LINH MỤC VÀ TU SĨ,
"HỒN" CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong Lời Chủ Chăn tháng 12 năm 2017, tôi đã gửi tới quý Cha và quý Tu sĩ “Chương trình Mục vụ Giáo phận Năm Phụng Vụ 2017 – 2018” và xin quý Cha và quý Tu sĩ đón nhận Chương trình Mục vụ nói trên “như một lời ký thác và xin hãy dấn thân hướng dẫn và thúc đẩy đoàn Dân Chúa thực hiện”. Trong Lời Chủ Chăn đầu năm 2018 này, tôi cũng lặp lại lời mời gọi tha thiết ấy và muốn xin quý Cha, quý Tu sĩ hãy là “hồn” của các chương trình và hoạt động mục vụ.
1. Nỗ lực nên thánh
Chương trình Mục vụ của Giáo phận có hai phần, tạm gọi là phần nổi và phần chìm hay phần hoạt động bên ngoài và phần canh tân sức sống thiêng liêng bên trong. Phần hoạt động bên ngoài là việc tổ chức các cuộc gặp gỡ và học hỏi cho các đôi hôn phối, Thánh lễ đại trào Ngày Giáo Phận, việc đón rước Tượng Thánh du Đức Mẹ Fatima, việc thăm hỏi, giúp đỡ anh chị em đau khổ, anh chị em lương dân, anh chị em di dân, quan tâm trợ giúp các gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Phần canh tân sức sống thiêng liêng bên trong là việc khơi lên lòng mến Chúa – yêu người, niềm hăng say Đức Tin, tình hiệp nhất và lòng thao thức ơn cứu độ cho nhân loại, được gói ghém trong sức mạnh của Lòng Chúa Xót Thương và được thể hiện qua việc thực thi ba Mệnh lệnh Fatima.
Thực ra, những yếu tố phần nổi và phần chìm ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng người ta dễ để ý đến những yếu tố phần nổi mà bỏ quên những yếu tố phần chìm. Những nỗ lực thực hiện công việc bên ngoài nếu thiếu đi tình yêu và lòng hăng say Đức Tin là sức sống, động lực bên trong thì có khác chi một thân cây chỉ có vỏ mà không có ruột. Vì vậy, để Chương trình Mục vụ đạt được kết quả đích thực, quý Cha và quý Tu sĩ chỉ hướng dẫn và thúc đẩy từ bên ngoài thôi chưa đủ, nhưng còn phải trở thành lực đẩy từ bên trong, khơi lên niềm hứng khởi trong lòng đoàn Dân Chúa. Chúng ta cần phải là “hồn” của các Chương trình và hoạt động Mục vụ. Khi tổ chức các sinh hoạt mục vụ thì chúng ta đứng ở vị thế lãnh đạo của nhạc trưởng, hay của người đẩy xe, kéo xe, còn khi làm “hồn” của chương trình mục vụ thì chúng ta khiêm nhường đặt mình vào vị thế của muối đất (x. Mt 5,13; Mc 9,49-50; Lc 14,34) và của men trong đấu bột (x. Mt 13,33).
Để được như vậy, cùng với việc sử dụng khả năng trí tuệ và tài năng kỹ thuật để tổ chức sinh hoạt mục vụ, cần phải nỗ lực NÊN THÁNH, nhờ đó, chính Chúa sẽ thánh hóa đoàn Dân của Người: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con” (Ga 17,19). Sự thánh thiện có sức lôi cuốn và canh tân tận căn con người. Do đó, bí quyết thành công đích thực của chương trình mục vụ là chính sự thánh thiện của các linh mục, tu sĩ. Lúc đó, đời sống của linh mục, tu sĩ trở thành lời cầu nguyện và không những là gương mẫu, mà còn là sức mạnh hữu hiệu canh tân đoàn Dân Thánh Chúa. Về điều này, Công đồng Vaticanô II, trong sắc lệnh về Đời sống Linh mục, đã khẳng định: “Để đạt tới những hiệu quả mục vụ trong việc canh tân Giáo Hội, để truyền bá Tin Mừng trên toàn thể địa cầu cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công Đồng tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội trao cho[1] để luôn nỗ lực tiến cao hơn mãi trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa.” (PO, 12).
Nên thánh là kết quả của nỗ lực lắng nghe tiếng Chúa để thu vào hồn mình những tâm tư, những khát khao của Chúa, nhờ đó có thể đồng cảm với Chúa và trở nên đồng hình, đồng dạng với Người. Tôi xin trích dưới đây một vài câu Kinh Thánh tiêu biểu, diễn tả tâm tư của Chúa mà chúng ta cần lắng nghe với con tim và “suy đi nghĩ lại” trong lòng như Mẹ Maria (x. Lc 2,19) để được thấm nhuần vào tâm trí, vào đời sống và các hành động của chúng ta:
- “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6,8).
- “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5-7).
- “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50).
- “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,35-38).
- “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào... Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ... Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên... Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,7-16).Để tâm tư của Chúa Giêsu thấm nhuần vào tâm trí, chúng ta cần biết lắng nghe. Trong các sách chú giải Thánh Kinh và tự điển Thần học Thánh Kinh, có cả một chương giải thích về ý nghĩa của động từ “nghe”. Ở đây, tôi chỉ xin nói đến thái độ “nghe”. Đó là cần “nghe” với lòng sẵn sàng vâng theo: Nghe để hiểu và hiểu để theo. Trong động tác “nghe”, hai yếu tố “hiểu” và “theo” gắn liền nhau. Khi một người nghe mà không có lòng sẵn sàng vâng theo thì sẽ không hiểu. Người đó sẽ rơi vào tình trạng tâm hồn chai đá và xảy ra vấn đề là nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu (x. Lc 8,10) hay tệ hơn nữa, người đó sẽ không còn phân biệt được tốt - xấu, lành – dữ và cũng sẽ không nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tâm hồn vì đây là thái độ “lắng nghe” của đức tin, đức cậy và đức mến. Một hôm, phóng viên đài truyền hình số 2 của Pháp phỏng vấn ĐHY Marty, Tổng Giám mục Paris, ông hỏi:
- Thưa ĐHY, trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói nhiều vậy, tại sao hôm nay Thiên Chúa không nói nữa?
ĐHY Marty trả lời:
- Hôm nay Thiên Chúa vẫn còn nói, nhưng có quá nhiều tiếng ồn ào che lấp lòng trí nên người ta không còn khả năng nghe tiếng Chúa nữa. Đó là những tiếng ồn ào của kiêu căng, tự ái, của tư lợi ích kỷ, của thú vui, của dục vọng, v.v.
Vì không biết nghe tiếng Chúa, người ta có thể rơi vào tình trạng thê thảm mà thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa... trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người... Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Ngài cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn… Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Ngài đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương.” (Rm 1,20-31).
2. Nên thánh trong hoàn cảnh của phận người
Lòng khao khát hoàn thiện của linh mục, tu sĩ có khả năng làm bừng cháy ước muốn thánh thiện vốn đang âm ỉ nơi rất nhiều tâm hồn người tín hữu. Đây là một kinh nghiệm xác thực vì sự thánh thiện có sức hấp dẫn và lôi cuốn.
Thường tình ai cũng cảm phục người nhân đức, thánh thiện và cũng ao ước nên thánh. Tuy nhiên, chính trong lúc ao ước nên thánh, người ta lại thấy có một sức mạnh trói buộc và ghì người ta xuống. Đây là tình trạng của phận người do tội nguyên tổ gây ra và tình trạng này đã được thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma:
“Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,15-25).
Ngoài ra, vì hoàn cảnh gia đình và môi trường sống, mỗi người có những nhậy cảm hay yếu đuối khác nhau. Nếu lấy cấu trúc ba Lời khuyên Phúc âm để cắt nghĩa thì, tuy tất cả cùng yếu đuối, nhưng người thì yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Khiết tịnh, người khác lại yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Khó nghèo, người khác nữa lại yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Vâng phục, có người lại yếu đuối về tất cả ba Lời khuyên Phúc âm.
Từ những nhận xét trên, trong nỗ lực nên thánh cần phải có một số thái độ dưới đây:
- Khiêm nhường: nhìn nhận thật lòng sự bất toàn, những yếu đuối và khuynh hướng xấu trong con người mình. Điều này tuy rất hiển nhiên, nhưng lại rất khó vì tính kiêu căng. Ít ai thật lòng nhìn nhận mình tội lỗi, cả khi miệng nói “lỗi tại tôi mọi đàng”;
- Kiên trì chiến đấu: chính vì nhận ra sự bất toàn và những yếu đuối của mình, người ta phải nỗ lực chiến đấu để thanh luyện trí lòng và tất cả con người của mình. Không ai sinh ra đã là thánh, nhưng được mời gọi nên thánh. Nên thánh là kết qủa của sự kiên trì chiến đấu trong suốt cuộc đời; cuộc chiến đấu này phải được áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh của riêng mình, vào những nhậy cảm, những yếu đuối và xu hướng xấu riêng của mình;
- Khoan dung: từ việc khiêm nhường nhìn nhận sự bất toàn và tình trạng tội lỗi của mình, người ta sẽ có thái độ khoan dung, kiên nhẫn với người khác trong sự bất toàn và yếu đuối của họ;
- Cầu nguyện và cậy trông: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5). Điều Chúa nói đây đặc biệt xác thực cho việc chiến đấu nội tâm và thay đổi cuộc sống. Mặc dù kiên trì chiến đấu là cần thiết, nhưng cần phải có ơn Chúa mới có thể thắng lướt được những khuynh hướng và tật xấu trong con người mình. Vì vậy, cùng với nỗ lực chiến đấu, cần phải khiêm nhường và tin tưởng khẩn nài ơn Chúa trợ giúp, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa đối với loài người tội lỗi và bất toàn.
Xin Đức Mẹ là Mẹ các linh mục và là Mẫu Gương của đời sống thánh hiến dẫn dắt và nâng đỡ tất cả chúng ta trong hành trình nên thánh để chúng ta đem đến cho đoàn Dân Chúa sức sống và niềm hân hoan của hương thơm thánh thiện.
Thân mến chào quý Cha và anh chị em Tu sĩ .
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
[1] x. Các văn kiện: PIÔ X, Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, vol. IV (1908), tr. 237tt.; PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 5 tt.; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 657tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia, 1.8.1959, AAS 51 (1959), tr. 545tt.
"HỒN" CỦA CÁC CHƯƠNG TRÌNH VÀ HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Trong Lời Chủ Chăn tháng 12 năm 2017, tôi đã gửi tới quý Cha và quý Tu sĩ “Chương trình Mục vụ Giáo phận Năm Phụng Vụ 2017 – 2018” và xin quý Cha và quý Tu sĩ đón nhận Chương trình Mục vụ nói trên “như một lời ký thác và xin hãy dấn thân hướng dẫn và thúc đẩy đoàn Dân Chúa thực hiện”. Trong Lời Chủ Chăn đầu năm 2018 này, tôi cũng lặp lại lời mời gọi tha thiết ấy và muốn xin quý Cha, quý Tu sĩ hãy là “hồn” của các chương trình và hoạt động mục vụ.
1. Nỗ lực nên thánh
Chương trình Mục vụ của Giáo phận có hai phần, tạm gọi là phần nổi và phần chìm hay phần hoạt động bên ngoài và phần canh tân sức sống thiêng liêng bên trong. Phần hoạt động bên ngoài là việc tổ chức các cuộc gặp gỡ và học hỏi cho các đôi hôn phối, Thánh lễ đại trào Ngày Giáo Phận, việc đón rước Tượng Thánh du Đức Mẹ Fatima, việc thăm hỏi, giúp đỡ anh chị em đau khổ, anh chị em lương dân, anh chị em di dân, quan tâm trợ giúp các gia đình, nhất là các gia đình trẻ. Phần canh tân sức sống thiêng liêng bên trong là việc khơi lên lòng mến Chúa – yêu người, niềm hăng say Đức Tin, tình hiệp nhất và lòng thao thức ơn cứu độ cho nhân loại, được gói ghém trong sức mạnh của Lòng Chúa Xót Thương và được thể hiện qua việc thực thi ba Mệnh lệnh Fatima.
Thực ra, những yếu tố phần nổi và phần chìm ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng người ta dễ để ý đến những yếu tố phần nổi mà bỏ quên những yếu tố phần chìm. Những nỗ lực thực hiện công việc bên ngoài nếu thiếu đi tình yêu và lòng hăng say Đức Tin là sức sống, động lực bên trong thì có khác chi một thân cây chỉ có vỏ mà không có ruột. Vì vậy, để Chương trình Mục vụ đạt được kết quả đích thực, quý Cha và quý Tu sĩ chỉ hướng dẫn và thúc đẩy từ bên ngoài thôi chưa đủ, nhưng còn phải trở thành lực đẩy từ bên trong, khơi lên niềm hứng khởi trong lòng đoàn Dân Chúa. Chúng ta cần phải là “hồn” của các Chương trình và hoạt động Mục vụ. Khi tổ chức các sinh hoạt mục vụ thì chúng ta đứng ở vị thế lãnh đạo của nhạc trưởng, hay của người đẩy xe, kéo xe, còn khi làm “hồn” của chương trình mục vụ thì chúng ta khiêm nhường đặt mình vào vị thế của muối đất (x. Mt 5,13; Mc 9,49-50; Lc 14,34) và của men trong đấu bột (x. Mt 13,33).
Để được như vậy, cùng với việc sử dụng khả năng trí tuệ và tài năng kỹ thuật để tổ chức sinh hoạt mục vụ, cần phải nỗ lực NÊN THÁNH, nhờ đó, chính Chúa sẽ thánh hóa đoàn Dân của Người: “Vì họ, con xin thánh hiến chính mình con” (Ga 17,19). Sự thánh thiện có sức lôi cuốn và canh tân tận căn con người. Do đó, bí quyết thành công đích thực của chương trình mục vụ là chính sự thánh thiện của các linh mục, tu sĩ. Lúc đó, đời sống của linh mục, tu sĩ trở thành lời cầu nguyện và không những là gương mẫu, mà còn là sức mạnh hữu hiệu canh tân đoàn Dân Thánh Chúa. Về điều này, Công đồng Vaticanô II, trong sắc lệnh về Đời sống Linh mục, đã khẳng định: “Để đạt tới những hiệu quả mục vụ trong việc canh tân Giáo Hội, để truyền bá Tin Mừng trên toàn thể địa cầu cũng như để đối thoại với thế giới ngày nay, Thánh Công Đồng tha thiết khuyên tất cả các linh mục hãy dùng mọi phương tiện thích hợp mà Giáo Hội trao cho[1] để luôn nỗ lực tiến cao hơn mãi trên đường thánh thiện, nhờ đó các ngài trở nên những khí cụ ngày càng thích hợp hơn cho việc phục vụ toàn thể Dân Chúa.” (PO, 12).
Nên thánh là kết quả của nỗ lực lắng nghe tiếng Chúa để thu vào hồn mình những tâm tư, những khát khao của Chúa, nhờ đó có thể đồng cảm với Chúa và trở nên đồng hình, đồng dạng với Người. Tôi xin trích dưới đây một vài câu Kinh Thánh tiêu biểu, diễn tả tâm tư của Chúa mà chúng ta cần lắng nghe với con tim và “suy đi nghĩ lại” trong lòng như Mẹ Maria (x. Lc 2,19) để được thấm nhuần vào tâm trí, vào đời sống và các hành động của chúng ta:
- “Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán: Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta? Tôi thưa: Dạ, con đây, xin sai con đi.” (Is 6,8).
- “Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5-7).
- “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” (Lc 12,49-50).
- “Đức Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9,35-38).
- “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào... Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ... Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên... Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,7-16).Để tâm tư của Chúa Giêsu thấm nhuần vào tâm trí, chúng ta cần biết lắng nghe. Trong các sách chú giải Thánh Kinh và tự điển Thần học Thánh Kinh, có cả một chương giải thích về ý nghĩa của động từ “nghe”. Ở đây, tôi chỉ xin nói đến thái độ “nghe”. Đó là cần “nghe” với lòng sẵn sàng vâng theo: Nghe để hiểu và hiểu để theo. Trong động tác “nghe”, hai yếu tố “hiểu” và “theo” gắn liền nhau. Khi một người nghe mà không có lòng sẵn sàng vâng theo thì sẽ không hiểu. Người đó sẽ rơi vào tình trạng tâm hồn chai đá và xảy ra vấn đề là nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu (x. Lc 8,10) hay tệ hơn nữa, người đó sẽ không còn phân biệt được tốt - xấu, lành – dữ và cũng sẽ không nghe được tiếng Chúa thì thầm trong tâm hồn vì đây là thái độ “lắng nghe” của đức tin, đức cậy và đức mến. Một hôm, phóng viên đài truyền hình số 2 của Pháp phỏng vấn ĐHY Marty, Tổng Giám mục Paris, ông hỏi:
- Thưa ĐHY, trong Cựu Ước, Thiên Chúa nói nhiều vậy, tại sao hôm nay Thiên Chúa không nói nữa?
ĐHY Marty trả lời:
- Hôm nay Thiên Chúa vẫn còn nói, nhưng có quá nhiều tiếng ồn ào che lấp lòng trí nên người ta không còn khả năng nghe tiếng Chúa nữa. Đó là những tiếng ồn ào của kiêu căng, tự ái, của tư lợi ích kỷ, của thú vui, của dục vọng, v.v.
Vì không biết nghe tiếng Chúa, người ta có thể rơi vào tình trạng thê thảm mà thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma: “Những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa... trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người... Tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Ngài cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hoá ra mê muội. Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết. Vì thế, Thiên Chúa đã để mặc họ buông theo dục vọng mà làm những điều ô uế, khiến thân thể họ ra hư hèn… Vì họ đã không thèm nhận biết Thiên Chúa, nên Ngài đã để mặc họ theo trí óc lệch lạc mà làm những điều bất xứng, lòng họ đầy bất chính, xấu xa, tham lam, độc ác đủ thứ; nào là ganh tị, giết người, cãi cọ, mưu mô, thâm hiểm; nào là nói hành nói xấu, vu oan giá hoạ. Họ thù ghét Thiên Chúa, ngạo ngược, kiêu căng, khoác lác, giỏi làm điều ác, không vâng lời cha mẹ, không có lương tri, không giữ lời hứa, không chút tình cảm, không chút xót thương.” (Rm 1,20-31).
2. Nên thánh trong hoàn cảnh của phận người
Lòng khao khát hoàn thiện của linh mục, tu sĩ có khả năng làm bừng cháy ước muốn thánh thiện vốn đang âm ỉ nơi rất nhiều tâm hồn người tín hữu. Đây là một kinh nghiệm xác thực vì sự thánh thiện có sức hấp dẫn và lôi cuốn.
Thường tình ai cũng cảm phục người nhân đức, thánh thiện và cũng ao ước nên thánh. Tuy nhiên, chính trong lúc ao ước nên thánh, người ta lại thấy có một sức mạnh trói buộc và ghì người ta xuống. Đây là tình trạng của phận người do tội nguyên tổ gây ra và tình trạng này đã được thánh Phaolô nói trong thư gửi tín hữu Roma:
“Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì tức là tôi đồng ý với Lề Luật và nhận rằng Lề Luật là tốt. Vậy thật ra không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi. Bởi đó tôi khám phá ra luật này: khi tôi muốn làm sự thiện thì lại thấy sự ác xuất hiện ngay. Theo con người nội tâm, tôi vui thích vì luật của Thiên Chúa nhưng trong các chi thể của tôi, tôi lại thấy một luật khác: luật này chiến đấu chống lại luật của lý trí và giam hãm tôi trong luật của tội là luật vẫn nằm sẵn trong các chi thể tôi. Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta!” (Rm 7,15-25).
Ngoài ra, vì hoàn cảnh gia đình và môi trường sống, mỗi người có những nhậy cảm hay yếu đuối khác nhau. Nếu lấy cấu trúc ba Lời khuyên Phúc âm để cắt nghĩa thì, tuy tất cả cùng yếu đuối, nhưng người thì yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Khiết tịnh, người khác lại yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Khó nghèo, người khác nữa lại yếu đuối đặc biệt về Lời khuyên Vâng phục, có người lại yếu đuối về tất cả ba Lời khuyên Phúc âm.
Từ những nhận xét trên, trong nỗ lực nên thánh cần phải có một số thái độ dưới đây:
- Khiêm nhường: nhìn nhận thật lòng sự bất toàn, những yếu đuối và khuynh hướng xấu trong con người mình. Điều này tuy rất hiển nhiên, nhưng lại rất khó vì tính kiêu căng. Ít ai thật lòng nhìn nhận mình tội lỗi, cả khi miệng nói “lỗi tại tôi mọi đàng”;
- Kiên trì chiến đấu: chính vì nhận ra sự bất toàn và những yếu đuối của mình, người ta phải nỗ lực chiến đấu để thanh luyện trí lòng và tất cả con người của mình. Không ai sinh ra đã là thánh, nhưng được mời gọi nên thánh. Nên thánh là kết qủa của sự kiên trì chiến đấu trong suốt cuộc đời; cuộc chiến đấu này phải được áp dụng cụ thể vào hoàn cảnh của riêng mình, vào những nhậy cảm, những yếu đuối và xu hướng xấu riêng của mình;
- Khoan dung: từ việc khiêm nhường nhìn nhận sự bất toàn và tình trạng tội lỗi của mình, người ta sẽ có thái độ khoan dung, kiên nhẫn với người khác trong sự bất toàn và yếu đuối của họ;
- Cầu nguyện và cậy trông: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,4-5). Điều Chúa nói đây đặc biệt xác thực cho việc chiến đấu nội tâm và thay đổi cuộc sống. Mặc dù kiên trì chiến đấu là cần thiết, nhưng cần phải có ơn Chúa mới có thể thắng lướt được những khuynh hướng và tật xấu trong con người mình. Vì vậy, cùng với nỗ lực chiến đấu, cần phải khiêm nhường và tin tưởng khẩn nài ơn Chúa trợ giúp, tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa đối với loài người tội lỗi và bất toàn.
Xin Đức Mẹ là Mẹ các linh mục và là Mẫu Gương của đời sống thánh hiến dẫn dắt và nâng đỡ tất cả chúng ta trong hành trình nên thánh để chúng ta đem đến cho đoàn Dân Chúa sức sống và niềm hân hoan của hương thơm thánh thiện.
Thân mến chào quý Cha và anh chị em Tu sĩ .
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
[1] x. Các văn kiện: PIÔ X, Huấn dụ giáo sĩ Haerent animo, 4.8.1908: S. Pii X Acta, vol. IV (1908), tr. 237tt.; PIÔ XI, Thông điệp Ad Catholici Sacerdotii, 20.12.1935: AAS 28 (1936), tr. 5 tt.; PIÔ XII, Tông huấn Menti Nostrae, 23.9.1950: AAS 42 (1950), tr. 657tt.; GIOAN XXIII, Thông điệp Sacerdotii Nostri Primordia, 1.8.1959, AAS 51 (1959), tr. 545tt.