www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA TUẦN 4 MÙA VỌNG

THỨ HAI
ĐỪNG SỢ!

Này ông Da-ca-ri-a, đừng sợ vì Thiên Chúa đã nhận lời ông cầu xin.” (Lc 1,13)

Suy niệm: Ông Da-ca-ri-a cầu xin và Chúa đã nhậm lời. Thế nhưng khi Ngài hứa ban cho ông một người con trai theo lòng ước nguyện thì ông lại hoang mang, sợ hãi và đòi Chúa cho một dấu lạ. “Dựa vào đâu mà tôi biết được các điều ấy vì tôi đã già...”. Hoá ra, giữa lời cầu và niềm tin là một khoảng cách xa vời vợi: con người có thể cầu nguyện nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa hoạch định chương trình của Ngài. Điệp khúc “Đừng sợ” xuất hiện 365 lần trong Kinh Thánh và hầu hết để gửi cho những người được coi là công chính, một lần nữa như gởi đến cho mỗi người chúng ta trong Mùa Vọng này.

Mời Bạn: Giữa biển đời trần gian, những phong ba bão tố của thất bại, mất mát, bệnh tật, thù oán và ghen tương... lắm phen làm cho bạn hoảng sợ, bạn có tìm đến Chúa để cầu nguyện và nội tâm của bạn đã thật sự được giải toả để ký thác hoàn toàn vào tình yêu Chúa chưa? Hay những lý luận và phân tích tự nhiên đã cản trở niềm tin của bạn? Cha Teilhard de Chardin ví đức tin như một cú nhảy: Tin là nhảy tới lao vào khoảng không mà biết rằng đó không phải là khỏang không hun hút bất tận, nhưng chắc chắn trong khoảng không ấy sẽ có bàn tay Thiên Chúa đón đỡ lấy mình!

Chia sẻ: Hiện tại, điều gì đang làm bạn sợ hãi? Chỉ trong niềm tin bất tận vào quyền năng Chúa, bạn mới được giải thoát. Hãy dành ít phút thinh lặng trong ngày để gặp gỡ Chúa.

Sống Lời Chúa: Năng tâm niệm: “Đối với Thiên Chúa, mọi sự đều có thể.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, chỉ trong Chúa con mới có BÌNH AN. Xin cho con ĐỨC TIN cứng cáp qua những cọ sát đau thương của phận người. Amen.


THỨ BA

GỌI DẠ, BẢO VÂNG
Bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Mặc dù nhân quyền vốn là đề tài được bàn luận hằng ngày và ai vi phạm quyền này thì dễ bị người khác lên án, nhưng cứ coi mình có quyền này, quyền nọ mà bỏ qua việc vâng lời sẽ là một tai hoạ khôn lường. Cuộc sống xã hội chỉ vận hành được khi người ta cùng chấp nhận tuân thủ mệnh lệnh của một người trọng tài chung đứng bên trên tất cả. Vị trọng tài mà mọi người đều phải vâng lời đó là lương tâm, lề luật, lẽ phải, bề trên, và trên hết là chính Thiên Chúa vì mọi quyền bính trên đời này đều xuất phát từ Ngài. Vâng lời không phải là lệ thuộc, càng không phải là sự hạ nhục. Vâng lời không là nô lệ mà là cách thế giải phóng cho thứ tự do chủ nghĩa hàm hồ, và nếu lạm dụng tự do ấy sẽ gây nên nhiều chuyện trớ trêu trong xã hội và Giáo Hội.

Mời Bạn: Chuẩn bị mừng lễ Chúa giáng sinh, mời bạn chiêm ngắm “Đấng vâng lời Chúa Cha cho đến chết và chết trên thập giá”, và cũng chiêm ngắm Đức Ma-ri-a, “Đấng có phúc hơn mọi người nữ” vì đã tin và nói lời “Xin vâng”.Bạn kiểm điểm lại cuộc sống xem mình đã phản ứng, hành động ra sao khi được kêu gọi vâng lời.

Chia sẻ: Vì sao sự vâng lời – đặc biệt sự vâng lời của Đức Ma-ri-a, và của Chúa Giê-su – không làm phẩm giá bị hạ thấp mà trái lại được nâng cao?.

Sống Lời Chúa: Tập mau mắn nghe theo lời khuyên dạy của những người có trách nhiệm hướng dẫn bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương Mẹ Ma-ri-a: mau nghe và chóng làm theo Lời Chúa dạy bảo mỗi ngày khi con nghe đọc Sách Thánh.

THỨ TƯ

PHÚC TRÙNG LAI

“Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc.” (Lc 1,42)
Suy niệm: Người đời thường nói “phúc bất trùng lai,” nghĩa là phúc không đến hai lần. Nhưng điều đó lại xảy ra đối với Đức Mẹ: Mẹ vừa được thiên sứ kính chào là người “đầy ơn phúc”, mà người con Mẹ đang cưu mang cách lạ lùng cũng “được chúc phúc” vì người con đó chính là Con Thiên Chúa, nguồn phúc lành cho Mẹ và cho cả nhân loại. “Phúc trùng lai” ấy xuất phát từ việc Mẹ đã dám tin vào quyền năng và tình thương của Thiên Chúa. Tin rằng Ngài đầy quyền năng “không có gì là không thể làm được,” và tin Ngài yêu thương nhân loại đến nỗi ban tặng chính Con Một Ngài. Trên bình diện tự nhiên, mầu nhiệm nhập thể là điều không tưởng, nhưng trong niềm tin, mầu nhiệm đó đã và đang trở thành nguồn an ủi và hạnh phúc cho nhân loại đến muôn đời. Khi cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh, chúng ta cũng được như Mẹ, được hưởng “phúc trùng lai” mà Chúa dành cho những ai biết đón nhận Lời Ngài qua lời dạy của Chúa Giê-su.

Mời Bạn: Mẹ Ma-ri-a thực hạnh phúc vì Mẹ đã “tin rằng lời Chúa phán với Mẹ sẽ được thực hiện”. Bạn có cảm thấy mình được hạnh phúc vì tin vào Chúa không? Quả thật, đạo Chúa chính là con đường giúp bạn dẫn bạn đến hạnh phúc đích thực và viên mãn khi bạn đặt trọn niềm tin vào Chúa và sống theo Lời Ngài truyền dạy.

Sống Lời Chúa: Bạn hãy rà soát lại mình để tìm thấy cái “được” của bạn khi làm người Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn vững tin vào công trình Chúa đã làm trong lịch sử để đem lại hạnh phúc thật sự cho chúng con. Amen.


THỨ NĂM

BIẾT ƠN CHÚA ĐỂ NGỢI KHEN NGÀI
Bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới.” (Lc 1,46-48)
Suy niệm: Cuộc gặp gỡ giữa Đức Ma-ri-a và bà Ê-li-sa-bét là cuộc gặp gỡ của hai người biết ơn Chúa bằng việc lên tiếng ngợi khen Ngài. Khi được bà Ê-li-sa-bét chúc mừng, Đức Ma-ri-a đã dâng lời ngợi khen Thiên Chúa: ngợi khen Ngài đoái thương nhìn tới “phận nữ tỳ hèn mọn”; ngợi khen Chúa với tấm lòng khiêm nhường vì Ngài đã làm cho mình những điều cao cả. Đức Ma-ri-a không chỉ tạ ơn và ngợi khen cho riêng mình; Mẹ còn nhận ra lòng thương xót Chúa trải dài “từ đời nọ đến đời kia” từ khởi đầu nơi các tổ phụ và cho cả con cháu đến muôn đời. Khi đặt mình trong mối tương quan “liên vị” đó, Mẹ càng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa thật vô biên và chương trình cứu của thật khôn ngoan khôn dò thấu. Ai biết đặt mình trong mối tương quan “liên vị” như thế, người ấy sẽ cất lời ngợi khen không ngừng, dù đời họ gặp nhiều niềm vui hay lắm nỗi buồn.

Mời Bạn: Khắp nơi đang tưng bừng chuẩn bị mừng Đại lễ Giáng Sinh. Nhưng ít người sống tâm tình ngợi khen qua sự kiện trọng đại này. Liệu bạn có vinh dự thuộc về “số ít” này không?

Sống Lời Chúa: Nhớ đến những anh chị em đang đau khổ vì thiên tai hay vì áp bức bất công, tôi hy sinh vài món chi tiêu để chia sẻ với đồng bào mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Ki-tô, Chúa đã làm người để trở nên một người trong chúng con. Xin cho chúng con trở nên người của Chúa, để cái nhìn của chúng con được khoáng đạt hơn, hầu có thể ngợi khen Chúa không ngừng. Amen.

THỨ SÁU

Thánh Gio-an Kê-ty, linh mục
                    Ý CHÚA TRONG GIA ĐÌNH
“Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, và chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 1,64)

Suy niệm: Một đôi vợ chồng trẻ mang thai đứa con đầu lòng, khi khám thai bác sĩ chẩn đoán thai nhi có khả năng dị tật và được khuyên nên phá bỏ để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Họ đã rất hoang mang và khóc rất nhiều. Sau nhiều ngày suy nghĩ và cầu nguyện, họ quyết định giữ lại đứa bé và mong chờ ngày sinh. Khi được hỏi tại sao, họ trả lời: “Hạnh phúc gia đình chúng con có được từ những gì Chúa ban cho. Con cái chúng con dù thế nào, chúng con vẫn sẵn sàng đón nhận và yêu thương chúng.” Đó là một chứng từ của đức tin. Chuyện gia đình ông Da-ca-ri-a trong ngày lễ cắt bì và đặt tên con, cũng vỡ òa trong niềm vui nhận vì ra thánh ý Chúa đã được thực hiện, điều mà ông đã nghi ngờ và đã bị “câm lặng” để nghiền ngẫm trong chín tháng vợ ông mang thai.

Mời Bạn: Tông huấn “Niềm Vui Yêu Thương” viết: “Nhan Thiên Chúa cư ngụ trong các gia đình cụ thể, với mọi rắc rối và đấu tranh, mọi vui tươi và hy vọng hàng ngày của họ. Sống trong một gia đình khiến chúng ta khó mà giả vờ hay gian dối được... Nếu tính chân thực này được lòng yêu thương gợi hứng, thì Chúa ngự trị ở đó, cùng với niềm vui và sự bình an của Người” (số 315). Bạn có sẵn sàng để tìm kiếm và thực hiện Thánh Ý Chúa; qua những thử thách trong chính gia đình của mình không?

Sống Lời Chúa: Suy nghĩ về một thử thách gia đình bạn đang gặp, và cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho mình phải biết đón nhận điều đó để sống Tình Yêu trong gia đình thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết sẵn sàng để đón nhận những đau khổ và thử thách trong gia đình để biết sống yêu thương hơn. Amen.

THỨ BẢY

CHẲNG CÒN SỢ HÃI

“Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en, đã viếng thăm cứu chuộc dân Người…, và cho ta chẳng còn sợ hãi…” (Lc 1,68.74)
Suy niệm: Sống ở đời, con người thường bị đe doạ bởi nhiều sợ hãi: sợ đói, sợ lạnh, sợ già, sợ xấu, sợ bệnh, sợ cô đơn, sợ thất bại…, và còn sợ những “khách không mời mà tới” như thiên tai, khủng bố, tai nạn… Tất cả sợ hãi này phát xuất từ nỗi sợ lớn nhất: đó là sợ chết. Sợ chết vì ham sống, vì muốn hưởng thụ cuộc sống, dù cuộc sống “méo mó”, nhưng “méo mó có hơn không”. Vì bất lực, nên sợ rồi tìm cách chạy trốn, lẩn tránh cái chết, nhưng “nhân sinh tự cổ thuỳ vô tử”…? Thiên Chúa “đã viếng thăm cứu chuộc dân Người” chính là để giải thoát ta khỏi mọi nỗi sợ hãi như thế. Ngoài Ngài ra, không ai có thể cứu thoát chúng ta, vì chỉ có Ngài là Chúa của Sự Sống, không những sự sống đời này, mà nhất là sự sống đời đời.

Mời Bạn: Bạn đang sợ hãi những gì? và Bạn làm gì trước những nỗi sợ đó? Chạy trốn lẩn tránh hay phó mặc cuộc đời như “bèo dạt mây trôi”? Bạn không tin rằng mình thuộc về “dân của Người” ư? Chúa sinh xuống làm người để trở thành Em-ma-nu-en, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Bạn chẳng còn phải sợ!

Chia sẻ: Cái sợ nào đáng sợ nhất đang ám ảnh bạn, cộng đoàn của bạn?

Sống Lời Chúa: Bạn dành vài phút trước hang đá giáo xứ để chiêm ngắm mầu nhiệm “Chúa viếng thăm và cứu chuộc dân Người” và cầu xin cho Bạn, cũng như mọi người đừng sống trong sợ hãi, nhưng được can đảm TIN và SỐNG như “dân” của Người.

Cầu nguyện: Đọc lại cả đoạn Phúc Âm hoặc những câu Phúc Âm trên đây và tâm sự với Chúa.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :