www.langminhnews.net

DẪN LỄ TAM NHẬT VƯỢT QUA

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
THÁNH LỄ TIỆC LY

- Hát Kinh Chúa Thánh Thần (quỳ)
- Kinh Tin-Cậy-Mến. Kinh Năm Thánh.
- Tùy nghi đọc các kinh theo thói quen của giáo xứ.
LỜI DẪN
Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,
Mẹ Hội Thánh đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành Phụng Vụ trọng đại của Tam Nhật Vượt Qua, được bắt đầu với Thánh Lễ Tiệc Ly chiều nay và kết thúc vào đêm Vọng Phục Sinh.

Mỗi năm, người Do Thái mừng Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ biến cố Thiên Chúa đã giải thoát họ ra khỏi đất Ai Cập. Chúa Giêsu mượn biến cố này để khai mào Cuộc Thương Khó của Ngài, khi cùng với các môn đệ thân tín dùng bữa ăn Vượt Qua. Nhưng Ngài muốn cho bữa ăn nầy trở thành bữa tiệc của Giao Ước mới mà Ngài sẽ thiết lập, khi đổ máu mình trên Thập Giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn và thức uống, Ngài muốn chúng trở thành Mình và Máu Ngài, để nuôi dưỡng thế gian.

Mỗi lần cử hành Thánh lễ, cộng đoàn Dân Chúa hiện tại hóa bữa tiệc của Chúa Giêsu để tưởng niệm Ngài đã chết và sống lại, mừng vui vì Ngài hiện diện và trông chờ Ngài lại đến. Nhưng hôm nay, đặc biệt hơn những ngày khác, ngày Chúa Giêsu đã lập Bí tích Thánh Thể và thiết lập chức Linh Mục Thượng Phẩm, để qua các linh mục, Chúa tiếp tục sự hiện diện của Ngài luôn mãi với nhân loại trong mầu nhiệm Thánh Thể cho đến ngày Chúa lại đến trong vinh quang.

Hôm nay, linh mục thực hiện điều mà chính Thầy Chí Thánh đã trối lại là rửa chân cho các môn đệ. Qua cử chỉ này, Chúa muốn dạy các môn đệ - và cả chúng ta nữa - bắt chước Ngài, để luôn cúi mình yêu mến, phục vụ anh chị em.

Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các Đức Giám mục và các Linh mục luôn là những mục tử như lòng Chúa ước mong, là quà tặng của Thánh Tâm Chúa cho nhân loại.

Chúng ta cùng bước vào thánh lễ chiều nay với trọn tâm tình yêu mến, chúc vinh và cảm tạ.

Kính mời cộng đoàn đứng.
I. NGHI THỨC NHẬP LỄ
- Hát Ca Nhập Lễ: x. Gl 6,14
- Hành động Sám Hối
- Kinh Vinh Danh (Rung chuông – Sau đó không rung chuông cho đến Vọng Phục Sinh)
- Lời Nguyện Nhập Lễ (Sách lễ Rôma tr. 255)


II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Xh 12,1-8.11-14
“Những chỉ thị về bữa tiệc Vượt Qua”
Lời dẫn: Sách Xuất Hành nhắc lại lệnh truyền của Thiên Chúa với dân Do Thái/ về việc tổ chức và ăn lễ Vượt Qua/ trong chính ngày Thiên Chúa giải thoát dân khỏi ách nô lệ Ai Cập. Đó là hình ảnh cho lễ Vượt Qua của dân mới.

2. Đáp ca: Tv 115, 12-13.15-16bc.17-18.

3. Bài đọc II: 1Cr 11,23-26
“Mỗi khi anh em ăn và uống, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết”
Lời dẫn: Trong thư gửi tín hữu Côrintô, thánh Phaolô thuật lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể trong bữa Tiệc Ly, nhằm tiếp tục Hy Tế Thập Giá của Ngài, và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng dân mới trên cuộc Vượt Qua.

4. Câu xướng: Chúa phán: “Thầy ban cho các con một giới răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”.

5. Tin Mừng: Ga 13,1-15

NGHI THỨC RỬA CHÂN

Lời dẫn: Giờ đây là Nghi Thức Rửa Chân.

Linh mục chủ tế làm lại chính việc mà Chúa Giêsu đã làm là rửa chân cho các môn đệ. Tuy là Thầy, là Chúa, vậy mà Ngài đã cúi xuống rửa chân cho môn sinh, lưu lại cho họ lệnh truyền trọng đại: “Thầy đã làm gương cho các con, để các con cũng hãy rửa chân cho nhau”.

Ngoài ra, ngày qua ngày, chúng ta thường bị dính đầy bụi bặm của tội lỗi, thói hư, thành kiến làm cho tâm hồn vẩn đục không nhìn thấy chân lý và điều thiện hảo. Qua các bí tích, Chúa Giêsu vẫn cúi xuống thanh luyện tâm hồn chúng ta nên thanh sạch, cho ta xứng đáng thông hiệp với Ngài.

Chúa Kitô là ”Đấng đã đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ” (Mt 20,28), và Ngài muốn phục vụ hết mọi thành phần Dân Thiên Chúa vì Ngài muốn hiến thân cho phần rỗi của toàn thể nhân loại.

Xin cho bài học tình yêu khiêm tốn phục vụ của Chúa hôm nay thấm nhập vào đời ta, để nhờ đời sống quên mình phục vụ tha nhân của ta, mà nhiều người có thể nhận ra chúng ta là môn đệ của Thầy Giêsu.

6. Lời Nguyện Chung
Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng và hiệp dâng Lời Nguyện Chung.

IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Lời dẫn: Nghi thức Rửa Chân chúng ta vừa tham dự/ mang tính tưởng niệm tâm tình và hành động của Chúa xưa tại phòng Tiệc Ly.

Giờ đây, chúng ta không chỉ tưởng niệm, nhưng hiện thực việc Chúa lập Bí tích Thánh Thể, để tiếp tục Hy Tế Thập Giá cứu độ/ và hiến trao chính mình làm lương thực thần linh nuôi dưỡng chúng ta trên hành trình trần thế tiến đến vinh quang phục sinh.

- Trình dâng lễ vật: cùng với bánh rượu, nếu được, thêm vào của lễ là những đóng góp của cả cộng đoàn trong Mùa Chay vừa qua để giúp người nghèo.

- Trong lúc đó, hát bài thánh ca “Đâu có tình yêu thương” hoặc bài khác thích hợp.

V. KIỆU MÌNH THÁNH CHÚA SANG BÀN THỜ PHỤ

- Cho rước lễ xong, linh mục đặt trên bàn thờ bình đựng Mình Thánh Chúa để cho rước lễ ngày hôm sau và kết thúc thánh lễ bằng Lời Nguyện Hiệp Lễ (nên là một bình lớn để kiệu).

- Đọc xong Lời Nguyện Hiệp Lễ, chủ tế bắt đầu Nghi Thức Kiệu Mình Thánh Chúa.

Lời dẫn:

Giờ đây, linh mục chủ tế kiệu Thánh Thể về Nhà Tạm riêng. Cuộc rước long trọng nhằm tôn vinh mầu nhiệm Thánh Thể trong chính ngày Chúa thiết lập nhiệm tích yêu thương này: “Ôi nhiệm tích vô cùng cao quý, chúng ta hãy khiêm cung thờ lạy”.

 
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA

Trong cử hành chiều nay, “Giáo Hội suy ngắm cuộc Thương Khó Chúa, cầu xin ơn cứu độ cho toàn thế giới, suy tôn Thánh Giá và nhắc lại nguồn gốc của chính mình, bằng cách nhớ lại việc Giáo Hội đã được xuất phát từ Trái Tim bị đâm thủng của Chúa (x. Ga 19,34) ” .


LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,

Tất cả lễ nghi và ca nguyện chiều nay/ đều đưa chúng ta lên núi Sọ, đến chân Thập Giá, nơi vị Thượng Tế, Chúa chúng ta đã tự hiến làm Lễ Vật duy nhất dâng lên Chúa Cha. Chính trong tột cùng khổ đau và cái chết của Chúa Giêsu, mà Thánh Giá đã trở nên “chóp đỉnh của tình yêu, một tình yêu mang lại cho chúng ta ơn cứu độ”.

Vì vậy, bước vào phụng vụ chiều nay, khi nhìn lên khuôn mặt bầm dập, đầy máu và dơ bẩn bụi đất của Chúa Giêsu, chúng ta có thể nhận ra vẻ đẹp tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa đang được giấu ẩn. “Chúa mang lấy trên mình sự nhơ bẩn, tội lỗi của chúng ta, để thanh tẩy chúng ta trong máu Ngài với tình yêu lớn lao của Thiên Chúa.” Xin cho chúng ta biết mở rộng cõi lòng, để tình thương, lòng tốt của Thiên Chúa có thể chạm đến đời ta, “biến đổi tận căn con người ta, cho ta bước vào cuộc sống mới không thể hư hoại và bất tử” . Đồng thời, khi đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta cũng được biến đổi thành dòng chảy của tình thương Chúa cho người thân và tha nhân, nhất là những ai khổ đau.

Cử hành phụng vụ chiều nay gồm ba phần: Phụng vụ Lời Chúa, Nghi thức Kính thờ Thánh Giá và Hiệp Lễ.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho Hội Thánh, cho toàn thể nhân loại, cho tất cả những ai đang bị đè nặng bởi khổ đau tinh thần hoặc thể xác, nhất là những người đang mang gánh nặng của tội lỗi, được hưởng nhờ tình thương cứu độ tuôn trào từ Thập Giá.

Ước gì việc cử hành khơi lớn trong tâm hồn chúng ta lòng biết ơn và tình yêu với Chúa, thúc đẩy chúng ta can đảm vác thập giá mình bước theo Đức Kitô, Đấng đã đi trước chúng ta để tháp nhập chúng ta vào mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài/ là đường dẫn chúng ta tới sự sống, tới vinh quang đời đời.

Giờ đây, chúng ta cùng bước vào Cuộc Tưởng Niệm Thương Khó của Chúa với tất cả tâm tình yêu mến và biết ơn.

Kính mời cộng đoàn đứng.


NGHI THỨC MỞ ĐẦU

- Linh mục chủ sự mặc lễ phục đỏ như khi cử hành thánh lễ tiến ra trước Bàn Thờ, cúi chào, rồi phủ phục hoặc quỳ gối.
- Các linh mục khác mặc áo Alba, mang Stola đỏ khi cử hành các phần của Nghi lễ như hát Passio, rước lễ hoặc cho rước lễ.
- Khi chủ tế phủ phục, cộng đoàn quỳ thinh lặng.


Lời dẫn: Cộng đoàn chúng ta cùng hợp với linh mục chủ sự hồi tâm và cầu nguyện trong thinh lặng.

- Kính mời cộng đoàn quỳ (khi chủ sự phủ phục hay quỳ).
- Kính mời cộng đoàn đứng (khi chủ sự đứng).
- Linh mục chủ sự tiến lại ghế của mình, tại đây dang tay đọc lời cầu nguyện.


Lời Nguyện

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

1. Bài đọc I: Is 52,13 - 53,12
“Người đã bị thương tích vì tội lỗi chúng ta”
Lời dẫn: Bài ca đầy cảm xúc của tiên tri Isaia chiều nay diễn tả hình ảnh Người Tôi Tớ phải gánh chịu những đau thương tủi nhục cho nhân loại. Hình ảnh này hướng chúng ta về Đức Kitô, Đấng đã mang lấy tội lỗi của chúng ta, đã gánh chịu những khổ đau của chúng ta và đưa nó lên Thập Giá.

2. Đáp ca: Tv 30, 2.6.12-13.15-16.17.25.

3. Bài đọc II: Dt 4,14-16; 5,7-9
“Người đã học được thế nào là vâng phục, và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho những ai tùng phục Người.”

Lời dẫn: Thư Do Thái cho thấy: Đức Kitô, Con Thiên Chúa, vị Thượng Tế cao cả đã phải chấp nhận khổ nhục để trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho chúng ta. Vì vậy, Người có thể cảm thông với những đau khổ, yếu hèn của chúng ta.

4. Câu xướng: Chúa Kitô vì chúng ta đã vâng lời cho đến chết, và chết trên Thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người, và ban cho Người một danh hiệu, vượt trên mọi danh hiệu.

5. Tin Mừng: Ga 18,1-19,42.

“Sự Thương Khó Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”

6. Giảng vắn tắt

7. Lời Nguyện Chung trọng thể
Lời dẫn: Mọi công nghiệp và ân phúc cứu độ đều bởi giá máu của Chúa Kitô. Vì thế, giờ đây, Giáo Hội nhờ trung gian của Chúa Kitô và công nghiệp của Ngài, để dâng lời cầu xin cho những nhu cầu của mình và thế giới. Kính mời cộng đoàn đứng.

- Sau mỗi lời mời gọi, mời cộng đoàn QUỲ cầu nguyện trong giây lát, rồi đứng lên hợp ý với linh mục trong lời nguyện (thinh lặng 5 giây)

1. Lời dẫn: Cầu cho Hội Thánh.

- Linh mục (& phó tế) đọc lời mời gọi.

- Kính mời cộng đoàn quỳ - Thinh lặng 5 giây – Kính mời cộng đoàn đứng (Tại mỗi giáo xứ, tùy nghi có thể chỉ đứng giữ thinh lặng giây lát).

- Linh mục đọc lời cầu nguyện.

2. Lời dẫn: Cầu cho Đức Thánh Cha

- Thực hiện như trên cho tất cả các lời cầu nguyện sau.

- Linh mục chủ sự có thể bỏ một hoặc hai lời không thích hợp với hoàn cảnh cộng đoàn.

3. Lời dẫn: Cầu cho hàng Giáo sĩ và Giáo dân

4. Lời dẫn: Cầu cho dự tòng

5. Lời dẫn: Cầu cho các Kitô hữu được hợp nhất

6. Lời dẫn: Cầu cho người Do Thái

7. Lời dẫn: Cầu cho những người ngoài Kitô giáo

8. Lời dẫn: Cầu cho những người vô thần

9. Lời dẫn: Cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia

10. Lời dẫn: Cầu cho những người đau khổ

II. NGHI THỨC KÍNH THỜ THÁNH GIÁ

Lời dẫn: Giờ đây là Nghi thức Kính thờ Thánh Giá Chúa Giêsu. Giáo Hội biểu lộ lòng tôn thờ Đức Kitô, Đấng đã dùng cái chết trên Thập Giá để cứu chuộc nhân loại. Với tất cả lòng tin yêu, chúng ta hướng về phía cha chủ sự (& cuối nhà thờ) để sốt sắng cung nghinh Thánh Giá.

- Phó tế hoặc Thừa Tác Viên xứng hợp kiệu Thánh Giá có phủ khăn tím (hoặc đỏ) cùng với hai giúp lễ cầm đèn từ cuối nhà thờ lên cung thánh.

- Chủ sự đứng trước Bàn thờ, nhận Thánh Giá, rồi mở phần khăn che phía đầu Thánh Giá, nâng Thánh Giá và hát: “Đây là cây Thánh Giá, nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian”.

- Mọi người đáp lại: “Chúng ta hãy đến thờ lạy”. Hát xong, linh mục giơ cao Thánh Giá. Người hướng dẫn mời: “Kính mời cộng đoàn quỳ” - Thinh lặng một lát để tôn thờ – rồi “Kính mời cộng đoàn đứng”.

- Tiếp đến, linh mục mở khăn cánh phải Thánh Giá, rồi mở toàn bộ khăn che Thánh Giá, mỗi lần nâng cao và mời gọi tôn thờ như trên.

- Sau đó, linh mục đặt Thánh Giá trên một bàn, có hai người giúp lễ mang đèn cháy sáng quỳ hai bên hoặc đặt đèn trên bàn, rồi linh mục chủ sự tiến lên quỳ gối hôn kính Thánh Giá (nên bỏ giày). Lần lượt các giáo sĩ, tu sĩ và các tín hữu tiến lên hôn kính.

- Trong khi hôn kính, ca đoàn hát những bài ca kính thờ Thánh Giá.

- Nếu cộng đoàn đông, một số đại diện lên hôn kính Thánh Giá, và sau Nghi Thức, sẽ đặt Thánh Giá giữa cung thánh để mọi người có thể đến hôn kính.

- Cũng có thể, sau khi hôn kính, linh mục cung kính cầm Thánh Giá đứng tại vị trí thích hợp để mọi người lên hôn kính.

- Lưu ý: chỉ dùng một Thánh Giá trong Nghi Thức này .

- Sau khi kết thúc việc kính thờ Thánh Giá, linh mục chủ sự đặt Thánh Giá vào chân đế đặt gần Bàn thờ. Đặt các nến cháy dưới chân Thánh Giá.

III. NGHI THỨC HIỆP LỄ

- Trong lúc hôn kính Thánh Giá, giúp lễ trải khăn bàn thờ, khăn thánh và đặt sách lễ lên bàn thờ.

- Chuẩn bị khăn choàng vai và đèn hầu, đoạn một linh mục hay phó tế (nếu có) đi rước Mình Thánh Chúa từ bàn thờ phụ về bàn thờ chính, trong lúc đó, mọi người đứng thinh lặng.

- Khi đã đặt Mình Thánh Chúa trên bàn thờ và mở bình đựng Mình Thánh rồi, thì linh mục chủ sự cúi mình, chấp tay bắt đầu phần hiệp lễ (nên truyền phép một bánh lớn cho ngày hôm nay).

- Khi linh mục sắp cung nghinh Thánh Thể vào cung thánh thì đọc:

Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng để cung nghinh Thánh Thể.

Chúng ta vừa cùng nhau tham dự Nghi thức Tôn thờ Thánh Giá Chúa Giêsu Kitô, giờ đây Giáo Hội mời gọi chúng ta sốt sắng đón nhận Chúa Thánh Thể, để qua đó, chúng ta được tham dự trọn vẹn vào Hy Tế Cứu Độ của Ngài.

- Linh mục chủ sự đọc các kinh nguyện chuẩn bị cho cộng đoàn hiệp lễ.

- Sau khi cộng đoàn hiệp lễ xong, một phó tế hoặc linh mục kiệu Thánh Thể về nhà tạm phụ.

- Linh mục chủ sự đọc Lời Nguyện Hiệp Lễ rồi giải tán dân chúng bằng một Lời Nguyện Chúc Lành.

- Mọi người thinh lặng ra về.

- Vào lúc thuận tiện lột khăn bàn thờ.


THỨ BẢY TUẦN THÁNH

CANH THỨC VƯỢT QUA

- Hát Kinh Chúa Thánh Thần (quỳ)
- Kinh Tin-Cậy-Mến. Kinh Năm Thánh.
- Tùy nghi đọc các kinh theo thói quen của giáo xứ.


LỜI DẪN

Kính thưa Cộng đoàn Phụng vụ,
Tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đi tới đỉnh điểm trong đêm nay, đêm Vượt Qua, đêm cực thánh của mọi Kitô hữu, đêm mà toàn thể Giáo Hội hân hoan cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô Phục Sinh. Phụng vụ Đêm Vọng Phục Sinh gồm 4 phần:

- Phụng Vụ làm phép Lửa mới và Rước Nến Phục Sinh,

- Phụng Vụ Lời Chúa,

- Phụng Vụ Thánh Tẩy,

- Và sau cùng là Phụng Vụ Thánh Thể.

Nến Phục Sinh là biểu tượng cho Đức Kitô Phục Sinh, mà ngọn lửa là ánh sáng và đồng thời cũng là sức nóng mang sức biến đổi. Ánh sáng và sức nóng song hành như Chân Lý và Tình Yêu, Thánh Giá và Phục Sinh không thể tách rời nhau. Đó là ánh sáng Chân Lý và Tình Yêu từ Mầu nhiệm Vượt Qua, tuôn đổ trên cuộc đời Kitô hữu qua các nhiệm tích được cử hành đêm nay, biến đổi và làm chúng ta lớn lên trong sự sống thần linh của Đấng Phục Sinh nhờ Chúa Thánh Thần.

Bí tích Rửa Tội hướng chúng ta về mạch nước tuôn trào sự sống. Chúa Giêsu là Giacóp mới mở ra cho nhân loại giếng nước ban sự sống không bao giờ vơi cạn . Qua việc lặp lại lời tuyên hứa của Bí tích Rửa Tội đêm nay, xin cho cuộc đời những Kitô hữu đang là một ao tù, nước đọng được khai thông, và cho mỗi người chúng ta luôn là những dòng nước tinh khiết, tươi mát, vọt lên từ nguồn suối chân lý và tình yêu của Đức Kitô, tuôn đổ niềm vui và sự sống cho người thân và tha nhân.

Ước gì trong đêm Canh Thức này, nhờ việc lắng nghe Lời Chúa và đón nhận Đấng Phục Sinh trong Thánh Thể là chính Sự Sống, Chân Lý và Tình Yêu, chúng ta được tràn đầy ơn sủng cứu độ, hầu tiến bước trong đời sống đức tin với niềm hăng say mới mẻ, một cuộc đời thấm đậm lòng thương xót của Thiên Chúa và nhiệt thành loan báo Đức Kitô Phục Sinh cho mọi người.

Xin Mẹ Maria, Mẹ của lòng thương xót, dẫn chúng ta vào Đêm Canh Thức trọng đại này với trọn tâm tình hân hoan cảm tạ, nhờ đó nuôi lớn niềm tin, tình yêu và hy vọng của chúng ta.

Kính mời cộng đoàn đứng hướng về Cha Chủ sự.

I. NGHI THỨC THẮP NẾN PHỤC SINH

1. LÀM PHÉP LỬA VÀ CHUẨN BỊ NẾN

- Từ phòng thánh hoặc ngay tại cuối Nhà thờ, linh mục và đoàn lễ sinh - mang theo nến - tiến ra Tiền đường Nhà thờ.

- Tắt hết đèn trong Nhà thờ và dùng đèn pin để soi sáng cho linh mục chủ sự.

- Trong lúc linh mục đang tiến ra thì đọc lời dẫn.

Lời dẫn: Khởi đầu Đêm Canh Thức, Giáo Hội ca tụng Chúa là ánh sáng. Toàn thể vũ trụ đang trong đêm tối của trần gian và của sự dữ. Nhân loại tội lỗi đang mong chờ ơn giải thoát. Tất cả đang hướng nhìn về Chúa Kitô, ánh sáng bất diệt.

Qua việc Làm Phép Lửa Mới và Kiệu Nến Phục Sinh, Giáo Hội tuyên xưng Đức Kitô chính là Ánh Sáng muôn dân, là Đấng phá tan bóng đêm tội lỗi đang bao trùm nhân loại, Đấng giải thoát chúng ta khỏi tội và dẫn đưa chúng ta đến nguồn sáng vĩnh cửu.

- Sau khi thắp lửa, linh mục chủ sự làm dấu và chào dân chúng như thường lệ, nói vắn tắt ý nghĩa đêm canh thức hoặc dùng những lời sau:

LM Anh chị em thân mến, trong đêm rất thánh này, đêm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội thánh kêu mời con cái ở khắp trên hoàn cầu, cùng họp nhau lại mà canh thức cầu nguyện.

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau chăm chú nghe lời Chúa, và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến thắng sự chết, và cùng Người luôn sống kết hợp với Chúa Cha.

- Giúp lễ thắp lửa mới (nên tẩm dầu vào củi và than nhỏ để dễ cháy và có than để đặt vào bình hương – hoặc để than phụng vụ gần bếp).

- Linh mục làm phép lửa:

LM Lạy Chúa, Chúa đã sai Con Một đến giãi ánh vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu. Xin thánh  hoá ngọn lửa mới này, và trong suốt thời gian mừng lễ Vượt Qua, xin cho niềm khao khát Nước Trời cũng bừng lên thiêu đốt lòng chúng con và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để mai sau chúng con xứng đáng vào thiên quốc tham dự lễ ánh sáng muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ Amen.

Thắp Nến Phục Sinh (Sách Lễ Rôma tr. 281)

- Giúp lễ cầm Nến Phục Sinh hơi nghiêng để thuận tiện cho linh mục cử hành Nghi thức.

- Sau khi linh mục gắn xong 5 hạt hương vào Nến Phục Sinh, giúp lễ gắp than từ bếp lửa bỏ vào bình hương.

- Linh mục chủ sự lấy lửa mới thắp Nến Phục Sinh và nói (chuẩn bị cây nến nhỏ hoặc que mồi):


LM Xin Đức Kitô, Đấng Phục Sinh vinh hiển, chiếu giãi ánh sáng của Người, để phá tan bóng tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.

- Linh mục bỏ hương.

- Tại nơi làm phép lửa, linh mục chủ sự hoặc phó tế cầm Nến Phục Sinh đưa lên cao và hát:

LM ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ

CĐ TẠ ƠN CHÚA.

2. KIỆU NẾN PHỤC SINH

Đoàn Kiệu Nến tiến bước theo thứ tự:

1. Hương lửa.

2. Người cầm Nến Phục Sinh.

3. Các linh mục.

4. Giúp lễ.

5. Đại diện Cộng Đoàn.

- Tại giữa Nhà thờ, đoàn kiệu dừng lại, linh mục chủ sự đưa cao Nến Phục Sinh, quay về phía giáo dân và hát “Ánh sáng Chúa Kitô”. Sau đó thắp nến cho cộng đoàn.

- Trước Bàn thờ, linh mục chủ sự đưa cao Nến Phục Sinh và hát lần thứ ba. Rồi đưa Nến Phục Sinh cho một thừa tác viên đặt vào giá đã dọn sẵn giữa cung thánh, hoặc gần giảng đài, hoặc chỗ thuận tiện trong cung thánh.

- Linh mục về ghế chủ sự và bỏ hương như khi đọc Tin Mừng. Nếu là Phó tế thì xin linh mục chủ sự ban phép lành. Nếu người công bố Tin Mừng Phục Sinh là giáo dân thì không xin phép lành. (Nếu ĐGM chủ sự thì linh mục cũng đến xin phép lành).

- Mọi người đứng và cầm nến sáng trong tay.

3. CÔNG BỐ TIN MỪNG PHỤC SINH

Lời dẫn: (khi linh mục hoặc phó tế tiến ra công bố thì đọc)

Giờ đây, chúng ta cùng hướng về Nến Phục Sinh và cất lời chúc vinh Thiên Chúa, ca tụng Đức Kitô, Đấng là Ánh Sáng vĩnh cửu mà Thiên Chúa đã trao tặng nhân loại, để đưa chúng ta từ tăm tối tội lỗi đến ánh sáng sự sống.

- Sau công bố Tin Mừng Phục Sinh là Phụng vụ Lời Chúa.

II. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Lời dẫn: Giờ đây, chúng ta lắng nghe Lời Chúa, thuật lại những biến cố chính mà Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử nhân loại. Thiên Chúa đã đến tháp nhập lịch sử nhân loại tội lỗi, hư hoại vào lịch sử cứu độ, sung mãn tình yêu tín trung và bất diệt của Ngài.

- Tất cả các bài đọc đều được hướng ý, tuy nhiên, cộng đoàn phụng vụ tùy nghi bớt một ít bài, nhưng không được bỏ bài ba.

- Linh mục chủ sự mời gọi:

LM Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã long trọng khai mạc đêm Canh Thức Vượt Qua, giờ đây chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta hãy ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao, và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một đến cứu chuộc chúng ta thế nào. Chúng ta hãy xin Chúa hoàn tất công trình cứu chuộc mà Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Vượt qua.

Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn ngồi.

Bài đọc I: St 1,1-2,2

“Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm thật là tốt đẹp”

Lời dẫn: Bài trích sách Sáng Thế thuật lại công cuộc Thiên Chúa sáng tạo vũ trụ. Đây cũng là hình ảnh báo trước cuộc tái tạo một nhân loại mới trong Đức Giêsu Kitô.

- Đọc xong bài đọc thì hát đáp ca.

- Hát đáp ca xong thì mời cộng đoàn đứng.

- Linh mục đọc Lời Nguyện – SLRM tr. 290.

- Sau Lời Nguyện, cộng đoàn tự động ngồi xuống.

Bài đọc II: St 22,1-2,9a.10-13.15-18

“Của hiến tế của Abraham, tổ phụ chúng ta”

Lời dẫn: Sự đau đớn tột cùng biểu lộ niềm tin lớn lao của Abraham nơi Thiên Chúa khi vâng phục hiến tế Isaac. Vâng phục chấp nhận sự chết lại mở ra con đường sự sống. Thiên Chúa cũng trao nộp chính Con Một Ngài để chúng ta được sống. Điều này biểu tỏ tình yêu lớn lao mà Ngài dành cho chúng ta.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

Bài đọc III: Xh 14,15-15,1a (bài bắt buộc)

“Con cái Israel đi vào giữa lòng biển khô cạn”

Lời dẫn: Bài trích sách Xuất Hành giờ đây kể lại việc dân Do thái đi qua giữa lòng Biển Đỏ khô cạn bình an, đây là hình ảnh báo trước cuộc giải thoát nhân loại khỏi tội mà Đức Kitô thực hiện. Vì vậy, bài ca của dân xưa hôm nào nay trở thành bài ca của dân mới.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

Bài đọc IV: Is 54,5-14

“Trong tình yêu vĩnh cửu, Chúa Cứu Chuộc đã xót thương ngươi”

Lời dẫn: Tiên tri Isaia cho thấy, dù dân Chúa bội nghĩa, bất trung, nhưng tình yêu Chúa dành cho họ vẫn kiên định, bất biến. Giao ước Ngài ký với họ không hề đổi thay. Ngài sẽ thực hiện lời hứa khi thiết lập thành thánh Giêrusalem mới.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

Bài đọc V: Is 55,1-11

“Hãy đến cùng Ta và các người sẽ được sống. Ta sẽ ký kết với các ngươi giao ước vĩnh cửu”

Lời dẫn: Tiên tri Isaia loan báo thời kỳ thịnh đạt mà dân Israel sẽ được vui hưởng, thời kỳ mà Chúa sẽ ký kết một giao ước vĩnh cửu với những hồng ân mà Chúa đã hứa với Đavid.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

Bài đọc VI: Br 3,9-15.32; 4,4

“Ngươi hãy đi trong đường ánh sáng của Chúa”

Lời dẫn: Tiên tri Barúc mời gọi dân tuân giữ giới răn của Chúa. Đó là con đường khôn ngoan đích thực dẫn họ đến sự sống vì duy mình Chúa là Chủ, là Đấng thấu suốt mọi sự và dẫn dắt mọi loài.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

Bài đọc VII: Ed 36,16-17a.18-28

“Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới”

Lời dẫn: Vì tội bất trung, dân Chúa bị lưu đầy, nhưng ngôn sứ Êdêkien thắp lên niềm hy vọng Thiên Chúa sẽ đem họ về, ban cho họ trái tim và thần trí mới, để họ tuân giữ huấn lệnh Chúa. Lời hứa này chỉ được thực hiện hoàn hảo nơi Dân Mới.

- Hát Đáp ca (ngồi) – Đọc Lời Nguyện (đứng)

- Sau Lời Nguyện thì đàn bắt kinh Vinh Danh và sau khi linh mục xướng thì đổ chuông, vỗ tay (tùy nhiệm) diễn tả niềm vui ơn cứu độ.

- Chưng hoa và thắp các nến bên Bàn thờ, bật sáng tất cả đèn Nhà thờ (nếu còn giữ lại để làm nổi bật niềm vui lúc này).


KINH VINH DANH

LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ

Thánh Thư: Rm 6,3-11

“Chúa Kitô một khi từ trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa”

Lời dẫn: Thánh Phaolô trong thư Rôma nhắc lại Phép Rửa mà chúng ta đã lãnh nhận. Trong Bí tích này, chúng ta đã cùng chết cho tội lỗi với Chúa Kitô và cùng sống lại với Người trong ân sủng.

- Sau bài Thánh Thư, mời cộng đoàn đứng, chủ tế long trọng xướng ba lần “ALLÊLUIA” và mọi người lặp lại sau mỗi lần.

- ĐÁP CA: Tv 117,1-2, 16ab-17, 22-23

- Hát Đáp Ca xong, linh mục hoặc phó tế công bố Tin Mừng ngay, không có câu xướng, không mang đèn hầu, chỉ mang hương lửa.

Tin Mừng: Lc 24,1-12

“Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết”

Giảng.

III. PHỤNG VỤ PHÉP RỬA

- Nếu giáo xứ nào cử hành Nghi thức Khai Tâm đêm nay, xin chuẩn bị riêng.

- Ở đây, chỉ chuẩn bị cho Nghi thức lặp lại Lời Tuyên Hứa khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy mà phần đông các giáo xứ thực hiện.

- Cử hành theo Sách Lễ Rôma trang 298, từ số 45-47.

- Nên Làm Phép một chum nước lớn để sử dụng trong năm. Sau khi Làm Phép, lấy nước thánh vào bình nhỏ để rảy trên dân Chúa.

- Đang khi dẫn, một số giúp lễ châm lửa từ Nến Phục Sinh và thắp cho cộng đoàn.

1. LÀM PHÉP NƯỚC

Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn đứng.

Vì mối liên hệ mật thiết giữa Bí tích Rửa Tội với mầu nhiệm Vượt qua, nên Giáo Hội đã có truyền thống lâu đời cử hành Nghi thức Khai tâm Kitô giáo cho anh em dự tòng trong Đêm Vọng Phục sinh.

Vì không cử hành Nghi thức này đêm nay, nên giờ đây, linh mục chủ tế làm phép Nước và rảy trên Dân Chúa để nhắc nhớ mọi người về giao ước Rửa Tội đã lãnh nhận.

LM Anh chị em thân mến,

Giờ đây chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa nước này, để chúng ta rẩy trên mình mà nhớ lại Bí tích Rửa Tội ta đã lãnh nhận. Cúi xin Chúa đổi mới chúng ta, giúp chúng ta luôn trung thành sống theo ơn Thánh Người đã ban.

- Thinh lặng giây lát, rồi linh mục dang tay đọc:

LM Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong đêm cực thánh, chúng con là dân Chúa, đang họp nhau canh thức cầu nguyện, để tưởng nhớ công ơn Chúa đã sáng tạo chúng con cách lạ lùng, và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa. Xin Chúa thương nhận lời chúng con và thánh hóa nước này do chính Chúa đã dựng nên, để làm cho ruộng đất phì nhiêu màu mỡ, cho thân xác con người được sạch sẽ và thoải mái. Và trải qua lịch sử cứu độ, nước thiên nhiên đã trở nên khí cụ của tình thương hải hà: quả vậy, Chúa dùng nước Biển Đỏ cứu dân riêng khỏi vòng nô lệ, và làm vọt lên giữa sa mạc khô cằn một nguồn nước cho dân giải khát. Các ngôn sứ cũng dùng hình ảnh nước mạch tuôn trào để tiên báo Chúa sẽ lập giao ước mới với loài người chúng con. Và sau hết, khi Đức Kitô chịu phép rửa tại sông Giođan, Chúa đã thánh hóa nước trong lành, để thanh tẩy con người tội lỗi chúng con, và cho chúng con được tái sinh nên con người mới. Vậy giờ đây, khi chúng con rảy nước thánh trên mình, để nhớ lại Bí tích Rửa Tội chúng con đã lãnh nhận, xin Chúa cho tất cả chúng con được chia sẻ niềm vui với anh chị em chịu phép thánh tẩy trong mùa Vượt Qua này. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

CĐ Amen.

2. LẶP LẠI LỜI TUYÊN HỨA KHI LÃNH NHẬN BÍ TÍCH THÁNH TẨY

Lời dẫn: Giờ đây, với nến sáng trong tay, chúng ta long trọng lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Lời tuyên hứa thúc đẩy chúng ta can đảm sống trọn hơn giao ước đã cam kết với Đức Kitô ngày lãnh Bí tích Rửa Tội.

- Mọi người đứng, cầm nến cháy trong tay, lặp lại lời tuyên xưng khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy.

LM Anh chị em thân mến, nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, chúng ta cùng được mai táng với Đức Kitô trong bí tích thánh tẩy, để được cùng Người sống đời sống mới. Bởi thế, giờ đây, thời gian thanh luyện của mùa chay đã kết thúc, chúng ta cùng nhau lập lại những điều đã tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy: là từ bỏ Satan với tất cả những gì thuộc về nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội thánh Công Giáo.

LM Vậy, Anh chị em có từ bỏ ma quỷ không?

CĐ Thưa từ bỏ.

LM Anh chị em có từ bỏ mọi hành vi do ma quỷ xúi giục không? Đ./

LM Anh chị em có từ bỏ những quyến rũ của ma quỷ không? Đ./

LM Anh chị em có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?

CĐ Thưa tin.

LM Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một của Chúa Cha, và là Chúa chúng ta, đã được Đức Trinh Nữ Maria sinh ra, đã chịu khổ hình và mai táng, đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu Chúa Cha không? Đ./

LM Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tin Hội Thánh công giáo, tin các thánh thông công, tin phép tha tội, tin xác sống lại và sự sống vĩnh cửu không? Đ./

LM Xin Thiên Chúa toàn năng, là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi và cho chúng ta được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần. Nguyện xin Người ban ơn gìn giữ chúng ta luôn kết hiệp với Đức Kitô, để được sống muôn đời.

CĐ Amen.

- Đàn bắt: “Tôi đã thấy nước…” và linh mục xướng, rồi cộng đoàn hát tiếp theo.

- Linh mục đi rảy Nước Thánh trên cộng đoàn.

- Sau khi rảy Nước Thánh xong, linh mục trở về ghế, không đọc kinh Tin Kính và dâng Lời Nguyện Chung.

LỜI NGUYỆN CHUNG

IV. PHỤNG VỤ THÁNH THỂ

Lời dẫn: Kính mời cộng đoàn ngồi.

Cử hành tiệc Thánh Thể đêm Phục Sinh chính là ăn Chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế để cứu thoát loài người khỏi tội. Trong cử hành này, Giáo Hội cũng muốn xác nhận và tuyên xưng rằng mình đang thuộc về một giao ước mới, để từ nay, chúng ta không còn lạc lõng trong thế gian nữa, nhưng đã được kết hiệp mật thiết với triều đình thiên quốc nhờ bửu huyết Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

- Nếu có tân tòng, nên để họ dâng lễ vật.

KINH NGUYỆN THÁNH THỂ: nên đọc KNTT I đêm nay.

NGHI THỨC HIỆP LỄ

V. NGHI THỨC KẾT LỄ

- Công thức Ban Phép Lành cuối lễ (Sách Nghi Thức Thánh Lễ tr. 111)

- Sau khi ban phép lành, linh mục hoặc phó tế chắp tay và quay về phía cộng đoàn tuyên bố:

PT Lễ đã xong, chúc anh chị em đi bình an. Allêluia. Allêluia.

CĐ Tạ ơn Chúa. Allêluia. Allêluia.

Hát kết lễ.
Jos Nguyễn

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :