www.langminhnews.net

Tính đáng tin cậy của Thánh Kinh (1)

Các nghiên cứu của tác giả Vũ Văn An giúp chúng ta ý thức về một phương diện quan trọng của Kinh Thánh, đó là sử học. Xin các bạn đọc quan tâm góp ý về việc dịch các từ ngữ chuyên môn của ngành Kinh Thánh, để có thể gợi ý cho Nhóm soạn thảo quyển “Từ vựng Công giáo Việt Nam”. Xin cám ơn.

Tính chất đáng tin cậy của một tài liệu cổ như Thánh Kinh phải được xem xét dưới hai khía cạnh căn bản đó là khía cạnh sử học và khía cạnh khảo cổ học.

PHẦN MỘT: KHÍA CẠNH SỬ HỌC

Điều ta cần xác định ở đây là tính chất đáng tin cậy về phương diện lịch sử của Thánh Kinh, chứ không phải về phương diện linh hứng của nó. Tính chất đáng tin này cần phải được chứng nghiệm bởi cùng một tiêu chuẩn như mọi tài liệu lịch sử khác. Trong cuốn Introduction to Research in English Literary History, C. Sanders liệt kê và giải thích ba nguyên tắc căn bản của các trước tác lịch sử (historiography), đó là xét nghiệm về phương diện thư mục học (bibliographical test), xét nghiệm về phương diện chứng cớ nội tại (internal evidence test) và xét nghiệm về phương diện chứng cớ ngoại tại (external evidence test) (34).

I. Sự Đáng Tin của Tân Ước về Phương Diện Thư Mục Học

Xét nghiệm có tính thư mục học là khảo sát việc lưu truyền bản văn nhờ đó tài liệu đã đến tay ta. Nói cách khác, vì ta không có được tài liệu gốc, thì thử hỏi các bản chép có đáng tin cậy hay không dựa vào số lượng các bản chép tay và thời gian ngắt quãng giữa bản gốc và các bản hiện còn đến ngày nay (31). Theo F. E. Peters, duy trên căn bản truyền thống chép tay mà thôi, thì các công trình làm thành Tân Ước của Kitô giáo đã được sao chép nhiều hơn hết và được lưu hành rộng rãi hơn hết các sách cổ thời (33).

1. Chứng cớ các bản chép tay của Tân Ước

Hiện nay có khoảng 5,300 bản chép tay Tân Ước bằng tiếng Hy-lạp. Cộng thêm hơn 10,000 bản chép tay Thánh Kinh (Phổ Thông) bằng tiếng La-tinh và ít nhất cũng 9,300 các bản có trước đó nữa, vị chi hơn 24,000 bản chép tay toàn bộ hoặc một phần Tân Ước hiện còn lưu giữ cho đến ngày nay. Không một tài liệu cổ nào khác có được tầm mức sao chép như vậy. So sánh ra, tập Iliad của Homer dù xếp hàng thứ hai, chỉ đạt được 643 bản chép tay còn đến ngày nay. Bản văn đầu tiên của Homer còn lưu giữ nguyên vẹn được định niên biểu khoảng thế kỷ 13 (28). Sau đây là bảng phân loại con số các bản chép tay của Tân Ước hiện còn tồn tại:

a. Bằng tiếng Hy-lạp
Bản chữ hoa 265
Bản chữ thường 2,764
Sách các bài đọc 2,143
Trên giấy sậy 88
Những bản mới tìm được 47
b. Các ngôn ngữ khác
Latinh Vulgate hơn10,000
Tiếng Ethiopic hơn 2,000
Tiếng Slavic 4,101
Tiếng Armenie 2,587
Tiếng Syriac Pashetta hơn 350
Tiếng Bohairic 100
Tiếng Arabic 75
Tiếng Latinh Cổ 50
Tiếng Anglo-Saxon 7
Tiếng Gothic 6
Tiếng Sogdian 3
Tiếng Syriac cổ 2
Tiếng Ba-tư (persian) 2
Tiếng Frankish 1


(các dữ liệu lấy từ Kurt Aland, Journal of Biblical Literature, Vol.87, 1968).

Quả không một tài liệu cổ nào đã được chứng nghiệm về phương diện thư mục học bằng Tân Ước. Frederick G. Kenyon, Giám đốc và thư viện trưởng tại Bảo Tàng Viện Anh quốc, một học giả có uy tín hàng đầu về các bản chép tay, đã nhận xét như sau: “…ngoài con số ra, các bản chép tay Tân Ước còn khác các bản chép tay các tác giả cổ điển ở điểm nữa đó là khoảng thời gian phân cách giữa lúc soạn thảo sách và niên biểu những bản chép tay cổ nhất hiện còn tồn tại, được xác định là rất ngắn. Vì các sách trong Bộ Tân Ước được soạn thảo vào hạ bán thế kỷ thứ I, trong khi những bản chép tay cổ nhất còn tồn tại đến ngày nay đã được thực hiện vào thế kỷ thứ tư, tức khoảng từ 250 đến 300 năm sau. Khoảng cách trên xem ra có vẻ lớn lao, nhưng thực ra không ăn nhằm gì khi so sánh với khoảng cách nơi các tác giả cổ điển vĩ đại khác. Thí dụ các vở kịch của Sophocles chẳng hạn, ngày nay người ta còn giữ được bản văn tương đối chính xác cho 7 vở mà thôi, thế nhưng, bản chép tay cổ nhất làm căn bản cho 7 vở kia thực ra đã được viết 1,400 năm sau ngày Thi Nhân qua đời (26). Trong cuốn The Bible and Archaeology, Kenyon tiếp tục đề cập đến vấn đề này như sau: “Như thế khoảng thời gian phân cách giữa việc soạn thảo bản gốc và những bản chép tay lâu đời nhất còn tồn tại đến bây giờ đã trở nên nhỏ nhoi đến có thể bỏ qua được, và do đó bất cứ mối hoài nghi nào cho rằng Thánh Kinh đã không đến tay ta như lúc khởi đầu mới được viết ra đã không còn cơ sở nữa. Cả tính chân xác lẫn tính tinh tuyền nói chung của các sách trong bộ Tân Ước có thể coi như đã được hoàn toàn thiết dựng “ (24).

2. So sánh Tân Ước với Các Tác phẩm cổ thời khác

a. So sánh về bản chép tay

F.F. Bruce, trong The New Testament Documents, đã cho ta một hình ảnh sống động về sự so sánh giữa Tân Ước và các trước tác lịch sử của cổ thời như sau: “Có lẽ ta sẽ nhận ra sự phong phú của Tân ước về phương diện chứng cớ chép tay khi so sánh các chất liệu văn bản với các công trình lịch sử khác của thời xưa. Đối với cuốn “Các Chiến Trận Gallic của Caesar” (được viết giữa các năm 57 và 50 trước công nguyên), hiện còn một số bản chép tay, nhưng chỉ có chín hoặc mười bản là tương đối khá, và bản cổ nhất cũng chỉ được thực hiện 900 năm sau thời Caesar. Trong số 142 cuốn nói về Lịch sử La-mã của Livy (59 B.C – 17 A.D.), chỉ có 35 còn lưu truyền; những cuốn này được ta biết đến là do khoảng 20 bản chép tay tương đối còn có một thứ tự nào đó, trong số ấy có một cuốn, tức cuốn chứa các đoạn của Sách III-VI, được thực hiện khoảng thế kỷ thứ bốn. Trong số 14 cuốn Lịch sử của Tacitus (khoảng 100 công nguyên), chỉ có 4 cuốn rưỡi còn tồn tại; trong số 16 cuốn Niên Biểu của ông, chỉ có 10 cuốn còn nguyên còn hai cuốn thì chỉ còn một phần. Văn bản của hai công trình lớn về lịch sử của tác giả này tùy thuộc hoàn toàn vào hai bản chép tay, một được thực hiện ở thế kỷ thứ chín, một ở thế kỷ mười một. Còn các bản chép tay hiện còn đến bây giờ chép lại các công trình nhỏ hơn của ông (Dialogus de Oratoribus, Agricola, Germania) đều đến tay ta qua một bộ codex của thế kỷ thứ mười. Bộ Lịch sử của Thucydides (kho ảng thế kỷ thứ 4 trước công nguyên) được ta biết đến nhờ 8 bản chép tay, mà bản cổ nhất có từ năm 900 công nguyên, và một số mảnh vụn dưới hình thức giấy sậy có từ đầu kỷ nguyên Kitô giáo. Điều ấy cũng xẩy ra cho bộ Lịch sử của Herodotus (488-428 B.C.). Ấy thế mà không một học giả cổ điển nào đi nghe những luận chứng cho rằng tính chất xác thực của Herodotus hoặc của Thucydides là đáng hoài nghi chỉ vì những bản chép tay sớm nhất các công trình của các ông đã chỉ được thực hiện hơn 1,300 năm sau các nguyên bản” (11). Về phía các tác giả cổ Hy-lạp cũng thế, “các bản chép tay cổ nhất được biết đến ngày nay của hầu hết các tác giả cổ điển Hy-lạp đã được định tuổi cả ngàn năm sau cái chết của họ”. Như thế, có thể kết luận rằng: một khi các học giả đã chấp thuận một cách tổng quát tính chất đáng tin của các tác phẩm cổ điển, dù các bản chép tay cổ nhất còn đến nay chỉ được thực hiện rất lâu sau nguyên bản và con số các bản chép tay còn lại đến nay hết sức nhỏ nhoi, thì rõ ràng ta phải dứt khoát chấp nhận tính chất đáng tin của Tân Ước (20).

TÁC GIẢ Khi viết Bản cổ nhất Cách khoảng Số bản
Caesar 100-44 B.C 900 A.D. 1,000 năm 10
Livy 59B.C-17A.D. 20
Plato
(Tetralogies) 427-347B.C 900 A.D. 1,200 năm 7
Tacitus
(Annals) 100 A.D. 1100 A.D. 1,000 năm 20
và sách nhỏ 100 A.D. 1000 A.D. 900 năm 1
Pliny hậu
(History) 61-113 A.D. 850 A.D. 750 năm 7
Thucydides
(History) 460-400 B.C. 900 A.D. 1,300 năm 8
Suetonius (De
Vita Caesarum) 75-160 A.D. 950 A.D. 800 năm 8
Herodotus
(History) 480-425 B.C. 900 A.D. 1,300 năm 8
Horace 900 năm
Sophocles 496-406 B.C. 1000 A.D. 1,400 năm 193
Lucretius
Chết năm 55 hay 53 B.C. 1,100 năm 2
Catullus 54 B.C. 1550 A.D. 1,600 năm 3
Euripides 480-406 B.C. 1100 A.D. 1,500 năm 9
Demosthenes 383-322 B.C. 1100 A.D. 1,300 năm 200*
Aristotle 384-322 B.C. 1100 A.D. 1,400 năm 49**
Aristophane 450-385 B.C. 900 A.D. 1,200 năm 10


*Tất cả đều do một bản duy nhất

** Thuộc bất cứ tác phẩm nào

b. So sánh về bản văn

Trong các trước tác văn học của người Hy-lạp, các vần thơ của Homer xứng đáng nhất có thể so sánh với Thánh Kinh, vì trong toàn bộ nền văn học La-Hy ngày xưa, bộ Iliad được xếp hàng thứ hai sau Tân Ước nhờ số lượng các bản chép tay còn lại. Người cổ thời học thuộc lòng thơ văn Homer như sau này người ta học thuộc lòng Thánh Kinh vậy. Cả hai được trọng kính và trích dẫn để bảo vệ những luận chứng liên quan đến trời, đất, và âm phủ (Hades). Cả thơ văn Homer lẫn Thánh Kinh đều được sử dụng như sách giáo khoa đầu tiên cho nhiều thế hệ trẻ em tập đọc. Quanh hai công trình ấy, người ta thấy xuất hiện nhiều trường phái và bình luận. Cả hai đều có những bảng tự vựng riêng. Cả hai đều được mô phỏng và bổ sung – thơ văn Homer được phóng tác thành những ca khúc gọi là Ca Khúc Homer và những trước tác như các tập Batrachomyomachia, còn Thánh Kinh thì có những bản ngụy thư (apocrypha). Thơ Homer được san định thành những bản phân tích bằng văn xuôi; Phúc âm thánh Gioan được Nonnus của thành Panopolis cải biên thành thiên sử thi lục vận. Các bản chép tay của Homer và của Thánh Kinh đều được trang trí hoa mĩ. Các cảnh trong thơ Homer được dùng làm bích họa tại Pompei; còn hình ảnh Thánh Kinh được dùng trong các tranh ghép (mosaics) và tranh tường (frescoes) của các thánh đường (29).

Ta biết Thánh Kinh Tân ước có cả thẩy 20,000 dòng, trong khi Iliad có 15,600 dòng. Tuy nhiên, chỉ có 40 dòng (khoảng 400 chữ) trong bộ Tân Ước bị coi là đáng nghi, chiếm chưa đến nửa phần trăm, trong khi Iliad có đến 764 dòng bị nghi ngờ, chiếm gần 5 phần trăm. Thiên anh hùng caMahabharata của Ấn Độ còn bị sai lạc nhiều hơn nữa. Nó dài hơn Iliad và Odyssey cộng lại cả 8 lần, nghĩa là vào khoảng 250,000 dòng. Trong số ấy, có đến 26,000 dòng bị coi là sai lạc về văn bản, nghĩa là khoảng 10 phần trăm (18). Vả lại, những sai lạc trong các bản chép tay Tân Ước không có chi trầm trọng hết, vì chấp nhận chúng hay từ khước chúng vẫn không làm cho câu văn mất ý nghĩa (39). Phillip Schaff, trong Comparison to the Greek Testament and the English Version, nói rõ thêm rằng không một biến thể nào đã khiến cho một tín điều hay một giới răn nào phải thay đổi cả (35).

Geisler và Nix nhận định thêm về những sai chạy trong văn bản Tân Ước như sau: “quả có hàm hồ khi cho rằng trong các bản chép tay của Tân Ước có đến 200,000 dị điểm (variants), vì thực ra những dị điểm này chỉ đại biểu cho 10,000 chỗ trong Tân Ước. Nếu một chữ bị chép sai vần (misspelled) trong 3,000 bản chép tay, thì được kể là đã có 3,000 dị điểm hay cách đọc khác nhau rồi. Có thể nói, chỉ vào khoảng 1 phần 60 các dị điểm trên được kể là đáng lưu ý thôi. Về phương diện toán học, có thể nói bản văn Tân Ước chính xác đến 98.33 phần trăm (18). Và như trên đã nhấn mạnh, các dị điểm này không buộc ta phải thay đổi hay phải duyệt lại bất cứ tín điều nào của Kitô giáo.

3. Niên biểu các Bản chép tay quan trọng của Tân Ước

Các yếu tố sau đây đã được dùng để xác định niên hiệu các bản chép tay:

1. Vật liệu

2. Cỡ và hình thức chữ

3. Cách chấm câu

4. Cách phân đoạn

5.Trang trí

6. Mầu mực

7. Cấu trúc và mầu sắc giấy da thú

a. Bản chép tay của John Rylands (130 A.D.), hiện được giữ tại Thư Viện mang tên ông tại Manchester, Anh quốc, được kể là mẩu văn Tân Ước lâu đời nhất còn đến nay. Vì niên hiệu lâu đời và địa điểm tìm ra nó (Ai Cập), khá cách xa nơi nó được trước tác (Tiểu Á), nên người ta tin rằng mẩu Phúc âm Thánh Gioan này cho thấy chính Phúc âm của Ngài đã được viết khoảng cuối thế kỷ thứ nhất (18). Có người cho rằng nếu cái mẩu Phúc âm này được khám phá vào giữa thế kỷ 19, thì cái trường phái phê phán Tân Ước do vị giáo sư khả kính của Tubingen, Ferdinand Christian Bauer, gợi hứng, đâu có cho rằng Phúc âm thứ tư chỉ có thể đã được trước tác sau năm 160 (30).

b. Bản chép tay Bodmer Papyrus II (150-200 A.D.) hiện lưu giữ tại Thư viện Văn Học Thế Giới Bodmer, chứa phần lớn Phúc âm thánh Gioan. Bruce Metzger cho rằng đây là khám phá quan trọng nhất trong các bản chép tay Tân Ước kể từ khi người ta mua được các bản giấy sậy của Chester Beaty (30). Theo Herbert Hunger, giám đốc các sưu tập giấy sậy tại Thư Viện Quốc Gia Vienna, bản này được thực hiện vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ hai (30).

c. Các bản giấy sậy của Chester Beaty (200 A.D.) được lưu giữ tại Bảo Tàng viện C. Beaty ởDublin, và một phần do Đại Học Michigan sở hữu. Sưu tập này chứa các bộ sách bằng giấy sậy, ba cuốn trong bộ này chứa những phần chính của Tân Ước (15). Frederick Kenyon cho rằng kết quả thuần của khám phá này, một khám phá quan trọng hơn hết kể từ khi khám phá ra Bộ Codex Sinaiticus, là đã giảm thiểu khoảng trống giữa các bản chép tay đầu tiên và niên biểu truyền thống của các sách Tân Ước, giảm thiểu cách đáng kể đến nỗi có thể bỏ qua không cần nhắc đến trong các tranh luận về tính chuẩn xác (authencticity) của chúng nữa (25).

d. Bản Diatessaron có nghĩa là “một hòa hợp của bốn phần”. Đây là công trình hòa hợp 4 Phúc Âm của Tatian (khoảng 160 A.D.). Eusebius, trong Ecclesiastical History, IV, 29, ấn bản Loeb, 1, 397, viết rằng: “… Nhà lãnh đạo Tatian của họ trước đây đã trước tác một tổng hợp (combination) và một hợp tuyển các sách Phúc âm, và đặt tên cho nó là Diatessaron, hiện nay vẫn còn tồn tại ở một vài nơi…” Người ta tin rằng Tatian, một Kitô hữu người Assyri, đã là người đầu tiên trước tác một bản hòa hợp các sách Phúc âm; ngày nay chỉ một phần nhỏ còn sống sót (18/318,319).

e. Bộ Codex Vaticanus (325-350 A.D.) lưu giữ tại Thư Viện Vatican, gồm hầu hết toàn bộ Thánh Kinh.

f. Bộ Codex Sinaiticus (350 A.D.) lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Anh quốc. Bộ chép tay này chứa hầu như trọn bộ Tân Ước và quá phân nửa Cựu Ước, đã được Tiến sĩ Constantin Von Tischendorf khám phá năm 1859 tại Tu viện Núi Sinai, được tu viện này dâng cho Nga hoàng và sau đó được chính phủ và nhân dân Anh mua lại của Liên Bang Sôviết với giá 100,000 bảng Anh vào Lễ Giáng sinh năm 1933. Việc khám phá ra Bộ chép tay này có một lịch sử rất lý thú. Bruce Metzger thuật lại như sau: “Năm 1844, khi chưa đầy 30 tuổi, Tischendorf, một Privatdozent của Đại học Leipzig, làm một cuộc hành trình rộng lớn khắp miền Cận Đông để đi tìm các bản chép tay Thánh Kinh. Khi đang thăm tu viện Thánh nữ Catherine tại Núi Sinai, ông tình cờ thấy một số tờ giấy da thú trong một giỏ rác đầy giấy dùng để đốt lò tại tu viện. Khảo sát thì thấy những tờ giấy ấy chính là một phần bản chép tay bộ Thánh Kinh Bẩy Mươi của Cựu Ước, viết theo lối chữ hoa Hy-lạp thời xưa. Ông vội lượm hơn bốn mươi tư tờ giấy kiểu ấy lên khỏi giỏ rác. Thấy vậy, vị tu sĩ còn tỉnh bơ báo cho ông hay hai giỏ đầy những tờ giấy như thế đã được thiêu rụi! Sau đó, khi được chỉ cho coi những phần khác của Bộ Thánh Kinh này (chứa trọn bộ Isaiah và Macabê I và II), Ông cho các tu sĩ hay những tài liệu ấy rất qúi giá không thể làm mồi cho lửa được. Bốn mươi tư tờ ông được phép giữ gồm một số đoạn của Sách Ký sự I, sách Jeremia, Nehemiah, và Esther. Khi trở về Âu Châu, Ông lưu giữ chúng tại thư viện của Đại học Leipzig cho đến ngày nay. Năm 1846, ông cho ấn hành nội dung của chúng, đặt tên là Codex Frederico-Augustanus (để vinh danh Vua xứ Saxony là Frederick Augustus, quân vương và người bảo trợ của ông) (30). Năm 1853, Tischendorf viếng thăm Tu viện trên lần thứ hai, nhưng không thu lượm được bản chép tay nào cả vì các tu sĩ tỏ ra ngờ vực đối với cái hứng khởi do lần viếng thăm đầu tạo ra chung quanh các bản chép tay này. Tuy nhiên trong lần viếng thăm tu viện lần thứ ba vào năm 1859 dưới sự hướng dẫn của chính Nga hoàng Alexander đệ nhị, ngay trước khi tạm biệt, Tischendorf tặng vị tu viện trưởng tu viện một ấn bản Bản Bẩy Mươi được ông xuất bản tại Leipzig. Vị tu viện trưởng bèn cho hay Ông cũng có một Bản Bẩy Mươi và tức khắc rút từ hộc tủ một bản chép tay bọc trong vải điều. Thế là trước đôi mắt đầy thích thú của nhà học giả, cả một châu báu đang được bày ra, thứ châu báu ông tìm kiếm xưa nay! Dấu xúc cảm, ông vội xin phép được xem tài liệu ấy kỹ hơn một chút vào buổi tối. Vị tu viện trưởng đồng ý và khi về phòng Tischendorf đã thức thâu đêm say mê nghiên cứu bản chép tay ấy, vì theo ông, quippe dormire nefas videbatur, ngủ bây giờ quả là một phạm thánh (lời ông ghi trong nhật ký). Ông khám phá ngay rằng tài liệu chứa nhiều điều hơn ông mong ước; vì không những phần lớn Cựu ước có trong đó, mà cả Tân ước nữa cũng nguyên vẹn và còn rất tốt, lại có thêm hai công trình Kitô giáo của thế kỷ thứ hai, tức Thư của Barnabas (mà trước đây người ta chỉ được biết qua bản dịch tiếng Latinh rất nghèo nàn) và phần lớn tài liệu Shepherd của Hermas mà xưa nay người ta chỉ biết có tên tựa (30).

g. Bộ Codex Alexandrinus (400 A.D.) được lưu giữ tại Bảo Tàng Viện Anh quốc; Bách khoa Từ điển Anh tin rằng bộ này được chép bằng tiếng Hy-lạp tại Ai-Cập. Nó chứa hầu hết bộ Thánh Kinh.

h. Bộ Codex Ephraemi (400 A.D.) được lưu giữ tại Thư Viện Quốc Gia Paris. Bách khoa Từ điển Anh tin rằng nguồn gốc thế kỷ thứ năm và chứng cớ nó cung cấp khiến nó trở nên quan trọng đối với văn bản của một số phần trong Tân Ước. Mọi sách đều có trong đó ngoại trừ Thư thứ hai gửi gửi người Tê-xa-lô-ni-ca và Thư thứ II của Thánh Gioan.

i. Bộ Codex Bezae (450 A.D.) được lưu giữ tại Thư viện Cambridge, chứa các Phúc Âm và Tông Đồ Công Vụ không những bằng Hy-lạp mà còn bằng La-tinh nữa.

j. Bộ Codex Washingtonensis, còn gọi là Freericanus, (450 A.D.) chứa đủ bốn sách Phúc âm.

k. Bộ Codex Claromontanus (500 A.D.) chứa các thư thánh Phaolô. Đây là bản chép tay hai thứ tiếng.

4. Tính chất đáng tin của các bản chép tay nhờ các dịch bản (versions) khác nhau

Phần lớn văn chương cổ thời ít được phiên dịch sang một ngôn ngữ khác. Kitô giáo khác hẳn, ngay từ đầu đã là một tôn giáo có tính truyền giáo rồi. Những bản dịch đầu tiên của Tân Ước đã được các nhà truyền giáo thực hiện để trợ giúp công cuộc truyền bá đức tin Kitô giáo nơi các dân tộc mà ngôn ngữ bản địa là tiếng Syriac, tiếng Latinh hay Coptic (30). Các bản dịch Tân Ước sang tiếng Syriac và Latinh đã được thực hiện khoảng năm 150 công nguyên. Điều này đem ta lại rất gần với thời của nguyên bản. Ngày nay, hiện còn hơn 15,000 bản dịch khác nhau. Về các bản dịch Syriac, ta có:

a. Các bản Syriac cổ (Old Syriac) chứa đủ bốn Phúc âm, được chép vào thế kỷ thứ tư. Cần giải thích một điều là chữ Syriac dùng ở đây chỉ chung những người Kitô hữu Aramaic. Nó được viết bằng một thứ mẫu tự Aramaic rất rõ rệt (10/193). Theodore người Mopsuestia (thế kỷ 5) viết rằng: “nó đã được dịch sang ngôn ngữ của người Syri” (10).

b. Các bản Syriac Peshitta (nghĩa căn bản là giản đơn). Đây là bản dịch tiêu chuẩn, xuất hiện khoảng từ năm 150 đến năn 250 công nguyên. Hiện còn đến 350 bản chép tay (18).

c. Các bản Syriac miền Palestine: các học giả cho rằng các bản dịch này được thực hiện khoảng các năm 400-350 công nguyên (thế kỷ thứ 5) (30). d. Bản Philoxenian (508 A.D.): Thánh Polycarp phiên dịch Tân Ước qua tiếng Syriac cho Philexenas, giám mục thành Mabug (20/49).

e. Bản Harkleian do Thomas thành Harkel thực hiện khoảng năm 616 công nguyên.

Về các bản dịch La-tinh, ta có:

f. Latinh cổ: có nhiều chứng cớ từ thế kỷ thứ tư qua thế kỷ mười ba cho thấy trong thế kỷ thứ ba, đã có bản dịch bằng tiếng La-tinh cổ được lưu hành ở Bắc Phi và Âu Châu…

g. Latinh cổ Phi Châu (Codex Babbiensis) 400 A.D. Các dấu vết cổ tự học của nó đã được sao chép từ một thứ giấy sậy thế kỷ thứ hai (30/72-74)

h. Codex Corbiensis (400-500 A.D.) chứa bốn sách Phúc âm.

i. Codex Vercellensis (360 A.D.)

j. Codex Palatinus (thế kỷ 5 công nguyên)

k. Bản Vulgate (tức bản Phổ thông). Thánh Giêrôm, lúc ấy là thư ký của Damasus, Giám mục Rôma, theo yêu cầu của vị này mà dịch trọn bộ Thánh Kinh trong khoảng các năm 366-384 (10/201).

Về các bản dịch Coptic (Ai-Cập), ta có:

l. Bản Sahidic: đầu thế kỷ thứ ba (30)

m. Bản Bohairic: khoảng thế kỷ thứ tư (20)

n. Bản Trung AiCập: Thế kỷ thứ tư hoặc thứ năm.

Các bản dịch cổ khác:

o. Tiếng Armeni (400 A.D.) dường như đã được dịch từ Thánh Kinh bằng tiếng Hy-lạp lấy ởConstantinople.

p. Tiếng Gothic: Thế kỷ thứ tư.

q. Tiếng Georgia: Thế kỷ thứ năm

r. Tiếng Ethiopi: Thế kỷ thứ sáu

s. Tiếng Nubia: Thế kỷ thứ sáu.

5. Đáng tin nhờ các trước tác của các giáo phụ tiên khởi

Các giáo phụ tiên khởi trích dẫn Tân Ước một cách rộng rãi đến độ có học giả cho rằng: ta có thể tái tạo Tân Ước dựa vào các trích dẫn đó, chứ không cần các bản chép tay (20/54). Có người đặt câu hỏi với David Dalrymple rằng nếu Tân Ước bị tiêu hủy, và không còn bản chép nào vào cuối thế kỷ thứ ba, liệu người ta có thể thu thập lại chúng từ các trước tác của các giáo phụ thế kỷ thứ hai và thứ ba không? Sau nhiều điều tra tận tường, Dalrymple kết luận rằng: “Vì tôi có đủ bộ tác phẩm của các giáo phụ thế kỷ thứ hai và thứ ba, nên sau khi nghiên cứu tôi thấy trọn bộ Tân Ước có trong đó chỉ trừ 11 câu” (28).

Điều trên xét cho cùng không có chi lạ cả, vì hầu hết các giáo phụ tiên khởi đều có liên hệ xa gần với chính các Tông đồ. Clement thành Rô-ma (95 A.D.) được Origen trong De Principus, Sách II, Chương 3, gọi là môn đệ các tông đồ (6). Tertullian, trong Against Heresies, chương 23, còn đi xa hơn, quả quyết rằng Ngài được chính Thánh Phêrô cử nhiệm. Cũng trong Sách này, Irenaeus cho hay mình còn như nghe được các giáo huấn của các Tông đồ vang bên tai, và các học thuyết của các Ngài hiển hiện trước mắt. Irenaeus thường trích dẫn các Phúc âm Matthêu, Maccô và Luca, Tông đồ Công vụ, Thư I Cor., Thư I Phêrô, Thư Do Thái và thư Titô. Ignatius (70-110 A.D.) là giám mục Antiokia và anh hùng tử đạo. Ngài rất quen biết các Tông đồ. Bẩy bức thư Ngài soạn chứa nhiều trích dẫn từ Mátthêu, Gioan, Tông đồ Công vụ, Thư La-mã, thư I Cor, thư Êphêsô, thư Phi-lip-phê, thư Galát, thư Cô-lô-xê, thư Giacôbê, Thư I và II Thessalônica, thư I và II Timôtê, thư I Phêrô. Còn thánh Polycarp (70-156 A.D.) tử đạo năm 86 tuổi, làm giám mục Smyrna và là môn đệ thánh Gioan. Các giáo phụ khác có trích dẫn Tân Ước gồm Barnabas (70 A.D.), Hermas (95 A.D.), Tatian (170 A.D.) và Irenaeus (170 A.D.).

Clement thành Alexandria (15-212 A.D.) trích dẫn 2,400 câu từ hầu hết các sách của Tân Ước chỉ trừ ba sách mà thôi. Tertullian (160-220 A.D.), một linh mục của Giáo hội Carthage, trích dẫn Tân Ước hơn 7,000 lần, trong đó 3,800 lần từ các Phúc âm. Hippolytus (170-235 A.D.) trích dẫn hơn 1,300 lần. Origen (185-253 A.D.) sưu tập trên 6,000 trước tác, ông liệt kê hơn 18,000 các câu trích Tân Ước (18/353). Cyprian (chết năm 258 A.D.), giám mục Carthage, đã sử dụng khoảng 740 câu trích của Cựu Ước và 1,300 câu của Tân Ước.

Geisler và Nix kết luận một cách chính xác rằng: “Có khoảng 32,000 câu trích dẫn Tân Ước trước thời Công Đồng Nicea (325). Con số 32,000 này thực ra chưa đầy đủ, và không bao gồm các con số của các tác giả thế kỷ thứ tư. Nếu chỉ thêm con số tham chiếu được một tác giả khác sử dụng, tức Eusebius, người rất nổi danh trước và đồng thời với Công đồng Nicea, thì tổng số các câu trích Tân ước lên đến 36,000 (20). Nếu lại thêm các giáo phục khác như Augustine, Amabius, Laitantius, Chrysostom, Jerome, Gaius Romanus, Athanasius, Ambrose thành Milan, Cyril thành Alexandria, Ephraem người Syria, Hilary thành Poitiers, Gregory thành Nyssa… thì con số trên còn lên cao rất nhiều, như lời của Leo Jaganay: “Trong số đáng kể các bộ tài liệu chưa được ấn hành mà Kinh sĩ Burgon đã để lại khi qua đời, ta cần chú ý đến bản liệt kê (index) các câu trích dẫn Tân ước của các giáo phụ thời xưa. Bản liệt kê ấy gồm 16 cuốn sách dầy được lưu giữ tại Bảo Tàng viện Anh quốc, chứa 86,489 câu trích (22)

CÁC CÂU TRÍCH DẪN TÂN ƯỚC CỦA CÁC GIÁO PHỤ (14)
TÁC GIẢ Phúc âm TĐCV Phaolô Thư Chung Khải huyền T. cộng
Justin Tử đạo 268 10 43 6 3 330
Irenaeus 1,038 194 499 23 65 1,819
Clement Alex. 1,017 44 1,127 207 11 2,406
Origen 9,231 349 7,778 399 165 17,922
Tertullian 3,822 502 2,609 120 205 7,258
Hippolytus 734 42 387 27 188 1,378
Eusebius 3,258 211 1,592 88 27 5,176
Tổng cộng| 19,368 1,352 14,035 870 664 36,289

6. Đáng tin nhờ các Sách Bài Đọc (Lectionaries)

Đây là phạm vi bị lãng quên trầm trọng, tuy các sách bài đọc là loại bản chép tay Tân Ước lớn hàng thứ hai bằng tiếng Hy-lạp. Bruce Metzger nói về bối cảnh của các sách bài đọc như sau: “Theo tập tục của hội đường Do-Thái, tức tập tục trong đó các phần của Lề Luật và Tiên Tri được đọc trong các buổi thờ phượng ngày Sabath, Giáo hội Kitô giáo có thói quen cũng đọc các trích đoạn Tân Ước trong các buổi thờ phượng của mình. Một hệ thống đều đặn các bài học được khai triển từ Phúc âm và các Thánh thư, và được sắp xếp theo một thứ tự nhất định căn cứ vào các Chúa Nhật và ngày lễ buộc của năm phụng vụ” (30). Metzger cũng cho hay người ta đã xếp loại được 2,135 các sách bài đọc này. Những mẩu bài đọc lâu đời nhất có từ thế kỷ thứ sáu, trong khi những bản chép tay đủ bộ thì mãi đến thế kỷ thứ tám và sau đó nữa mới có (20). Các sách bài đọc thường khá bảo thủ và sử dụng những bản văn cổ hơn, do đó rất có giá trị về phương diện phê bình văn bản (30).

Vũ Văn An
Nguồn: UBKT/HĐGMVN

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :