www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN THÁNH NĂM A

THỨ HAI TUẦN THÁNH (Ga 12,1-11)

Sáu ngày trước Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu đến làng Bêtania, nơi Ladarô đã chết được Người cho sống lại. Tại đây người ta dọn bữa cho Người ăn. Martha hầu bàn. Còn Ladarô cũng là một trong những kẻ đồng bàn với Người. Bấy giờ Maria lấy một cân dầu thơm, dầu cam tùng hảo hạng, và xức chân Chúa Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau. Hương thơm toả đầy nhà. Một môn đệ là Giuđa Iscariô, kẻ sẽ phản nộp Người, liền nói: “Sao không bán dầu thơm đó lấy ba trăm đồng mà cho người nghèo khó?” Hắn nói thế không phải vì lo lắng cho người nghèo khó đâu, mà vì hắn là tên trộm cắp, lại được giữ túi tiền,
nên bớt xén các khoản tiền người ta bỏ vào đó. Vậy Chúa Giêsu nói: “Hãy để mặc cô ấy làm công việc chỉ về ngày táng xác Ta. Vì các ngươi sẽ có người nghèo luôn bên cạnh các ngươi, còn Ta, các ngươi sẽ không gặp Ta mãi đâu”. Có đám đông người Do-thái biết Người đang ở đó, nên tuôn đến, không những vì Chúa Giêsu, mà còn để thấy Ladarô, kẻ đã chết được Người cho sống lại. Thế là các Thượng tế quyết định giết luôn cả Ladarô, vì tại ông mà nhiều người Do-thái đã bỏ họ và tin theo Chúa Giêsu.

Suy niệm 1

Phụng vụ lời Chúa của ngày đầu Tuần Thánh cho chúng ta thấy một sự thinh lặng nội tâm để nhường chỗ cho tình yêu lên tiếng, nhưng không phải ồn ào, mà chỉ là những lời thì thầm của con tim.

Bài ca người tôi tớ của trong bài đọc thứ nhất giới thiệu cho chúng ta hình ảnh người tôi trung của Thiên Chúa không phải bằng vẻ đẹp hùng tráng, nhưng bằng một sự thầm lặng: “Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường” (Is 42,2).

Bài Tin Mừng làm rõ nét hơn tình yêu thầm lặng đó qua hình ảnh của cô Maria. Cô đã âm thầm quỳ dưới chân Chúa, “Lấy một cân dầu thơm cam tùng nguyên chất và quý giá mà xức chân Đức Giêsu, rồi lấy tóc mình mà lau” (Ga 12,3). Không vồn vã, không nức nở nghẹn ngào, không muốn ghì chặt người mình yêu… mà chỉ muốn dành cho người mình yêu những gì là quan trọng nhất.

Có những người không chấp nhận thái độ của Maria vì họ tiếc của. Họ đánh giá “một cân dầu thơm hảo hạng” này nhiều tiền lắm, làm vậy là phí. Họ xem tiền bạc trọng hơn tình nghĩa.

Có những người không thấy được tình yêu của cô Maria dành cho Chúa Giêsu vì họ còn bận tâm những chuyện khác. Họ lo dò xét Ngài. Họ lo tìm cách làm hại Ngài. Họ muốn giết Ngài. Tệ hại hơn, vì muốn giết Ngài nên giết cả những người liên quan đến Ngài: “Các thượng tế quyết định giết cả anh Lazarô nữa, vì tại anh mà nhiều người Do thái đã bỏ họ mà tin vào Đức Giêsu” (Ga 12,11).

Đây là những ngày cuối cùng của Chúa Giêsu trên thế gian này, những ngày cuối cùng bên cạnh những người Ngài thương mến. Vì vậy tình cảm của Ngài rất dạt dào. Nhưng chúng ta không hề thấy nó dâng trào, mà chỉ thấy nó thầm lặng trong thương mến.

Từ đó tôi nhìn lại tình yêu của tôi dành cho Chúa.

- Nhiều khi tôi lúc tôi hăng hái tham gia mọi hoạt động trong họ đạo, hội đoàn nào cũng tham gia, nhóm nào cũng sinh hoạt… tham gia, sinh hoạt riết muốn mệt mỏi, không còn hơi để thở…

- Nhưng cũng có những lúc tôi ù lì, thụ động, không tham gia, sinh hoạt gì cả, mà ngồi nhìn xem thử người ta làm thế nào? Một cái nhìn dò xét, một cái soi mói…

- Hoặc có có những lúc chúng ta chán nản người lãnh đạo nên không muốn làm gì hết, kể cả việc giữ đạo một cách cơ bản như đi lễ, đọc kinh, cầu nguyện…

Lạy Chúa, xin cho con đừng ồn ào, náo động, mà tĩnh lặng trong sâu thẳm cõi lòng để dâng cho Chúa tất cả tình yêu của con. Chính tình yêu sâu lắng, trầm lặng đó sẽ hướng dẫn đời sống đạo của con, để con biết phải làm gì cho vừa lòng Chúa và vừa sức với con. Điều quan trọng là dành cho Chúa tất cả tình yêu và khả năng của con.

Tình và tiền

Tin Mừng Gioan thuật lại rằng: sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giêsu và các môn đệ trở lại thăm Bêtania là gia đình của ba chị em Mácta, Maria và Ladarô. Đây là cuộc thăm viếng cuối cùng trước khi Đức Giêsu bước vào cuộc khổ nạn. Mọi người đón tiếp Người một cách thân tình nhất là sau biến cố Ladarô sống lại từ cõi chết.

Và cũng như thường lệ họ dọn tiệc thết đãi thầy trò Giêsu. Mácta là người phụ nữ đảm đang luôn bận rộn với việc bếp núc. Riêng cô Maria dành cho Đức Giêsu một cử chỉ đặc biệt, cô lấy một cân dầu thơm cam tùng hảo hạng mà xức chân Chúa Giêsu và lấy tóc mình mà lau. Thấy vậy môn đệ Giuđa Ítcariốt phản đối quyết liệt. Ông cho rằng việc làm đó quá lãng phí, sao lại không bán dầu thơm ấy lấy 300 quan tiền để cho người nghèo. Một hành động mà có ba thái độ khác nhau. Maria phục vụ Đức Giêsu với tất cả lòng tôn trọngvà kính mến, trái lại Giuđa tỏ rõ thói ích kỷ đầy toan tính. Còn Chúa Giêsu lại coi hành động này như việc mai táng Người sắp tới.

Tiền là gốc rễ mọi tội lỗi

“Tiền là gốc rễ của tội lỗi. Tiền gây bệnh cho tâm trí chúng ta, đầu độc suy nghĩ thậm chí đức tin của chúng ta nữa. Nó dẫn chúng ta vào con đường ghen tuông, cãi vã, nghi ngờ và mâu thuẫn. Chúng ta không bao giờ phục vụ Thiên Chúa và tiền bạc cùng một lúc được”. Đó là lời khuyên nhủ của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về thái độ phải có đối với tiền bạc. Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy tiền bạc có sức cám dỗ và phá hủy tâm hồn con người như thế nào. Theo bản lý lịch trích ngang thì Giuđa Ítcariốt là thủ quỹ, người giữ túi tiền chung của các môn đệ, nhưng Giuđa cũng là tên ăn cắp vặt vì hắn “thường lấy những gì người ta bỏ vào quỹ chung” (c. 6). Giuđa đã để cho lòng tham lam điều khiển xúi giục trở thành con người ích kỷ tính toán thiệt hơn. Thế nhưng hắn khéo léo che đậy bằng một việc từ thiện nên đã đề nghị bán cân dầu thơmcủa Maria lấy 300 quan tiền mà cho người nghèo. Mục đích không thể biện minh cho phương tiện. Thấy thái độ nhỏ nhen đầy tính toán của Giuđa, Đức Giêsu liền nhắc nhở “Hãy để cô ấy yên. Cô đã giữ dầu thơm này là có ý dành cho ngày mai táng Thầy. Thật vậy, người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có; còn Thầy, anh em không có mãi đâu” (c.7-8).

Vì tham lam tiền bạc, Giuđa đã trượt ngã từ sai lầm này đến sai lầm khác. Ông đã bán đứng Thầy mình chỉ 30 ngàn đồng, bằng với giá bán một người nô lệ. Tiền bạc có ma lực thống trị điều khiển Giuđa trở thành kẻ phản bội dẫn Thầy đến bi kịch cuối cùng là cái chết trên thập giá, còn Giuđa dường như rơi vào vô vọng. Ông không chỉ bán Chúa mà bán rẻ lương tâm mình, bán nhân phẩm, bán đi niềm hạnh phúc và tự do của một con người.

Lạy Chúa Giêsu,

Năm xưa, gia đình Matta đã được diễm phúc đón rước Chúa viếng thăm. Ngày nay qua Bí tích Thánh Thể Chúa lại viếng thăm chúng con mỗi ngày. Chúa viếng thăm để gặp gỡ, để trao đổi, chia sẻ cảnh đời tha phương của chúng con.

Lạy Chúa Giêsu Thánh thể, chính tình yêu đã dẫn lối đưa đường để Chúa đến với chúng con. Theo lẽ thường, không có tình yêu, người ta sẽ không đến với nhau , không ở lại với nhau. Không có trao đổi nên cũng không có chia sẻ và đỡ nâng nhau. Chúa cũng vì yêu nên đã lưu lại nơi trái đất này. Điều này cũng nói lên một tình yêu ban tặng nhưng không của Chúa dành cho chúng con. Đây là một vinh hạnh thật lớn lao và vô cùng qúy báu. Vì ai đâu ngờ, trái đất nhỏ bé so với vũ trụ bao la lại được vinh hạnh đón tiếp Chúa. Con người thọ tạo bé mọn lại được Thiên Chúa Đấng Tạo Thành viếng thăm.

Vâng lạy Chúa, với thân phận nhỏ bé, chúng con đâu dám được Chúa đoái nhìn. Chúa là Đấng thánh thiện. Chúng con chỉ là cát bụi đầy lầm lỗi. Chúa là Đấng toàn năng. Chúng con bất toàn và đầy khiếm khuyết. Chúa toàn mỹ. Chúng con lại vương vấn tội nhơ . Chúa thì cao sang. Chúng con chỉ là bọt bèo tôi tớ. Thế mà, Chúa đã phá đổ hàng rào ngăn cách đó để đến với chúng con.

Xin Chúa tha thứ những thiếu sót trong cuộc sống của chúng con. Biết bao lần chúng con qúa thờ ơ trước sự hiện diện của Chúa. Chúng con quá mải lo tìm kiếm tiền tài cùng thú vui và danh vọng mà quên đi giá trị đời người là gặp Chúa và sống kết hiệp với Chúa, là nguyên lý và nền tảng của hạnh phúc cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, là Đấng mà ai gặp gỡ cũng được Chúa biến đổi, thăng tiến. Xin giúp chúng con không chỉ cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa, mà còn biết sống dưới cái nhìn của Chúa. Là chu toàn lề luật Chúa trong yêu mến. Là biết sống theo ý Chúa trong phó thác, cậy trông. Xin dạy chúng con biết theo gương Chúa để ra khỏi chính mình mà đến với tha nhân trong tinh thần phục vụ , bác ái và yêu thương. Xin dùng chúng con như khí cụ của Chúa, để Chúa lại có thể tiếp tục viếng thăm những kẻ nghèo hèn, túng thiếu và tội lỗi, hầu giúp họ thăng tiến cuộc sống và tìm được giá trị đích thực của cuộc sống. Amen.

THỨ BA TUẦN THÁNH (Ga 13, 21-33.36-38)

Khi ấy, (Chúa Giêsu đang ngồi ăn với các môn đệ), tâm hồn Người bị xao xuyến, nên Người tuyên bố: “Thật, Thầy nói thật cho các con biết, một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Các môn đệ nhìn nhau phân vân không biết Người nói về ai. Có một môn đệ được Chúa Giêsu yêu quý, đang ở bàn ăn gần lòng Chúa Giêsu. Vậy Phêrô làm hiệu cho môn đệ ấy và nói: “Hỏi xem Thầy nói về ai đó”. Môn đệ ấy nghiêng mình sát ngực Chúa Giêsu và hỏi Người: “Thưa Thầy, ai vậy?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy chấm miếng bánh trao cho ai là người đó”. Và Người chấm một miếng bánh trao cho Giuđa, con Simon Iscariô. Ăn miếng bánh rồi, Satan nhập vào hắn. Chúa Giêsu nói với hắn: “Con tính làm gì thì làm mau đi”. Nhưng những người đang ngồi ăn không một ai hiểu được vì sao Người lại nói với hắn như vậy. Có nhiều người tưởng tại Giuđa giữ túi tiền, nên Chúa Giêsu bảo hắn: Hãy mua những gì chúng ta cần dùng trong dịp lễ, hoặc Người bảo hắn bố thí cho người nghèo. Vậy sau khi nhận miếng bánh đó, Giuđa liền đi ra. Bấy giờ là đêm tối. Khi Giuđa đi rồi, Chúa Giêsu phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa đã được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính Mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển! Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa. Các con sẽ tìm Thầy, và như Thầy đã nói với người Do-thái: “Nơi Ta đi, các ngươi không thể đến được”, nay Thầy cũng nói với các con như vậy”. Simon Phêrô hỏi Người: “Thưa Thầy, Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Nơi Thầy đi, nay con chưa thể theo tới đó được, nhưng sau này con sẽ theo Thầy”.

Phêrô thưa lại: “Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần”.

Suy niệm 1

Qua đoạn Tin mừng hôm nay tôi nhớ lại lời của Tổng Giám Mục Dom Helter Camara: “Không phải chỉ có một định nghĩa về thánh thiện mà đã có cả hàng chục hàng trăm. Thế nhưng có một định nghĩa mà tôi thích nhất: sống thánh thiện là phải chỗi dậy ngay khi bị ngã, chỗi dậy với lòng khiêm nhường và vui mừng. Không phải có ý nói là không bao giờ được sa ngã theo đàng tội lỗi, mà muốn nói lên ý nghĩa là ta có thể nói: ‘Vâng lạy Chúa con đã sa ngã một ngàn lần, và nhờ ơn Chúa giúp con đã chỗi dậy một ngàn lẻ một lần’. Tất cả ý nghĩa là như vậy. Tôi thích suy nghĩ về điều đó”.

Chúa biết rõ tính cách của từng con người một. Cả Giuđa và Phêrô đều là môn đệ của Chúa, hơn thế nữa còn thuộc nhóm 12, những con người luôn gần gũi, luôn được Chúa yêu thương và dạy dỗ. Chúa biết Giuđa hay tính toán nên giao cho ông làm quản lý dù nhiều khi ông cũng hay gian dối, lọc lừa. Chúa biết Phêrô bốc đồng, nhưng được cái có nhiệt tình, nên giao cho ông sứ mạng đứng đầu…

Hơn thế nữa, cả hai đều được Chúa luôn nhắc nhở, cảnh báo về những chuyện xấu của họ. Đối với Giuđa, Chúa Giêsu đã nói: “Thầy bảo thật anh em: có một người trong anh em sẽ nộp thầy”. Hoặc sau khi trao miếng bánh cho ông, Chúa Giêsu cũng đã nhắc khéo: “Anh làm gì thì làm mau đi!”… Còn Phêrô, sau lời quyết tâm theo Thầy, Chúa Giêsu đã báo trước cho ông ta biết: “Gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần”…

Cả Giuđa và Phêrô đều là những con người bất xứng, đều đã sa ngã. Nhưng Giuđa thì đã thất vọng tìm đến cái chết, còn Phêrô thì biết chỗi dậy sau cái nhìn của Chúa.

Chúa vẫn dành những tình cảm đặc biệt cho Giuđa như tin tưởng giao cho ông chức quản lý, trao bánh cho ông… Nghĩa là tình yêu vẫn lên tiếng gọi mời ông, nhưng ông đã không lấy tình yêu đáp trả lại tình yêu.

Còn Phêrô sau khi chối Thầy: “Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông… ông ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22,61-62).

Điều quan trọng là biết sai để sửa sai, biết mình ngã để chỗi dậy. Giá trị của con người không hệ tại ở bao nhiêu việc đạo đức tốt lành, nhưng hệ tại ở chỗ họ đã nhận ra được bao nhiêu sự sai trái của mình và đã sửa đổi được bấy nhiêu? Một việc tốt tự nhiên sẽ dễ làm hơn là cố gắng mỗi ngày để bỏ đi được một tính xấu. Ví dụ người có lòng thương cảm, tự nhiên thấy người nghèo là muốn giúp đỡ, và giúp đỡ là chuyện quá dễ đối với họ. Nhưng có người thích soi mói, hôm nay biết được chuyện xấu của người khác. Lẽ ra họ sẽ tận dụng để tấn công người anh em mình, nhưng họ đã cố gắng để im lặng… Như vậy giữa việc bố thí và việc thinh lặng, việc nào dễ hơn?

Lạy Chúa xin cho con luôn đặt mình trước tình yêu của Chúa, để thấy dù con có như thế nào đi chăng nữa Chúa vẫn tin tưởng và yêu thương con. Chúa không muốn con thất vọng, không muốn con phải chết, nhưng muốn con thấy mình còn có những bất toàn, thấy mình yếu đuối tội lỗi, và quan trọng nhất là “muốn con ăn năn sám hối và được sống”. Xin cho con trỗi dậy mỗi lần sa ngã và mạnh dạn ngã vào lòng Chúa để được Chúa ôm ấp vỗ về. Xin cho con biết quay trở về mỗi khi biết mình đã đi hoang.

TRUNG THÀNH VỚI TÌNH YÊU

“Một người trong anh em sẽ nộp Thầy… Gà chưa gáy anh đã chối Thầy ba lần.” (Ga 13,21.38)

Suy niệm: Hãy cứ đặt mình vào vị trí của Đức Giê-su để thấy được nỗi đau buồn, xót xa đang diễn ra trong tâm hồn của Ngài. Xuống thế để cứu chuộc con người, nhưng trớ trêu thay, khi sứ mạng đến hồi kết thúc thì Ngài lại bị chính con người phản bội. Mà kẻ phản bội ở đây, lại là chính những môn đệ thân tín của mình. Chúng ta như muốn trách móc những con người phản bội, những môn đệ vô ơn… Thế nhưng câu chuyện xưa kia vẫn còn nguyên tính thời sự: Sự chối từ Thiên Chúa, phản bội lại tình yêu của Ngài vẫn ứng vào chúng ta hôm nay, vẫn còn nhan nhản đó đây trong cuộc sống. Con người phản bội đó có thể là chính bản thân mỗi người. “Trông người mà nghĩ đến ta”! Chúng ta hãy nhìn những tấm gương tày liếp của các môn đệ phản thầy đó như một bài học để ta biết sống cho phải đạo đối với Thiên Chúa của mình.

Mời Bạn: Là môn đệ của Thầy Giê-su, chúng ta có đồng cảm và chia sẻ sứ mạng của Ngài chưa? Thiết nghĩ, điều tối thiểu mà mỗi người chúng ta phải có, đó là lòng trung thành với Thầy Giê-su. Trong tâm tình phụng vụ Tuần Thánh, chúng ta bày tỏ tình yêu cảm thông, chia sẻ với Thầy Giê-su trong việc hoàn thành sứ mạng cứu độ. Mời bạn tự vấn: Điều gì đang ngăn cản tôi sống trung tín với Thầy Giê-su?

Chia sẻ: Điều gì khác giữa Phê-rô và Giu-đa sau khi chối bỏ Thầy Giê-su?

Sống Lời Chúa: Kiểm điểm đời sống mỗi ngày và xin ơn sống trung thành với tình yêu Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con và đừng để chúng con phài lìa xa Chúa bao giờ. Amen.

Lạy Chúa Giê su mến yêu,

Mùa chay với những ngày tĩnh tâm là một chặng dừng cần thiết, là cuộc hành trình nội tâm của mỗi người chúng con. Cuộc hành trình của con sâu gỡ mình ra khỏi tổ kén để trở thành cánh bướm. Một cuộc đổi đời toàn bộ để thoát ra khỏi bóng tối của tội lỗi, khỏi mọi ràng buộc của đam mê bất chính, để thay hình đổi dạng nên mới và tốt đẹp hơn. Xin cho chúng con biết cúi mình xuống trong chân thành, khiêm hạ để có thể mở rộng tâm hồn đón nhận ân sủng Chúa ban. Vì biết rằng Chúa vẫn luôn mở ra cho chúng con một con đường mới. Vẫn tin tưởng, yêu thương, vẫn còn mãi bận lòng với mỗi người chúng con. Vì bao lâu chúng con đang sống trong bóng tối của phản loạn, của mưu mô phản bội là bấy lâu Chúa vẫn mòn mỏi tìm kiếm chúng con quay trở về với Chúa. Bởi vì dù sao đi nữa, Chúa không bao giờ thất vọng về chúng con. Chúa không bao giờ thay đổi tình yêu của Chúa đã dành cho chúng con. Như năm xưa Chúa đã mở cho Giuda con đường trở về, thế nhưng vì cứng lòng, vì thiếu niềm tin vào sự tha thứ của Chúa. Giuda đã tuyệt vọng, đã chết trong cô đơn và thất vọng.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã sống cuộc đời như chúng con. Chúa đã thấy mọi khó khăn, nhọc nhằn của kiếp ngườ. Chúa cũng biết rằng với thân phận con người, vốn dĩ mỏng dòn yếu đuối và gây ra bao nhiêu tội ác đối với anh em đồng loại. Chúa dạy chúng con phải biết yêu thương, gây hoà thuận và tạo bình an, nhưng chúng con đã không thể sống như thế, vì mỗi người chúng con còn cố chấp, còn đong đầy mối hiềm thù ghen ghét. Xin nhờ sức mạnh từ Thánh Thể Chúa mà chúng con lãnh nhận hằng ngày ban cho chúng con biết sống một cuộc đời như Chúa. Amen.

THỨ TƯ TUẦN THÁNH (Mt 26,14-25)

Khi ấy, một trong nhóm Mười Hai tên là Giuđa Iscariô, đi gặp các thượng tế và thưa với họ: “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?” Họ liền ấn định cho ba mươi đồng bạc. Và từ đó, hắn tìm dịp thuận tiện để nộp Người.

Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn Bánh không men, các môn đệ đến thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con sửa soạn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua ở đâu?” Chúa Giêsu đáp: “Các con hãy vào thành đến với một người kia, và nói rằng: Thầy bảo, giờ Ta đã gần, Ta sẽ mừng Lễ Vượt Qua với các môn đệ tại nhà ông”. Các môn đệ làm như Chúa Giêsu đã truyền và sửa soạn Lễ Vượt Qua. Chiều đến, Người ngồi bàn ăn với mười hai môn đệ. Và khi các ông đang ăn, Người nói: “Thầy nói thật với các con: có một người trong các con sẽ nộp Thầy”. Môn đệ rất buồn rầu và từng người bắt đầu hỏi Người: “Thưa Thầy, có phải con không?” Người trả lời: “Kẻ giơ tay cùng chấm vào đĩa với Thầy, đó chính là kẻ sẽ nộp Thầy. Thật ra, Con Người sẽ ra đi như đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nộp Con Người, thà kẻ đó đừng sinh ra thì hơn!” Giuđa kẻ phản bội cũng thưa Người rằng: “Thưa Thầy, có phải con chăng?” Chúa đáp: “Ðúng như con nói”.

Suy niệm 1

Ngày cuối cùng bên cạnh các môn đệ, có rất nhiều những tình cảm vui buồn lẫn lộn, có rất nhiều những phân vân lo lắng, có rất nhiều những ưu tư hoạch định… Nói chung là những thao thức của Chúa Giêsu. Nhưng thao thức làm cho Chúa đau xé con tim nhân tính của Ngài chính là: “Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy” (Mt 26,21). Câu nói này làm cho “các môn đệ buồn rầu quá sức”. Quả thật đây là chuyện động trời. Các môn đệ không thể ngờ một người cùng chia sẻ buồn vui với Thầy, với anh em trong suốt 3 năm trời lại có thể đối xử tệ bạc với Thầy như vậy. Chính Chúa Giêsu cũng đau đớn xác nhận: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26,24).

Đó không phải chỉ là câu chuyện xảy ra cho một mình Giuđa cách đây hơn 2000 năm, mà nỗi đau của Chúa vẫn còn âm ỉ, trái tim Chúa vẫn còn thao thức cho đến tận bây giờ, khi có những người, trong đó có chính bản thân tôi vẫn còn những lần phản bội Chúa. Mức độ không đến nỗi như Giuđa, nhưng ở với Chúa bao lâu nay tôi vẫn ngấm ngầm ý đồ phản bội trong tư tưởng, lời nói và việc làm. Nhiều khi đã thực sự phản bội Chúa khi không đi theo đường lối Chúa. Là con cái Chúa nhưng tôi đã không sống đúng với tư cách một người con cái Chúa. Là một gia trưởng, hiền mẫu nhưng tôi sống chưa đúng với một người chồng, người cha, người vợ, người mẹ…

Hậu quả sẽ thật tệ hại nếu tôi không nghe lời nhắc nhở của Chúa, của Hội thánh và của những người xung quanh để quay trở về hiệp thông với Chúa. Có lẽ Chúa cũng sẽ nói với tôi và những ai trong những lần sai lỗi mà vẫn còn cố chấp: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

Lạy Chúa, mùa Chay là thời gian nhắc nhở con quay trở về với Chúa. Mỗi ngày trong cuộc sống là một lời mời gọi của Chúa. Cả cuộc đời con là một mùa Chay để con ý thức mình phải luôn luôn quay trở về. Xin cho con đừng như Giuđa, không biết trân trọng tình yêu của Chúa, giả bộ làm môn đệ để thực hiện ý đồ riêng của mình. Xin cho con đừng như Giuđa, dù được Chúa nhắc nhở vẫn cố chấp trong tội của mình. Xin cho con quay trở về với Chúa, vì bao lâu còn ý thức sám hối là bấy lâu con còn cơ hội để được sống hạnh phúc với Chúa.

ĐỨC GIÊ-SU, NGƯỜI BỊ PHẢN BỘI

“Thầy bảo thật anh em, một người trong anh em sẽ nộp Thầy.” (Mt 26,21)

Suy niệm: Chúa Giê-su vẫn bị mang tiếng là hay giao du với những kẻ tội lỗi, với quân thu thuế. Chúa dạy chúng ta tránh xa tội lỗi chứ không tránh xa người có tội. Với tính cách đó, hôm nay Ngài cũng đồng bàn với Giu-đa, người đã có ý định phản bội nộp Ngài. Ngài luôn kiên nhẫn chờ đợi người tội lỗi sám hối như hôm nay Ngài chờ đợi ở Giu-đa. Ngài đã dùng cử chỉ và lời nói để khơi động lòng ăn năn hối lỗi của ông – “một người trong anh em sẽ nộp Thầy” – nhưng lương tâm của Giu-đa không còn bén nhạy nữa, ông đã liều mình đi vào đêm tối của tội lỗi; tiền bạc đã chiếm chỗ trong trái tim Giu-đa, không còn chỗ đứng cho Chúa Giê-su nữa. Chúa Giê-su hoàn toàn tôn trọng sự tự do của con người, ngay cả để cứu rỗi con người, Ngài cũng muốn con người tự do cộng tác.

Mời Bạn: Hãy để ý và lắng nghe từng lời nói của Chúa trong cuộc sống bạn; có khi Ngài cảnh báo bạn đang có nguy cơ đi lạc xa Ngài. Chỉ khi lắng nghe bạn mới nhận ra Ngài muốn bạn làm gì.

Sống Lời Chúa: Dốc lòng chừa một tội mà bạn hay phạm nhất. Và khi có ai đó nhắc nhở về một khuyết điểm hay góp ý xây dựng cho bạn về một điều gì đó, bạn không bực tức, tự ái nhưng hãy lắng nghe, xét mình cho kỹ để nhận ra điều mà bạn cần sửa chữa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã cứu chuộc chúng con bằng một giá rất đắt là bằng chính mạng sống của Ngài. Cái chết của Chúa là hậu quả của lòng tham lam, ghen ghét, kiêu ngạo… của chúng con chứ không phải chỉ là tội của Giuđa hay của ai khác. Xin ban cho chúng con lòng thống hối ăn năn và biết chê ghét tội trên hết mọi sự. Amen.

Lạy Chúa Giê su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con. Chúng con cảm tạ vì tình thương mà Chúa đã dành cho chúng con. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa bổ dưỡng và thêm sức mạnh cho chúng con trên hành trình hoàn thiện ơn gọi làm con Chúa nơi mỗi người chúng con.

Lạy Chúa, có lẽ Chúa rất buồn khi Giuda nhận tấm bánh từ tay Chúa mà vẫn đang tâm bội phản cùng Chúa. Và có lẽ hôm nay Chúa cũng rất buồn khi chúng con rước Chúa, mà lòng vẫn còn ngổn ngang trăm chiều những tính toán nhỏ nhoen, ích kỷ tầm thường. Chúa cũng rất buồn khi chúng con để những đam mê lầm lạc ràng buộc mọi ý chí tốt lành của chúng con.

Xin cho chúng con biết sống trọn vẹn trách nhiệm làm người của mình. Trách nhiệm phải sống như một con người biết sống đúng với phẩm giá con người. Trách nhiệm phải sống như là hình ảnh của Thiên Chúa không để những đam mê bất chính làm hoen mờ đi. Trách nhiệm phải trở nên gương sáng cho tha nhân qua đời sống chứng nhân cho tin mừng của Chúa.

Lạy Chúa, xin cho chúng con ơn hoán cải để chúng biết làm lại cuộc đời. Xin cho chúng con biết sống một cuộc đời đầy yêu thương, thánh thiện như hình ảnh ban đầu mà Chúa đã tạo dựng. Amen.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH (Ga 13,1-15)

Trước ngày Lễ Vượt Qua, Chúa Giêsu biết đã đến giờ Mình phải bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha, Người vốn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn đang ở thế gian, thì đã yêu thương họ đến cùng. Sau bữa ăn tối, ma quỷ gieo vào lòng Giuđa Iscariô, con Simon, ý định nộp Người. Người biết rằng Chúa Cha đã trao phó mọi sự trong tay mình, và vì Người bởi Thiên Chúa mà đến và sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Người chỗi dậy, cởi áo, lấy khăn thắt lưng, rồi đổ nước vào chậu; Người liền rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Vậy Người đến chỗ Simon Phêrô, ông này thưa Người rằng: “Lạy Thầy, Thầy định rửa chân cho con ư?” Chúa Giêsu đáp: “Việc Thầy làm bây giờ con chưa hiểu, nhưng sau sẽ hiểu”. Phêrô thưa lại: “Không đời nào Thầy sẽ rửa chân cho con”. Chúa Giêsu bảo: “Nếu Thầy không rửa chân cho con, con sẽ không được dự phần với Thầy”. Phêrô liền thưa: “Vậy xin Thầy hãy rửa không những chân con, mà cả tay và đầu nữa”. Chúa Giêsu nói: “Kẻ mới tắm rồi chỉ cần rửa chân, vì cả mình đã sạch. Tuy các con đã sạch, nhưng không phải hết thảy đâu”. Vì Người biết ai sẽ nộp Người nên mới nói: “Không phải tất cả các con đều sạch đâu”.

Sau khi đã rửa chân cho các ông, Người mặc áo lại, và khi đã trở về chỗ cũ, Người nói: “Các con có hiểu biết việc Thầy vừa làm cho các con chăng? Các con gọi Ta là Thầy và là Chúa thì phải lắm, vì đúng thật Thầy như vậy. Vậy nếu Ta là Chúa và là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau. Vì Thầy đã làm gương cho các con để các con cũng bắt chước mà làm như Thầy đã làm cho các con”.

Suy niệm 1

Chiều hôm nay có thể gọi một cách văn hoa là “chiều ly biệt”. Nhưng tôi thích gọi là “buổi chiều xé nát con tim”. Quả thật buổi chiều hôm nay làm cho con tim của Chúa phải nhiều lần chết nghẹt vì xúc động. Tất cả chỉ vì Ngài quá yêu thương: “Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng” (Ga 12,1).

Trước tiên là sự kiện Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Đây là sáng kiến độc nhất vô nhị trong toàn thể vũ trụ này. Chỉ một mình Thiên Chúa với tình yêu thương mới có thể nghĩ ra cách thức để được ở lại với con người. Đây là một tình yêu hiến mình.

Kế đến là việc Chúa Giêsu lập bí tích Truyền Chức Thánh để thông ban chức linh mục cho một số người Chúa tuyển chọn, với mục đích có người là hình ảnh của Chúa ở trần gian này, và thực hiện hành động ban phát lương thực là chính Mình Máu Ngài để nuôi sống những con người yêu thương, muốn sống gắn bó với Ngài. Đây là một tình yêu trao ban.

Cuối cùng là hành động quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ như một người đầy tớ phục vụ cho chủ mình. Chúa muốn để lại cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bài học về tình yêu phục vụ.

Lạy Chúa, đứng trước tình yê hiến mình, tình yêu trao ban và tình yêu phục vụ, con được mời gọi đáp trả lại tình yêu của Chúa để trở nên giống Chúa trong việc hy sinh hiến mình, trong việc trao ban tình yêu và phục vụ tha nhân. Con hy sinh cho gia đình con. Con trao ban hết tình yêu của con cho những người mà con gặp gỡ, nhất là những người thân trong gia đình. Con phục vụ hết thảy mọi người trong môi trường con đang sống. Lạy Chúa xin cho con biết lấy tình yêu đáp đền tình yêu. Cũng xin cho con biết lấy tình yêu xóa bỏ hận thù và khơi thông tình thương mến.

KÉO DÀI BỮA TIỆC HIỆP THÔNG

Đức Giêsu biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha, Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng. (Ga 13,1)

Suy niệm: Chúa Giê-su thường dùng hình ảnh bữa tiệc để nói về Nước Trời, Hôm nay, Ngài đã dùng chính bữa tiệc, bữa tiệc cuối cùng của đời Ngài trên trần gian để nói cho các môn đệ về tình yêu thương phục vụ, hiệp thông và chia sẻ. Bữa tiệc Thánh Thể mà Chúa Giê-su đã lập trong đêm thứ Năm Thánh là bằng chứng rõ rệt nhất của tình yêu. Và cho đến hôm nay, hơn 2000 năm đã qua đi, bữa tiệc ấy vẫn luôn hiện thực trên các bàn thờ trong các thánh lễ.

Mời Bạn: Để tiếp tục “tình yêu đến cùng” của Chúa Giê-su, chúng ta phải kéo dài bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ trong thánh lễ thành bữa tiệc hiệp thông trên bàn thờ thế giới này, nghĩa là trong cuộc sống, nơi trường học, công sở, xí nghiệp, v.v… bằng cách tiếp tục công việc hiến mình vì yêu của Chúa Giê-su qua đời sống bác ái phục vụ của bạn. Khi tái diễn hành động yêu thương, tha thứ, phục vụ trên những bàn thờ đó, chúng ta mới thực sự sống hiệp thông với Đức Giê-su.

Sống Lời Chúa: Tập thực hành đức yêu thương và phục vụ trong những việc nhỏ nhặt nhất trong đời sống thường ngày để dâng những công việc bác ái đó làm của lễ mỗi khi bạn tham dự bàn tiệc Thánh Thể.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết noi gương Chúa: sống yêu thương và phục vụ mọi người, nhất là những người nghèo khổ, nhỏ bé, bị quên lãng và cả những người thù ghét con vì Chúa đã để lại tấm gương đó cho chúng con như lời trăn trối cuối cùng: “Người ta cứ dấu đó mà nhận biết các con là môn đệ Thầy”. Amen.

THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Bài thương khó (Ga 18,1-19, 42)

Suy niệm 1

Con là ai trong hành trình thương khó của Chúa?

Con có phải là những Thượng tế, những biệt phái và Pharisêu muốn tiêu diệt Chúa để đừng làm phiền, đừng ai nhắc nhở những sai trái của con không?

Con có phải là dân chúng bàng quang, hoặc có tâm lý hùa theo đám đông mà không dám nói lên chính kiến của mình, để sẵn sàng làm ngơ hoặc hùa theo để kết án người khác?

Con có phải là những tên lính đã đánh đòn, đóng đinh, hành hạ Chúa cho hả cơn giận của con, mặc dù con biết Chúa không có tội gì. Có những bực bội, bức bối gì, về nhà con đổ trên đầu những người thân mà con có vẻ “trên cơ” họ?

Con có phải là những người phụ nữ thành Giêrusalem khóc thương chỉ vì tội nghiệp Chúa chứ chưa biết phải làm sao để cho Chúa hết đau?

Con có phải là tên trộm oán trách cuộc đời và thách thức Chúa: “Ông là con Thiên Chúa thì tự cứu mình và cứu chúng tôi với”?



Hay con là Simon sẵn sàng vác lấy thánh giá Chúa bằng cách san sẻ nỗi đau với người khác?

Hay con là Đức Mẹ, mạnh dạn, can trường bước theo con đường đau khổ của Chúa, không một vẻ yếu nhược, không một lời than thở, không một chút kêu than?

Hay con là Gioan đón lấy sứ mạng của Chúa để sẵn sàng hiến thân mình cho những chương trình, hoạch định của Chúa?



Có lẽ, lạy Chúa, xin cho con giống như viên đại đội trưởng: “Thấy sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 23,47). Đã biết bao lần con ngước nhìn lên Chúa bị đóng đinh, nhưng con đã xác tín niềm tin vào Chúa chưa? Câu hỏi này tiếp tục vang vọng trong tâm hồn con. Vang mãi, vang mãi cho đến chết.

NGÀI ĐÃ CHẾT VÌ TÔI

Chính Người vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Híp-ri là Gôn-gô-tha; tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa. (Ga 19,17-18)

Suy niệm: Giáo Hội mời gọi con cái mình đặc biệt chiêm ngắm sự việc Chúa Giê-su chịu khổ nhục thập giá để chuộc tội cho con người. Chính Người đã tự nguyện vác lấy thập giá. Người tự hiến mình cho những thụ tạo mà Người yêu. Người chịu đóng đinh cùng với tên cướp để nói lên sự tự hạ tột cùng của Người, như có lời chép: “Người bị liệt vào hàng tội nhân” (Is 53,12). Những tên trộm không ai khác hơn là chính mỗi người chúng ta. Chẳng phải khi chúng ta phạm tội, khi chúng ta lỗi nghĩa cùng Chúa và anh em, chúng ta đã tự tay lên án và đóng đinh Người vào thập giá đó sao? Ai đã từng biết yêu, ắt hiểu rằng tình yêu là cho đi, là dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu. Thế mà đã có nhiều lần chúng ta nói chúng ta yêu mến Chúa, chúng ta chưa thực sự nói bằng cả con tim của chính mình.

Mời Bạn: Thánh Bê-na-đô đã nói: “Chúa Ki-tô đã kích thích tình yêu nhân loại bằng cái chết của mình”. Bạn có cảm thấy mình được rung động bởi tình yêu thập giá Chúa hôm nay không?

Chia sẻ: Chúng ta cần có điều kiện gì, biện pháp gì để sống chấp nhận thập giá của mình như Chúa?

Sống Lời Chúa: Tôi quyết tâm cùng vác thánh giá với Chúa bằng một việc từ bỏ mình nào đó khi phục vụ anh em.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con còn có thể nói gì trước tình thương bao la của Chúa dành cho con? Con chỉ biết cúi đầu xin Chúa ơn tha thứ và xin Chúa gia tăng tình yêu của Chúa trong con mỗi ngày một hơn. Amen.

THỨ BẢY TUẦN THÁNH (Mt 28,1-10)

Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay”.

Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: “Chào các bà”. Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta”.

Suy niệm 1

Sứ điệp của Đấng Phục Sinh trong đêm nay là “Đừng sợ”.

Trong khi quân lính: “Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi” (Mt 28,4). Thì thiên thần Chúa trấn an các phụ nữ: “Này các bà, đừng sợ!” (Mt 28,5). Những lời đầu tiên của Đấng Phục Sinh cũng là: “Chị em đừng sợ” (Mt 28,10).

Lính canh sợ hãi vì họ vừa hành hình một con người vô tội, nay thấy người đó sống lại. Điều này thật khủng khiếp, với cái nhìn bình thường thì đây là ma quỷ hoặc oan hồn, về để hãm hại mình.

Còn mấy người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay lại háo hức, chờ đợi đến sáng để được gặp một con người mình thương mến, để làm những cử chỉ thương mến cuối cùng. Cử chỉ này có lẽ bình thường chúng ta không dám làm, đặc biệt là các bà: Ra mộ vào sáng sớm tinh sương, tìm người lăn tảng đá ra, ướp lại xác chết cho cẩn thận hơn… Các bà chỉ mong trọn tình vẹn nghĩa trong giây phút cuối cùng cho xong.

Thế nhưng Đấng Phục Sinh đã cho các bà niềm vui sâu xa và vĩnh cửu, là cho các bà được gặp gỡ Ngài. Nhưng muốn gặp gỡ Đấng Phục Sinh các bà phải vượt qua được nỗi sợ hãi. Chính vì vậy mà Đấng Phục Sinh chẳng những sai thiên thần, mà đích thân Ngài cũng đã trấn an các bà: Đừng sợ.

Trong cuộc sống hiện tại có nhiều nỗi sợ hãi khiến tâm hồn tôi không được bình an. Mà một khi không bình an thì chắc chắn không thể có niềm vui trong tâm hồn.

- Sợ hãi vì kinh tế của gia đình.

- Sợ hãi không biết tôi có sống trọn lời cam kết trong bí tích Hôn phối không?

- Sợ hãi vì việc giáo dục con cái ngày hôm nay khó khăn quá.

- Sợ hãi vì có nhiều cám dỗ khiến đức tin của tôi bị lung lay…

Chúa đã Phục Sinh và Ngài cũng sẽ nói với tôi: Đừng sợ! Vì có Chúa luôn ở bên. Nếu tôi vững tin vào Chúa thì chắc chắn tôi sẽ vượt qua được tất cả những nỗi sợ hãi trong cuộc sống đang ám ảnh tôi.

Lạy Chúa, xin cho con tin tưởng vào mầu nhiệm Tử Nạn- Phục Sinh của Đức Kitô, để con cũng biết chết đi con người của mình mỗi ngày, hầu có thể đón nhận niềm vui Phục Sinh trong Chúa. Lúc đó con sẽ không còn sợ hãi bất cứ điều gì, vì con đã chiến thắng được chính bản thân con bằng sức mạnh của Ngài.

CHÚA CHẾT

Người gục đầu xuống và trao Thần Khí. (Ga 19,30)

Mời Bạn đồng hành với Chúa Giê-su trên con đường thập giá và dừng lại trước cái chết của Người. Ai cũng mong có mặt bên người thân của mình trong những khoảnh khắc cuối cùng của người ấy. Dù là một bệnh nhân đang hấp hối trên giường hay một tử tội đang bị dẫn ra pháp trường xử bắn, đó bao giờ cũng là một khoảnh khắc hết sức thiêng liêng, một khoảnh khắc mầu nhiệm. Người thân của ta đang trải nghiệm nỗi chết! Kinh nghiệm này là của riêng người ấy, thuộc về một mình người ấy. Ta đứng đó, thiết tha muốn san sẻ, nhưng hiểu rằng mình không thể nào san sẻ được. Ta đứng đó, như để cho người thân mình vơi bớt nỗi cô đơn, nhưng kỳ thực là để nhìn ngắm nỗi cô đơn được người thân mình uống cạn. Ta đứng đó, lặng nhìn… Chúa Giê-su đã chết vì yêu ta. Tình yêu ấy trước hết gọi mời ta nếm cảm. Rồi, trong cuộc ‘đối thoại thinh lặng’ này, tình yêu của Người sẽ chinh phục và biến đổi ta, vừa trực tiếp vừa sâu xa hơn bất cứ thứ xúc cảm nào. Xin Chúa Thánh Thần giúp ta biết ‘buông mọi khí giới xuống’, và để cho Ngài làm việc…

Suy niệm: Đọc chậm rãi, trình thuật khổ nạn theo Ga 18,1 – 19,42 với tất cả ý thức và tâm tình.

Sống Lời Chúa: Gác lại việc vui đùa, tiết chế ăn uống, gia tăng việc bác ái để đồng cảm với cuộc khổ nạn của Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khổ nạn, Chúa đã đi đến cùng con đường vâng phục Thánh ý Cha, và đã san sẻ đến cùng thân phận kiếp người. Xin cho chúng con, từ nay, dù trong bất cứ cảnh ngộ nào của cuộc sống, cũng đừng bao giờ quên rằng: ‘Chúa đã chết vì yêu tôi’. Để từ nay, chúng con chỉ còn một nghĩa sống và một nghĩa chết mà thôi.



www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :