www.langminhnews.net

Hòa thuận trong đời sống gia đình

“Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn”

Trong đời sống gia đình, sự hòa thuận là một điều quan trọng và rất cần thiết, vì nhờ sự hòa thuận mà các thành viên được liên kết gắn bó với nhau như các bộ phận trong cơ thể con người.
Anh em nào phải người xa, / Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân.

Yêu nhau như thể tay chân, / Anh em hòa thuận, hai thân vui vầy (Ca dao).

Sự hòa thuận càng quan trọng trong đời sống vợ chồng vì đó là mối giây ràng buộc làm cho vợ chồng khăng khít với nhau không thể chia lìa được. Đời hôn nhân – gia đình lí tưởng rất phong phú mà cũng phức tạp. Vì đó là sự hòa hợp của yêu thương trên cơ sở của rất nhiều khác biệt. Khác biệt về giới tính, sinh lí, tâm tính, văn hóa – giáo dục, tín ngưỡng, … Không biết dung hòa thì ắt sẽ bùng nổ bất hòa, rồi chiến tranh nóng hay chiến tranh lạnh. Bởi thế các bậc cha mẹ ông bà ta mới quả quyết:
Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn

Nhưng do đâu người ta có được sự hòa thuận này?

1. Gia đình HÒA THUẬN là hình ảnh của HÒA HỢP TÌNH YÊU Thần linh
Đối với những vợ chồng Kitô hữu, do bí tích Rửa tội hôn phối của họ còn là và được mời gọi trở nên là dấu chỉ mầu nhiệm của sự kết hợp của Tình Yêu thần linh thể hiện qua Tình yêu hiến dâng của họ dành cho nhau (như Tình yêu Đức Kitô dành cho Hội Thánh). Thế nên sự thuận hòa phu thê là dấu hiệu của một tình yêu rất cao vời, và thiêng thánh, bởi lẽ tình yêu dù hữu hạn của hai vợ chồng dành cho nhau đó là sự thể hiện nhiệm mầu của tình yêu vĩnh cửu nhập thể trong lịch sử và sinh hoa quả phong nhiêu là bầu khí hòa thuận và con cái. Cũng như đức tin của họ, Tình yêu hôn nhân đó trước hết là một quà tặng do ơn trên ban cho. Dẫu thế, Tình yêu ấy cũng đích thực do họ nỗ lực xây dựng từng ngày. Tình yêu vợ chồng đã nên Một thân, dẫu còn xộc xệch, đôi chỗ còn rách nát, lúc thăng lúc trầm, nhưng họ luôn có nhau, được ví như tình của một “Đôi dép”:

Hai chiếc dép kia gặp nhau tự bao giờ / Có yêu nhau đâu mà chẳng rời nửa bước

Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược / Lên thảm nhung xuống cát bụi cùng nhau

(Thơ “Đôi Dép” – Nguyễn trung Kiên).

Vợ chồng không chỉ yêu nhau bằng thứ ái tình mãnh liệt của thuở ban đầu. Họ được mời gọi tiến bước xa hơn: Tình yêu của họ còn phải là hình ảnh thể hiện Tình yêu Thiên Chúa trung thành mãi mãi. Là môn đệ của Đức Kitô vợ chồng Kitô hữu được mời gọi yêu thương nhau “như Thầy đã yêu thương” (Ga 13,34) và “yêu thương cho đến cùng” (Ga 13,1). Vợ chồng hợp nhất trong khác biệt như Chúa Cha nên một với Chúa Con trong Chúa Thánh Thần Tình Yêu. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu : «Lạy Cha chí thánh, xin hãy thánh hiến họ trong sự thật». Sự thật ở đây là sự thật của Tình Yêu: «để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa» (Ga 17,26). Lời cầu nguyện sâu thẳm này cũng mở ngỏ vào linh đạo hôn nhân – gia đình. Vợ chồng được kêu gọi nên thánh như Thiên Chúa là đấng Thánh, tức là nên một như Thiên Chúa Ba Ngôi là Một trong Tình Yêu.

Như vậy, thuận hòa gia đình là một dấu hiệu hiện diện của Thiên Chúa Đấng Thánh.

Nếu Thiên Chúa là Tình Yêu, thì sự Thánh thiện của Ngài bắt nguồn từ Tình yêu vốn được biểu lộ ra theo ba cách khác biệt và có tương quan với nhau như Ba Ngôi. Cách biểu lộ Tình yêu của Chúa Cha như là Nguồn mạch trao ban, sinh hạ Chúa Con. Chúa Cha sinh hạ vì Ngài là Tình Yêu hiến thân trọn vẹn. Chúa Cha là sự trao hiến tuyệt đối chính bản thân mình, bản thể ấy là của Ngài chính vì nó được trao ban và được Chúa Con đồng bản thể đón nhận. Sự trao hiến này được xác nhận bởi Chúa Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất từ Tình Yêu tương hỗ đồng bản thể. Chúa Cha là Tình Yêu với tư cách là Tặng Phẩm – Nguồn Mạch, là Mầu Nhiệm nguyên thủy và khôn dò. Chúa Con là Tình Yêu xét như là tiếng “Xin Vâng” đáp lời Chúa Cha, trong lòng biết ơn vô hạn và sẵn sàng vâng phục tuyệt đối vì yêu thương như Chúa Cha đã yêu thương. Chúa Thánh Thần là Tình Yêu trong tư cách như là hoa quả của sự HÒA HỢP vĩnh cửu ấy, là trái chín xum xuê, là niềm vui vô biên và được chia sẻ hiện thân trong một Ngôi vị. Thánh Thần được gọi là Thánh chính vì Ngài chứng thực sự Thánh thiện của Thiên Chúa, qua việc bản thân tôn phong Ba Ngôi Tình Yêu.

Từ nguyên mẫu hòa hợp đó của Tình Yêu Ba Ngôi phát sinh ra toàn thể hài hòa (harmony) của thực tại tạo thành, và đặc biệt, là con người tạo thành, nam cũng như nữ, theo hình ảnh của Thiên Chúa[1]. Thiên Chúa đã làm ra con người, có nam có nữ, có âm có dương, để sinh sôi nảy nở, nên phong nhiêu giống như Ngài. Vậy, vợ chồng hay gia đình hòa thuận, cũng giống như Thiên nhiên hòa điệu, phản chiếu Tình Yêu Thiên Chúa. Hòa hợp gia đình là hoa quả của Thần Khí.

2. TỘI LỖI là nguyên nhân sâu xa của mọi bất hòa
Thế nhưng, trong cuộc sống thực tế con người vẫn còn yếu đuối, còn tội lỗi, nên chưa đạt tới mức Tình yêu viên mãn hòa hợp đó được. Bi kịch hôn nhân – gia đình vẫn xảy ra hằng ngày. Vì vẫn còn đó lòng mê đắm và tham-sân-si biểu hiện khi ít khi nhiều, cả nơi đàn ông:

Thế gian ba sự không chừa / Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ
lẫn nơi đàn bà:

Đêm qua để cửa chờ chồng / Đêm nay để cửa chờ ông láng giềng

Tội lỗi của đôi bạn Kitô hữu mâu thuẫn với ơn gọi sống tình yêu bí tích của họ. Yếu tính sâu xa của tội lỗi họ là chối bỏ Giao ước với Thiên Chúa. Điều đó có nghĩa là bỏ quên hay xem nhẹ chiều kích đối thần của hôn nhân, là đánh mất cảm thức về sự hiện diện của Chúa Kitô ở trung tâm của tương quan vợ chồng và dửng dưng với Chúa Thánh Thần, Đấng hợp tác thâm sâu với tình yêu của họ. Bẻ gẫy mối hiệp thông với Chúa, vợ chồng cũng sẽ bất hòa với nhau. Nguyên tổ loài người sau khi phạm tội bất tuân phục Thiên Chúa “ăn trái cấm”, từ chỗ là “một xương một thịt” hai ông bà trở thành “kẻ thù” của nhau, và thế giới cũng nên thù địch gai góc (x. St 3). Thiên mà không thuận, địa nhân cũng không hòa. Vì thế, họ cần:

3. Ăn năn SÁM HỐI và GIAO HÒA lại với Thiên Chúa và với nhau


Thiên Chúa luôn mời gọi con người sống hiệp thông với Ngài. Nhưng con người tội nhân, kẻ đã «bị bán làm tôi cho tội lỗi» (Rm 7,14), đã tự ý chấp nhận mang lấy ách đam mê tội tình. Thế nên, muốn đáp lại tiếng mời gọi của Thiên Chúa con người tội lỗi của chúng ta phải làm một cuộc “trở lại”, một cuộc hoán cải suốt cuộc đời với tâm tình sám hối ăn năn. Nghĩa là, vừa có sự thay đổi đời sống thực tế bên ngoài vừa có một sự biến chuyển nội tâm. Chúa Giêsu mời gọi «hãy sám hối và tin vào Phúc âm» (Mc 1,15). Lời mời gọi ấy gồm cả hai mặt ấy. Phép Rửa tội ghi nhận sự thống hối ăn năn và đã ghi dấu một lần dứt khoát ơn tha tội. Thế nhưng, thân phận con người dù đã được rửa tội vẫn mỏng giòn vẫn có khả năng sa ngã phạm tội. Bởi thế, họ cần một bí tích thống hối và cũng đồng thời là một nhân đức, như một sự kéo dài ơn trở lại của bí tích rửa tội: Bí Tích Giao Hòa.
Đối với đôi bạn kitô hữu, sự sám hối trở về, phải vừa thực tế vừa thiêng liêng, buộc họ phải thực hiện những chọn lựa đạo đức phù hợp với ý muốn của Đức Kitô và trong sự hiệp thông trong Thánh Thần. Hợp nhất phu thê, trung thành với nhau và ngày ngày chăm lo nuôi dạy con cái. Đôi bạn và gia đình của họ phải sống làm sao chiếu tỏa ánh Rạng ngời thiêng liêng. Giao hòa lại với Chúa, họ lại trở nên một cộng đoàn “được cứu độ” đón nhận tình yêu của Chúa Kitô, từ đó gia đình lại hòa thuận. Hơn thế nữa, họ được mời gọi để chuyển thông tình yêu ấy đến cho anh em mình nghĩa là trở thành một cộng đoàn “cứu độ”. Từ đó trở thành một gia đình truyền giáo.

4. Nhân đức HIỀN LÀNH : chìa khóa của một Gia đình HÒA HỢP


Hòa hợp trong gia đình là hoa quả của tình trạng Hòa hợp với Thiên Chúa. Hòa với Thiên tất cũng sẽ hợp với Địa và Nhân. Khi ấy, vì là con cái Chúa, là học trò của Đức Giêsu, đôi vợ chồng thường sống hiền lành, đơn sơ, khiêm tốn. “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất hứa làm gia nghiệp” (Mt 5,4).

Đức Giáo hoàng Phanxicô trong bài giảng lễ ngắn, ngày thứ Ba Tuần II Phục sinh (9/4/2013) vừa qua, khi suy tư về cộng đoàn Kitô hữu sơ khai “một lòng một ý” trong sách Công Vụ Tông đồ, nói: “ngày nay, con người ta có vẻ như quên lãng nhân đức hiền lành vốn là một chìa khóa dẫn đến sự hài hòa”. Con người ngày nay dường như thích dùng bạo lực trấn áp nhiều hơn ngày hôm qua. Bạo lực của mọi thứ vũ khí khác nhau làm người khác bị tổn thương, đặc biệt là vũ khí của truyền thông: từ truyền miệng đến truyền thông qua mạng toàn cầu. Ngài nói: “Ma quỉ không muốn Thánh Thần Chúa ngụ trong ta để ban bình an, hiền hòa cho cộng đoàn Kitô hữu”. Ngài nói: sự hiền lành có nhiều “kẻ thù”, mà kẻ thù thứ nhất là ngồi lê đôi mách nói xấu nhau. Nó chẳng khác chi đòn tấn công tới tấp giáng trên kẻ khác.

Cần áp dụng điều này đầu tiên trong cộng đoàn gia đình, là Hội thánh thu nhỏ. Một tâm hồn hiền hòa là một tâm hồn xác tín sâu xa rằng chỉ có Tình yêu thương mới là quyền năng đích thực giải phóng con người, đem lại an vui, hạnh phúc. Một Gia đình gồm những người con cái Chúa hiền hòa như thế chính là “Đất hứa” đã được Chúa ban làm gia nghiệp.

Kết:
Gia Đình Thánh Giêsu-Maria-Giuse là Hội thánh tại gia nguyên thủy[2] là mẫu gương của sự hài hòa trong gia đình. Đức Maria và thánh Giuse đã sống một cuộc hôn nhân đích thực là nền tảng mở ra cho gia đình và thực hiện theo luật Môsê. Thánh Augustinô bảo vệ cuộc hôn nhân của Maria và Giuse là một hôn phối thực sự rất nhân bản[3].

Đức Maria và thánh Giuse, đã nói tiếng «xin vâng» với Thiên Chúa trong đức tin để tận hiến hoàn toàn phụng sự thánh ý Thiên Chúa. Sự ưng thuận các ngài trao đổi cho nhau đã được Thiên Chúa chúc lành vượt quá mọi dự kiến. Đức Maria và thánh Giuse kết hợp với nhau không chỉ bởi mối dây tình cảm của con người và theo Lề Luật Môsê, nhưng nhất là bởi chính Người Con là Chúa Giêsu, Tặng phẩm thần linh, Ngôi Lời nhập thể. Xuyên qua kinh nghiệm sống rất đơn sơ khi làm việc, cầu nguyện, chuyện vãn, đức Maria và thánh Giuse kết hợp với Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, các đấng đã góp phần vào giáo dục, nhờ ơn làm cha làm mẹ khiết trinh. Sự hài hòa của Thánh Gia là biểu lộ của sự hài hòa vĩnh cửu vì có Chúa hiện diện.

Lm. Luy Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn UBMVGĐ/HĐGMVN


————————————————————
[1] Gioan-Phaolô II, Familiaris Consortio, 11; Mulieris Dignitatem, 6-7.

[2] Gioan Phaolô II, Tông huấn. Redemptoris Custos (RC), 7.

[3] Mặc dù các đấng sống trinh khiết, nhưng không thiếu một đòi hỏi nào để tạo nên một cuộc hôn nhân đích thực. «Mọi thiện hảo của một hôn phối thực sự đều có nơi cha mẹ của Đức Kitô: con cái, sự trung tín, bí tích. Con cái (proles) là chính Chúa Giêsu; sự trung tín (fides) vì không hề có ngoại tình; bí tích (sacramentum) vì không hề có li dị». Th. Augustino, De nuptiis et concupiscentia, I, 11, 13, in PL 44, 421.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :