Lm. Giuse Nguyễn Văn Danh, M.S.A.
WHĐ (10.11.2023) – Trong văn hóa Việt Nam, gia đình luôn có vị trí trung tâm trong lòng mỗi người, trong đó “Đạo hiếu” hay “Thảo kính cha mẹ” là một trong những đức tính cao quý và nền tảng của cuộc sống. Đây là nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Do đó, Ca dao tục ngữ Việt Nam đã lặp đi lặp lại về nhiều lần về nét đẹp truyền thống này để khắc sâu trong tâm trí mỗi con người về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đạo lý này không chỉ là những tình cảm tự nhiên của con người, nhưng là sự hướng dẫn của lý trí, đạo đức và đức tin Kitô giáo. Như Cao dao Việt Nam thường nói:
“Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân”
(Ca dao Việt Nam).
Câu ca dao này dường như đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và truyền thống của người Việt Nam. Nó thể hiện sâu sắc lòng biết ơn và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Đó vừa là một bức tranh sinh động về tình cảm gia đình, vừa là một bài học đạo đức sâu sắc được lưu truyền qua mọi thế hệ của người Việt Nam. “Thờ song thân” được hiểu là phận làm con phải ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; con cái khi đã khôn lớn, trưởng thành phải báo đáp bằng việc phụng dưỡng, thương yêu, và thấu hiểu cha mẹ khi các ngài đã về già, vì “Một lòng thờ mẹ kính cha, / cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao Việt Nam). Điều này không chỉ được thể hiện qua lời nói và việc làm mà cần phải thể hiện qua thái độ, cung cách sống và ứng xử với mọi người xung quanh. Những giá trị này là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và tôn trọng lẫn nhau ngõ hầu đem lại hòa bình cho nhân loại.
Đối với người Công giáo, “Thảo hiếu và Kính trọng cha mẹ” là một trong những Điều răn quan trọng mà Thiên Chúa truyền dạy con người ngay từ thời Cựu ước qua Môsê. Đây là một trong những giới luật cốt yếu của Đạo đức Kitô giáo. Như Môsê đã thuật lại trong sách Xuất hành: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Lời truyền dạy này không chỉ mang một ý nghĩa tôn giáo, nhưng còn là một triết lý sống mang giá trị nhân văn sâu sắc của nhiều nền văn hóa và là nền tảng đạo đức của xã hội loài người.
Chính Chúa Giêsu nhiều lần nhắc lại những điều răn mà Thiên Chúa truyền dạy, trong đó có điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Như Tin Mừng theo Thánh Mátthêu viết: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15, 4). Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định lại tầm quan trọng của “Đạo hiếu”, và Ngài đã nâng cao ý nghĩa của việc “Thảo kính cha mẹ” trong giáo huấn của mình. Chúa Giêsu đã phản đối việc những người Pharisêu khi họ lợi dụng luật “korban” - các lễ vật hiến tế của con người dâng lên Chúa nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính, giành được sự ưu ái hoặc đảm bảo sự tha thứ - để làm cớ để từ chối giúp đỡ cha mẹ của họ. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng hành động này là vi phạm điều răn mà Chúa đã truyền dạy “Thảo kính cha mẹ” (x. Mc 7,9-13). Ngài đã lên án thói đạo đức giả của họ khi họ lý lẽ “lễ phẩm đã dâng cho Chúa” thay cho bổn phận phụng dưỡng cha mẹ.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã trở nên một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về việc sống “hiếu đạo với cha mẹ” qua việc sống vâng phục. Dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận thân phận con người với một tình yêu trọn vẹn (x. Pl 2, 6-8). Ngài đã vâng phục cha mẹ trần gian là Thánh Giuse và Mẹ Maria như bao con người khác (x. Lc 2, 41-51). Cả những giây phút cuối cùng trên Thập giá, Ngài vẫn không quên bổn phận làm con với Đức Mẹ: Ngài đã giao phó mẹ Ngài, Đức Maria, cho Thánh Gioan, một trong các môn đệ của mình, để đảm bảo rằng mẹ của Ngài sẽ được chăm sóc (x. Ga 19, 26-27).
Do đó, Thánh Phaolô trong thư gửi các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thảo kính cha mẹ. Điều này phản ánh và mở rộng giáo huấn của Chúa Giêsu về việc tuân giữ các giới răn. Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nhắn nhủ: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Vâng lời và tôn kính cha mẹ không chỉ là một lời mời gọi sống đạo đức, nhưng còn là một lời hứa của một cuộc sống hạnh phúc cả đời này và đời sau cho những người sống thảo hiếu với cha mẹ của họ.
Bên cạnh đó, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy rằng: “Thiên Chúa muốn rằng sau Người, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GL HTCG 2197). Vì thế, “thảo kính cha mẹ” không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức cơ bản, mà còn diễn tả việc sống Đức tin Kitô giáo, phản ánh lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Đây cũng là một trong những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng các mối tương quan trong gia đình một cách lành mạnh và xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và yêu thương.
Thêm vào đó, Giáo hội đã dành riêng Tháng Mười Một trong năm phụng vụ để cầu nguyện cho các linh hồn. Đây là một biểu hiện của đức tin và lòng hiếu thảo của người Kitô hữu qua việc thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân. Đặc biệt, đây cũng là dịp để mỗi người nhớ lại, tri ân và tôn vinh công ơn trời biển của cha mẹ. Cách riêng đối với người Công giáo Việt nam, ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đán mang một nét đẹp truyền thống đặc trưng của người Việt. Trong ngày này, người Công giáo Việt Nam kết hợp giữa truyền thống đức tin với truyền thống dân tộc khi họ cầu nguyện cho cha mẹ và kính nhớ ông bà tổ tiên. Ngoài việc tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho người đã khuất, người công Giáo vẫn giữ các phong tục văn hóa Việt Nam tưởng nhớ những người đã khuất bằng việc thăm mộ, thắp hương, và trang trí hoa nến nơi đất thánh để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhớ ơn và báo đáp công lao sinh thành của tiền nhân. Trong niềm tin Kitô giáo, việc làm này không chỉ là kính trọng những người đã khuất, nhưng còn cầu nguyện cho họ với niềm hy vọng họ sẽ được Thiên Chúa xót thương và đón nhận vào nơi an nghỉ muôn đời trong Chúa Kitô qua lời chuyển cầu của Hội Thánh.
Thật vậy, mọi nền văn hóa đều giữ cho mình những nét đẹp thiêng liêng, cách riêng nét đẹp truyền thống của việc “Thảo kính cha mẹ” của người Việt Nam luôn nằm trong dòng chảy từ thế hệ này sang thế hệ kia để thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với những người đã cho chúng ta sự sống và dạy dỗ chúng ta từ những bước chân đầu đời cho đến khi ta trưởng thành. “Đạo hiếu” là một đức tính cao quý và là một nguyên tắc cơ bản vững chắc cho nền móng của mọi mối tương quan trong gia đình và xã hội. Qua lời dạy của Thánh Kinh, Thánh Truyền, các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, và cả những câu ca dao tục ngữ của Việt Nam, chúng ta thấy được sự nhất quán và giá trị về lời mời gọi sống “Đạo hiếu” với các bậc tiền nhân của chúng ta. Đó không chỉ là một bổn phận, nhưng còn là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống và tinh thần mỗi con người.
Trong thế giới ngày nay, khi mọi thứ dường như biến đổi không ngừng, việc giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức và văn hóa, cách riêng “Đạo hiếu”, vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. “Đạo hiếu” vừa là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, vừa là bản sắc văn hóa đích thực của dân tộc Việt Nam. Bởi qua việc thảo kính cha mẹ, chúng ta không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn truyền cảm hứng và xây dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ tiếp nối. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước sáng ngời biển đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ[1] thuộc lòng con ơi!”
(Ca dao Việt Nam).
Tóm lại, khi chúng ta sống giới răn “thảo kính cha mẹ” dưới lăng kính đức tin và văn hóa, chúng ta nhận ra rằng “Đạo hiếu” không chỉ là một bổn phận mà còn là một hành trình đạo đức - một hành trình phát triển không ngừng của tình yêu thương qua việc tôn trọng và lòng biết ơn công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. “Đạo hiếu” sẽ đem đến cho mỗi người một cuộc sống phong phú và đầy ý nghĩa khi mỗi hành động thảo kính diễn tả tình yêu thương sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, cách riêng qua những hành động cụ thể và những lời cầu nguyện hàng ngày.
[1] “Cù lao chín chữ”: Nguyên nghĩa là “Cửu tự cù lao,” nghĩa là công lao khó nhọc của cha mẹ (Cù: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: (1) Sinh: Sanh đẻ. (2) Cúc: Nâng đỡ. (3) Phụ: Vuốt ve trìu mến. (4) Súc: Cho bú mớm. (5) Trưởng: Nuôi cho khôn lớn. (6) Dục: Dạy dỗ. (7) Cố: Trông nom săn sóc. (8) Phục: xem tính nết mà dạy bảo cho thành người. (9) Phúc: Bảo vệ. (nguồn: https://cadao.me/the/chin-chu-cu-lao/)
WHĐ (10.11.2023) – Trong văn hóa Việt Nam, gia đình luôn có vị trí trung tâm trong lòng mỗi người, trong đó “Đạo hiếu” hay “Thảo kính cha mẹ” là một trong những đức tính cao quý và nền tảng của cuộc sống. Đây là nét đẹp văn hóa cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Do đó, Ca dao tục ngữ Việt Nam đã lặp đi lặp lại về nhiều lần về nét đẹp truyền thống này để khắc sâu trong tâm trí mỗi con người về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ. Đạo lý này không chỉ là những tình cảm tự nhiên của con người, nhưng là sự hướng dẫn của lý trí, đạo đức và đức tin Kitô giáo. Như Cao dao Việt Nam thường nói:
“Công cha đức mẹ cao dày,
Cưu mang trứng nước những ngày ngây thơ.
Nuôi con khó nhọc đến giờ,
Trưởng thành con phải biết thờ song thân”
(Ca dao Việt Nam).
Câu ca dao này dường như đã ăn sâu vào đời sống văn hóa và truyền thống của người Việt Nam. Nó thể hiện sâu sắc lòng biết ơn và trách nhiệm của con cái đối với cha mẹ. Đó vừa là một bức tranh sinh động về tình cảm gia đình, vừa là một bài học đạo đức sâu sắc được lưu truyền qua mọi thế hệ của người Việt Nam. “Thờ song thân” được hiểu là phận làm con phải ghi nhớ công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; con cái khi đã khôn lớn, trưởng thành phải báo đáp bằng việc phụng dưỡng, thương yêu, và thấu hiểu cha mẹ khi các ngài đã về già, vì “Một lòng thờ mẹ kính cha, / cho tròn chữ hiếu mới là đạo con” (Ca dao Việt Nam). Điều này không chỉ được thể hiện qua lời nói và việc làm mà cần phải thể hiện qua thái độ, cung cách sống và ứng xử với mọi người xung quanh. Những giá trị này là nền tảng để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và tôn trọng lẫn nhau ngõ hầu đem lại hòa bình cho nhân loại.
Đối với người Công giáo, “Thảo hiếu và Kính trọng cha mẹ” là một trong những Điều răn quan trọng mà Thiên Chúa truyền dạy con người ngay từ thời Cựu ước qua Môsê. Đây là một trong những giới luật cốt yếu của Đạo đức Kitô giáo. Như Môsê đã thuật lại trong sách Xuất hành: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20, 12). Lời truyền dạy này không chỉ mang một ý nghĩa tôn giáo, nhưng còn là một triết lý sống mang giá trị nhân văn sâu sắc của nhiều nền văn hóa và là nền tảng đạo đức của xã hội loài người.
Chính Chúa Giêsu nhiều lần nhắc lại những điều răn mà Thiên Chúa truyền dạy, trong đó có điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Như Tin Mừng theo Thánh Mátthêu viết: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ” (Mt 15, 4). Chúa Giêsu một lần nữa khẳng định lại tầm quan trọng của “Đạo hiếu”, và Ngài đã nâng cao ý nghĩa của việc “Thảo kính cha mẹ” trong giáo huấn của mình. Chúa Giêsu đã phản đối việc những người Pharisêu khi họ lợi dụng luật “korban” - các lễ vật hiến tế của con người dâng lên Chúa nhằm mục đích tỏ lòng tôn kính, giành được sự ưu ái hoặc đảm bảo sự tha thứ - để làm cớ để từ chối giúp đỡ cha mẹ của họ. Chúa Giêsu đã khẳng định rằng hành động này là vi phạm điều răn mà Chúa đã truyền dạy “Thảo kính cha mẹ” (x. Mc 7,9-13). Ngài đã lên án thói đạo đức giả của họ khi họ lý lẽ “lễ phẩm đã dâng cho Chúa” thay cho bổn phận phụng dưỡng cha mẹ.
Hơn thế nữa, Chúa Giêsu đã trở nên một mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về việc sống “hiếu đạo với cha mẹ” qua việc sống vâng phục. Dẫu là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài đã chấp nhận thân phận con người với một tình yêu trọn vẹn (x. Pl 2, 6-8). Ngài đã vâng phục cha mẹ trần gian là Thánh Giuse và Mẹ Maria như bao con người khác (x. Lc 2, 41-51). Cả những giây phút cuối cùng trên Thập giá, Ngài vẫn không quên bổn phận làm con với Đức Mẹ: Ngài đã giao phó mẹ Ngài, Đức Maria, cho Thánh Gioan, một trong các môn đệ của mình, để đảm bảo rằng mẹ của Ngài sẽ được chăm sóc (x. Ga 19, 26-27).
Do đó, Thánh Phaolô trong thư gửi các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thảo kính cha mẹ. Điều này phản ánh và mở rộng giáo huấn của Chúa Giêsu về việc tuân giữ các giới răn. Trong thư gửi tín hữu Êphêsô, thánh Phaolô nhắn nhủ: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6, 1-3). Vâng lời và tôn kính cha mẹ không chỉ là một lời mời gọi sống đạo đức, nhưng còn là một lời hứa của một cuộc sống hạnh phúc cả đời này và đời sau cho những người sống thảo hiếu với cha mẹ của họ.
Bên cạnh đó, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo cũng dạy rằng: “Thiên Chúa muốn rằng sau Người, chúng ta phải tôn kính cha mẹ, vì đã sinh thành dưỡng dục, và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GL HTCG 2197). Vì thế, “thảo kính cha mẹ” không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức cơ bản, mà còn diễn tả việc sống Đức tin Kitô giáo, phản ánh lòng kính trọng và biết ơn đối với những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Đây cũng là một trong những nguyên tắc căn bản trong việc xây dựng các mối tương quan trong gia đình một cách lành mạnh và xây dựng một xã hội công bằng, bác ái và yêu thương.
Thêm vào đó, Giáo hội đã dành riêng Tháng Mười Một trong năm phụng vụ để cầu nguyện cho các linh hồn. Đây là một biểu hiện của đức tin và lòng hiếu thảo của người Kitô hữu qua việc thể hiện tình yêu thương và lòng biết ơn đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân. Đặc biệt, đây cũng là dịp để mỗi người nhớ lại, tri ân và tôn vinh công ơn trời biển của cha mẹ. Cách riêng đối với người Công giáo Việt nam, ngày Mồng Hai Tết Nguyên Đán mang một nét đẹp truyền thống đặc trưng của người Việt. Trong ngày này, người Công giáo Việt Nam kết hợp giữa truyền thống đức tin với truyền thống dân tộc khi họ cầu nguyện cho cha mẹ và kính nhớ ông bà tổ tiên. Ngoài việc tham dự Thánh lễ để cầu nguyện cho người đã khuất, người công Giáo vẫn giữ các phong tục văn hóa Việt Nam tưởng nhớ những người đã khuất bằng việc thăm mộ, thắp hương, và trang trí hoa nến nơi đất thánh để nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc nhớ ơn và báo đáp công lao sinh thành của tiền nhân. Trong niềm tin Kitô giáo, việc làm này không chỉ là kính trọng những người đã khuất, nhưng còn cầu nguyện cho họ với niềm hy vọng họ sẽ được Thiên Chúa xót thương và đón nhận vào nơi an nghỉ muôn đời trong Chúa Kitô qua lời chuyển cầu của Hội Thánh.
Thật vậy, mọi nền văn hóa đều giữ cho mình những nét đẹp thiêng liêng, cách riêng nét đẹp truyền thống của việc “Thảo kính cha mẹ” của người Việt Nam luôn nằm trong dòng chảy từ thế hệ này sang thế hệ kia để thể hiện lòng biết ơn và sự kính trọng đối với những người đã cho chúng ta sự sống và dạy dỗ chúng ta từ những bước chân đầu đời cho đến khi ta trưởng thành. “Đạo hiếu” là một đức tính cao quý và là một nguyên tắc cơ bản vững chắc cho nền móng của mọi mối tương quan trong gia đình và xã hội. Qua lời dạy của Thánh Kinh, Thánh Truyền, các giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, và cả những câu ca dao tục ngữ của Việt Nam, chúng ta thấy được sự nhất quán và giá trị về lời mời gọi sống “Đạo hiếu” với các bậc tiền nhân của chúng ta. Đó không chỉ là một bổn phận, nhưng còn là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống và tinh thần mỗi con người.
Trong thế giới ngày nay, khi mọi thứ dường như biến đổi không ngừng, việc giữ gìn và phát huy truyền thống đạo đức và văn hóa, cách riêng “Đạo hiếu”, vẫn giữ vai trò quan trọng trong cuộc sống của mỗi người. “Đạo hiếu” vừa là cầu nối giữa quá khứ và tương lai, vừa là bản sắc văn hóa đích thực của dân tộc Việt Nam. Bởi qua việc thảo kính cha mẹ, chúng ta không chỉ bảo tồn những giá trị truyền thống mà còn truyền cảm hứng và xây dựng nền tảng vững chắc cho các thế hệ tiếp nối. Vì thế, mỗi người chúng ta hãy nhớ rằng:
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước sáng ngời biển đông
Núi cao, biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ[1] thuộc lòng con ơi!”
(Ca dao Việt Nam).
Tóm lại, khi chúng ta sống giới răn “thảo kính cha mẹ” dưới lăng kính đức tin và văn hóa, chúng ta nhận ra rằng “Đạo hiếu” không chỉ là một bổn phận mà còn là một hành trình đạo đức - một hành trình phát triển không ngừng của tình yêu thương qua việc tôn trọng và lòng biết ơn công lao dưỡng dục sinh thành của cha mẹ. “Đạo hiếu” sẽ đem đến cho mỗi người một cuộc sống phong phú và đầy ý nghĩa khi mỗi hành động thảo kính diễn tả tình yêu thương sâu sắc đối với các bậc tiền nhân, cách riêng qua những hành động cụ thể và những lời cầu nguyện hàng ngày.
[1] “Cù lao chín chữ”: Nguyên nghĩa là “Cửu tự cù lao,” nghĩa là công lao khó nhọc của cha mẹ (Cù: nhọc nhằn; lao: khó nhọc). Theo Kinh Thi, chín chữ cù lao gồm: (1) Sinh: Sanh đẻ. (2) Cúc: Nâng đỡ. (3) Phụ: Vuốt ve trìu mến. (4) Súc: Cho bú mớm. (5) Trưởng: Nuôi cho khôn lớn. (6) Dục: Dạy dỗ. (7) Cố: Trông nom săn sóc. (8) Phục: xem tính nết mà dạy bảo cho thành người. (9) Phúc: Bảo vệ. (nguồn: https://cadao.me/the/chin-chu-cu-lao/)