www.langminhnews.net

Lời Chủ Chăn Tháng 01/2016

“PHÚC THAY AI XÂY DỰNG HÒA BÌNH” (Mt 5, 9)

Kính thưa quý Cha thân mến,
Hàng năm, Giáo Hội Công Giáo dành ngày 01 tháng 01 để cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới và để thức tỉnh lương tâm nhân loại về những căn nguyên cũng như nguy hiểm gây hiền thù, chiến tranh, đồng thời mở ra những hướng đi để xây dựng và gìn giữ Hòa bình.

Truyền thống này đã được bắt đầu năm 1968 do Chân phước Giáo hoàng Phaolô VI. Và từ đó, ngày 01 tháng 01 mỗi năm các Đức Giáo hoàng đều cử hành Thánh lễ cầu nguyện cho Hòa bình Thế giới và nhân dịp này, còn gửi Sứ điệp với đề tài thích hợp theo hoàn cảnh để mời gọi mọi người suy nghĩ và hành động cho hòa bình thế giới.

Trung thành với truyền thống này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa Bình 2016 với chủ đề: “Thắng Dửng Dưng và Đạt Hòa Bình”. Dựa vào giáo huấn trong Sứ điệp nói trên của Đức Thánh Cha Phanxicô, tôi muốn chia sẻ với quý Cha đôi suy nghĩ về sứ mệnh xây dựng hòa bình, như một khía cạnh cần quan tâm trong công tác mục vụ của chúng ta.

Với niềm hy vọng
Ngay từ những dòng đầu tiên của Sứ điệp cho Ngày Thế giới Hòa Bình năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi phải nuôi dưỡng niềm hy vọng và giữ vững những lý do để hy vọng. (x. Sđ, số 2).

Năm 2015 đã là một năm rất dao động với nhiều cuộc chiến tranh, khủng bố, phá hoại, bắt cóc làm con tin, bách hại vì chủng tộc và tôn giáo, thiếu thốn vật chất và an ninh, v.v. đến độ người ta có thể nói chiến tranh thế giới thứ ba đã bắt đầu từng phần (x. Sđ, số 2). Đứng trước tình trạng này, nhiều người có thể nản chí hay thất vọng về viễn tượng hòa bình. Do đó, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi “không được để mất niềm hy vọng vào khả năng của con người, nhờ ơn Chúa giúp, có thể thắng được sự dữ” (Sđ, số 2).

Trong công tác mục vụ, thường chúng ta không phải đối đầu với những vấn đề lớn lao của thế giới đã nói ở trên, nhưng ở bình diện giới hạn của công tác mục vụ, vấn đề cũng không thiếu và lắm khi cũng rất khó khăn. Chúng ta có thể kể ra một số hoàn cảnh làm cho cuộc sống mất an bình và hạnh phúc, chẳng hạn: xích mích và có khi bạo động giữa hai vợ chồng, kéo theo gia đình hai bên; con cái bướng bỉnh, chạy theo các đam mê, gây bất an và có khi cả tội ác; tranh giành, lừa đảo giữa những người làm chung xí nghiệp, hoặc cùng buôn bán; cạnh tranh giữa bạn bè, hàng xóm, v.v. Những hoàn cảnh trên đây lắm khi rất phức tạp và khó giải quyết. Do đó, ngay cả trong công tác mục vụ, chúng ta cũng cần phải nuôi dưỡng niềm hy vọng và, hơn nữa, còn tin tưởng vào khả năng con người, nhờ vào sức mạnh của ơn thánh, có thể thắng được sức mạnh của sự dữ, như lời Đức Thánh Cha Phanxicô mà chúng ta đã trích ở trên.

Thực ra, hòa bình, hay nói theo ngôn ngữ thông thường, sự an hòa trong các mối tương quan giữa con người, không phải chỉ là ước mơ của con người, mà còn là ước mơ và chương trình hành động của Thiên Chúa. Nhiều trang Sách Thánh đã quả quyết điều này, nhưng ở đây, tôi chỉ trích lại hai đoạn sách, một đoạn từ Cựu Ước và đoạn thứ hai từ Tân Ước:

- “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết ĐỨC CHÚA sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển.” (Is 11, 6-9).

- “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do Thái và dân ngoại, thành một; Người đã hy sinh thân thể mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha. Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, bởi đã được xây dựng trên nền móng là các Tông Đồ và ngôn sứ, còn đá tảng góc tường là chính Đức Kitô Giêsu. Trong Người, toàn thể công trình xây dựng ăn khớp với nhau và vương lên thành ngôi đền thánh trong Chúa. Trong Người, cả anh em nữa, cũng được xây dựng cùng với những nười khác thành ngôi nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thần Khí.” (Eph 2, 14-22).
Đó là lý do chính yếu vì sao chúng ta có thể hy vọng là hòa bình có thể thiết lập được, cho dù hiện nay người ta chỉ thấy hằn thù, xích mích, bạo động và chiến tranh. Chúng ta thật hạnh phúc và hân hạnh được cộng tác với Thiên Chúa trong chương trình kiến tạo hòa bình cho tất cả nhân loại. Đây là chương trình lớn lao, nhưng cần kiên trì thực hiện ngay cả trong những hoàn cảnh nho nhỏ của cuộc sống hằng ngày.

Thắng Dửng Dưng
Trong công tác kiến tạo hòa bình, có rất nhiều khó khăn và cản trở cần phải thắng vượt. Tuy nhiên, một cản trở được Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc đến cách đặc biệt là thái độ dửng dưng, đứng trước những vấn đề của tha nhân và ngay cả những thảm cảnh của xã hội. Thái độ dửng dưng ở Việt Nam còn được gọi là thái độ vô cảm, mà theo Sứ điệp Ngày Thế Giới Hòa Bình của Đức Thánh Cha Phanxicô, đây không còn là vấn đề của một vài cá nhân, nhưng của rất nhiều người, tạo nên hiện tượng dửng dưng hay vô cảm toàn cầu. Thái độ dửng dưng hay vô cảm làm cho người ta không có khả năng nhận thấy nhu cầu của tha nhân, hay có khi nhận thấy nhu cầu, nhưng lại không muốn “dây mình” vào vấn đề của người ta.

Thái độ dửng dưng hay vô cảm là một vấn đề rất trầm trọng đối với một linh mục, vì đây không phải chỉ là một thiếu sót luân lý cho riêng cá nhân mình, mà là sự phản bội đối với sứ mệnh mục tử của ơn gọi Linh mục. Một đoạn sách của ngôn sứ Ezechiel nói về các mục tử của Israel có thể cho thấy tầm mức quan trọng của vấn đề: “Hỡi con người, hãy tuyên sấm hạch tội các mục tử chăn dắt Israel, hãy tuyên sấm… : ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng phán thế này: Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm…Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.” (Ed 34, 2-6).

“Hãy đi và làm như vậy” (Lc 10,37)
Con người thời đại có khuynh hướng đóng kín lòng trí trong những bận tâm, lo lắng về những nhu cầu và vấn đề riêng tư của cá nhân hay gia đình mình. Người ta có thể rất bồn chồn, lo lắng khi gặp một chút khó khăn, nhưng lại dửng dưng đứng trước những thảm trạng của tha nhân, có khi là người hàng xóm. Thái độ này cũng có thể xảy ra nơi anh em linh mục chúng ta. Tôi đau lòng khi nghe biết có người anh em linh mục quá nguyên tắc đến độ như vô tâm, vô cảm trước những nỗi thống khổ mà một người nhạy cảm và có lòng thương người sẽ cảm thấy xót xa. Chỉ cần một chút uyển chuyển là đủ để giải quyết xong vấn đề, tránh được bao nhiêu khó khăn cho một người đang khắc khoải trông chờ, thế mà vẫn một mực chối từ. Tại sao vậy?

Các lý do làm phát sinh ra thái độ dửng dưng, vô cảm có thể rất nhiều, nhưng một vài lý do chúng ta có thể tìm thấy trong dụ ngôn “Người Samaritanô nhân hậu” (Lc 10, 29-37). Dụ ngôn kể một người đi từ Giêrusalem xuống Giêricô bị quân cướp đánh nhừ tử, nằm nửa sống, nửa chết trên đường. Một thầy tư tế đến nơi, lánh qua một bên mà đi; một người chi tộc Lêvi đi qua, cúng lánh sang một bên mà đi; người thứ ba là một ông người xứ Samaria đi đến, thấy thế, chạnh lòng thương, đưa về quán trọ để săn sóc. Thầy tư tế và người chi tộc Lêvi đúng là thứ người dửng dưng, vô cảm! Vì trong ngụ ngôn. Chúa Giêsu không cắt nghĩa lý do của thái độ đáng trách của thầy tư tế và người chi tộc Lêvi, Mục sư Martin Luther King, trong cuốn sách “The Strength of Love”, dựa vào kinh nghiệm sống của mình, đã đưa ra một số lý do: sợ quân cướp, bận việc, có người chờ, ngại phiền toái… Đó là những lý do thực, nhưng chúng chỉ là những lý do bề nổi. Đây là dụ ngôn Chúa nói về tình thương yêu. Vì vậy, lý do chính yếu là thiếu tình thương yêu, hay tình yêu mục tử trong lòng chưa mạnh đủ. Một mục tử có lòng yêu mến Chúa và thương yêu đoàn chiên Chúa trao phó, sẽ tìm ra đủ lý do để giúp đỡ và có dư sức mạnh để coi thường việc khác, cũng như một bà mẹ thương yêu con, khi đau ốm, người mẹ bỏ ăn, bỏ ngủ để lo cho con! Đây là hình ảnh nhẹ nhàng và gần gũi của người Samaritanô nhân hậu trong dụ ngôn mà Chúa mời gọi chúng ta bắt chước: “Hãy đi và làm như vậy!”

Kính thưa quý Cha, trong Năm Mới 2016, cũng là Năm Thánh “Lòng Thương Xót”, tôi ao ước biết bao được thấy tất cả anh em linh mục của Giáo phận Xuân Lộc chúng ta sẽ trở thành những sứ giả của Thiên Chúa, “Đấng nhân hậu và từ bi, chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín” (Xh 34, 6). Ước gì đoàn Dân Chúa trong Giáo phận sẽ được đón nhận và che chở bởi mục tử, hiện thân của Thiên Chúa là Đấng hay thương xót: “ Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng mặc lấy sự yêu đuối để có thể cảm thông với những người mê muội lầm lạc. Xin làm cho tất cả những ai tiếp cận với các ngài đều cảm thấy họ đang được Thiên Chúa quan tâm, yêu mến và thứ tha” (Kinh Năm Thánh).
Thân ái mến chào quý Cha.

Đaminh Nguyễn Chu Trinh
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :