www.langminhnews.net

TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN QUỐC LẦN THỨ V TẠI GP. XUÂN LỘC, 28/8-1/9.2017

Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần thứ V với chủ đề “Đào tạo Giáo lý viên, con người hiệp thông để Loan báo Tin Mừng” diễn ra sau khi bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam được Đại hội XV Hội đồng Giám mục (từ 24-28/4/2017) chấp nhận cho thử nghiệm trong 3 năm và sau Đại hội Quốc tế lần thứ I về Giáo lý, từ 11-14/7/2017, tại Buenos – Aires, Argentine với sứ điệp của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô gửi cho các tham dự viên. Bối cảnh này gợi lên trong chúng ta một vài suy nghĩ và tâm tình trước thềm Đại Hội.

Bản Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam 2017 (HDTQ.VN 2017) có thể được xem như cột mốc đánh dấu một chặng đường mới trong hoạt động huấn giáo tại Việt Nam. Hơn mười năm qua, các ban giáo lý cấp giáo phận trong cả nước đã ngồi lại với nhau suốt bốn lần Đại Hội, cách quãng 2 hoặc 3 năm, nhưng vẫn chưa thống nhất được những khái niệm căn bản về việc dạy giáo lý; nên khi trao đổi với nhau một chủ đề, các tham dự viên có thể hiểu và làm khác nhau.

Với bản Hướng Dẫn này, mong mỏi của Đại Hội Dân Chúa “sớm có được những nguyên tắc, đường hướng và chương trình chung, cũng như một thủ bản chung về giáo lý, vừa trung thành với Tin Mừng vừa gần gũi với văn hóa Việt Nam” (Thư chung HĐHDC 2010, s.11) phần nào đã được thực hiện. Dám nói như thế bởi HDTQ 2017 không đơn thuần là bản tóm Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý năm 1997 của Bộ Giáo Sĩ, nhưng là một công trình được gợi hứng bởi kinh nghiệm dạy giáo lý của các bậc tiền nhân, được soi sáng và hướng dẫn bởi đường hướng mục vụ chung của HĐGM.VN trong Thư chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010.

Để xoay chuyển huấn giáo theo hướng phục vụ cho công cuộc truyền giáo như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đề nghị trong TH. Niềm Vui Tin Mừng cũng như đặt lại việc dạy giáo lý trong viễn tượng loan báo Tin Mừng của Bộ Giáo Sĩ trong HDTQ 1997, Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý 2017 chọn giải pháp mục vụ của HĐGM.VN; đó là “góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người” (s.46).

Giải pháp mục vụ này, nói theo ngôn ngữ của ĐTC. Phanxicô trong Sứ điệp gửi Đại hội Quốc tế lần thứ I về Giáo lý vừa qua, là một chọn lựa đầy “sáng tạo” nhằm tìm kiếm các phương thức khác nhau để rao truyền Chúa Kitô; một sự tìm kiếm dẫn chúng ta đến gặp gỡ những dấu chỉ và hình thức mới mẻ để thông truyền đức tin. Giải pháp này đòi buộc chúng ta, những người dấn thân cho huấn giáo, phải can đảm “thay đổi” nhằm làm cho sứ điệp đến gần với đồng bào hơn, can đảm vì biết rằng Thiên Chúa vốn không thay đổi nhưng làm cho tất cả mọi sự luôn mới mẻ trong Người, hơn nữa, Chúa Giêsu sẽ đi trước chúng ta trong sứ vụ loan báo Tin Mừng; Ngài ở trong con người hôm nay và chờ đợi chúng ta ở đó.

“Hiệp thông”, đúng hơn, “hiệp thông mang tính truyền giáo” thực sự là dấu chỉ và hình thức mới mẻ để thông truyền đức tin hôm nay trên mảnh đất quê hương của chúng ta cũng như trên cánh đồng thế giới. Là môn đệ của Chúa Giêsu trên mảnh đất này, thử hỏi chúng ta sẽ làm gì để lấy lại những giá trị truyền thống của dân tộc đang bị khủng hoảng, nảy sinh nhiều hiện tượng bi thảm về đạo đức, văn hóa và xã hội như giả dối, lừa lọc, tàn nhẫn…, để bảo tồn và phát huy tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm? Làm gì nếu không phải là nỗ lực đem các giá trị Tin Mừng thấm nhập vào đời sống xã hội, khởi đi từ việc nhìn nhận và sống các giá trị tích cực trong văn hóa của dân tộc vốn đề cao việc thờ cha kính mẹ, tình nghĩa gia đình, tình làng nghĩa xóm, tôn sư trọng đạo, trọng tín nghĩa khẳng khái vv...?

Còn trong cánh đồng thế giới, “một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ” (NVTM, s.2). Thêm vào đó, con người ngày càng lệ thuộc hơn vào khoa học và kỹ thuật. Kỹ thuật số tạo cho con người cả một thế giới phẳng, trong đó mọi người dễ dàng tiếp xúc với nhau, tuy nhiên, chỉ là tiếp xúc từ xa qua trung gian của chiếc điện thoại hay máy tính, chứ không phải là tiếp xúc thực sự giữa hai cá thể với những cảm giác của một con người, thế nên con người cần gặp gỡ và đối thoại để được nối kết thực sự với nhau. Kỹ thuật số mở rộng cho chúng ta về thế giới, nhưng đồng thời cũng giới hạn chúng ta, làm cho chúng ta mất đi căn tính và bí quyết làm người.

Vấn đề đặt ra là liệu thần học và giáo lý hôm nay có khả năng giúp con người làm người cách trọn vẹn và xã hội ngày càng nhân đạo hơn không? Dựa vào thần học và giáo lý xây dựng trên nền tảng nhân học được gợi hứng bởi Mạc khải, chúng ta mạnh dạn trả lời rằng “có”, bằng nỗ lực chuyển từ nền nhân học về “cái tôi” (anthropologie du moi) sang nền nhân học “thưa Chúa con đây”(anthropologie me voici), khi giúp con người quay trở về với nội tâm của mình và gặp gỡ Thiên Chúa, từ đó ra khỏi tâm điểm là chính mình để trở nên gần gũi với người khác (Curro Salvator, Giáo lý: khả năng giúp con người sống nhân ái hơn, trong Hội thảo do ISPC: Viện Cao đẳng Mục vụ Giáo lý tổ chức từ 3-6/7/2017).

Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô không ngần ngại lặp đi lặp lại, dưới nhiều hình thức nhau, lời mời gọi tha thiết này: “Tôi kêu mời mọi Kitô hữu ở khắp nơi, ngay lúc này, đi vào một cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Giêsu Kitô, hay ít là mở lòng ra để cho Chúa Giêsu gặp gỡ mình; tôi xin tất cả anh chị em không ngừng làm điều này mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời gọi này không phải dành cho mình, vì không một ai bị loại trừ khỏi niềm vui mà Chúa Giêsu đem đến” (NVTM, s.3).

Bản HDTQ.VN 2017 như muốn hòa vào nỗ lực chung về thần học, giáo lý và mục vụ hôm nay, khi nhấn mạnh đến mục đích tối hậu của việc dạy giáo lý là giúp cho học viên kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu Kitô, với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, từ đó, hướng tới sứ vụ chung của Hội Thánh: “Hiệp thông và sứ vụ là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói ‘hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa trái của sứ vụ: hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông” (TH. Giáo Hội tại Châu Á, s.24). Với vị thế này, huấn giáo Việt nam có thể vững tâm lao về phía trước.

Trong ý hướng này, Đại hội Giáo lý Toàn quốc lần thứ V với chủ đề “Đào tạo Giáo lý viên, con người hiệp thông để Loan báo Tin Mừng” là một bước tiến mới dựa trên đôi chân vững chắc của mình là HDTQ.VN 2017. Đứng trên đôi chân này, chúng ta sẽ lần lượt nhìn lại công cuộc đào tạo giáo lý viên, biên soạn giáo trình, sư phạm giáo lý v.v... Tất cả còn ở phía trước như vẫy gọi ta lên đường, dấn thân vào một chặng đường mới đầy vất vả nhưng cũng tràn ngập niềm vui. Ở đây và lúc này, trước thềm Đại Hội, chúng ta cùng hướng về Mẹ Maria và cùng Mẹ cất cao lời kinh ca ngợi, vì Chúa đã làm cho chúng ta biết bao điều trọng đại và lòng thương xót của Người tồn tại đến muôn đời.
Lm Pr. Nguyễn văn Hiền
21.08.2017
Tác giả: Lm Pr. Nguyễn văn Hiền
Nguồn: giaolyductin.org

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :