jos nguyen

Cha mẹ làm thế nào để khuyến khích sự ham học ở trẻ


In
Để giúp cho việc học của con cái khởi đầu một cách tốt đẹp, không nhất thiết cần đến những sự nỗ lực phi thường hoặc một sự khuyến khích cực độ nào.
Bạn không cần phải có trình độ về tâm lý trẻ con. Việc nuôi dạy một đứa trẻ không đòi hỏi “những người bảo dưỡng được huấn luyện” để cung cấp những kiến thức chuyên môn mà những bậc cha mẹ còn thiếu. Trái lại, bạn chính là người có khả năng nhất trong việc dạy và hướng dẫn những đứa con bé nhỏ của bạn, bởi vì con trẻ là một phần của bạn và chúng yêu bạn.
Bạn nên cung cấp đủ 5 thành phần trong những năm trước khi cắp sách đến trường: tình yêu, sự bảo vệ và chăm sóc của bạn; thời gian của bạn; một môi trường học tập tích cực; một thái độ xem trọng việc học hỏi; và giáo dục về mặt đạo đức nghiêm ngặt.

1. Tình yêu, sự bảo vệ và chăm sóc của bạn
Mọi đứa trẻ đến với thế giới này đều rất yếu ớt và cần được bảo vệ. Dù chỉ trong ít tiếng đồng hồ, để có thể sống sót, trẻ cần người lớn cho ăn, cần có chỗ nương náu, cần sự ấm áp và chăm sóc. Nhưng việc đáp ứng những nhu cầu thể lý của trẻ chỉ mới là sự khởi đầu. Để phát triển khoẻ mạnh, ngay từ lúc ban đầu, trẻ cần một gia đình. Sự tận tuỵ sâu sắc từ ít nhất một người lớn biết quan tâm và có trách nhiệm là điều hết sức quan trọng. (Rõ ràng việc có được cả bố lẫn mẹ trong gia đình là một sự an bài tốt nhất.)
Một tình yêu mạnh mẽ và một sự tận tâm vô bờ bến của ai đó, là những điều mà đứa trẻ có thể học được cách yêu thương lại. Đây chính là nền tảng cho việc phát triển về nhân cách và về mặt cảm xúc. Không có gì quan trọng hơn việc cho con cái bé bỏng của bạn cảm giác được yêu thương và được chăm sóc, và làm cho trẻ tin tưởng rằng chúng có thể tin cậy nơi bạn về việc nuôi dưỡng và bảo vệ.
          Mối liên kết về mặt cảm xúc gắn chặt giữa cha mẹ và con cái có những ảnh hưởng đáng kể lên sự giáo dục. Những đứa trẻ sắp đến trường có cảm giác được yêu thương, thường tự tin, và sự tự tin đó giúp cho việc tìm hiểu về thế giới mới dễ dàng hơn.
          Mối quan hệ yêu thương và tin tưởng giúp gia tăng sự ham mê học hỏi những điều mới mẻ nơi trẻ. Ví dụ, một đứa trẻ thích học đọc bởi vì trẻ muốn làm vui lòng cha mẹ, những người nhìn thấy trẻ đang đọc, và những người đang khuyến khích những nỗ lực của trẻ trong việc học đọc. Con cái thích học bởi vì chúng yêu cha mẹ chúng và biết cha mẹ cũng yêu thương mình!
          Tạo một mối quan hệ gần gũi với trẻ là một phần tự nhiên trong quá trình nuôi dạy con cái. Hầu hết những người cha, người mẹ không cần đến sự chỉ dẫn ở bước này; những biểu hiện yêu thương phát xuất từ trái tim. Những hành động và cử chỉ theo bản năng thông thường bạn muốn bày tỏ đối với trẻ, chính là những gì trẻ cần để có được nhận thức về sự nuôi nấng và bảo vệ.
          Ôm ấp và âu yếm trẻ từ lúc mới sinh, nói chuyện với trẻ, chơi cùng trẻ, đặt ra những nguyên tắc tốt cho trẻ, không ngừng nói cho trẻ biết bạn yêu trẻ - những hành động và biểu hiện ấy có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của trẻ và việc học của trẻ sau này.
          Trẻ con cố gắng khi chúng có những người cha mẹ yêu thương và đáng tin cậy, cho dù gặp bất cứ điều gì trong cuộc sống, trẻ đều biết rằng có ai đó sẽ luôn chăm sóc chúng, bảo vệ chúng và chỉ cho chúng biết đâu là ranh giới của những hành vi tốt.
          Khi con cái còn nhỏ, việc học hành và yêu thương phải luôn đi đôi với nhau.
          2. Thời gian của bạn
          Cách tốt nhất để biểu hiện tình yêu thương của bạn và giúp con trẻ học hỏi, chính là dành thời gian ở cùng trẻ.
          Để có được những thái độ và thói quen tốt, cần có thời gian. Để có những mẫu gương tốt, cần có thời gian. Sự động viên mà con bạn cần - để học cách bước lên cầu thang, để đọc những chữ cái đầu tiên, hoặc học cách viết tên - cần đến thời gian và sự hiện diện của bạn. Bạn cần phải luôn có mặt, điều này có lẽ còn hơn cả sự tưởng tượng của bạn.
          Những năm gần đây, sự phân biệt rõ “chất lượng thời gian” và “số lượng thời gian” trở nên rất phổ biến. Một số bậc cha mẹ biết rằng mình chỉ có thể dành ít giờ cho con cái, vì thế họ cùng chia sẻ thời gian ấy một cách hữu ích.
          Sự thật là trẻ con không thể phát triển được chỉ với một ít sự chăm sóc của bố và mẹ. Trẻ cần có được sự đồng hành thường xuyên, mới có thể học được từ bạn. Đây có thể là một thực tế khó chấp nhận trong thời đại ngày nay, nhưng đó chính là sự thật. Đối với con trẻ, chất lượng về thời gian đồng nghĩa với số lượng thời gian. Đối với việc dạy và học, không gì có thể thay thế được thời gian ở bên nhau thật nhiều - và trẻ con biết điều đó.
          Trong mắt trẻ, sự hiện diện của bạn trong cuộc sống của chúng là bằng chứng chứng minh rằng bạn quan tâm và chú ý đến chúng. Nó chứng tỏ trẻ là trên hết, chứ không phải công việc hay bạn bè của bạn, hoặc những trận bóng trên ti vi. Trong quyển sách Đứa trẻ bị hối thúc, tác giả - Giáo sư David Elkind - đã kể lại một cuộc trò chuyện mà ông vô tình nghe được khi đến thăm lớp mẫu giáo của con trai.
          Đứa trẻ A: “Bố của tớ là một bác sĩ, ông kiếm được rất nhiều tiền và nhà của tớ có hồ bơi.”
          Đứa trẻ B: “Bố của tớ là một luật sư, ông bay đến Washington và có cuộc nói chuyện với Tổng thống.”
          Đứa trẻ C: “Bố của tớ mở công ty riêng và nhà tớ có máy bay riêng.”
          Con trai tôi (dĩ nhiên với vẻ tự tin): “Bố tớ đang đến kìa!”, và nhìn một cách hãnh diện về hướng của tôi.
          Hãy luôn nhớ những năm trước tuổi cắp sách đến trường, là rất đặc biệt, vì trong khoảng thời gian này, con của bạn ở bên cạnh bạn nhiều hơn bất cứ ai khác. Trẻ quan tâm đến những gì bạn nói (hầu hết mọi lúc). Bạn chính là người bạn thân thiết và tốt nhất của trẻ. Thời gian sau đó, trẻ thường ở những nơi khác: ở trường, ở với bạn bè, trong phòng riêng, ở xa bố mẹ. Những năm trước tuổi cắp sách đến trường mang đến nhiều cơ hội nhất để được ở cùng nhau. Đừng bỏ qua những cơ hội đặc biệt ấy.
          Thời gian làm việc lặt vặt trong nhà, chính là thời gian dạy học
          Nếu bạn cũng giống như hầu hết các bậc cha mẹ khác, thì đa phần thời gian ở cùng con trẻ cũng chính là lúc làm công việc lặt vặt trong nhà. Chắc chắn bạn thích dành hầu hết thời gian trong ngày để đọc, đi sở thú hoặc chơi những trò chơi “mang tính giáo dục” giúp cho trẻ phát triển. Nhưng tiếc thay, bạn còn phải thay nhớt xe, dọn cỏ sân sau, đem rác đi đổ và dọn sạch phòng ngủ để trống trước khi Chú George đến thăm. Tin tốt lành, chính là những công việc lặt vặt ấy cũng có ích cho việc dạy học. Chỉ với một tí cố gắng, bạn có thể biến rất nhiều công việc nội trợ trong ngày thành cơ hội tốt cho việc dạy dỗ con cái.
          Trẻ có thể học được rất nhiều điều khi ở cùng bạn nếu bạn nói chuyện với chúng trong lúc làm việc. Đừng bao giờ cảm thấy phiền phức vì có trẻ bên cạnh. Hãy giải thích những việc bạn đang làm. Nói cho trẻ biết tại sao bạn làm những việc ấy. Chúng sẽ học được rất nhiều loại từ vựng khác nhau và tiếp thu kiến thức về sự vật và cách thức chúng hoạt động.
          Hầu hết các hoạt động trong gia đình đều trở thành một bài học gần gũi. Lên danh sách những món cần đi chợ, có thể là cơ hội hoàn hảo cho việc thực tập nhận dạng mặt chữ (“Mẹ muốn viết từ bơ. Con có nhớ chữ cái đầu tiên là gì không?”)
          Việc nấu nướng luôn gắn liền với việc cân, đo, đong, đếm. (“Mẹ phải đong đầy một nửa chiếc cốc này. Con có thể nói mẹ dừng khi sữa lên đến mức này được không?”)
          Việc giặt giũ có thể là một trò chơi phân loại. (“Con có thể giúp mẹ lựa những đôi vớ để qua đống này và những chiếc áo sơ mi để qua đống bên kia được không?”)
          Rải những câu hỏi của bạn trong suốt những công việc thường nhật. Trong lúc chạy xe đi công việc: “Ai có thể đếm xem có bao nhiêu chiếc xe màu xanh lá trên đường nào?” Trong lúc học: “Có bao nhiêu quyển sách trên bàn?
          Những công việc thường nhật có thể dẫn đến hàng loạt những kỹ năng tổ chức và giải quyết vấn đề, những kỹ năng mà con trẻ của bạn sẽ cần đến một ngày nào đó để hoàn tất nhiệm vụ ở trường và những dự án trong công việc. Trẻ có thể học được tầm quan trọng của việc lên kế hoạch trước, kế đến là thực hiện kế hoạch đã đề ra. Dần dần, trẻ sẽ hiểu được rằng mỗi một việc lớn bao gồm một loạt những công việc nhỏ hơn. Trẻ biết rằng làm việc là cách thức để hoàn thành. Khi trẻ giúp đỡ, trẻ học được cách làm việc theo nhóm.
          Những bài học về tính cách nào đó sẽ cũng sẽ thấm dần qua đó. Bằng cách quan sát bạn, trẻ học được việc kiên trì làm việc cho đến khi hoàn thành. Chúng biết được làm thế nào để hoàn tất công việc một cách trọn vẹn và có trách nhiệm. Nếu được cho cơ hội đóng góp nhỏ vào một việc nào đó, trẻ bắt đầu học được sự thoả mãn khi công việc hoàn tất tốt đẹp.
          Trên tất cả, hãy luôn nói chuyện. Sự khuyến khích, trao đổi ý kiến và những câu trả lời mang tính gợi ý sẽ giúp xây dựng các kỹ năng, hãy biến thời gian làm việc lặt vặt thành thời gian dạy học, hãy làm cho thời gian ấy vui thú hơn cho cả bạn và trẻ.
          3. Một môi trường học tập tích cực
          Một trong những công việc cơ bản của bạn chính là tạo cho trẻ những trải nghiệm gợi tính tò mò của trẻ và cung cấp kiến thức cơ bản về thế giới xung quanh. Điều này không có nghĩa là dồn trẻ bằng những lời khen ngợi sáo rỗng và giả tạo suốt cả ngày, hay đi tìm mua rất nhiều những thiết bị “giáo dục” đắt tiền, hoặc đăng ký cho trẻ tham gia trường mẫu giáo đắt tiền nhất thành phố.
          Điều cần thiết nhất, chính là biết chắc trẻ có những điều chúng thích làm. Vì thế giới xung quanh quá mới mẻ đối với trẻ, và theo lẽ tự nhiên, trẻ muốn khám phá nó, đây không phải là một việc khó khăn. Sự thật là, ở lứa tuổi này, một “môi trường học tập” thường bao gồm những hoạt động thường ngày - chơi đồ chơi, quan sát ba mẹ làm công việc lặt vặt hoặc chạy chơi trong sân.
          Hãy giới thiệu cho trẻ những trải nghiệm rộng lớn hơn khi trẻ lớn. Một đứa trẻ tập bò là cậu bé Marco Polo, cậu nôn nóng tìm hiểu hết tất cả những ngóc ngách bí ẩn trong phòng khách và nhà bếp. Hãy cho trẻ sự tự do khám phá trong vòng giám sát của bạn. (Chắc chắn là bạn đề phòng những vật trong nhà không thể để trẻ phá!)
          Khi trẻ lớn hơn, cho trẻ cơ hội ngắm cảnh. Dẫn trẻ cùng đi mỗi khi đi ngân hàng hoặc đến cửa hàng dụng cụ và đồ dùng trong nhà. Hãy qua nhà hàng xóm để xem chú chó con của họ. Hãy tìm một ngọn đồi để đứa con đang chập chững đi của bạn chạy lên xuống. Bất cứ nơi nào bạn đi, luôn có điều gì đó gợi trí tò mò và học hỏi của trẻ.
          Khi trẻ đến tuổi đi mẫu giáo, hãy tổ chức những “cuộc tham quan” để tìm hiểu những nét mới nơi thế giới xung quanh. Hãy dành thời gian buổi trưa nơi bảo tàng khoa học. Dẫn trẻ đến sân bay xem máy bay cất cánh và hạ cánh. Hoặc đi ra vùng thôn quê để mua bí đỏ. Nằm ngắm mây giữa trưa hè. Và lẽ dĩ nhiên, đọc đủ mọi loại sách cho trẻ nghe.
          Giới thiệu trẻ với những người khác nhau: những người bà con xa, những người hàng xóm và những nhân vật trong cộng đồng. Chỉ cho trẻ biết cảnh sát, lính cứu hoả, người đưa thư. Những đứa trẻ không biết ai ngoài gia đình sẽ khó phát triển trong một thế giới rộng lớn hơn và có thể sẽ quá tin người hoặc quá ngờ vực người khác.
          Lựa chọn những đồ chơi mang tính dạy học.
          Đồ chơi là “dụng cụ” học tập dành cho bé sắp đi nhà trẻ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng giá trị mang tính dạy học của đồ chơi hiếm khi có liên quan trực tiếp đến việc đồ chơi ấy sử dụng bao nhiêu pin hoặc đèn chớp. Giá của món hàng không thay đổi điều gì tốt hơn cho con bạn. Những món đồ chơi đắt tiền được quảng cáo dùng để dạy trẻ thường có “giá trị giáo dục” ít hơn những chiếc bình hoặc chiếc muỗng gỗ lớn trong nhà bếp. Những phần mềm tin học thường tốt cho trẻ hơn là ngồi xem ti vi. Chắc chắn là không gì bổ ích cho bằng việc cùng bố mẹ đọc sách, học đếm, chơi trò chơi hoặc đi dạo trong công viên.
          Thường thì những món đồ chơi đơn giản nhưng lại cần đến trí tưởng tượng và sức lực. Đối với những trẻ sắp đến tuổi đi học, những trò chơi ngày xưa khi còn nhỏ bạn thường thích chơi vẫn có thể áp dụng: những quả bóng, khối hình, đồ hàng, những chiếc vòng nhựa, những mẩu xếp hình đơn giản hoặc hộp cát. Một chiếc hộp đựng đầy đủ: giấy vẽ, bút màu sáp, bảng viết có thể xoá được, keo, nút, cuộn chỉ, kéo an toàn chính là chiếc hộp kho báu dành cho trẻ sắp đến tuổi đi học. Một chiếc giỏ lớn đựng đầy những bộ đồ và trang phục hoá trang của người lớn (những chiếc vương miện rẻ tiền, áo giáp nhựa, những chiếc vòng cổ cũ) là những món đồ đa số trẻ con đều rất thích.
          Không cần thiết phải liên tục mua sắm đồ chơi mới. Đa số cha mẹ sau cùng mới nhận ra rằng càng mua nhiều đồ chơi, họ càng thấy nhiều đồ chơi hơn bị quăng ra phía sau tủ không chạm đến. Trẻ con có quá nhiều thứ để chơi thường chơi hết cái này đến cái khác mà không hề quý cái nào cả. Thật trớ trêu khi càng có nhiều đồ chơi càng dễ chán - hoặc tệ hơn nữa đối với đứa trẻ hư hỏng và không biết ơn luôn nghĩ chúng sẽ được cho món quà khác.
          4. Thái độ xem trọng việc học hỏi
          Làm thế nào biết rằng con bạn xem trọng việc học hành? Trước hết, có lẽ quan trọng nhất chính là thông qua gương của bạn. Hành động của bạn luôn có tiếng nói đối với trẻ. Bạn đọc sách, nói ra những điều ngạc nhiên, chỉ sự vật và thể hiện sự quan tâm đối với thế giới, chính là những dấu hiệu thể hiện thái độ của bạn về sự học hỏi.
          Bạn cũng có thể truyền lý tưởng về học hành bằng biểu hiện phấn khởi trước những khám phá và những gì trẻ làm được. Sự nhiệt tình rất dễ dụ trẻ con. Nếu trẻ nhìn thấy phản ứng nồng nhiệt của bạn trước nỗ lực học tập của chúng, chúng cũng sẽ ham học hơn. Hãy hỏi xem trẻ đang làm gì và trả lời bất cứ câu hỏi nào của trẻ. Tham gia vào những hoạt động của trẻ bằng cách giới thiệu với trẻ một quyển sách hoặc một loại trò chơi mới, hoặc giúp trẻ với những gì trẻ đang gặp khó khăn. Thậm chí chỉ là chơi cùng trẻ cũng thể hiện được sự quan tâm của bạn đến những gì trẻ đang học.
          Hãy nhớ rằng khó có ai có thể thay thế vị trí của cha mẹ khi đứa trẻ cần đến sự động viên trong học tập. Ngược lại, không ai khác vui mừng hơn bạn khi trẻ bước được bước đầu tiên, hoặc nói được từ đầu tiên, hoặc lần đầu tiên đếm được đến 10. Không ai khác tỏ vẻ quan tâm đến cục đất sét méo mó mà trẻ bảo là con voi. Bạn càng ở bên cạnh động viên những nỗ lực của trẻ, trẻ sẽ càng ham học hỏi.
          Những phản ứng của người lớn có ý nghĩa rất quan trọng. Hãy tưởng tượng 3 đứa trẻ, mỗi một đứa thường nhận được những lời như sau:
          Cảnh 1:
          Bé gái: “Bố ơi! Hãy xem con tìm được gì nè!”
          Bố: “Xem con có gì nào? Chiếc lá thật đẹp. Con tìm thấy ở đâu vậy?”
          Bé gái: “Trong vườn ạ.”
          Bố: “Con nghĩ nó rơi xuống từ đâu?”
          Con gái: “Từ cây kia ạ.”
          Bố: “Bố cũng đoán thế. Nó thế nào?”
          Bé gái: “Giống như tờ giấy ạ.”
          Cảnh 2:
          Bé gái: “Bố ơi! Hãy xem con tìm được gì nè!”
          Bố: “Chúng ta phải đi thôi con yêu. Hãy bỏ lại đó đi.”
          Bé gái: “Một chiếc lá đỏ.”
          Bố: “Bố đã bảo con bỏ xuống. Có thể có côn trùng trên đó. Nhanh lên, chúng ta không có thời gian.”
          Bé gái (thả chiếc lá xuống): “Khiếp quá! Lá luôn có côn trùng trên nó.”
          Cảnh 3:
          Bé gái: “Xem con tìm được gì nè!”
          Cô trông trẻ: “Đẹp đấy.”
          Bé gái: “Một chiếc lá.”
          Cô trông trẻ: “Cô thấy rồi. Tại sao con không chơi đồ chơi đi?”
          Bé gái: “Con muốn cho bố xem chiếc lá này.”
          Cô trông trẻ: “Khi bố về, con đã ngủ rồi. Con biết điều đó mà. Con có thể cho bố xem vào dịp cuối tuần, được chứ?”
          Không khó để kết luận rằng tính tò mò của đứa trẻ nào được khuyến khích và sự tò mò của đứa trẻ nào bị làm cụt hứng, đúng không?
          5. Giáo dục về mặt đạo đức nghiêm ngặt ngay từ sớm
          Đứa trẻ học được những đức tính như: trách nhiệm, kỷ luật và kiên trì trước khi đến trường là khởi đầu tốt cho việc học sau này. Ngược lại, trẻ đến lớp với những thói quen xấu như lười biếng và không tôn trọng người lớn, thầy cô giáo khó sửa được điều đó. Khởi đầu với rất nhiều khó khăn trong việc giáo dục về sau.
          Điều này không có nghĩa là đứa con sắp đến tuổi đi học của bạn lúc nào cũng phải là một thiên thần. Tất cả trẻ đều thử những giới hạn và sai sót so với hành vi mẫu mực. Nhưng đến cuối cùng, mặc cho có ai đó nói rằng so với cách nuôi dạy của cha mẹ, bạn bè và văn hoá có ảnh hưởng nhiều hơn đối với hành động của trẻ, bạn vẫn phải là người chịu trách nhiệm. Bạn là người có trách nhiệm đối với cách mà con trẻ hành động.
          Bạn hãy dạy cho trẻ đức tính tốt theo rất nhiều cách. Bạn hãy dạy thông qua tấm gương tốt của bạn. Những đôi mắt nhỏ đang quan sát. Bạn làm sao, con trẻ làm theo như vậy. Bạn dạy những đức tính tốt thông qua việc đòi hỏi chấp hành những quy tắc kiên định và rõ ràng. Bạn cũng có thể giúp hình thành tính cách của trẻ thông quan việc nói với trẻ về hành động tốt và xấu. Có rất nhiều những lúng túng và những lời giễu cợt không có cơ sở về “đạo đức”. Trẻ nhỏ cần được nói cho biết về điều xấu và điều tốt, và nếu người lớn im lặng, không gì ngạc nhiên khi trẻ lớn lên và lúng túng trong cách hành xử của chúng. Cha mẹ có thể nói về đức tính tốt thông qua những hành động hằng ngày, cũng như qua những câu chuyện đọc cho trẻ nghe. Cha mẹ có thể nói về điều ấy trong mối tương quan với đức tin - điều mà đối với hầu hết chúng ta chính là nền tảng đạo đức.
          Giáo viên nói rằng rất nhiều ông bố bà mẹ thất bại trong việc dạy dỗ về mặt tính cách. Họ không gửi đến trường những đứa trẻ hành xử tốt, biết chịu khó và biết tôn trọng người lớn. Một giáo viên ở Texas nói: “Một số trẻ đến lớp với thái độ rằng chúng không cần phải lắng nghe bạn, rằng không phải vì bạn là người lớn, bạn có quyền bảo chúng phải làm gì. Chúng nghĩ chúng muốn làm gì thì làm, vì chúng không có lề thói đó từ gia đình.”
Thiên Ân dịch


jos nguyen

About jos nguyen

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :