www.langminhnews.net

Lời Chủ Chăn Tháng 05/2015

CÙNG BƯỚC THEO MẸ
Kính thưa Quý Cha thân mến,
Mỗi độ tháng năm về, lòng người giáo hữu lại rạo rực niềm vui tôn kính Đức Mẹ, diễn tả qua việc Rước kiệu, Dâng hoa, siêng năng lần chuỗi Mân Côi riêng tư hay trong gia đình và giáo xứ. Truyền thống tôn vinh Đức Mẹ nói trên rất quan trọng, cần được duy trì và phát huy vì đã nuôi dưỡng đức tin và khơi lên những tâm tình đạo đức thánh thiện nơi người giáo hữu Việt Nam qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trong môi trường xã hội tân tiến hôm nay, bên cạnh những truyền thống đạo đức nói trên, người tín hữu còn cần phải được hướng dẫn đời sống Đức tin theo gương Mẹ Maria để Đức tin chiếu soi và thấm nhuần vào tâm hồn và có sức sống trung thành với Chúa trước những quyến rũ của xã hội.
Trong chiều hướng đó, tôi muốn chia sẻ với quí Cha vài ba sứ điệp Đức Mẹ đã để lại ở ba nơi nổi tiếng và quen thuộc đối với giáo dân Việt Nam. Đó là La Vang, Lộ Đức và Fatima. Những sứ điệp này vừa cần thiết qua đời sống thiêng liêng của chính chúng ta, vừa dẫn đường chỉ lối cho mục tử của chúng ta hướng dẫn đoàn Dân Chúa trong hành trình sống Đức tin.
1.Sứ điệp Đức Mẹ tại La Vang
Theo tài liệu của Tòa Tổng Giám Mục Huế, vì chiếu theo cấm đạo gắt gao của vua Cảnh Thịnh ban hành ngày 17 tháng 8 năm 1798, nhiều giáo hữu ở gần đồi Dinh Cát ( nay là xã Quảng Trị ) đã đến lánh nạn tại núi rừng La Vang. Mặc dầu sống nơi rừng thiêng nước độc và trong hoàn cảnh ngoặt nghèo, thiếu ăn, bệnh tật, sợ hãi quan quân, sợ thú dữ, các giáo hữu vẫn một lòng cậy trông phó thác. Họ thường tụ tập nhau dưới gốc cây đa cổ thụ, cùng nhau cầu nguyện, an ủi cà giúp đỡ nhau.
Một hôm đang khi cùng nhau lần hạt kính Đức Mẹ, bỗng họ nhìn thấy một người phụ nữ xinh đẹp, mặc áo choàng rộng, tay bồng Chúa Hài Đồng Giêsu, có hai thiên thần cầm đèn chầu hai bên. Họ nhận ra ngay đó chính là Mẹ Maria. Mẹ tỏ lòng nhân từ, âu yếm và an ủi giáo dân vui lòng chịu khó; Mẹ dạy hái một loại lá cây có sẵn chung quanh đó, đem nấu nước uống sẽ lành các chứng bệnh và hứa : “Mẹ đã nhận lời các con kêu xin. Từ nay về sau, hễ ai chạy đến cầu khuẩn Mẹ tại chốn này, Mẹ sẽ nhận lời ban ơn theo ý nguyện”.
Lời của Đức Mẹ được ghi lại trên đây nói lên tình thương yêu của Mẹ đối với con cái thật bao la và vô điều kiện, nhất là đối với những con cái đau khổ biết chạy đến kêu cầu mẹ với tâm hồn tin tưởng và phó thác. Tình yêu này khơi lên niềm hy vọng và đem lại niềm an ủi đầy tràn trong lòng, không phải chỉ cho con cái của Mẹ năm xưa, nhưng cho con cái mọi thời đại.
Trong đời sống, nhất là trong hoàn cảnh của xã hội hôm nay, lòng cậy trông vào tình yêu của Mẹ cũng có khi bị thử thách, vì tình yêu che chở, bao bọc của Mẹ không luôn theo con đường, theo kiểu cách người ta nghĩ và mong muốn. Người ta kể câu chuyện dụ ngôn “Dấu chân trên cát”:
Đêm nọ, có một người, trong giấc mơ, thấy mình đang đi trên bãi biễn với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Anh ta thấy rõ hai đôi chân trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa. Nhưng cũng có những cảnh sống anh chỉ thấy có một đôi chân. Hồi tưởng lại cuộc sống, anh thấy những lúc chỉ có dấu một đôi chân chính là những lúc anh gặp gian truân, đau khổ trong cuộc đời. Anh hoang mang hỏi Chúa:
Lạy Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con trên mọi nẻo đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những lúc gian truân, đau khổ nhất của đời con, Chúa lại bỏ rơi con. Con bước đi lầm lũi một mình. Chúa thấy chỉ còn vỏn vẹn một đôi chân mà thôi.
Chúa ôn tồn trả lời:
Con yêu quý của Cha, Cha vẫn yêu thương con và chưa hề lìa xa con. Những lúc con thấy chỉ có dấu một đôi chân, thì đó chính là đôi chân của Cha vì lúc đó Cha đã bồng ẵm con trên tay Cha.
Như một phản xạ của tình yêu, khi được ai thương yêu, tự nhiên người ta muốn bắt chước theo người ấy. Khi cảm nhận được tình yêu thương của Đức Mẹ, người tín hữu cũng muốn tập theo nếp sống thương yêu của Đức Mẹ. Trong kinh “Thánh Mẫu La Vang” sau khi đã ca ngợi Đức Mẹ và nhắc lại các ơn thiêng Đức Mẹ đã rộng tay ban phát, các giáo hữu cũng cầu xin : “Xin cho chúng con tấm lòng từ bi nhân hậu, đại lượng bao dung, cùng nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống. Xin Mẹ phù hộ chúng con, luôn sống đức hạnh, đầy lòng cậy trông”.
2.Sứ điệp Đức Mẹ tại Lộ Đức
Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Bernadette, lúc đó chỉ là em bé 15 tuổi, tại Lộ Đức từ 11 tháng 02 đến 16 tháng 7 năm 1858. Các sứ điệp Đức Mẹ đã để lại tại Lộ Đức thì rất nhiều, nhưng tôi muốn chia sẻ với quý Cha hai sứ điệp của Đức Mẹ, có lẽ ít được nói đến. Đó là hai lời Đức Mẹ đã nói với em Bernadette trong lần hiện ra lần thứ ba, ngày 18 tháng 02.
“Con có muốn làm cho Mẹ một ơn là đến đây trong vòng 15 ngày không?”(Voulez-vous me faire la grâce de venir ici pendant quinze jours?)
Đây là những lời hiền diệu, tế nhị, đầy lòng kính trọng, nhưng lại phát xuất từ miệng Đức Mẹ Chúa Trời nói với một em bé 15 tuổi. Cứ như thể Đức mẹ nói với một người còn quan trọng hơn chính Đức Mẹ nữa ! Những lời này chỉ có thể phát xuất từ một tấm lòng toàn chất yêu thương. Thái độ và tâm tình của Đức Mẹ tại Lộ Đức xem ra cũng phảng phất nơi con người của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Các Đức Ông thư kí riêng của Đức Thánh Giáo Hoàng kể là trên bàn làm việc của Ngài có nút chuông bấm để gọi thư ký, nhưng trong suốt những năm tháng dài phục vụ Đức Thánh Cha, chưa hề thấy Ngài dùng chuông. Khi nào có việc gì cần, Đức Thánh Cha đứng lên và đích thân đến phòng thư ký xin giúp đỡ. Một thái độ tế nhị yêu thương không cần lời, nhưng đã in sâu vào lòng các vị thư ký. Người ta có thể quên nhiều điều Ngài nói, nhưng người ta không thể quên thái độ tế nhị và kính trọng của Ngài đối với thư ký của Ngài.
“Mẹ không hứa cho con hạnh phúc ở đời này, nhưng ở đời sau”.
Qua mấy lời ngắn ngủi, Đức Mẹ đã nâng tâm hồn em Bernadette hướng về quê trời, thế giới hạnh phúc mai sau. Sứ điệp này rất cần thiết trong xã hội hôm nay, khi người ta xem ra chỉ ngụp lặn trong thế giới vật chất mà chúng ta thường gọi là ‘chốn tạm bợ’. Ngay cả các công tác mục vụ đôi khi cũng loay hoay chung quanh những nhu cầu của cuộc sống hiện tại, còn thế giới mai sau xem ra chỉ là những ý tưởng trừu tượng. Chính Chúa Giêsu đã nhắc nhở các môn đệ của Ngài về viễn tượng đời sau, ngay chính trong những thành công mục vụ sau : ‘Nhóm bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói : ‘Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con.’ Chúa Giêsu bảo các ông: ‘Đây, Thầy đã ban cho các con quyền năng để đạp trên rắn rết, bọ cạp và mọi thế lực Kẻ Thù, mà chẳng có gì làm hại được các con. Tuy nhiên, các con chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục các con, nhưng hãy mừng vì tên các con đã được ghi trên trời.’ (Lc 10,17-20).
Vì thế, những lời Đức Mẹ đã nói với Thánh Bernadette cần phải được lắng nghe với tâm tình yêu mến thiết tha, như thể Đức Mẹ nói cho chính chúng ta và cho công tác mục vụ hướng dẫn đoàn chiên Chúa trao cho chúng ta.

3.Sứ điệp Mẹ Fatima
Đức Mẹ hiện ra với ba em bé chăn chiên : Lucia, Phanxicô và Giacinta, tại Fatima lần đầu tiên vào ngày 13 tháng 5 năm 1917. Lần thứ III khi Đức Mẹ hiện ra ngày 13 tháng 7, các em đã được Đức Mẹ cho thấy thị kiến hỏa ngục. Chị Lucia kể lại các thị kiến đó như sau :
“Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa rất lớn, hình như ở dưới lòng đất. Ngụp lặn trong biển lửa đó là ma quỷ và các linh hồn, như thể những cục than trong như pha lê màu đen hoặc vàng cháy giống hình người, bị đẩy lên đẩy xuống trong đám cháy, phát ra những tia lửa và đám khói, rơi xuống tứ tung như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, không trọng lượng, không cân bằng, giữa những tiếng la hét thất thanh, đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh tởm và run sợ vì khiếp đảm. Lũ quỷ có thể nhận ra được vì những hình thù ghê tởm là nôn mửa của thú vật gây khiếp đảm và chưa hề thấy, nhưng trong như pha lê và đen. Thị kiến này chỉ xảy ra trong giây phút và nhờ Đức Mẹ đã hứa trước là sẽ đưa chúng tôi lên trời, nếu không chắc chúng tôi sẽ chết vì khiếp đảm và sợt sệt…
Chúng tôi nhìn thấy về phía trái Đức Mẹ, hơi xếch lên trên có một thiên Thần, tay trái cầm ngọn giáo lấp lánh phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới, nhưng tắt ngấm khi tiếp xúc với ánh hào quang phát ra từ tay phải của Đức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần. Tay phải của Thiên Thần chỉ mặt đất và nói giọng rất lớn : ‘Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội !’ (Trong thị kiến này, chị Lucia nói đến vị Giám mục mặc áo trắng và chị nghĩ là Đức Thánh Cha, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ leo lên ngọn núi cao, dốc mà trên đỉnh có cây Thánh Giá lớn…)
Ngay trong lần hiện ra thứ I, ngày 13 tháng 5 năm 1917, Đức Mẹ đã hỏi ba trẻ chăn chiên:
Các con có muốn dâng mình cho Thiên Chúa, chấp nhận chịu mọi đau khổ Người gửi đến để đền trả các tội người ta đã xúc phạm đến Người và khẩn cầu xin cho các kẻ có tội được ăn năn trở lại không?
Vâng, chắc chắn là chúng con muốn.`
Vậy thì các con sẽ gặp phải rất nhiều đau khổ, nhưng ơn Chúa sẽ trợ giúp các con.
Để giải quyết các vấn đề lớn lao của thế giới như chiến tranh, bất công, áp bức, tục hóa, vô thần… cần phải có những sáng kiến về văn hóa, khoa học, chính trị, kinh tế, ngoại giao, những suy tư về thần học, mục vụ… Nhưng tại Fatima, Đức Mẹ kêu gọi hãm mình đền tội và xin các em “chấp nhận chịu mọi đau khổ Người gửi đến để đền trả các tội Người ta đã xứng đáng đến Người và khẩn cầu xin cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại”. Tại sao?
Các công tác mục vụ, các sáng kiến văn hóa, xã hội và chính trị rất quan trọng để giải quyết các vấn đề của nhân loại, nhưng không đủ, vì căn nguyên, cội rễ của các vấn đề là lòng con người chiều theo sự dữ và xúc phạm đến tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có ơn thánh của Chúa mới có khả năng cải hóa và thay đổi lòng người là nguồn gốc của các chương trình, dự án và hành động tội lỗi. Chính vì vậy, để cứu chuộc nhân loại, Chúa Giêsu đã giảng dạy đám đông, đã làm nhiều phép lạ, đã phục vụ và chữa lành các bệnh nhân,… nhưng vẫn không đủ. Cuối cùng, Chúa đã phải chấp nhận chịu đau khổ, tức là đối đầu với sức mạnh của sự dữ trong lòng con người bằng sức mạnh của tình yêu thần linh của Thiên Chúa. Nhờ tình yêu, Chúa Giêsu đã biến những đau khổ rùng rợn, với cái chết vô cùng nhục nhã, thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Nhờ sức mạnh của tình yêu, đau khổ không còn là nỗi bất hạnh, nhưng là nguồn ơn thánh. Vì vậy, trong sứ mệnh mục tử, chúng ta cần có nhiều sáng kiến mục vụ, nhưng chúng ta còn cần phải biết chấp nhận mọi đau khổ lớn nhỏ trong cuộc sống và trong sứ mệnh bằng sức mạnh tình yêu để biến chúng thành nguồn ơn cứu độ cho đoàn chiên Chúa đã trao phó và cho tất cả Giáo Hội và thế giới.
Ước gì trong Năm Thánh Kim Khánh Giáo Phận, tất cả chúng ta đều được Đức Mẹ cảm hóa theo những tâm tình của Ngài và hướng dẫn chúng ta trong đời dâng hiến và sứ mệnh linh mục của chúng ta.
Với lòng quí mến, xin kính chào quý Cha.

+Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
http://giaophanxuanloc.net/loi-chu-chan/loi-chu-chan-thang-052015-3591.html 

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :