www.langminhnews.net

Tội phạm đến CHÚA THÁNH THẦN là tội nào, mà không được tha?

Trong Tin Mừng Thánh Maccô, Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời” (Mc 3,28-29).

Chúng ta phải hiểu thế nào về lời dạy trên đây của Chúa Giêsu?

Trước hết, chúng ta cần nhớ là những lời Chúa Giêsu đã nói với các Tồng Đồ về Chúa Thánh Thần như sau:
“Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em. Khi Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và về việc xét xử” (Ga 16: 7-8).

Đấng Bảo Trợ (the Paraclete) mà Chúa Giêsu nói đây, chính là Chúa Thánh Thần. Ngài là Thần Chân Lý (the Spirit of Truth), là Thần Khí của Thiên Chúa (the Spirit of God), là Đấng được sai đến để “dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn” (Ga 16, 13) một sự thật hay chân lý mà các Tông Đồ không thể hiểu thấu nếu không có ơn soi sáng trợ giúp của Thần Khí Chúa là Chúa Thánh Thần, tức Ngôi Ba Thiên Chúa.

Vì thế, sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với các Tông Đồ, thở hơi vào các ông và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” (Ga 20: 22). Chúa ban Thánh Thần cho các Môn đệ để giúp họ thấu hiểu những điều Người đã dạy bảo họ trong 3 năm sống chung và đi rao giảng Tin Mừng Cứu Độ, trước khi Người thọ nạn thập giá, chết, sống lại và lên Trời.

Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, qua việc Xức Dầu Thánh, chúng ta đã lãnh nhận một phần ơn Chúa Thánh Thần. Với Bí Tích Thêm Sức, ta được ban đầy đủ ơn của Chúa Thánh Thần, như ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, lòng mến, sức mạnh… để kiện toàn ơn tái sinh của Phép Rửa và để “cho ta có sức mạnh đặc biệt hầu loan truyền và bảo vệ đức tin bằng lời nói và việc làm với tư cách là những nhân chứng đích thực của Chúa Kitô, nghĩa là để tuyên xưng danh Chúa một cách can trường và không bao giờ hổ thẹn về Thập Giá của Người.” (Sách Giáo Lý Công Giáo, số 2044)

Như thế, thật cần thiết biết bao cho ta được lãnh nhận những ơn quí báu của Chúa Thánh Thần để sống đức tin mạnh mẽ, đức cậy vững vàng và đức mến nồng nàn hầu trở nên nhân chứng đích thực và sống động của Chúa Kitô trong trần thế này.

Giáo Hội không thể lớn lên trong sự thánh thiện và khôn ngoan, cũng như không thể chu toàn được sứ mệnh mà Chúa Kitô trao phó, nếu không có sự phù giúp hữu hiệu của Chúa Thánh Thần. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu xin ơn Thánh Linh trước khi làm bất cứ việc lớn nhỏ nào. Và phong trào, đoàn thể nào có mục đích xin ơn Chúa Thánh Thần để canh tân đời sống thiêng liêng, thêm yêu mến Chúa Kitô và ơn cứu độ của Người, thì đều được Giáo Hội khuyến khích, nâng đỡ.

Tuy nhiên, ai mượn danh Chúa Thánh Linh để làm trò “ảo thuật” như đặt tay và xô cho người ta té ngã và nói ú ớ những gì không ai hiểu được, thì đó chắc chắn không phải là ơn của Chúa Thánh Thần. Ai tiếp tục làm trò này, cần chấm dứt để không mê hoặc giáo dân về ơn Chúa Thánh Thần. Không có giáo lý, tín lý nào dạy rằng Chúa Thánh Thần đến với ai thì người đó phải bị “té ngã” và miệng nói lảm nhảm những gì không ai hiểu được, kể cả người được té ngã đó.

Ơn của Chúa Thánh Thần phải là lòng sốt mến, để thêm yêu mến Thiên Chúa hơn, lòng can đảm để làm chứng tá cho Chúa Kitô trước mặt người đời, và sức mạnh để chiến thắng ma quỷ và những gương xấu của thế gian. Hoa trái của ơn Thánh Linh phải là sự bình an, vui sướng nội tâm, lòng sốt mến, yêu mến và kính sợ Chúa hơn, cũng như thêm chê ghét tội lỗi và mọi sự dữ trong trần gian này.

Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà người tín hữu chúng ta được lớn lên mạnh mẽ trong đức tin, được hiểu rõ hơn về những chân lý mà Chúa Giêsu đã giảng dạy.và được ý thức đầy đủ về nguy hại của tội lỗi, là cản trở duy nhất cho ta sống tình thân với Chúa và có hy vọng được cứu rỗi. Lại nữa, cũng nhờ Chúa Thánh Linh mà ta được thúc dục tin tưởng vào lòng thương xót, tha thứ của Thiên Chúa, được an ủi khi gặp gian nan thử thách, và nhất là, được tăng thêm lòng yêu mến Chúa trên hết mọi sự phù phiếm ở trần gian này.

Đó là đại cương những việc Chúa Thánh Thần đã và đang làm trong tâm hồn mọi tín hữu Chúa Kitô và trong Giáo Hội của Chúa từ thời sơ khai cho đến ngày nay, và còn mãi mãi về sau cho đến hết thời gian.

Tóm lại Giáo Hội nói chung, và người tín hữu chúng ta nói riêng, đều rất cần ơn Chúa Thánh Linh để sống và tuyên xưng đức tin và mời gọi thêm nhiều người khác nhận biết và tin Chúa Kitô, là Đấng duy nhất cứu chuộc loài người qua Hy Tế thập giá.

Như vậy, tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội mang nội dụng sau đây:

- Hoàn toàn chối bỏ Thiên Chúa là Cha nhân lành giầu lòng xót thương và tha thứ.

- Từ khước ơn cứu chuộc của Chúa Kitô.

- Phủ nhận Chân Lý mà Thần Khí Chúa đã mặc khải cho con người.

- Không còn nhìn nhận tội lổi đã phạm để xin được tha thứ.

Tội nào cũng có thể được tha thứ nếu người ta còn tin tưởng vào lòng xót thương của Thiên Chúa. Vậy, nếu nhờ Thần Khí Chúa mà ta nhận biết Người là Cha nhân lành để chạy đến xin tha thứ mọi lỗi phạm vì yếu đuối, vì lầm lạc, thì điều kiện để được tha thứ, là phải nhìn nhận tội lỗi của mình và còn tin tưởng nơi lòng thương xót, thứ tha của Chúa. Ngược lại, nếu chối từ Thiên Chúa, thất vọng hoàn toàn về tình thương tha thứ của Người, cũng như không còn tin và yêu mến Người nữa, là xúc phạm nặng nề đến chính Chúa Thánh Thần là Đấng đã giúp ta nhận biết Thiên Chúa là Cha nhân hậu, nhận biết công trình cứu chuộc vô giá của Chúa Kitô, cũng như giúp ta nhìn nhận tội lỗi đã phạm. Chúa Thánh Thần cũng là Đấng đã nung lửa yêu mến Thiên Chúa trong lòng mọi tín hữu. Do dó, xúc phạm đến Chúa Thánh Thần là bác bỏ mọi công việc Người đã làm trong linh hồn ta và trong Giáo Hội của Chúa Kitô.

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu đã dạy: “Ai nói phạm đến Con Người (tức Chúa Giêsu) thì được tha, nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, sẽ chẳng được tha, cả đời này lẫn đời sau” (Mt 12: 32).

Đức cố Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, trong Tông Thư “Dominum et Vivificantem” cũng nói như sau về tội phạm đến Chúa Thánh Thần: “Tội phạm đến Chúa Thánh Thần không phải chỉ đơn thuần xúc phạm đến Người bằng lời nói, mà hệ tại sự chối từ nhận lãnh ơn cứu chuộc mà Thiên Chúa ban cho con người qua Chúa Thánh Thần hoạt động qua quyền lực của Cây Thập Giá” (ibid. no.46.3)

***

Tóm lại, tội phạm đến Chúa Thánh Thần thì không thể tha thứ được vì kẻ xúc phạm đã hoàn toàn khước từ Thiên Chúa và tình thương tha thứ của Người.

Nếu đã không còn tin Chúa để chậy đến xin Người tha thứ tội lỗi, thì làm sao thứ tha được nữa?

Linh mục Phanxicô Xaviê Ngô Tôn Huấn

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :