www.langminhnews.net

Lời Chủ Chăn tháng 08/2016

LINH MỤC VÀ SỨ MỆNH CHỮA LÀNH CÁC TÂM HỒN
VÀ HÒA GIẢI CÁC MỐI BẤT HÒA
Kính thưa Quí Cha rất thân mến,
Trong bài phỏng vấn do báo “Civiltà Cattolica” thực hiện ngày 21 tháng 9 năm 2013, Đức Thánh

Cha Phanxicô đã trả lời phóng viên như sau : “Tôi thấy rất rõ ràng điều Giáo Hội hôm nay cần nhất là khả năng chữa lành các vết thương và sưởi ấm tâm hồn các tín hữu... Tôi nhìn thấy Giáo Hội như một nhà thương dã chiến sau một trận đánh”.

Những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô trên đây và tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót thúc đẩy chúng ta suy tư về nhu cầu chữa lành các tâm hồn và hòa giải các mối bất hòa trong sứ vụ linh mục của chúng ta.

1. “Thánh Thần Chúa... sai tôi đi băng bó các tâm hồn nát tan” (Is 61,1)
Mỗi ngày, các phương tiện truyền thông cho chúng ta thấy hình ảnh một thế giới ly loạn, bất an với những cuộc chiến tranh, xung đột, chia rẽ, hiềm khích đang diễn ra tại nhiều quốc gia. Do đó, con người thời đại mang trên thân mình đầy dẫy những vết thương xâu xé tâm hồn và gây khó khăn cho các mối tương quan.
Ngay trong môi trường nhỏ bé gần gũi nơi xứ đạo chúng ta phục vụ, cũng không thiếu những cảnh hiềm khích, xung đột xảy ra trong các mối tương quan giữa anh em họ hàng, bạn bè, hàng xóm láng giềng và nhiều khi ngay cả trong gia đình và học đường là những nơi đáng lẽ phải là cái nôi của tình thương yêu. Đây là vấn đề được nhiều người trong chúng ta quan tâm và bày tỏ trong các cuộc trao đổi mục vụ và ngay cả các lần trò chuyện thân tình. Gần đây, mối quan tâm này đã được một người anh em trong chúng ta, cha Philipphê Trần Công Thuận, diễn tả qua cuốn sách với tựa đề “Bạo lực học đường qua nghiên cứu & khảo sát”.

Như vậy, câu trả lời phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô được trích trên đây rất thiết thực với chúng ta và là lời nhắc nhở chúng ta cần quan tâm đến những người có tâm hồn nát tan và những hoàn cảnh xích mích cần được giải hòa.

Đôi khi có thể xảy ra trường hợp một mục tử chỉ quan tâm đến việc tổ chức các sự kiện và thực hiện các công trình hoặc làm công tác mục vụ như thói quen và theo công thức mà bỏ quên con chiên có những nỗi đau gặm nhấm tâm hồn, cần được xoa dịu và chữa lành, hoặc những con chiên xa cách nhau vì những mối bất hòa cần được trợ lực để xích lại gần nhau. Do đó, lời của Đức Thánh Cha Phanxicô có thể đặt ra những câu hỏi về hoạt động mục vụ và cả về chính đời sống của chúng ta. Mục đích của các cơ cấu và sinh hoạt mục vụ là để phục vụ và xây đắp con người, nhưng có khi con người lại chỉ được nhìn như thể là phương tiện để phục vụ cơ cấu và hoạt động.

Hơn nữa, người linh mục còn bị chất vấn về khả năng chữa lành vết thương trong lòng con chiên và cả về khả năng không gây thêm thương tích trong lòng con chiên của mình. Đôi khi mục tử có thể tạo ra những vết thương trong lòng con chiên bổn đạo, do lời nói, hành vi, phản ứng... Điều này xảy ra, có khi vì mục tử có những yếu đuối, những nhạycảm quá mức hoặc vì thiếu kính trọng đối với những con người, nhưng cũng có thể do thái độ của con chiên có tính cách kiêu căng hay cố chấp làm cho mục tử khó cầm được lòng mình. Dù nguyên nhân đến từ đâu, chẳng có lý do nào có thể biện minh cho việc mục tử làm nhục con chiên, nhất là trước đám đông. Là linh mục chúng ta phải suy nghĩ và hành động trong tư thế của mục tử, chứ không dựa vào lý lẽ bình thường của loài người, dù có thể là chính đáng. Trong chiều hướng đó, tôi xin trích lại đây một vài đoạn Sách Thánh và ít lời của Đức Thánh Cha Phanxicô để chúng ta xác tín và chiếu soi cho chúng ta trong sứ vụ mục tử của chúng ta :
- “Thần khí của ĐỨC CHÚA là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì ĐỨC CHÚA đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta ; Người sai tôi đi yên ủi mọi kẻ khóc than, tặng cho những kẻ khóc than ở Sion tấm khăn đại lễ thay tro bụi, dầu thơm hoan lạc thay tang chế, áo ngày hội thay tâm thần sầu não.” (Is 61,1-3; x. Lc 4,16-21).

- “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?...” (Lc 15,4-7)

- “Những lời nói đố kỵ và ganh ghét đã gây ra biết bao tai hại. Nói xấu người anh chị em vắng mặt, chẳng khác gì đẩy người ấy vào bóng tối, làm mất thanh danh và gây tiếng xấu cho người ấy. Ai không đoán xét và lên án, sẽ nhận ra được điều tốt vẫn có nơi mọi người, và không làm người khác đau khổ vì sự xét đoán bất cập và vì tính tự phụ của chúng ta, cho rằng mình biết hết mọi sự. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ để thể hiện lòng thương xót. Chúa Giêsu còn dạy chúng ta phải biết tha thứ và sẵn sàng cho đi. Hãy trở thành khí cụ của ơn tha thứ chúng ta đã từng lãnh nhận từ Thiên Chúa.” (Dung mạo Lòng Thương Xót, 14)

- “Tôi sẽ không bao giờ mệt mỏi nhấn mạnh rằng các cha giải tội phải là dấu chỉ đích thực cho lòng thương xót của Chúa Cha... Mỗi cha giải tội phải tiếp đón các tín hữu như người cha trong dụ ngôn người con hoang đàng : một người cha chạy đến gặp con, cho dù anh ta đã phung phá hết cả gia tài. Các cha giải tội được mời gọi ôm vào lòng người con thống hối đang quay về nhà, và bày tỏ niềm vui vì nay đã lại tìm thấy con... Các ngài sẽ không đặt ra những câu hỏi thiếu sự kính trọng và không thích hợp, nhưng như người cha trong dụ ngôn, sẽ ngắt ngang những gì người con hoang đàng định nói, vì nhận ra nơi tâm hồn của hối nhân lời cầu cứu xin được giúp đỡ và lời van nài xin ơn tha thứ.” (Dung mạo Lòng Thương Xót, 17).

- “Tôi muốn mời gọi mọi người thiện chí khám phá lại sức mạnh của lòng thương xót có sức chữa lành các mối tương quan đã đổ vỡ và khôi phục hoà bình và hoà hợp giữa các gia đình và các cộng đồng. Mọi người chúng ta đều biết rằng có biết bao cách để các vết thương xưa cũ và những mối bất hoà dai dẳng có thể gài bẫy các cá nhân, không cho họ truyền thông và hoà giải với nhau... Trong mọi trường hợp, lòng thương xót có thể tạo ra một phương cách nói chuyện và đối thoại mới, như Shakespeare đã diễn tả rất tài tình: ‘Lòng thương xót như hơi mát của mưa rơi xuống mặt đất. Lòng thương xót là một phúc lành kép: nó chúc lành cho cả người ban lẫn người nhận (Người lái buôn thành Venise, Hồi IV, Cảnh I). Tôi mong muốn biết bao rằng cung cách truyền thông của chúng ta, cũng như công việc phục vụ của các mục tử trong Giáo hội, không bao giờ tỏ ra tự cao tự đại, đắc thắng trước đối phương, hoặc khinh rẻ những người bị thế giới coi như vất đi và dễ dàng bị loại bỏ! Lòng thương xót có thể giúp giảm bớt đi những nghịch cảnh của cuộc sống và đem lại ấm áp cho những ai chỉ còn biết sự lạnh lùng của bản án.” (Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Thông 2016).

2. "... Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe" (Lc 4,21)
Sách Tin Mừng thánh Luca thuật lại việc Chúa Giêsu vào Hội Đường, đọc đoạn sách của ngôn sứ Isaia đã trích ở trên và Ngài kết luận: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh qúy vị vừa nghe. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. ” (Lc 4,21-22). Sứ mệnh “băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của ĐỨC CHÚA...” được các linh mục của Chúa tiếp tục trong mọi thời đại. Vì vậy, câu kết luận Chúa Giêsu đã áp dụng cho chính mình cũng phải được áp dụng cho mỗi linh mục. Trong viễn tượng này, tôi xin có thêm ít suy nghĩ cụ thể dưới đây.

a) Sự khôn ngoan của tình yêu
Sứ vụ mục tử chăn dắt đoàn chiên và chữa lành vết thương luôn kèm theo nhiệm vụ giáo dục, tức là nói sự thật để sửa chữa, soi sáng và dẫn dắt. Trình bày sự thật trong sứ vụ mục tử có những đòi hỏi, được gói ghém trong nguyên tắc “Sự thật trong Đức ái - Veritas in caritate” (ĐTC Gioan Phaolô II).
Người ta rất khó chấp nhận sự thật, nhất là khi sự thật đó là những lỗi lầm của mình. Chỉ có lời nói phát xuất từ một tâm hồn thực sự yêu thương mới hy vọng có sức thuyết phục và cảm hóa. Khi phải nói đến sai lầm của người khác cũng chỉ nhắm soi sáng tâm trí để giúp thăng tiến chứ không phải để cho người ta biết cái sai của họ hay nói cho hả dạ. Để làm việc này, mục tử cần phải có sự khôn ngoan của tình yêu, được thể hiện qua một số quy luật dưới đây :
- Phân định rõ ràng và khách quan về đúng hay sai và phần trách nhiệm cụ thể ;
- Có những sai sót, lỡ lầm cần phải nói, nhưng cũng có những sai sót, lỡ lầm cần phải để cho qua ;
- Những điều cần nói thì phải phân biệt đó là điều cần nói ngay hay phải để chờ thời giờ và khung cảnh thuận tiện ;
- Khi phải nói thì phải sử dụng lời lẽ với phong cách phát xuất từ tình thương yêu.

b)Hai tâm tình thiết yếu trong sứ mệnh hòa giải
Trong sứ vụ hòa giải hai người đang bất hòa, ngoài những yếu tố trên đây về sự khôn ngoan của tình yêu, còn cần chú ý thêm hai yếu tố dưới đây :
Sự khách quan trong phán đoán : nhiệm vụ hòa giải đòi phải có tinh thần khách quan, không thiên vị. Vì vậy, trước khi đưa ra một phán đoán, cần phải tìm hiểu kỹ càng để biết sự thật. Nhưng đây lại là một công việc hết sức khó khăn vì sự việc rất phức tạp và có những lý do thầm kín lâu đời. Đàng khác, con người thường bị chi phối bởi những tình cảm yêu ghét, những tiên kiến và những yên trí. Thêm vào đó, có những người có khả năng trình bày sự việc cách khôn khéo làm cho người khác tin và còn có khả năng tâm lý làm cho người nghe ghét người đối nghịch với họ. Nhưng để hòa giải hai người đối nghịch, cần phải cẩn thận tìm hiểu sự thật : nghe tất cả, nhưng không tin ngay, cho dù có hai ba người cùng nói một kiểu, mà phải chờ đợi, làm cho lòng mình lắng đọng và duyệt xét kỹ càng mọi khía cạnh.
Khả năng thương yêu cả hai bên đối nghịch : phán đoán công bằng là cần thiết, nhưng tự nó không đủ sức hòa giải hai bên đang đối nghịch. Chỉ có tình yêu mới có sức mạnh hòa giải và nối kết. Ông quan tòa anh minh có thể đưa ra một bản án công bằng, nhưng ông không có khả năng hòa giải hai bên kiện cáo nhau. Bà mẹ, với tình yêu mẫu tử, có khả năng hòa giải các con của mình. Vì vậy, nhiệm vụ hòa giải đòi chúng ta phải có khả năng thương yêu cả hai bên đang chống đối nhau và cảm nhận được cả hai bên đều là những con chiên của mình, có khác chi bà mẹ cảm nhận được cả hai anh em đang chống đối nhau đều là con của mình.
Xin Đức Mẹ, trong khi đứng dưới chân cây Thánh Giá, đã đón nhận loài người như con cái yêu thương của Mẹ vì đó là sứ mệnh Mẫu Tử thiêng liêng Chúa đã trao phó, giúp anh em linh mục chúng ta biết đón nhận đoàn chiên Chúa trao phó để thương yêu, chữa lành những vết thương và hòa giải các mối bất hòa. Nhờ vậy, tất cả gia đình giáo phận Xuân Lộc sẽ được hưởng niềm hạnh phúc của lòng thương xót để thông truyền cho mọi người sống trên mảnh đất giáo phận Xuân Lộc yêu qúi này.
Thân ái mến chào quí Cha.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :