www.langminhnews.net

Giáo lý: Gia Đình và Giáo xứ SỐNG ĐỨC TIN Trong Hiệp Thông và Bác ái

LỜI MỞ ĐẦU

Chương trình Ngũ Niên mừng Kim Khánh Giáo Phận (1965-2015) đã bước vào năm thứ ba (2013) có chủ đề mục vụ: Gia đình và Giáo xứ Sống Đức tin trong Hiệp thông và Bác ái. Chủ đề này phối kết NĂM ĐỨC TIN của Giáo Hội toàn cầu và chương trình mục vụ “Hiệp Thông” của Giáo Hội Việt Nam với chương trình “Sống Bác Ái” của Giáo phận nhà.

Tài liệu này ghi lại một số điểm giáo lý căn bản liên quan đến đề tài trên. Ước mong mỗi tín hữu cùng với Gia đình và Giáo xứ nỗ lực học tập để thực hiện chủ đề này cách tốt đẹp nhất.


NỘI DUNG

Bài 1: Năm Đức Tin ............................................ 5

Bài 2: Các văn kiện Công đồng Vaticanô II và sách Giáo lý HTCG 10

Bài 3: Giáo lý về Đức Tin .............................. 18

Bài 4: Sống Đức Tin ......................................... 22

Bài 5: Giáo lý về Hiệp Thông ....................... 26

Bài 6: Sống Hiệp Thông .................................. 31

Bài 7: Giáo lý về Bác Ái.................................. 36

Bài 8: Sống Bác Ái ............................................ 39

Bài 9: Đức Maria, mẫu gương sống Đức Tin trong hiệp thông và bác ái 45

Lời kết ........................................................49

Kinh cầu nguyện cho Giáo phận .................. 50

Kinh Năm Đức Tin 53


Bài 1 Năm Đức Tin

“Khi tới nơi, hai ông đã kể lại…việc Thiên Chúa ... đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin” (Cv 14,27).

1. H.- Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã thiết lập Năm Đức Tin thế nào?

T.- Đức Thánh Cha đã ban hành Tự sắc Cánh cửa Đức Tin (PF) để thiết lập Năm Đức Tin cho Giáo Hội Công Giáo, từ ngày 11/10/2012 đến ngày 24/11/2013.

2. H.- Đây là lần thứ mấy Năm Đức Tin được thiết lập trong Giáo Hội?

T.- Đây là lần thứ hai. Lần thứ nhất (1967), Năm Đức Tin do Đức Thánh Cha Phaolô VI thiết lập, để kỷ niệm 1900 năm, ngày hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô chịu chết vì đức tin. Sự kiện này cho thấy đức tin quan trọng như thế nào trong đời sống mỗi Kitô hữu và trong toàn Giáo Hội.

3. H.- Khi thiết lập Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha muốn làm sống lại sự kiện nào trong Giáo Hội?

T.- Đức Thánh Cha muốn làm sống lại hai sự kiện này:

- Một là việc khai mạc Công đồng Vaticanô II, cách đây 50 năm, do Chân phước Gioan XXIII.

- Hai là việc ban hành sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, cách đây 20 năm, do Chân phước Gioan Phaolô II.

4. H.- Năm Đức Tin có mục đích nào?

T.- Năm Đức Tin có mục đích khôi phục sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới và giới thiệu Đức Kitô là con đường dẫn đến sự sống đời đời[1].

5. H.- Muốn đạt đến sự sống đời đời, Giáo Hội cần làm điều gì?

T.- Giáo Hội cần thực hiện triệt để việc trở về cùng Thiên Chúa là Đấng ban ơn cứu độ cho toàn thế giới.

6. H.- Giáo Hội cần xác tín mạnh mẽ vào sứ vụ nào đối với thế giới ngày nay?

T.- Giáo Hội cần xác tín mạnh mẽ vào sứ vụ tái truyền giảng Tin Mừng. Đức Thánh Cha nói: “Phải làm sống lại trong toàn Giáo Hội niềm khao khát thiết tha được loan báo về Đức Kitô cho người đương thời”[2].

7. H.- Chúng ta cần chú tâm vào những ý tưởng chủ yếu nào để hiểu được Tự sắc ‘Cánh cửa Đức Tin’ ?

T.- Chúng ta cần chú tâm vào ba ý tưởng chủ yếu sau đây:

- Một là đức tin luôn mở rộng cửa cho con người bước vào đời sống kết hợp với Thiên Chúa và gia nhập Giáo Hội.

- Hai là Đức Kitô vừa là cửa, là người mở cánh cửa đức tin, vừa là đường, là bạn đồng hành dẫn dắt loài người vào hành trình Vượt Qua, để tới vinh quang Phục Sinh.

- Ba là khi con tim tràn ngập niềm vui đức tin, người tín hữu sẽ hăng say giới thiệu Đức Kitô và mời gọi mọi người đón nhận Tin Mừng.

8. H.- Việc làm nào hỗ trợ người tín hữu kiên vững trong hành trình đức tin đã khởi đầu khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội?

T. Có hai việc làm này:

- Một là ngắm nhìn các chứng nhân đức tin trong lịch sử Giáo Hội. Việc ngắm nhìn này lôi cuốn người tín hữu sống đức tin cách mạnh mẽ theo gương các ngài.

- Hai là nỗ lực học hỏi các văn kiện Công đồng Vaticanô II và sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo. Việc học hỏi này cung cấp một kiến thức đầy đủ và có hệ thống, giúp người tín hữu kiên trì sống và truyền đạt giáo lý tinh tuyền cho người khác.



BÀI 2 CÁC VĂN KIỆN CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II VÀ SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

“Tin Mừng và đức tin của Giáo Hội đã được diễn đạt chói lọi trong các văn kiện Công đồng”[3].

9. H.- Công đồng Vaticanô II là Công đồng nào?

T.- Công đồng Vaticanô II là Công đồng thứ 21 của Giáo Hội Công Giáo, do Chân phước Gioan XXIII triệu tập[4]. Công đồng đã quy tụ hơn 2400 Nghị phụ làm việc trong 4 kỳ họp từ năm 1962-1965. [5]

10. H.- Công đồng Vaticanô II diễn ra trong hoàn cảnh nào ?

T.- Công đồng Vaticanô II diễn ra trong hoàn cảnh nội bộ Giáo Hội tương đối yên ổn. Tuy nhiên, bầu khí xã hội có xu hướng tục hóa, thực dụng, quá tin tưởng vào các thành tựu khoa học kỹ thuật. Xu hướng này ẩn chứa những đợt sóng ngầm xâm hại nặng nề đến đời sống đức tin của các tín hữu.

11. H.- Trước tình hình đức tin của các tín hữu bị xâm hại như vậy, các Nghị phụ đã làm gì?

T.- Các Nghị phụ đã chú tâm củng cố nội bộ Giáo Hội, trình bày những kiến thức giáo lý vững chắc làm nền tảng cho suy tư và hành động đúng đắn, xây dựng tương quan tốt đẹp với các tôn giáo khác, nêu rõ lập trường của mình về các vấn đề của con người thời đại và về môi sinh.

12. H.- Những cố gắng của Công đồng Vaticanô II đã đem lại những thành quả nào?

T.- Những cố gắng của Công đồng Vaticanô II đã đem lại ba thành quả này:

- Một là tạo môi trường thuận lợi để Chúa Thánh Thần làm tươi trẻ Giáo Hội, giúp Giáo Hội phản ánh gương mặt thánh thiện của Đức Kitô.

- Hai là khơi bùng lên phong trào canh tân khắp nơi trong Giáo Hội.

- Ba là để lại cho Giáo Hội kho báu đồ sộ gồm 16 văn kiện[6] và nhiều sứ điệp.

13. H.- Những văn kiện nào của Công đồng Vaticanô II là quan trọng hơn cả?

T.- Bốn văn kiện sau đây được coi là cột trụ nâng đỡ tòa nhà Giáo Hội:

- Một là Hiến chế “Mạc Khải” về Lời Chúa, xác định cội nguồn và nền tảng đức tin.

- Hai là Hiến chế “Phụng Vụ Thánh”, nhằm canh tân phụng vụ trong Giáo Hội.

- Ba là Hiến chế “Ánh Sáng Muôn Dân”, về bản chất và sứ vụ của Giáo Hội.

- Bốn là Hiến chế “Vui Mừng và Hy Vọng”, về Giáo Hội trong thế giới ngày nay.

14. H.- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo là bộ sách nào?

T.- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo là bộ sách trình bày đức tin Công giáo, dựa trên tổng hợp các đạo lý và quy tắc mục vụ trong các văn kiện của Công đồng Vaticanô II. Bộ sách được phát hành năm 1992 dưới thời Chân phước Gioan Phaolô II.

15. H.- Nội dung sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo được trình bày như thế nào?

T.- Nội dung sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo được trình bày theo truyền thống của Giáo Hội, một cách mới mẻ, làm rõ mối liên kết giữa 4 phần:

- Phần I : Tuyên xưng đức tin;

- Phần II : Cử hành mầu nhiệm Kitô giáo;

- Phần III : Đời sống trong Đức Kitô;

- Phần IV : Kinh nguyện Kitô giáo.

Bốn phần này làm thành đời sống đức tin trọn vẹn của người tín hữu và của cả Giáo Hội.

16. H.- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo quan trọng thế nào?

T.- Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo quan trọng đặc biệt ở ba điểm này:

- Một là đóng góp vào việc canh tân đời sống Giáo Hội;

- Hai là trở thành dụng cụ giá trị và hợp pháp để phục vụ sự hiệp thông trong Giáo Hội;

- Ba là làm nên chuẩn mực chắc chắn để giảng dạy đức tin.

17. H.- Nhân dịp Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đưa ra quyết tâm nào về việc sử dụng sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo ?

T.- Đức Thánh Cha dạy: “Năm Đức Tin phải thể hiện quyết tâm khám phá và học hỏi nội dung cơ bản của đức tin được trình bày trong sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo”[7].



BÀI 3 GIÁO LÝ VỀ ĐỨC TIN

“Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,68).

18. H.- Đức tin là gì?

T.- Đức tin là ơn Thiên Chúa ban, giúp ta phó thác bản thân và đời mình một cách tự do cho Thiên Chúa, cùng đón nhận và thực thi tất cả những gì Thiên Chúa đã phán dạy mà Giáo Hội truyền lại cho ta.

19. H.- Đức tin đòi hỏi mấy chủ thể?

T.- Đức tin đòi hỏi 2 chủ thể:

- Một là Thiên Chúa trao ban.

- Hai là con người lãnh nhận.

Thiếu một trong hai thì không có đức tin.

20. H.- Vì sao đức tin là hồng ân ‘nhưng không’ của Thiên Chúa?

T.- Vì đó là hồng ân Chúa tặng ban hoàn toàn do lòng yêu thương rộng rãi của Người. Không ai có công trạng gì để đòi hỏi Chúa ban đức tin cho mình.

21. H.- Con người cần đón nhận đức tin thế nào?

T.- Con người cần đón nhận đức tin với lòng khiêm hạ, biết ơn, và với tất cả khả năng lý trí, ý chí và tự do của mình.

22. H.- Đức tin có cần thiết không?

T.- Đức tin rất cần thiết để được sống đời đời như Chúa dạy: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”[8].



23. H.- Đức tin có những đặc tính nào?

T.- Đức tin có 4 đặc tính này:

- Một là chắc chắn, vì đặt nền tảng trên Lời Chúa.

- Hai là năng động, vì đòi hỏi được bày tỏ trong Phụng vụ và trong cuộc sống.

- Ba là có thể tiến triển nhờ lắng nghe Lời Chúa và cầu nguyện.

- Bốn là cho ta tham dự trước niềm vui trên trời.

24. H.- Giáo Hội có vai trò nào trong đời sống đức tin của người tín hữu?

T.- Giáo Hội có hai vai trò chính yếu này:

- Một là thông ban hồng ân đức tin của Thiên Chúa cho loài người qua lời giảng dạy và cử hành Bí tích Rửa Tội, đồng thời nuôi dưỡng đức tin ấy.

- Hai là giúp người tín hữu hiểu được đức tin họ lãnh nhận cũng là đức tin của Giáo Hội. Công thức “Tôi tin-chúng tôi tin” diễn tả hai chiều kích cá nhân và cộng đoàn của đức tin.

25. H.- “Tôi tin-chúng tôi tin” hỗ trợ nhau thế nào?

T.- “Tôi tin” góp phần làm cho đức tin của Giáo Hội được phong phú và sinh động. “Chúng tôi tin” nuôi dưỡng và làm cho đức tin nơi mỗi Kitô hữu được tiến triển và sinh nhiều hoa trái. Thực ra chỉ có một đức tin duy nhất được thể hiện nơi mỗi tín hữu và nơi cộng đoàn Giáo Hội.



BÀI 4 SỐNG ĐỨC TIN

“Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17).

26. H.- Sống đức tin là gì?

T.- Nói cách đơn giản, sống đức tin là thực hiện trong cuộc sống những điều mình tin. Tin thế nào thì sống như thế vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết”[9].

27. H.- Tính năng động của đức tin đòi hỏi người tín hữu sống thế nào?

T.- Tính năng động của đức tin đòi hỏi người tín hữu phó thác bản thân và đời mình cho Chúa, đồng thời làm mọi cách để đức tin được tăng trưởng và đâm bông kết trái.

28. H.- Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha mời gọi người tín hữu duyệt lại lịch sử đức tin để làm gì?

T.- Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha mời gọi người tín hữu duyệt lại lịch sử đức tin để thấy mầu nhiệm khôn lường giữa thánh thiện và tội lỗi:

- Lịch sử thánh thiện cho thấy sự đóng góp lớn lao của nhiều người, giúp phát triển Giáo Hội bằng chứng tá cuộc sống.

- Còn lịch sử tội lỗi mời gọi ta hoán cải chân thành và trường kỳ hầu cảm nghiệm được lòng thương xót của Chúa.

29. H.- Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha muốn cử hành sám hối để làm gì?

T.- Trong Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha muốn cử hành sám hối để tạo dịp cho người tín hữu tự vấn và khiêm tốn xin lỗi Chúa về các tội chống lại đức tin và tội không dám làm chứng đức tin.

30. H.- Trong Năm Đức Tin, vì sao Đức Thánh Cha mời gọi canh tân việc cử hành Thánh lễ?

T.- Vì ĐứcThánh Cha muốn giúp các tín hữu tái khám phá giá trị đích thực của Thánh lễ “vốn là chóp đỉnh mà hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn mạch tuôn trào sức mạnh của Giáo Hội”[10].

31. H.- Những ai là chứng nhân điển hình sống đức tin trong Giáo Hội?

T.- Trước hết là Đức Maria, tiếp đến là các Thánh Tông đồ, các Thánh Tử đạo rồi tới muôn vàn các Thánh và các tín hữu thánh thiện thuộc mọi thời đại. Tất cả đã sống đức tin cách anh hùng. Gương sống của các ngài là lời mời gọi chúng ta can đảm sống đức tin.

32. H.- Gia đình sống đức tin thế nào?

T.- Gia đình sống đức tin bằng cách vợ chồng trung thành với lời hôn ước và tôn trọng sự sống. Cha mẹ, con cái sống và nêu gương đức tin cho nhau. Cả nhà chuyên chăm cầu nguyện, tuân giữ luật Chúa và luật Giáo Hội, đón nhận mọi biến cố vui buồn trong tinh thần phó thác và tạ ơn.

33. H.- Giáo xứ sống đức tin thế nào?

T.- Giáo xứ sống đức tin bằng cách tổ chức và cử hành các nghi thức phụng vụ thật trang nghiêm sốt sắng, tạo bầu khí thánh thiện, thuận lợi cho việc phát triển đức tin, và thúc đẩy nhiệt tâm tông đồ.



BÀI 5 GIÁO LÝ VỀ HIỆP THÔNG

“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2Cr 13,13).

34. H.- Hiệp thông là gì?

T.- Hiệp thông là thông phần cùng một Thánh Thần, thông dự các thực tại thánh và thông công giữa các thánh[11].

35. H.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ đâu?

T.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Khi tạo dựng, cứu độ và thánh hóa, Chúa Ba Ngôi thông ban sự sống tự nhiên và siêu nhiên cho các thụ tạo theo những cấp độ khác nhau.

36. H.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội được thể hiện trên bình diện nào ?

T.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội được thể hiện trên hai bình diện :

- Một là hiệp thông với Thiên Chúa;

- Hai là hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau.

37. H.- Hai mối hiệp thông này liên hệ với nhau như thế nào ?

T.- Hiệp thông với Thiên Chúa là nền tảng của sự hiệp thông giữa các Kitô hữu ; và hiệp thông giữa các Kitô hữu là hoa trái của sự hiệp thông với Thiên Chúa.

38. H.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội được biểu lộ qua những hình thức nào ?

T.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội được biểu lộ qua việc các tín hữu lắng nghe giáo huấn các Tông đồ, tham dự Thánh Thể, chuyên cần cầu nguyện và chia sẻ huynh đệ.

39. H.- Đâu là con đường dẫn tới hiệp thông?

T.- Con đường dẫn tới hiệp thông là Đức Kitô Nhập Thể Cứu Độ.

40. H.- Chúa Thánh Thần có vai trò nào trong mầu nhiệm hiệp thông ?

T. Chúa Thánh Thần là Đấng xây dựng mầu nhiệm hiệp thông giữa con người với Thiên Chúa và với nhau.

41. H.- Sự hiệp thông nơi người tín hữu khởi đi từ bí tích nào?

T.- Sự hiệp thông nơi người tín hữu khởi đi từ Bí tích Rửa Tội. Nhờ đó, con người được dẫn vào nguồn sống hiệp thông với Thiên Chúa và với Giáo Hội.

42. H.- Các tín hữu hiệp thông với nhau thế nào ?

T.- Các tín hữu còn sống ở trần gian, các thánh trên trời và các linh hồn trong luyện ngục cùng chia sẻ sự sống Chúa Ba Ngôi và kho tàng thiêng liêng.

43. H.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội đem lại những lợi ích nào cho các Kitô hữu?

T.- Sự hiệp thông trong Giáo Hội đem lại cho các Kitô hữu những lợi ích này :

- Một là được biến đổi nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô.

- Hai là được kéo ra khỏi bản thân ích kỷ để nên phong phú nhờ đón nhận những điều thiện hảo của tha nhân.

- Ba là được góp phần xây dựng cộng đoàn Giáo Hội ngày một hiệp nhất yêu thương.



BÀI 6 SỐNG HIỆP THÔNG

“Họ hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42).

44. H.- Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem sống hiệp thông thế nào?

T.- Cộng đoàn tín hữu tiên khởi ở Giêrusalem chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng[12].

45. H.- Các thành phần Giáo Hội hiệp thông với nhau trong những điều chính yếu nào?

T.- Các thành phần Giáo Hội hiệp thông với nhau trong đức tin, trong các Bí tích, đặc biệt Bí tích Thánh Thể, trong các đoàn sủng, các ân huệ khác nhau và cả trong nhu cầu đời sống.

46. H.- Các tín hữu sống hiệp thông trong đức tin cách nào?

T.- Các tín hữu sống hiệp thông trong đức tin bằng hai cách:

- Một là cố gắng xác tín ngày càng mạnh mẽ hơn đức tin mình đón nhận cũng là đức tin của Giáo Hội nhận từ các Tông đồ.

- Hai là cố gắng tăng triển đức tin nhờ các phương thế Giáo Hội đề ra, đồng thời biết biểu lộ đức tin theo thể thức chung của Giáo Hội.

47. H.- Các tín hữu sống hiệp thông trong các Bí tích cách nào?

T.- Các tín hữu sống hiệp thông trong các Bí tích bằng hai cách:

- Một là hoàn tất các điều kiện Giáo Hội quy định về việc lãnh nhận mỗi Bí tích.

- Hai là thực thi sứ mạng mà các Bí tích trao ban.

48. H.- Các tín hữu sống hiệp thông trong các ân huệ và đặc sủng bằng cách nào?

T.- Các tín hữu sống hiệp thông trong các ân huệ và đặc sủng bằng cách sử dụng các ân huệ và đặc ân Chúa ban để xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô là Giáo Hội, như Thánh Phêrô dạy: “Ơn riêng Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy, anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa”[13].

49. H.- Để hiệp thông trong nhu cầu đời sống, các tín hữu có thể làm gì ?

T.- Để hiệp thông trong nhu cầu đời sống, các tín hữu giáo sĩ thực thi bác ái mục vụ ; các tín hữu tu sĩ tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm ; các tín hữu giáo dân biết sẵn sàng chia sẻ những nhu cầu cần thiết của tha nhân và của Giáo Hội[14].

50. H.- Người tín hữu cần phát huy những đức tính nào để nuôi dưỡng sức sống hiệp thông?

T.- Người tín hữu cần phát huy các đức tính căn bản như: khiêm hạ, tôn trọng tha nhân, có lòng chung … nhất là luôn cầu xin với Chúa Thánh Thần là tác nhân của sự hiệp thông.

51. H.- Gia đình sống hiệp thông cách nào?

T.- Gia đình sống hiệp thông bằng cách mỗi thành viên chung lòng chung sức xây dựng cuộc sống về mọi mặt, cảm thông những hạn chế, yếu kém của nhau, và cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đắng cay…

52. H.- Giáo xứ sống hiệp thông cách nào?

T.- Giáo xứ sống hiệp thông bằng cách mọi thành phần dân Chúa hiệp nhất và yêu thương, “một lòng một ý”[15] trong đường hướng và trong hoạt động công ích, tránh những phê bình chỉ trích phương hại đến sự đoàn kết.

BÀI 7 GIÁO LÝ VỀ BÁC ÁI

“Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,14).

53. H.- Bác ái là gì?

T.- Bác là rộng; Ái là yêu. Bác ái nghĩa là tình yêu bao la không giới hạn.

54. H.- Bác ái bắt nguồn từ đâu?

T.- Bác ái bắt nguồn từ Thiên Chúa vì “Thiên Chúa là tình yêu”[16]. Mọi thụ tạo được tạo dựng do tình yêu của Thiên Chúa và đều phản ánh tình yêu ấy trong bản chất của chúng.

55. H.- Bác ái quan trọng thế nào trong đời sống Kitô hữu?

T.- Bác ái rất quan trọng vì bác ái không những là giới răn mới, tóm kết toàn bộ lề luật, mà còn là dấu hiệu để nhận biết ai là môn đệ của Đức Kitô.

56. H.- Bác ái hướng tới những đối tượng nào?

T.- Bác ái hướng tới chính bản thân, tới tha nhân và các thụ tạo khác.

57. H.- Vì sao phải bác ái với chính bản thân mình?

T.- Vì bản thân ta là hình ảnh Thiên Chúa. Nhờ thực thi bác ái đối với chính bản thân, ta làm rõ hình ảnh Thiên Chúa nơi ta.

58. H.- Cần bác ái với tha nhân thế nào?

T.- Cần bác ái với tha nhân như với chính bản thân mình. Đức Thánh Cha Bênêđictô dạy : “Chúng ta phải nhận ra tha nhân thực sự là một cái tôi khác của chính mình”[17].

59. H.- Vì sao phải thể hiện lòng bác ái đối với các thụ tạo khác?

T.- Vì mọi thụ tạo đều do Chúa và được Chúa chia sẻ sự tốt lành của Người. Do đó bác ái với các thụ tạo là tôn trọng quyền tạo dựng tốt lành của Thiên Chúa và phẩm giá cao quý của mọi loài.

BÀI 8 SỐNG BÁC ÁI

“Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi,nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3,18).

60. H.- Sống bác ái là gì?

T.- Sống bác ái là thực thi lệnh truyền của Chúa Kitô trong ba tác vụ : rao giảng Lời Chúa, cử hành Bí tích và phục vụ tha nhân.

61. H.- Đâu là con đường người tín hữu cần bước đi để thi hành việc bác ái?

T.- Đó là con đường yêu thương khiêm hạ và vô vị lợi của Đức Kitô.

62. H.- Người tín hữu cần xác tín điều gì khi thi hành bác ái?

T.- Người tín hữu cần xác tín 2 điều này:

- Một là tình yêu mình thể hiện đối với đồng loại và với vạn vật chính là lời đáp trả tình yêu Chúa ban.

- Hai là bản thân mình là khí cụ Chúa dùng để thông ban tình yêu của Người cho tha nhân.

63. H.- Người tín hữu cần làm gì để nuôi dưỡng hai xác tín trên?

T.- Người tín hữu cần kết hợp với Chúa qua việc chuyên chăm cầu nguyện và cử hành Phụng vụ.

64. H.- Công việc bác ái nhằm phục vụ những ai?

T.- Công việc bác áinhằm phục vụ tất cả mọi người, nhất là những người nghèo về tinh thần và vật chất.

65. H.- Phải quan tâm thế nào đến người nghèo khổ?

T.- Phải quan tâm đến người nghèo khổ bằng tấm lòng của Chúa, qua việc cầu nguyện, cảm thông, yêu thương và sẵn lòng chia sẻ cho họ những gì mình có.

66. H.- Người tín hữu cần làm gì để giúp đỡ anh chị em di dân?

T.- Người tín hữu cầngiúp họ về tinh thần và vật chất để họ mau chóng ổn định cuộc sống trong môi trường mới.

67. H.- Vì sao phải tôn trọng sự sống con người và bảo vệ thai nhi?

T.- Vì con người được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài, và vì sự sống con người - bắt đầu từ lúc thụ thai cho đến khi chết tự nhiên - luôn thuộc quyền Thiên Chúa.

68. H.- Phải chăm sóc người hấp hối thế nào?

T.- Phải nâng đỡ người hấp hốibằng việc cầu nguyện, giúp lãnh nhận các bí tích, ân cần phục vụ các nhu cầu thể xác, để chuẩn bị họ gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống.

69. H.- Gia đình và Giáo xứ cần quan tâm thế nào đối với các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo?

T.- Gia đình và Giáo xứ cần mặc lấy tâm tình và thái độ của Chúa Kitô đối với bệnh nhân, để ân cần giúp đỡ, không xa tránh và không phân biệt đối xử.

70. H.- Ta phải làm gì để tôn trọng và bảo vệ môi trường thiên nhiên?

T.- Ta phải có tinh thần trách nhiệm khi sử dụng bầu không khí, nguồn nước, và đất đai, đồng thời tích cực góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh cho mọi người.

71. H.- Ta phải làm gì để tôn trọng và bảo vệ môi trường luân lý?

T.- Ta chỉ sản xuất, sử dụng, trao đổi các văn hóa phẩm phù hợp với luân lý Kitô giáo và đạo đức dân tộc ; đồng thời nỗ lực xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống.

72. H.- Để hoạt động bác ái tăng thêm hiệu quả, ta cần làm gì?

T.- Để hoạt động bác ái tăng thêm hiệu quả, ta cần phối hợp hoạt động cá nhân với hoạt động tập thể, nhất là trong giáo xứ, và trong các hiệp hội bác ái như Caritas.

73. H.- Đức Thánh Cha dạy thế nào về mối liên hệ giữa đức tin và đức ái?

T.- Đức Thánh Cha dạy : “Đức tin không có đức ái sẽ chẳng mang lại kết quả ; còn đức ái không có đức tin, sẽ là một tình cảm luôn phó mặc cho ngờ vực. Đức tin và đức ái cần có nhau đến mức đức này giúp cho đức kia thể hiện sắc thái của mình”[18].

74. H.- Đức tin là động lực thúc đẩy người tín hữu làm gì ?

T.- Đức tin là động lực thúc đẩy người tín hữu tiến bước trong hiệp thông để thực thi bác ái.



BÀI 9 ĐỨC MARIA, MẪU GƯƠNG SỐNG ĐỨC TINTRONG HIỆP THÔNG VÀ BÁC ÁI

“Phúc cho bà vì bà đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện” (Lc 1,45).

75. H.- Đức Maria đã sống đức tin thế nào?

T.- Đức Maria đã hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng và tình yêu Thiên Chúa, nên đã phó thác trọn bản thân và đời mình để Chúa dẫn dắt.

76. H.- Con đường sống đức tin của Mẹ là con đường nào?

T.- Con đường sống đức tin của Mẹ là con đường đầy gian nan, thử thách, nhiều khúc quanh, lắm đen tối, nhưng cũng tràn ngập ánh sáng hy vọng và bình an.

77. H.- Gương sống đức tin của Mẹ dạy chúng ta điều gì?

T.- Gương sống đức tin của Mẹ dạy chúng ta biết thành tâm đón nhận và can đảm thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống hằng ngày.

78. H.- Đức Maria đã sống tình hiệp thông thế nào?

T.- Đức Maria đã hiệp thông sâu sắc vào toàn bộ công trình cứu độ của Chúa Giêsu. Mẹ đã cùng Giáo Hội sơ khai cầu nguyện để đón chờ Chúa Thánh Thần. Ngày nay trên trời, Mẹ hằng để tâm săn sóc con cái Mẹ còn ở dưới thế với tình mẫu tử bao la, trìu mến.



79. H.- Đức Maria dạy chúng ta sống tình hiệp thông ra sao?

T.- Đức Maria dạy chúng ta vượt ra khỏi cách sống ích kỷ, hòa đồng với tha nhân, cùng nhịp đập với Giáo Hội trong các biến cố vui buồn, để kiến tạo cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất.

80. H.- Đức Maria đã sống cuộc đời bác ái thế nào?

T.- Đức Maria đãmau mắn tới thăm và ở lại giúp đỡ bà chị họ Isave, tế nhị trợ giúp đôi tân hôn ở Cana, ân cần chăm sóc các Tông đồ và Giáo Hội sơ khai.

81. H.- Gương sống bác ái của Mẹ dạy chúng ta điều gì?

T.- Gương sống bác ái của Mẹ dạy chúng ta biết chia vui sẻ buồn với tha nhân, nhất là cảm thông, giúp đỡ những người gặp khó khăn xác hồn.

82. H.- Chúng ta có thể cầu nguyện với Mẹ thế nào trong Năm Đức Tin ?

T.- Chúng ta có thể dâng lên Mẹ lời cầu nguyện này: “Lạy Mẹ Maria, Mẹ được chúc phúc vì đã tin. Xin giúp chúng con luôn tin những lời Chúa dạy và Hội Thánh truyền, biết phó thác mọi sự cho tình yêu quan phòng của Chúa, biết quan tâm đến nhu cầu của mọi người anh chị em chung quanh chúng con, nhờ đó họ sẽ được nhận biết Chúa, để chính họ cũng nhận được ơn đức tin đem lại sự sống đời đời”[19].

LỜI KẾT

Tập sách nhỏ này không muốn có lời kết. Thay vào đó là một ước mong. Mong sao các tín hữu trong Giáo phận tìm hiểu ở nơi khác những điều trình bày chưa rõ ràng, hoặc không được trình bày ở đây, để hiểu và sống tích cực chủ đề năm 2013 như Đức Giám mục Giáo phận mong mỏi.

Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Đấng đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa giúp chúng con làm việc trọng đại và cấp thiết này.



KINH CẦU NGUYỆN CHO GIÁO PHẬN

Chuẩn bị Mừng Kim Khánh Giáo Phận

(Ngũ niên 2011 – 2015)

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót,/ chúng con cảm tạ Chúa đã qui tụ chúng con thành gia đình Giáo Phận/ và hằng hiện diện chăm sóc từng người chúng con./ Chúa đang dẫn chúng con vào hành trình tiến về hồng ân Kim Khánh Giáo Phận, khi mời gọi chúng con nỗ lực canh tân đời sống đức tin/ để gia đình và giáo xứ trở thành cộng đoàn Lời Chúa,/ cộng đoàn Phụng Tự,/ cộng đoàn Yêu Thương,/ cộng đoàn Truyền Giáo / và cộng đoàn Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu,/ xin cho chúng con biết yêu mến và sống Lời Chúa,/ để chúng con luôn bước đi trong ánh sáng sự thật và tình yêu./ Xin cho Lời Chúa thấm nhập mọi suy nghĩ,/ lời nói/ và hành động của chúng con,/ để cuộc đời chúng con trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện./ Xin cho chúng con biết sốt sắng cầu nguyện chung với nhau nơi gia đình,/ siêng năng tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh,/ và làm cho thánh lễ trở thành trung tâm đời sống,/ để chúng con ngày càng hiệp nhất với Chúa hơn./ Nhờ Lời Chúa và các Bí Tích nuôi dưỡng,/ xin giúp chúng con luôn sống hiệp nhất và yêu thương./

Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến tâm hồn chúng con,/ thúc đẩy chúng con nhiệt thành tiếp nốisứ mạng phục vụ và yêu thương của Hội Thánh,/ biết cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương và văn hóa sự sống,/ để mọi người tin nhận Đức Giêsu Kitô là Đấng Cứu Độ duy nhất./


Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội,/ thánh cả Giuse,/ và các thánh Tử Đạo Việt Nam,/ xin Chúa chúc lành cho mọi cố gắng của chúng con,/ nhằm xây dựng gia đình và giáo xứ thành gia đình của Thiên Chúa,/ nên dấu chỉ tình yêu và hy vọng cho thế giới hôm nay. Amen.
Nihil obstat

Long Khánh, ngày 27/12/2012

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Ban GDKTG/XL

Imprimatur

TGM Xuân Lộc, ngày 29/12/2012

+ Đaminh Nguyễn Chu Trinh

Giám mục giáo phận Xuân Lộc

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :