www.langminhnews.net

Thánh Toma và vết thương lòng thương xót Chúa

(Suy niệm của Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long – Chúa nhật lễ Lòng thương xót Chúa 2013)

Nói đến vết thương, ai cũng rùng mình không muốn nhìn, chứ chưa nói tới đụng chạm vào. Vì sợ máu chảy cùng gây ra đau đớn. Nhưng Thánh Tông đồ Toma lại nằng nặc đòi cho bằng được đụng chạm xỏ ngón tay vào vết thương của Thầy mình.

Một đòi hỏi táo bạo phiêu lưu mạo hiểm!

Thông thường thân xác hình hài diện mạo, tiếng nói, mầu da tóc cùng cá tính của một người là những đặc điểm giúp dễ nhận ra người đó hơn cả. Nhưng với Thánh Toma lại khác. Theo Ông những vết thương nơi thân xác Thầy Giêsu mới là đặc điểm giúp Ông nhận ra Thầy mình.

Vì thế Ông qủa quyết với các Bạn Tông đồ:“ Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không cỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.“ ( Ga 20, 25.)

Một người có tầm nhìn suy nghĩ khác lạ không giống ai. Nhưng lại ẩn chứa một sự gì sâu xa bí nhiệm.

Vậy Ông Thánh Toma là ai, và đòi hỏi cùng suy nghĩ khác lạ của Ông mang ẩn chứa sứ điệp đức tin gì?

Thánh Toma Điđymô

Trong Hội Thánh Công giáo có nhiều Thánh cùng tên Toma, như Thánh Toma Aquino, Toma Morus… Nhưng vị Thánh Toma và vết thương Thầy Giêsu là một trong 12 Thánh Tông đồ được Chúa Giêsu tuyển chọn kêu gọi ngay từ lúc đầu Ngài ra đi giảng đạo.

Thánh Tông đồ Toma đã được học nghe Chúa giảng dậy, cùng chứng kiến những phép lạ Chúa làm, cùng sống trải qua cuộc đau thương khổ nạn của Chúa, được nhìn thấy Chúa Giêsu đã sống lại, Chúa trở về trời và được tiếp nhận trực tiếp Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống ngày lễ Ngũ tuần.

Sau đó Thánh Tông đồ Toma đã vâng mệnh Chúa Giêsu, sau khi Ngài trở về trời, ra đi rao giảng nước Thiên Chúa, thành lập Hội Thánh ở chân trời vùng Á Châu bên nước Ấn Độ.

Không có sử sách nào ghi chép về nơi chốn cùng ngày tháng sinh ra của Thánh Toma. Chúa Giêsu kêu gọi Toma làm Tông đồ ở Galilea nước Do Thái, khi đó Ông đang là một bác thuyền chài đánh cá ở sông hồ. Tên Toma trong danh sách 12 Tông đồ Chúa Giêsu nơi ba Thánh sử Phúc âm Matheo (10,3), Maco ( 3,18) và Luca (6,15) được nói đến bên cạnh Thánh Tông đồ Matheo, còn trong sách Công vụ Tông đồ ở bên cạnh Thánh Philippus ( Cv 1,13).

Tên Toma có nguồn gốc từ tiếng Do Thái mang ý nghĩa là sinh đôi. Trong phúc âm theo Thánh Gioan Ông được gọi là Toma Điđymô, theo tiếng Hylạp cũng có nghĩa là sinh đôi (Ga 11,16; 20,24)

Hội Thánh Công gíao Roma mừng lễ kính Thánh Toma Tông đồ vào ngày 03.Tháng Bảy hằng năm. Giáo Hội Chính Thống mừng lễ Thánh Toma vào Chúa nhật thứ hai sau lễ Chúa phục sinh.

Con đường theo làm môn đệ Chúa Giêsu của Toma cũng đã trải qua giai đoạn phải quyết tâm chọn lựa cùng chia sẻ với Thầy mình, và đòi Thầy mình mạc khải cho biết Thầy mình là ai.

Con đường theo chân Chúa

Không biết khi Chúa Giêsu kêu gọi Toma, và những vị khác làm thành nhóm 12 Môn đệ đầu tiên của Ngài, họ đã có ý nghĩ về con đường đời sống, cùng công danh sự nghiệp trong nước Thiên Chúa như thế nào?

Thánh Toma khi nghe Chúa Giêsu nói đến nỗi đau khổ cùng nguy hiểm, Ngài sẽ phải gánh chịu trong đời sống khi lên Giêrusalem, Ông đã mạnh dạn nói cùng các anh em Tông đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cùng đi để chịu chết với Thầy” (Ga 11,16)

Đức nguyên Thánh Cha Benedicto XVI. đã có suy tư về cung cách này của Thánh Toma „ Đó là một qủa quyết của lòng trung thành một mực theo chân Chúa cho dù phải đi tới đâu. Đây là mộ ví dụ điển hình trong mối tương quan theo chân Chúa: cùng sống, cùng chết, cùng cư ngụ ở trong trái tim người như Người ở trong trái tim ta.“

Thánh Toma khi nghe Chúa Giêsu thầy mình nói đến sự thương khó cái chết gần kề của Ngài, Ông một mặt nói ngay lời tuyên xưng lòng trung thành của mình. Thầy đi đâu, con theo tới đó (Ga 14,4) Và Ông cũng thắc mắc hỏi Thầy mình ngay, nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con có thể biết con đường đó?

Câu hỏi của Toma, cũng theo Đức nguyên Thánh Cha Benedicto XVI. „tương đối ở bình diện hiểu biết thấp. Nhưng lại là dịp lúc Chúa Giêsu nói lên những lời mạc khải về chính Ngài, và những lời đó trở nên thời danh cho mọi thế hệ: “Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống“ (Ga 14,6).

Rồi mỗi khi chúng ta nghe hay đọc những lời này, chúng ta có thể nghĩ rằng như đang đứng bên Thánh Toma nghe Chúa Giêsu nói với mình như Ngài đã nói với Thánh Toma khi xưa. Và chúng ta cũng được đặt ra câu thắc mắc của mình xin Chúa Giêsu cắt nghĩa cho hiểu, điều mình chưa hiểu. Đây là cung cách cầu nguyện với Chúa Giêsu trong sự tin tưởng cùng với sự giới hạn hiểu biết của mình.”

Xưa nay trong đời sống đạo Công giáo, khi nói đến Thánh Toma Tông đồ không ai có thể quên bỏ qua mà không nghĩ tới, như tường thuật trong Phúc âm Thánh Gioan, về sự hoài nghi của Thánh Toma – trong dân gian vẫn quen gọi là Toma yếu kém lòng tin – , và từ sự hoài nghi đó dẫn đưa Ông tới đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh.

Vết thương lòng thương xót Chúa Giêsu

Anh em Tông đồ kể thuật lại cho Ông nghe về việc Chúa Giêsu sống lại hiện ra với họ. Nhưng Ông không tin vào những lời kể đó. Ông muốn chính mình phải được nhận ra Chúa Giêsu theo cung cách của Ông: Đụng chạm vào vết thương lòng thương xót của Thầy Giêsu.

Ông muốn được đụng chạm vào những vết thương của Thầy Giêsu.Vì với Ông đó là dấu ấn đặc điểm của Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên thập gía.

Ông không muốn đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh chỉ ở tầng bên trên. Nhưng cần phải đi sâu vào tận vết thương tình yêu của Chúa.

Với Ông, những vết thương đóng đinh nơi Chúa Giêsu là hình ảnh lòng thương xót của Ngài đối với con người, cùng quan trọng cho đức tin vào Chúa Giêsu.

Chúa Giesu hiện ra cho Ông được nhìn thấy những vết thương nơi thân thể Ngài, sự hoài nghi nơi Ông liền biến ngay. Và từ đó đã dẫn đưa Ông tới đức tin vào Chúa Giêsu phục sinh qua lời tuyên tín và cũng là lời cầu nguyện thâm sâu: Lạy Chúa, lạy Chúa của con. (Ga 20,28)

Đức nguyên Thánh Cha Benedicto XVI. trong bài giáo lý về Thánh Toma Tông đồ đã có suy tư: „ Trường hợp của Thánh Tông đồ Toma với chúng ta có ít nhất ba điều quan trọng: Thánh Toma mang lại niềm an ủi cho chúng ta trong những khi chúng ta gặp hoài nghi; Thánh Toma chỉ cho chúng ta, hoài nghi có thể dẫn đưa tìm đến ánh sáng giúp vượt qua sự bấp bênh mù mịt, và như Thánh Toma, những lời của Chúa Giêsu nhắc nhớ chúng ta đến ý nhĩa chính thật của đức tin. Đồng thời cũng giúp chúng ta can đảm, cho dù có những khó khăn hoài nghi, tiếp tục trung thành theo Chúa.”

******************

Sách giáo huấn các Thánh tông đồ Didache viết vào thế kỷ thứ nhất sau Chúa giáng sinh, cũng đề cập đến Thánh Tomas tông đồ đi truyền gíao ở bên Ấn độ và thành lập Giáo Hội ở đó.

Gíao phụ Origines viết tường thuật, Thánh tông đồ Toma trước hết đi rao giảng Phúc âm ở Irak. Sau đó bước chân truyền giáo của Thánh nhân đi sang tới miền Nam Ấn Độ. Và vào khoảng những năm 70. của thế kỷ I. sau Chúa Giáng sinh ngài bị chết vì đức tin ở Mailapur.

Hội Thánh Công giáo bên Ấn Độ, hoa trái kết qủa việc truyền giáo của Thánh tông đồ Toma, ngày nay là một trong những Hội Thánh phát triển về nếp sống lòng đạo đức sầm uất, phát triển lớn mạnh cả về phương diện số giáo dân giữa lòng đất nước quê hương của Phật giáo và Ấn Độ giáo.

Hội Thánh Công gíao bên Ấn Độ, hoa trái kết qủa truyền giáo xây dựng đức tin của Thánh tông đồ Toma đang có nhiều ơn kêu gọi tu trì.

Và Hội Thánh Công gíao ở đây góp phần đáng kể vào việc giáo dục, bác ái xã hội cho đời sống cho con người.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :