www.langminhnews.net

Thư Luân Lưu Gửi Cộng Đoàn Dân Chúa Giáo Phận Xuân Lộc V/v. Định Hướng Mục Vụ Năm Phụng Vụ 2024-2025

‘Hành Hương trong Hy Vọng nhờ Lời Chúa và Thánh Thể’

Kính gửi: Quý Cha, Quý Tu Sĩ, Chủng Sinh và Anh Chị Em thân mến,

Từ Tòa Giám mục, nhà Tổ thân yêu của Giáo phận, và từ Trung tâm Hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, hiệp cùng Đức cha Cố Đaminh, Đức cha Cố Giuse, Đức cha Phụ tá Đaminh, tôi xin gửi đến anh chị em lời chào thăm chân thành và tâm tình trân trọng quý mến.

Một

Năm Phụng vụ 2024-2025, khởi sự với Mùa Vọng đã đến. Qua chu kỳ một năm, Hội Thánh trình bày trọn vẹn mầu nhiệm Chúa Kitô, ‘rộng mở cho các tín hữu kho tàng phong phú các nhân đức và công nghiệp của Chúa, làm cho các mầu nhiệm ấy hiện diện… qua mọi thời đại, ngõ hầu các tín hữu được tiếp xúc với các mầu nhiệm này và được tràn đầy ơn cứu độ’ (PV s. 102).

Giáo phận Xuân Lộc chúng ta, với định hướng ‘Hành Hương trong Hy Vọng nhờ Lời Chúa và Thánh Thể’, bước qua cửa thời gian vào năm mới thực hiện:

(1) Sống Năm Thánh thường lệ truyền thống, Đức Thánh Cha công bố 25 năm một lần. Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập ‘Năm Thánh 2025’ với trọng tâm sứ điệp: ‘Những Người Hành Hương của Niềm Hy Vọng’. Đây là ‘thời điểm gặp gỡ Chúa Giêsu cách sống động và cá vị, Người là cửa ơn cứu độ (x. Ga 10:7.9), là niềm hy vọng của chúng ta’ [(x. 1Tm 1:1) Spes non Confundit s. 1; viết tắt: SnC)].

(2) Đáp lời Hội đồng Giám mục Việt Nam ‘Cùng nhau loan báo Tin Mừng’ và tri ân Thiên Chúa về ‘Ngọc khánh’ sinh nhật của Giáo phận. Ngày 14 tháng 10 năm 1965, Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã ban Tông sắc thiết lập Giáo phận Xuân Lộc chúng ta. Trải qua ‘60 tuổi đời’, con cái Giáo phận luôn nỗ lực để trở nên người tín hữu trưởng thành nhờ Lời Chúa và Thánh Thể.

Hai

Thánh Tông đồ Phaolô khích lệ tín hữu Rôma và chúng ta: ‘Hy vọng không làm thất vọng’ (Rm 5:5). ‘Niềm hy vọng này phát sinh từ tình yêu và dựa trên tình yêu tuôn trào từ Trái Tim Chúa Giêsu bị đâm thâu trên thập giá’ (SnC s. 3). Chúa Thánh Thần luôn hiện diện cùng Hội Thánh lữ hành, giữ cho niềm hy vọng như một ngọn đuốc luôn tỏa sáng niềm xác tín ‘không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta’ (Rm 8:39).

Có hai loại Năm Thánh: (a) ‘Năm Thánh thường lệ’ được các Đức Thánh Cha công bố cứ 25 năm một lần. Năm Thánh thường lệ đầu tiên năm 1300 do Đức Thánh Cha Bonifacio VIII. (b) ‘Năm Thánh ngoại thường’ được thiết lập không vào nhịp 25 năm. Đức Thánh Cha Phanxicô đương kim đã công bố ‘Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót’ năm 2015 và còn hướng tới Năm Thánh 2033, kỷ niệm 2000 năm ơn cứu chuộc từ lễ Vượt Qua của Chúa Giêsu.

Ba

Khai mạc tất cả các Năm Thánh, Đức Thánh Cha cử hành một sự kiện phong phú ý nghĩa và đặc trưng của Năm Thánh, đó là ‘Mở Cửa Năm Thánh’. Khai mạc Năm Thánh thường lệ 2025, Đức Thánh Cha sẽ mở bốn ‘Cửa Năm Thánh’ của bốn Đại Thánh đường tại Rôma, trong đó, cửa được mở đầu tiên là tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ngày 24 tháng 12 năm 2024. Gần một tuần sau, tại tất cả nhà thờ Chính tòa của các Giáo phận, các Đức Giám mục sẽ cử hành Thánh lễ long trọng khai mạc Năm Thánh vào ngày 29 tháng 12 năm 2024.

Trong nhãn quan của Gioan, hành động Hội Thánh ‘Mở Cửa Năm Thánh’ đền thờ tại thế cũng là hành động Thiên Chúa mở cửa Thánh điện trên trời: ‘Này, một cửa mở ra trên trời’ (Kh 4:1). ‘Mở Cửa Năm Thánh’ ngụ ý mời gọi Dân Thánh lên đường hành hương. ‘Mở Cửa Năm Thánh’ để đi vào con đường Giêsu: ‘Cửa ràn chiên, chính là Ta! ‘…’ Cửa vào, chính là Ta! Ai ngang qua Ta mà vào thì sẽ được cứu… và sẽ gặp được lương thực’ (Ga 10:7.9).

Bốn

Cửa mở để đón khách hành hương vào tham dự Phụng vụ Thánh. Đấng ngự trên ngai uy nghi giữa bảy đèn lửa cháy tức là bảy Thần khí Thiên Chúa. Nơi cực Thánh này ngày đêm không ngơi vang lời tung hô: ‘Thánh, Thánh, Thánh, Chúa, Thiên Chúa toàn năng, Đấng đang có, đã có và sẽ đến’ (Kh 4:8). Khách hành hương sẽ phục bái tri ân ‘chồi lộc Đavit’ (Kh 5:5) là Chiên Con ‘đã chịu tế sát và đã mua chuộc cho Thiên Chúa bằng máu Ngài, người thuộc mọi dòng họ, tiếng nói, và mọi dân mọi nước, và đã làm họ thành vương quốc tư tế cho Thiên Chúa’ (Kh 5:9.10).

Cửa mở đón khách hành hương vào gặp Đấng ngự nơi sâu thẳm cõi lòng mình để, được nâng đỡ bởi Đấng ‘giàu lòng thương xót’ (Ep 2:4), rà soát lại cuộc đời và trỗi dậy nhờ ‘Bí tích Hòa giải là điểm khởi đầu không thể thay thế của con đường hoán cải đích thực’ (SnC s. 5). ‘Bí tích hòa giải bảo đảm với chúng ta… Chúa cứu chúng ta khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc bằng ân nghĩa… Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa’ [(Tv 103) SnC s. 23].

Khi cầu nguyện với Lời Chúa và các bí tích, đặc biệt trong Năm Thánh, Ân sủng Chúa đến trong ta với các Ân xá. ‘Ân xá giúp chúng ta khám phá lòng thương xót của Thiên Chúa đến vô hạn. Không phải ngẫu nhiên vào thời xưa, thuật ngữ ‘lòng thương xót’ và thuật ngữ ‘ân xá’ có thể dùng thay thế nhau, chính xác bởi vì thuật ngữ này diễn tả sự tha thứ trọn vẹn của Thiên Chúa, một sự tha thứ không giới hạn’ (SnC s.23). Trong Năm Thánh này, Tòa Ân giải trình bày một cách nhận Ân xá đặc biệt: ‘Bất chấp quy định về việc chỉ được lãnh một ơn toàn xá mỗi ngày, các tín hữu thực thi hành động bác ái vì lợi ích các linh hồn trong luyện ngục, nếu lãnh nhận bí tích Thánh Thể lần thứ hai trong cùng một ngày một cách hợp pháp thì họ sẽ có thể lãnh ơn Toàn xá hai lần trong cùng một ngày, chỉ dành cho những người đã qua đời’ (Ủy ban Giáo hoàng giải thích có thẩm quyền về Giáo luật).

Những cách thức thực hành tiêu biểu khác để lãnh nhận Ân xá: Khi hành hương đến bất kỳ địa điểm Thánh nào của Năm Thánh; Đọc kinh Phụng vụ, suy tôn Lời Chúa, ngắm đàng Thánh giá, lần chuỗi Mân côi; Khi tham gia các hoạt động truyền giáo bình dân (như giờ công tác của hội viên Legio Mariae), linh thao, dự khóa học về Kinh Thánh-Giáo lý-Công đồng, thăm bệnh nhân tại nhà họ hay tại bệnh viện, thăm tù nhân, thực hành mười bốn mối thương người; Tiết chế ăn uống, giảm bớt tiêu dùng; Hoạt động tình nguyện cho công ích…

Khách hành hương sẽ có thời gian tịnh tâm suy tư những đắng đót trần gian: chiến tranh, đói rách, đau bệnh, tù tội… nhà chung trái đất bị xâu xé… nhưng cũng khám phá niềm hy vọng vững vàng, tìm gặp con đường dẫn con người từ đáy sâu chết chóc trỗi dậy lên ‘trời mới đất mới’. ‘Trong đêm tối dày đặc nhất, những thánh nhân và ngôn sứ vĩ đại nhất trỗi dậy’ (Thánh nữ Tử đạo thời Đức Quốc Xã, triết gia, tân tòng, Edith Stein – Benedicta Thánh giá).

Năm

Logo, hình biểu tượng Năm Thánh, vẽ những người hành hương tựa vào nhau và ôm lấy Thánh Giá. Họ đăng trình trên ‘sóng biển’ với mỏ neo nối liền vào chính Thánh giá. Neo này ‘ví thể neo thần cho hồn ta’ (Dt 6:19), cho ta nguồn an ủi mãnh liệt trong niềm hy vọng bền chắc vững chãi. Neo này là: ‘Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Phêrô, rồi với nhóm mười hai’ (1Cr 15:3-5).

Thánh Tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh chứng thực niềm hy vọng nhờ ‘neo thần’ này, dù ‘đang bị xiềng xích vì Đức Kitô’ trong ‘hỏa ngục đời đời’ của ngục thất, qua lá thư Người viết cho các chủng sinh chủng viện Kẻ Vĩnh: ‘Ngục thất này quả là hình ảnh sống động của hỏa ngục đời đời: ngoài gông cùm, xiềng xích… lại còn những lời tục tĩu,… những hành vi xấu xa… cả ruồi muỗi rận rệp… Lạy Chúa, làm sao con sống nổi khi hằng ngày con thấy quan quyền và thuộc hạ nói phạm đến Thánh Danh Chúa… Kìa Thập giá của Chúa bị kẻ ngoại chà đạp dưới chân… Chứng kiến tất cả cảnh này, vì cháy lửa yêu mến Chúa, con thà chịu chết và chịu phân thây để chứng tỏ lòng con yêu mến Chúa… Tôi viết cho anh em những điều này để chúng ta hợp nhất với nhau trong đức Tin. Giữa cơn bão táp này, tôi đã thả một cái neo vào tận ngai Thiên Chúa: Đó là niềm hy vọng luôn sống động trong lòng tôi’.

Sáu

Giáo phận chúng ta nhấn mạnh niềm xác tín: Để ‘Đức Cậy’ mang chất ‘sống’ cho người hành hương, thì thiết yếu cần nối vào nguồn ‘Lời Chúa và Thánh Thể’. Thánh Công đồng Vaticanô dạy Hội Thánh quý trọng Lời Chúa như quý trọng Thánh Thể (x. Vat. II, PV s. 6).

Đặt mình vào nhóm mười hai Tông đồ nơi cử hành Tiệc Ly, ta ‘nghe được’ (1Ga 1:1) ‘Lời đời đời bền vững đã đi vào thời gian. Thiên Chúa đã nói Lời vĩnh cửu của Ngài theo cách thức nhân loại. Lời của Ngài ‘đã trở nên người phàm’ (Ga 1:14; 1Pr 1:25). Lời nghe được bằng ngôn ngữ ‘người phàm’, phù hợp cho người phàm nhận biết Chúa Cha, và Đấng Chúa Cha sai đến thế gian, thấm nhuần Tình Yêu Thánh Thần, thấy được lẽ sống và nghiệm ra phước thật siêu việt lịch sử… Đây chính là Tin Mừng’ (x. Verbum Domini s. 1.2).

Đặt mình là người đồng bàn với nhóm mười hai nơi cử hành Tiệc ly, ta ‘thấy được’, ‘đụng chạm được’, để ‘chiêm ngưỡng được’ (1Ga 1:1) ‘Thánh Thể’. ‘Giêsu Thánh Thể’ cuốn hút ta vào nỗi khao khát mãnh liệt của Chúa, vào hiện diện mới mẻ tuyệt đối, vào bữa tối cuối cùng trong thời khắc lịch sử chẳng hề nhòa phai: ‘Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha, đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian, thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng’ (Ga 13:1)… Chúa ngỏ lời: ‘Thầy những mong ăn lễ Vượt qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình’ (Lc 22:15)… ‘Cầm lấy bánh và tạ ơn, Ngài bẻ ra và ban cho họ mà rằng: Này là Mình Thầy, phải thí ban vì các con. Hãy làm sự này mà nhớ đến Thầy. Và chén sau bữa ăn cũng như vậy mà rằng: Chén này là Giao ước mới trong máu Thầy, phải đổ ra vì các con’ (Lc 22:19.20).

Bảy

Anh chị em rất thân mến,

Làm người tại thế, chúng ta sống trong thời gian, biến dịch… Năm Thánh sẽ kết thúc vào Chúa nhật 28 tháng 12 năm 2025 tại các Hội Thánh địa phương. Tại Vatican, ngày 06 tháng 01 năm 2026, Đức Thánh Cha sẽ đóng Cửa Năm Thánh của Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô.

Cửa Năm Thánh đóng lại nhưng lòng chúng ta không đóng lại… những hạt mầm sự sống Phục sinh của ‘Niềm Hy vọng không làm thất vọng’ tiếp tục được ấp ủ trong cõi sâu thẳm ‘đóng lại’ của tâm hồn, chờ ngày trổ sinh bông trái…

Hội Thánh xin các mục tử, tham khảo những hướng dẫn từ Tòa Thánh và Giáo phận, với phương thức hiệp hành, bàn thảo với mọi thành phần Dân Thánh trong Giáo xứ, giúp nhau hành hương nguyện cầu trong Năm Thánh.

Các hoạt động Năm Thánh đa dạng nhưng xin quy về ba mục tiêu sau:

(1) Khơi lên niềm khao khát đọc và thưởng thức từng trang Kinh Thánh… như con cái trên hành trình xa quê bão gió mịt mù, nhận được trang thơ, là sự hiện diện ‘gần bên mà đi’ (Lc 24:15), là sự an ủi soi sáng thân tình của Mẹ Cha đang chờ mong nơi quê nhà…

(2) Cử hành Phụng vụ Thánh, đặc biệt Thánh lễ, sao cho toàn thể Dân Thánh hằng ngày đáp lại được nỗi niềm cháy bỏng của Chúa Giêsu: ‘Thầy những mong ăn lễ Vượt qua này với các con trước khi Thầy chịu khổ hình’ (Lc 22:15)…

(3) Sống thực mầu nhiệm được tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: ‘Các Thánh cùng thông công’ và tinh thần loan báo Tin Mừng (Ad Gentes): ‘Hãy nới rộng lều anh em đang ở, căng các tấm bạt ra, đừng hẹp lòng hẹp dạ. Nối dây thừng dài thêm, đóng cọc lều cho chắc’ (Is 54:2).

Sau một buổi cầu nguyện, Thánh Augustinô nói với cộng đoàn: ‘Tôi cất sách đây, còn anh em, ai sẽ về nhà nấy… Chúng ta sắp xa nhau, nhưng đừng ai xa Chúa’ (Bài đọc 2 - Giờ Kinh Sách - Thứ Ba, Tuần 34 Thường niên).

Trước khi dừng viết trang thư định hướng mục vụ này, tôi xin thưa một lời, trong ý thức ‘ngôn bất tận ý’, lời tri ân chân thành đến từng gia đình anh chị em về tấm lòng quảng đại giúp đỡ đồng bào lâm nạn, bão lụt: ‘Một miếng khi đói bằng một gói khi no’… Đồng thời về sự quan tâm giúp đỡ hằng năm anh chị em dành cho những hoạt động mục vụ của Giáo phận. Những người hữu trách ý thức cẩn trọng khi sử dụng từng xu vào những công việc đích đáng cho ‘Sáng Danh Chúa’ và ‘Lợi ích các tâm hồn’.

Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Núi Cúi, Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và của Thánh Cả Giuse, Bổn mạng Giáo phận, nguyện xin Chúa dìu dắt Giáo phận thân yêu trong Năm Thánh và cho mỗi tín hữu chúng ta trải nghiệm mình là ‘môn đệ Chúa yêu’ (Ga 13:23; 19:26).

Thân mến chào anh chị em!

Tòa Giám mục Xuân Lộc, ngày 28 tháng 11 năm 2024

(đã ấn ký)

+Gioan Đỗ Văn Ngân

Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :