhận cuộc sống của mình đang mở ra trong một giai điệu mà chúng ta không thể kiểm soát nhưng vui tươi phó mình cho nó và qua đó, mọi biến cố được xếp đặt theo sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :