Unknown

Văn Hóa Truyền Thông


Những tháng đầu năm 2005, ai sống tại Rôma lúc đó cũng biết rõ các cách Đức Gioan Phaolô II, dù đang vật lộn với cơn bệnh hiểm nghèo, đã sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại ra sao để duy trì sự hiện diện mục vụ của ngài. Trong năm qua đời, ngài đưa ra hai tuyên bố quan trọng về tiềm năng phúc âm của nền văn hóa truyền thông hiện đại. 
Trong Tông Thư Về Việc Phát Triển Nhanh Chóng Của Kỹ Thuật, ngài có lời nhận xét tinh tường sau đây: “Các phương tiện truyền thông đã đạt được tầm quan trọng của các phương thế chính nhằm hướng dẫn và gợi hứng cho rất nhiều người trong tác phong bản thân, gia đình và xã hội của họ.
Chúng ta hiện đang đương đầu với một vấn đề phức tạp, vì nền văn hóa, một khi cắt đứt với nội dung của nó, sẽ phát sinh từ chính sự hiện hữu của các phương thế truyền thông mới với những kỹ thuật và từ vựng chưa từng được biết xưa nay” (số 3).

Truyền thông và truyền giáo

Trong thế giới hiện đại của ta, kỹ thuật truyền thông đã mở rộng theo cấp số nhân. Hơn bao giờ hết, xã hội ta là một “xã hội truyền thông”. Nhưng liệu chúng ta, những nhà truyền giáo của Tin Mừng, có theo kịp các phát triển kỳ diệu này, những phát triển thực sự đang tái định nghĩa thân phận con người và ý nghĩa xã hội nhân bản, ngay tại các vùng xa xôi hẻo lánh nhất của quả địa cầu? Các kỳ diệu của truyền thông hiện đại đã và đang biến việc hiệp thông và truyền thông hoàn cầu, lần đầu tiên trong lịch sử, trở nên thực hiện được một cách thực tiễn, dù không ai có thể nói rằng việc ấy đã xẩy ra rồi! Thay vì “phán từ trên cao”, từ tư thế một thẩm quyền tuyệt đối và không cần can dự, Giáo Hội ngày nay muốn bước vào cuộc đối thoại với những người chung quanh mình. Trong thông điệp đầu tiên của ngài, Đức Phaolô VI viết rằng: “Giáo Hội nên bước vào cuộc đối thoại với thế giới mình đang hiện hữu và sinh hoạt trong đó. Giáo Hội có điều muốn nói; Giáo Hội có sứ điệp để chuyển giao; Giáo Hội có một truyền thông để cung hiến” (Ecclesiam suam, số 65). Lời của ngài vẫn còn thách thức ta suy nghĩ lại các điều căn bản trong sứ mệnh truyền giáo của ta. 

Thế giới ngày nay không những là thế giới của kỹ thuật truyền thông đại chúng, mà còn là thế giới của thay đổi sâu sắc về văn hóa và xã hội, một sự thay đổi thường do hiện tượng hoàn cầu hóa và dị biệt hóa các phương tiện truyền thông mang tới. Điều này đòi một “sự thay đổi tận gốc các não trạng và thái độ’, nếu ta thực sự muốn “áp dụng việc dấn thân cho Tin Mừng vào các vấn đề cụ thể nhưng thường gây lúng túng trong việc phát huy con người ngày nay” (Nhập đề, Phát Huy Tôn Giáo Và Nhân Bản, 1978). 

Đức GH Gioan Phaolô II gọi thế giới truyền thông mới và truyền thông đại chúng là “thế giới văn hóa mới, đang xuất hiện, và là một loạt các phương tiện phục vụ truyền thông”; “giống bất cứ nền văn hóa nào, các phương tiện truyền thông đại chúng cần được phúc âm hóa” (Giáo Hội Tại Phi Châu, số 71).

Truyền thông hiện đại đang lên khuôn và đang tạo ra một nền văn hóa thế giới hoàn toàn khác. Các sứ giả đầu tiên của Tin Mừng vốn đã sử dụng kỹ thuật truyền thông của thời họ đến mức tối đa, đó là hệ thống truyền thông Rôma, ngôn ngữ và ý niệm Hy Lạp, chữ viết v.v… Trong việc truyền bá đức tin “mới” của họ, các nhà cải cách Thệ Phản đã sử dụng rất nhiều việc phát minh ra máy in. Các điển hình đẹp nhất trong việc phúc âm hóa luôn mẫn cảm về văn hóa và được thích ứng với các phương tiện truyền thông, vì họ biết sử dụng các điểm mạnh và các kỹ thuật của các nền văn hóa và văn minh khác nhau làm phương tiện chuyển giao sứ điệp.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông đại chúng đang tạo ra không phải chỉ là một thế giới mà còn là một nền văn hóa và một nền văn minh. Và Giáo Hội đã được sai đến cái thế giới ấy để đem Tin Mừng cứu độ đến cho họ. Bởi thế, các sứ giả của Tin Mừng phải bước vào thế giới này ngõ hầu để mình được thấm nhiễm nền văn minh và nền văn hóa mới nhằm học cho được cách sử dụng chúng (Đức Gioan Phaolô II, tài liệu đã dẫn)

Truyền thông và con đường trái tim

Thư thứ nhất của Thánh Gioan nhắc đến con đường trái tim khi ngài viết: “chúng ta đến để biết và tin vào tình yêu Thiên Chúa dành cho ta” (1 Ga 4: 16). Nhưng ngày nay, ta làm thế nào để truyền thông kinh nghiệm này trong một cuộc đối thoại sáng tạo và ăn nhập với thế giới hiện đại? Vì truyền thông vốn là việc chính yếu đối với ơn gọi, tinh thần và đặc sủng của ta. 

Cái nhìn thấu suốt của Đức Phaolô V nay vẫn còn giá trị: cách truyền thông là cách đối thoại. Đây không phải là diễn trình từ trên đi xuống nhưng là một diễn trình “bạn và tôi” (chúng ta). “Thế giới không thể được cứu vớt từ bên ngoài. Vì Lời Thiên Chúa đã trở nên một con người nhân bản, nên, đến một mức độ nào đó, con người nhân bản phải tự đồng hóa mình với các hình thức sống của những người họ muốn đem sứ điệp của Chúa Kitô tới” (Rao Giảng Tin Mừng, số 87). Đó chính là con đường của trái tim. Đức Phaolô VI viết tiếp: “trước khi nói, điều cần là phải lắng nghe, không những chỉ lắng nghe tiếng người, mà còn lắng nghe trái tim họ nữa… Tinh thần đối thoại là tình bằng hữu, thậm chí, còn là việc phục vụ nữa. Ta cần nhớ những điều đó và cố gắng đem chúng ra thực hành theo gương và lời truyền mà Chúa Kitô đã để lại cho ta”.

Trong thông điệp Redemptoris missio (37), Đức Gioan Phaolô II nhắc lại câu truyện Thánh Phaolô thích ứng “tin mừng” vào môi trường văn hóa và xã hội của các triết gia Nhã Điển (Cv 17: 16-31). Ngài nói rằng đồi areopagus trước nhất của thế giới hiện đại chính là “thế giới truyền thông, một thế giới đang hợp nhất hóa nhân loại và biến nó thành điều người ta vốn gọi là ngôi làng hoàn cầu”. Thế giới truyền thông đang thay đổi tác phong người ta một cách sâu xa. Rồi sau đó, ngài tự hỏi phải chăng các nhà truyền giáo ngày nay phần lớn đã làm ngơ các thách thức và khả thể của đồi truyền thông areopagus mới, vì họ chưa thực sự đảm nhiệm các trách vụ rao giảng Tin Mừng cho nền văn hóa hiện đại. 

Tuy nhiên, việc can dự vào các phương tiện truyền thông không chỉ có nghĩa là củng cố việc truyền giảng Tin Mừng. Ở đây, ta thấy một thực tại sâu sắc hơn nhiều: vì mọi việc phúc âm hóa nền văn hóa hiện đại đều tùy thuộc phần lớn vào ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông, nên sẽ không đủ nếu chỉ sử dụng các phương tiện này để truyền bá sứ điệp Kitô Giáo cho nền văn hóa mới do truyền thông hiện đại tạo ra. Đây là một vấn đề phức tạp, vì nền văn hóa mới phát sinh không phải chỉ từ bất cứ điều gì được nội dung cũa nó phát biểu ra, mà còn từ sự kiện này nữa: có những cách mới để truyền thông, với các ngôn ngữ mới, kỹ thuật mới và tâm lý học mới. Đức Phaolô VI cho rằng “việc tách biệt giữa Tin Mừng và văn hóa chắc chắn là thảm kịch của thời ta” và lãnh vực truyền thông quả đã xác nhận lời nhận định đó. Các nhận định của Đức GH vừa có tính thách thức vừa làm ta bối rối. Ngài nhắc ta nhớ rằng văn hóa luôn là tập chú và là môi trường của công cuộc phúc âm hóa. Liệu ta có đang làm ngơ không chịu đề cập tới nền văn hóa mạnh mẽ nhất thời ta, tức nền văn hóa do truyền thông đại chúng lên khuôn?

Chúa Ba Ngôi, chiêm niệm và truyền thông

Đường lối hiện hữu và hành động trong mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, tức đường lối hiệp thông/truyền thông, chính là trái tim của đời sống và sinh hoạt của Giáo Hội. Và như đoạn 1Ga 4 đã cho thấy: nền tảng của mọi sinh hoạt truyền thông và đối thoại luôn luôn phải là thái độ có tên là chiêm niệm, “chúng ta đến để biết”. Không có thái độ chiêm niệm chân chính, sẽ không thể có việc lắng nghe hay cởi mở thực sự đối với các chủ thể khác: với Thiên Chúa, với những con người nhân bản khác, với thế giới. 

Thái độ chiêm niệm đem đến cho ta một khoảng cách chủ yếu mà ta cần có để phán đoán và đánh giá các tín liệu được ta trải nghiệm. Trong một bài viết về toàn vẹn tính của ngôn ngữ thần học, Rowan Williams đã viết như sau: “Chiêm niệm là chiếm hữu một cách sâu sắc tính yếu đuối của bản ngã ta giữa ngôn ngữ và giao dịch của thế giới; nó nhận diện các bệnh lý gây hại thực sự của kiếp người, các ám ảnh đầy bạo lực của ta về ưu quyền, kiểm soát và thành tựu vì đã phát sinh từ việc từ khước không chịu biết và yêu bản thân mình như một tạo vật, một thân xác”.

Thái độ chiêm niệm là chiều kích không thể thiếu trong đời sống tôn giáo và cách thế đối thoại cũng như truyền thông của nó. Một thái độ như thế sẽ giúp ta khả năng gạt bỏ được những gọt dũa thao túng (spin), những hời hợt vốn là thành phần của nền truyền thông hiện đại. Chiêm niệm đem lại cho ta “khoảng cách” cần thiết để truyền thông và ngữ cảnh hóa một cách chân chính giữa một thế giới bị “siêu xa lộ tín liệu” tràn ngập. 

Thao túng kỹ thuật truyền thông

Điều khó hiểu một cách bi thảm là kỹ thuật truyền thông hiện đại rất dễ bị thao túng với mục đích phá hoại và làm mờ tối nền truyền thông chân chính. Trong lãnh vực thương mại, ta gặp ngành quảng cáo ở khắp nơi, nó tìm cách “lên khuôn” các nhu cầu và các đáp ứng của ta. Trong lãnh vực chính trị hiện nay, ta thấy người ta sử dụng kỹ thuật có tên là “spin”, tức gọt giũa tin tức cho phù hợp với một nghị trình chính trị đặc thù hay một tư lợi nào đó. Theo chiều hướng này, truyền thông có thể bị lợi dụng để thao túng một nền văn hóa xã hội, nói cách khác là để “phản truyền thông”. Cũng trong bài trên, Williams cho rằng ngôn ngữ chân chính (bằng lời hay bằng hình ảnh), tự bản chất, phải cởi mở, phải chào đón đối thoại. Truyền thông nào cũng là một hình thức của ngôn từ (discourse): mỗi mặt của ngôn từ chân chính đều sẵn sàng chào đón điều chỉnh, học hỏi, lắng nghe. Trong ngôn ngữ văn hóa hiện nay của ta, ngôn từ mang nhiều hình thức khác nhau: nó không phải đơn giản chỉ là vấn đề “từ ngữ” (words): có nhiều hình thức khác nhau của hành vi truyền thông, bằng lời, bằng thị giác, bằng biểu tượng, bằng thính giác, bằng chất dẻo, bằng hình vẽ… 

Mọi truyền thông, kể cả truyền thông thần linh, đều có đặc tính không hoàn tất (unfinished), đặc tính này nằm ngay trong bản chất của truyền thông. Nó là một chuyển động nhưng không hoàn tất. Các hình thức khác nhau của ngôn ngữ truyền thông hay ngôn từ có một nguồn gốc và một ý hướng từ nền tảng vốn có tính xã hội: mọi truyền thông đều là “hành động truyền thông”. Nhưng các hình thức khác nhau của ngôn ngữ hay hành động truyền thông đều có thể và thực sự đã bị thao túng, nhất là hình thức truyền thông bằng thị giác (truyền hình). Ngôn ngữ của truyền thông nào không cởi mở đều bị chính trị sử dụng làm phương thế biểu dương quyền lực. Truyền thông trở thành phương tiện để kiểm soát, của nô dịch ý thức hệ. Như thế, cái đẹp của truyền thông bị tha hóa, không còn là đường để cùng nhau đi tìm sự thật nữa. Điều này cũng xẩy ra đối với ngôn ngữ ta dùng để nói về Thiên Chúa; cả nó nữa cũng có thể bị sử dụng để thao túng các đáp ứng và thái độ nơi người nghe; đây là một thứ vô truyền thông đầy độc đoán. Phải nói ngay rằng đây không phải là cách Thiên Chúa tự truyền thông mình; truyền thông của Người là thứ truyền thông tự hủy (kenotic), truyền thông hy sinh, truyền thông đối thoại.

Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông cũng có thể trở nên thao túng ngay trong phương pháp luận của chúng. Điều này nêu ra nhiều câu hỏi nghiêm trọng về tính trung thực xã hội, về công lý, về sự phát triển nhân bản toàn diện, và về bản chất của sự thật. Việc thao túng của truyền thông như thế, một lần nữa, càng được dùng để nhấn mạnh tới tầm quan trọng của thái độ chiêm niệm. Có lẽ một trong các thách thức tông đồ lớn đang hiện diện trước mặt ta trong tư cách truyền giảng sự thật về Chúa, Đấng truyền thông cao cả, là thách thức giúp người ta phát triển một thái độ phê phán và sáng tạo hơn đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông.

Thách đố hiện nay của các phương tiện truyền thông đại chúng

Chắc chắn nền văn hóa đang thách thức Giáo Hội ngày nay là nền văn hóa của truyền thông đại chúng: các phương tiện truyền thông dưới mọi hình thức đa dạng của chúng. Con người nam nữ ngày nay, tất cả đều được các phương tiện truyền thông hiện đại đào luyện, dù tốt hay xấu, nhất là các phương tiện truyền thông thị giác (phim ảnh, truyền hình) và thế giới liên mạng (siêu xa lộ tín liệu). Như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II từng nói, các phương tiện truyền thông hiện đại đang tạo ra “các ngôn ngữ mới, các kỹ thuật mới” và, có lẽ quan rọng hơn cả đối với công cuộc phúc âm hóa, “một tâm lý học mới”. Trong các phương tiện truyền thông, có một sự tốt đẹp và một mưu tìm chân lý mà ta phải đối thoại với. Nhưng, ta phải có khả năng đối thoại với ngọn đồi areopagus mới này trong chính ngôn ngữ của nó. 

Nhiều hình thức của truyền thông đại chúng đem lại cho ta những cơ hội mênh mông đối với tình liên đới nhân bản, với thông tri, hiểu biết và đối thoại đầy cảm thương. Nhưng vì chính tính đại chúng và đa dạng của chúng, chúng rất dễ nuốt chửng tính cá thể, nhân cách và tính sáng tạo. Ngày nay, người ta hay nói tới “việc sói mòn lòng cảm thương” vì họ không thể đương đầu được với thảm kịch nữa. Do đó, trái tim ta có thể đã ra khô cứng, cảm thức nhân tính chung đã không còn. Trên đây, chúng ta có nói đến tính phổ quát của kỹ thuật gọt dũa tín liệu cho phù hợp với nghị trình chính trị hay tư lợi. Việc gọt dũa đầy thao túng này có cả trong lãnh vực chính trị, ý thức hệ và thương mại.

Đây là thách đố của ta. Trước nhất, ta phải phản ứng ra sao, phải đáp ứng như thế nào đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng hay giao tiếp với chúng? Ta phải giúp người khác ra sao để họ biết phản ứng và đáp ứng một cách sáng tạo và đầy cảm thương? Ta phải làm sao đem sứ điệp yêu thương và hiệp thông của Tin Mừng vào thế giới liên hành động này? Ta phải làm dễ dàng và hợp tác một cách sáng tạo ra sao để lên khuôn diễn trình hội nhập văn hóa hoàn cầu khiến nó nuôi dưỡng và củng cố đức tin, đức cậy và đức ái cũng như cuộc đối thoại và hiệp thông nhân bản trong khi vẫn tôn trọng tính toàn vẹn của các dị biệt? Một trong các thực tại đang bị tấn kích bởi một số khía cạnh của truyền thông đại chúng hòan cầu ngày nay là thực tại của các dị biệt văn hóa và xã hội. Tuy nhiên, các dị biệt này là phần chủ yếu trong sinh hoạt Tin Mừng; không có dị biệt, không thể có hiệp thông thực sự, trái lại đơn thuần chỉ là độc điệu hóa (homogenization). 

Đó là một số thách thức đang được đặt ra cho thừa tác vụ của ta hiện nay. Giống các tiền bối của ta trong đức tin, ta cũng phải khám phá ra các cách thế sáng tạo để thông truyền sứ điệp yêu thương và hy vọng của ta. Ta cần tìm ra nhiều phương cách để xây dựng phẩm giá con người, một việc xây dựng biết tôn trọng toàn vẹn tính nhân bản và tính độc đáo văn hóa của họ. Nhưng ta không thể làm việc đó từ “bên ngoài” và từ trên cao, như thể đã tìm ra giải pháp! Ta cần suy nghĩ và thử nghiệm việc ta can dự vào thế giới truyền thông đại chúng. Chỉ từ bên trong trải nghiệm này và từ giao điểm của trải nghiệm truyền thông với trải nghiệm Tin Mừng có tính bản thân này, ta mới có khả năng tìm được các phương thế sáng tạo để thông truyền Tin Mừng hôm nay và bước vào cuộc đối thoại với “não trạng” của thời hiện đại. 

Phản ứng và tính sáng tạo

Cha Chevalier, vị sáng lập Truyền Giáo Dòng Thánh Tâm (Missionaries of Sacred Heart), từng nói tới “cái ác hiện đại” (mal moderne). Trải nghiệm trên chắc chắn không hoàn toàn là cái ác này. Sự diệu kỳ của kỹ thuật truyền thông hiện đại là khả năng mênh mông của nó hướng tới sự thiện. Ta phải phản ứng đã đành nhưng ta cũng cần phải sáng tạo. Cái ác hiện đại được Cha Chevalier nói tới là cái ác của thời hậu cách mạng Pháp, đặc biệt là sự dửng dưng về tôn giáo và chủ nghĩa vị kỷ. Có thể nói, ngài “phản động” trên bình diện này. Nhưng cái nhìn thấu suốt và niềm tin đầy đặc sủng của ngài thì luôn có tính tích cực và sáng tạo: phải tìm ra những cách tốt nhất để thông truyền câu truyện Thiên Chúa đổ tràn tình yêu diệu kỳ của Người nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nếu phong trào của ngài chỉ là một phong trào phản ứng ngược lại, thì nó đã chết từ lâu rồi. Cha Chevalier đã có viễn kiến rộng rãi đủ để trở thành sáng tạo và một niềm tin đơn thành để đưa ra những quyết định liều lĩnh lớn lao về truyền thông, như sứ vụ tới New Guinea chẳng hạn. 

Một trong những nét đẹp trong thông điệp Rao Giảng Tin Mừng (Evangelii nuntiandi) của Đức Phaolô VI là tính hy vọng tích cực và đầy viễn kiến của nó. Tính hy vọng này phát xuất từ xác tín của ngài rằng ngài, và nói chung Giáo Hội, không có mọi câu trả lời; nên Giáo Hội cần đối thoại với thế giới hiện đại trên bình diện một cuộc chơi ngang hàng. Nhờ cuộc đối thoại này, tính sáng tạo sẽ phát sinh ra. “Đối thoại sẽ làm chúng ta ra khôn ngoan; nó sẽ biến chúng ta thành thầy dạy” (EN, số 81). 

Tất cả chúng ta đều được mời gọi trở thành các sứ giả của Đấng Truyền Thông Cao Cả, Đấng Yêu Thương Vĩ Đại, Đấng không do dự ban chính mình cho thế gian được sống. Trong sứ mệnh này, ta không thể cho phép mình lỗi thời được. Ở tâm điểm của thừa tác vụ truyền thông chính là mầu nhiệm Nhập Thể: để thông truyền cách tuyệt hảo nhất tình yêu của Người cho ta, Thiên Chúa đã trở nên con người toàn diện, mang lấy “phong cách” truyền thông của thời Người. Các phương tiện truyền thông hiện đại có khả năng mô tả và thách thức nhân tính của ta, các giá trị của ta, đức tin của ta, giống hệt việc Chúa Giêsu đã làm trong chính con người và công việc của Người vào lúc đó. Kỹ thuật truyền thông đại chúng hiện nay mời gọi và thách thức ta hành động qua lại với nó, ngõ hầu nhập thể và hội nhập văn hóa Tin Mừng đời đời cho con người thời nay, vì “đức tin nào không trở nên văn hóa, sẽ không được tiếp nhận hoàn toàn, không được suy tưởng trọn vẹn, không được sống một cách trung thành” (Đức Gioan Phaolô II, Giáo Hội Tại Phi Châu, số 78). 

Linh đạo trái tim và truyền thông

Nhiều khía cạnh của truyền thông nói tới “linh đạo” và “giá trị”, kể cả một số phim ảnh ngày nay. Có thể nói: thế giới truyền thông là thế giới giá trị và “linh đạo” (hay ý thức hệ). Dù gì, nó cũng không trung lập về luân lý và linh đạo, trái lại gây ảnh hưởng lớn lao trên cuộc sống con người. Ta có sứ điệp có thể làm dịu cơn khát tâm linh: nhưng làm thế nào để đem sứ điệp này tới cho những người đang đi tìm câu trả lời ở quá nhiều khu vực cần được thông tri? Hiện nay, có quá nhiều sứ điệp và phương thuốc bá bệnh mâu thuẫn nhau được đem ra chào mời. Nếu muốn thông truyền sứ điệp và trải nghiệm của mình, ta buộc phải thông truyền chúng một cách ăn nhập với các trải nghiệm của nền văn hóa đương đại. 

Kiến thức không phải chỉ là thu góp tín liệu. Nó vốn là công trình của cả trái tim lẫn trí khôn. Linh đạo trái tim là linh đạo tích nhập (integration), linh đạo biết lượng giá có phê phán, linh đạo của sự thật. Linh đạo trái tim là linh đạo hội nhập văn hóa: nó đem lại cho ta một ngữ cảnh để đối thoại và truyền thông. Mẫu mực của nó chính là cách Thiên Chúa truyền thông đầy cảm thức. Do đó, nó cũng là linh đạo của “khoảng cách”, một linh đạo giúp ta “viễn kiến”. 

Trong văn hóa, nhất là trong truyền thống Do Thái Giáo và Kitô Giáo, “trái tim” luôn biểu tượng tính trung tâm của các tương quan liên bản ngã như lòng kính trọng và tình thân mật trong căn tính của con người nhân bản và của xã hội. “Trái tim” đại biểu cho tính cởi mở của hiệp thông và tính bất dè dặt trong việc truyền thông liên bản ngã. Các phương tiện truyền thông hiện đại cung cấp cho ta nhiều khả thể để bồi đắp và củng cố các mối liên đới nhân bản và hiểu biết lẫn nhau trong tinh thần công lý, tự do và cảm thương. Có lẽ không có gì trong thế giới hiện đại có được khả năng cao hơn để lên khuôn xúc cảm và sự khôn ngoan của trái tim con người. Nhưng các phương tiện này cũng không kém có tiềm năng gây sự ác: trong việc bóp méo sự thật và cảm quan, trong việc tạo ra chia rẽ, hiểu lầm và các giá trị lầm lẫn cho trái tim chân thực của loài người chúng ta.

Cuộc đấu tranh giữa thiện và ác hiện đang được diễn ra qua các phương tiện truyền thông. Các giá trị và thái độ nhân bản luôn chịu ảnh hưởng từ “thế giới biểu tượng” của văn hóa. Các ngành truyền thông hiện đại, nhất là ngành truyền thông bằng hình, đang tái lên khuôn thế giới biểu tượng của ta, đang cung cấp cho ta những cách thế mới để nhìn và đáp ứng môi trường của ta. Một “thế giới mới” đang thành hình. Và vì ta dấn thân cho các tương quan chủ yếu của trái tim (trái tim Thiên Chúa và trái tim con người nam nữ), ta được thách thức tham dự vào việc thành hình và lên khuôn “thế giới biểu tượng” mới này của nhân loại hiện đại, theo khuôn mẫu Thiên Chúa truyền thông với ta. Thế giới truyền thông hiện đại đem lại cho ta cả thách thức lẫn phương cách để nhân loại và Thiên Chúa gặp nhau trong một cuộc đối thoại sáng tạo. Cuộc đối thoại này xẩy ra trong Thánh Tâm Chúa Giêsu. “Trái tim Thiên Chúa vội vàng xuống với tạo thành của Người, nặng trĩu tình yêu vô biên, còn trái tim tạo thành vươn lên Thiên Chúa vì bị lôi kéo bởi một sức hút vượt trên mọi sức hút khác. Chính trong Chúa Giêsu hai trái tim này đã gặp nhau và kết hợp với nhau khắng khít đến trở nên một trái tim duy nhất” (Jules Chevalier). 
Viết theo Anthony Arthur, Dòng Truyền Giáo Thánh Tâm, Kensington, Sydney

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :