www.langminhnews.net

ỦY BAN GIÁO DÂN – THƯỜNG HUẤN THÁNG 06/2024: LÃNH ĐẠO GIÁO DÂN: PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN VÀ KHÔN NGOAN

Ủy ban Giáo dân
Hội đồng Giám mục Việt Nam

THƯỜNG HUẤN THÁNG 06/2024:

LÃNH ĐẠO GIÁO DÂN: PHỤC VỤ CÁCH KHIÊM TỐN VÀ KHÔN NGOAN

BÀI I: LÃNH ĐẠO VÀ VAI TRÒ CỦA GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI – Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái

Nói đến lãnh đạo, có thể chúng ta hình dung ra một lối sống quyền lực, ăn trên ngồi trốc, và ý kiến của họ áp đặt lên ý kiến người khác, mà thỉnh thoảng chúng ta thấy ở đâu đó. Những hình ảnh này cũng không phải là ít, nhưng thực ra nhiều nơi trong xã hội của chúng ta, nhất là trong Giáo Hội, cách sống này cũng đang giảm dần và được thay thế bằng những tính cách phù hợp với tinh thần Kitô giáo hơn. Chúng ta cần chuẩn bị những gì cho lãnh đạo với vai trò giáo dân trong Giáo Hội?

1. Lãnh đạo là dẫn đường

Người dẫn đường ở đây, chúng ta không đặt trọng tâm vào một người nào sáng tạo điều gì mới, hay đưa ra một chương trình gì to tát, mà là chúng ta bắt đầu ngay với lối sống hiệp hành của Giáo Hội và cùng với anh chị em khác dẫn đường cho những người bước chậm đi theo. Những người chưa theo kịp chúng ta vì một lý do nào đấy, chúng ta ân cần hướng dẫn họ, tận tâm giúp họ với trái tim yêu thương để có thể đồng hành với nhau trong cộng đoàn, trong giáo xứ.

2. Lãnh đạo với tầm nhìn của Giáo Hội

Người lãnh đạo không hành động riêng lẻ hay kết từng nhóm mà không có phương hướng, nhưng chúng ta cùng nhau bước đi với tầm nhìn của Giáo Hội, mà trước tiên, là do tác động của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội đã trải qua hai ngàn năm, với biết bao sóng gió, thử thách nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn đồng hành với Giáo Hội và soi sáng, trợ lực cho các thành phần Dân Chúa tìm ra con đường có được sự hiệp nhất trong đức tin, đức cậy, đức mến.

Theo dòng lịch sử, Giáo Hội của Chúa luôn được cải thiện với tầm nhìn mới. Những năm gần đây chúng ta đang hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Đức Giáo hoàng tha thiết mời gọi mọi thành phần Dân Chúa, và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong thư chung tại Đại hội năm 2022, đã đề nghị lộ trình mục vụ trong ba năm: Củng cố sự hiệp thông (2023); Thúc đẩy sự tham gia đời sống Giáo hội (2024) và Cùng nhau loan báo Tin Mừng (2025).

3. Lãnh đạo là tạo được ảnh hưởng

Người lãnh đạo theo tinh thần Kitô giáo, không nhất thiết phải là người đứng đầu một hội đoàn hay trưởng Ban điều hành giáo xứ nhưng họ là người tạo được ảnh hưởng sang những người chung quanh bằng gương sáng của mình. Qua công việc họ biết lắng nghe, gặp gỡ, biết thông cảm, cầu nguyện cho nhau, biết hiệp thông với mọi người trong lối sống hiệp hành. Đặc biệt là trong cuộc sống người ta nhận ra họ có lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa, và quảng đại với anh em trong tinh thần vui tươi, khiêm tốn.

4. Lãnh đạo là hướng dẫn (anh em đi loan báo Tin Mừng)

Theo lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Kitô “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần” ( Mt 28, 19 ). Sau khi rửa tội mọi người đều có khả năng trở thành những người lãnh đạo của Chúa. Người trao cho mỗi người một sứ vụ: hướng dẫn những người xa cách Chúa, dẫn đưa những người chưa biết Chúa bằng lời của Chúa, qua đời sống gương mẫu thánh thiện của mình để họ trở về làm con Chúa. Vậy lãnh đạo chính là hướng dẫn anh em đi loan báo Tin Mừng.

5. Vai trò của giáo dân trong Giáo hội

Vai trò của giáo dân trong Giáo Hội không có gì khác hơn là sống những điều căn bản để trở thành một Kitô hữu đích thực. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy chúng ta có ơn gọi làm tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Chúng ta được trở nên thánh thiện, được làm con Chúa và gia nhập vào cộng đoàn Giáo Hội, mỗi người có trách nhiệm và có quyền lợi trong giáo họ, giáo xứ, trong giáo phận. Để mãi mãi xứng đáng là con Chúa, mỗi người hãy thực thi sứ vụ tư tế, ngôn sứ, và vương đế. Nghĩa là hãy yêu mến thờ phượng tôn vinh Chúa, chia sẻ Chúa, rao giảng Tin Mừng cho những người còn xa Chúa, những người chưa có cơ hội biết Chúa, và làm việc bác ái, phục vụ, cách riêng cho những người có hoàn cảnh khó khăn về tinh thần và vật chất.

6. Vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành

a) Hội Thánh hiệp hành

Giáo Hội Công Giáo đang ở trong thời kỳ diễn ra Thượng hội đồng lần thứ XVI, mọi thành phần dân Chúa hướng đến một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ. Sống hiệp hành là sống tâm tình hiệp thông với mọi người trong cộng đoàn giáo xứ; và tham gia vào Giáo Hội với thái độ khiêm tốn, nhân hậu; nhất là thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng trong hoàn cảnh của mình đến những người cùng môi trường sống với tấm lòng nhiệt thành, yêu thương.

b) Những việc người giáo dân cần làm trong lối sống hiệp hành

Đoạn Tin Mừng tả về hai môn đệ trên đường Emmaus gặp được Chúa ( x. Lc 24, 13-35 ) cho chúng ta mẫu gương cần noi theo trong lối sống hiệp hành:

– Gặp gỡ: đi đến gặp anh chị em và nói chuyện cởi mở, thân thiện với họ như những người bạn trong cùng cộng đoàn, cùng giáo xứ. Có thể nói về một vấn đề gì giúp nhau hoán cải hoặc phát triển giáo xứ, Giáo Hội.

– Lắng nghe: chăm chú nghe câu chuyện của anh em bằng cả tấm lòng và đồng cảm với hoàn cảnh của họ.

– Phân định: phân tích, cắt nghĩa, đưa về nguồn gốc Kinh Thánh, lịch sử, tìm về hoàn cảnh, môi trường. Xin Chúa soi sáng và đưa ra những gợi ý có thể lựa chọn.

c) Tham gia với tinh thần trách nhiệm tròn đầy

Gần đây các mục tử hay nhắc: giáo dân là Giáo Hội, chứ không phải giáo dân thuộc về Giáo Hội như trước đây chúng ta hay nghe. Vì vậy, với trách nhiệm của người giáo dân chúng ta tham gia vào Giáo Hội là những ân huệ đặc biệt mà Chúa ban cho từng người chúng ta. ( x. 1 Cr. 12 ).Thánh Phao-lô nhắc cho chúng ta: Có nhiều đặc sủng khác nhau, có nhiều việc phục vụ khác nhau, có nhiều hoạt động khác nhau. Nhưng chỉ có một Thần Khí, chỉ có một Chúa, chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Nghĩa là, người giáo dân trong Giáo Hội chúng ta có những hoạt động trong giáo xứ trong hội đoàn; có những việc phục vụ trong môi trường xã hội, tùy hoàn cảnh mỗi người mà người khác không thể đến được.

d) Lãnh đạo với vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành

Lãnh đạo hội đoàn hay lãnh đạo Hội đồng Mục vụ giáo xứ không phải là chúng ta cố làm cho xong một số việc bề trên đã giao, mà hơn thế nữa, công việc đấy chúng ta làm với đầy ý thức theo lời mời gọi loan báo Tin Mừng của Đức Ki-tô, làm với tinh thần của người dẫn đường, có tầm nhìn của Giáo Hội, tạo ảnh hưởng cho những người chung quanh, và phục vụ theo gương Chúa Giê-su với tình yêu hiến mình cho tha nhân.

Hồi tâm

1) Với vai trò của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành, tôi có thể là người lãnh đạo trong giáo xứ hay đoàn thể mà tôi đang hiện diện không? Điều gì trên đây tôi có thể tập luyện và thực thi?

2) Là Kitô hữu, tôi có thể làm gì giúp nhau trở thành người lãnh đạo theo tinh thần của Chúa để cải thiện môi trường trong giáo xứ và môi trường xã hội chung quanh tôi?

3) Nếu là người đứng đầu, người có trách nhiệm trong giáo xứ, đoàn thể, khu xóm thì tôi có hoạt động nào giúp cho anh em thăng tiến trong vai trò lãnh đạo của giáo dân trong Hội Thánh hiệp hành.

BÀI II: VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO GIÁO DÂN TRONG GIÁO HỘI HIỆP HÀNH – Lm. Antôn Hà Văn Minh

Giáo dân trong Vatican II Công đồng Vatican II đã khai sáng sự hiểu biết về căn tính và nhiệm vụ của giáo dân trong Giáo hội. Đó là kết quả của một cái nhìn mới về Giáo hội như “Dân Chúa”. Hiến chế tín lý về Giáo hội làm nổi bật bản chất và nhiệm vụ của người giáo dân qua khái niệm “ Dân Chúa”. Với khái niệm nầy công đồng nhấn mạnh nhiều về các thành phần Dân Chúa: Giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân. Công đồng nói đến lại sự bình đẳng và phẩm giá của tất cả những người đã được rửa tội và nhiệm vụ nảy sinh từ bí tích Rửa tội. Đặc biệt Lumen Gentium số 31 đã minh định sứ vụ của người tín hữu giáo dân qua phép rửa đã trở thành một thân thể với Chúa Kitô , và cách riêng của họ, họ được thông phần vào chức năng tư tế, ngôn sứ và vương đế của Chúa Kitô. Họ thực hiện phần việc của mình trong sứ mệnh của toàn thể tín hữu Kitô đối với Giáo hội và thế giới. Công đồng cũng nêu bật “đặc tính trần thế” của người giáo dân. Người giáo dân tham gia vào các công việc trần thế, làm việc trong một nghề thế tục và sống trong hoàn cảnh bình thường của đời sống gia đình và xã hội. Giống như men, giáo dân được mời gọi sống trong thế giới và biến đổi thế giới. Giáo dân được kêu gọi thực hiện công việc của Thiên Chúa trong thế giới. Giáo hội sẽ chỉ tồn tại trọn vẹn khi giáo dân tham gia vào ba chức vụ của Chúa Kitô. Công đồng nhân mạnh, Giáo hội sẽ không thực sự được thiết lập, không sống trọn vẹn căn tính của mình, cũng không phải là dấu chỉ hoàn hảo của Chúa Kitô, nếu không có những người giáo dân.

1. Hiểu thế nào về vai trò lãnh đạo giáo dân?

Sự tham gia vào vai trò lãnh đạo của người giáo dân trong Giáo Hội hiệp hành được hình thành trong sự hiệp thông Giáo Hội, chẳng hạn trong việc cử hành phụng vụ cần được hướng dẫn thực sự có tính tham gia chứ không chỉ là những buổi trình diễn hay biểu diễn của một người. Điều này cũng đòi hỏi người giáo dân phải tham gia vào việc lập kế hoạch phụng vụ – đặc biệt là các ngày lễ. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “chính giáo dân, vì đã ý thức rõ ràng hơn về các công việc thuộc về họ trong cộng đoàn phụng vụ hoặc trong việc chuẩn bị cộng đoàn này, nên rất sẵn sàng cho cử hành của họ: quả thực, cử hành phụng vụ là một hành động thánh của toàn thể cộng đoàn, chứ không của riêng hàng giáo sĩ mà thôi. Vì thế, hoàn toàn hợp lý khi những hoạt động không thuộc riêng các thừa tác viên có chức thánh lại được các giáo dân thi hành. Một khi có được sự tham dự hữu hiệu của giáo dân vào trong hoạt động phụng vụ, thì đương nhiên ta cũng chấp nhận sự tham gia của họ vào việc loan báo Lời Chúa và công tác mục vụ”[1].

Chủ chăn phải tạo điều kiện cho các tín hữu tích cực tham gia vào sứ mệnh trở thành lương tâm luân lý trong xã hội – lên án sự dữ và văn hóa sự chết, công bố điều thiện như về sự thánh thiện của sự sống công lý, sự thật, tình yêu và hòa bình. Các chủ chăn cũng cần đảm bảo sự tham gia tích cực của các tín hữu vào sứ mệnh biến vương quốc của Thiên Chúa thành hiện thực, qua các hoạt động vì hòa bình, công lý và sự toàn vẹn của tạo vật. Điều này có nghĩa là người giáo dân được mời gọi tham gia cùng nhau làm việc để giải quyết các khủng hoảng liên quan đến nghèo đói, bất công, bạo lực, biến đổi khí hậu, tham nhũng, v.v.

Các chủ chăn phải nhận ra năng lực nảy sinh từ đặc sủng của các tín hữu giáo dân trong sứ mệnh xã hội của Giáo hội. Vì vậy, vai trò lãnh đạo của giáo dân trong Giáo hội không gì hơn chính là sự hiệp thông với chủ chăn, từ đó chủ chăn truyền cảm hứng cho họ tham gia tích cực vào việc thực hiện sứ mạng mà Chúa Kitô đã ủy thác cho họ nhờ phép rửa. Vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội hiệp hành loại bỏ thái độ quản trị độc tài, nhưng hình thành một phong cách hợp tác, tham gia và hòa nhập, tập trung vào việc lắng nghe lẫn nhau và cùng nhau hành động. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II lưu ý: “Các vị chủ chăn có bổn phận phải nhìn nhận và cổ võ các tác vụ, chức vụ và nhiệm vụ của giáo dân, những chức vụ và nhiệm vụ này đặt nền tảng trên bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức. Ngoài ra, khi nhu cầu và lợi ích của Giáo Hội đòi hỏi, các vị chủ chăn có thể, chiếu theo quy tắc của luật chung, mà trao phó cho giáo dân một số chức vụ và nhiệm vụ, dù vẫn gắn liền với tác vụ riêng của vị chủ chăn, nhưng không buộc có ấn tích của bí tích Truyền Chức Thánh”[2]. Dĩ nhiên sự cộng tác của giáo dân trong vai trò lãnh đạo không có nghĩa là họ thay thế vai trò lãnh đạo của Giáo sĩ, sự hiệp hành không phải là đồng hóa cào bằng giữa chức tư tế cộng đồng và chức tư tế thừa tác. Không thể có một cơ cấu phục vụ trong Giáo Hội song song với cơ cấu đặt nền tảng trên bí tích Truyền Chức Thánh.

Như vậy vai trò lãnh đạo giáo dân trong Giáo Hội Hiệp hành chính là tham gia tích cực vào công việc của Giáo hội theo bậc sống và đặc sủng của mình trong sự hiệp thông với các chủ chăn, với ý thức mình là một thành phần của Giáo hội, thuộc về Giáo hội . Công đồng Vatican trong Hiến chế tín lý về Giáo hội đã nói: Như tất cả các Kitô hữu, giáo dân có quyền nhận lãnh dồi dào từ các chủ chăn có chức thánh những ơn phúc chứa đựng trong kho tàng thiêng liêng của Giáo Hội, đặc biệt là Lời Thiên Chúa và các bí tích, đồng thời họ nên trình bày cho các chủ chăn những nhu cầu và khát vọng của mình với thái độ tự do và tín nhiệm thích hợp, với tư cách là con cái Thiên Chúa và anh chị em trong Đức Kitô. Tuỳ theo kiến thức, khả năng chuyên môn và địa vị của mình, giáo dân có thể và đôi khi còn có bổn phận phải bày tỏ ý kiến của mình về những việc liên quan đến lợi ích của Giáo Hội (Hiến chế về Giáo Hội, số 37) . Lumen Gentium trình bày mối tương quan giữa giáo dân và các mục tử bằng tính từ “thân thuộc”: “Người ta mong đợi nhiều lợi ích cho Giáo hội từ mối tương quan thân thuộc này giữa giáo dân và các mục tử. Ý thức trách nhiệm của họ được củng cố nơi giáo dân, lòng nhiệt thành của họ được khuyến khích, họ sẵn sàng hơn để hợp nhất sức lực của mình với công việc của các mục tử. Người được giúp đỡ bởi kinh nghiệm của giáo dân, có khả năng phán đoán rõ ràng hơn và thích hợp hơn về các vấn đề thiêng liêng cũng như trần thế”[3]

2. Tinh thần đồng trách nhiệm

Đức Bênêđictô XVI khích lệ người giáo dân chia sẻ trách nhiệm với Giáo hội trong việc sự dấn thân thi hành sứ mệnh của Giáo hội: “bằng việc cầu nguyện, học tập và tích cực tham gia vào đời sống Giáo hội, không ngừng tìm kiếm những dấu chỉ của thời đại qua việc quan tâm khám phá những điều tích cực trong thế giới” . Đức Bênêđictô XVI khẳng định: người giáo dân được mời gọi trở thành những chứng nhân can đảm và đáng tin cậy trong mọi môi trường xã hội để Tin Mừng có thể trở thành ánh sáng mang lại hy vọng cho những người có vấn đề, những người gặp khó khăn chồng chất, những tình huống đen tối mà con người ngày nay thường gặp phải trên hành trình cuộc đời”. Với vai trò lãnh đạo, người giáo dân “hướng dẫn mọi người đến cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, loan báo Sứ điệp cứu độ của Người bằng các ngôn ngữ và cách thức dễ hiểu đối với thời đại chúng ta, được đánh dấu bằng các tiến trình xã hội và văn hóa đang biến đổi nhanh chóng. Và Đức Thánh cha khuyến khích người tín hữu giáo dân kiên trì một cách quảng đại trong việc phục vụ Giáo hội, trên tinh thần hiệp nhất chặt chẽ với chủ chăn và tinh thần đồng trách nhiệm với các Mục tử của mình.

Tinh thần đồng trách nhiệm của người giáo dân được xây dựng trên nền tảng bí tích Rửa tội và Thêm sức. Từ nguồn mạch bí tích này người tín hữu giáo dân được tham dự vào ba chức vụ của Chúa Kitô: Tiên tri, tư tế và vương đế. Với việc dự phần này mỗi người tín hữu hữu trong Giáo Hội đều mang lấy trách nhiệm xây dựng Hội Thánh Chúa trên trần gian nhằm đạt tới sự viên mãn trong ngày cánh chung. Trong bản báo cáo tổng hợp của Thượng Hội Đồng Giám mục lần Thứ XVI khóa I đã khẳng định: “Các bí tích khai tâm Kitô giáo trao cho tất cả các môn đệ của Chúa Giêsu trách nhiệm thực hiện sứ vụ của Hội thánh. Giáo dân, những người thánh hiến và các thừa tác viên chức thánh đều có phẩm giá bình đẳng như nhau. Họ đã nhận được những đặc sủng và ơn gọi khác nhau cũng như thực hiện những vai trò và chức năng khác nhau, nhưng tất cả đều được Chúa Thánh Thần kêu gọi và nuôi dưỡng để hợp thành một nhiệm thể duy nhất trong Chúa Kitô. Tất cả họ đều là những môn đệ, tất cả những nhà truyền giáo, trong sức sống hỗ tương của các cộng đồng địa phương, những người cảm nghiệm được niềm vui ngọt ngào và an ủi của việc loan báo Tin Mừng. Việc thực thi đồng trách nhiệm là điều cần thiết cho tính hiệp hành và cần thiết ở mọi cấp độ của Hội thánh. Mỗi Kitô hữu là một sứ vụ trên trái đất này”[4]. Thượng Hội Đồng khẳng định: Nếu sứ vụ là một ân ban liên quan đến toàn thể Hội thánh, thì người tín hữu giáo dân đóng góp một cách quan trọng vào việc thăng tiến sứ vụ đó trong mọi lĩnh vực và trong các hoàn cảnh thông thường hằng ngày[5]. Sự đóng góp này nói đến ý thức tinh thần đồng trách nhiệm của người giáo dân trong việc làm cho Giáo hội hiện diện và công bố Tin Mừng. Bất cứ nơi nào họ hiện diện, họ đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô trong đời sống hằng ngày và minh nhiên chia sẻ đức tin với người khác.

3. Đào tạo người giáo dân ý thức về vai trò lãnh đạo của mình

Để giúp người giáo dân ý thức về vai trò lãnh đạo của mình trong Giáo hội Hiệp hành, các mục tử cần quan tâm đến việc đào tạo mang tính toàn diện. Giáo hội mong muốn người giáo dân luôn được đối xử như những Kitô hữu giáo dân trưởng thành, những ý kiến của họ phải được lắng nghe và tôn trọng, đồng thời họ mong muốn được các chủ chăn đối xử phù hợp với ơn gọi họ lãnh nhận được từ bí tích Rửa tội. Nhưng để điều này được thực hiện hữu hiệu, người giáo dân phải được huấn luyện đúng đắn về đức tin, nghĩa là quay trở lại những điều cơ bản, tùy theo trình độ học vấn của mình.

Người giáo dân cần được hướng dẫn sống đời thánh thiện, phải được Tin Mừng định hướng và soi sáng nhờ gặp gỡ với Chúa Kitô, cảm nhận được yêu thương để can đảm dấn thân phục vụ cho Tin mừng không chút sợ hãi. Việc đào tạo giúp người giáo dân chia sẻ trách nhiệm kinh nghiệm mục vụ với các cộng đoàn tông đồ giáo dân trong giáo xứ, giáo phận, tạo ra các mối quan hệ tốt đẹp và hiệp thông với các chủ chăn hầu làm nên một cộng đồng mục vụ và truyền giáo sống động.

Thượng hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ XVI khóa I/2024 đã nhấn mạnh: “Chăm sóc việc đào tạo của chính mình là câu trả lời mà mỗi người đã được rửa tội được mời gọi trao tặng những hồng ân của Chúa, làm cho những tài năng đã nhận được sinh hoa trái và dùng chúng để phục vụ mọi người. … Thời gian Chúa dành cho việc đào tạo các môn đệ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này nơi Hội thánh, thường kín đáo nhưng có tính quyết định đối với sứ vụ. Trong việc khai tâm Kitô giáo, chúng ta tìm thấy những hướng dẫn tổng quát cho các khóa đào tạo. Trọng tâm của việc đào tạo là đào sâu kerygma [lời rao giảng tiên khởi], nghĩa là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, Đấng ban cho chúng ta hồng ân sự sống mới…. Ngoài việc đào tạo thần học, còn đề cập đến một loạt các kỹ năng cụ thể: thực hiện đồng trách nhiệm, lắng nghe, phân định, đối thoại đại kết và liên tôn, phục vụ người nghèo và chăm sóc ngôi nhà chung, dấn thân như “những nhà truyền giáo kỹ thuật số”, tạo điều kiện thuận lợi cho các quá trình phân định và đối thoại trong Thánh Thần, xây dựng sự đồng thuận và giải quyết xung đột. Phải đặc biệt chú ý tới việc đào tạo giáo lý cho trẻ em và thanh thiếu niên, việc này cần có sự tham gia tích cực của cộng đồng”[6].

Trong chiều kích Giáo Hội hiệp hành, người giáo dân được khích lệ tham gia tích cực vào vai trò lãnh đạo trong Giáo Hội, dĩ nhiên cụm từ lãnh đạo được hiểu theo tinh thần Kitô giáo, có nghĩa người lãnh đạo nhằm phục vụ, chứ không lãnh đạo để cai trị. Và để người giáo dân tham gia vào vai trò lãnh đạo trong Giáo hội hiệp hành cần nhấn mạnh đến một nền văn hóa lắng nghe, đặc biệt hàng giáo sĩ lắng nghe tiếng nói của các tín hữu – giáo dân. Trong khi tiếng nói của mọi người được lắng nghe, điều đó không có nghĩa là các quyết định được đưa ra chủ yếu bằng đa số phiếu bầu nhưng thông qua một quá trình phân định rõ ràng dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, với một công thức thời danh: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định (Cv 15, 28), đấy là tinh thần lãnh đạo trong một Giáo Hội hiệp hành.

Bài III: ĐÀO LUYỆN LÃNH ĐẠO GIÁO DÂN – Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Trong bối cảnh Giáo hội ngày nay, vai trò của nhà lãnh đạo giáo dân trở nên vô cùng quan trọng. Họ không chỉ là những người tổ chức và điều hành các hoạt động trong giáo xứ mà còn là những nhân tố chủ chốt trong việc xây dựng và phát triển cộng đoàn. Qua bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về các khía cạnh quan trọng trong việc đào luyện một nhà lãnh đạo giáo dân, giúp họ trở thành những người dẫn dắt kiên định và sáng suốt, sống tinh thần nhận định, luôn sẵn sàng phục vụ và truyền cảm hứng cho cộng đoàn. Việc đào luyện nhà lãnh đạo giáo dân đòi hỏi một quá trình toàn diện, từ việc nuôi dưỡng con tim yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, đến việc phát triển tư duy, xây dựng thói quen đạo đức và hành động cụ thể.

1. Đào luyện con tim

Đào luyện lòng yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội là yếu tố cốt lõi trong việc hình thành một nhà lãnh đạo giáo dân. Tình yêu và lòng nhiệt thành không chỉ là động lực thúc đẩy hành động mà còn là nền tảng giúp người lãnh đạo giáo dân kiên trì và bền bỉ trong mọi hoàn cảnh. Chính từ lòng yêu mến này, một trái tim biết yêu thương sẽ dẫn dắt họ phục vụ cộng đoàn với tấm lòng rộng mở, sẵn sàng đón nhận và giúp đỡ mọi người.

Để nuôi dưỡng lòng yêu mến này, đời sống thiêng liêng đóng vai trò then chốt, là nguồn sức mạnh nội tâm giúp nhà lãnh đạo giáo dân đối diện với những thách thức trong sứ vụ của mình. Các phương thế thiêng liêng giúp họ gắn bó mật thiết với Thiên Chúa. Nhờ cầu nguyện, họ không chỉ tìm thấy sự bình an mà còn có cơ hội để lắng nghe và nhận định hướng dẫn của Thánh Thần trong mọi quyết định và hành động.

Như vậy, việc đào luyện con tim yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội, cùng với việc phát triển đời sống thiêng liêng, tạo nên một nền tảng vững chắc, giúp nhà lãnh đạo giáo dân trở thành ngọn đuốc sáng dẫn đường cho cộng đoàn, luôn kiên vững trong đức tin và nhiệt thành trong phục vụ.

2. Đào luyện tư duy

Hiểu biết Tin Mừng và hướng dẫn của Giáo hội là điều cần thiết giúp nhà lãnh đạo giáo dân thực hiện tốt vai trò của mình. Nhờ đó, các nhà lãnh đạo giáo dân không chỉ có cái nhìn đúng đắn và sâu sắc hơn về các vấn đề cuộc sống trong viễn tượng đức tin mà còn giúp họ suy tư và lan tỏa Tin Mừng và giáo huấn của Giáo Hội vào đời sống thực tế.

Đi đôi với kiến thức, tư duy hiệp thông và đồng trách nhiệm là yếu tố không thể thiếu trong quá trình đào luyện nhà lãnh đạo giáo dân. Họ cần có ý thức sâu sắc hơn về vai trò đồng trách nhiệm trong sứ mạng của Giáo hội. Tinh thần hiệp thông và sự cộng tác giữa giáo dân và hàng giáo phẩm là yếu tố quan trọng giúp họ xây dựng cộng đoàn. Bằng cách lắng nghe, chia sẻ và cùng nhau tìm kiếm những giải pháp tốt nhất cho sự phát triển của cộng đoàn, nhà lãnh đạo giáo dân luôn đặt lợi ích chung lên trên hết, tạo nên một môi trường đầy yêu thương và hòa hợp.

Khẳng định, kiến thức về giáo lý và thần học kết hợp với tư duy hiệp thông và đồng trách nhiệm không chỉ giúp nhà lãnh đạo giáo dân hoàn thiện bản thân mà còn là chìa khóa để họ dẫn dắt cộng đoàn một cách hiệu quả, góp phần xây dựng Giáo hội ngày càng vững mạnh và phát triển. Những lớp học chuyên biệt có được mở ra nhằm bổ sung, đào tạo nhân lực cũng phần nào do tinh thần hiếu học của họ.

3. Đào luyện thói quen

Xây dựng thói quen đạo đức là bước quan trọng trong việc đào luyện lãnh đạo giáo dân, giúp họ trở nên mẫu gương sống động trong cộng đoàn. Tham gia tích cực vào các cử hành phụng vụ, hoạt động mục vụ và loan báo Tin Mừng, đó là những thói quen cần thiết để các nhà lãnh đạo giáo dân thể hiện tinh thần phục vụ tha nhân và lòng nhân ái qua các hoạt động cụ thể.

Song hành với việc xây dựng thói quen đạo đức, nhà lãnh đạo giáo dân cũng cần phát triển những thói quen tốt trong đời sống hàng ngày. Họ không chỉ là người gương mẫu trong các hoạt động tôn giáo mà còn phải thể hiện các giá trị Kitô giáo trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Trong gia đình, cộng đoàn và nơi làm việc, họ phải là tấm gương phản chiếu nếp sống theo Tin Mừng. Sự gương mẫu này không chỉ là lời chứng cho đức tin mà còn khơi nguồn cảm hứng và khuyến khích mọi người xung quanh sống tốt hơn.

Qua đó, việc xây dựng thói quen đạo đức và phát triển những thói quen tốt trong đời sống hàng ngày giúp nhà lãnh đạo giáo dân không chỉ hoàn thiện bản thân mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa những giá trị Kitô giáo trong cộng đoàn, tạo nên một môi trường sống động và đầy tình thương.

4. Đào luyện hành động

Thực hành các hoạt động mục vụ là cách nhà lãnh đạo giáo dân thể hiện sự cam kết của mình đối với cộng đoàn. Tham gia và đóng góp tích cực vào các hoạt động của giáo xứ, các hội đoàn và phong trào tông đồ là những bước đi quan trọng. Các nhà lãnh đạo giáo dân cần biết cách tổ chức và điều hành các hoạt động mục vụ một cách hiệu quả, đồng thời khuyến khích mọi người cùng tham gia, tạo nên một cộng đoàn sống động và đầy sức sống.

Bên cạnh đó, sứ vụ truyền giáo là một phần không thể thiếu trong hành trình của nhà lãnh đạo giáo dân. Họ cần tích cực tham gia vào sứ mạng truyền giáo của Giáo hội, làm chứng cho Tin Mừng qua lời nói và hành động. Luôn sẵn sàng chia sẻ đức tin và đem ánh sáng của Tin Mừng đến với mọi người, đặc biệt là những người chưa biết Chúa, họ thực hiện sứ mạng này với lòng nhiệt thành và niềm vui. Việc truyền giáo không chỉ là trách nhiệm mà còn là nguồn động lực giúp họ hoàn thiện bản thân và phát triển cộng đoàn.

Vì vậy, việc thực hành các hoạt động mục vụ và sứ vụ truyền giáo giúp nhà lãnh đạo giáo dân không chỉ khẳng định vai trò của mình trong cộng đoàn mà còn đóng góp vào sứ mạng lớn lao của Giáo hội. Qua đó, họ góp phần xây dựng một cộng đoàn mạnh mẽ, đoàn kết và tràn đầy niềm tin.

Tóm lại, đào luyện lãnh đạo giáo dân là một hành trình đầy thách thức nhưng quan trọng và ý nghĩa. Từ việc nuôi dưỡng lòng yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội đến phát triển tư duy trên nền tảng Tin Mừng và hướng dẫn của Hội Thánh, từ việc xây dựng thói quen đạo đức đến thực thi vai trò lãnh đạo qua các hoạt động mục vụ và loan báo Tin Mừng, mỗi phương diện góp phần tạo nên một nhà lãnh đạo toàn diện. Nhờ đó, lãnh đạo giáo dân là những người hướng dẫn và là những tấm gương sống động về đời sống đức tin và lòng nhiệt thành trong cộng đoàn, soi sáng và giúp cộng đoàn tiến bước trong ánh sáng Tin Mừng.

Hồi tâm

1) Lòng yêu mến Thiên Chúa và Giáo hội có là động lực thúc đẩy tôi đảm nhận vai trò lãnh đạo giáo dân trong giáo xứ? Tôi quan tâm và dành thời gian như thế nào để chăm sóc đời sống thiêng liêng?

2) Tôi trải nghiệm như thế nào về tinh thần tham gia khi đảm nhận vai trò lãnh đạo giáo dân trong giáo xứ? Có những sáng kiến nào giúp cổ võ tinh thần tham gia và hợp tác trong giáo xứ?

3) Tôi cảm nghĩ thế nào về lời mời gọi sống gương mẫu và làm lan tỏa giá trị đức tin vào đời sống thường ngày? Đâu là những thách đố và thuận lợi?

Bài IV: NHÂN ĐỨC NHÀ LÃNH ĐẠO THEO CHÚA GIÊSU – Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái

Nhân đức là khuynh hướng bên trong, một thói quen tích cực, một đam mê để làm việc lành. (1803, 1833)

Thiên Chúa tăng cường các nhân đức nhân bản bằng ân sủng Người, và ngoài ra Người còn ban cho ta những nhân đức đối thần, giúp ta gần gũi với Chúa và sống an bình trong ánh sáng của Người.- 293 -294 (Youcat số 299)

Các nhân đức chính là: khôn ngoan, công bằng, can đảm , tiết độ. Người ta cũng gọi là các nhân đức căn bản. (Youcat số 300)

Nhà lãnh đạo theo Chúa Giê-su mà chúng ta muốn nói ở đây không chỉ nhắm đến người chỉ huy trong một tổ chức, không thu hẹp chỉ là những người đầu một phòng ban hay một hội đoàn nào nhưng là tất cả những người đã được lãnh phép Thanh Tẩy. Họ có thể không phải là người có khả năng vượt trội về văn hóa, kinh tế, giáo dục nhưng họ có tâm hồn, có trí năng, ý chí, thường xuyên tập luyện những nhân đức tự nhiên, nhân đức siêu nhiên và luôn cầu nguyện để quyết tâm thực thi ơn gọi Kitô hữu sau khi được làm con Chúa.

1. Những nhân đức siêu nhiên

Nói tới nhân đức của nhà lãnh đạo theo Chúa Giêsu thì không thể không nói đến ba nhân đức đối thần: Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến. Đây là những nhân đức nền tảng của đạo Công Giáo.

a) Đức Tin

Đức tin là tin vào một Thiên Chúa toàn năng, Ngài dựng nên trời đất, dựng nên muôn loài, muôn vật; là tin vào Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã xuống trần gian, chịu chết trên Thánh giá và sống lại để cứu nhân loại….(Kinh Tin Kính) Đức tin vững vàng là niềm tin trọn vẹn vào Thiên Chúa, mà Chúa Kitô là trung tâm của đời sống. Qua Ngài, mỗi người chúng ta được hoán cải, buông bỏ các thói quen tật xấu, lòng tham sân si, chừa bỏ dần tội lỗi để trở nên thánh thiện.

Đức tin mạnh mẽ cho chúng ta tin tưởng hoàn toàn vào Chúa, cả khi được ơn phần hồn và phần xác, được bình an, sung túc như mình xin cũng như không được những gì mình xin và phải gánh chịu những đau khổ, khó khăn trong cuộc sống. Chúng ta tin rằng tất cả những điều ấy đều là hồng ân của Chúa, chúng ta chấp nhận và cầu nguyện với tất cả tấm lòng biết ơn.

b) Đức Cậy

Đức cậy là trông cậy vững vàng vào quyền năng của Thiên Chúa và vào lời dạy của Ngài, là hy vọng vào tình yêu vô điều kiện và lòng nhân từ vô biên của Thiên Chúa dành cho con người, chúng ta hy vọng được Chúa cứu độ, và cho chúng ta sống lại với Ngài. Đức cậy cũng là tin tưởng rằng Chúa sẽ luôn ở bên cạnh và hướng dẫn chúng ta trong cuộc sống.

c) Đức Mến

Đức mến đối với Thiên Chúa và đức mến đối với tha nhân.

Đối với Thiên Chúa: là tình yêu và lòng thờ kính sâu sắc trên hết mọi sự mà tín hữu dành cho Chúa, vì Ngài là đường là sự thật và là sự sống cho mọi người. Chúng ta phải cầu nguyện và tôn vinh Ngài mọi lúc mọi nơi. Đây là việc sùng đạo, là sự kết hiệp mật thiết với Chúa trong ngày sống.

Đức mến đối với tha nhân: thể hiện sự yêu thương, lòng quảng đại và sự quan tâm đến với mọi người. Dù họ là ai, họ giàu hay nghèo, có tôn giáo hay không chúng ta đều phải hết sức cố gắng tôn trọng và yêu thương họ như Chúa yêu họ. Đức mến được thể hiện trong việc phục vụ và giúp đỡ người khác, chia sẻ với những người nghèo khổ và bất hạnh, cũng như tha thứ và dịu dàng đối với những người làm hại mình.

2. Nhân đức tự nhiên

Trong hành trình đức tin của mỗi tín hữu hay đời sống cộng đoàn trong một Hội Thánh hiệp hành, hoặc ở môi trường loan báo Tin Mừng, ta rất cần thăng tiến những nhân đức căn bản: đức khiêm nhường, lòng nhân hậu, Đức khôn ngoan, đức công bằng, đức can đảm, đức tiết độ. Đồng thời ta cũng cần luyện tập những đức tính nhân bản như: nhân-lễ-nghĩa-trí-tín và nhiều đức tính khác.

a) Đức khiêm nhường

Đức khiêm nhường là không tự cao, tự mãn, giả hình, không tỏ ra quá tự tin và tự hào về bản thân nhưng biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người khác, dù họ là ai. Đức khiêm nhường giúp người ta trở nên dịu hiền, vui tươi trong giao tiếp với mọi người.

b) Lòng nhân hậu

Người có lòng nhân hậu biết thông cảm, dịu dàng, chia sẻ, và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác một cách tử tế, nhân từ trong những hoàn cảnh khó khăn. Đây là phẩm chất tích cực và quan trọng để tạo ra một xã hội hòa bình và đầy đủ lòng nhân ái.

c) Đức khôn ngoan

Đức khôn ngoan là phẩm chất của người có khả năng phân định tốt xấu đúng sai, suy nghĩ sâu sắc, đánh giá tình huống một cách tỉ mỉ và có khả năng ra quyết định đúng đắn. Người có đức khôn ngoan thường có khả năng nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, hiểu rõ hậu quả của hành động và có khả năng đưa ra quyết định phù hợp với tình huống. Họ cũng thường là những người có kiến thức rộng, nhiều kinh nghiệm và biết lắng nghe người khác. Từ đó giúp họ giải quyết các vấn đề phức tạp một cách hiệu quả. Trên hết, người khôn ngoan Kitô giáo là người sống theo lời Chúa dạy.

3. Nhân đức nhà lãnh đạo theo Chúa Giêsu

Họ là những người sống lý tưởng Kitô giáo, không đi tìm lợi ích cá nhân nhưng mọi việc đều qui hướng về Đức Giêsu. Họ chia sẻ Đức Giê-su là tình yêu cho tha nhân và mở mang Nước Chúa nơi trần gian. Nhà lãnh đạo có những nhân đức siêu nhiên và tự nhiên phục vụ với phong cách đầy tớ theo gương Đức Kitô.

Đức Giê-su gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì áp đặt trên họ quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên họ quyền hành của mình. Nhưng giữa anh em thì không phải như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người” ( Mc 10, 42-44 ). Thật vậy, hình ảnh cúi đầu rửa chân cho các tông đồ là mẫu gương vô cùng cao quý cho chúng ta noi theo. Trong cộng đoàn, có thể vẫn còn người có não trạng “ăn trên ngồi trốc” nhưng nếu chúng ta chăm lo cho cộng đoàn, âm thầm tham gia và phục vụ những công việc lớn nhỏ, những việc tầm thường thì đó là chúng ta đang sống tinh thần của người lãnh đạo Ki-tô.

Những nhân đức này là những giá trị cốt lõi, là những nét đẹp của Kitô hữu, nó không dừng lại cho riêng mình nhưng thực sự là nguồn cảm hứng và truyền cảm hứng cho những người chung quanh. Họ sẽ có thêm động lực trong hành trình đức tin và tiếp tục lan tỏa đến những người khác cho nhiều người được bước đi theo Chúa Kitô.

Hồi tâm

1) Tôi cần tập luyện thêm nhân đức nào để trở thành nhà lãnh đạo Ki-tô giáo đích thực? Làm cách nào tôi có thể tập luyện được?

2) Tôi có thể là chứng nhân cho những người trong môi trường sống của tôi bằng những nhân đức siêu nhiên và nhân đức tự nhiên mà Chúa đang ban cho tôi không?

3) Chúa nói: “ai muốn làm lớn giữa anh em thì làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người.” Chúng ta có dám áp dụng lời Chúa vào cộng đoàn mà mình đang trách nhiệm không? Làm thế nào để mọi người đều hiểu và cùng làm theo?

[1] Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Tông huấn Người tín hữu Giáo dân (Christifideles Laici), số 23.

[2] Nt.

[3] Đức Bênêđictô XVI, Thơ gửi Đức cha Domenico Sigalini, Tổng linh hướng của diễn đàn diễn đàn quốc tế về hoạt động công giáo nhân dịp đại hội thường niên lần thứ VI vào ngày 22-8-2012. Nguồn: www.vatican.va/content/benedict-xvi/en/messages/pont-messages/2012/documents/hf_ben xvi_mes_20120810_fiac.html

[4] Thượng hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ XVI, Báo Cáo Tổng Hợp Khóa đầu tiên từ ngày 4-29/10/2023, công bố ngày 28/10/2023. Nguồn: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/vatican-cong-bo-bao-cao-tong-hop-cua-thuong-hoi-dong-giam-muc-ve-hiep-hanh-52883

[5] Nt

[6] Nt

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :