www.langminhnews.net

LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ

Anh chị em thân mến,

Hôm nay và ngày mai, cả Giáo hội tưởng niệm những người quá cố thân yêu, những người mà khi qua đi như đã mang đi cả một phần của chúng ta.

Giờ đây, sống bên kia thế giới, các ngài đang nhắc bảo chúng ta một tín điều vô cùng quan trọng: Đó là tín điều linh hồn bất tử.


1. Linh hồn không như thể xác. Thể xác hư nát và phải chôn vào trong mồ. Còn linh hồn không thể bị phân hóa rữa nát như xác, mà nó luôn vẫn nguyên toàn duy nhất và bất tử. Nhà thi sĩ buồn bã buông câu chất vấn: Sao? Các tạo vật được sáng tạo để rồi lại trở về hư vô sao? Và nhà thần học đáp: “Không, Thiên Chúa sáng tạo mọi sự để nó tồn tại.” (Deus creavit res ut essent). Đó là nghị định của Chúa. Ngài dựng nên mọi sự để sống, để tồn tại chứ không phải để trở về hư vô.

2. Bản năng con người. Trong con người có hai bản năng: khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc. Con người khao khát muốn sống mãi và thực tế họ đã sống như không bao giờ chết. Chân họ đã gần cửa mồ mà vẫn mơ ước sống mãi. Sống trong thời gian mà vẫn khinh thường thời gian. Họ vẫn dự tính những chương trình hành động, bất chấp thời gian vượt ngoài giới hạn đời sống. Họ muốn vĩnh cửu hóa tên tuổi của họ, nòi giống của họ, hạnh phúc của họ. Mọi sự, cây cối loài vật chết quanh ta, nhưng mặc: chỉ con người, ôi điên đảo! Ôi cao siêu! Tự đáy mồ vẫn tin rằng sẽ sống (Lamartine).

3. Con người lại khao khát hạnh phúc. Ai cũng muốn sống hạnh phúc. Đó là một khát vọng liên lỉ và phổ cập. Nó hằng giày vò, thúc đẩy con người không một giây phút nào ngưng nghỉ. Thế nhưng, trong cuộc sống thực tế, con người lại không hề gặp được hạnh phúc. Ta đã chẳng bảo, đời là thung lũng nước mắt đó ư? Như thế thì Thiên Chúa lừa đảo chúng ta sao? Ban cho con người một khát vọng để đày đọa con người, làm con người phải day dứt, thất vọng ư? Không! Không thể như vậy được. Vậy thì phải có một cuộc sống khác để con người được thỏa mãn như Rousseau nói: phải, tôi đã phải quá khốn đốn trong cuộc sống trần gian để rồi không còn phải khốn đốn trong cuộc sống mai sau nữa.

4. Phép công bằng. Trần gian có lành có dữ. Người lành được thưởng, kẻ dữ phải phạt. Đó là lẽ công bằng. Ấy vậy mà thực tế ta thấy ngược lại. Thánh Augustin nói: Không thấy sao? Bao nhiêu người trung thành làm ác thì lại gặp được biết bao may mắn và Ngài kết luận: Thế thì bao giờ họ mới được trả lại cân xứng? Nếu thực có Thiên Chúa và Thiên Chúa công bình vô cùng như ai cũng công nhận thì sẽ đối xử cân xứng tội phúc từng người và trần gian này chưa làm được, tất phải có một thời gian một nơi chốn để thực hiện. Chính ông Rousseau cũng nói: nếu tôi không thấy lý chứng nào ngoài sự đắc thắng của kẻ dữ và bị đàn áp của kẻ lành để làm chứng linh hồn bất tử, thì cũng đủ lẽ mà không hoài nghi. Robespierre thì nói: Bảo cho con người tin rằng linh hồn họ chỉ là một làn gió nhẹ sẽ tan đi trong nấm mộ thì ích gì. Cái ý tưởng hư vô đó có tạo cho họ có được một tình cảm cao cả tinh toàn không? Có làm họ thêm yêu thương đồng loại, hy sinh cho tổ quốc, khinh lờn cái chết chê chối khoái lạc không? ACE khóc thương một người bạn nhân đức, đau xót bên một người con, người vợ sẽ có an ủi được khi nghe bảo họ chỉ là một nắm bụi đất không? Bất hạnh cho người bị ám sát, nhưng hơi thở cuối cùng của họ lại là một tiếng kêu cứu với Đấng công bình vĩnh cửu. Sự vô tội trên đoạn đầu đài sẽ làm run rẩy tên bạo Chúa.

ACE rất thân mến, không phải ngẫu nhiên mà phụng vụ Giáo hội dành cả tháng 11 này để cầu nguyện cho các linh hồn, và cũng không phải tình cờ mà ngày đầu tiên này lại dành để mừng kính các thánh, những con người đã anh dũng chiến đấu cho cuộc sống vĩnh cửu của mình. Chúng ta biết rằng trong viễn tượng của lịch sử cứu độ vận mệnh vĩnh cửu cá nhân chỉ được viên mãn trong sự viên mãn của cộng đồng nhân loại. Và sự viên mãn của cộng đồng nhân loại lại chỉ có thể thành tựu được ngang qua sự từng cá nhân đạt ơn cứu độ. Hiểu được điều đó nên ngày chân phước Têrêxa Calcutta từ trần, một người đã nói: “Hôm nay tôi tự hào mình là một con người bởi vì có Mẹ Têrêxa trong số đó”.

Mừng lễ Các Thánh hôm nay chúng ta cần nhớ: Cha ông chúng ta, tổ tiên chúng ta là các thánh đã phải trả giá khủng khiếp cho đức tin của các Ngài. Nếu các ngài đã không anh dũng hy sinh như thế chắc nhiều người trong chúng ta đã không được hưởng đức tin như hôm nay. Như vậy, công lao các ngài thật lớn lao. Chúng ta cần ghi nhớ để cảm tạ các ngài và cầu nguyện với các ngài. Thứ nữa, chúng ta cũng cần noi gương các ngài để tìm ra một lối đi, dẫn ta về chốn ánh sáng huy hoàng của Chúa. Đoạn thơ “Con đường” của John Oxenham nhắc nhở chúng ta: ở đó có hai con đường mở ra trước mắt mọi người. Một đường cao, một đường thấp. Những linh hồn cao thượng thích leo lên những con đường cao mà đi. Những linh hồn thấp kém lần mò theo những con đường thấp. Mỗi người chúng ta phải quyết định xem trong hai con đường ấy mình đã đi con đường nào. Lễ các Thánh mời gọi ta can đảm chọn leo lên con đường cao và tiến bước vững vàng mãi tới quê trời. A men./.
ĐGM Phaolô Maria Cao Đình Thuyên



www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :