www.langminhnews.net

GIÁO DÂN VỚI LINH MỤC

Aug. Trần Cao Khải

WHĐ (21.01.2022) - Ngày 9-1-2022 vừa qua, trên trang web của TGP Hà Nội, trong mục suy tư tản mạn có đăng bài của LM Tạ Xuân Hòa với tựa đề “Linh mục với giáo dân”. Đọc bài viết này độc giả tín hữu cảm thấy rất vui và ấm lòng, đặc biệt với đoạn văn ngắn được tác giả trích dẫn. Ngài viết: “Tôi vẫn còn nhớ như in lời của một cha giáo lớn tuổi trong chủng viện. Mỗi lần gặp gỡ chúng tôi bao giờ ngài cũng nói: ‘khi nào các ông ra trường, các ông nhớ thương giáo dân nhé’.”[1]

Cũng trong ý này, ĐTGM Giu-se Nguyễn Chí Linh có lần cũng đã nhắn nhủ các linh mục dịp tĩnh tâm giáo phận Đà Lạt năm 2009, như sau: “… ‘Yêu mến giáo dân như Đức Kitô, trao cho họ tất cả tình yêu và sự quí mến, hao tốn sức lực và thời giờ vì họ nên hình ảnh của Giáo hội hiền thê Đức Kitô’ (Pastores dabo vobis). Tôi nghĩ rằng đây là bí quyết để linh mục huấn luyện con tim mục tử của mình có được sự nhạy cảm của Chúa Giêsu khi Ngài nhìn đám đông không người chăn dắt mà chạnh lòng thương. Phải đạt cho tới trình độ hễ nhìn thấy dân là thương. Theo suy nghĩ của Chúa Giêsu, đám đông luôn là một đàn chiên bơ vơ. Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục. Nếu không tạo được một con tim mục tử, tự khắc chúng ta sẽ biến mình thành một tên Pharisiêu đã bị Chúa Giêsu lên án là chất lên vai người khác những gánh nặng mà chính mình không vác được.”[2]

“Họ cần đến mục tử chăn dắt họ, họ cần đến linh mục”. Thực vậy, mọi nơi mọi thời tín hữu giáo dân chúng ta rất cần đến linh mục. Giữa linh mục và giáo dân có một mối tương quan gắn bó rất đặc biệt không thể tách rời ra được. Linh mục cần giáo dân là vì linh mục xuất phát từ hàng ngũ tín hữu giáo dân và các ngài được sai đến với họ để phục vụ. Không có giáo dân thì linh mục sẽ làm mục vụ cho ai bây giờ! Còn giáo dân cần linh mục là vì nhờ các ngài mà giáo dân được nuôi dưỡng và tăng trưởng trong đức tin và lòng mến. Vậy, nếu các mục tử thương giáo dân vì họ là “Con chiên” mà Chúa đã trao phó cho các ngài chăm sóc thì đối lại giáo dân cũng phải yêu kính các linh mục như “Chủ chăn” của mình. Giáo dân VN ta có truyền thống xưng hô với linh mục là “Cha-Con” là vì ngài đã sinh họ ra trong Chúa, như khẳng định của Công đồng Vat. II: Linh mục phải săn sóc các tín hữu như những người cha trong Chúa Ki-tô, vì đã sinh họ cách thiêng liêng nhờ phép rửa và giáo huấn (x.1Cor 4,15 và 1P 1,23) (x. Vat II, LG 28).

Do đó, một khi tín hữu chúng ta nhìn nhận tư cách Cha của mục tử, chúng ta sẽ đi vào mối tương quan thân tình của một người Con đối với Cha của mình. Mối tương quan ấy gợi mở cho chúng ta những thái độ và bổn phận chính yếu thích hợp. Xin mạn phép nêu lên là: yêu mến thật lòng, chân thành kính trọng, khiêm tốn cộng tác và nhiệt tình giúp đỡ.

1.- Giáo dân luôn bày tỏ lòng quý mến các linh mục

2.- Giáo dân luôn chân thành kính trọng các linh mục

3.- Giáo dân không ngại cộng tác với linh mục

4.- Giáo dân cần làm gì thường xuyên để nâng đỡ các linh mục?

..........................................................................
1.- Giáo dân luôn bày tỏ lòng quý mến các linh mục

Có thể nói hầu hết giáo dân chúng ta luôn bày tỏ lòng yêu mến các linh mục. Sự yêu mến ấy rất dễ nhận ra trong đời thường. Thái độ yêu mến có thể được biểu lộ bằng sự quan tâm nhỏ nhặt nào đó, hay bằng nụ cười chào hỏi và cái bắt tay xã giao thân tình, hay qua những đồng cảm sâu lắng bên trong. Dù trong hoàn cảnh nào và như thế nào thì sự yêu mến của giáo dân luôn là niềm khích lệ lớn lao cho các linh mục.

Chúng ta có thể đọc câu chuyện kể của LM Tạ Xuân Hòa tác giả bài viết đã dẫn trên, như sau:

“Sáng nay, sau khi dâng lễ chúa nhật cho thiếu nhi xong, tôi vẫn còn trong phòng thánh thì có một bà giáo dân tới gặp tôi. Bà đưa cho tôi một số tiền và nói đây là tiền xin lễ, còn đây là tiền con tạ ơn Chúa và cám ơn cha. Tôi hỏi lại lý do bà tạ ơn Chúa và cám ơn tôi là gì? Bà kể cho tôi rằng bà đã lên xin tôi cầu nguyện cho hai người cháu của bà. Cả hai đều đã được Chúa ban ơn cho. Một người thì xảy ra trục trặc với gia đình nên bỏ đi. Nhưng người đó đã trở về đoàn tụ với gia đình. Còn một người cháu bị nhiễm Covid trong Sài Gòn. Khi bà lên xin tôi cầu nguyện là lúc người đó đang trong giai đoạn nguy kịch. Bà bảo trong phòng có 3 người nguy kịch thì hai người chết còn cháu bà thì được ơn Chúa thương cho sống. Anh năm nay 41 tuổi. Bà nói với tôi rằng nhờ cha cầu nguyện mà Chúa đã nhậm lời. Trong lời nói và ánh mắt của bà, tôi biết bà rất tin tưởng vào lời cầu nguyện của tôi… Nghe xong tâm sự của bà, thú thực lòng tôi vui mừng vô hạn.”

Trong câu chuyện này, ta thấy chắc hẳn vị mục tử vui không phải vì tiền, vì đồ lỡi, vì của này vật nọ… nhưng chính là vì những lời cầu xin, vì gương sáng và lời giảng dạy của mình đã sinh hoa kết trái. Hằng ngày, giáo dân đến gặp linh mục, ngoài việc xin lễ hay trình bày các nhu cầu mục vụ nào đó, thì họ xem đây là dịp để thăm hỏi, chuyện trò với chủ chăn, để tìm sự đồng cảm, động viên, an ủi, khích lệ… đó là điều mà họ khó có thể tìm thấy ở người khác, nơi khác trong cuộc sống đức tin và xã hội của mình. Chính vì thế, đối với giáo dân, linh mục ngoài tư cách là Cha, ngài còn là Thầy dạy, là Linh hướng, là người Tư vấn, là Bạn đồng hành của tín hữu nữa. Tín hữu đến với chủ chăn là vì họ cần đến ngài, họ yêu mến ngài, họ tin tưởng ngài.

Cha Andrew Greeley, một tác giả viết sách và một nhà xã hội học đã định nghĩa: “Linh mục là người để người ta tìm đến”. Điều đó cũng có thể hiểu được là mục tử trở nên điểm hẹn đáng mong ước và địa chỉ liên hệ đáng tin cậy của mọi tín hữu. Cộng đoàn tìm đến mục tử của họ cũng là để được nói tiếng nói của chiên với chủ chăn, được giãi bày tâm sự, được khuyên giải, được trấn an vv…

Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS trong cuốn “Để được đào tạo và tự đào tạo nên Linh mục giáo phận như Chúa và Giáo hội mong ước” đã viết (các ngài) “phải biết cảm thương những nỗi yếu hèn và bất hạnh của tha nhân như Chúa Giê-su đã làm, và sống thế nào để mọi người đều cảm thấy họ được đón tiếp và coi trọng yêu thương…Lòng hiếu khách phải được thể hiện trong cung cách ân cần tiếp đón niềm nở, tôn trọng, hòa nhã, lắng nghe. Làm sao khi tiếp xúc với linh mục, người ta không phải ngại ngùng, sợ sệt, trái lại cảm thấy an lòng, thoải mái, dễ chịu, dễ mến, nể phục và tín nhiệm.”[3]

Như vậy mối tương quan yêu thương giữa giáo dân và linh mục được khẳng định trên nền tảng của lòng mến mà Chúa Ki-tô Mục Tử đã làm gương và dạy dỗ các môn đệ Ngài. Đặc biệt Ngài nhấn mạnh đến sự “Biết” mà mục tử và con chiên phải ứng xử với nhau: “Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”(Ga 10, 14).
2.- Giáo dân luôn chân thành kính trọng các linh mục

Như trên đã nói, linh mục là Cha, là Chủ chăn, là Thầy dạy của tín hữu, nên việc chúng ta kính trọng các mục tử sẽ luôn được coi là một bổn phận tự nhiên và một cách ứng xử thích hợp của mọi thành phần Dân Chúa. Ta hãy hình dung hình ảnh của các em thiếu nhi khi trông thấy vị linh mục ở ngoài đường phố, nơi xóm ngõ, trong sân nhà thờ… đều đồng thanh lên tiếng chào “Chúng con chào Cha ạ!”. Hay trường hợp có những vị giáo dân cao tuổi ngả mũ cúi đầu cung kính chào hỏi khi gặp linh mục ở đâu đó, “Chào Cha nhé! Cha khỏe không? Cha đi đâu đó?”. Sự kính trọng của tín hữu đối với mục tử rất đơn sơ như thế đó. Ngoài ra, sự kính trọng các mục tử cũng được thể hiện cụ thể khi các ngài đến dự một cuộc họp, một chỗ đông người, một bữa tiệc hay một buổi chia sẻ nào đó. Vị chủ chăn luôn có một chỗ “an tọa” xứng hợp và mọi người luôn dành cho các ngài sự tiếp đón nồng nhiệt và tiếp đãi tận tình.

Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan hệ giữa giáo dân và linh mục trong một số trường hợp không phải lúc nào cũng êm ả, tốt đẹp cả. Thỉnh thoảng cũng có một tín hữu nào đó tỏ ra bất mãn, bất kính đối với linh mục và ngược lại cũng có vị linh mục nào đó tỏ ra nóng nảy, coi thường đối với giáo dân. Thực tế này có thể xuất phát từ mâu thuẫn riêng tư giữa tín hữu và chủ chăn. Sự mâu thuẫn bất đồng có thể lên tới đỉnh điểm, khi hai bên không tìm được tiếng nói chung, không thể nhượng bộ nhau… Lúc đó thì “Cha nói Cha nghe, con nói con nghe”, không ai nhượng bộ ai và kết cục là xảy ra một sự chia rẽ nặng nề ảnh hưởng không ít tới sự hiệp nhất trong cộng đoàn, tới uy tín cá nhân linh mục và tới công việc mục vụ của vị chủ chăn.

Dù sao, những “sự cố” nào đó nếu có lúc xảy ra trong cộng đoàn thì cũng chỉ là cá biệt và không thể làm giảm sút tình cảm yêu mến và thái độ kính trọng của giáo dân đối với linh mục. Chúng ta yêu mến, quý trọng linh mục không như ngoài xã hội người ta tôn vinh một quan chức hay một người nổi tiếng nào đó. Linh mục không phải là một nghề, cũng không phải là một chọn lựa để vinh danh bản thân, nhưng các ngài là Người-của-Chúa, là sứ giả Tin Mừng, là mục tử lãnh đạo Dân Thiên Chúa. Chúng ta đến với linh mục không phải để hưởng lợi lộc hay tiếng tăm thế gian, mà vì chúng ta cần các ngài như là người mang Thiên Chúa đến cho mình.

Trong thư gửi cho các chủng sinh năm 2010, ĐTC Bênêđictô XVI đã khẳng định, mọi xã hội, dù giàu có và đầy đủ về vật chất đến đâu đi nữa, thì vẫn cần đến các linh mục. Ngài nhắn nhủ: “Nếu thế giới luôn luôn cần đến Thiên Chúa, thì linh mục là người mang Thiên Chúa vào lòng cuộc đời. Nếu con người luôn khát vọng và tìm kiếm những giá trị siêu nhiên, thì linh mục là người mang Chúa đến làm cho tâm hồn con người được no thoả. Trong một xã hội còn nhiều bóng tối, rất cần có linh mục để thắp lên ngọn lửa hy vọng. Trong cuộc sống còn nhiều dối gian, rất cần đến linh mục để làm chứng cho Sự Thật. Khi lòng người dửng dưng vô cảm, rất cần có linh mục quảng đại dấn thân phục vụ. Qua đời sống và sứ vụ, linh mục là hiện thân của Chúa Giêsu, Linh mục Thượng Phẩm Tối Cao.”

Đức Thánh Cha viết tiếp: “Thiên Chúa sống động, và Ngài cần những người sống cho Ngài và đưa Ngài đến với tha nhân. Đúng vậy, trở thành linh mục thật là điều có ý nghĩa: thế giới đang cần linh mục, cần các vị mục tử, ngày nay, ngày mai và mãi mãi, cho đến khi nào thế giới còn hiện hữu”.[4]

Linh mục Micae-Phaolô Trần Minh Huy, PSS trong cuốn sách đã dẫn, đã viết như sau: “Mỗi người giáo dân đều chịu ơn linh mục coi sóc mình qua những chặng đường đời, từ lúc mới sinh cho đến khi tới nấm mồ. Lúc còn mạnh khỏe, linh mục phục vụ mình thì khi linh mục già yếu không còn đủ sức làm việc được phải hưu dưỡng mà mình đền ơn đáp nghĩa cách nào để chăm sóc các ngài cũng là điều phải đạo, hợp tình hợp lý theo lẽ công bằng…” Tiếp theo, tác giả kể câu chuyện sau: “Trước những gì linh mục làm cho bà, một người phụ nữ kia đã cảm kích quỳ xuống, nắm lấy hôn tay Cha và nói ‘con cảm ơn Cha, vì Cha đã là linh mục thực sự’. Người chồng vội nói thêm ‘nhà con mê Cha lắm, mê cách Cha dâng lễ, cách Cha giảng, cách Cha giải tội, cách Cha tư vấn thiêng liêng, và cách Cha cư xử với giáo dân…Con cũng cảm ơn Cha nhiều và xin Cha cứ giữ mãi được như thế’.”[5]
3.- Giáo dân không ngại cộng tác với linh mục

Trong tập sách có tựa đề “Suy niệm về đời sống và chức vụ linh mục”, linh mục Giu-se Thân Văn Tường, nguyên giáo sư tín lý Đại Chủng viện Thánh Giu-se Sài Gòn đã viết: “Linh mục cũng phải tin cậy vào giáo dân và trao cho họ những trách nhiệm trong Giáo Hội. Khi đã trao cho họ trách nhiệm thì phải để cho họ có đủ tự do và lãnh vực hoạt động, để họ có thể thi thố tài năng và có sáng kiến. Có như vậy, ta mới có những người giáo dân trưởng thành trong công việc tông đồ.”[6]

Vậy một khi linh mục tin tưởng giáo dân trao phó cho họ công việc nào đó trong cộng đoàn, thì về phía mình, chúng ta cũng phải sẵn sàng hợp tác với các ngài trong việc phục vụ công cuộc chung. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, còn phần đông giáo dân ai cũng muốn cộng tác với linh mục. Từ công việc nhỏ như quản gia, nhà bếp, kéo chuông và canh giữ cổng nhà thờ nhà xứ, hay như quét dọn, làm vệ sinh khu vực trong và ngoài thánh đường, cho đến những chức vụ và công việc chuyên biệt hơn như Hội đồng Mục vụ giáo xứ, các hội-đoàn-nhóm, các công tác thường xuyên cũng như các công việc đột xuất… hết thảy nếu được mục tử quan tâm mời tham gia thì chắc chắn giáo dân sẽ hết lòng cộng tác.

Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều trường hợp giáo dân và linh mục rất khó cộng tác với nhau. Ở đây xin đưa ra mấy nguyên nhân chính:

- Giáo dân và linh mục không tìm được tiếng nói chung

Việc giáo dân được mời gọi tham gia cộng tác với linh mục luôn là một niềm vinh dự lớn của mọi người. Tuy nhiên, khi làm việc với nhau, đôi lúc người giáo dân và cha xứ không tìm được tiếng nói chung. Có thể do kênh đối thoại giữa hai bên bị bế tắc. Chúng ta biết rằng, đối thoại trong lãnh đạo, đối thoại trong hợp tác, đối thoại trong phục vụ và mục vụ luôn là yếu tố thuận lợi giúp cho cộng đoàn thăng tiến.

Trong bài viết có tựa “Linh mục, con người đối thoại” của tác giả Fx. Tiến Dâng đăng trên trang web của TGP Saigon ngày 11-10-2010 có đoạn như sau: “Về việc Đối thoại với giáo dân được ủy thác cho mình: Ở Việt Nam, do ảnh hưởng của tư tưởng nho giáo cũng như vấn đề tôn trọng phẩm trật trong Giáo hội Công Giáo, các linh mục, dù còn rất trẻ, vẫn thường có thói quen “phán” cho giáo dân nghe. Giáo dân nhiều lúc “bằng mặt mà không bằng lòng”. Vì thế, một mục tử đích thực phải học cách đối thoại với giáo dân của mình. Khi vừa được bổ nhiệm coi sóc một giáo xứ, các ngài phải dùng thời gian tìm hiểu những phong tục, tập quán, những mặt yếu, mặt mạnh của giáo xứ. Ngài phải lắng nghe các bô lão, các ông câu, ông trùm, cũng như các thành phần dân Chúa nói cho nghe về giáo xứ của họ. Không ai hiểu giáo xứ hơn những giáo dân sở tại.[7]

Thực ra, giáo dân chúng ta có thói quen “nghe” các cha và “vâng lời” các ngài trong mọi sự hơn là bày tỏ quan điểm, nói chuyện trao đổi thẳng thắn, đôi khi cũng phải tranh luận hay phản biện để tìm ra đường hướng và quyết định chung… Chúng ta e ngại việc đối thoại sẽ làm tổn thương uy tín, gây mất lòng chủ chăn, làm tổn thương uy quyền các đấng bậc vv… Điều này sẽ khiến cho việc cộng tác của chúng ta với chủ chăn không đạt kết quả như mong muốn. Chúng ta biết rằng các mục tử cũng luôn được mời gọi đi vào con đường đối thoại với giáo hữu. Như Sắc lệnh về Chức vụ và Đời sống Linh mục (Presbyterorum Ordinis/ PO) số 9 cũng đã chỉ rõ:

“Các Linh Mục phải thành thật nhìn nhận và khích lệ phẩm giá và vai trò riêng của giáo dân trong sứ mệnh Giáo Hội. Các ngài cũng phải thành thật kính trọng sự tự do chân chính mà mọi người có quyền được hưởng trong xã hội trần gian. Các ngài phải sẵn lòng lắng nghe giáo dân, cứu xét các nguyện vọng của họ trong tinh thần huynh đệ, nhìn nhận kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của họ trong các lãnh vực khác nhau của hoạt động nhân sinh, để cùng với họ có thể nhận biết những dấu chỉ của thời đại. Trong khi nghiệm xem các tinh thần có phải từ Thiên Chúa đến hay không (54), các ngài phải lấy tinh thần đức tin mà khám phá, vui mừng mà nhận biết, và chuyên cần phát triển những đặc sủng muôn hình của giáo dân, từ đặc sủng nhỏ bé nhất đến đặc sủng cao cả nhất. Trong những đặc ân mà Thiên Chúa ban tràn đầy trên các tín hữu, phải đặc biệt lưu tâm đến ơn lôi kéo một số giáo dân tiến xa hơn trên đường thiêng liêng. Cũng thế, các ngài phải tin tưởng trao phó nhiệm vụ cho các giáo dân trong việc phục vụ Giáo Hội, để cho họ được tự do và có lãnh vực hoạt động, hơn nữa lúc thuận tiện, phải khuyến khích họ tự ý đảm trách công việc.”[8]

- Giáo dân và linh mục có thành kiến với nhau.

Một trong những nguyên nhân khác khiến cho việc cộng tác giữa giáo dân và linh mục gặp khó khăn trở ngại, đó là hai bên có thành kiến, định kiến với nhau. Thành kiến do tự ái, do thái độ không khiêm tốn, do nhận định chủ quan, do suy nghĩ chưa chín chắn hay do sự đánh giá phiến diện vv.

Chúng ta biết rằng, trong một gia đình cũng như trong một tập thể, một cộng đoàn lớn nhỏ, nếu ta có thành kiến này nọ với một hay nhiều người thì sẽ dẫn đến sự hiểu lầm và xa cách nhau. Chẳng hạn, linh mục có thể tin vào dư luận nói về người này, nhóm kia rồi sinh ra có thái độ và cách ứng xử không hòa đồng, tạo ra tính cục bộ, sự phân biệt đối xử khiến cho cộng đoàn luôn xảy ra chia rẽ bất đồng.

Vì vậy, đã có ý kiến thế này: “Để tránh gây chia rẽ trong cộng đoàn, linh mục cũng cần tránh xa sự tùy tiện của người lãnh đạo, nhất là trong việc đề cử các ban ngành. Ở nhiều nơi, đã có tình trạng giáo dân tập họp để bầu các ban ngành theo nội quy của giáo xứ. Cha xứ không đồng ý và đã chọn những người khác hợp sở thích của mình. Vì thế, giáo xứ chia rẽ. Một ít theo cha xứ. Số còn lại cho rằng giáo dân được quyền tự quyết trong việc chọn người đại diện của mình. Giáo xứ chia rẽ trầm trọng, người đến nhà thờ thưa dần. Đức Giám Mục phải đổi cha xứ đi nơi khác.”[9]

Về phần mình, giáo dân chúng ta cũng rất dễ có thành kiến với linh mục. Chẳng hạn, thành kiến rằng linh mục làm giàu để lo cho bản thân mình, rằng cha xứ về phe những người giàu có quyền thế, rằng cha chỉ quan tâm tới những người năng đi lại, quà cáp với cha mà bỏ quên số đông còn lại, rằng cha không lưu tâm tới đời sống đức tin và nhu cầu mục vụ của cộng đoàn mà chỉ chú tâm đến những sinh hoạt bề ngoài, nặng tính hình thức vv… Chúng ta biết rằng, linh mục giáo xứ vốn mang thân phận của một người “làm dâu trăm họ”. Chắc chắn các ngài không thể làm vừa lòng hết mọi người, mọi thành phần được. Đôi khi chúng ta chỉ quan tâm để ý đến việc “soi” những khuyết điểm, những thiếu sót, những bất cập của mục tử mà quên rằng các ngài thường xuyên chịu đựng nhiều áp lực, có khi rất nặng nề, đến từ nhiều phía.

Do đó nếu chúng ta muốn gạt bỏ mọi thành kiến đối với linh mục, chúng ta phải khiêm tốn đến gần mục tử để cảm thông và chia sẻ những nỗi khó khăn của ngài. Chúng ta biết rằng “linh mục là người bị ăn”, cha Antoine Chevrier đã nói vậy và trên mình ngài luôn mang nhiều thương tích vì lòng mến cộng đoàn.

Quả vậy, trong cuộc đời phục vụ, linh mục không ngừng bị thương tích, bị hao mòn, bị cạn kiệt. Bởi những ưu tư dằn vặt nội tâm. Bởi những hiểu lầm nghi kỵ từ nhiều phía. Bởi những chống đối và bất hợp tác do thành kiến hay do bất đồng nào đó trong cộng đoàn. Thậm chí các ngài có thể bị tổn thương bởi những nhục mạ, kết án, phủ nhận… Tóm lại, người giáo dân trưởng thành sẽ luôn biết khiêm tốn để đồng hành với các ngài, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi tình huống, để làm sao giữa giáo dân và linh mục luôn giữ được hòa khí và thiện cảm, nhờ đó gia đình giáo xứ sẽ bớt đi cái cảnh “cơm chẳng lành, canh không ngọt”.
4.- Giáo dân cần làm gì thường xuyên để nâng đỡ các linh mục?

Thiết nghĩ có 2 việc mà mọi giáo hữu chúng ta có thể thường xuyên thực hiện bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào. Đó là cầu nguyện và giúp đỡ vật chất, tinh thần cho các linh mục.

Chúng ta thường nhiệt tình hăng say cộng tác với linh mục, sẵn sàng lăn xả làm mọi việc để giúp các ngài, nhưng có thể chúng ta đã không bao giờ cầu nguyện cho các ngài. Thực sự, các ngài rất cần đến lời cầu nguyện của mọi tín hữu trong cộng đoàn. Nhắc lại, trong bản tin “Khẩn thiết cầu nguyện cho các linh mục” của Vũ Văn An, có đoạn viết như sau:

“Bà Kathryn Jean Lopez, chuyên viên nghiên cứu kỳ cựu của National Review Institute và là tổng biên tập của tạp chí National Review, ngày 21 tháng 5-2019, đã lên tiếng kêu gọi khẩn thiết cầu nguyện và hy sinh cho các linh mục.

“Thực vậy, Lopez trích dẫn cha John Hardon, dòng Tên, người trong bài ‘Giá trị lời cầu nguyện và việc hy sinh cho các linh mục’ đã viết rằng: ‘Không lời lẽ nào tôi có thể sử dụng lại quá mạnh mẽ để quả quyết rằng chức linh mục Công Giáo cần lời cầu nguyện và việc hy sinh hơn bao giờ hết kể từ biến cố Canvariô’. Vị linh mục này suy niệm về 30 năm giảng dạy các linh mục, sống với các linh mục ‘và gian khổ vì các ngài, yêu thương các ngài và cùng đau khổ với các ngài’.

“Ngài viết thêm: ‘Hết vị thánh này đến vị thánh khác đều đã quả quyết rằng mục tiêu chính của ma quỉ ở trên thế gian này là linh mục Công giáo. Các linh mục cần, lạy Chúa các ngài cần xiết bao, các ơn thánh đặc biệt của Thiên Chúa. Chúng ta tự hỏi, tại sao cần phải cầu nguyện cho các ngài? Chúng ta phải cầu nguyện cho các linh mục và giám mục vì đây là thực hành của Giáo hội đã có từ thời các Tông đồ. Nó là một vấn đề chân lý mặc khải. Nó là lệnh truyền của Thiên Chúa’”.[10]

Thiết nghĩ, việc cầu nguyện cho các linh mục cũng luôn được nhắc nhở các tín hữu chúng ta thực hành rất thường xuyên và chu đáo. Chẳng hạn, mỗi thứ năm hàng tuần, mỗi thứ năm đầu tháng, rồi hàng năm vào Chúa nhật Chúa Chiên Lành (CN IV Phục Sinh), Hội thánh nhắc nhở tín hữu phải quan tâm đến việc cầu nguyện cho các linh mục. Đây được coi là bổn phận quan trọng và khẩn thiết của mọi thành phần trong Hội thánh. Bởi vì, không có nhiệm vụ nào cao trọng, thánh đức bằng sứ vụ linh mục. Nhưng cũng không có nhiệm vụ nào khó khăn, phức tạp, nhiều nguy cơ cám dỗ, nhiều cạm bẫy bằng đời sống tận hiến của các ngài.

Ngoài việc thường xuyên cầu nguyện cho các linh mục, ngoài việc cộng tác với cha xứ trong mục vụ cộng đoàn, tín hữu còn có thể giúp đỡ các linh mục cả về vật chất lẫn tinh thần nữa.

Trước hết về vật chất, chúng ta đóng góp qua việc xin lễ để linh mục dâng lễ cầu nguyện theo ý chỉ. Việc xin lễ là một phương cách giúp đỡ linh mục một cách thiết thực và đơn giản nhất. Mặc dù các ngài không hoàn toàn sinh sống bằng bổng lễ nhưng đây là một hình thức đóng góp của giáo dân đối với mục tử đồng thời cũng là biểu lộ sự chia sẻ nhằm nâng đỡ các mục tử hoàn thành việc phục vụ cộng đoàn. Bên cạnh việc xin lễ, giáo dân cũng có thói quen vào các dịp lễ Tết này nọ, biếu quà các linh mục, xem đó như là biểu lộ tấm lòng yêu mến và hiếu thảo của con cái thiêng liêng trong gia đình giáo xứ. Đây cũng được coi như một sự giúp đỡ mà phần đông tín hữu chúng ta rất quan tâm thực hành.

Về mặt tinh thần, nhiều giáo dân rất sẵn lòng nâng đỡ các linh mục. Vì cũng là con người như mọi người, nên linh mục cũng có những lúc thất vọng, chán nản, bi quan, xuống tinh thần… lúc đó sự hiện diện của tín hữu vừa cần thiết và quan trọng nhằm giúp các mục tử vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Đặc biệt là chúng ta phải nghĩ đến các linh mục già, cô đơn tại các nhà hưu dưỡng. Thực vậy, hãy đến với các linh mục đang nghỉ hưu: Đó là phương cách đơn giản nhất nhằm giảm bớt nỗi buồn đơn độc của các ngài. Cách chung, những người cao tuổi cần sự lui tới thăm viếng hỏi han của một ai đó. Nếu là con cháu hay người thân trong gia đình, chúng ta nên thường tới thăm viếng, trò chuyện, an ủi, khích lệ các ngài. Các ngài có nhu cầu gì, chúng ta tùy khả năng hỗ trợ, giúp đỡ.

Sự yêu mến và quan tâm của chúng ta sẽ giúp linh mục nghỉ hưu trút bỏ được mặc cảm bị bỏ rơi xa cách, mặc cảm tự ti mình là người vô dụng, sống ngoài lề xã hội. Có người đã nói: “Cô độc thật sự đáng sợ đấy, nhưng không đáng sợ bằng việc cảm thấy cô đơn trong một mối quan hệ” (Amedia Earhart). Người già sẽ rất buồn tủi khi mọi người xung quanh, nhất là con cháu và người thân, vô tình hay hữu ý, tạo một bức tường ngăn cách khiến cho họ cảm thấy cô độc trong thế giới xung quanh họ ./.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :