Tác giả: Matt Nelson
Chuyển ngữ: Phêrô Đại Yên
Từ: catholic.com, 23/12/2021
Đài Chân Lý Á Châu (04.01.2022) - Chúng ta nên bác bỏ ý kiến cho rằng khoa học vượt trội hơn về mặt lý trí so với thần học hoặc triết học.
Nhiều người ngày nay minh định rằng không có hoạt động nào hợp lý hơn khoa học. Chắc chắn, khoa học - một nghiên cứu có hệ thống về các nguyên nhân tự nhiên thông qua các quan sát và thử nghiệm - đã nhận được sự kính trọng xứng đáng. Chẳng có gì phải nghi ngờ rằng phương pháp khoa học là phương tiện hữu lý rõ ràng để theo đuổi sự hiểu biết về cách thức thế giới vật chất vận hành như thế nào.
Nhưng phải chăng khoa học có lý chứng ưu việt hơn? Hay nói cách khác, về mặt lý trí, phải chăng khoa học trổi vượt hơn triết học và thần học? Đây là một quan niệm mà chúng ta nên bác bỏ.
Một cái gì đó được gọi là hữu lý, như một tư tưởng, học thuyết hay luận cứ - khi nó có sự đồng thuận giữa trí óc với thực tế. Khoa học là hữu lý bởi vì nó làm cho trí óc hòa hợp với các sự thật liên quan đến thế giới tự nhiên. Nhưng có nghĩa là gì khi cho rằng khoa học là cách thức hữu lý nhất để hiểu biết?
Chúng ta hãy tưởng tượng, giả sử có một học thuyết khoa học mà có thể giải thích được tất cả thực tại vật chất trong chớp nhoáng! Hãy tưởng tượng một siêu học thuyết về tự nhiên - mà không gì có thể hữu lý hơn được nữa. Một học thuyết tối thượng như vậy thì cần phải như thế nào?
Ít nhất, học thuyết ấy cần phải: 1) dễ hiểu, 2) cực kỳ đơn giản, và 3) có thể giải thích mọi sự (hoặc gần với mọi sự như bất kỳ học thuyết khoa học nào mà người ta có thể tiếp cận) trong thế giới vật chất. Tóm lại, cái lý thuyết cực kỳ hữu lý ấy phải là lý thuyết thật cơ bản.
“Giải thích mọi sự”, với tính minh xác tối đa, chính là công việc mà triết học và thần học phải làm. Nhưng có lẽ như thế sẽ là một điều đơn giản hóa quá mức. Cách hiểu đúng đắn hơn là khoa học, triết học và thần học tất cả đều thực hiện nhiệm vụ của mình hết sức có thể để giải thích các dữ kiện, với phương pháp khả dĩ của mỗi lãnh vực, như: khoa học với việc thực nghiệm, triết học bằng tính lôgic và thần học qua sự mặc khải.
Khoa học không thể độc quyền để “giải thích mọi sự”. Nó cũng không có cách nào để chứng minh mình là người độc quyền hợp pháp. Như các nhà vật lý Paul Davies và John Gribbin thừa nhận trong cuốn sách của họ, The Matter Myth: "Ý niệm và sự chắt lọc của khoa học như là sự chắt lọc khách quan và thuần khiết của kinh nghiệm về thế giới thực, là một sự lý tưởng hóa. Trong thực tế, bản chất của chân lý khoa học thường là tinh vi và gây tranh cãi hơn nhiều."
Tuy nhiên, ngày nay, khoa học thường được ca tụng như một phương pháp thực sự khách quan, một cách tiếp cận thực tại không thiên kiến nhằm đạt được sự hiểu biết. Nhưng như Davies và Gribbin gợi ý, khoa học có những tạp chất quan trọng của riêng nó để sinh ích lợi. Đây là một ví dụ. Cả thuyết tương đối và thuyết lượng tử đều được nhiều người chấp nhận là “hợp lý” - tuy nhiên chúng không tương thích với nhau. Nếu chúng hòa hợp với nhau, thì rốt cuộc các nhà khoa học đã có “lý thuyết về mọi sự”. Nhưng luận lý học ngăn cản sự hòa hợp của chúng. Tuy nhiên, có lẽ chúng ta nên xem hai học thuyết này là hữu lý nhất trong tất cả các lý thuyết khoa học, mặc dù thực tế chí ít một trong hai học thuyết ấy là phải không chính xác.
Nói điều này không có nghĩa là để gây chướng tai. Nó chỉ làm nổi bật sự thật rằng khoa học không sai lầm và thông suốt mọi sự, như đôi khi những lời ngụy biện hiện đại gợi ý. Nó có những khiếm khuyết và sai lầm. Trên thực tế, những khiếm khuyết và sai lầm ấy của khoa học không quá giống như những sai sót mà thần học thường bị cáo buộc.
Đối với một sự vật, khoa học - tựa như thần học – sẽ đón nhận kiểu “đức tin” của riêng nó. Như nhà vật lý Stephen Barr nhận xét: "Chúng ta thấy trong khoa học có cái gì đó hơi giống với niềm tin tôn giáo. Nhà khoa học có niềm tin vào khả năng hiểu biết về thế giới. Anh đặt những câu hỏi về tự nhiên. Và anh ta mong đợi - không, hơn cả sự mong đợi, anh ấy hoàn toàn bị thuyết phục - rằng những vấn nạn này sẽ có những lời giải đáp thấu đáo. Sự việc anh ta phải tìm kiếm những lời giải đáp ấy chứng tỏ rằng chúng không nằm trong tầm nhìn của anh. Việc anh ta tiếp tục tìm kiếm chúng bất chấp mọi khó khăn, minh chứng cho niềm tin khôn nguôi của anh ta rằng những giải đáp đó, mặc dù hiện tại chưa được khám phá, nhưng chúng vẫn hiện hữu trong thực tế. Thật vậy, khoa học gia cũng bước đi với đức tin chứ không phải chỉ bằng thị giác."
Đây không phải là một bản cáo trạng về khoa học, nhưng là sự thừa nhận rằng khoa học luôn là một hoạt động của con người. Nó không bao giờ diễn ra cách vô nghĩa. Vì chúng ta phải luôn xem xét ảnh hưởng vẫn thường thấy của sự thiên kiến và giả định trong việc khám phá tri thức của con người. Hơn nữa, ngay cả những nhà khoa học khách quan nhất - tựa như các nhà thần học và triết học - luôn bị chi phối từ ảnh hưởng và thẩm quyền của người khác. Đây chỉ là một thực tế của bản chất con người. Như nhà triết học khoa học đáng kính Nancy Cartwright đã chỉ ra rằng: “Xét cho cùng, các nhà khoa học hoạt động trong một nhóm xã hội như bất kỳ nhóm nào khác; những gì họ làm và nói chịu chi phối bởi động lực cá nhân, sự ganh đua nghề nghiệp, áp lực chính trị và những điều tương tự như vậy. Họ không có những thấu kính đặc biệt để có thể nhìn thấu đáo cấu trúc của trạng thái tự nhiên ban đầu”.
Thần học thường được xem là tiền khoa học. Lịch sử mà chúng ta được nghe, minh chứng cho điều này. Tôn giáo hay “Thượng đế” hoặc “các vị thần” từng là cách giải thích các hiện tượng tự nhiên - nhưng bây giờ chúng ta biết rằng sấm, sét, lũ lụt và dịch bệnh không phải do các tác nhân siêu nhiên gây ra, mà là do tự nhiên và các tác nhân khác.
Thật đúng là một số tư tưởng thần học đã tự làm cho mình thành những kẻ mê tín đáng buồn. Thực sự thì một vài thần học Kitô giáo đã lầm đường lạc lối nên thật khó để có thể xem xét chúng một cách nghiêm túc. Thật vậy, đúng là một số thần học Kitô giáo đã du nhập những học thuyết phải nói là phản khoa học. Nhưng như các nhà khoa học, chúng ta hãy cho phép các nhà thần học có thể sai lầm. Chúng ta nên cho phép họ mắc sai lầm - thậm chí sai lầm một cách nghiêm trọng, mà không cần phải hy sinh đến việc từ bỏ toàn bộ công việc nghiên cứu thần học.
Lối đi của các thành tựu khoa học xuyên suốt dòng lịch sử không phải là không có những vấn đề đáng nhớ. Đôi khi, “khoa học tốt nhất” lại mắc phải sai lầm chết người. Vật lý học của Aristotle đã có trước Newton; thuyết địa tâm có trước thuyết nhật tâm; thuyết mang ánh sáng có trước thuyết tương đối; thuyết vũ trụ tĩnh có trước mô hình lạm phát. Chúng ta không gạch tên khoa học vì những sai lầm của nó, đồng thời cũng chẳng có gì bảo đảm rằng thuyết Newton, nhật tâm, tương đối hay sự lạm phát toàn cầu sẽ không bao giờ được chứng minh là sai lầm. Đúng hơn là chúng ta đưa khoa học trở về lúc nó mắc sai sót và rồi tinh lọc nó theo những gì chúng ta học biết, như vậy sẽ tốt hơn cho khoa học.
Ngay cả những khoa học gia vĩ đại nhất cũng có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng. Chẳng hạn, Albert Einstein cho rằng Georges Lemaître thật dở hơi khi đề xuất khái niệm về một vũ trụ đang giãn nở (sau đó ý tưởng này dần hình thành nên thuyết gọi là Vụ Nổ Lớn - Big Bang). Nhưng cuối cùng, Einstein đã thay đổi suy nghĩ và tiếp tục gọi sự bác bỏ ban đầu của mình đối với lý thuyết của Lemaître là “sai lầm lớn nhất” của chính mình. Một lần nữa, vấn đề ở đây là chúng ta không đo lường giá trị của khoa học chỉ dựa trên những hạn chế và sai sót của nó. Chúng ta đo lường nó trên cơ sở những sự kiện đã được chứng minh. Và như vậy, rốt cuộc khoa học cũng chẳng khác chút nào khi người ta nói về triết học và thần học.
Thuyết khoa học vạn năng mà rất nhiều người ngày nay đi theo – một phong trào mang trên mình ngọn cờ với dòng chữ “nói có với khoa học và không với tôn giáo” – cần phải ra đi. Với một sự việc, thuyết khoa học vạn năng không phục vụ cho công trình nghiên cứu khoa học. Nó hoàn toàn phi khoa học, một công việc thuần túy mang tính ý thức hệ. Hơn thế nữa, nó là một thứ triết học phi lý. Thử hỏi có bao giờ ở đâu, khi nào hoặc bằng cách nào người ta chứng minh tính trổi vượt của khoa học đối với thần học chưa? Đây là điều mà khoa học không thể chứng minh, đó là tính trổi vượt của chính nó, bởi lẽ khoa học chỉ quan tâm đến số lượng, chứ không phải chất lượng hay phẩm chất.
Khoa học và thần học - cả hai đều đi chung nhịp cầu triết học - là các phương pháp luận, những cách thức để nhận biết thế giới. Và không thể phủ nhận rằng như một phương pháp luận để nhận biết thực tại vật chất vận hành ra sao, khoa học hiện đại đã đạt được thành công rực rỡ. Nhưng bạn không chứng minh được vị thế trổi vượt của một phương pháp luận qua thành quả phong nhiêu của nó. Điều đó chỉ chứng minh rằng nó đang hoạt động, đang vận hành.
Để chứng minh tính ưu việt của một cách thức nhận biết thế giới, bạn phải đặt nó trước sự hiện diện của tất cả các đối thủ cạnh tranh khác. Chính tại đây, chúng ta bắt gặp cái căn cội dối trá của thuyết khoa học vạn năng. Khoa học và tôn giáo, khi được hiểu một cách đúng đắn, thì không có sự cạnh tranh. Quan điểm của Công giáo thì không bao giờ xem khoa học và tôn giáo là như vậy.
Người khôn ngoan nhất sẽ biết kết hợp cả khoa học và tôn giáo cũng như những giá trị của chúng. Sự kết hợp năng động giữa cả hai lãnh vực sẽ được nhận biết, vì như Rabbi Jonathan Sacks có lần đã nói, “khoa học tách rời mọi thứ để xem xét chúng vận hành như thế nào; còn tôn giáo thị qui tụ mọi thứ lại với nhau để xem xét ý nghĩa của chúng”.
Nguồn: vietnamese.rvasia.org
KHOA HỌC CHƯA HẲN LÀ ĐỦ
About www.langminhnews.net
Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.