jos nguyen

DẪN LỄ TUẦN THÁNH THÁNH 2012

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
 1. Dẫn nhập trước ca nhập lễ:
Cộng đoàn Dân Chúa hôm nay họp nhau để cử hành một thánh lễ đặc biệt: Lễ kỷ niệm việc Chúa Kitô khải hoàn vào thành Giêrusalem
để chính thức khai mạc “Hành trình Vượt Qua” của Người, tức là biến cố Người chịu khổ nạn đau thương và phục sinh vinh quang. Thật vậy, Chúa nhật hôm nay là Chúa nhật khai mạc Tuần Thánh, một tuần lễ đặc biệt nhất và cũng cao trọng nhất của Năm Phụng Vụ. Bởi vì trong Tuàn Thánh nầy, Hội thánh kỷ niệm lại những biến cố quan trọng nhất mà Chúa Kitô đã thực hiện để hoàn tất chương trình tôn vinh Thiên Chúa và cứu rỗi con người.
Giờ đây, chúng hãy sốt sắng hát ca nhập lễ, bước vào cử hành Phụng vụ Lễ Lá.
2. Dẫn nhập trước nghi thức kiệu lá:
Đây là một nghi thức giản đơn gợi nhớ lại việc Chúa Giêsu Kitô khải hoàn vào thành thánh Giêrusalem với tư cách là Đấng Được Xức Dầu, Đấng Thiên Sai, như lời loan báo của các sứ ngôn. Hành vi nầy của Chúa Giêsu chính là một tia sáng rọi chiếu vào hành trình khổ nạn của Ngài để báo trước rằng: Khởi từ thập giá, ánh vinh quang phục sinh bắt đầu chỗi dậy, cuộc toàn thắng và ơn cứu rỗi khởi sự thành đạt.
3. Dẫn vào các bài đọc Lời Chúa:
· Bài đọc 1: “Người Tôi Tớ đau khổ của Giavê” cho dầu phải chịu nhục hình vẫn đặt niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.
· Bài đọc 2: Chúa Giêsu Kitô đã tự hạ và vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên cây thập giá. Chính với sự tự hạ thẳm sâu đó, Thiên Chúa đã tôn vinh Người. Chúng ta cùng lắng nghe Lời Chúa.

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Dẫn nhập: Giáo hội, Mẹ Thánh của chúng ta, xưa cũng như nay đều lưu tâm đến việc cử hành phụng vụ của ba ngày trọng đại nầy - một danh xưng khác được dùng để chỉ ba ngày nầy đó là “Tam Nhật Vượt Qua” Tam Nhật Vượt Qua được bắt đầu với Thánh lễ Tiệc Ly chiều hôm nay và kết thúc vào chiều Chúa nhật Phục sinh.
Hôm nay, chúng ta bắt đầu ngày thứ I của 3 ngày Vượt Qua đó. Mỗi năm người Do-thái ăn mừng Lễ Vượt Qua, để tưởng nhớ lại việc Chúa giải thoát họ ra khỏi đất Ai-cập. Chúa Giêsu, mượn biến cố nầy để khai mào cuộc thương khó, khi Ngài cùng với các môn đồ thân tín dùng bữa ăn Vượt Qua. Nhưng Ngài muốn cho bữa ăn nầy trở thành bữa tiệc của một giao ước mới mà Ngài sẽ thiết lập, khi Ngài hy sinh đổ máu trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đồ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn và thức uống, đã trở thành Mình và Máu Ngài nuôi thế gian.
Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta tái diễn lại bữa tiệc của Chúa để tưởng niệm việc Ngài đã chết và sống lại, mừng vui vì Ngài hiện diện, và trông chờ Ngài lại đến. Nhưng hôm nay, đặc biệt hơn những ngày khác, chúng ta sẽ tưởng niệm chính ngày Chúa Giêsu lập phép Thánh thể và thiết lập chức linh mục Thượng phẩm, để qua Các Ngài, Chúa trực tiếp và hiện diện luôn mãi với nhân loại cho tới ngày Chúa lại đến phán xét nhân loại.
Hôm nay, Cha Chủ Tế sẽ làm lại những điều Thầy Chí Thánh đã trối làm giao ước ngàn đời, và trong nghi thức đó, có phần rửa chân các tông đồ. Ý nghĩa của việc rửa chân nói lên tinh thần Chúa muốn cho các tông đồ thực hiện, đó là phục vụ anh chị em mình. Ước chi qua những sinh hoạt trong đoàn thể và cộng đoàn nhất là khi xum vầy quanh Bàn Tiệc Thánh Thể như hôm nay sẽ giúp mỗi phần tử trong giáo xứ chúng ta mỗi ngày thêm gắn bó keo sơn.
Với những tư tưởng chuẩn bị cho thánh lễ Tiệc Ly chiều nay, giờ đây, chúng ta cùng hợp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ Tiệc Ly với bài ca nhập lễ sau đây: (Ca đoàn hát)
Dẫn vào các bài đọc Lời Chúa:
· Bài đọc 1: Thiên Chúa đã truyền cho Môisen và Aaron chuẩn bị Dân Do-thái ăn lễ Vượt Qua trên đất Ai-cập. Ngày nầy đã được ghi vào lịch sử của người Do-thái. Hằng năm họ cử hành lễ nầy để ghi nhớ biến cố Chúa đã đưa họ về Đất Hứa.
· Bài đọc 2: Thánh Phaolô thuật lại bữa ăn cuối cùng của Đức Kitô với các môn đồ. Bữa ăn tràn đầy lòng yêu mến, tha thứ và thông cảm nhau. Ước chi nhiều gia đình trong giáo xứ tạo cơ hội để có những buổi họp mặt các phần tử trong gia đình của mình qua những bữa cơm gia đình.
1. Nghi thức rửa chân: (Đọc sau bài giảng)
Trước khi làm hy tế trên thập giá và tự hiến mình làm của ăn cho môn đệ, trong giây phút trang nghiêm và cảm động nhất của Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã quỳ gối xuống rửa chân cho các môn đệ. Theo luật Do-thái, việc rửa chân là việc thấp hèn của người đầy tớ. Thế mà Chúa Giêsu đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ mình. Thầy lại rửa chân cho các đệ tử… Cho nên ông Phêrô phản ứng quyết liệt: "không đời nào Thầy lại rửa chân cho con". Nhưng qua cử chỉ khiêm nhường đó, Chúa đã trăn trối cho chúng ta bài học tâm phúc: "Nếu Thầy là Chúa, là Thầy mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng phải rửa chân cho nhau" (Ga 13,14-15).
Phần chúng ta, bài học về sự tự hạ và vâng phục của Chúa Giêsu cần thấm nhập vào chúng ta với ý nghĩa cao đẹp của nó. Cầu xin chúa cho chúng ta biết noi gương Chúa, quan tâm đến những nhu cầu của anh em và phục vụ tận tình trong tinh thần khiêm hạ của Chúa Giêsu.
2. Kiệu Mình Thánh Chúa qua bàn thờ phụ: (Đọc sau lời nguyện hiệp lễ)
Giờ đây, Mình Thánh Chúa được chuyển qua một bàn thờ phụ. Tất cả Mình Thánh Chúa còn lại hôm nay sẽ được chuyển qua và giữ lại tại bàn thờ phụ, để ngày mai chúng ta sẽ rước lấy, vì ngày mai, Thứ Sáu Tuần Thánh sẽ không có thánh lễ.
Đêm nay cũng là việc tưởng niệm Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh Thể, chúng ta hãy chạy đến với Người trong Nhà tạm.


 Dẫn nhập: Hôm nay ngày Đại tang của Giáo hội Công giáo, có thể nói, không những chỉ cho người Công giáo mà còn cho tất cả những người tin vào Chúa Kitô. Chiều hôm nay, chúng ta tưởng niệm về cái chết khổ nhục của Đức Kitô trên thập giá. Chúng ta cùng theo Ngài cho đến đỉnh đồi Calvariô, cùng với Mẹ Maria và người môn đệ Chúa yêu đứng dưới chân thánh giá, với chị em của Mẹ Ngài, với Maria Mađalêna, với người lính canh, với hai tên trộm và đông đảo dân thành Giêrusalem nữ.
Chương trình cứu chuộc Thiên Chúa Cha trao trong tay Đức Kitô nay đã hoàn tất. Tất cả cuộc đời nhập thế của Đức Kitô, từ giây phút đầu thai trong lòng Đức trinh Nữ Maria, cho đến lúc gục đầu xuống trút hơi thở cuối cùng đó là hoàn tất lời xin vâng tuyệt hảo Đức Kitô đã thực hiện từng ly từng tý thánh ý của Thiên Chúa Cha Thánh ý đó chính là sự mạc khải tình yêu và ý muốn cứu độ toàn thể nhân loại của Thiên Chúa Cha.
(Khi Chủ tế nằm phủ phục trước bàn thờ, người dẫn lễ đọc tiếp)
*Kính mời anh chị em quỳ xuống.
Giờ đây, cùng với linh mục đang nằm phủ phục trước bàn thờ, chúng ta cùng liên kết với Chúa Kitô, khi ngài sấp mình cầu nguyện trong vườn Giếtsêmani, trước khi vào cuộc thương khó.
“Lạy Chúa, chiều nay, chúng con cùng chia sẻ với Chúa và cùng đi theo Chúa trên bước đường dẫn đến núi Calvariô. Hiệp thông với Chúa, ít là những giây phút nầy, hy sinh những thời gian Chúa ban cho chúng con hưởng dùng, thông hiệp với Giáo Hội Hoàn Vũ cử hành mầu nhiệm Vượt Qua. Xin Chúa giúp chúng con khi cử hành Ba Ngày Vượt Qua Thánh nầy, mang lại phần ích cho chúng con và tha nhân.”
(Sau lời cầu nguyện trên đây, khi thấy linh mục đứng lên, thì dẫn lễ viên mời cộng đoàn đứngJ
*Kính mời anh chị em đứng lên.
(Nghi thức tưởng niệm bắt đầu với lời nguyện. Sau đó, dẫn vào các bài đọc như thường lệ.)
1. Dẫn vào các bài đọc Lời Chúa:
· Bài đọc 1: Đây là bài ca tuyệt hảo của tiên tri Isaia dâng lên Thiên Chúa Giavê. Người tôi tớ phải gánh chịu thay cho nhân loại những sự đau thương tủi nhục. Hình ảnh nầy không ai khác hơn là Đức Kitô trong tương lai.
· Bài đọc 2: Hình ảnh gương mẫu của Đức Kitô, theo như thánh Phaolô, đã trải qua những khổ nhục và vào vinh quang, nên Chúa đã hiểu những nhu cầu cần thiết của con người chúng ta vì Chúa đã sống thân phận con người như chúng ta.
(Sau bài Thương khó, là bài chia sẻ của linh mục. Sau bài chia sẻ, là Lời nguyện cầu cho mọi người. Đọc sau bài Thương khó, hoặc sau bài giảng nếu có).
Dẫn: Phần phụng vụ Lời Chúa sắp được kết thúc bằng lời nguyện chung. Những lời nguyện chung hôm nay mang tính cách quan trọng và đặc biệt. Vì đây là những lời cầu nguyện chính thức của Giáo hội cho mọi hạng người trên thế giới. Như thế, chúng vừa biểu lộ tính phổ quát của ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đem lại, vừa nói lên tính duy nhất của Giáo hội.
Lời nguyện chung mà chúng ta sắp đọc hôm nay, sẽ có 10 ý nguyện. Ngoài hai ý nguyện đầu và cuối ra, tám ý nguyện kia được xếp theo hai tiêu chuẩn: trước hết là dựa theo phẩm trật Hội thánh và sau đó dựa theo tiêu chuẩn những người gần gũi đức tin Công giáo hơn.
Giờ đây chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa những lời nguyện chân thành của chúng ta.
*Cầu nguyện cho mọi người
- Cho Hội thánh:
Anh chị em thân mến, ta hãy cầu nguyện cho Hội thánh Chúa. Xin cho Hội thánh được hiệp nhất và bình an, được Chúa bảo toàn ở khắp nơi trên hoàn cầu. Xin Chúa cũng ban cho ta được an cư lạc nghiệp hầu tôn vinh Người là Cha toàn năng.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho Ðức Thánh Cha:
Ta hãy cầu nguyện cho Ðức Thánh Cha Bênêđíctô Chính Chúa đã chọn người giữa hàng giám mục, xin Chúa cũng ban cho người luôn an khang để lãnh đạo toàn thể dân thánh.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho hàng giáo sĩ và giáo dân:
Ta hãy cầu cho Ðức giám mục Đaminh của giáo phận chúng ta, cho hàng giám mục, linh mục, phó tế, cũng như mọi người phục vụ dân thánh, và cho toàn thể cộng đoàn tín hữu khắp địa cầu.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cầu Cho Dự Tòng:
Ta hãy cầu cho anh chị em dự tòng. Xin Chúa thương soi sáng tâm hồn họ, để họ được hiểu biết Chúa hơn. Xin Người mở lượng từ bi ban cho họ ơn tái sinh nhờ bí tích Thánh tẩy, để họ được thứ tha tội lỗi và trở thành chi thể của Chúa Kitô.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho mọi tín hữu được hiệp nhất:
Ta hãy cầu cho mọi anh chị em cùng tin vào Ðức Kitô, và đang cố gắng sống theo sự thật, xin Chúa thương quy tụ và gìn giữ tất cả trong Hội thánh duy nhất của Người.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cầu cho người Do-thái:
Ta hãy cầu cho người Do-thái. Cha ông họ là những người đầu tiên đã được nghe lời Chúa phán dạy. Giờ đây xin Chúa làm cho họ ngày càng mến yêu danh thánh Chúa và trung thành với giao ước của Người.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho người ngoài Kitô giáo:
Ta hãy cầu cho những người ngoài Kitô giáo. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng dẫn đưa họ vào đường cứu độ.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho người vô thần:
Ta hãy cầu cho những người không nhận biết Thiên Chúa, nhưng vẫn sống theo lương tâm ngay thẳng: xin cho họ một ngày kia được gặp thấy Người.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho những nhà lãnh đạo quốc gia:
Ta hãy cầu cho những nhà lãnh đạo quốc gia. Xin Chúa thương soi trí mở lòng để họ biết hành động theo thánh ý mà tận tình lo cho dân nước được an cư lạc nghiệp và vui hưởng tự do.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
- Cho những người đau khổ:
Anh chị em thân mến, ta hãy cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng, dủ lòng thương giải thoát thế giới khỏi mọi sai lầm, khử trừ muôn bệnh tật, xua đuổi cơn đói kém, mở cửa ngục tù, bẻ tan xiềng xích, giữ gìn lữ khách được bình an, đưa kẻ tha hương về xứ sở, chữa lành các bệnh nhân, ban ơn cứu độ cho người đang hấp hối.
(Thinh lặng cầu nguyên. Rồi linh mục đọc…)
2. Hôn kính Thánh giá:
(Sau các Lời nguyện cầu cho mọi người. Khi người dẫn lễ đã thấy linh mục và đoàn giúp lễ xuất hiện ở cuối nhà thờ với cây thập giá giơ cao thì đọc:)
Giờ đây, chúng ta bắt đầu vào phần thứ II của cuộc tưởng niệm, đó là phần suy tôn và hôn kính Thánh giá Đức Kitô. Thánh giá là trung tâm điểm của đời sống người Kitô hữu chúng ta, là then chốt của đức tin. Thánh giá là hình thức tủi nhục dành cho tội nhân hèn hạ. Nhưng con người đã lầm, Thiên Chúa đã làm cho cây Thánh giá trở nên cao trọng và có ý nghĩa khác thường, khi Đấng Cứu Thế chịu treo trên đó. Qua chính thánh giá Chúa Giêsu đã vào vinh quang. Giờ đây, kính mời anh chị em hướng về cuối nhà thờ, để cùng với linh mục suy tôn thánh giá.
Chúng ta nên nhớ, ngày Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, nhưng cũng là ngày chúng ta sống trong bầu khí chiến thắng của Thập giá. Thập giá là Cờ Vua Cả chiến thắng. Kẻ thất bại là sự chết, là tội lỗi và ma quỷ.
Trong nghi thức này, chủ tế đưa cao Thánh giá 3 lần và hát ĐÂY LÀ GỖ THÁNH GIÁ, NƠI TREO ĐẤNG CỨU ĐỘ TRẦN GIAN, và cộng đoàn thưa CHÚNG TA HÃY ĐẾN THỜ LẠY.
Sau đó, mọi người thứ tự tiến lên hôn kính Thánh giá Chúa giữa những lời ca ngợi tình yêu nồng nàn của Chúa Giêsu.
3. Phần rước lễ: (Đọc sau khi hôn kính Thánh giá Chúa).
Dẫn: Chúng ta bước qua phần thứ ba cũng là phần cuối cùng trong nghi lễ hôm nay.
Ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Hội thánh không cử hành trọn vẹn các Bí tích. Ngày Thứ Sáu hôm nay không có Thánh lễ vì muốn nói lên sự liên kết chặt chẽ và duy nhất giữa Thứ Năm Tuần Thánh và Thứ Sáu Tuần Thánh. Vì thế, hôm nay giáo dân rước lễ với Mình Thánh Chúa đã được truyền phép trong Thánh lễ Tiệc Ly của ngày Thứ Năm hôm qua.
Giờ đây chúng ta chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa là của ăn quý giá cho linh hồn chúng ta.

CANH THỨC LỄ VỌNG PHỤC SINH

Dẫn nhập: Anh chị em thân mến,
Việc tưởng niệm Chúa Kitô chịu chết và sống lại đạt tới cao điểm trong đêm Vượt Qua nầy Đây là đêm mà người Do-thái ăn thịt chiên và được cứu thoát. Đây là đêm mà Chúa Kitô đã đập tan xiềng xích của tội lỗi và sự chết. Đây là đêm mà Giáo hội từ thuở ban đầu vẫn chờ mong Chúa đến.
Đêm Canh thức hôm nay gồm có 4 phần chính:
Phần I: là nghi thức rước nến Phục sinh.
Nến nầy, tượng trưng cho đám mây sáng khi xưa đã dẫn dân Dothái trên đường về Đất Hứa Ngày nay, nến nầy tượng trưng cho Chúa Kitô là Ánh Sáng thế gian.
Phần II: là phần phụng vụ Lời Chúa.
Đêm nay, chúng ta sẽ nghe ôn lại tất cả lịch sử của ơn cứu độ từ buổi khai thiên lập địa, đến biến cố dân Dothái qua Biển Đỏ cho đến biến cố Chúa Sống lại và Lên trời.
Phần III: là phần phụng vụ Phép rửa tội.
Hội thánh khắp nơi trong đêm nay hoặc là ngày mai, vui mừng đón tiếp anh chị em Tân Tòng, sau một thời gian đã được chuẩn bị, sẵn sàng được đón nhận vào Giáo hội Chúa qua bí tích rửa tội dịp nầy, toàn thể cộng đoàn Dân Chúa sẽ lặp lại lời cam kết khi chịu phép rửa tội qua phép rửa tội, chúng ta cùng chết với Chúa Kitô, để rồi cũng được sống lại với Người trong một cuộc sống mới.
Phần IV: là phần phụng vụ Thánh thể.
Bí Tích Thánh thể là tiệc thánh của giao ước mới Trong giao ước nầy, các môn đồ nhận ra Đức Kitô khi Người bẻ bánh. Ngài đã chết và sống lại và Ngài dùng chính Ngài làm của nuôi trần gian cho tới khi Ngài trở lại để phán xét trần gian.
Giờ đây, chúng ta cùng với Giáo hội hoàn vũ mở đầu phần canh thức đêm nay, bằng việc tham dự nghi thức làm phép nến Phục sinh. Kính mời anh chị em hướng về phía cuối nhà thờ, để tham dự nghi thức làm phép lửa và nến.
Hãy thắp lên ngọn lửa đức tin, soi sáng cho chính chúng ta và những người sống xung quanh, để họ cùng nhận biết Chúa Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Hãy thắp lên ngọn nến tâm hồn để hâm nóng tình nhân loại, để Chúa Kitô là Ánh Sáng luôn chiếu giãi trong lòng ta và lòng của thế giới nầy, cho đến khi chúng ta cùng tham dự bàn tiệc vĩnh cửu trên thiên quốc.
I. Nghi thức thắp Nến sáng: (Đọc khi đi ra)
Khởi đầu đêm Vọng Phục sinh hôm nay là nghi thức thắp nến sáng. Cây đèn Phục sinh, với mục đích làm nổi bật chủ đề "Chúa Kitô là Ánh Sáng thật đã bừng lên xua tan bóng tối của tội lỗi và sự chết". Gíao hội sẽ lần lượt cho chúng ta tham dự những nghi lễ sau đây: Làm Phép Lửa, Làm Phép Nến Phục Sinh, Kiệu Nến Phục Sinh và công bố Tin Mừng Phục Sinh.
1. Chủ tế làm phép rửa: (Đọc khi chủ tế ra tới lò lửa)
Bóng tối đang bao phủ chúng ta, đó là hình ảnh của tội ác, của sự chết, của ma quỷ. Lửa phát ra ánh sáng và sức nóng, là hình ảnh của Chúa Kitô. Ánh Sáng phá tan bóng tối sự chết và tội lỗi. Sức nóng nói lên tình yêu Thiên Chúa sưởi ấm tâm hồn chúng ta, dẫn lối cho kẻ đang bước trong đêm tối dày đặc.
2. Chủ tế làm Phép Nến: (Đọc ngay sau lời nguyện)
Cây nến sáng tượng trưng chính Con Người Chúa Kitô đã sống lại, lôi kéo chúng ta đi theo Ánh Sáng của Người.
Trên cây nến có cắm năm hạt hương, nhắc ta nhớ tới thuốc thơm tẩm xác Chúa Kitô và báo trước sự Phục sinh của Người. năm hạt hương cắm vào cây nến cũng nhắc chúng ta nhớ tới 5 thương tích vinh hiển trên thân xác Chúa Kitô.
Hai chữ AlphaÔmêga ám chỉ Chúa Kitô là Nguồn Gốc phát xuất và cũng là Cùng Đích mọi loài hướng về.
Con số thời gian 2012 nói lên Thiên Chúa đã có, đang có và tồn tại đến muôn đời.
(Đọc sau khi đốt Nến Phục Sinh - khi gắn 5 hạt hương xong)
3. Kiệu Nến Phục Sinh: (Đọc trước khi đi kiệu)
Kiệu Nến Phục Sinh ám chỉ Ánh Sáng của Chúa Kitô đi đến đâu sẽ chiếu sáng đến đó và phá tan âm mưu độc dữ của ma quỷ. Người chính là Ánh Sáng Chân Thật chiếu soi mọi người. Hãy đến gần Người, bạn sẽ được sáng.
Vì nến tượng trưng Chúa Kitô, nên chủ tế xông hương Cây Nến, là cử chỉ tôn thờ Chúa Kitô là Thiên Chúa đang hướng dẫn chúng ta đến với Ngưòi.
Giờ đây vị chủ tế sẽ cùng đoàn rước tiến vào nthờ. Trên đường đi, sẽ có 3 lần đưa Nến lên cao và hát: ÁNH SÁNG CHÚA KITÔ và tất cả mọi người chúng ta cùng đáp: TẠ ƠN CHÚA.
Cũng xin lưu ý: sau khi thưa tạ ơn Chúa lần thứ 2. Mỗi người chúng ta ai có nến sẽ được mồi nến của mình từ ngọn lửa của Nến Phục sinh truyền ra.
Xin mời cộng đoàn thắp nến (lúc đáp tạ ơn Chúa lần 2)
4. Công Bố Tin Mừng Phục Sinh: (Đọc khi chủ tế đặt Nến Phục sinh vào chân đèn xong)
Khúc ca hoan hỷ và khải hoàn sắp vang lên để kêu mời tất cả Thiên Sứ, nhân trần và tất cả Giáo hội hãy vui lên vì đây là một Đêm Hồng Phúc. Đêm nay xiềng xích tội lỗi đã bị bẻ tung và con người đã được giải thoát khỏi án tội tổ tông xưa.
Cây Nến Phục Sinh uy hùng đặt giữa cung thánh tượng trưng Chúa Kitô Phục Sinh, chiếu tỏa ánh sáng chan hòa khắp vũ trụ, tiêu diệt bóng tối.
Chúng ta hãy nhớ mình đang sống trong ánh sáng đó, nhờ ơn Bí tích Rửa tội, nhờ sự chết và sống lại của Đấng đã nói: "Ta là Ánh Sáng thế gian, ai theo Ta sẽ không đi trong tối tăm, nhưng sẽ được ánh sáng ban sự sống".
(Hát Mừng Vui Lên” xong: xin cộng đoàn tắt nến. Sau bài ca “Mừng Vui Lên” là phần phụng vụ Lời Chúa. Trước mỗi bài đọc sẽ có một lời nguyện. Sau mỗi lời nguyện dẫn lễ viên mới đọc bài giới thiệu dẫn vào bài đọc.
Phụng vụ Lời Chúa có tất cả 9 bài đọc: 7 bài trích trong Cựu ước và 2 bài trong Tân ước. Xin mời cộng đoàn ngồi)
II. Phần Phụng Vụ Lời Chúa
1. Bài đọc 1: Thiên Chúa ban sự sống
Bài đọc thứ nhất trích trong sách Sáng thế tả lại việc Chúa tác tạo vũ trụ … thế giới. Người thấy mọi sự đều tốt đẹp. Sau hết Người tạo nên nhân loại. Nhưng thế giới này chỉ là dự bị, tiên báo một thế giới khác. Ađam chỉ là một phác họa cho một Ađam mới, một con Người hoàn toàn, đó là Chúa Giêsu.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
2. Bài đọc 2: Thiên Chúa ban Con mình
Bài đọc thứ 2 trình thuật việc Abraham vâng lời sát tế người con duy nhất là Isaác, nhằm tiên báo cuộc hy sinh của Con Một Thiên Chúa. Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi đã bằng lòng để Con Một Người chịu chết vì ta.
Vì vâng phục và vì có một đức tin mạnh mẽ, Abraham được Chúa chúc phúc và hứa sẽ ban cho ông một dòng dõi đông đúc như sao trên trời và như cát bãi biển. Chúng ta nhờ sự vâng phục của Chúa Giêsu, sẽ được tái sinh và trở nên dân rất đông đảo của Thiên Chúa.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
3. Bài đọc 3: Thiên Chúa cứu độ
Bài đọc thứ 3 tả lại việc con cái Israel đi vào giữa lòng Biển Đỏ khô cạn và được bình an. Điều đó ám chỉ phép Rửa tội, như Thánh Phaolô đã viết: "Toàn thể những người dưới quyền Môsê chịu phép rửa dưới mây và trong biển …"
Chúng ta được rửa do Thánh Linh và nước. Như vậy, đám mây ám chỉ Thánh Linh và biển ám chỉ nước rửa tội.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
4. Bài đọc 4: Thiên Chúa mời gọi ta tới hạnh phúc
Bài đọc thứ 4 là lời tiên tri Isaia an ủi dân Israel đang bị lưu đày tại Babilon. Vì Israel bất trung, nên Chúa đã bỏ rơi họ. Khi họ sám hối, Chúa lấy lòng nhân từ vô biên mà quy tụ họ lại để họ vui hưởng nền hoà bình lâu dài. Nhân loại tội lỗi, nhưng Chúa không bỏ rơi. Người đã ra tay cứu rỗi và quy tụ về Giêrusalem mới là Gíao hội.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
5. Bài đọc 5: Thiên Chúa để cho ta tìm thấy Người
Bài đọc thứ 5, tiên tri Isaia loan báo:sẽ có một thời kỳ Israel vui hưởng ơn lành dồi dào. Đó là thời của Đấng Thiên sai. Khi đó, Chúa sẽ lập một giao ước mới. Chúng ta cám ơn Chúa, vì chúng ta đang được sống trong thời đại Tân ước đó.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
6. Bài đọc 6: Thiên Chúa ban cho ta một lề luật
Bài đọc thứ 6, tiên tri Barúc khuyên và nhắc dân Israel đang bị lưu đày tại Babilon: Hãy nghe Lời Chúa. Vì bỏ đường lối Chúa nên đã bị khổ nhục, và nếu tuân giữ giới luật Chúa sẽ được sốnt trong an bình và thịnh vượng.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng. Chủ tế đọc lời nguyện xong, xin mời cộng đoàn ngồi)
7. Bài đọc 7: Thiên Chúa nói với ta về dự định của Người
Bài đọc thứ 7, tiên tri Êdêkien đang sống với dân lưu đày tại Babilon, ông nhắc nhở dân bài học: vì những tội lỗi họ đã phạm, nên họ bị lưu đày. Nhưng Chúa sẽ cho họ về, sẽ có một dân mới, một tinh thần mới và Thần Khí sẽ ở với họ, họ sẽ biết nghe theo luật Chúa. Chúng ta nên nhớ: dân mới đó là Gíao hội Chúa Kitô ngày nay.
(Hát đáp ca xong, xin mời cộng đoàn đứng.Sau các bài đọc Cựu ước thì ca đoàn sẽ hát bài đáp ca và linh mục sẽ đọc lời nguyện. Các cây nến trên bàn thờ sẽ được đốt từ cây nến Phục sinh. Sau đó, linh mục sẽ xướng lên bài Vinh Danh.)
Giờ đây, chủ tế sẽ long trọng xướng Kinh Vinh Danh
(Khi xướng Kinh Vinh Danh xong thì giật chuông và đánh trống. Sau Kinh Vinh Danh và Lời nguyện đầu lễ, dẫn lễ viên sẽ đọc bài dẫn vào bài Thánh thư.)
Trước bài thánh thư: Cùng đích đời sống của người Kitô hữu là chính Chúa. Chính biến cố Chúa sống lại đã mang lại cho đời sống của những người tin vào Chúa Kitô một ý nghĩa sống đích thực.
Dẫn: (đọc ngay sau bài thánh thư).
Mời cộng đoàn đứng.
Chúng ta hân hoan hát bài ca Ha-lê-lui-a. Chủ tế sẽ long trọng hát trước và mọi người hân hoan lặp lại.
Ý nghĩa chữ Ha-lê-lui-a: chữ Ha-lê-lui-a lấy từ tiếng Do-thái, có nghĩa là “Hãy ca tụng Gia-vê Thiên Chúa”. Giáo hội quen dùng từ này để nói lên niềm vui, đặc biệt là trong mùa Phục Sinh.
Dẫn: (hát xong Ha-lê-lui-a). Xin mời cộng đoàn ngồi.
(Hát đáp ca.)
Tin mừng Năm B:
Xin mời cộng đoàn đứng.
III. Phụng vụ phép rửa (Sau bài giảng)
Xin mời cộng đoàn ngồi.
Sau đây là phần Phụng vụ phép rửa. Phần này gồm có nghi thức sau đây: Nghi thức làm phép nước và nghi thức lập lại lời tuyên xưng Đức Tin khi chịu phép Rửa Tội.
1. Nghi thức làm phép nước rửa tội:
Nước có tác dụng rửa sạch và đem lại sự sống. Chúa Kitô là nguồn sự sống. Những ai nhận lãnh Bí tích Rửa tội sẽ được tẩy sạch mọi vết nhơ tội lỗi và được thông phần vào đời sống mới trong Chúa Kitô.
2. Nghi thức tuyên xưng Đức tin:
Với nghi thức này Hội thánh muốn nhắc chúng ta nhớ lại lời hứa của chúng ta khi chiụu phép Rửa tội, để một lần nữa chúng ta xác tín hơn niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi và quyết tâm trung thành với Chúa cho đến cùng.
Lời nguyện cộng đoàn (Sau khi rảy nước thánh)
IV. Phụng vụ Thánh thể:
Dẫn: (đọc sau Lời nguyện cộng đoàn).
Đến phần phụng vụ Thánh thể, trong khi chúng ta hân hoan nhắc nhớ mầu nhiệm Chúa Kitô chết và sống lại, là nguồn sự sống của chúng ta, chúng ta cử hành Thánh lễ: Để nói lên việc cứu rỗi nhân loại là một việc đang diễn ra trên bàn thờ này, tại nơi đây. Chúng ta tin và nhìn nhận nhân loại đang được cứu rỗi hằng ngày hằng phút trên các bàn thờ. Và khi chúng ta tham dự mầu nhiệm Thánh Thể đó, chúng ta - những người tin - có bổn phận loan truyền và chiếu toả ánh sáng đức tin đó cho những người xung quanh.
(Thánh lễ tiếp tục như thường lệ). 

jos nguyen

About jos nguyen

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :