www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 11 THƯỜNG NIÊN

16/06/24 Chúa Nhật Tuần 11 Tn – B
Mc 4,26-34

Vẫn tin, dù biết hay không!

“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết.” (Mc 4,26-27)

Suy niệm: Nước Thiên Chúa như hạt giống âm thầm nẩy mầm, mọc lên, trổ bông kết trái… nhưng bằng cách nào thì người gieo giống không biết! Chi tiết “không biết” này rất nên được lưu tâm. Thật vậy, con người càng biết nhiều – mà ngày nay, kho tàng tri thức của con người đã trở nên đồ sộ hơn bao giờ hết – thì người ta càng nhận ra rằng chúng rất hạn chế so với cõi vô minh bao la vô tận. Vũ trụ tự nhiên vận hành thế nào, người ta còn “không biết” huống chi là “Nước Thiên Chúa”! Bài học ở đây là khiêm nhường, nhìn nhận Thiên Chúa, dành chỗ cho Ngài – không phải chỉ ở những chỗ mình không hiểu, không biết, mà là mọi chỗ trong đời ta.

Mời Bạn: Trong đức tin của Áp-ra-ham, của Đức Ma-ri-a, luôn có bao hàm yếu tố “không biết”: Áp-ra-ham lên đường mà không biết mình sẽ được dẫn đi đâu, không biết bằng cách nào mình đã già mà còn có thể trở thành cha của một dân tộc đông đúc. Đức Ma-ri-a không biết làm sao mình có thể thụ thai, rồi cũng không biết bằng cách nào “triều đại” của Giê-su, con mình, sẽ “sẽ vô cùng vô tận”! Phải chăng nhiều khi sự cố chấp đòi biết tường tận con đường là một cản trở không cho phép ta cất bước lên đường tiến tới những chân trời mới?

Sống Lời Chúa: Tập nhìn ra Chúa trong mọi sự bằng sự ‘hiểu biết’ của đức tin, ngay cả khi trí óc mình bất lực.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, con tin Chúa, nhưng Chúa biết đức tin con hèn yếu; xin ban thêm lòng tin cho con. Amen.


17/06/24 thứ hai tuần 11 tn
Mt 5,38-42

LUẬT ‘BÁO THÙ’ MỚI CỦA CHÚA

“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.” (Mt 5,38-39)

Suy niệm: Trong bối cảnh xã hội thời Cựu Ước, não trạng ‘công lý báo thù’ gấp bảy lần (x. St 4,15) vẫn còn thịnh hành thì “luật báo phục tương xứng… mắt đền mắt, răng đền răng” của luật Mô-sê (x. Dnl 19,21) đã là văn minh tiến bộ gấp nhiều lần thứ ‘luật rừng’ trên kia rồi. Nhưng Đức Giê-su không chấp nhận nguyên tắc ‘ăn miếng trả miếng’ như vậy. Chúa thiết lập chuẩn mực mới cho luật ‘báo thù’ của Ngài: “Đừng chống cự người ác, nhưng giơ cả má bên trái nếu có người vả má bên phải của anh.”

Mời Bạn: Phải chăng khi thực hành lời Chúa dạy, chúng ta sẽ trở nên yếu đuối, nhu nhược, chỉ biết cam chịu bạo lực bất công, để cho cái ác hoành hành, không dũng cảm tranh đấu chống lại bạo lực và bất công? Thành ngữ Việt Nam có câu: “Đấng trượng phu đừng thù mới đáng, Đấng anh hùng đừng oán mới hay.” Lấy bạo lực để chống lại bạo lực chỉ làm tăng thêm bạo lực. Trái lại, bao dung tha thứ như Chúa dạy, là thái độ của người mạnh mẽ, có thể chế ngự được khuynh hướng trả đũa vốn nằm sẵn trong mình, và phá vỡ được vòng luẩn quẩn của oán thù.

Sống Lời Chúa: Một sự nhịn bằng chín sự lành! Mỗi khi bạn bị người khác xúc phạm, bạn không trả thù, nhưng cầu nguyện, xin Chúa ban bình an cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã chịu chết trên thập giá để thứ tha mọi lỗi lầm con đã phạm. Xin giúp chúng con biết thực hành lời Chúa để nơi đâu có hận thù, con loan báo tình yêu; nơi đâu có xúc phạm, con trao ban tha thứ. Amen.

18/06/24 thứ ba tuần 11 tn
Mt 5,43-48

Yêu người như chúa yêu

“Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5,44)

Suy niệm: Tại một đất nước đang bị ngoại xâm, bom đạn cày xé, có những người mẹ mà chồng, con đều hy sinh trong trận chiến bảo vệ quê hương, và hằng ngày bà chứng kiến biết bao cảnh đời đau thương khác, liệu bà có thể thương yêu và cầu nguyện sự may lành cho những kẻ xâm lăng không? “Yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình” hầu như là chuyện bất khả thi trong thực tế cuộc sống, nhưng đó lại là điều Chúa dạy chúng ta phải thực thi lời Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Chúa không chỉ nói mà chính Ngài còn thực hiện những điều đó khi Ngài chịu đóng đinh chịu chết; và ngay khi kề cận giây phút cuối cùng trên cây thập giá Chúa đã cầu nguyện cho những kẻ giết mình: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).

Mời Bạn: Yêu mến và cầu nguyện cho những người thân yêu của mình thật dễ dàng; nhưng để có thể “yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình” thì quả là một đòi hỏi đi ngược với tính cách tự nhiên của con người. “Yêu người như Chúa yêu” dù khó nhưng nhờ sức mạnh của ơn thánh Chúa và kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô, điều đó trở thành khả thi cho chúng ta. Và mời bạn hãy bắt đầu bằng việc yêu những ‘kẻ thù nho nhỏ’ trong đời thường của chúng ta.

Sống Lời Chúa: Khi có ai xúc phạm đến tôi, tôi đọc Kinh Lạy Cha để cầu nguyện cho họ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê–su, xin Chúa giúp con biết yêu người như Chúa đã yêu con và hoàn thiện bản thân con trong ơn nghĩa Chúa trong mọi ngày sống của con. Amen.

19/06/24 thứ tư tuần 11 tn
Th. Rô-moan-đô, viện phụ
Mt 6,1-6.16-18

Nội tâm

“Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” (Mc 6,18)

Suy niệm: Chúa Giê-su mời gọi thính giả đi vào nội tâm cách khéo léo khi đưa ra những hình ảnh trái ngược nhau về cùng những việc đạo đức: bố thí, cầu nguyện, ăn chay. Một bên trình diễn bên ngoài, một bên chìm vào chiều sâu tâm hồn. Ba lần Chúa kết luận: “Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh.” Mối quan hệ tôn giáo trước hết là với chính Thiên Chúa mà ta tôn thờ, chứ không phải là với con người, nên cần phải được phát khởi từ nội tâm, và qui về nội tâm, không cần phải tô son đánh phấn, khua chiêng đánh trống bên ngoài. Quả là một bài học thiết thực và đáng cho ta lưu tâm, vì nếu không, ta sẽ dễ chạy theo thành tích, tìm kiếm tiếng khen để rồi rơi vào những hình thức hào nhoáng, nhưng hời hợt, bên ngoài thì hoành tráng còn bên trong rỗng tuếch.

Mời Bạn: Điều rất thật là trong tương quan giữa người và người, ai cũng muốn cái tâm, cái lòng, cái hồn của nhau, chứ không phải cái mã, cái vỏ, cái xác bên ngoài. Huống gì với Thiên Chúa là Đấng linh thiêng, thấu suốt mọi tâm hồn. Mời bạn nhớ lại dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện, một biệt phái và một thu thuế (Lc 18,9-14). Rà soát lại xem cung cách mình cầu nguyện, sống đạo, sống bác ái có thật sự phát khởi từ nội tâm, và chỉ qui hướng về Chúa là Đấng thấu suốt tâm lòng mình không.

Sống Lời Chúa: Thứ Tư hàng tuần, chúng ta học đòi gương thánh Cả Giu-se, một vị thánh sống nội tâm âm thầm, sống cho bên trong hơn là bên ngoài.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy con tìm gặp Chúa trong sâu thẳm hồn con Amen.


20/06/24 thứ năm tuần 11 tn
Mt 6,7-15

Người ki-tô hữu cầu nguyện

“Khi cầu nguyện, anh em hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời…” (Mt 6,9)

Suy niệm: Có thể nói rằng niềm tin vào “Ông Trời” là tín ngưỡng bình dân của người Việt Nam. Những câu ca dao như: “lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày,..” cho thấy việc tưởng nhớ, thở than với “Ông Trời” không phải là thái độ xa lạ với tâm hồn người Việt nói chung. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: việc cầu nguyện của người Ki-tô hữu rất khác biệt với việc “cầu Trời” trên đây. Chúa Giê-su dạy ta cầu nguyện với Chúa như người con thân thưa với Cha. Trước hết, với tấm lòng tin tưởng và yêu mến Cha, chúng ta xin những gì tốt đẹp nhất, thánh thiện nhất theo ý Cha, và sau đó, chúng ta xin cho cuộc sống của chúng ta cũng được am hợp theo điều Cha mong muốn.

Mời Bạn: Như vậy, chúng ta thấy rõ: cần phải học để biết cầu nguyện theo cách thức Chúa dạy; làm sao để mỗi người có thể nói: lời kinh của Chúa là lời nguyện của tôi. Cha mẹ và các giáo lý viên cần quan tâm dạy cho trẻ em biết và yêu mến việc cầu nguyện. Muốn thế, chính họ phải là những người siêng năng cầu nguyện với lòng xác tín nơi hiệu quả của lời cầu xin.

Chia sẻ: ‘Đọc kinh’ là một trong những cách cầu nguyện chung rất phổ biến. Thử xét lại cung cách đọc kinh của chúng ta: Có điểm nào chúng ta cần chỉnh đốn để việc ‘đọc kinh’ trở thành một giờ cầu nguyện ấm cúng, tràn đầy tình Chúa tình người?

Sống Lời Chúa: Gia đình tôi quyết tâm duy trì giờ kinh tối trong gia đình. Cần có những thích nghi cần thiết (ví dụ: thay đổi kinh hay giờ đọc kinh) để giờ kinh được sốt sắng, sống động.

Cầu nguyện: Hát Kinh Lạy Cha.

21/06/24 thứ sáu tuần 11 tn
Th. Lu-y Gôn-da-ga, tu sĩ
Mt 6,19-23

Giá trị ưu tiên

“Hãy tích trữ cho mình những kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm hư mất, và kẻ trộm không khoét vách lấy đi.” (Mt 6,20)

Suy niệm: Để thực hiện Lời Chúa Giê-su trên đây, ta phải nhận biết, ghi khắc, và cầu xin cho luôn được “ái mộ những sự trên trời.” Khi ái mộ những sự trên trời, ta sẽ nhận chân đâu là những giá trị ưu tiên, bởi vì trong cuộc đời, ta có quá nhiều những cái phải chọn, cũng như những điều phải bỏ. Kho tàng ở trần gian bao giờ cũng bấp bênh, không có gì bảo đảm, vì mối mọt có thể làm hư hoại, trộm cắp, cướp bóc có thể tước đoạt tài sản, rồi khi nhắm mắt xuôi tay, ta không thể đem theo bất cứ thứ gì. Đang khi ấy, kho tàng trên trời, những thứ ưu tiên được Chúa bảo đảm chắc chắn “không bị mối ăn,” “không bị trộm cắp lấy đi,” là các việc lành, việc thực thi ý Chúa, thì tồn tại mãi mãi vì được cất giữ “ở trên trời.”

Mời Bạn: Ta thường phàn nàn tôi quá bận bịu, không có thời giờ làm việc nọ việc kia, ngay cả việc thờ phượng Chúa và giáo dục con cái. Lời Chúa hôm nay nhắc ta phải can đảm ngồi suy nghĩ sắp xếp bậc thang giá trị cuộc đời, bỏ bớt những thứ không cần thiết, và đầu tư cho những giá trị tinh thần lâu dài, không thiển cận, không chạy theo xu hướng hưởng thụ của xã hội ngày nay.

Sống Lời Chúa: Hãy liệt kê tất cả những giá trị theo thứ tự ưu tiên bạn quen lựa chọn ra một tờ giấy, rồi từ từ sắp xếp cho đúng kho tàng trên trời trước kho tàng trần thế, gạch bỏ bớt những mục không cần thiết.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con cách chọn lựa, từ bỏ để có thể tìm thấy, sắp xếp, và nỗ lực thực thi những giá trị đích thực trong cuộc đời một người Ki-tô hữu. Amen.

22/06/24 thứ bảy tuần 11 tn
Th. Gio-an Phi-sơ và Tô-ma Mo, tử đạo
Mt 6,24-34

Ngày nào có cái khổ của ngày ấy


“Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.” (Mt 6,34)

Suy niệm: Mỗi ngày chưa mở mắt thức dậy, ta đã bị vây bủa bởi nhiều điều phải lo toan: nuôi gia đình, con cái học hành với điểm cao, làm sao được khỏe mạnh, rồi bao thứ nợ nần… Vì thế làm sao mà có thể “bình chân như vại,” nhắm mắt làm ngơ?! Đó không phải là sự khôn ngoan cần thiết cho cuộc sống hay sao? Những lời Chúa Giê-su nói: “Đừng lo lắng cho ngày mai” không phải là những lời mang tính triết lý viển vông, trái ngược với thực tế đời thường với biết bao lo toan cơm áo gạo tiền. Trái lại Chúa nhắc chúng ta đừng lo theo kiểu ‘lo bò trắng răng’ bởi vì Chúa vẫn yêu thương quan phòng chăm sóc ta trong từng hơi thở, từng nhịp tim. Lo toan cho cuộc sống, đúng, nhưng đừng để chúng làm ta xao lãng việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm Nước Thiên Chúa. Đặt Chúa vào vị trí ưu tiên nhất, thì mối tương quan của ta với Chúa và người khác cũng trở nên tốt đẹp, và nhất là chúng ta sẽ nhận được bình an.


Mời Bạn: Bạn có bao giờ để Chúa ra bên lề những lựa chọn lớn nhỏ, các quyết định quan trọng trong đời bạn chưa? Nếu đã có, hãy làm lại. Hãy để Ngài tham gia, đồng hành với bạn.

Sống Lời Chúa: Hằng ngày, bạn cầu nguyện để tham khảo ý Chúa, nhất là trong những quyết định hệ trọng, là cách thể hiện đức tin, đức cậy, lòng mến Chúa của người Ki-tô hữu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, ngoài Chúa ra con đâu thể tìm thấy hạnh phúc đích thực, vì Chúa chính là “con đường, là sự thật, và là sự sống” của con. Xin cho con bớt mải mê lo lắng sự đời, đặt ơn cứu độ, sự sống vĩnh cửu lên trên mọi giá trị khác của trần gian này. Amen.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :