www.langminhnews.net

SÁM HỐI VÀ TIN VÀO TIN MỪNG Lm, Thiên Ngọc, CMC

“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Ngài” (Tv 24,4)

Mùa Chay hãy còn thấp thoáng xa xa mà Chúa Nhật thứ ba thường niên này đã nói về sám hối : “Thời giờ đã mãn và nước Thiên Chúa đã gần đến, anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng (Mc 1,15). Đó là lời mời gọi, và hơn thế nữa còn là lệnh truyền của Thầy Giêsu trong những ngày đầu rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Thánh Phaolô cũng đã phụ họa : “Anh em thân mến, tôi nói cùng anh em điều này là : thời giờ vắn vỏi, còn có cách là những ai có vợ hãy ăn ở như không có, những ai than khóc hãy ăn ở như không than khóc, những kẻ hân hoan hãy ăn ở như không hân hoan, những người mua sắm hãy ăn ở như không có gì, những ai dùng sự đời này hãy ăn ở như không tận hưởng, vì chưng bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1Cr 7,29-31).

Chắc chắn rằng phải sám hối, vì đó là vấn đề muôn thuở của con người. Từ xa xưa, Thiên Chúa đã truyền cho tiên tri Giona : “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta” (Gn 1,1-2). Thành phố Ninivê, với tàn tích vẫn còn ở Iraq ngày nay, đã từng là thủ đô của đế chế Assyria. Sau khi Assyria sụp đổ, Ninivê rất lâu sau đó vẫn là đại diện cho bất kỳ thành phố lớn và ấn tượng nào, giống như thành phố NewYork đại diện cho thời trang, tài chính và nghệ thuật ngày nay. Giona đã tránh né sứ vụ Chúa trao, ông chạy trốn về hướng ngược lại ; thay vì đi về phía đông bắc để đến Ninivê, ông lại lên tàu đi về phía tây đến Tarshish, thành phố này có lẽ nằm ở Tây Ban Nha ngày nay (x. “Vocation in the Bible”, The Bible Today, Jan-Feb 2022). Nhưng, Giona đâu tránh được nhiệm vụ này. Vì Thiên Chúa xót thương muốn cứu vớt dân thành Ninivê tội lỗi, nên Ngài đã làm nhiều cách khiến ông cuối cùng phải thực hiện nhiệm vụ. Kết quả ngoài sức tưởng tượng sau một ngày công vụ : Dân thành tin tưởng nơi Chúa, họ công bố việc ăn chay và mặc áo nhặm, từ người lớn đến trẻ nhỏ. Vua quan tướng sĩ, dân thường và cả đến súc vật bò bê chiên dê, không ăn uống gì, khoác áo vải thô ngồi trên đống tro, hết lòng kêu cầu Thiên Chúa, họ quyết bỏ đường gian ác và những hành vi tội lỗi. “Thiên Chúa thấy việc họ làm, vì họ bỏ đời sống xấu xa, Chúa bỏ ý định phạt họ, và Người không thực hiện điều đó” (Gn 3,10).

Theo lời kêu gọi của Chúa Giêsu và noi gương dân thành Ninivê, chúng ta cũng hãy sám hối và canh tân. Các thánh nói rằng trong chúng ta đầy dẫy những đam mê của xác thịt, những thèm muốn của con mắt và những kiêu hãnh về đời sống (1Ga 2,16) mà luân lý Á đông gọi là tham, sân, si. Các nhà tu đức nói rằng chúng ta dễ nóng giận như con hổ, ngạo nghễ như con sư tử, kiêu hãnh như con công, long nhong như nhền nhện, mê ăn như con heo, lươn lẹo như con rắn, lanh chanh như con khỉ, nhát đảm như con thỏ, mê đắm như con dê, ngô nghê như con bò, chậm chạp như con rùa, xấu xí như con cóc, bươi móc như con gà, la cà như con vịt,.v.v… Chắc cũng không ngoa phải không thưa các bạn?

Vì thế, thánh Josemaria Escriva, Đấng sáng lập Opus Dei, có nói với chúng ta về tinh thần sám hối rằng : “Hãy xin Chúa Giêsu giúp bạn rảy một cách tự nhiên nước hoa thuần khiết của hãm mình vào mọi thứ. hãy xin Người giúp bạn biết quên mình để phụng sự Người, cách âm thầm và kín đáo, như ngọn đèn thắp bên Nhà Tạm” (sách Bạn Của Chúa).

Dường như cha Josemaria Escriva có cách hiểu lời Thầy Giêsu dạy khi ăn chay hãm mình đừng giả bộ thiểu não u sầu cho người ta trông thấy, mà phải xức nước hoa trên đầu và rửa mặt (x.Mt 6,16-17), nên cùng với ngài chúng ta có thể quảng diễn rằng : Sám hối là thực hiện chính xác thời khóa biểu bạn đã ấn định, là thức dậy đúng giờ, bất chấp cảm giác mệt mỏi, chán nản hay nguội lạnh. Sám hối là dành thời gian cho Chúa qua kinh nguyện và thánh lễ. Sám hối là hết lòng yêu thương phục vụ người chung quanh, bắt đầu từ trong gia đình. Sám hối là hết sức dịu dàng và tử tế với những người đau khổ, ốm đau và khuyết tật. Sám hối là nhẫn nại trả lời người quấy rầy và làm phiền lòng bạn. Sám hối là đưa chút hài hước vào một nghìn lẻ một chuyện bực mình nho nhỏ mỗi ngày. Sám hối là mỉm cười khi bạn chẳng muốn nở nụ cười, vì muốn đem lại hạnh phúc cho những người tiếp xúc. Sám hối là không nổi nóng chống trả khi bị vu oan giá họa nhưng khiêm tốn bao dung. Sám hối là không bỏ dở công việc, dù thỉnh thoảng bạn chẳng còn cảm thấy hứng thú như lúc bắt đầu. Sám hối là vui vẻ ăn những thức được dọn ra mà không phàn nàn chê bai hay kén chọn. Sám hối là thay đổi một suy nghĩ, một ánh mắt, một lời nói, một hành vi đầy tà ý thành thiện tâm,..v.v…

Sám hối như thế là đang thổi hồn Tin Mừng vào trong các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Vì sám hối đâu chỉ là ăn năn về tội lỗi mình mà chính yếu là sống theo tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu, như ý Ngài mời gọi một trật rằng “hãy ăn năn sám hối” và “tin vào Tin Mừng”. Cũng nên thêm rằng “tin vào Tin Mừng” còn có nghĩa : phàm là Kitô hữu, hãy hân hoan bước theo con đường Thầy Giêsu đi, noi theo gương Ngài, ở với Ngài và sống cho Ngài, trong ơn gọi và hoàn cảnh của mình, như các tông đồ các môn đệ và muôn người qua mọi thời đại, cho vinh danh Thiên Chúa, thánh hóa bản thân và cứu giúp các linh hồn. “Tin Mừng có khả năng đổi mới cách nghĩ, cách làm, cách sống của ta. Tin Mừng làm cho ta nên con cái thật của Chúa, nên anh em với tha nhân, và nên đồng bạn với thế giới thụ tạo. Đón nhận Tin Mừng là đón nhận Chúa Kitô và Thánh Thần của Người, Đấng dẫn dắt chúng ta sống tốt địa vị làm con Thiên Chúa theo gương Chúa Kitô” (TMV. HĐGMVN 2000).

Xin Đức Maria giúp chúng ta thưa lên với Chúa những lời sau :
“Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa,
xin dạy bảo con lối bước của Ngài.
Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con,
vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 24,4-5)






www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :