www.langminhnews.net

LỜI CHỦ CHĂN Tháng 07 năm 2017

VÂNG PHỤC VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT TRONG CUỘC ĐỜI LINH MỤC, TU SĨ

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Dư âm bầu khí an bình, thánh thiện và nhiệt huyết tông đồ trong tuần Tĩnh Tâm Linh mục đoàn Giáo phận vào những ngày đầu tháng 6 vừa qua vẫn còn vang vọng trong tâm khảm các linh mục tham dự. Vì vậy, trong phần “Lời Chủ Chăn” tháng 7 này, tôi muốn nhắc lại một số điều đã chia sẻ với quí Cha tham dự tuần Tĩnh Tâm và gửi đến tất cả các Linh mục và Tu sĩ trong Giáo phận.

I. VÂNG PHỤC TRONG VIỄN TƯỢNG “TRỜI MỚI, ĐẤT MỚI”

1. Vâng phục thánh ý Chúa là cốt lõi của đời sống Linh mục, Tu sĩ

Cuộc đời dâng hiến của các Linh mục, Tu sĩ có nhiều đòi hỏi và nhắm thực hiện nhiều công tác, nhưng tất cả được qui tụ nơi một yếu tố nền tảng là Vâng phục Thánh ý Thiên Chúa, thực hiện điều Thiên Chúa muốn vì đây đúng là cốt lõi của tình yêu dâng hiến. Khi thương yêu ai hết tình, người ta chỉ muốn biết người mình thương mến ưa thích điều gì và cố gắng thực hiện điều đó cho bằng được. Đây cũng chính là lý do vì sao Chúa Giêsu đã coi việc thực thi thánh ý Thiên Chúa Cha như lương thực (x. Ga 4,34) và là chương trình sống của Ngài: “Khi vào trần gian, Đức Kitô nói : Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa : Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài.” (Dt 10,5-7).

2. Đau khổ và cô đơn khi vâng phục

Việc vâng phục thánh ý Chúa nhiều khi đòi phải trả một giá rất đắt và có khi còn dẫn đến những đau khổ cùng cực, trong cô đơn. Chính Chúa Giêsu trong vườn cây dầu đã phải trải qua những kinh nghiệm này: “Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng : Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô : Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao?” (Mt 26,39-40).

Chúa Giêsu, cho dù có phải chịu đựng những đau khổ hãi hùng trong cô đơn, không được ai, kể cả ba người môn đệ thân tín nhất, thông cảm và chia sẻ, Ngài vẫn thưa: “Xin theo ý Cha”. Đây là bằng chứng hùng hồn nhất để diễn tả tình yêu đối với Chúa Cha và để trở nên nguồn ơn cứu độ cho nhân loại: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người” (Dt 5,8-9).

3. Niềm vui và hãnh diện khi vâng phục

Lịch sử của nhân loại, mặc dù đang diễn tiến theo những con đường ngoằn nghoèo, dích dắc, nhưng trong hướng tiến đến tương lai, nhân loại đang được Thiên Chúa dẫn dắt tiến đến viễn tượng cánh chung “Trời Mới Đất Mới”, nơi mà chính Thiên Chúa là ánh sáng cho vạn vật, sẽ không còn đêm tối, không còn tang tóc hay chết chóc và các cực đối kháng sẽ được hòa giải để cùng nhau sống trong an bình.

- “Bấy giờ tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa… Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21,1.4).

- “Sẽ không còn đêm tối nữa, họ sẽ không cần ánh sáng của đèn, cũng chẳng cần ánh sáng mặt trời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ chiếu sáng trên họ.” (Kh 22,5).

- “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cũng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta.” (Is 11,6-9).

Ơn gọi dâng hiến của các Linh mục và Tu sĩ là ơn gọi cộng tác với Thiên Chúa để dẫn đưa nhân loại tới “Trời Mới Đất Mới”. Vì vậy, điều mỗi Linh mục, Tu sĩ cần tìm kiếm và thực hiện là sứ vụ Chúa trao phó để chương trình “Trời Mới Đất Mới” của Ngài được kiện toàn. Đặt trong viễn tượng này, việc vâng phục ý Chúa trở thành một niềm vui và là lý do để hãnh diện vì được cộng tác với Ngài trong chương trình lớn lao, chuẩn bị nhân loại đi vào thời cánh chung của “Trời Mới Đất Mới”, nơi các cực đối kháng được hóa giải, mọi người được sống an bình tươi vui và hạnh phúc trong tình yêu của Thiên Chúa.

4. Khó khăn tìm biết ý Chúa

Hiểu và thực hiện ý Chúa là việc căn bản của đời sống Linh mục, Tu sĩ, nhưng cũng là việc khó khăn diệu vợi. Lắm khi người ta làm theo sự tính toán của loài người, nhưng lại cho đó là ý Chúa. Điều này đã được chính Chúa cảnh báo trong Tin Mừng thánh Gioan: “Họ sẽ khai trừ các con ra khỏi hội đường. Hơn nữa, sẽ đến giờ kẻ nào giết các con cũng tưởng mình phụng thờ Thiên Chúa.” (Ga 16,2).

Có hai lý do rất quan trọng ngăn cản chúng ta không hiểu được ý Chúa. Đó là tính kiêu căng của lòng người và sự lừa đảo của ma quỷ: trình bày sự thật một nửa, gọi trắng là đen, gọi sự dữ bằng những tên thật kêu, thật đẹp, đồng hóa danh dự của mình với vinh quang của Chúa... Chính vì vậy, Thánh Gioan gọi ma quỷ là cha đẻ của sự dối trá (x. Ga 8,44).

Đứng trước hai khó khăn trên đây, sự khiêm nhường chính là linh dược. Thánh Phêrô đã nhắc nhở những tín hữu tiên khởi như sau: “Những người trẻ hãy vâng phục các kỳ mục : anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.” (1Pr 5,5). Sau nhiều thế kỷ, giáo huấn của Thánh Phêrô được Mahatma Gandhi, người đã được dân Ấn Độ tôn là bậc thánh, đã diễn tả như sau: “Ai đi tìm Chân Lý, phải hạ mình xuống như cát bụi, lúc đó mới hy vọng nhìn được vài tia sáng của Sự Thật”.

II. ÁP DỤNG SỰ VÂNG PHỤC VÀO VIỆC THUYÊN CHUYỂN

Trong cuộc đời của Linh mục, Tu sĩ, một trong những hoàn cảnh gây nhiều đau khổ trong việc vâng phục thánh ý Thiên Chúa là việc thuyên chuyển và thay đổi trách nhiệm.

1. Nguyên tắc hướng dẫn

Có những trường hợp vâng phục gây ra nhiều đau khổ, làm tâm hồn mất an bình và không còn khả năng phân định. Những lúc đó, cần phải có nguyên tắc sống để hướng dẫn tâm hồn, có khác chi khi con thuyền bị tròng chành vì sóng gió, cần phải có chiếc neo để giữ vững. Thánh Arnold Janssen, vị sáng lập dòng Ngôi Lời đã đưa ra một nguyên tắc sống: “Tôi không bao giờ tìm một chức vụ, nhưng tôi cũng không bao giờ từ chối một chức vụ. Vì thế tôi luôn an bình vì biết mình nằm trong Thánh ý Chúa”. Dựa trên giáo huấn của thánh Arnold Janssen, tôi đã đề ra nguyên tắc “Tam Vô” (ba không) để hướng dẫn tôi trong hành trình vâng phục ý Chúa, nhất là ý Chúa qua Bề trên, và hôm nay xin chia sẻ với quí Cha và quí Tu sĩ. Đây là nguyên tắc “Tam Vô”:

- Không TÌM;

- Không CHỐI;

- Không GIỮ.

2. Tìm kiếm ý Chúa trong mối tương quan với Bề trên

Trong đời sống dâng hiến của Linh mục và Tu sĩ, rất nhiều lần việc vâng phục ý Chúa được thực hiện qua việc vâng phục bề trên. Thánh Bênêđictô đã chỉ ra hành trình ba bước để tìm ý Chúa trong tương quan với bề trên.

- Bước 1: Vâng lời tuyệt đối, không do dự. Khi bề trên trao cho một lệnh truyền, cần phải vâng lời ngay, không do dự, không tính toán. Đây là bước của thái độ tâm linh: sẵn sàng tuyệt đối trước thánh ý Thiên Chúa. Nếu là ý Chúa, chết cũng sẵn sàng đón nhận.

- Bước 2: Đối thoại. Nếu trong lương tâm thấy có những lý do bề trên không biết, bề dưới phải trình bày với bề trên. Đây là bước của lý trí loài người. Vấn đề ở đây không phải là thích hay không thích, nhưng là trách nhiệm của lương tâm. Do đó, trong khi đối thoại, cả bề trên và bề dưới phải làm cho lòng mình được tự do để lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa.

- Bước 3: Phó thác trong tay Chúa Quan Phòng. Sau khi đã đối thoại, nếu bề trên xác nhận lại lệnh truyền hay truyền đạt một lệnh mới, hãy đón nhận với tất cả lòng tin tưởng, phó thác nơi Chúa. Đây là bước của thái độ Đức Tin. Lúc này, người môn đệ của Chúa không dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của loài người, nhưng dựa vào sự khôn ngoan và sức mạnh của chính Chúa. Nhờ đó, Chúa có thể ra tay thực hiện chương trình của Ngài, qua người môn đệ. Đây chính là bí quyết vì sao các thánh đã làm những điều người thường không thể làm được.

III. MỤC VỤ “THÁNH ĐỊA LÒNG THƯƠNG XÓT”

1. Nẻo đường lòng thương xót

Bằng nhiều nẻo đường, Giáo phận Xuân Lộc đang cố gắng cùng nhau “biến” Giáo phận thành Thánh địa Lòng Thương Xót, “nơi mọi người, kể cả Anh Chị Em lương dân và di dân, đều cảm nghiệm được sự ngọt ngào của lòng thương xót và không ai không là chứng nhân của lòng Chúa thương xót.” (Sứ điệp Thánh lễ tại nhà thờ Chính Tòa ngày 31 tháng 5 năm 2016).

Từ sứ điệp trên đây, tôi muốn chia sẻ thêm về viễn tượng Thánh Địa Lòng Thương Xót, bắt đầu bằng những dòng tự sự của một thanh niên hư hỏng ngỏ với người mẹ của anh:

Con không biết ngày mai là “Ngày của mẹ” nếu không vô tình nhìn thấy tấm biển quảng cáo ở trước một quán cà phê ngoài phố…

Một năm trước đây vào ngày này chắc mẹ đang đi tìm con ở khắp các hàng điện tử và nhà mấy thằng bạn. Còn con thì đang say sưa, lê lết ở hàng karaoke vì lúc đó con cảm thấy rất chán ghét gia đình mình. Tại sao bố bỏ nhà đi mà không ai nói cho con biết?... Mãi về sau con mới biết mẹ giấu con vì không muốn ảnh hưởng đến kì thi tốt nghiệp của con. Nhưng lúc đó con như một thằng điên chỉ biết oán trách, gây sự với tất cả mọi người. Con đã nói rất nhiều thứ bậy bạ và hỗn láo với mẹ. Tại sao mẹ không cho con một cái tát ngay lúc ấy… mà mẹ chỉ khóc?

Con cũng không hề biết mẹ đã phải nhịn nhục, khổ sở như thế nào đến nhà người ta xin xỏ để họ không báo chuyện con đánh nhau lên nhà trường. Bố bỏ đi, một mình mẹ phải chịu bao nhiêu vất vả và những lời xì xào bàn tán của mọi người rồi cả sự mất dạy, hỗn láo của con... Bố và con, hai người đàn ông trong gia đình nhưng lại là hai người tồi tệ nhất đã lấy đi bao nhiêu nước mắt của mẹ, đã khiến mẹ phải chịu bao khổ sở.

Con cứ trượt dài từ sai lầm này đến sai lầm khác và để mẹ phải đi đằng sau gánh chịu mọi hậu quả. Ngày con bỏ thi tốt nghiệp đi chơi, mẹ đã ngồi chờ con cả đêm trước cửa nhà. Rồi những ngày tiếp theo mẹ đã phải gồng mình lên vừa đi làm vừa kèm con đi học để thi lại lần thứ hai, thanh toán những khoản nợ hàng điện tử, hàng bia của con, đến xin lỗi từng nhà mỗi khi con gây gổ với người ta. Ngày con thi lại lần hai, buổi thi nào mẹ cũng đưa con đi rồi đứng cho đến hết giờ để đưa con về. Sao lúc đó con u mê quá, con không nhận ra rằng mẹ yêu thương con dường bao và con đã làm mẹ đau khổ đến mức nào.

Khi mọi người càng cố lại gần con, giúp đỡ con thì con lại càng đẩy mọi người ra xa, nhất là mẹ. Hầu như tháng nào con cũng gây ra một chuyện, kết bạn với những đứa không ra gì, làm đủ thứ điên rồ và mất dạy, thậm chí con còn cậy tủ lấy trộm tiền để đi chơi. Dù biết là con lấy nhưng mẹ vẫn bênh con trước mặt các bác, các chú. Mẹ xót xa, đỡ đòn cho con khi con bị bác đánh. Nhưng con vẫn giận dỗi mẹ, vẫn bỏ sang nhà dì ở vì không muốn nhìn thấy mẹ. Con đúng là một thằng tồi, một thằng con bất hiếu phải không mẹ?

Con đã sống thật ích kỉ và chỉ hiểu ra mọi chuyện khi đã quá muộn. Mới đây con lại gây ra một chuyện tồi tệ khiến mẹ phải đau lòng, phải khóc. Con rất muốn gặp mẹ để xin mẹ tha thứ dù con biết mẹ không hề giận con.

Vào ngày này, người ta thường ở bên nhau và tặng mẹ những lời nói yêu thương, những món quà, những bông hoa đẹp nhất. Nhưng con lại chẳng thể làm được những việc ấy cho mẹ. Con chỉ muốn nói con xin lỗi mẹ, mong mẹ hãy tha thứ cho đứa con hư hỏng này. Ngày mai con sẽ vào miền nam và bắt đầu một cuộc sống mới tốt hơn… Con sẽ quay về gặp mẹ, bà và các em sau khi có đủ tự tin để đối mặt với mọi chuyện mình đã gây ra. Điều con mong nhất lúc này là kể từ nay trở đi mẹ sẽ không bao giờ phải khóc, không bao giờ phải đau khổ nữa vì con.

2. Tình yêu của người Mẹ

Thật tuyệt vời tình yêu của người mẹ qua lời tự sự của đứa con trên đây! Xem ra đây là một diễn tả mới của dụ ngôn “Những người làm vườn nho sát nhân” mà Chúa nói trong Tin Mừng thánh Marcô (Mc 12,1-12). Nhờ tình yêu kiên nhẫn, chịu đựng trong đau khổ của người mẹ, đứa con hư hỏng đã nhận ra lỗi lầm của mình, đã hối cải và chỗi dậy trở về. Tình yêu của người mẹ thực là một đóa hoa tuyệt đẹp mang hương thơm dịu dàng làm phát sinh ra trái ngọt là chính đứa con hư hỏng biết ăn năn hối cải!

3. Linh mục, Tu sĩ: sứ giả của lòng thương xót

Kính thưa quí Cha, quí Tu sĩ, liệu chúng ta có thể áp dụng tình yêu của người mẹ trên đây cho đoàn dân được trao phó cho chúng ta chăm sóc thay mặt cho Chúa không? Vẫn biết người mẹ có sức mạnh của bản năng mẫu tử, nhưng chúng ta có sức mạnh của sứ mệnh Chúa trao, của niềm hy vọng tiến về “Trời Mới Đất Mới” và nhất là, sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Trong sứ mệnh giáo huấn và dẫn đưa đoàn chiên của Chúa đi vào “Trời Mới Đất Mới”, cũng có những lúc chúng ta phải nói sự thật. Và để việc “nói sự thật” đem lại kết quả tông đồ và có sức cải hóa lòng người, cần phải cẩn trọng giữ ba nguyên tắc sau đây:

- Không nói, không sửa sai khi lòng chưa an bình: “Anh em đừng bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để xây dựng và làm ích cho người nghe. Anh em chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn ghi trên anh em, để chờ ngày cứu chuộc. Đừng bao giờ chua cay gắt gỏng, nóng nảy giận hờn, hay la lối thoá mạ, và hãy loại trừ mọi hành vi gian ác. Trái lại, phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Ki-tô.”(Ep 4,29-32)

- Trước khi nói với một người về 1 cái sai trái của họ, phải tìm ra 9 cái tốt của người đó;

- Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II: “Veritas in caritate” (Sự thật với lòng bác ái). Điều nói cho dù là sự thật mà không có lòng bác ái, không phát xuất từ lòng yêu thương sẽ trở thành lời chửi mắng, xúc phạm, không cải hóa được lòng người. “Caritas” là tình yêu đến từ chính Thiên Chúa. Đó là thứ tình yêu tinh tuyền, nhưng không: yêu không phải vì người đó đáng được yêu, nhưng vì người đó cần được yêu; thương yêu không cần được đền đáp. Chính vì vậy mà tình yêu của Thiên Chúa là tình yêu cứu rỗi loài người tội lỗi.

Kết thúc những dòng suy nghĩ trên đây, tôi muốn nhắc lại lòng ước ao là Giáo phận Xuân Lộc chúng ta, từ các gia đình, các cộng đoàn, các giáo họ, giáo xứ sẽ trở thành “Thánh địa của lòng thương xót”. Để được như thế, nhất thiết là con tim của các Linh mục, Tu sĩ của Giáo phận phải trở thành “Thánh địa của lòng thương xót”.

Cúi xin Đức Mẹ là Mẹ của các Linh mục và là “Nữ Vương các kẻ đồng trinh” gìn giữ và che chở quý Cha, quý Tu sĩ trong hành trình dâng hiến và phục vụ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :