TĨNH TÂM TRONG BẦU KHÍ THINH LẶNG
VÀ SỨ ĐIỆP FATIMA
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,Trong phần Lời Chủ Chăn tháng 5 này, tôi muốn chia sẻ với quý Cha và quý Tu sĩ đôi tâm tư dựa theo hai sự kiện trong sinh hoạt của Giáo phận và của Giáo Hội trong tháng 5. Sự kiện thứ nhất là quý Cha sẽ cùng nhau tĩnh tâm theo giáo hạt, trong bầu khí thinh lặng để lắng nghe tiếng Chúa nói trong lòng mình; sự kiện thứ hai là ngày 13 tháng 5 là ngày kỷ niệm 100 năm ngày Đức Mẹ hiện ra lần thứ nhất tại Fatima. Do đó, bài chia sẻ này có tựa đề là : “Tĩnh tâm trong bầu khí thinh lặng và Sứ điệp Fatima”. Đề tài cho thấy rõ ràng hai phần của bài chia sẻ:
- Tĩnh tâm trong bầu khí thinh lặng
- Sứ điệp Fatima
1. Tĩnh tâm trong bầu khí thinh lặng
Trong đời sống linh mục, tu sĩ có ba sinh hoạt thiêng liêng, tuy liên hệ mật thiết với nhau, nhưng lại là ba sinh hoạt khác nhau, với những đặc tính và mục đích riêng của nó.
- Khóa học hỏi Thần học, Tu đức, Mục vụ: nhắm cập nhật các tư tưởng thần học, tu đức, mục vụ, nhất là trong bối cảnh của xã hội và những con người nơi các linh mục và tu sĩ phục vụ.
- Buổi chia sẻ Mục vụ: nhắm trao đổi các kinh nghiệm mục vụ, nhờ đó mỗi người có thể rút ra những bài học áp dụng để công việc mục vụ của mình được kết quả tốt đẹp hơn.
- Tĩnh tâm: nhằm giúp mỗi người đi vào chiều sâu nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa, hầu nhận ra thực trạng của đời mình. Từ đó, chúng ta biết lấy Lời Chúa chiếu soi, thanh luyện tâm hồn và kín múc sức mạnh từ Chúa để biến đổi đời sống trong ơn gọi và trong sứ vụ của đời thánh hiến sao cho phù hợp thánh ý Chúa.
Trong khi đối tượng của khóa học hỏi Thần học, Tu đức và của buổi chia sẻ Mục vụ là công việc phục vụ và những người hưởng nhờ công việc phục vụ của linh mục và tu sĩ, thì đối tượng của Tĩnh tâm là chính con người của linh mục và tu sĩ, tận trong tâm não của mỗi người. Để biết được con người thực của mình và nghe được tiếng Chúa nói với lòng mình, điều kiện tiên quyết là phải biết đi vào THINH LẶNG. Thinh lặng bề ngoài để kiến tạo thinh lặng nội tâm.
Đây là điểm khó khăn của Tĩnh tâm vì tự nhiên, người ta rất ngại trở về lòng mình để nhận diện con người thực của mình và để thay đổi. Điều này lại càng khó khăn vì trong thời đại ngày nay, với những cơn bão hình ảnh và tiếng động, với một nhịp sống chạy theo tốc độ, con người như mất khả năng thinh lặng. Đối với linh mục và tu sĩ, còn có thêm một khó khăn phát xuất từ chính sứ vụ của mình. Đó là nếp sống và cách suy nghĩ của người luôn đứng vào vị thế giảng dạy và hướng dẫn người khác, hoặc là người điều hành, chỉ đạo thực hiện các chương trình lớn nhỏ. Nếp sống của sứ vụ có thể gây ra nơi các linh mục và tu sĩ não trạng “nói” hơn là “nghe”, “xét mình” cho người khác hơn là “xét mình” cho chính mình.
Nhưng khó khăn căn bản nhất nằm ở bản chất của con người. Vì tội nguyên tổ, loài người lẩn tránh Thiên Chúa và trốn tránh chính mình (St 3,1-13). Người ta rất sợ sự thật, nhất là nếu đó lại là sự thật không hay, không đẹp của lòng mình. Chính vì vậy, ở nhiều nơi, người ta biến giờ tĩnh tâm thành buổi học hỏi thần học, tu đức, hoặc trở thành những giây phút chia sẻ mục vụ. Do đó, người ta chỉ tìm kiếm những ý tưởng mới, những hiện tượng mới hoặc những nhận xét về những vấn đề và hoàn cảnh của người khác, chứ không phải là những vấn đề của lòng mình. Có những nơi bên Âu Mỹ, ngày tĩnh tâm trở thành ngày nghỉ, ngày gặp gỡ huynh đệ: gặp nhau nói chuyện vui, đến giờ vào nghe một bài thuyết trình về những vấn đề thần học và sau đó, đi chơi thể thao… Đó là lặp lại hiện tượng chạy trốn lòng mình, chạy trốn Thiên Chúa của Ông Bà nguyên tổ ngày nào.
Để hiểu rõ hơn nhu cầu Thinh lặng của Tĩnh tâm, chúng ta có thể duyệt qua ba cụm từ được dùng để diễn tả tác động này. Đó là Cấm phòng, Tĩnh tâm và Linh thao.
Cấm phòng: đây là cụm từ đầu tiên được sử dụng. Cụm từ này nói lên nhu cầu cần phải đi vào nơi thanh vắng, cắt đứt khỏi mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, để ở với Chúa và lắng nghe tiếng Chúa: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16).
Tĩnh tâm: sau nhiều kinh nghiệm thiêng liêng, người ta khám phá ra là chỉ bỏ nhà đi xa thôi chưa đủ. Một người có thể đi vào sa mạc, nhưng lại đưa tất cả thế giới vào sa mạc với mình, nhất là ngày nay lại có điện thoại di động với nhiều chức năng nối mạng. Do đó, vào sa mạc mà lòng vẫn chen chúc với người, với sự việc và không ổn. Do đó, có vào sa mạc vẫn không nhìn ra được lòng mình và cũng chẳng nghe được tiếng Chúa. Vì vậy, điều thiết yếu là làm cho tâm hồn được lắng đọng và an bình, tách ra khỏi ngoại cảnh, ngoại vật. Sách chuyện về các thầy tu sa mạc có kể như sau:
§ Ngày kia, một chàng trai vào sa mạc tìm một thầy tu và hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở trong sa mạc lâu vậy để làm gì?”
§ Thầy tu trả lời: “Anh hãy nhìn xuống đáy giếng xem có thấy gì không?” (Lúc đó Thầy tu đang đứng cạnh giếng múc nước).
§ Chàng trai nhìn xuống và trả lời: “Thưa Thầy, con thấy mặt một người, hình như mặt của con, nhưng không rõ, vì nước dưới đáy giếng đang dao động”.
§ Sau một thời gian, Thầy tu mời chàng thanh niên: “Bây giờ anh hãy nhìn xuống đáy giếng xem có thấy gì không.”
§ Chàng thanh niên nhìn xuống và nói: “Bây giờ con thấy rõ mặt của con”.
§ Thầy tu kết luận: “Đó là điều tôi đang làm trong sa mạc: làm cho các tình cảm, dục vọng, thiên kiến... lắng đọng xuống để tôi nhìn thấy bộ mặt thật của lòng tôi và nhờ đó, nhìn ra được khuôn mặt của Chúa là Đấng cứu độ tôi”.
Linh thao: cụm từ thứ ba là “Linh thao”. “Linh” là thiêng liêng, “Thao” là luyện tập. Nếu chỉ tránh xa thế gian, vui đùa và quên mọi sự để khỏi bận tâm lo lắng thì có thể mới chỉ là giải trí. Để những giây phút vào sa mạc có thể là “Tĩnh tâm”, cần phải phấn đấu để kiến tạo và giữ gìn bầu khí thinh lặng cho mình và cho người khác, mong mỗi người đi vào chiều sâu nội tâm để nhận ra con người thực của mình, mở ra cho Chúa tình trạng thực của mình để Chúa thanh luyện, biến đổi và thánh hóa.
Như vậy, việc làm trong ngày tĩnh tâm cần phải diễn tả qua tất cả ba cụm từ: Cấm phòng, Tĩnh tâm, Linh thao. Hai yếu tố tâm linh quyết định để ngày tĩnh tâm đem lại kết quả, làm mới cuộc đời là LẮNG NGHE VÀ SẴN SÀNG VÂNG PHỤC. Hai yếu tố này lại cần có hai yếu tố khác chuẩn bị là THINH LẶNG và TỰ DO NỘI TÂM, thanh thoát với tất cả những gì không phải là Chúa. Làm được như vậy, chúng ta sẽ cảm nghiệm được bầu khí thánh thiện, trầm lắng trong sự hiện diện của Chúa và đáp lại lời Chúa mời gọi: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa tối với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa tối với Ta” (Kh 3,20).
2. Sứ điệp Fatima
Năm nay, kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima và ngày 13 tháng 5 là lần thứ nhất trong sáu lần Đức Mẹ hiện ra tại đây. Nhân dịp này, chúng ta cùng nhau nhắc lại vài điều của sứ điệp Đức Mẹ đã để lại trong những lần hiện ra để làm hành trang thiêng liêng cho đời sống cá nhân và công tác mục vụ của chúng ta.
a. Sứ điệp
Ngay lần đầu tiên khi hiện ra với ba em ngày 13.5.1917, Đức Mẹ đã xin ba em: “Các con hãy cầu nguyện kinh Mân Côi mỗi ngày để xin hòa bình cho thế giới và chấm dứt chiến tranh.” Sứ điệp này Đức Mẹ còn nhắc lại nhiều lần khi hiện ra với các em sau này.
Khi hiện ra lần thứ ba, ngày 13.7.1917, Đức Mẹ cũng lặp lại sứ điệp trên và cho ba em được thấy thị kiến hỏa ngục. Chị Lucia kể lại như sau:
"Ta muốn con đến đây ngày 13 tháng sau, và tiếp tục đọc kinh Mân Côi tôn kính Đức Bà Mân Côi để xin hòa bình cho thế giới và cho chiến tranh chấm dứt”
“Đức Mẹ cho chúng tôi thấy một biển lửa rất lớn, hình như ở dưới lòng đất. Ngập lặn trong biển lửa đó là ma qủi và các linh hồn, như thể những cục than trong như phalê mầu đen hoặc vàng cháy giống hình người, bị đẩy lên đẩy xuống trong đám cháy, phát ra những tia lửa và đám khói, rơi xuống tứ tung như những tàn lửa trong một đám cháy lớn, không trọng lượng, không cân bằng, giữa những tiếng la hét thất thanh, đau đớn và tuyệt vọng, làm kinh tởm và run sợ vì khiếp đảm. Lũ quỉ có thể nhận ra được vì những hình thù ghê tởm làm nôn mửa của thú vật gây khiếp đảm và chưa hề thấy, nhưng trong như pha lê và đen. Thị kiến này chỉ xảy ra trong giây phút và nhờ Đức Mẹ đã hứa trước là sẽ đưa chúng tôi lên Trời, nếu không chắc chúng tôi sẽ chết vì khiếp đảm và sợ sệt.
Sau đó, chúng tôi nhìn lên Đức Mẹ; với vẻ mặt nhân từ và buồn sầu, Người nói với chúng tôi: Các con đã thấy hỏa ngục nơi nhiều linh hồn các kẻ có tội đã rơi xuống. Để cứu vớt họ, Thiên Chúa muốn thiết lập trên thế giới lòng sùng kính Trái Tim Vẹn Sạch Mẹ. Nếu họ làm những gì Mẹ nói, nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình…”
“Chúng tôi nhìn thấy về phía trái Đức Mẹ, hơi xếch lên trên có một Thiên Thần, tay trái cầm ngọn giáo lấp lánh phát ra những ngọn lửa như muốn thiêu đốt thế giới, nhưng tắt ngấm khi tiếp xúc với ánh hào quang phát ra từ tay phải của Đức Mẹ chỉ về phía Thiên Thần. Tay phải của Thiên Thần chỉ mặt đất và nói với giọng rất lớn: Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội, Hãm mình đền tội!” (Trong thị kiến này, chị Lucia nói đến Vị Giám mục mặc áo trắng mà chị nghĩ là Đức Thánh Cha, nhiều giám mục, linh mục, tu sĩ leo lên ngọn núi cao, dốc mà trên đỉnh có cây Thánh Giá lớn…)
b. Một suy tư
Để cứu linh hồn các kẻ có tội khỏi sa hỏa ngục và để giải quyết vấn đề lớn lao của thế giới là chiến tranh, Đức Mẹ đã xin: lần hạt Mân Côi và hãm mình đền tội.
Những vấn đề của thế giới ngày nay trên căn bản cũng không khác bao nhiêu những vấn đề của thế giới vào thời gian Đức Mẹ hiện ra ở Fatima, có khác chăng là khác về tính cách nghiêm trọng và cường độ của các vấn đề. Đứng trước những vấn đề lớn lao như chiến tranh, bất công, áp bức, tự do tôn giáo, tục hóa, vô thần..., người ta có thể hỏi: “Lần hạt Mân Côi và hảm mình đền tội có nghĩa gì? Có ích gì?”
- Trước tiên, sứ điệp Fatima, khi kêu gọi cầu nguyện, ăn năn trở lại, hy sinh hãm mình, không chối bỏ sự quan trọng của những công việc trong lãnh vực văn hóa, chính trị, xã hội, ngoại giao, khoa học… Tuy nhiên, nếu muốn đi tới tận nguồn căn nguyên của các vấn đề thì phải đi vào lòng người, bị thoái hóa vì tội lỗi. Tin Mừng Thánh Marcô thuật lại câu chuyện người bất toại được bốn người khênh đến xin Chúa chữa lành bệnh. Tuy nhiên, trước khi chữa bệnh bất toại, Chúa đã nói một câu bất ngờ mà họ không nghĩ đến, nhưng lại là căn nguyên của cơn bệnh: “Này con, tội con đã được tha” (Mc 2,5). Chỉ có Chúa mới giải thoát con người khỏi tội lỗi; chỉ có ơn thánh của Chúa mới có khả năng cải hóa và thay đổi lòng người là nguồn gốc của các chương trình, dự án, hành động…
- Tình liên đới đại đồng: trong thế giới đầy dẫy những dấu hiệu của sự chết, của sự dữ, nhất là hận thù, căm hờn, ích kỷ, tư lợi, dục vọng đang gây ra biết bao tội ác, cần phải làm tăng thêm những dấu hiệu của sự thiện, của tình thương trong thế giới phủ đầy bóng tối của sự chết, sự dữ, nhất là sự hận thù, căm hờn, ích kỷ, tư lợi, dục vọng đang gây ra biết bao tội ác, càng cần được thắp lên ánh sáng của sự thật, sự thiện, công lý và tình thương. Mỗi cử chỉ, hành động của tình yêu được lan toả ra khắp nơi, làm tăng thêm sức mạnh của sự thiện. Tình yêu trong đau khổ là một sức mạnh có khả năng thấm vào lòng và biến đổi con người, gây lên một bầu khí mới.
- Đền bù tội lỗi phá hủy các thụ tạo là công trình của Chúa và có khi còn xúc phạm trực tiếp đến Chúa.
Những lời kết thúc những dòng suy nghĩ đơn sơ trên đây chắc chắn là lòng ao ước được thấy các linh mục, tu sĩ trong Giáo phận dùng ngày tĩnh tâm trong thinh lặng cách xứng hợp để hun đúc ý chí dâng hiến trọn cuộc đời cho Chúa và khơi lửa nhiệt thành trong sứ vụ đã lãnh nhận. Cúi xin Đức Mẹ là “Mẹ của các linh mục” và là “Nữ Vương các thánh đồng trinh” gìn giữ và che chở quý Cha và quý Tu sĩ trong hành trình dâng hiến và phục vụ.
Với lòng quý mến và trân trọng, xin kính chúc qúy Cha và quý Tu sĩ sống những ngày rất đẹp của Tháng Hoa được thêm lửa sốt sắng và tăng thêm lòng yêu mến Đức Mẹ.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc