www.langminhnews.net

LỜI CHỦ CHĂN Tháng 9 năm 2017

“CHÚNG TÔI RAO GIẢNG ĐẤNG KITÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH”
(1 Cr 1,23)

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong buổi gặp gỡ quí Cha Quản Hạt và quí Cha, quí Thầy Đặc trách các Ban – Giới – Đoàn Thể cuối tháng 8 vừa qua, tôi đã chia sẻ với các ngài viễn tượng tổng quát chương trình mục vụ của Giáo phận là “Canh tân đời sống Đức Tin và Hiệp Nhất với dấu nhấn ‘Lòng Thương Xót’ để đi ra vùng ngoại biên, tìm kiếm và gặp gỡ anh chị em Lương Dân, Di Dân và Đau Khổ”. Chủ đề mục vụ năm 2017- 2018 “Gia Đình hãy là dấu chỉ Lòng Thương Xót của Chúa. Đồng hành với gia đình trẻ” sẽ được triển khai trong viễn tượng mục vụ tổng quát này.

Một đàng, chương trình mục vụ cần có điểm tựa tinh thần như lực đẩy và như tâm điểm qui tụ mọi cố gắng nỗ lực; đàng khác, kết quả của chương trình mục vụ tùy thuộc vào tinh thần của các Linh mục, Tu sĩ và anh chị em Tông đồ Giáo dân là những thành phần có sứ mệnh hướng dẫn Cộng đoàn Dân Chúa trong đời sống Đức Tin, trong tinh thần yêu thương hiệp nhất và trong dấn thân tông đồ truyền giáo. Điểm tựa và sức mạnh tinh thần đó chính là Tình Yêu Thập Giá của Chúa Kitô, được tỏa sáng trong lễ “Suy tôn Thánh Giá” mà lịch Phụng vụ mừng vào ngày 14/9 này. Do đó, tôi muốn lấy ánh sáng từ mầu nhiệm Thánh Giá để chia sẻ trong Lời Chủ Chăn tháng 9 này theo đề tài “Chúng tôi rao giảng Đấng Kitô chịu đóng đinh” (1Cr 1,23).

1. “Con Người phải chịu đau khổ nhiều…” (Mc 8,31)
Để thực hiện các chương trình mục vụ chung của Giáo phận cũng như riêng của Giáo xứ, chúng ta phải có nhiều sáng kiến mục vụ và cần tổ chức nhiều sinh hoạt. Trong các dự án mục vụ khắp nơi, người ta thường lập nhiều chương trình, tổ chức các đoàn hội, mời gọi tham dự các việc đạo đức, xây dựng cơ sở vật chất cho các sinh hoạt mục vụ, nhưng dường như đời sống Đức Tin và tinh thần hiệp nhất yêu thương của cộng đoàn giáo xứ không luôn tăng trưởng hơn.
Thực tại này làm chúng ta tự hỏi: Tại sao lại có tình trạng trên đây? Còn thiếu gì nữa và điều còn thiếu đó, phải chăng là yếu tố nền tảng?

Để cứu chuộc nhân loại tội lỗi, Chúa Giêsu đã xuống thế làm người, chia sẻ không chỉ hoàn cảnh sống, mà còn trọn cả thân phận làm người của nhân loại; Người rao giảng Nước Trời, dạy dỗ trong các Hội Đường cũng như ở những nơi công cộng; Người gặp gỡ dân chúng, nhất là những người nghèo đói, cúi mình trên các bệnh nhân để chữa trị, để an ủi; Người làm nhiều phép lạ trong các hoàn cảnh khác nhau; Người thăm viếng những người thu thuế giàu có để đem ơn cứu độ cho họ, gặp gỡ những người bị quỉ ám để giải thoát họ khỏi tà thần; Người đón nhận hoặc tìm kiếm các tội nhân để ban ơn tha thứ.

Những việc được nói đến trên đây mà hôm nay chúng ta gọi là việc mục vụ, việc tông đồ, việc truyền giáo, thì Chúa đã làm tất cả và làm cách hoàn hảo đến độ dân chúng “hết sức kinh ngạc, và nói : ‘Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được’.” (Mc 7,37); “Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.” (Lc 4,22). Có thể nói là Chúa hết sức thành công trong công việc tông đồ: lời Ngài khôn ngoan, hành động Ngài quyền năng nên được dân chúng thán phục, ca ngợi. Thế nhưng vẫn chưa đủ! Chúa cần thêm một “dự án” nữa: Dự án Thập Giá!

Việc chịu đau khổ, đặc biệt trong cuộc Thương Khó, kết thúc với cái chết nhục nhã, bất công trên thập giá không phải là một sự kiện tình cờ, không may xảy ra như một nỗi bất hạnh, nhưng “chính Ngài đã muốn như vậy (quia ipse voluit)” (Is 53,7). Các sách Tin Mừng thuật lại, chính Chúa Giêsu đã nhiều lần loan báo là Ngài sẽ phải chịu đau khổ và phải chết: “Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình : Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.” (Mc 10,32-34; x. Mc 8,31-33; Mc 9,30-32; Mt 20,17-19; Lc 18,31-34).

Mọi việc làm, mọi hành vi và lời nói của Chúa đều quan trọng trong chương trình cứu độ nhân loại, nhưng những đau khổ, cực hình Chúa phải hứng chịu trong cuộc thương khó và cái chết nhục nhã, đớn đau trên Thánh Giá là giây phút quyết định, là lúc mở ra tuôn trào nguồn ơn cứu chuộc. Để làm cho người què đi được, người câm nói được, ngay cả trừ quỉ và làm cho kẻ chết sống lại, Chúa chỉ cần nói một lời, nhưng để hoán cải tận lòng người, Chúa phải chấp nhận chịu đóng đinh trên cây Thập Giá. Nhờ Thánh Giá, Chúa mới biến đổi được lòng người để “làm cho đôi bên (nhân loại) được hoà giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an... Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha.” (Ep 2,16-18). Vì lý do này, thánh Phaolô đã coi việc Chúa Kitô chịu đóng đinh là điều thiết yếu cần phải rao giảng, ngay cả khi không được người đời đón nhận (x. 1Cr 1,22-23).

2. Lời mời gọi uống “chén đắng” và não trạng phản-thánh-giá
Trong Thánh Kinh, “chén” chỉ việc Chúa Giêsu dâng hiến chính mình như hy lễ tình yêu qua cuộc thương khó và cái chết trên Thánh Giá (x. Ga 18,11) mà Chúa mời gọi các môn đệ cùng uống với Ngài: “Các con có uống nổi chén (đắng) Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” (Mc 10,38).

Các môn đệ được mời gọi cùng uống “chén đắng” để cộng tác với Ngài trong công trình cứu độ nhân loại. Chính Đức Maria là người đầu tiên được mời gọi thông dự “chén đắng” của Chúa qua lời tiên tri của ông già Simêon, “Về phần Chị, một lưỡi đòng sẽ đâm thấu lòng Chị” (Lc 2,35). Hiến lễ Thánh Giá đã xuất hiện ngay từ những ngày tháng khởi đầu hành trình dương thế của Chúa và đối với Mẹ Maria, đó là lời huyền nhiệm mời gọi tham dự vào hy lễ toàn thiêu của Ngài. Mẹ đã ấp ủ, suy gẫm trong lòng và đã chấp nhận lời mời gọi với tất cả con người của mình để cộng tác với Chúa Giêsu trong sứ mệnh cứu chuộc trần gian của Ngài (x. Ga 19,25).

Trong suốt hành trình lịch sử của Giáo Hội, Chúa không ngừng mời gọi các môn đệ uống “chén đắng”, chén phần rỗi. Tại Lộ Đức, Đức Mẹ đã nói với em bé Bernadette: “Mẹ hứa cho con được hạnh phúc, nhưng ở đời sau. Ở đời này, con có chấp nhận chịu đau khổ để cầu nguyện cho các kẻ có tội được ơn ăn năn trở lại không?” Đức Mẹ vẫn còn tiếp tục mời gọi con cái của mình chấp nhận uống “chén đắng”. Hằng năm, rất nhiều bệnh nhân đến viếng Đức Mẹ Lộ Đức để xin ơn lành bệnh, nhưng trước hang đá nơi Đức Mẹ đã hiện ra, nhiều người đã được Đức Mẹ cảm hóa, nên thay vì xin ơn lành bệnh, lại xin ơn sức mạnh chịu bệnh để cộng tác với Chúa Giêsu trên cây Thánh Giá, đem phần rỗi và ơn lành đến cho nhân loại.

Các Linh mục, Tu sĩ, với ơn gọi dâng hiến cuộc đời để cộng tác với Chúa trong công trình cứu độ nhân loại, họ luôn được mời gọi ngắm nhìn mầu nhiệm hy lễ Thập giá như đích điểm của trọn hành trình dâng hiến, nỗ lực tập luyện để tháp nhập đời mình với hy tế Thập giá Đức Kitô, cho đến khi, nhờ ơn Chúa, có thể yêu mến vui nhận khổ đau trong cùng một nỗi khao khát của Chúa: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 11,49-50). Đau khổ: không những không trốn tránh mà còn chờ đón với sức mạnh của tình yêu cứu độ để đem lại ơn phúc cho nhân loại.

Đón nhận đau khổ là điều hết sức khó khăn ở hết mọi thời đại, nhưng đặc biệt trong xã hội văn minh vật chất hiện nay, nơi có nhiều trào lưu tư tưởng và nếp sống phản-Thánh-Giá. Trước tiên là trào lưu tư tưởng và nếp sống lấy thành công, lợi ích, hiệu quả có thể đo lường được, làm tiêu chuẩn để đánh giá các hoạt động, cuộc đời và ngay cả các công tác mục vụ và người tông đồ. Ngoài ra, cũng phải kể đến cách nghĩ và nếp sống lấy thoải mái, tiện nghi như lý tưởng của cuộc đời.

Trong bầu khí văn hóa và môi trường sống nói trên, không những người ta không chấp nhận những khó khăn, đau khổ khi xảy đến cho mình mà còn coi bất cứ đau khổ nào, ngay cả những đau khổ của Chúa Giêsu cũng là bất nhân và vô lý.

Thái độ của người đương thời đứng trước đau khổ trở thành thách đố hai chiều cho các Linh mục, Tu sĩ. Thách đố thứ nhất là thách đố cho sứ mệnh rao giảng Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và đề nghị sứ điệp mầu nhiệm Thánh Giá cho thế giới. Đó chính là thách đố không những dám lội ngược dòng nước, không chạy theo trào lưu của đám đông, mà còn vui mừng rao truyền mầu nhiệm Thập Giá Chúa Kitô:

“Trong khi người Do thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ.” (1Cr 1,22-23).

Thách đố thứ hai là thách đố cho chính đời sống của các Linh mục, Tu sĩ. Lời rao giảng của chúng ta chỉ mạnh mẽ và có sức thuyết phục người khác bước theo Đức Kitô chịu đóng đinh, chấp nhận sống theo “định luật của hạt lúa mì chịu thối mục” để sinh nhiều hoa trái (x. Ga 12,24), khi chính chúng ta đã xác tín và chứng thực trong cuộc sống mình: Đức Kitô chịu đóng đinh là “đối tượng duy nhất của lòng trí” (x. 1Cr 2,2) và trở thành “niềm vinh dự của chúng ta”:

“Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,6-9).

3. Cốt lõi của mầu nhiệm Thánh Giá
Những đau khổ ê chề và ghê sợ Chúa Giêsu phải chịu trong cuộc Thương Khó và kết thúc với cái chết nhục nhã trên Thánh Gía, không phải là điều tình cờ, hay rủi ro. Ngài đã nhìn thấy trước mà không chạy trốn, nhưng chấp nhận một cách ý thức tất cả mọi đau khổ và nhục nhã đang chờ đợi Ngài.

Thực ra, Chúa Giêsu chấp nhận chịu đau khổ không phải vì Ngài thích đau khổ, nhưng vì Ngài thương yêu nhân loại. Nguyên việc Chúa xuống thế làm người đủ để nói lên tình yêu sâu thẳm của Ngài, vì tình yêu sâu đậm đòi phải chia sẻ cuộc sống với người mình yêu. Thánh Phaolô coi mầu nhiệm Nhập Thể là một sự xỉ nhục đối với Chúa Giêsu (x. Pl 2,6-7), nhưng chính vì là một sự xỉ nhục mà mầu nhiện Nhập Thể càng nói lên cách hùng hồn tình yêu của Chúa, Đấng vì quá yêu thương nhân loại đến nỗi khiêm nhường chấp nhận sự tự hủy xỉ nhục lớn lao như vậy.

Nhưng tình thương của Chúa còn vượt cao hơn nữa khi Ngài chấp nhận sự vô ơn và ác độc của người đương thời, chấp nhận để cho người ta hành hạ mà không ta thán... Trong cuộc Thương Khó, Chúa đã tiến thẳng vào trung tâm của bạo lực, gánh chịu tất cả sức mạnh của thù hận, ghen ghét trên thân xác để hoá giải tất cả sức mạnh tội lỗi bằng sức mạnh vô biên của tình yêu. Như vậy, tâm điểm của mầu nhiệm Thập Giá là TÌNH YÊU chứ không phải đau khổ. Đau khổ là hoàn cảnh, là thách đố để tình yêu được thi thố.

Chính vì vậy mà đau khổ của Chúa đã mang lại ơn cứu độ cho nhân loại: Ngài yêu thương tha thiết cả khi bị vô ơn, bị đối xử tàn tệ và bất công, yêu thương cả những người là căn nguyên gây ra khổ đau và cái chết cho mình. Tình yêu mang sức cứu chuộc nhân loại. Có lẽ không đoạn sách Thánh nào cắt nghĩa điều này rõ hơn sách Ngôn sứ Isaia: “Ngài không còn hình dáng, cũng chẳng còn vẻ đẹp đẽ nào để lôi kéo sự chú ý của chúng ta... Bị khinh bỉ và ruồng bỏ... Ngài đã gánh chịu những đau khổ và bệnh tật của chúng ta... Ngài bị nghiền tán vì tội ác của chúng ta, bị áp bức vì sự bất chính của chúng ta. Hình phạt mang lại cho chúng ta ơn cứu độ đã đè nặng trên vai Ngài; nhờ những vết thương Ngài hứng chịu mà chúng ta được chữa lành... Huyệt Ngài, người ta đặt giữa bọn ác ôn, và nấm mộ Ngài nơi quân trọc phú, dẫu rằng Ngài không hề làm điều hung ác, và gian dối không có ở nơi miệng Ngài. Nhưng Đức Chúa ái mộ kẻ Người để cho bị nghiền tán, và đã cho hồi phục kẻ đã hiến mình làm của lễ hy sinh đền tội. Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường niên, và ý định Đức Chúa nhờ Ngài sẽ nên trọn” (Is 53, 1-12).

Dưới ánh sáng mầu nhiệm của Chúa, đau khổ còn là một sứ mệnh, đó là cộng tác vào công cuộc cứu chuộc nhân loại. Vì vậy, Thánh Phaolô coi đau khổ như một hạnh phúc: “Tôi sung sướng vì những đau khổ phải hứng chịu cho anh chị em và tôi kiện toàn trong thân xác tôi những gì còn thiếu trong tuần tử nạn của Chúa, để mang lại ơn ích cho Thân Thể của Người là Giáo Hội” (Col 1,24). Cũng trong tinh thần đó, Thánh Têrêxa Calcutta nói: “Tự nó, đau khổ chẳng là gì, nhưng đau khổ được chấp nhận để dự phần vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là một hồng ân tuyệt vời. Hồng ân đẹp nhất được ban cho con người, đó là họ có thể tham dự vào cuộc khổ nạn của Chúa Kitô”[1]

Chỉ trong ánh sáng này, chúng ta mới có thể nhận biết đau khổ như một kho tàng quí giá, như một cơ may ngàn vàng và hiểu được vì sao trong lịch sử của Giáo Hội, nhiều lần Chúa Thánh Thần hướng dẫn người môn đệ của Chúa đi vào mầu nhiệm đau khổ mà theo Thánh Phaolô, “người Giuđê coi là một xỉ nhục, dân ngoại thì coi là điên rồ, nhưng đối với những người được Chúa kêu mời... thì đó là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa” (1Cr 1,22-24). Những môn đệ của Chúa được mời gọi đi vào mầu nhiện đau khổ thì vô số, nhưng đối các Linh mục, Tu sĩ của Giáo phận, chúng ta muốn nhớ đến cách riêng các Vị Tử Đạo là Tổ tiên của chúng ta, trong đó cũng có nhiều Linh mục và Tu sĩ nam nữ. Các ngài là những tấm gương đã thực hiện viên mãn Mầu Nhiệm Thập Giá, là những hiện thân của Chúa Kitô chịu đóng đinh. Cuộc đời của các ngài đã trở nên như ánh đèn phản chiếu ánh sáng của Con Chiên được hiến tế, để chiếu soi cho những ai phải mò mẫm trong đêm tối khổ đau.

Mẹ Maria, đứng cạnh cây Thánh Giá, trong thinh lặng của lòng tin và của tình thương yêu, đã hiệp thông với Chúa Giêsu, để dâng hiến cuộc đời mình lên Thiên Chúa Cha, biến đau khổ thành nguồn ơn cứu độ cho nhân loại. Cúi xin Mẹ đồng hành, hướng dẫn, trợ giúp quí Cha và quí Tu sĩ biết “đứng cạnh cây Thánh Giá” như Mẹ, để biến các đau khổ của cuộc đời thành nguồn ơn cứu độ cho những người quí Cha và quí Tu sĩ phục vụ nhân danh Chúa.
Thân mến chào Quý Cha và anh chị em Tu sĩ .

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
[1] Thánh Têrêsa thành Calcutta, 1001 Danh Ngôn Các Thánh, NXB Tôn Giáo 2009, tr. 42.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :