www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN V TN NĂM B

THỨ HAI TUẦN 5 TN

TIN MỪNG (Mc 6, 53-56)

Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

.XIN ÍT, CHO NHIỀU! MIỄN LÀ ĐÚNG Ý CHÚA

“Họ xin Người cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Người, và bất cứ ai chạm đến, thì đều được khỏi.” (Mc 6,56)
Suy niệm: Hành vi chạm vào tua áo của Chúa và kết quả được chữa lành bệnh thật chẳng tương xứng chút nào. Một đàng rất dễ, ai cũng làm được, nhất là khi ốm đau bệnh tật, “hữu sự vái tứ phương;” một đàng rất khó, không phải ai cũng làm được, là làm phép lạ, chỉ có Thiên Chúa và những ai được Ngài ban ơn mới có khả năng thực hiện thành công. Điều này chứng tỏ Chúa Giê-su là Thiên Chúa đang ở cùng nhân loại, là Đấng được Chúa Cha phái đến trần gian, để ai xin thì được, ai tìm thì gặp, và ai gõ sẽ mở cửa cho. Lắm khi ta xin ít Chúa lại cho nhiều, và ngược lại ta xin thật nhiều mà nhận được chẳng bao nhiêu, vì điều ta xin chẳng hợp với ý Ngài và không thực sự ích lợi cho phần rỗi của ta.

Mời Bạn: Bạn nhớ lại có lần Chúa bảo khi cầu nguyện anh em đừng nhiều lời như dân ngoại, đừng nghĩ nói nhiều sẽ được cho nhiều… Hãy xin điều cần thiết nhất cho cuộc sống là ơn cứu độ của Nước Trời, còn mọi sự khác Người sẽ ban cho.

Chia sẻ: Bạn cầu nguyện thế nào để lời cầu xin được Chúa nhậm lời?

Sống Lời Chúa: Hãy tâm niệm lời này: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa là Thiên Chúa, nhưng đã làm người để ban ơn cứu độ cho con người. Xin cho con luôn biết tìm đến Chúa mỗi ngày để được gần gũi, thân thiết với Chúa hơn và được Chúa nâng đỡ.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Chúa luôn thi thố tình yêu của mình cho nhân loại chúng con. Sự hiện diện của Chúa luôn mang lại hoan lạc tâm hồn cho những người nghèo đói, tật nguyền. Chúa luôn nâng đỡ và chữa lành cho những ai thành tâm đến với Chúa. Xin Thánh Thể Chúa nâng đỡ và gìn giữ chúng con trong tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa, những người bệnh tật năm xưa chỉ ao ước được chạm vào thân thể Chúa để được chữa lành. Giờ đây, chúng con cũng ao ước được rước Chúa vào tâm hồn chúng con. Chúng con xác tín vào quyền năng của Chúa có thể bảo vệ và chữa lành bệnh tật hồn xác của chúng con. Chúng con xin trao vào tay Chúa con người mỏng dòn đầy yếu đuối của chúng con. Xin chữa lành những tật nguyền trong linh hồn chúng con là những thói hư tật xấu, những đam mê lầm lạc, những thói lười biếng và tham lam đã làm mất đi vẻ đẹp của tâm hồn chúng con. Xin nâng đỡ ơn phần xác để chúng con luôn có một tinh thần vui tươi trong một thân xác khỏe mạnh.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết đến với Chúa Giê-su Thánh Thể mỗi ngày, để chúng con được ơn Chúa biến đổi nên hoàn thiện hơn. Amen.

THỨ BA TUẦN 5 TN: Th. Cô-lát-ti-ca, trinh nữ

TIN MỪNG (Mc 7, 1-13)

Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng. Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người: rửa bình, rửa chén và làm nhiều điều như vậy”. Và Người bảo: “Các ngươi đã khéo bỏ giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục của các ngươi. Thật vậy, Môsê đã nói: ‘Hãy thảo kính cha mẹ’, và ‘ai rủa cha mẹ, sẽ phải xử tử’. Còn các ngươi thì lại bảo: ‘Nếu ai nói với cha mẹ mình rằng: Những của tôi có thể giúp cha mẹ được là Corban rồi (nghĩa là của dâng cho Chúa)’, và các ngươi không để cho kẻ ấy giúp gì cho cha mẹ nữa. Như thế các ngươi huỷ bỏ lời Chúa bằng những tập tục truyền lại cho nhau. Và các ngươi còn làm nhiều điều khác giống như thế”.

Thánh Scôlastica, Trinh nữ (480-542?)

Những đứa con song sinh thường có điểm chung về mối quan tâm và tư tưởng với mức độ tương đương. Do đó, không lạ gì khi Scôlastica và em trai song sinh là Bênêđictô đều lập dòng. Cùng sinh năm 480 trong một gia đình giàu có, Scôlastica và Bênêđictô cùng được nuôi dưỡng cho đến khi Bênêđictô đi Rôma để tiếp tục việc học. Người ta biết ít về cuộc đời hồi nhỏ của thánh Scôlastica. Bà lập dòng nữ gần Monte Cassino ở Plombariola, cách dòng của cậu em 5 dặm.

Hai chị em song sinh thăm nhau mỗi năm một lần tại một căn nhà ở nông trại vì Scôlastica không được phép vào tu viện nam. Họ dùng những lần gặp nhau để bàn luận về các vấn đề tâm linh. Theo cuốn “Dialogues of St. Gregory the Great” (Đối Thoại của Thánh Grêgôriô Cả), hai chị em dành ngày cuối cùng ở bên nhau để cầu nguyện và đàm đạo. Thánh Scôlastica cảm thấy mình sắp chết nên xin em trai Bênêđictô ở lại với mình đến hôm sau. Thánh Bênêđictô từ chối vì ngài không muốn ở ngoài nhà dòng vào ban đêm, như vậy là vi phạm Tu Luật. Thánh Scôlastica xin Chúa cho sấm sét nổi lên để không cho Bênêđictô và các tu sĩ về nhà dòng. Bênêđictô kêu lớn: “Xin Chúa tha thứ cho chị. Chị làm gì vậy?”. Thánh Scôlastica trả lời: “Chị xin cậu mà cậu từ chối. Chị xin với Chúa và Ngài đã ban cho chị”.

Sáng hôm sau hai chị em chia tay sau thời gian đàm đạo dài. Ba ngày sau, Thánh Bênêđictô đang cầu nguyện trong nhà dòng thì thấy linh hồn chị bay về trời trong hình chim bồ câu trắng. Thánh Bênêđictô thông báo tin chị mất cho các thầy, rồi sau đó an táng chị tại ngôi mộ mà Thánh Bênêđictô đã chuẩn bị cho mình.

TÔN KÍNH CHÚA TỪ CON TIM

“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. ” (Mc 7,6)

Suy niệm: Gần ngày Tết, các phương tiện truyền thông lại ra rả nhắc nhở dân chúng coi chừng hàng giả. Ngày nay mọi sự đều có thể là đồ dỏm, từ thứ đáng giá tiền tỷ như thiên thạch đến bó rau, củ cà rốt cũng có thể là hàng Trung Quốc giả hàng Việt. Thế nhưng, tinh vi nhất và đáng trách nhất vẫn là những thứ giả liên hệ đến bản thân con người như thói giả nhân giả nghĩa hay thứ tình yêu giả hiệu khiến bao người bị lừa đau đớn. Thậm chí với Chúa, cũng có người dâng cho Ngài những thứ giả mà cứ làm như là thật. Đức Giê-su đã trách những người Pha-ri-sêu và các kinh sư thờ phượng Chúa trên đầu môi chót lưỡi, nhưng trái tim lại xa cách Ngài, chăm chăm tuân giữ các truyền thống xưa, còn điều răn yêu thương cốt lõi Chúa dạy thì lại bỏ quên không giữ.

Mời Bạn: Đức giáo hoàng Grê-gô-ri-ô Cả nhắc nhở: “Bạn nên cẩn thận tối đa kể cả khi làm điều thiện. Bởi vì có thể trong khi thực thi điều thiện, bạn đang tìm kiếm lợi lộc hay ân huệ từ người khác: hoặc bạn ước muốn được người khác ca ngợi, và muốn có những hiệu quả bên ngoài, chứ không phải phần thưởng bên trong” (Bài giảng TM 12). Bạn thấy cần cẩn thận như vậy không?

Sống Lời Chúa: Tôi chu toàn các qui định về tham gia phụng vụ, đồng thời cũng cố gắng sống tình mến với Chúa và với người lân cận.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa trách chúng con khi chúng con chỉ thờ phượng Chúa trên môi miệng, còn trái tim lại xa Chúa. Xin cho chúng con gặp gỡ Chúa thật sự trong các nghi lễ nhờ tâm tình yêu mến, và đồng thời cũng gặp gỡ Chúa nơi anh chị em chung quanh bằng đời sống bác ái. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã kêu gọi chúng con làm con cái Chúa. Xin giúp chúng con dám sống theo tinh thần phúc âm và sống hiếu thảo với Cha trên trời. Xin đừng để sự kiêu căng và giả tạo dẫn chúng con xa rời tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm ý Chúa và thực thi với trọn niềm tin yêu.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa cũng dạy chúng con phải thảo kính cha mẹ. Vì tình yêu của cha mẹ như trời bể mênh mông, như núi non cao vời, đòi hỏi chúng con phải sống đền ơn đáp nghĩa với công ơn sinh thành của mẹ cha. Xin giúp chúng con luôn khắc ghi ân tình mẹ cha như câu ca dao đã dạy: “Núi cao bể rộng mênh mông – Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”. Xin giúp chúng con đừng như những đứa con bất hiếu theo kiểu: “Tò vò mà nuôi con nhện, đến khi nó lớn nó quyện nhau đi”, nhưng luôn biết thảo ngoan, vâng lời, kính yêu mẹ cha.

Lạy Chúa Giê-su kính yêu, Chúa đã sống kiếp người như chúng con. Xin giúp chúng con biết noi gương Chúa. Càng lớn càng khôn ngoan và nhân đức trước mặt Thiên Chúa và người đời. Amen.

THỨ TƯ TUẦN 5 TN: Đức Mẹ Lộ Đức. Ngày Quốc tế Bệnh nhân.

TIN MỪNG (Mc 7, 14-23)

Khi ấy, Chúa Giêsu lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.

Lúc Người lìa dân chúng mà về nhà, các môn đệ hỏi Người về ý nghĩa dụ ngôn ấy. Người liền bảo các ông: “Các con cũng mê muội như thế ư? Các con không hiểu rằng tất cả những gì từ bên ngoài vào trong con người không thể làm cho người ta ra ô uế được, vì những cái đó không vào trong tâm trí, nhưng vào bụng rồi xuất ra”. Như vậy Người tuyên bố mọi của ăn đều sạch. Người lại phán: “Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.

Bài Đọc Lễ Đức Mẹ Lộ Đức

BÀI ĐỌC I (Is 66, 10-14c)

Các ngươi hãy vui mừng với Giêrusalem và hết thảy những ai yêu quý nó, hãy nhảy mừng vì nó. Hỡi các ngươi là những kẻ than khóc nó, hãy hân hoan vui mừng với nó, để các ngươi bú sữa no nê nơi vú an ủi của nó, để các ngươi sung sướng bú đầy sữa vinh quang của nó. Vì chưng Chúa phán thế này: “Ta sẽ làm cho sự bình an chảy đến nó như con sông, và vinh quang chư dân tràn tới như thác lũ, các ngươi sẽ được bú sữa, được ẵm vào lòng và được nâng niu trên đầu gối. Ta sẽ vỗ về các ngươi như người mẹ nâng niu con, và tại Giêrusalem, các ngươi sẽ được an ủi. Các ngươi sẽ xem thấy, lòng các ngươi sẽ hân hoan, và các ngươi sẽ nảy nở như hoa cỏ, và tôi tớ Chúa sẽ nhìn biết bàn tay của Chúa”.

TIN MỪNG (đọc bài Tin Mừng theo ngày)

Đức Mẹ Lộ ĐứcNgày 8-12-1854, Thánh GH Piô IX công bố Tín điều Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông huấn “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ). Hơn ba năm sau, ngày 11-2-1858, một phụ nữ trẻ đã hiện ra với Bernadette Soubirous. Trong lần hiện ra ngày 25-3-1858, phụ nữ này đã xác định: “Tôi là Đấng Vô Nhiễm”.

Bernadette là đứa trẻ ốm yếu, có cha mẹ nghèo, nhưng việc sống đức tin của họ luôn sốt sắng. Trong khi bị thẩm vấn, Bernadette đã nói những gì em thấy. Đó là “cái gì đó màu trắng có dáng một cô gái”. Bernadette đã dùng từ “aquero” – đặc ngữ địa phương nghĩa là “điều này”. Đó là “một phụ nữ khá trẻ có chuỗi Mân Côi trên tay”. Chiếc áo trắng có vòng xanh bao quanh, đầu đội khăn trùm trắng. Mỗi bàn chân có một bông hồng vàng. Bernadette cũng ấn tượng với sự thật là phụ nữ này không dùng cách nói bình dân với đại từ “tu” (Pháp ngữ, ngôi thứ hai số ít), mà dùng cách nói trang trọng với đại từ “vous” (Pháp ngữ, ngôi thứ hai số nhiều, nhưng với ý nói số ít).

Trinh nữ khiêm nhường hiện ra với một cô gái khiêm nhường và đối xử đàng hoàng. Qua cô gái khiêm nhường đó, Mẹ Maria đã tái sinh và tiếp tục tái sinh đức tin của hằng triệu người khác. Người ta từ khắp nơi bắt đầu tuôn đến Lộ Đức. Năm 1862, Giáo hội xác nhận tính đích thực của việc hiện ra này và ban phép tôn kính Đức Mẹ Lộ Đức cấp giáo phận. Lễ Đức Mẹ Lộ Đức được mừng kính trên toàn cầu từ năm 1907.

THAY ĐỔI TỪ BÊN TRONG

“Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế.” (Mc 7,15)
Suy niệm: Chiến tranh, khủng bố, giết người, cướp của, ly dị, phá thai,… không phải là chuyện “bên lề” hay bên ngoài đối với con người, nhưng chúng là hậu quả của lòng ham muốn của cải, quyền lực và nhục dục từ trong con người. Lòng độc dữ của con người là nguyên nhân phát sinh mọi thứ tội ác và nỗi khổ của con người. Nói cách khác, thay vì làm khởi sắc linh hồn là hình ảnh của Thiên Chúa, con người bóp méo bôi nhọ hình ảnh cao quý đó bằng các ý hướng xấu xa bên trong mình. Thiên Chúa là Đấng thấu suốt bên trong, Đấng thích tâm hồn đơn thành hơn của lễ, Ngài đòi buộc mọi người nhìn tận sâu thẳm tâm hồn để nhận diện chính mình để Ngài biến đổi con người chúng ta từ bên trong. Ngài thay đổi cuộc đời của Phê-rô bằng cái nhìn thấu suốt, khiến Phê-rô hối hận và trở lại với Chúa; làm biến đổi Gia-kêu tận bên trong khiến Gia-kêu dám từ bỏ cuộc sống tội lỗi để trở nên người lành thánh. Nếu mọi điều xấu xa xuất phát từ lòng người, thì con người cũng cần được Thiên Chúa biến đổi từ bên trong.

Mời Bạn: Nhiều người muốn làm đẹp mình bằng những mỹ phẩm thay vì tập thể dục. Cũng vậy, nhiều người chú ý đến cái đẹp bên ngoài hơn nét đẹp tâm hồn. Một tâm hồn sáng đẹp sẽ làm vui lòng Chúa và làm thế giới tốt đẹp hơn.

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày dành vài phút trầm lắng trước sự hiện diện của Chúa để cầu nguyện và xét mình.

Cầu nguyện: Xin Chúa chữa lành tâm hồn con, để con có một tâm hồn thánh thiện với những ước muốn ngay lành.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,Chúa là nguồn mạch sự sống trường sinh. Ai tin vào Chúa thì sẽ được sống muôn đời. Xin tuôn chảy nguồn sức sống thần linh của Chúa trên cuộc đời chúng con. Xin chữa lành hồn xác chúng con trong tình yêu của Chúa. Xin Chúa thương ngự xuống tâm hồn chúng con để ban bình an và chữa lành hồn xác chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, chúng con biết rẳng: mỗi lần chúng con phạm tội, là một lần chúng con lìa xa sự sống đời đời trong Chúa. Mỗi lần chúng con để những quyến luyến tội lỗi lưu lại trong tâm trí chúng con, là một lần ơn thánh hóa của Chúa đang mất dần nơi chúng con. Tội lỗi phá huỷ sự sống trần gian của chúng con. Tội lỗi cũng phá huỷ sự sống đời đời nơi chúng con. Xin Chúa thương gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin ban cho chúng con sức mạnh để lướt thắng những cám dỗ tội lỗi, và can đảm đứng dậy sau những lần vấp ngã.

Lạy Chúa, chỉ có Chúa mới có Lời ban sự sống đời đời. Xin Chúa phán một Lời để tâm hồn chúng con được chữa lành khỏi những tật nguyền tội lỗi. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 5 TN

TIN MỪNG (Mc 7, 24-30)

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt Tyrô và Siđon. Vào một nhà kia, Người không muốn ai biết Mình, nhưng Người không thể ẩn náu được. Vì ngay lúc đó, một bà kia có đứa con gái bị thần ô uế ám, bà nghe nói về Người liền đến phục lạy Người. Bà đó là người dân ngoại, dòng giống Syrô-phênixi, và bà xin Người trừ quỷ ra khỏi con bà. Người nói: “Hãy để con cái ăn no trước đã, vì không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Nhưng bà trả lời và thưa Người rằng: “Thưa Thầy, đúng thế, nhưng các chó con cũng được ăn những mụn rơi dưới bàn ăn của con cái”. Người liền nói với bà: “Vì lời bà nói đó, bà hãy về; quỷ đã ra khỏi con gái bà rồi”. Khi bà về đến nhà, thì thấy cô gái nhỏ nằm trên giường và quỷ đã xuất rồi.


LÒNG TIN CỦA BÀ NGOẠI GIÁO

“Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những miếng bánh vụn của đám trẻ nhỏ.” (Mc 7,28)
Suy niệm: Khi Chúa Giê-su ra đi rao giảng, lắm khi Chúa đã từ chối làm phép lạ cho người Do Thái “vì họ cứng lòng tin” (x. Mt 13,58). Trong khi đó, một người đàn bà ngoại giáo đến xin Chúa chữa cho đứa con bị quỉ ám, Chúa lại thốt lên những lời thật phũ phàng: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Người đàn bà này bất chấp những lời đầy thử thách đó nhưng đã bày tỏ đức tin mạnh mẽ, nhờ đó bà không chỉ nhặt nhạnh được “những miếng bánh vụn” mà còn hưởng được trọn vẹn ân huệ do lòng tin. William Barclay nhận xét: “Người đàn bà này tượng trưng cho thế giới ngoại giáo đang sốt sắng nhặt lấy những mẩu bánh vụn của thiên đàng mà dân Do Thái từ chối và vứt bỏ đi.”

Mời Bạn: Đứng trước những hoàn cảnh khó khăn, có khi thấy mình hoàn toàn bất lực, ta dễ bị cám dỗ thả tay vì nghĩ mình không xứng đáng được ơn Chúa hay Thiên Chúa bỏ rơi mình. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục đặt hết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng quyền năng và luôn trung tín, để rồi vẫn kiên trì cầu xin như người đàn bà trên đây, chắc chắn nhận được cả tấm bánh đầy đặn của lòng thương xót Chúa.

Sống Lời Chúa: Trung thành với giờ cầu nguyện hằng ngày của mình và của gia đình.

Cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin vui tươi, hạnh phúc… vì biết mình được yêu thương ngay giữa những sa mù của cuộc sống. Xin cho con đức tin cứng cáp,… để dù bao thăng trầm dâu bể, con cũng không tàn lụi niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người.” (Thắp Sáng Niềm Tin).

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn dành cho hết thảy mọi người. Chúa không thiên vị một ai. Chúa luôn sẵn lòng ban ơn cho những ai chạy đến với Chúa. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể chúc lành cho cuộc sống chúng con luôn bình an và tràn đầy hoan lạc.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Lời Chúa hôm nay cho chúng con thấy nét đẹp của việc đối thoại giữa Chúa và một người phụ nữ. Người phụ nữ luôn khiêm tốn và nhẫn nại trong đối thoại. Còn Chúa thì luôn hiền hoà và linh hoạt trong cách làm việc. Sự đối thoại chân thành đó đã mang lại hạnh phúc vô biên vì tìm được tiếng nói chung của sự cảm thông và nâng đỡ.

Ước gì loài người chúng con cũng biết đối thoại chân thành với nhau để thế giới được an bình và hạnh phúc. Ước gì mỗi người chúng con cũng biết đối thoại với nhau để hiểu biết nhu cầu của nhau, để nâng đỡ và chia sẻ với nhau. Xin Chúa Giê-su Thánh Thể liên kết chúng con nên một trong Chúa, để cùng nhau xây dựng xã hội mỗi ngày tốt đẹp hơn.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót, xin xót thương những ai đang nặng gánh u sầu, đang lầm than thất vọng. Xin thương đến phận người đầy những khó khăn của chúng con. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 5 TN

TIN MỪNG (Mc 7, 31-37)

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô qua Siđon đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh, Người ta đem đến cho Người một kẻ câm điếc và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh ta và bôi nước miếng vào lưỡi anh. Đoạn ngước mắt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ephpheta!”, nghĩa là “Hãy mở ra!”, tức thì tai anh ta mở ra và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được sõi sàng. Chúa Giêsu liền cấm họ: đừng nói điều đó với ai cả. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.

PHÁ ĐỔ BỨC TƯỜNG NGĂN CÁCH

Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: “Ép-pha-tha, nghĩa là: hãy mở ra!” Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. (Mc 7,34-35)

Suy niệm: Ngày 13/11/1989 bức tường Berlin (Bá-Linh) cao 8 mét, dài 700 cây số, sau 28 năm chia cắt thủ đô và đất nước Đức đã bị phá đổ, chấm dứt hận thù chia rẽ. Gia đình, dân tộc được đoàn tụ với nhau, nước Đức được thống nhất. Tật câm điếc như bức tường ngăn cách kẻ câm điếc với gia đình và xã hội. Điếc không nghe, không hiểu, không thông cảm với ai được; câm không nói, không cho người ta hiểu tâm tư nguyện vọng của mình. Sống giữa

người khác mà như bị nhốt tù trong bốn bức tường câm lặng. Đức Giê-su đã đến phá đổ bức tường câm điếc cho anh, anh có thể nghe được, nói được, và mọi người cũng nghe được và hiểu được anh. Tình liên đới, thương mến sống lại trong anh. Anh được đoàn tụ, hợp tác xây dựng cuộc đời tươi đẹp biết bao với mọi người.

Mời Bạn: Bạn có phải là người câm điếc tâm hồn, khép kín trong chính mình, tự cô lập, không chịu mở ra với người khác để đối thoại, trao đổi? Bạn hãy đến với tha nhân bằng thái độ chăm chú lắng nghe và nếu cần nói, hãy nói những lời mang tính xây dựng.

Chia sẻ: Nghe và nói là khả năng quan trọng của con người. Khi gặp một người khép kín, cô độc, bạn làm gì để có thể đến gần và quen với người đó?

Sống Lời Chúa: Tập lắng nghe tiếng nói của người cô đơn, người phiền muộn, kẻ âu lo, người nghèo đói và biết nói với họ những lời tình nghĩa yêu thương.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin phá đổ bức tường thành kiến trong tâm trí chúng con, để chúng con lắng nghe được tiếng gọi thổn thức của anh em, và tiếng thúc giục của Lời Chúa. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã thương ngự đến linh hồn chúng con. Xin Chúa cũng mang ơn thánh nâng đỡ và chữa lành hồn xác chúng con. Xin quyền năng Chúa mở tai chúng con để có thể nghe được tiếng Chúa. Xin mở miệng chúng con để có thể ca khen danh Chúa. Xin mở mắt chúng con để có thể thấy những mảnh đời bất hạnh mà cảm thông nâng đỡ.. Xin hãy mở tay chúng con để có thể đón nhận nhau trong yêu thương chân thành.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con khả năng biết yêu thương đồng loại. Xin đừng để chúng con giả điếc làm ngơ trước cảnh khốn cùng của tha nhân. Xin đừng để chúng con mù quáng trước nỗi đau của anh em. Xin giúp chúng con biết làm vơi đi những khổ đau cho anh em. Cuộc đời quanh chúng con còn biết bao nỗi thống khổ tột cùng, xin cho có nhiều người mang trái tim của Chúa để xoa dịu những thương đau.

Lạy Chúa, Chúa là vị lương y từ mẫu. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để biết lắng nghe và an ủi nhau, biết chạnh lòng thương và chia sẻ những đau thương vất vả trên đường đời. Xin giúp chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng con. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 5 TN: Th. Xy-ri-lô, đan sĩ và Mê-thô-đi-ô, giám mục

TIN MỪNG (Mc 8, 1-10)

Trong những ngày ấy, dân chúng theo Chúa Giêsu đông đảo, và họ không có gì ăn, Người gọi các môn đệ và bảo: “Ta thương đám đông, vì này đã ba ngày rồi, họ không rời bỏ Ta và không có gì ăn. Nếu Ta để họ đói mà về nhà, họ sẽ mệt lả giữa đường, vì có nhiều người từ xa mà đến”. Các môn đệ thưa: “Giữa nơi hang địa này, lấy đâu đủ bánh cho họ ăn no!” Và Người hỏi các ông: “Các con có bao nhiêu bánh?” Các ông thưa: “Có bảy chiếc”. Người truyền dân chúng ngồi xuống đất, rồi Người cầm lấy bảy chiếc bánh, tạ ơn, bẻ ra và trao cho các môn đệ phân phát. Các ông chia cho dân chúng. Các môn đệ còn có mấy con cá nhỏ. Người cũng đọc lời chúc tụng và truyền cho các ông phân phát. Dân chúng ăn no nê và người ta thu lượm những miếng còn thừa lại được bảy thúng. Số người ăn độ chừng bốn ngàn. Rồi Người giải tán họ, kế đó Người cùng các môn đệ xuống thuyền mà đến miền Đal-ma-nu-tha.

Thánh Cyrilô, Đan sĩ (827-884), và Thánh Mêthôđiô, Giám mục (825-869)

Hai anh em Cyrilô sinh năm 827 và Mêthôđiô sinh năm 825 tại Thessalonica, Đông Bắc Hy lạp. Cha của các ngài là một sĩ quan ở Hy lạp, nơi có nhiều người Slavs sinh sống, thế nên hai anh em này trở nên nhà truyền giáo, thầy dạy và vị bảo trợ của dân Slavs. Sau khi học hành giỏi giang, Cyrilô từ chối chức thống đốc khi em trai ngài chấp nhận là những người nói tiếng Slavs. Cyrilô rút về tu viện, nơi em trai Mêthôđiô làm tu sĩ sau vài năm làm thống đốc. Trước đó, Cyrilô được gọi là Constantine đến khi làm tu sĩ không lâu sau khi cha mất.

Sự thay đổi “định mệnh” xảy ra khi Công tước Moravia (ngày nay là Cộng hòa Czech) yêu cầu Hoàng đế Đông phương Michael cho độc lập về chính trị, tách khỏi quyền cai trị của Đức và tự trị Giáo hội vì đã có giáo sĩ và phụng vụ riêng. Cyrilô và Mêthôđiô hiểu sứ vụ truyền giáo của mình.

Công việc đầu tiên của Thánh Cyrilô là sáng tạo bảng mẫu tự, vẫn được dùng trong một số phụng vụ Đông phương. Những người theo ngài có thể thành lập bảng mẫu tự Cyrilô (Cyrillic alphabet), chẳng hạn trong tiếng Nga hiện đại, từ chữ hoa Hy Lạp. Họ cùng dịch Phúc Âm, Thánh Thi, các Thư của Thánh Phaolô và sách phụng vụ sang tiếng Slavs, lập nghi thức Phụng vụ Slavs, lúc đó khác nhiều.

Họ dùng thổ ngữ khi thuyết giảng nên dẫn đến đối lập trong giới giáo sĩ Đức. Đức giám mục không chịu phong chức giám mục và linh mục cho người Slavs. Thánh Cyrilô buộc phải đi Rôma. Trên đường đến Rôma, ngài và Thánh Mêthôđiô vui mừng khi thấy sách phụng vụ mới của hai anh em được ĐGH Adrianô II phê chuẩn. Thánh Cyrilô qua đời tại Rôma.

Thánh Mêthôđiô tiếp tục sứ vụ trong 16 năm nữa. Ngài là khâm sứ tòa thánh (papal legate) cho dân tộc Slavs, được phong chức giám mục và coi sóc một giáo phận mà nay thuộc Cộng hòa Czech. Khi nhiều vùng trong lãnh địa bị mất quyền hạn, các giám mục Bavaria phản hồi bằng cách chống lại thánh Mêthôđiô. Cuối cùng, Hoàng đế Louis người Đức bắt Thánh Mêthôđiô đi đày 3 năm, nhưng được tự do nhờ ĐGH Gioan VIII bảo lãnh.

Giáo sĩ người Frankish tiếp tục cáo trạng, Thánh Mêthôđiô phải đi Rôma để không bị kết tội dị giáo và bảo vệ việc dùng phụng vụ Slavs. Sau đó, ngài được minh oan.

Thời kỳ hoạt động sôi nổi của Thánh Mêthôđiô là dịch toàn bộ Kinh Thánh sang tiếng Slavs trong vòng 8 tháng. Ngài qua đời vào thứ Ba Tuần Thánh, các đệ tử vây quanh, và ngài được an táng tại nhà thờ chính tòa.

Sau khi ngài mất vẫn có những người phản đối, rồi công việc của hai anh em ở Moravia đến hồi kết thúc và các đệ tử của họ tản mác. Nhưng có hiệu quả lợi ích về việc truyền bá các hoạt động tâm linh, phụng vụ và văn hóa của hai anh em sang Bulgaria, Bohemia và Nam Ba Lan. Hai anh em là bổn mạng của Moravia, được tôn kính đặc biệt trong Công giáo ở Cộng hòa Czech, Slovaks, Croatia, kể cả trong Chính Thống giáo ở Serbia và Bulgaria. Thánh Cyrilô và Mêthôđiô là Tông đồ và là cha đẻ của văn chương Slavs, đồng thời là người bảo vệ sự hiệp nhất lâu dài giữa Đông phương và Tây phương. Năm 1980, ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong các ngài làm thánh bổn mạng Âu châu (cùng với Thánh Bênêđictô).

PHÉP LẠ DO LÒNG YÊU THƯƠNG

“Thầy chạnh lòng thương dân chúng.” (Mc 8,2)

Suy niệm: “Cháu thương các bạn nghèo”. “Bé Kin Kin gửi quà đến các bạn nghèo”. “Là sinh viên nghèo, nhưng cũng có thể ủng hộ một chút cho người nghèo”. “Mong Tết này nhà nào cũng có bánh chưng”. “Một chút tiền. Một chút tình”. “Sống là để yêu thương”. “Tôi ước mơ về một nước Việt không còn ai nghèo khó”… Đó là một vài thông điệp yêu thương, gửi kèm với mỗi thông điệp là 15 ngàn đồng, như những “chiếc bánh, con cá nhỏ” của hơn 448.000 tin nhắn (tương đương gần 7 tỉ đồng) dành cho người nghèo, trong chương trình “Nối vòng tay lớn”, tối 31/12/2006, đã góp phần làm nên “phép lạ” do lòng yêu thương giữa cuộc sống hôm nay. Sự kiện này nhắc nhớ chúng ta về phép lạ trong Tin Mừng hôm nay: do lòng chạnh thương, Chúa Giê-su đã biến bảy chiếc bánh và mấy con cá nhỏ của các môn đệ cho khoảng bốn ngàn người ăn no nê mà còn thừa được bảy giỏ đầy.

Mời Bạn: Đức Giê-su vẫn tiếp tục nuôi chúng ta hằng ngày hôm nay trong Thánh Thể. Một chút bánh và rượu, kết quả từ lao công của con người, được Chúa Giê-su biến thành Mình Máu Người để nên nguồn sức sống cho ta.

Chia sẻ: Có thể bạn là một trong những người đã gửi tin nhắn nói trên? Bạn có thể nghĩ ra một vài sáng kiến khác để yêu thương và chia sẻ không?

Sống Lời Chúa: Trong cuộc sống mỗi ngày, Thiên Chúa mời gọi chúng ta sống Mầu Nhiệm Thánh Thể là hy sinh, góp phần để cho cơm bánh được nhân lên chia sẻ cho mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã nuôi con mỗi ngày. Xin Chúa ban cho con quả tim biết xót thương trước những thiếu thốn của anh chị em.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã chọn tấm bánh là hình ảnh của chính Thân Thể Chúa. Vì tấm bánh cần thiết cho mọi người. Tấm bánh không kén chọn người ăn. Tấm bánh làm vui lòng mọi người. Từ trẻ thơ cho đến cụ già đều trân trọng, nâng niu tấm bánh được ai đó trao tặng. Xin giúp chúng con cũng biết bẻ tấm bánh cuộc đời chúng con để mang lại sức sống, niềm vui cho tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc đời con người chỉ thực sự có ý nghĩa khi trở thành hữu ích cho tha nhân. Cuộc đời vô nghĩa là vô dụng đối với anh em. Vì thế, Chúa vẫn mời gọi chúng con hãy có trách nhiệm với tha nhân. “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Chúa muốn chúng con hãy lãnh lấy trách nhiệm phục vụ sự sống của tha nhân. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa để sẵn lòng trao ban chính mình làm của ăn nuôi dưỡng tha nhân. Xin giúp chúng con đừng bao giờ nại vào nghi nan để lẩn trốn trách nhiệm, để sống dửng dưng trước nỗi thống khổ của tha nhân.

Lạy Chúa, Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Xin cho chúng con luôn mau mắn giúp đỡ những ai kêu cầu chúng con. Xin giúp chúng con biết dùng tài năng Chúa ban để mang lại lợi ích cho anh em. Amen.


www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :