www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 17 TN

THỨ HAI TUẦN 17 TN

Tin Mừng (Mt 13,31-35)

31 Hôm ấy, Đức Giê-su trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói : “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình.

32 Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất ; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”

33 Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác : “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”

34 Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông ; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, 35 hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ : Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

NHỎ NHƯNG KHÔNG NHỎ

“Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải… Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất.” (Mt 13,31-32)

Suy niệm: Để có thể bán nhiều sản phẩm hơn, các nhà sản xuất thường tung ra những “chiêu” quảng cáo như: khối lượng lớn hơn, chất lượng tốt hơn, kiểu dáng hấp dẫn hơn, nhưng giá bán vẫn như cũ. Trong nhiều trường hợp, yếu tố “ngoại hình” đóng một vai trò hết sức quan trọng, nếu không nói là quyết định. Chúa Giê-su dường như đang đi ngược với xu thế quảng cáo đó khi Ngài giới thiệu “mặt hàng” Nước Trời: một hạt cải nhỏ xíu bị vùi lẫn trong đất đen, một nắm men ít oi chìm mất trong thúng bột. Thế nhưng, ẩn nấp bên trong cái ngoại hình không lấy gì làm ấn tượng đấy là một sức mạnh đầy sáng tạo phong phú.

Mời Bạn: Đừng coi thường những gì nhỏ bé bởi vì đó là tính cách của Nước Trời, là thói quen hoạt động của Thiên Chúa. Những việc nhỏ, một nghĩa cử thân ái, một lời nói an ủi, khích lệ, một công việc bổn phận hằng ngày được thực hiện cách chu đáo, v.v… những việc nhỏ như thế sẽ không còn là nhỏ nếu như chúng được thực hiện bởi một niềm tin son sắt và một tình yêu nồng nàn dành cho Đức Ki-tô. Những công trình lớn lao sẽ chỉ là trống rỗng nếu thiếu vắng động cơ tiềm tàng này.

Sống Lời Chúa: Chu toàn những công việc bổn phận hằng ngày của bạn với lòng yêu mến Chúa và tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa coi trọng đồng tiền nhỏ của bà goá, Chúa nói Nước Trời thuộc về những ai có tâm hồn trẻ thơ. Con xin dâng những công việc nhỏ bé hằng ngày con làm vì yêu mến Chúa, để nhờ đó Chúa cho con được vinh dự góp phần xây dựng Nước Trời.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là một vì Thiên Chúa uy nghi vĩ đại, nhưng lại trở nên nhỏ bé qua tấm bánh đơn sơ để trao ban sự sống cho chúng con. Chúa ẩn dấu ngôi vị Thiên Chúa để mang lấy thân phận con người giống như chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Chúng con xin chúc tụng ngợi khen tình yêu Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sự khiêm cung nhỏ bé, để chúng con sống với mọi người trong khiêm tốn hiền hoà.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, có ai đó nói rằng: dù một việc nhỏ bé tầm thường nhưng nếu làm với lòng mến chân thành cũng trở nên những việc phi thường. Chúa cũng muốn chúng con hiện diện giữa đời thật nhỏ bé khiêm cung như hạt cải gieo vào nhân gian, như chút men thẩm thấu vào dòng đời, thế nhưng từng nghĩa cử yêu thương, bác ái, vị tha của chúng con dù nhỏ bé vẫn có sức biến đổi cuộc sống chung quanh mỗi ngày một tốt hơn.

Lạy Chúa, thế giới chúng con đang sống đầy thói hư tật xấu, đầy những đam mê lầm lạc, xin cho chúng con dám sống thánh thiện để xoá bỏ những thói đời điêu ngoa, những lối sống trụy lạc, những ham muốn tầm thường. Xin giúp chúng con biết gieo vãi vào nhân gian những việc lành đạo đức, những lối sống thánh thiện ngõ hầu biến đổi trần gian theo ánh sáng Tin Mừng của Chúa. Amen.


THỨ BA TUẦN 17 TN: Th. Mác-ta

Tin Mừng (Ga 11, 19-27)

Khi ấy, nhiều người Do-thái đến nhà Martha và Maria để an ủi hai bà vì người em đã chết. Khi hay tin Chúa Giêsu đến, Martha đi đón Người, còn Maria vẫn ngồi nhà. Martha thưa Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Tuy nhiên, ngay cả bây giờ, con biết Thầy xin gì cùng Thiên Chúa, Thiên Chúa cũng sẽ ban cho Thầy”. Chúa Giêsu nói: “Em con sẽ sống lại”. Martha thưa: “Con biết ngày tận thế, khi kẻ chết sống lại, thì em con sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói: “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dầu có chết cũng sẽ được sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ. Con có tin điều đó không?” Bà thưa: “Thưa Thầy: vâng, con đã tin Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống đã đến trong thế gian”.

Thánh Matta

Thánh nữ Matta là chị ruột của Maria và Lazarô. Các ngài sống tại một ngôi làng nhỏ bé tên Bêtania gần thành phố Giêrusalem. Các ngài là những người bạn rất thân của Đức Chúa Giêsu, và Đức Chúa Giêsu cũng thường hay đến thăm các ngài. Thật vậy, sách Tin mừng nói cho chúng ta biết: “Chúa Giêsu yêu Matta, Maria và Lazarô.” Chính thánh nữ Matta đã phục vụ Chúa Giêsu cách rất âu yếm khi Người đến thăm gia đình Matta.

Một ngày kia, thánh nữ Matta đang bận sửa soạn bữa ăn cho Chúa Giêsu và các tông đồ của Người. Thánh nữ nhận thấy rằng công việc sẽ dễ dàng hơn nếu cô Maria em ngài phụ giúp ngài một tay. Matta thấy Maria đang ngồi bên chân Chúa Giêsu mà nghe lời Người. Matta liền đề nghị: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo em con giúp con với!” Chúa Giêsu rất hài lòng với công việc phục vụ dễ thương của Matta. Tuy vậy, Người muốn cho Matta hiểu rằng việc nghe lời Chúa và cầu nguyện thì có tầm quan trọng hơn. Vì thế, Chúa Giêsu đã dịu dàng nói: “Matta, Matta, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện! Chỉ có một chuyện cần mà thôi! Maria em con đã chọn phần tốt nhất!”

Lòng tin tưởng mãnh liệt vào Chúa Giêsu của thánh nữ Matta còn được biểu lộ khi em trai Lazarô qua đời. Ngay lúc nghe tin Đức Chúa Giêsu đang đến Bêtania, Matta đã đi ra tiếp đón Người. Matta tin tưởng vào Chúa Giêsu và thốt lên cách rất tự nhiên: “Lạy Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết!” Sau đó, Chúa Giêsu nói với Matta rằng em Lazarô sẽ sống lại. Người nói: “Ai tin vào Thầy thì dù có chết cũng sẽ sống. Con có tin điều đó không?” Và Matta thưa: “Lạy Thầy, vâng con tin rằng Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa đã đến trong thế gian.” Hôm ấy, Chúa Giêsu đã làm một phép lạ vĩ đại cho Lazarô sống lại từ cõi chết!

Sau đó, Chúa Giêsu lại đến dùng bữa với Lazarô, Matta và Maria. Thánh nữ Matta phục vụ bàn ăn như thường lệ. Tuy nhiên, lần này với thái độ đáng yêu hơn: Matta đã phục vụ với một trái tim thật vui tươi!

Thánh nữ Matta đã nêu cho chúng ta một tấm gương sáng về lòng hiếu khách. Khi chúng ta chào đón hay phục vụ ai, Đức Chúa Giêsu coi đó như là chúng ta làm cho chính bản thân Người. Thánh nữ Matta cũng nêu gương sáng về lòng tin tưởng và niềm trông cậy. Ngài là bạn thân của Đức Chúa Giêsu và ngài biết có thể tin tưởng vào lời Đức Chúa Giêsu đã nói. Xin thánh nữ Matta cũng giúp chúng ta biết tạo mối tương quan thân thiện với Đức Chúa Giêsu như ngài.

TẤT CẢ VÌ GIÊ-SU

“Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10,41-42)

Suy niệm: Năm 1973, khi Mẹ Têrêxa Calcutta được trao tặng trao tặng bằng tiến sĩ danh dự về thần học của đại học Kempet, Anh quốc, một ký giả đã hỏi mẹ: “Đâu là động lực thúc đẩy Mẹ bắt tay vào việc phục vụ người nghèo?” Người ta chờ đợi câu trả lời dài với rất nhiều lời giải thích. Thế nhưng, Mẹ Têrêsa chỉ đáp lại bằng một tiếng vắn gọn: “Chúa Giê-su”. Vâng, “tất cả vì Chúa và cho Chúa”; con người lăn xả hoạt động như Mác-ta nhưng với một động lực thâm sâu của cầu nguyện như Ma-ri-a, đó là mẹ Têrêxa Calcutta. Mác-ta và Ma-ri-a, mỗi người đón tiếp Chúa theo cách của mình. Mác-ta tất bật phục vụ lo chuẩn bị bữa ăn. Ma-ri-a ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người. Ngài không đề cao thái độ này để hạ thái độ kia, nhưng Ngài muốn chúng ta nhớ rằng việc ưu tiên số 1 là lắng nghe Lời Ngài trong tâm tình cầu nguyện, và tâm tình đó không được thiếu vắng ngay cả khi bạn lăn xả vào hoạt động tông đồ.

Mời Bạn: Đời sống của bạn đã có sự thống nhất chưa? Nghĩa là việc cầu nguyện có chiếm địa vị ưu tiên nhất và có thấm nhuần vào mọi hoạt động khác trong một ngày sống của bạn không?

Chia sẻ: Bạn làm thế nào để thống nhất hai phương diện cầu nguyện và hoạt động trong cuộc sống của bạn?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm việc gì bạn hãy bắt đầu bằng việc cầu nguyện.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con say mê Lời Chúa, xin cho con luôn kết hiệp với Chúa khi cầu nguyện cũng như lúc làm việc để trong mọi việc con đều làm cho Chúa và vì Chúa mà thôi.


Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã từng nói “kho tàng ở đâu thì lòng trí ở đó”. Ước gì chúng con luôn nhận ra Chúa là kho tàng của cuộc đời chúng con, để chúng con luôn biết quy hướng về Chúa, biết sống tín thác vào Chúa. Xin giúp chúng con luôn kết hợp mật thiết với Chúa qua lời nói, viêc làm luôn tuân theo thánh ý Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa đã chờ đợi chúng con trở về. Chúa luôn kiên nhẫn với chúng con. Chúa hằng mong muốn chúng con sinh hoa trái trong sự hiệp thông với Chúa. Chúa luôn chậm bất bình và rất mực khoan nhân với những lỗi lầm của chúng con. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa sự kiên nhẫn để chúng con nhẫn nại với những thiếu sót của anh em. Xin giúp chúng con đừng bao giờ xét đoán anh em mình một cách khắc khe nhưng luôn tha thứ dịu hiền. Xin giúp chúng con luôn có cái nhìn lạc quan về anh em chúng con. Xin cho chúng con biết sống tha thứ, hiền từ như Chúa đã tha thứ cho chúng con.

Lạy Chúa, xin gìn giữ chúng con khỏi những thói đời tội lỗi như là gai góc đang quấn quanh cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con sống thanh thoát khỏi những ham muốn tầm thường nhưng luôn biết sống cao thượng, sống thanh sạch theo những đòi hỏi của Tin mừng của Chúa. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 17 TN: Th. Phê-rô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT

Tin Mừng (Mt 13, 44-46)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh trở về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy.

Thánh Phêrô Kim Ngôn, giám mục, tiến sĩ HT

Thánh Phêrô có biệt hiệu là Chrysôlôgô (kim ngôn) bởi tài hùng biện đặc biệt của Ngài. Ngài sinh vào khoảng năm 405, tại miền Imola, nước Ý. Đức Giám mục Giáo phận Imola là Cornêlliô phong chức phó tế cho Ngài. Dưới sự hướng dẫn của Đức Giám mục, Ngài thực hiện những bước tiến lạ lùng trên con đường trong tu viện.

Năm 430, Đức Tổng Giám mục Gioan của Giáo phận Ravenna từ trần. Trong khi tìm vị chủ chăn mới, hàng giáo sĩ và giáo dân đã xin Đức Giám mục Iomola nhập đoàn cùng họ để đi Roma yết kiến Đức Thánh Cha Sixtô III. Phêrô được Đức Giám mục Iomola coi như người được tiền định để làm giám mục Ravenna. Ngài liền xin đặt Phêrô làm Giám mục Ravenna, kế vị Đức Giám mục Gioan năm 433. Các đại biểu của Giáo phận này lúc đầu tỏ ý bất bình, nhưng rồi đã đổi thái độ khi được Đức Thánh Cha Sixtô III cho biết thị kiến của mình.

Vâng theo ý Chúa, Phêrô thụ phong giám mục và trở về Ravenna. Trong bầu khí tiếp đón nồng nhiệt, Ngài nói:

- Tôi đến với anh chị em như một y sĩ đến chữa trị, như một mục tử để dẫn dắt, như một người mẹ để nuôi dưỡng, như một người cha để bảo vệ và chăm sóc phần rỗi đời đời của anh chị em. Vậy anh chị em hãy mau mắn vâng phục cách thích đáng đối với tác vụ rất thánh của tôi.

Đức Giám mục Phêrô đầy nhiệt thanh trong việc bứng rễ các việc thờ ngẫu tượng còn sót lại, cũng như lên án sự giả tạo của giáo dân. Trong một cuộc lễ vào đầu năm, Ngài đã phá những cuộc diễu hành tội lỗi trên đường phố:

- Ai muốn vui chơi với ma quỉ thì không thể vui hưởng với Chúa Kitô.

Ngài đã nhiệt tâm rao giảng. Ngày nay, chúng ta còn giữ lại được khoảng 180 bài giảng của Ngài. Lời lẽ đơn sơ nhưng đầy nhiệt huyết. Người ta không thể quên được những lời như: “Nằm trong thói hư tính xấu, chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chúng ta sẽ thực sự đứng thẳng khi biết trỗi dậy để tiến thẳng tới các việc lành.” “Ai biết tìm kiếm trong đức tin, sẽ thấy ngay rằng là Cha đang ở đó vì họ.” “Mọi sự dữ cha mẹ làm cho con cái, Thiên Chúa là Cha của hết mọi người sẽ trả lại cho họ.” “Các tiền nhân sống cho chúng ta. Chúng ta sống cho thế hệ mai sau. Không ai sống cho mình cả.”

Người ta cũng còn nhớ lời Ngài kêu gọi sống bác ái:

- Biết nói sao về niềm tin trong lễ Giáng Sinh, nếu người nghèo còn than khóc, tù nhân còn rên siết, dân tị nạn còn than thở, người lưu đày còn thổn thức. Người Do Thái mừng lễ bằng thuế thập phân, còn Kitô hữu nghĩ sao khi họ không mừng bằng một phần trăm của cải? Tôi đau buồn. Phải, tôi rất đau buồn vì các Hiền sĩ Phương Đông đã trải vàng trên nôi Chúa Kitô, trong khi các Kitô hữu để cho thân thể Chúa Kitô trống trải khi mà những người nghèo đang than khóc. Đừng nói rằng tôi không có gì. Thiên Chúa muốn xin cái anh em có chứ không phải cái anh chị em không có. Ngài đã thương nhận hai đồng tiền của bà góa. Hãy tận tâm với Đấng tạo thành và thụ tạo cũng sẽ tận tâm với anh chị em.

Thánh Phêrô Chrysôlôgô đã trở thành danh tiếng, đến nỗi Đức Thánh Cha Lêo I đã trao cho Ngài đọc tại công đồng Chalcedonia một luận án chống lại lạc thuyết của Eutychèr. Ngài cũng viết một bức thư cho kẻ lạc giáo này để khuyên ông ta vâng phục Giáo Hội.

Sau cùng, sau khi cai quản Giáo phận Ravenna trong 18 năm, Thánh Giám mục Phêrô biết rằng mình sắp tới hồi kết thúc các nỗ lực. Ngài muốn lui về Imola để dọn mình chết. Ngày 3 tháng 12 năm 450, Ngài đã từ trần; và năm 1729, ngài được đặt làm tiến sĩ Hội Thánh.


KHO TÀNG ĐÍCH THỰC

“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng… Tìm được rồi, ông ra đi, vui mừng bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng đó.” (Mt 13,44)

Suy niệm: Trong đà phát triển một đất nước hiện đại hoá, mọi thành phố thậm chí cả thôn quê đều cần phải qui hoạch, chỉnh trang… Thế là phải di dời, giải toả. Và thế là có những mảnh đất từ hồi nào đến giờ bỏ hoang không ai thèm ngó, bỗng trở nên “tấc đất tấc vàng”. Và những người đoán trước được giá trị những mảnh đất như thế, không ngại bỏ ra những số tiền lớn để mua lại, vì biết rằng sẽ thu lời gấp trăm, thậm chí gấp ngàn lần trong một thời gian ngắn. Qua dụ ngôn kho tàng chôn giấu trong ruộng (và cả dụ ngôn viên ngọc quí nữa), Chúa Giê-su cho biết Nước Trời còn quí giá gấp bội phần. Sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta hụt mất “lô đất Nước Trời” đang dành sẵn cho mỗi người chúng ta đó. Điều kiện để sở hữu “lô đất” đó là phải bán đi tất cả những gì là ích kỷ, tham lam, hẹp hòi để sắm cho mình một vốn liếng duy nhất là MẾN CHÚA–YÊU NGƯỜI. Có như vậy chắc chắc sẽ chiếm hữu được kho tàng.

Mời Bạn kiểm điểm cuộc sống xem bạn còn đang khư khư cố giữ “tài sản” nào mà chưa chịu bán đi để có đủ khả năng mua được kho tàng Nước Trời.

Chia sẻ: Đối chiếu những chi tiết trong 2 dụ ngôn: kho tàng và viên ngọc quí với đời sống của bạn để khám phá ra điều Chúa muốn bạn từ bỏ để đạt tới Nước Trời. Và bạn hãy thực hiện đúng những gì mà Chúa soi sáng cho bạn qua việc chia sẻ này.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng mến đích thực, để chúng con dám bán đi tất cả, để chỉ có Chúa là kho tàng, là gia nghiệp đời con.


Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc vì có Chúa là gia nghiệp cuôc đời chúng con. Chúa đã trao ban cho chúng con chính Máu Thịt Chúa trở nên của ăn của uống cho chúng con. Bí Tích Thánh Thể chính là gia bảo vô giá mà Chúa đã tặng ban cho chúng con. Chúng con xin hết lòng tri ân Chúa. Nguyện xin Chúa ban ơn trợ giúp để chúng con đừng vì những của cải mau qua trần gian mà đánh mất gia tài Nước Trời.

Nhưng Chúa ơi, cuộc đời có quá nhiều những cám dỗ tội lỗi. Có biết bao cám dỗ mời mọc chúng con xa Chúa. Có biết bao cám dỗ luôn hấp dẫn chúng con từng phút từng giây. Cám dỗ nào cũng để lại trong chúng con sự lưu luyến. Đôi khi vì yếu đuối mà chúng con sa vào cám dỗ của ma quỷ. Mỗi lần chúng con phạm tội là một lần chúng con xa lìa Chúa, chúng con đánh mất viên ngọc quý là chính Chúa. Như thế, chúng con cũng đánh mất gia bảo Nước Trời mai sau.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban ơn sức mạnh để chúng con can đảm từ khước ước muốn tội lỗi. Xin giúp chúng con biết gìn giữ kho tàng ân sủng của Chúa để nhờ ơn Chúa chúng con luôn biết sống theo đường lối của Chúa. Xin giúp chúng con biết chọn Chúa hơn là những thú vui mau qua đời này. Amen.


THỨ NĂM TUẦN 17 TN: Th. I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục

Tin Mừng (Mt 13, 47-53)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: “Nước trời lại giống như lưới thả dưới biển, bắt được mọi thứ cá. Lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi đó mà lựa chọn: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài. Ðến ngày tận thế cũng như vậy: Các thiên thần sẽ đến mà tách biệt kẻ dữ ra khỏi người lành, rồi ném những kẻ dữ vào lò lửa: ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Các ngươi có hiểu những điều đó không?” Họ thưa: “Có”. Người liền bảo họ: “Bởi thế, những thầy thông giáo am tường về Nước trời cũng giống như chủ nhà kia, hay lợi dụng những cái cũ, mới trong kho mình”. Khi Chúa Giêsu phán các dụ ngôn đó xong, thì Người rời khỏi nơi ấy.

Thánh I-nha-xi-ô Lôi-ô-la, linh mục

Don Inigo Lopez de Recalde sinh khoảng năm 1481 tại miền đồi núi Basque gần làng Azpeytia. Ngài là con út trong số 11 người con của một gia đình quí tộc. Được rửa tội với tên Inigo, một vị thánh Tây Ban Nha dòng thánh Bênêdictô, nhưng sau này Ngài thường dùng tên Ignatiô thành Antiokia. Hồi còn niên thiếu, người giúp việc cho một người bạn quí tộc của một gia đình là Giuan Velasquez. Sau khi Velasquez từ trần, Ngài lại phục vụ bá tước Najera, phó vương miền Navarre. Ngài được giáo dục một cách hời hợt. Thời đó, Ngài chỉ ham chơi, thích những chuyện hào hùng, nhất là những ngày lễ duyệt binh.

Trong cuộc chiến Pháp, Tây Ban Nha tháng năm 1521 quân đội pháp đã vượt núi Pyrênê và tới phong tỏa Pampeluna. Nhiều người đã tính chuyện đầu hàng, nhưng Ignatiô quyết cầm cự. Trong cơn bão tố tại pháo đài Ignatiô bị trúng đạn pháo ở đùi, Ngài được chuyển về lâu đài ỏ Loyola. Nơi dây người ta khám phá ra rằng xương đùi đã bị xếp trật, phải mổ ra và sắp xếp lại. Ngài đã can đảm chịu đựng cơn đau.

Thời gian dưỡng bệnh lâu dài tiếp theo sau đó, không có sách vở gì khác, Ignatiô dùng thời gian để đọc hạnh các thánh. Gương mẫu đời sống các thánh làm mủi lòng Ignatiô. Ngài nói: – Tôi có phải thực hiện điều mà thánh Phaxicô và Dominico đã làm chăng ?

Năm 1522, sau khi bình phục, Ngài đi hành hương kính Đức bà Montserrat. Nơi đây Ngài đã thực hiện cuộc xưng tội trong ba ngày, trao tặng đồ hiệp sĩ cho một kẻ ăn xin, đặt gươm trên bàn thờ Đức Mẹ và tới thành Manresa kế cận để phục vụ trong một nhà thương. Đã một thời Ngài bị nguy hiểm rơi vào một cuộc khổ hạnh quá độ. Ngài Ngài đã thoát hiểm nhờ sự vâng phục hoàn tòan đối với cha giải tội. Chính tại Manresa, Ngài được Thiên Chúa soi sáng, sự soi sáng hứơng dẫn trọn những ngày còn lại của cuộc đời Ngài. Ngài viết cuốn linh thao, trong đó vạch ra những nguyên tắc mà một người công giáo phải theo để “điều khiển đời sống mình” một đời sống nhằm ca tụng Chúa, tôn kính và phụng sự Ngài, để được cứu rỗi. Ngài phác họa một giáo thuyết của mình về sự chọn lựa và đòi hỏi để làm mọi sự để “vinh danh Chúa” (Ad Majorem dei gloriam)

Thánh nhân ở lại Manresa khoảng một năm và từ đó hành hương đi Palestina, trên đường đi có dừng lại ở Roma. Sau khi đã kính viếng các nơi thánh ở Palestina, Ngài trở về Barcelona. Nơi đây, dầu đã 30 tuổi, Ngài vẫn đến trường, ngồi chung ghế với các em nhỏ, để sữa chữa lại kẽ hở trong việc học hành, cho tới khi Ngài có thể dự lớp tại đại học Alcala và Salamanca. Tại cả hai nơi này, đã Ngài bị truy tố ra tòa án tôn giáo và bị tống giam ít ngày. Nhưng cuối cùng giáo thuyết của Ngài đã thắng.

Năm 1528, Ngài bỏ Salamanca đi Paris và Sorbonne. Ngài ở Paris 7 năm, nơi đây Ngài tụ họp được sáu môn sinh đầu tiên. Vào ngày lễ Mông Triệu năm 1534 bảy anh em đã long trọng hiến thân phụng sự Thiên Chúa, khấn giữ đức nghèo khó và trong sạch, tại đền thờ thánh Denis tại Montmartre. Lúc đó, họ dự định đi Giêrusalem và hiến thân cho việc cứu rỗi các linh hồn trong các miền còn ngoại giáo.

Ignatiô trở về Tây Ban Nha. Năm 1535, tu hội đã lên tới 10 người. Họ gặp nhau ở Venitia, định cùng đáp tàu đi hành hương thánh địa. Nhưng tình hình miền Đông Địa Trug Hải không cho phép. Bù lại một số đi Roma, để Ignatiô tại Venitia. Đức giáo hoàng Phaolô III ưu ái tiếp họ. Trở lại Ventia, họ mang theo phép của Đức Giáo hoàng cho Ignatiô và 6 anh em được thụ phong linh mục.

Một năm sau, thấy rằng: không thể tới thánh địa được, Ignatiô kết luận rằng ý Chúa không muốn cuộc hành hương này. Thay vào đó, Ngài đặt tu hội dưới danh hiệu “dòng Chúa Giêsu” dưới quyền xử dụng của toà thánh. Họ đi Roma và Ignatiô dâng thánh lễ đầu tiên ở đầu vào dịp lễ Giáng sinh năm 1538 tại đền thờ Đức Bà cả, Ngài soạn thảo hiến pháp của dòng mới và đến trình diện Đức giáo hoàng Phaolô III. Đức giáo hoàng đã phát biểu khi gặp họ: – Đây là bàn tay Thiên Chúa.

Và trong sắc lệnh Regimini Militantis Ecclesioe, ban hành tháng 9 năm 1540 Ngài đã chính thức công nhận hội dòng. Hội dòng thêm vào đó 3 lời khấn: nghèo khó, vâng lời, trong sạch, lời khấn đặc biệt vâng phục Đức giáo hoàng.

Trong hiến pháp đầu tiên, hội dòng giới hạn con số có 60 tu sĩ. Ignatiô được đồng thanh bầu làm bề trên ngày 7 tháng 4 năm 1541. Luật hạn định tu sĩ vào số 60 được rút lại bởi sắc lệnh của Đức giáo hoàng ngày 15 tháng 3 năm 1543.

Ignatiô khó rời bỏ Roma cho đến cuối đời. Nhưng hội dòng đã lan rộng tới mọi miền trên thế giới, dưới quyền hướng dẫn của Ngài như một phép lạ, khi Ngài từ trần vào ngày 3 tháng 7 năm 1556, hội dòng đã có 12 tỉnh dòng với 101 nhà và gần 1000 phần tử.

Thánh Ignatiô được suy tôn hiển thánh ngày 12 tháng 3 năm 1622.

KHOAN DUNG VÀ NHẪN NẠI

“Nước Trời giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá.” (Mt 13,47)

Suy niệm: Người ta cho rằng Giáo Hội là trại cải huấn cho các tội nhân, chứ không phải là nhà bảo tàng dành cho các thánh. Thật ra, Giáo Hội bao gồm cả thánh nhân lẫn tội nhân, người tốt bên cạnh kẻ xấu. Đức Giê-su không lập một Giáo Hội chỉ gồm những người tinh tuyền, tốt lành, hay chỉ gồm những con người xấu xa, tội lỗi cần hoán cải. Tựa như chiếc lưới gom được đủ mọi thứ cá, Nước Trời cũng đón nhận đủ mọi hạng người. Ngài nhân lành chấp nhận sự chung đụng, ngô khoai, vàng thau lẫn lộn. Bao lâu chưa đến ngày cánh chung, ta đừng vội lên án hay xét xử ai. Qua dụ ngôn này, ta học được tấm lòng nhân hậu của Đức Giê-su, Ngài ban nhiều cơ hội và chờ đợi người xấu hoán cải.

Mời Bạn: Bạn thường bực tức vì có những thành phần không tốt trong cộng đoàn, trong Giáo Hội. Thay cho thái độ loại trừ khắt khe, bạn hãy học lấy tâm tình khoan dung và nhẫn nại của Đức Giê-su: cầu nguyện, nâng đỡ và chờ đợi những người anh em ấy hoán cải. Bạn có chấp nhận quan điểm này và nỗ lực sống như vậy không?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không khó chịu, bực tức và đòi loại trừ những anh em không tốt ra khỏi cộng đoàn hay đoàn thể. Trái lại, tập khoan dung và kiên nhẫn như Đức Giêsu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù chúng con có nhiều điểm khác biệt, nhưng xin hiệp nhất chúng con trong tình yêu. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau thật tình, chia sẻ cho nhau mọi nỗi buồn vui, nâng nhau dậy khi vấp ngã, phấn khởi trước những thành công, thẳng thắn góp ý cho nhau để cùng nhau tiến bộ. Amen. (Rabbouni).

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là Đấng Thánh thiện vô cùng, thế mà Chúa lại đến với chúng con, một thân phận yếu đuối tội lỗi. Tình thương Chúa đã xoá mọi ngăn cách khác biệt để hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa bài học yêu thương để chúng con sống hiền từ và nhân ái với nhau.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin dạy chúng con cách nhìn đời và nhìn người như Chúa. Chúa luôn nhìn đến phận người chúng con trong tình thương tha thứ và cảm thông. Chúa luôn xót xa vì bước đường lầm lỡ của chúng con. Chúa không chấp nhất tội lỗi chúng con, nhưng luôn rộng lòng tha thứ. Xin giúp chúng con sám hối ăn năn về những cách nhìn thiển cận và bất khoan dung của chúng con đối với tha nhân. Chúng con thường kết án tẩy chay. Chúng con không chấp nhận người xấu tồn tại. Chúng con đã quên mất rằng: chúng con cũng là những con nợ được Chúa tha thứ nhưng lại bất khoan dung với anh em. Chúng con đã đối xử tồi tệ với nhau đang khi đó Chúa lại vẫn luôn nhân hậu với chúng con.

Lạy Chúa, cuộc đời thường khiếm khuyết, nhưng chúng con lại mong muốn tròn đầy. Chúng con thường dễ dãi với mình nhưng lại khắt khe với tha nhân. Xin giúp chúng con biết khoan dung và kiên nhẫn như Chúa đã từng chậm bất bình và rất mực khoan dung với chúng con. Xin ban cho chúng con một tấm lòng nhân ái để chúng con dám làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thế giới đầy hận thù hôm nay. Amen.


THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN: Thánh Anphong Maria Ligôri

Tin Mừng (Mt 13, 54-58)

Khi ấy, Chúa Giêsu trở về quê quán Người, và giảng dạy người ta trong hội đường, khiến người ta ngạc nhiên và nói rằng: “Bởi đâu ông này được sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ như vậy? Nào ông chẳng phải là con bác thợ mộc sao? Nào mẹ ông chẳng phải là bà Maria, và Giacôbê, Giuse, Simon, Giuđa chẳng phải là anh em ông sao? Và chị em ông, nào chẳng phải những người ở nơi chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông được những sự ấy?” Và họ vấp phạm đến Người.

Nhưng Chúa Giêsu phán cùng họ rằng: “Không tiên tri nào mà không được vinh dự, trừ nơi quê quán và nhà mình”. Người không làm nhiều phép lạ ở đó, vì họ chẳng có lòng tin.

Thánh Anphong Maria Ligôri, Giám mục Tiến sĩ Hội Thánh (1696 – 1787)

Thánh Alphongsô Maria Liguori sinh ngày 27 tháng 9 năm 1696 tại Marinella gần Naples và là con trưởng trong 7 anh em. Ngay từ trong nôi, Ngài là giáo điểm tập hợp ân huệ đáng mơ ước như trí thông minh, danh giá, tài sản, thiên khiếu nghệ thuật và một tấm lòng đại độ. Trong khi đó người mẹ rất đạo hạnh nghĩ rằng:

“Các ân huệ tốt đẹp nhất sẽ chẳng có giá trị gì nếu không hướng về Chúa. Người lãnh nhiều phải trả nhiều.”

Như vậy ân phúc kỳ diệu nhất mà Alphongsô nhận được chính là giáo huấn của người mẹ. Alphongsô học tiếng Hy lạp, tiếng Latinh, tiếng Pháp và toán. Ngài say mê âm nhạc và hội họa. Là một con người có chí, Alphongsô gây ảnh hưởng tốt đối với chúng bạn bằng sự trong trắng tế nhị và lòng đạo đức của mình. Một người bạn kể lại rằng: có lần thua cuộc chơi và giận dữ đến độ trở nên sỗ sàng, Alphongsô buồn phiền nghỉ chơi và nói:

“Chúa không muốn tôi được chút tiền đã khiến cho bạn làm phiền lòng Ngài”

Thế rồi Alphongsô biến mất vào vườn. Các bạn đổ xô đi tìm Ngài và gặp Ngài đang quỳ cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ đặt trên cành cây. Người bạn xấu xúc động nói:

“Tôi đã làm phiền một vị thánh”.

Alphongsô thành công rất sớm trên cùng đời: 17 tuổi Ngài đậu bằng tiến sĩ luật khoa cả về giáo luật lẫn dân luật và đã bắt đầu hành nghề luật sư. Khả năng hùng biện của Ngài hứa hẹn một tương lai sáng lạn. Nhưng tuổi trẻ cũng có cớ dẫn Ngài tới lỗi lầm với trong hậu quả bi thảm. Năm 1723, trong một vụ kiện, Ngài biện hộ với một giọng nói hùng hồn. Lý lẽ vững chắc, làm cho cả tòa án phải ngỡ ngàng tán thưởng. Nhưng khi vừa dứt lời, đối thủ ôn hoà vạch ra một lỗi nhỏ mà Ngài không nhận thấy. Chính lỗi nhỏ đó đã tiêu hủy luận chứng lẫn danh tiếng của Ngài.

Thất bại, Alphongsô rất đau buồn và đã đóng cửa phòng hai ngày liền. Ngài suy nghĩ và tự hỏi rằng: “Đây không phải là lời mời gọi của Chúa hay sao …?”

Bỏ nghề, Ngài nói:

“Ôi thế gian, ta đã biết ngươi. Hỡi pháp đình, ngươi sẽ không còn gặp ta nữa”.

Ngài tìm đường sống và dấn thân cho công cuộc bác ái. Một ngày kia, đang khi thăm viếng các bệnh nhân trong một nhà thương, Ngài nghe hỏi:

“Ngươi làm gì ở thế gian này ?”

Nhìn chung quanh Ngài không thấy ai, nhưng Ngài vẫn nghe hỏi một lần nữa. Vào một nguyện đường dâng kính Đức Mẹ từ bi gần đó, Ngài hứa sẽ gia nhập dòng giảng thuyết và làm linh mục. Đặt thanh gươm trên bàn thờ Ngài nói:

“Lạy Chúa này con đây, xin hãy làm nơi con điều đẹp lòng Chúa. Con là gì và con có chi, con xin hiến dâng để phụng sự Chúa”.

Nghe tin này, cha Ngài giận dữ, Ngài quyết bỏ nghề, bỏ cả vị hôn thê của Ngài sao ? Ngài đã trả lời rằng: đối với Chúa chẳng có hy sinh nào gọi là quá lớn lao cả. Ngài cương quyết giữ ý định và cha Ngài không thèm nhìn đến Ngài nữa. Năm 1726, Ngài thụ phong linh mục.

Thánh nhân rao giảng khắp vương quốc Naples. Cha Ngài giận dữ quyết không chịu nghe. Ngày kia ông vào một thánh đường, đúng lúc con ông đang thuyết giảng. Thoạt đầu ông giận dữ, nhưng rồi dần dần ông mềm lòng. Ơn Chúa đã đến nhờ lời giảng dạy của con ông. Kết thúc giờ phụng vụ ra về ông nói: “Con tôi đã làm cho tôi được biết Chúa”.

Suốt đời, thánh Alphongsô không những chỉ nỗ lực trong công việc tri thức mà còn lo tiếp xúc với dân chúng. Ngài chỉ thích việc ngồi tòa hơn là việc nghiên cứu. Ngài mang đặc điểm của một linh mục truyền giáo. Thành quả của Ngài thực hiện được chính là dòng Chúa Cứu Thế, thành lập tại Scala tháng 11 năm 1732. Dầu cho từ đầu, hội dòng đã bị phân rẽ thành hai phe và thánh Alphongsô phải khởi đầu lại, với hai người bạn, nhưng hội dòng cũng khởi sự lớn dần. Dòng được chuẩn nhận ngày 21 tháng 2 năm 1749.

Năm 1548, thánh nhân xuất bản bộ thần học luân lý, được ĐTC Bênêdictô XIV phê chuẩn và gặt nhiều thành quả tức thời.

Năm 1762, Đức giáo hoàng Clementô XIV đặt Ngài làm giám mục cai quản địa phận Agata. Ngài nỗ lực thăng tiến lòng đạo đức trong điạ phận, khởi sự từ viêc canh tân hàng giáo sĩ. Năm 1775, Ngài được đức giáo hoàng Piô VI cho phép từ nhiệm để về sống trong dòng tại Nocera.

Những năm cuối đời, thánh Alphongsô đã trải qua rất nhiều đau khổ cả thể xác lẫn tinh thần. Dầu trong “đêm tối của linh hồn”, Ngài vẫn không nao núng và luôn kiên trì cầu nguyện. Ngài nói: “Ai cầu nguyện sẽ được cứu thoát, ai không cầu nguyện sẽ tự luận phạt”. Cuối cùng Ngài tìm được bình an và qua đời năm 1787.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con cảm tạ Chúa vẫn hiện diện trong cuộc đời chúng con. Qua bí tích Thánh Thể, chúng con được gặp gỡ Chúa mỗi ngày. Xin gia tăng lòng tin cậy mến để chúng con luôn cảm nghiệm tình thương Chúa vẫn bao phủ trên cuộc đời chúng con. Xin giúp chúng con luôn nhận ra sự hiện diện đầy quan phòng của Chúa vẫn dành cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, năm xưa dân làng Nagiaret đã không tin vào Chúa vì Chúa xuất thân từ người thợ nghèo làng Nagiaret. Các môn đệ đã mất lòng tin Chúa khi tay Chúa chịu treo trên thập tự giá. Và hôm nay, đôi khi chúng con vẫn chưa có niềm tin đủ để tin rằng Chúa đang hiện diện trong tấm bánh đơn sơ nhỏ bé. Chúng con đến nhà thờ nhưng vẫn lo ra chia trí, đôi khi còn có hành vi, cử chỉ xúc phạm đến Chúa như nói chuyện, nô giỡn. Xin tha thứ cho chúng con. Xin thêm đức tin để chúng con nhận ra Chúa đang hiện diện trong Thánh Thể mà biết tôn kính phụng thờ. Xin giúp chúng con cũng nhận ra Chúa trong tha nhân, trong bạn bè để chúng con luôn đối xử với nhau trong yêu thương và tôn trọng.

Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một đức tin sắt son và một lòng mến nồng nàn để chúng con luôn phụng sự Chúa qua việc chu toàn bổn phận hằng ngày, nhất là biết phục vụ Chúa trong những người anh em hèn mọn chung quanh. Amen.


THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 17 TN

Tin Mừng (Mt 14, 1-12)

Khi ấy quận vương Hêrôđê nghe danh tiếng Chúa Giêsu, thì nói với những kẻ hầu cận rằng: “Người này là Gioan Tẩy Giả, ông từ cõi chết sống lại, nên mới làm được các phép lạ như vậy”. Tại vì Hêrôđia vợ của anh mình mà vua Hêrôđê đã bắt trói Gioan tống ngục, bởi Gioan đã nói với vua rằng: “Nhà vua không được lấy bà ấy làm vợ”. Vua muốn giết Gioan, nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi Gioan như một tiên tri. Nhân ngày sinh nhật của Hêrôđê, con gái Hêrôđia nhảy múa trước mặt mọi người, và đã làm cho Hêrôđê vui thích. Bởi đấy vua thề hứa sẽ ban cho nó bất cứ điều gì nó xin. Được mẹ nó dặn trước, nên nó nói: “Xin vua đặt đầu Gioan Tẩy Giả trên đĩa này cho con”. Vua lo buồn, nhưng vì đã trót thề rồi, và vì các người đang dự tiệc, nên đã truyền làm như vậy. Ông sai người đi chặt đầu Gioan trong ngục, và để đầu Gioan trên đĩa đem trao cho cô gái, và nó đem cho mẹ nó. Các môn đồ của Gioan đến lấy xác thầy và chôn cất, rồi đi báo tin cho Chúa Giêsu.

Suy niệm 1: CHỨNG NHÂN CHO SỰ THẬT

Khi xem các chương trình nhạc kịch, khán giả thường có những nhận xét đúng – sai nơi các nhân vật, đồng thời qua các nhân vật và đặc điểm của vai diễn, độc giả còn nhận thấy hình ảnh của mình thông qua con người và diễn xuất của các nghệ sĩ…

Hôm nay, trong bài Tin Mừng, chúng ta thấy xuất hiện 4 nhân vật, mỗi nhân vật mang một nét đặc trưng riêng cả về nhân thân và lối sống. Các nhân vật đó là: Gioan Tẩy Giả; vua Hêrôđê , bà Hêrôđia, và con gái bà Hêrôđia. 4 nhân vật đó như thế nào? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu.

Gioan Tẩy giả:

Gioan Tẩy giả là ngôn sứ vĩ đại, đến để loan báo về Đấng Cứu Thế và chuẩn bị lòng dân đón nhận Ngài. Vì thế, ông đã biểu lộ vai trò làm ngôn sứ bằng một thái độ sống hết sức khiêm tốn, hy sinh, can đảm, mạnh mẽ và bất khuất trước bạo lực, cho dù phải chịu tù đày và cái chết.

Vua Hêrôđê:

Ông được biết đến như một kẻ ác nhân. Ông đã lộng hành khi dùng quyền. Coi thường đạo lý và buông theo sắc dục mà bất chấp đúng – sai. Ông đã làm trái với lương tâm khi truyền lấy đầu ông Gioan để thỏa mãn điều thề hứa bất chính của mình.

Bà Hêrôdia:

Vì ưa thích điều bất chính, nên đã không chấp nhận sự thật mà Gioan loan báo. Vì thế, lòng thù ghét nổi lên như nước thủy triều. Thay vì dạy dỗ con mình làm điều tốt, bà lại xúi con mình làm điều bất chính khi xin vua lấy đầu Gioan Tẩy Giả. Sự ác tâm này là con đẻ của hận thù và ghen ghét vì mối lợi trước mắt.

Con gái bà Hêrôdia:

Cô gái trẻ này được biết đến như một nhân vật có tài mà không có đức. Vì thế, thay vì sử dụng tài của mình để làm việc thiện, cô ta đã dùng nó như là một thứ mua vui thuần túy và phá hoại. Tệ hơn nữa là không hề áy náy khi biết rõ rằng việc cô làm chỉ là để thỏa nãm sắc dục của vua quan và phục vụ sự hận thù của mẹ cô với Gioan Tẩy giả.

Trong cuộc sống hôm nay, không thiếu gì những hình ảnh của Hêrôđê đang hiện lên trên những hành động của những người chỉ thích ham mê sắc dục mà bất chấp sự thật để làm những điều lỗi lầm ghê tởm.

Cũng vẫn còn đó nơi ta hình ảnh của bà Hêrôdia. Nhiều lúc, thay vì dạy con làm điều tốt, thì lại chỉ vẽ cho trẻ những điều sai trái, miễn sao đạt được điều bất chính nơi ta mà thôi. Và cũng không thiếu những sự ngộ nhận nơi ta như con gái bà Hêrôdia…

Gioan Tẩy Giả:

Thế nhưng, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy mang trong mình hình ảnh và đặc tính của Gioan Tẩy Giả. Luôn tìm mọi cách để Lời Chúa được loan báo mọi nơi, mọi lúc. Sẵn sàng chấp nhận hy sinh và ngay cả cái chết để làm chứng cho Thiên Chúa và sự thật của Ngài.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được yêu mến Lời Chúa và sẵn sàng rao giảng Lời ấy cho mọi người, dù có phải hy sinh. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tinh yêu. Tình yêu của Chúa luôn sáng tạo, luôn làm mới lại từng ngày cho chúng con. Chúa yêu chúng con. Chúa tạo dựng chúng con. Chúa cứu chuộc chúng con. Chúa còn trao ban chính sự sống mình qua bí tích Thánh Thể để qua đó Chúa hòa nhập vào cuộc đời chúng con. Chúng con xin tạ ơn Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết dùng khả năng Chúa ban để thi thố tình thương cho anh chị em chúng con.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con dùng tài năng của mình để làm tổn thương người khác. Chúng con gây đau khổ cho tha nhân. Chúng con đã hại người, hại đời vì đời sống thiếu đạo đức, thiếu bác ái của chúng con. Xin Chúa giúp chúng con sửa đổi. Xin canh tân cuộc đời chúng con cho xứng với tình yêu tha thứ của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng khả năng, thời giờ Chúa ban để gieo yêu thương, hạnh phúc cho anh em của mình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin cho chúng con biết sống có ích cho tha nhân và đừng bao giờ làm khổ anh em. Xin cho chúng con biết sử dụng hồng ân Chúa ban để ca tụng vinh danh Chúa luôn. Amen.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :