www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY SAU CHÚA NHẬT 31 TN

06/11/17 THỨ HAI TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14
VỊ CHÚA NGHÈO

“Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ
không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc: vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại.” (Lc 14,13-14)
Suy niệm: Chúa Giê-su, vị Chúa nghèo. Ngài dành vị trí ưu tiên cho những người nghèo. Ngài chọn cung cách sống nghèo. Ngài làm bạn với người nghèo và ăn uống với người nghèo. Ngài rao giảng Tin Mừng cho người nghèo: Người sai tôi đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Những ai có tâm hồn nghèo khó thì đón nhận được niềm vui Tin mừng của Ngài. Hôm nay, Đức Ki-tô loan báo cho chúng ta niềm vui của Tin Mừng: hãy làm bạn đồng bàn với người nghèo khổ, những người không có gì đáp lễ để Chúa đáp đền cho chúng ta trong ngày sau hết, ngày kẻ chết sống lại; như thế, chúng ta mới thật là có phúc.
Mời Bạn: Hôm nay khai mạc hội nghị APEC: Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tại Đà Nẵng. Việc quan tâm phát triển kinh tế cũng cần thu hẹp hố ngăn cách giàu nghèo. Bởi người nghèo thường luôn bị lãng quên và bỏ rơi. Người nghèo xung quanh bạn. Chính bạn có thể cũng là người nghèo. Bạn nghèo về mặt thiêng liêng, và có thể bạn cũng bỏ quên cả chính bạn. Chúa Giê-su đến tìm kiếm những người bị bỏ rơi, đó là những người nghèo, tàn tật, đui mù. Chúa Giê-su thiết lập Giáo hội. Ngài muốn Giáo hội thể hiện dung mạo nghèo khó của Ngài. Sống trong Giáo hội, Ngài cũng muốn bạn như thế!
Chia sẻ: Bạn đã thao thức thế nào khi nhìn thấy những người nghèo xung quanh bạn?
Sống Lời Chúa: Hôm nay, trích một phần tiền chi tiêu để giúp người nghèo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con yêu mến những người nghèo. Amen.

07/11/17 THỨ BA TUẦN 31 TN
Lc 14,12-14
KHÔNG MONG ĐÁP LỄ
“Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc.” (Lc 14,14)
Suy niệm: Cố linh mục Vũ Khởi Phụng, DCCT, kể chuyện một nhóm bạn trẻ Hà Nội đã sửa kinh Cầu Chịu Nạn truyền thống thành: “Chúa Giêsu thương hết người ế” và “Chúa Giêsu thấy thế thì mừng.” Sở dĩ các bạn trẻ này dám “cả gan” như vậy, vì họ đã thuê hai căn gác bên bờ sông Hồng để đón tiếp các thanh thiếu niên bụi đời, xì ke, hay bị bệnh AIDS; họ tự nguyện trở thành người ế để chăm sóc các người bất hạnh, mà xét cho cùng, cũng là một dạng người ế khác trong xã hội. Đức Giê-su hẳn phải “thấy thế thì mừng,” vì Ngài dạy ta vượt lên tâm lý bình thường: óc tính toán hay việc đáp lễ phải có trong giao tiếp với người khác. Ngài mời ta ra khỏi thế giới giao tế quen thuộc “có qua có lại mới toại lòng nhau” để bước vào thế giới của những con người khốn cùng, và nhờ vậy, bàn tiệc cuộc đời sẽ tốt đẹp hơn.
Mời Bạn: Cung cách “bánh ú đi, bánh dì lại,” hay “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại,” đã ăn sâu vào nếp nghĩ và lối sống của bạn. Làm môn đệ Đức Giê-su chẳng dễ dàng gì, vì bị đòi hỏi nhiều, nhất là phải vượt lên lối ứng xử tự nhiên, để sống tinh thần siêu nhiên. Tuy nhiên, ơn Ngài ban đủ cho bạn.
Chia sẻ: Bạn có thấy hiện nay có những người nghèo bị gạt qua bên lề xã hội không? Họ có ở trong ưu tư của bạn không?
Sống Lời Chúa: Khơi dậy tinh thần phục vụ vô vị lợi trong gia đình, đoàn thể, bằng cách quan tâm và giúp đỡ cụ thể những người bất hạnh quanh bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, làm môn đệ Chúa là chấp nhận bị đòi hỏi hơi nhiều! Vì yêu Chúa, chúng con sẵn sàng chấp nhận. Xin giúp chúng con sống tinh thần vô vị lợi Chúa dạy.

08/11/17 THỨ TƯ TUẦN 31 TN
Lc 14,15-24
ƯU TIÊN BỮA TIỆC NƯỚC TRỜI

“Phúc thay ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa.” (Lc 14,15)
Suy niệm: “Tôi mới mua một thửa đất... tôi mới tậu năm cặp bò... tôi mới cưới vợ...” Mới nghe qua, có vẻ như ba lý do xin kiếu đều hợp lý, bởi vì không ai xin kiếu để đi ăn trộm ăn cướp cả! Thế nhưng, suy cho cùng thì tất cả quá nghiêng về hạnh phúc trần tục của bản thân, đến nỗi xao lãng, phớt lờ trước hạnh phúc Nước Trời. Những công việc của cuộc sống trên đây không quá cấp bách đến nỗi phải được ưu tiên làm ngay, để người ta có thể từ chối lời mời ưu ái của Thiên Chúa. Ta ghi nhớ hai bài học sau đây: (1) quá bon chen, mê mải với công ăn việc làm có thể kéo ta xa Chúa; (2) cắm đầu cắm cổ hưởng thụ cũng làm ta mất Chúa, quên mất hạnh phúc Nước Trời. Chúa Giêsu nhắc ta đâu là giá trị ưu tiên: “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì?” (Mt 17,26)

Mời Bạn: Ngày sống của bạn xoay quanh công ăn việc làm, giao tiếp, kinh nguyện, thư giãn, vui chơi… Bạn sống thế nào để, qua những công việc đời thường ấy, bạn thể hiện lời kinh vẫn đọc mỗi ngày Chúa Nhật “kính mến một Đức Chúa Trời trên hết mọi sự” (Kinh 10 Điều Răn).
Chia sẻ: Những bận tâm cho cuộc sống trần thế có dễ làm bạn xao lãng cùng đích của đời người không?
Sống Lời Chúa: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, rồi tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho” (Mt 6,33).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con luôn nhớ đến cùng đích của đời người, để con biết dành ưu tiên trước hết cho Nước Trời và sự công chính, rồi mới đến các giá trị trần thế khác. Amen.

09/11/17 THỨ NĂM TUẦN 31 TN
Cung Hiến Đền Thờ La-tê-ra-nô Ga 2,13-22

TÔN TRỌNG ĐỀN THỜ THÂN XÁC

“Các ông cứ phá hủy Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại… Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người.” (Ga 2,19.21)
Suy niệm: Bao người đã kinh ngạc, thán phục, và thích thú khi chiêm ngưỡng kiến trúc và vẻ đẹp của Thánh Đường Gio-an La-tê-ra-nô, được mệnh danh là “Mẹ và đầu của mọi nhà thờ trong thành phố và trên thế giới.” Là người tín hữu, ai không cảm thấy thích thú, sung sướng, khi được vào trong ngôi thánh đường đẹp đẽ, nguy nga như vậy. Tuy nhiên, thánh đường ấy vẫn là vật chất, và dù đã tồn tại từ thế kỷ thứ tư, một ngày kia, cũng sẽ bị tiêu tan. Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su nói đến một ngôi Đền Thờ không bằng gạch đá, cũng chẳng bị hủy hoại. Đó chính là thân thể của Người, một thân thể phục sinh nay trở thành Đền Thờ sống động, nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.

Mời Bạn: Thánh Phao-lô khẳng định thân xác của con người là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Vì vậy, chúng ta phải biết tôn trọng thân xác của bản thân, và thân xác người khác nữa. Điều này không dễ chút nào trong một xã hội hưởng thụ, đề cao việc chiều chuộng thân xác, coi thân xác như phương tiện để thoả mãn tính dục. Còn bạn thì sao?
Chia sẻ: Cho một vài ví dụ cụ thể về việc tôn trọng thân xác người khác.
Sống Lời Chúa: “Anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em” (1Cr 6,19).
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin giúp con biết quý trọng thân xác Chúa ban cho, để con luôn biết tự trọng và biết tôn trọng anh em con. Amen.

10/11/17 THỨ SÁU TUẦN 31 TN
Th. Lê-ô Cả, giáo hoàng, tiến sĩ Hội Thánh Lc 6,1-8

HÃY NGHĨ ĐẾN CÙNG ĐÍCH

“Con cái đời này khôn khéo hơn con cái sự sáng khi xử sự với người đồng loại.” (Lc 16,8)
Suy niệm: Thấy triết gia Diogène cắm lều dựng bảng rao bán sự khôn ngoan ở giữa chợ thành phố Athens (Hy Lạp), một người sai đầy tớ cầm tiền ra mua. Cầm tiền trong tay, triết gia bảo: “Anh hãy về đọc lại cho chủ nghe câu này: “Trong tất cả mọi sự, hãy nghĩ đến cùng đích.” Người quản lý bất lương mới thuộc một phần bài học khôn ngoan, vì chỉ nghĩ đến giai đoạn sắp đến của cuộc đời mình. Anh khôn khéo dùng thời gian quản lý hiện tại để lo cho cuộc sống tương lai, khi cuộc sống ấy sắp rơi vào bế tắc. Thế nhưng, anh quên mất kết cục cuộc đời của anh sẽ thế nào khi anh luôn sử dụng những mánh khóe gian xảo như vậy với đồng loại của mình.
Mời Bạn: Con người ngày nay trong công việc kinh doanh buôn bán thường tỏ ra mau mắn, khôn khéo, và đầy sáng kiến. Thế nhưng, với những công việc thiêng liêng như kinh nguyện, thánh lễ, hy sinh, thì lơ là, chậm chạp, thiếu sự đầu tư. Nếu chăm chú đầu tư cho đời sống tinh thần như cho công ăn việc làm, cuộc đời bạn đã tốt đẹp biết bao!
Chia sẻ: Người Ki-tô hữu tin rằng quê hương thật của chúng ta ở trên trời. Bạn có thường nghĩ đến cùng đích đời mình không?
Sống Lời Chúa: Tập nghĩ đến cùng đích của đời mình trong mọi công việc, để có những quyết định khôn ngoan, những chọn lựa xứng hợp.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho chúng con ơn khôn ngoan, biết nhớ đến cùng đích của đời người trong mọi chọn lựa của mình. Xin cũng giúp chúng con biết sử dụng tốt đẹp những gì Chúa ban cho, để xây dựng Nước Trời ngay trong môi trường chúng con đang sống. Amen.

11/11/16 THỨ BẢY TUẦN 31 TN
Th. Mác-ti-nô, giám mục Lc 16,9-15
TIỀN CỦA PHỤC VỤ CON NGƯỜI

“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu.” (Lc 16,9)
Suy niệm: Hằng năm, một số nước đang phát triển trình làng những con số GDP (Tổng sản phẩm nội địa) thật hấp dẫn, 6%, 7% và hơn nữa. Tăng trưởng kinh tế là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cảnh báo rằng những lợi ích kinh tế không thể bù đắp những thiệt hại môi trường, do sự phát triển vội vàng gây ra. Không tiền của nào có thể cất hết những tai họa từ một con sông bị ô nhiễm nặng! Sự thiệt hại càng trầm trọng hơn khi chỉ vì lợi ích kinh tế, mà người ta phớt lờ tình liên đới giữa con người với nhau và xem nhẹ các giá trị đạo đức. Đối với Chúa Giê-su, tiền của dùng để “tạo lấy bạn bè.” Kinh tế phải phục vụ con người và tình người, chứ không ngược lại. Trong hoàn cảnh mục tiêu kinh tế được đặt lên như cùng đích đời người hiện nay, Lời Chúa càng phải thúc bách con người đặt lại thứ tự các giá trị cho cân xứng, trả lại cho con người vị trí xứng hợp, như ý định của Thiên Chúa khi tạo dựng họ.
Mời Bạn: Dù cũng bị cám dỗ nóng lòng kiếm tiền và tiêu tiền, nhưng chúng ta không thể chấp nhận những mánh khoé gian xảo và bất công trong việc kiếm tiền và tiêu tiền của xã hội hôm nay. Thật đáng mừng vì đó là dấu hiệu cho thấy hạt giống Lời Chúa đang gặp đất tốt! Xin bạn cứ để hạt giống ấy nẩy nở và làm thay đổi đời sống bạn.
Chia sẻ: Bạn thử đặt thứ tự ưu tiên giữa tiền bạc và con người, và giải thích lý do cho chọn lựa của bạn.
Sống Lời Chúa: Cám ơn Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa và cứu chuộc, nuôi dưỡng con người.
Cầu nguyện: Hát: Kinh Hòa Bình.

 5 phút Lời Chúa

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :