www.langminhnews.net

ĐỜI SỐNG NỘI TÂM TRONG CUỘC ĐỜI VÀ SỨ VỤ CỦA LINH MỤC, TU SĨ

Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Cùng với toàn thể Hội Thánh, chúng ta đã khai mạc Mùa Chay từ Thứ Tư lễ Tro. Sứ điệp của Mùa Chay mời gọi mọi người đổi mới cuộc sống, không chỉ trong một vài hành vi bên ngoài, mà quan trọng hơn, trong chiều sâu nội tâm của mình. Do đó, tôi chọn đề tài “Đời sống nội tâm trong cuộc đời và sứ vụ của Linh mục, Tu sĩ” cho bài chia sẻ này.
Tầm quan trọng của đời sống nội tâm
Đối với các Linh mục, Tu sĩ, nhất là các Linh mục Chánh xứ và các Tu sĩ cộng tác trong công việc mục vụ, mối bận tâm lớn trong Mùa Chay là tổ chức sinh hoạt thiêng liêng, đặc biệt chương trình tĩnh tâm, xưng tội và mời gọi đoàn chiên Chúa tham dự. Ai trong chúng ta cũng hài lòng và mãn nguyện khi thấy giáo dân của mình, nhất là Giới gia trưởng và Giới trẻ, tham dự đông đảo các chương trình thiêng liêng đó.

Chính trong bối cảnh này, tôi muốn gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ lời mời gọi mà Hội Thánh nhắc nhở con cái của mình ngay trong những ngày đầu của Mùa Chay: “Đừng xé áo, nhưng hãy xé lòng” (Ge 2,13); “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen… Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo... Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay.” (Mt 6,1-5.16)

Xu hướng sống “ngoài da” là cơn cám dỗ triền miên của nhân loại trong mọi thời đại. Chính vì vậy, những lời Sách Thánh trên đây nhắc nhở chúng ta nhớ điều căn bản của Mùa Chay là thay đổi chính lòng mình, tức là các ý nghĩ, tình cảm, xu hướng thầm kín trong lòng, chứ không phải chỉ thay đổi đôi ba cử chỉ, hành động. Để cắt nghĩa tính cách nền tảng của đời sống nội tâm, tức là cái lòng của mỗi người, có lẽ không hình ảnh nào nói lên vấn đề cách rõ ràng cho bằng dụ ngôn Chúa nói trong sách Tin Mừng thánh Matthêô (7,21-23):
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa ! lạy Chúa !’ là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng : ‘Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao ?’ Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ : Ta không hề biết các ngươi ; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác !”

Áp dụng vào hoàn cảnh hiện nay, có lẽ chúng ta có thể diễn tả lại đoạn Sách Thánh như sau: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ nói với Ta rằng: ‘Lạy Chúa, con đã xây mấy nhà thờ rộng lớn để làm sáng danh Chúa, mấy nhà giáo lý có nhiều phòng học cho thiếu nhi và có chỗ sinh hoạt cho các giới’; người khác thì thưa: ‘Lạy Chúa, con đã xây mấy viện tế bần, con đã hô hào lạc quyên giúp đỡ người nghèo, con đã đi thăm tận nhà những ông già bà lão cô đơn, con còn can đảm lên tiếng bênh vực công lý’; người khác lại nói: ‘Lạy Chúa, con đã tổ chức Thánh Lễ rất trang trọng, con dạy giáo lý mọi người cảm phục, con còn viết những bài suy niệm, những bài nghiên cứu giá trị được nhiều người khen ngợi và giảng rất hấp dẫn, lôi cuốn đám đông…’ Theo bài dụ ngôn, lúc đó Chúa có thể nói: ‘Ta chưa hề bao giờ biết ngươi, hãy đi cho khuất mắt Ta, tên lưu manh gian ác!’”

Lời trách mắng nghiêm khắc của Chúa nói lên tất cả tính cách trầm trọng của vấn đề. Nhưng có điều lạ là Chúa quở trách nặng nề những người đã làm những điều thiện, điều tốt, có ích cho tha nhân. Tại sao Chúa lại quở trách họ nặng lời như vậy? Lý do là họ đã lấy danh nghĩa Chúa để phục vụ chính mình, đã dùng công việc của Chúa để thực hiện một chương trình nhân loại, một tham vọng cá nhân. Lý do rất đơn giản, nhưng lại là cái cốt tủy của tất cả cuộc đời dâng hiến, phục vụ tông đồ. Nhiều người cùng làm một công việc, nhưng động lực, mục đích và tinh thần có thể rất khác hay có thể còn trái ngược nhau nữa. Công việc giúp đỡ phục vụ, tự bản tính, là diễn tả tình yêu, Lòng Thương Xót, nhưng trong thực tế, lắm khi lại không phải như thế. Có người phục vụ vì lòng yêu Chúa thúc đẩy; có người phục vụ vì bản tính tự nhiên thích phục vụ; người khác phục vụ hết mình để gây ảnh hưởng, để được khen ngợi; cũng có người phục vụ để mưu lợi theo kiểu “thả tép, bắt tôm”, v.v.

Tựu trung là vấn đề cái lòng của mỗi người. Lời nói có thể hay, việc làm có thể đẹp, nhưng nếu lòng không tốt thì tất cả chỉ là cái vỏ. Đôi lần chúng ta chọn một trái táo, bề ngoài dáng vẻ rất đẹp, nhưng khi bổ ra thì cái ruột lại lốm đốm nhiều chấm đen, có chỗ bị ủng, đôi khi có cả giòi bọ nên đành vất bỏ, không ăn được. Cũng vậy, cái lòng, cái hồn của người tông đồ hết sức quan trọng. Chính ý hướng của tâm hồn làm nên ý nghĩa và giá trị đích thực của công việc tông đồ. Cần làm việc tốt với tấm lòng tốt. Khi lòng không trong sáng thì lời nói và việc làm xem ra tốt, nhưng thực ra đó chỉ là cái vỏ, khác chi trái táo bị ủng ruột.

Những việc bác ái, những chương trình Mùa Chay có thể là rất tốt, nhưng nếu chỉ được thực hiện hời hợt bề ngoài, thì cái lòng, trước và sau Mùa Chay vẫn thế. Vì vậy, cần phải mời gọi, hướng dẫn Dân Chúa đi vào chiều sâu của nội tâm. Nhưng lời nói chỉ có sức thuyết phục khi chính chúng ta biết đi vào lòng mình để làm việc “xé lòng”.

Muốn “xé lòng”, phải biết lắng nghe để nhận ra cái lòng thực của mình. Biết nghe là cả một nghệ thuật, một công trình nhiều khó khăn, nhưng lại là chìa khóa mở lòng và là bí quyết để tìm sức sống. Để có khả năng nghe: nghe tiếng Chúa, nghe những động lực thầm kín trong lòng mình, cần phải luyện tập cho lòng được thanh thoát khỏi các thứ tình cảm hỗn độn, thành kiến, tư lợi và danh vọng. Khi lòng không thanh thoát, người ta sẽ không nghe được tiếng Chúa. Nếu không gạt bỏ các tư lợi, danh vọng, dục vọng và nhất là nếu không muốn nghe thì dù có hét vào tai cũng không nghe thấy, nói chi những lời thủ thỉ thầm kín của tiếng lương tâm? Không lạ gì, thánh Gioan Tiền Hô đã lôi kéo dân chúng vào sa mạc để truyền đạt sứ điệp và chính Thiên Chúa, khi muốn nói vào lòng người, cũng phải kéo họ vào sa mạc: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình.” (Hs 2,16).
Canh tân đời sống nội tâm
Nối nguồn Giêsu
Canh tân nội tâm, trước tiên là tìm lại sức sống. Do đó, để canh tân đời sống nội tâm, cần phải tìm lại hay canh tân tương quan thân tình với Chúa Giêsu là nền tảng và nguồn mạch của tất cả đời sống và sứ vụ Linh mục, Tu sĩ chúng ta. Ngày xưa khi còn ở Roma, có lần tôi đi giảng phòng cho một Hội Dòng tại Merida, miền nam Mexicô. Người ta chở tôi thăm bờ biển đẹp nổi tiếng của Merida. Dọc theo bờ biển, người ta trồng dừa uống nước mấy chục cây số. Dừa nước là nguồn sống của dân thành. Tuy nhiên lúc đó, rừng dừa mấy chục cây số bị héo khô, lá vàng úa và trái khô cằn không có nước. Người ta nói là rừng dừa ra như thế vì có một luồng nước lạnh thấm vào bờ biển. Không thể chữa được, chỉ còn cách chặt hết rừng dừa. Dân chúng vô cùng buồn bã. Rừng dừa đã nối sai nguồn! Đó là hình ảnh của các Linh mục, Tu sĩ không nối nguồn Giêsu hay nối mà không bền chặt.

Để nối nguồn Giêsu được bền chặt và sâu đậm, một đàng phải trân trọng và trung thành với những giờ thiêng liêng thiết yếu cho ơn gọi thánh hiến như Thánh Lễ, Kinh Phụng Vụ, lần Chuỗi Mân Côi, Nguyện ngắm, viếng Chúa, “ở với Chúa” (x. Mc 3,14). Đàng khác, phải dám hy sinh và chịu thiệt thòi vì Chúa Giêsu trong những hoàn cảnh cụ thể của ngày sống. Cha Fernando Sozzi, người Ý, sau 50 năm truyền giáo tại Bangladesh, đã để lại kinh nghiệm sống như sau:

“Nếu Anh em muốn theo Chúa Giêsu, anh em hãy từ bỏ những cuộc vui chơi, tán gẫu vô bổ và hãy lui về thinh lặng mà cầu nguyện, một mình với Chúa. Anh em đừng ngại dành thời giờ cho Chúa. Ngày nay người ta nói nhiều đến các phương pháp mục vụ mới và người ta tổ chức nhiều cuộc hội thảo. Tất cả đều tốt và cần thiết. Riêng tôi thì không tin vào các phương pháp, nhưng vào tinh thần của người tông đồ khi dùng các phương pháp. Bên Bengala tôi đã thử tất cả các phương pháp: tôi đã huy động các giáo lý viên; tôi đã bỏ ra nhiều tháng trong năm đi thăm các làng mạc; tôi đã gảy guitar và mandoline; tôi đã tổ chức các hợp tác xã và ngân hàng tín dụng nông nghiệp; tôi đã dạy giáo lý riêng từng cá nhân hoặc chung từng nhóm; tôi đã tổ chức văn nghệ có tính cách tôn giáo. Nói tóm lại, tất cả các phương pháp mới tôi đã thử cả. Tuy nhiên, nếu thành thật mà nói, thì tôi phải nói là tôi đã cảm thấy mình thực sự là nhà thừa sai truyền giáo và tôi đã có được những cuộc trở lại và được dân chúng tín nhiệm, khi tôi cầu nguyện nhiều hơn. Dĩ nhiên, cần phải chú trọng đến các phương pháp mục vụ, đến thần học, nhưng không bao giờ được quên sự thực căn bản là công việc tông đồ truyền giáo không phải là việc của chúng ta, nhưng là của Chúa Thánh Thần: người cứu vớt và giải thoát con người không phải là chúng ta, mà là Chúa Giêsu. Dân chúng, cả những người nghèo không cần chúng ta, không cần sự giúp đỡ của chúng ta, và các chương trình của chúng ta, mà họ cần Chúa Giêsu... Điều này cần phải chiêm niệm nhiều giờ trong cầu nguyện đến độ có thể tìm gặp được Chúa Giêsu trong con tim và vui mừng được gặp Ngài và sống thân tình với Ngài.”[1]
Thương yêu đoàn Dân Chúa với tình yêu của người mẹ
Trong khi Chúa Giêsu là nền tảng và nguồn sống của đời dâng hiến và sứ vụ của các Linh mục, Tu sĩ, thì nhân loại là đối tượng của sự phục vụ trong tinh thần dâng hiến của họ. Các Linh mục, Tu sĩ đứng vào thế trung gian giữa Chúa Giêsu và nhân loại, theo nghĩa: qua đời sống và sứ mạng phục vụ của họ, chính Chúa Giêsu thông truyền ơn cứu độ của Người cho nhân loại. Do đó, các Linh mục, Tu sĩ cần thấm nhuần tình yêu mục tử của Chúa Giêsu để làm lan tỏa hương thơm tình yêu đó cho nhân loại trong các tương quan cũng như mọi hoạt động của mình.

Mục tử nhân lành biết chiên của mình (x. Ga 10,14), hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên (x. Ga 10,11.15), đi tìm chiên lạc, đưa về ràn để chỉ có một đoàn chiên và một mục tử (x. Lc 15,4-7; Ga 10,16).

Theo giáo huấn của Kinh Thánh, được sách Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo lặp lại (GLGHCG, 239), tình yêu của Thiên Chúa Cha được Chúa Giêsu mạc khải cho nhân loại, vừa là tình yêu của người cha, vừa là tình yêu của người mẹ (x.Is.66,13; Sal.131:2). Họa sĩ Rembrandt, người Hòa Lan, trong bức tranh nổi tiếng về dụ ngôn người cha nhân từ đón nhận đứa con hoang đường trở về (Lc 15,11-32), đã vẽ người cha với hai bàn tay: bàn tay phải là bàn tay người nữ (tình yêu của người mẹ), bàn tay trái là bàn tay người nam (tình yêu của người cha).

Tuy cùng là tình yêu mẫu tử, nhưng cách diễn tả có thể khác nhau tùy theo văn hóa và hoàn cảnh của môi trường. Dưới đây là tâm sự của một đứa con (Cao Thị Ni) về tình yêu của người mẹ trong bối cảnh Việt Nam, có thể là một gợi ý cho các Linh mục, Tu sĩ trong sứ mệnh làm sáng tỏ tình yêu mẫu tử của Thiên Chúa cho giáo dân của mình trong môi trường Việt Nam:
“Tôi nhớ rõ năm ấy ba tôi bị bệnh ho ra máu (còn bây giờ người ta gọi là lao phổi). Tôi cũng chẳng biết bệnh đó có nguy hiểm không, có chết không, nhưng mỗi lần ba ho khạc ra máu là mẹ lại khóc. Thấy mẹ khóc, mấy chị em tôi cũng khóc theo. Ba bệnh lâu ngày, vì không có tiền chạy thuốc, mẹ chỉ đâm lá thuốc nam cho ba uống nhưng không khỏi, nên ngày qua ngày càng ốm yếu xanh xao hơn, vì những năm đó thuốc lao chưa xuống địa phương như bây giờ. Mẹ nghe hàng xóm bảo, nếu muốn hết bệnh thì phải lo tiền đi bệnh viện Hồng Bàng ở Sài Gòn mới có thuốc trị. Mẹ nghe vậy quyết định bán hết mấy giạ lúa cuối cùng trong nhà cho ba làm lộ phí lên Sài Gòn trị bệnh, còn mẹ thì ở nhà lo ruộng rẫy và chờ ngày ba tôi xuất viện trở về.

Tôi nhớ lúc ấy, sáng nào mẹ cũng xách cái thau và cây cân ra chợ mua cá rồi bán lại để kiếm tiền lời, và còn có cá cho các con ăn. Đến trưa về nhà, lúc nào mẹ cũng đem một mớ cá chốt, chớ chẳng có thứ cá nào ngon hơn. Mỗi lần mẹ làm cá tôi hay ngồi gần nhìn mẹ làm và hỏi: ‘Mẹ ơi, sao làm cá chốt mẹ không chặt bỏ đầu, đầu toàn xương ăn sao được hả mẹ?’, mẹ tôi cười bảo: ‘Có ít cá, mẹ hà tiện để đầu kho xong mình lấy cho con chó, con mèo ăn cũng đỡ con à’. Câu nói của mẹ, tôi cũng vô tình không để ý tới, mà thật sự ngày nào tôi đi học về, mẹ dọn cơm cho mấy chị em tôi ăn cũng cá chốt kho và đĩa rau luộc mẹ hái sau nhà, tôi chỉ biết ăn say sưa chớ chẳng để ý tới cá chốt kho như thế nào.

Vô tình một ngày nọ, tôi được nghỉ hai tiết học cuối nên về nhà sớm hơn mọi ngày, Khi bước vào nhà tôi tình cờ thấy mẹ tôi ngồi ăn cơm một mình với dĩa rau luộc và một chén cá kho toàn là đầu cá chốt. Thì ra, bấy lâu nay mẹ ăn cơm trước, chỉ ăn đầu còn để dành khúc mình cho các con. Tôi đứng lặng trước mâm cơm của mẹ mà nghe nghèn nghẹn ở cổ, tôi chẳng nói được câu nào với mẹ chỉ sợ không cầm được nước mắt. Như hiểu được ý tôi, mẹ bảo: ‘Ba con đang bị bệnh, mẹ con mình ở nhà phải ăn cần ở kiệm, dành dụm tiền còn lo thuốc men cho ổng nữa con à, chừng nào ba con hết bệnh về, làm có tiền thì nhà mình ăn sẽ ngon hơn’. Nghe mẹ nói tôi thấy mủi lòng rồi khóc như mưa.
Nhưng mẹ ơi, những giọt nước mắt con rơi lúc ấy không phải buồn vì nhà mình nghèo, mình khổ mà vì con cảm thấy thương mẹ, thương nhất trên đời mẹ ơi, cả cuộc đời mẹ đã vì chồng vì con mà chẳng nghĩ đến bản thân mình, lúc ấy con chỉ biết thầm cầu trời, khấn phật cho ba mau hết bệnh để về nhà cùng mẹ chung sức lo cho đàn con thơ dại.

Tôi viết những dòng chữ này gởi đến mẹ thân yêu như những lòi cảm ơn mẹ đã vì chị em tôi mà cực khổ và chịu đựng hy sinh cả cuộc đời của mẹ. Đến bây giờ, khi đã làm mẹ, tôi càng thấm thía hơn câu thơ của một nhà văn đã viết:

Biển cả mênh mông không đong đầy tình mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công cha.”

Dĩ nhiên bà mẹ, trong lời tâm sự của đứa con trên đây, có bản năng mẫu tử hỗ trợ, nhưng các Linh mục, Tu sĩ chúng ta còn hơn thế nữa, có sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa mà Chúa Thánh Thần đã đổ vào lòng (x. Rm 5,5). Tình yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại mà các Linh mục, Tu sĩ có sứ mệnh phải làm tỏa sáng cho đoàn chiên của mình, còn vượt trên cả bản năng yêu tương của người mẹ: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên con bao giờ” (Is 49,15); “Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Tv 27,10).

Kính thưa quý Cha, quý Tu sĩ, để chu toàn sứ mệnh hướng dẫn đoàn Dân Chúa đi vào hành trình Mùa Chay, hoán cải và đổi mới cuộc đời nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, để đi ra vùng ngoại biên, tìm kiếm và gặp gỡ anh chị em đau khổ, lương dân và di dân, chính chúng ta, Linh mục, Tu sĩ phải là những người đầu tiên thực hiện hành trình Mùa Chay này. Vì vậy, tôi xin kết thúc bài chia sẻ bằng lời cầu nguyện, khẩn nài Đức Mẹ là Mẹ các Linh mục, Nữ Vương các kẻ Đồng Trinh, đồng thời cũng là Người Mẹ của Lòng Thương Xót, hướng dẫn tất cả chúng ta trong hành trình Mùa Chay. Nhờ vậy, một sức sống mới thấm đậm Lòng Thương Xót bừng lên trong tâm hồn mỗi người trong Giáo phận chúng ta, có sức chiếu sáng và sưởi ấm nhiều tâm hồn, nhất là những anh chị em đang chịu nhiều bất hạnh và khổ đau trong cuộc đời.
Thân ái mến chào quý Cha và quý Tu sĩ.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1] P. Ferdinando Sozzi, Missionario PIME in Bangladesh 1929-1977, in: PIERO GHEDDO, PIME una proposta per la missione, EMI, Bologna, 1989, pp. 130-131.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :