www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN 19 TN

THỨ HAI TUẦN 19 TN: Th. Clara, trinh nữ

Tin Mừng (Mt 17, 21-26)
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.

Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: “Thầy các ông không nộp thuế “đền thờ’ sao?” Ông nói: “Có chớ”.

Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: “Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Đòi con cái mình hay người ngoài?” Ông thưa rằng: “Đòi người ngoài”. Chúa Giêsu bảo ông rằng: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con”.

Thánh CLARA, đồng trinh (1194-1253)

1. Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Thánh Clara đồng trinh.

Cũng như thánh Phanxicô Khó Khăn, thánh nữ Clara là một ngọn đèn thật sáng Chúa đã dùng để làm cho nhân loại hiểu rõ hơn về tinh thần khó nghèo tuyệt đối của Phúc Âm là tinh thần như thế nào.

Clara sinh ngày 16/7/1194 tại Assise miền Ombrie nước Ý, trong một gia đình quý phái. Clara được một người mẹ đạo đức đã lưu tâm dạy dỗ cho ngay từ thuở còn thơ ấu, bằng cả lời nói cũng như bằng gương sáng của mình. Bà đã giáo dục, tập cho Clara biết cầu nguyện, biết sống từ bỏ và biết chịu đựng nhẫn nhục thật sớm.

Lên 16 tuổi, Clara đã tránh xa tiếng ồn ào của đô thị đến ẩn mình trong một nhà thờ ở miền quê (1212). Chính nơi đây Clara đã gặp thánh Phanxicô Khó Khăn và được Ngài tận tình giúp đỡ trên con đường tu đức. Khi Clara chọn con đường dâng hiến cho Chúa, gia đình đã ngăn cản quyết liệt. Clara đã can đảm vượt qua. Cuối cùng Clara đã được đưa đến đền thờ thánh Ðamianô và ở đây Clara đã lập Hội Các Chị Tận Hiến cho Thiên Chúa.

Về đời sống thiêng liêng, ngài trực tiếp theo sự hướng dẫn của thánh Phanxicô Khó Khăn. Ngài điều khiển tu hội cách ân cần và khôn ngoan. Ngài qua đời ngày 11/8/1253 trước sự thương tiếc của mọi người.

Ðức Giáo Hoàng Alexandre IV đã đặt ngài lên hàng các thánh đồng trinh năm 1255.

2. Nhìn lại cuộc đời của thánh nữ Clara, chúng ta thấy ngài đã có một ý chí thật cao và mạnh mẽ trên con đường dấn thân đi theo Chúa. Truyền thuyết kể lại ngài đã thầm khấn dâng mình cho Chúa ngay từ lúc 16 tuổi, ngay lúc còn ở nhà để giúp đỡ cha mẹ. Ngài đã kiên nhẫn chờ đợi ngày Đấng Quan phòng ấn định. Và ngày tốt đẹp ấy đã đến. Clara đã hết sức vui mừng khi được biết về cuộc đời kỳ diệu của Phanxicô, con trai của một đại thương gia giầu có người thành Assisi. Clara đã hết lòng cảm phục trước việc Phanxicô dứt khoát từ bỏ mọi sự giầu sang và can đảm thoát ly mọi áp lực trần thế kể cả việc phải từ bỏ cả nhà cha mẹ, để lên đường hiến thân phục vụ Vua Trời trong đời sống khó nghèo.

Nghe biết về con đường của thánh Phanxicô, Clara đã kín đáo tìm đến gặp và nói cho ngài biết tất cả chí hướng về đời sống nội tâm của mình. Riêng Phanxicô, vì được ơn Chúa soi sáng, nên thánh nhân đã mau nhận ra con đường Chúa muốn người con thiêng liêng của mình phải đi là con đường nào. Vì thế, Phanxicô đã âm thầm giúp Clara chuẩn bị ngày công khai đoạn tuyệt thế gian, để xe duyên với “đức khó nghèo”. Ngày ấy là ngày Chúa nhật Lễ Lá năm 1212.

Theo lời chỉ dẫn của thánh Phanxicô, sáng hôm ấy Clara ăn mặc thật diễm lệ, xứng đáng con nhà quý phái. Clara tiến lên, quỳ hàng ghế đầu, như để từ giã mọi người lần cuối cùng. Trước cử chỉ lạ thường của Clara, mọi người quen thuộc đều bỡ ngỡ! Và người ta càng bỡ ngỡ hơn nữa khi thấy Clara không đi kiệu lá, cứ quỳ tại chỗ chăm chú nhìn lên bàn thờ, tay nắm chặt cành lá xanh tươi, tượng trưng cho sức sống mạnh mẽ đang dâng lên trong tâm hồn… Thế rồi đêm hôm ấy, Clara bỏ nhà cha mẹ, tay cầm cành lá chạy thẳng đến nhà nguyện Nữ Vương các thiên thần, nơi Phanxicô đang quỳ chờ đợi. Trong nhà thờ nhỏ bé dâng kính “Bà Chúa nghèo” này, thánh Phanxicô đã giúp người con thiêng liêng của mình hiến tóc và dâng lòng cho Thiên Chúa. Sau khi dâng hiến cho Chúa mớ tóc huyền, Clara đổi bộ áo diễm lệ ban sáng, mặc lấy chiếc áo thô của đức khó nghèo.

Và dòng nhì thánh Phanxicô hay là dòng Các chị em nghèo được thiết lập từ đó.

Sáng hôm sau, Phanxicô dẫn Clara đến gửi tại một nữ tu viện gần làng Baxia. Nhưng vì không chịu được sự phản đối quá gay gắt của gia đình, Clara lại xin thánh Phanxicô đến lẩn tránh ở một tu viện khác. Tại đây, thánh nữ đã khuất phục được một người em gái tên là Annê. Annê mới 15 tuổi, nhưng dáng người đẹp đẽ và tinh thần sắc sảo không kém gì Clara. Sau Clara, Annê là người thứ hai được Phanxicô cắt tóc và dâng lên Thiên Chúa lời khấn vâng lời, trinh khiết và khó nghèo. Người ta kể, khi gia đình Annê đến, nhất quyết lôi nàng về. Thì lạ thay, con người nhỏ bé của nàng bỗng trở nên rắn cứng và nặng trĩu, đến nỗi bốn năm người kéo không nổi. Biết đó là việc lạ Thiên Chúa làm, mọi người đành yên lặng ra về…

Khi công việc đã êm xuôi, thánh Phanxicô đến lĩnh ý Đức Giám mục xây cho chị em một ngôi nhà nhỏ lấy tên là tu viện thánh Đamianô. Đây là tu viện đầu tiên của dòng các chị nghèo. Tuy nhỏ bé, nhưng số chị em lên rất đông. Đầu tiên chị em sống theo qui luật của chính thánh Phanxicô soạn, nhưng đến năm 1215 công đồng Latêranô sửa đổi lại, tham chiếu theo luật dòng thánh Biển Đức. Bốn năm sau, Đức Hồng Y Ugolinô lại duyệt lại và bỏ bớt những điều luật quá nghiêm nhặt về đời sống khổ nghèo của chị em. Riêng thánh nữ Clara, người được đặc ân của Đức Giáo Hoàng, cho tự do sống khó nghèo vượt hẳn qui luật dòng.

Các nữ tu đều đi chân không, ngủ trên nền đất, không ăn thịt và hầu như giữ im lặng hoàn toàn. (Về sau thánh Clara, cũng như thánh Phanxicô, thuyết phục chị em điều chỉnh điều khắt khe này: “Cơ thể chúng ta không được làm bằng đồng”). Dĩ nhiên, điều nhấn mạnh nhất là sự nghèo khó Phúc âm. Họ không sở hữu tài sản, ngay cả giữ chung, chỉ sống nhờ vào những của bố thí hằng ngày.

Bà chăm sóc các bệnh nhân, hầu bàn, rửa chân cho các chị em khi họ đi hành khất về. Ảnh hưởng của bà mạnh đến nỗi các giáo hoàng, hồng y và giám mục thường đến tham vấn bà. Bà rất sùng kính Thánh Thể. Bà luôn nói với các chị em: “Đừng sợ. Hãy tín thác vào Chúa Giêsu”.

Ngày 11-8 năm 1253, thánh nữ gọi các chị em lại để nhắn nhủ mấy lời cuối cùng: “Chị em thân mến! Tôi Clara, nữ tỳ hèn mọn của Chúa Kitô, là thân cây non Thiên Chúa đã ban cho cha thánh Phanxicô, đem trồng trong vườn tu viện như một tiểu muội, một hiền mẫu của chị em. Dù không xứng đáng, tôi cũng nhân danh Thiên Chúa chúc lành cho chị em tất cả”. Sau cùng thánh nữ kêu to tiếng: “Nào chị em không thấy Vua vinh hiển đang đến với tôi kia ư?”. Nói đoạn, ngài nhắm mắt lại, êm ái ra đi như người ngủ! Nhiều chị em dòng làm chứng đã thấy Đức Mẹ và nhiều thánh nữ khác hiện đến đón linh hồn thánh Clara về trời!

Thánh nữ được Đức Giáo Hoàng Alexanđrô IV phong lên bậc hiển thánh. Và sau, Đức Clêmentê X định lễ kính thánh Clara vào ngày 11 tháng 8 hằng năm, ngày thánh nữ được Chúa gọi về trời lãnh triều thiên vĩnh cửu, sáng rực những hạt ngọc trinh khiết và khó nghèo!

ĐỨC GIÊ-SU LÀ CON THIÊN CHÚA

Về tới nhà, Đức Giê-su hỏi đón ông: “Si-mon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phê-rô đáp: “Thưa, người ngoài.” Đức Giê-su liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn.” (Mt 17,25-26)

Suy niệm: Là nhà truyền giáo, Chúa Giê-su tận dụng mọi cơ hội để loan báo Tin Mừng, loan báo chính Ngài, hầu người nghe được ơn cứu độ. Hôm nay cũng thế, Ngài cho Phê-rô biết Ngài là ai. Qua nghĩa vụ nộp thuế đền thờ, thứ thuế đòi buộc mọi người Do Thái trưởng thành phải thi hành, Chúa Giê-su xác nhận với Phê-rô rằng Ngài đích thực là Con Thiên Chúa như lời ông tuyên xưng: Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa, mà Ngài là Con, không buộc phải đóng thứ thuế chỉ đòi buộc đối với thần dân. Hơn thế, Ngài còn tỏ cho Phê-rô biết Ngài là chủ tể có quyền trên vũ trụ khi bảo Phê-rô đi câu cá, con cá có đồng bạc trong miệng, để đi nộp thuế. Phê-rô nhờ thế đã nhận biết Chúa Giê-su hơn, biết Tin Mừng Chúa Giê-su loan báo.

Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn chúng ta đóng bất cứ thứ thuế nào cho Ngài; trái lại, Ngài muốn chúng ta có một kho tàng trên trời. Kho tàng đó là: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc bác ái cho người anh em đang sống gần gũi với bạn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết tận dụng mọi cơ hội để nói về Chúa cho anh chị em con, nói như một người con nói về cha yêu thương của mình, nói như chưa từng được nói, nói như người vừa tìm gặp được kho báu lớn lao trong đời.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con tin thờ Chúa đang ngự thật trong phép Thánh Thể. Qua bí tính Thánh Thể, Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời chúng con. Chúng con xin ca ngợi tình thương vô bờ bến của Chúa. Xin giúp chúng con biết vì Chúa để sống yêu thương mọi người, và luôn chu toàn bổn phận hằng ngày của mình trong tình yêu với Chúa và tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa là hạt lúa đã gieo vào trần gian. Chúa gieo yêu thương. Chúa gieo hạnh phúc. Chúa đã làm cho hoa yêu thương và hạnh phúc đến với mọi người qua đời sống tận hiến hy sinh của Chúa. Xin dạy chúng con biết yêu thương anh em như chính Chúa đã nêu gương cho chúng con. Xin tha thứ vì những lần chúng con vì lười biếng mà bỏ bê bổn phận, vì thiếu trách nhiệm mà gây nên những khổ đau cho cha mẹ và ông bà. Xin tha thứ vì những lần chúng con gieo vãi hận thù, ghen tương, đố kỵ bởi đời sống ích kỷ tầm thường của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời trong những bổn phận hằng ngày và trong những nghĩa cử yêu thương nhỏ bé của chúng con dành cho tha nhân, vì chưng “nên thánh là chu toàn bổn phận hằng ngày”. Amen.

THỨ BA TUẦN 19 TN: Th. Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu

Tin Mừng (Mt 18, 1-5. 10. 12-14)

Khi ấy các môn đệ đến bên Chúa Giêsu mà hỏi: “Chớ thì ai là kẻ lớn nhất trong Nước Trời?” Chúa Giêsu gọi một trẻ nhỏ lại, đặt nó giữa các ông mà phán rằng: “Thật, Thầy bảo thật các con: nếu các con không hoá nên như trẻ nhỏ, các con sẽ không được vào Nước Trời. Vậy ai hạ mình xuống như trẻ nhỏ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời.

“Và kẻ nào đón nhận một trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón nhận Thầy. Các con hãy coi chừng, đừng khinh rẻ một ai trong những kẻ bé mọn này, vì Thầy bảo các con, thiên thần của chúng trên trời hằng chiêm ngưỡng thánh nhan Cha Ta, Đấng ngự trên trời.

“Các con nghĩ sao? Nếu ai có một trăm con chiên mà lạc mất một con, thì người đó lại không bỏ chín mươi chín con trên núi, để đi tìm con chiên lạc sao? Nếu người đó tìm được, Thầy bảo thật các con, người đó sẽ vui mừng vì con chiên đó, hơn chín mươi chín con chiên không thất lạc. Cũng vậy, Cha các con trên trời không muốn để một trong những kẻ bé mọn này phải hư mất”.

Thánh Gio-an-na Phan-xi-ca Xăng-tan, nữ tu

Ðọc lại gương các thánh, mỗi người không khỏi suy nghĩ về cuộc đời của các Ngài và rồi nhìn lại đời mình để thấy những gì còn thiếu nơi mình, những gì mình cần cố gắng, phấn đấu để cũng nên thánh như các thánh. Thánh Augustinô đã nói một câu rất chí lý: “tại sao ông kia bà nọ nên thánh, mà tôi lại không nên thánh ?”.

THÁNH GIOANNA PHANXICA ÐỆ CHANTAL

Tại nước Pháp ở miền Dijon vào ngày 23/01/1572, Gioanna Phanxica frémiot de Chantal đã chào đời. Tuổi thơ của thánh nhân được đánh dấu bằng một biến cố hết sức đau thương:mẹ Gioanna Phanxica qua đời lúc thánh nhân chưa tròn hai tuổi. Nỗi đau thương ấy không gì có thể khỏa lấp được đối với Người vì rằng Người lại phải sống cảnh gà trống nuôi con. Nhưng với tình thương, lòng cương nghị, quả cảm của người Cha, Gioanna Phanxica đã ảnh hưởng cuộc đời của Cha mình rất nhiều. Chính người Cha của thánh nữ đã hun đúc, uốn nắn Người nên một nữ thánh kiên trì, quả cảm, dũng mãnh, giầu nghị lực. Vào tuổi lớn lên, như mọi thiếu nữ khác, thánh nhân đã kết hôn với bá tước Chantal. Cuộc hôn nhân của Người với bá tước Chantal mang lại hạnh phúc lớn lao. Hai ông bà đã sinh hạ được bốn người con. Ðời gia sống đình của hai ông bà tưởng sẽ kéo dài hạnh phúc vô hạn. Nhưng hạnh phúc nào chẳng có đau khổ. Thánh giá của Chúa đã ập xuống trên Gioanna Phanxica và bốn người con khi bá tước Chantal bị tử nạn trong một chuyến đi săn bắn vào năm 1600. Với ý chí sẵn có, lòng quả cảm trào dâng, thánh nhân đau khổ tột bực,nhưng Người luôn cảm nghiệm tình thương của Chúa và ý thức thánh giá Chúa gửi tới cho mình và cho con cái mình. Thánh nữ Gioanna quyết tâm nuôi lý tưởng ở vậy nuôi con và luôn hướng tâm hồn thuộc trọn về Chúa. Con đường của Chúa luôn huyền nhiệm. Thánh nữ đã được Ðức Giám Mục địa phận Genève hướng dẫn, nhờ vậy, Người tiến bộ rất mau trên đường nhân đức, thuộc trọn về Chúa. Với sự đồng ý của con cái, gia đình, thánh nữ đã từ giã mọi người thân yêu để gia nhập dòng Thăm Viếng vào năm 1610. Thánh nữ đã góp công rất nhiều trong việc cải tổ, củng cố tu viện, tổ chức các nhà tập, và lập các chi nhánh nhà mới tại nhiều nơi.

CHÚA GỌI THÁNH NỮ

Với một cuộc sống tốt đẹp, thánh nữ đã hiến mọi tài năng, công sức để củng cố, xây dựng, tổ chức lại nhà dòng. Thiên Chúa đã yêu thương Người, kêu gọi Người về với Chúa vào ngày 13/12/1641 tại Moulins. Người được an táng tại Annecy trong nguyện đường của tu viện. Vì những công đức Người cống hiến cho nhà dòng, những phép lạ và những nhân đức anh hùng Chúa ban cho Người khi Người còn sống cũng như khi Người qua đời, Chúa đã thưởng công cho Người. Ðức Giáo hoàng Clêmentê XIII đã phong thánh cho Ngài vào năm 1767.

Lạy thánh nữ Gioanna Phanxica đệ Chantal, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con trước tòa Chúa để chúng con biết trung thành với ơn Chúa gọi để mọi người nhìn thấy ánh sáng của Chúa trong những việc chúng con làm.

SỐNG KHIÊM NHƯỜNG

“Ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất.” (Mt 18,4)

Suy niệm: Chính vì kiêu ngạo mà tổ tông sa ngã, mở lối cho tội lỗi, đau khổ, sự chết vào trần gian. Con người bị mất sự sống siêu nhiên và không còn sống trong tình hiệp thông với Thiên Chúa. Để cứu chuộc nhân loại, Con Thiên Chúa đã làm người, hủy mình ra không, vác thập giá, chết cho người mình yêu. Con đường cứu độ của Chúa là thế, nhưng các môn đệ của Ngài lại không chịu hiểu. Họ tranh luận với nhau ai là người lớn nhất. Chúa Giê-su dạy họ con đường khiêm nhu: sống đơn sơ phó thác nơi Thiên Chúa như trẻ thơ với cha mẹ mình. Như vậy người môn đệ Chúa không có việc phấn đấu chạy chức để được ăn trên ngồi trốc nhưng cố gắng trở nên con người khiêm tốn phục vụ.

Mời Bạn: “Nếu bạn hỏi tôi, đường nào đến với Thiên Chúa, tôi sẽ bảo bạn đường thứ nhất là khiêm nhường, đường thứ hai là khiêm nhường, đường thứ ba là khiêm nhường” (Thánh Augustinô). Thiên Chúa yêu thích người khiêm nhường bởi vì người khiêm nhường sống trong sự thật. Họ nhìn mình bằng cặp mắt của Chúa: họ nhận biết tội mình mà chê ghét đồng thời biết rõ rằng tất cả những gì mình có là do Chúa ban cho để luôn sống trong tâm tình cảm tạ tri ân và tin tưởng vào Chúa.

Sống Lời Chúa: Tôi tập sống khiêm nhường trước mặt Thiên Chúa và trước người khác, làm điều tốt chỉ để được Thiên Chúa biết đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con sống hiền lành và khiêm nhường trong lòng theo gương mẫu của Chúa. Xin cho con biết quên mình vì vinh quang Thiên Chúa và hạnh phúc cho tha nhân. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa luôn yêu thích tâm hồn trẻ thơ. Chúa còn dạy chúng con phải sống như trẻ thơ mới vào được Nước Trời. Xin cho các thiếu nhi luôn biết gìn giữ nét đẹp của tuổi thơ là sự trong trắng, hiền hoà. Xin đừng để tâm hồn các thiếu nhi bị hoen ố bởi những tư tưởng xấu làm mất vẻ đẹp thiên thần nơi tuổi thơ giáo xứ chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, với tình yêu của người cha đầy lòng nhân ái, Chúa đã từng nâng niu và chúc phúc cho tuổi thơ. Chúa vỗ về tuổi thơ. Chúa cầu mong cho tuổi thơ được lớn lên trong vòng tay yêu thương của mọi người. Xin Chúa hãy nhìn đến những tuổi thơ đang bị đánh cắp. Những trẻ thơ bị cha mẹ bỏ rơi đang phải sống vật lộn từng ngày với mưa nắng khắc nghiệt trong đời. Những trẻ thơ lem luốt lầm than vì sự thiếu trách nhiệm của cha mẹ. Những trẻ thơ đang sống trong lo sợ từng ngày vì sự bạo hành của gia đình và xã hội. Xin cho các trẻ thơ đó được sống an vui trong tình thương với đầy đủ trách nhiệm của cha mẹ. Xin cho các bạn tuổi thơ luôn tìm được sự hồn nhiên vui tươi trong lứa tuổi của mình.

Lạy Chúa, xin dạy chúng con nên như trẻ thơ để chúng con biết tin tưởng và phó thác trong bàn tay quan phòng của Chúa là Cha. Amen.

THỨ TƯ TUẦN 19 TN: Th. Pon-xi-a-nô, giáo hoàng và Híp-pô-li-tô, linh mục, tử đạo

Tin Mừng (Mt 18, 15-20)

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu anh em con lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng con và nó thôi. Nếu nó nghe con, thì con đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời con, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, con hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.

“Thầy bảo thật các con, những gì các con cầm buộc dưới đất thì trên trời cũng cầm buộc, và những gì các con tháo gỡ dưới đất thì trên trời cũng tháo gỡ.

“Thầy cũng bảo thật các con, nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”.

THÁNH PON-XI-A-NÔ, giáo hoàng, tử đạo
THÁNH HIP-PÔ-LI-TÔ, linh mục, tử đạo

GƯƠNG CAN ĐẢM

Nhìn thập giá Chúa Kitô với con mắt đức tin, nhân loại sẽ thấy thập giá ánh ngời hào quang và là nguồn cội mọi ơn phúc. Thập giá sẽ là một kho tàng quí giá, không gì sánh được: đó là các hồng ân của ơn cứu chuộc. Do đó, con người sẽ không chạy trốn hay khinh chê mà đón nhận thập hình tự giá với lòng hân hoan, phấn khởi. Thánh Phaolô viết: “Những đau khổ đời này không thể sánh với vinh quang sẽ được tỏ ra nơi chúng ta” (Rm 8, 18).

Thánh Pon-ti-a-nô lên Ngai Tòa Giáo Hoàng vào năm 230 giữa lúc Hội Thánh đang lâm tình trạng hỗn loạn, phân tán do ảnh hưởng của linh mục Hip-pô-ly-tô, một vị mục tử rất giỏi về Kinh Thánh và có nhiều tư tưởng sâu sắc gây ra. Tuy linh mục Hip-pô-ly-tô giỏi giang, am tường môn Thánh Kinh học, nhưng Ngài lại chống đối và không chấp nhận việc chọn lựa phó tế Callixtô lên ngôi Giáo Hoàng năm 217. Và từ lúc đó, thánh nhân trở thành một vị lãnh đạo tôn giáo ly khai với Giáo Hoàng Callixtô và Ngài luôn xác tín việc Ngài làm đúng theo truyền thống các thánh tông đồ. Đức Thánh Cha Callixtô và các Đấng kế vị Ngài đã ngả theo tình hình thời cuộc và đâm vào thế phải nhượng bộ. Đúng vào năm 235, khi Hoàng Đế Maximinô ra lệnh cấm cách, bắt đạo, làm khổ Giáo Hội của Chúa. Hoàng Đế Maximinô tưởng rằng các tín hữu Roma đều tuân phục hai vị Giám Mục, nên ông đã ra lệnh bắt cả hai : Đức Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô và linh mục Hip-pô-ly-tô, đồng thời kết án khổ sai các Ngài. Để khỏi vắng bóng chủ chăn, lãnh đạo Giáo Hội phổ quát, Đức Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô và linh mục Hipp-pô-ly-tô đều từ chức để cho Hội Thánh được yên hàn. Hai thánh Pon-ti-a-nô và Hip-pô-ly-tô đều bị đầy ải qua Sardaigne và tại nơi đây, hai vị đều tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh. Năm 236-250, cơn bách đạo đã lắng dịu, Hội Thánh được an bình, Đức Thánh Cha Fabianô đã truyền đưa xác các Ngài về Roma. Dân chúng từ từ đã quên thánh Hip-pô-ly-tô trước kia đã từng là người lạc giáo, tách rời Hội Thánh, nhưng giờ đây các tín hữu đã cùng vớ Giáo Hội tuyên phong Ngài là vị thánh tử đạo và là tiến sĩ Hội Thánh.

Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô 1Co 2, 9 đã viết: “Mắt ta chưa hề xem thấy, tai chưa từng nghe thấy và tâm trí con người chưa hề hiểu được những gì Thiên Chúa đã chuẩn bị cho những ai yêu mến Ngài”. Hai thánh Pon-ti-a-nô và Hip-pô-ly-tô quả đã cùng chịu đau khổ, bị đầy ải, bị hất hủi khinh chê, bị dằn vặt khổ cực về thân xác và tâm hồn, nhưng các Ngài đã biết nhìn lên Chúa, các Ngài đã hiểu thế nào là phần thưởng Chúa dành cho những ai yêu mến Ngài. Đúng như lời thánh vịnh viết : “Ai gieo trong nước mắt, sẽ gặt hái trong hoan lạc”. Giờ đây trên Nước Trời, hai thánh nhân đã được luôn luôn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Thiên Chúa và các Ngài đã biến các giọt nước mắt xưa nhỏ xuống trở thành những viên ngọc sáng ngời và quí hiếm.

Lạy thánh Giáo Hoàng Pon-ti-a-nô và thánh linh mục, tiến sĩ Hip-pô-ly-tô tử đạo xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con được mạnh mẽ đức tin để chúng con luôn biết vác thập giá mà theo chân Đức Kitô. Amen.

NHỮNG ĐIỀU KHÓ NÓI

“Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình.” (Mt 18,15)

Suy niệm: Không gì khó nói hơn việc đi sửa lỗi người khác. Vì nhiều lý do. Trước hết, lý do bản thân: tôi cũng chẳng hay ho gì mà dám lên mặt dạy đời. Và bao nhiêu lý do khác. Nếu cùng là người trong nhà với tôi: bụt nhà không thiêng. Nếu không phải là người nhà với mình: thôi thì đèn nhà ai nhà nấy rạng. Bao giờ người ta cũng có lý do để né tránh vấn đề gai góc này. Chắc phải “uống mật gấu” mới đủ dũng khí để “sửa lỗi cho người khác” bởi chưng cục tự ái của mỗi người chẳng khác nào trái bom hẹn giờ không biết lúc nào sẽ nổ tung lên. Trên đây, Chúa Giêsu đưa ra qui tắc vàng: muốn sửa lỗi cho nhau, phải được thúc đẩy bởi tình bác ái, phải tôn trọng danh dự của nhau và nhắm đến lợi ích đích thực của người anh em. Việc đi gặp riêng “một mình anh với nó thôi” tạo điều kiện cho một cuộc đối thoại ôn hoà, tôn trọng lẫn nhau và giúp nhau nhận ra ý Chúa.

Mời Bạn: Bạn có nghĩ rằng 99% thất bại trong việc sửa lỗi phát sinh do việc nóng nảy, thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng nhau? Về phần mình, khi được người khác sửa lỗi, bạn đã phản ứng thế nào?

Chia sẻ cách Chúa Giêsu sửa lỗi cho: – người đàn bà ngoại tình (Ga 8,1-11) – cho Phêrô (Ga 13,6-11.36-38; Lc 22,31-34.54-61; Ga 21,15-23).

Sống Lời Chúa: Suy niệm nhiều lần những đoạn Tin Mừng trên.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, xin dạy con biết noi gương Chúa, ghét tội nhưng thương người có tội, biết sẵn sàng hy sinh đền thay tội lỗi cho anh em mỗi khi con muốn sửa lỗi cho nhau.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là nguồn sức sống của chúng con. Thánh Thể Chúa là bánh bởi trời dưỡng nuôi chúng con trên đường về đất hứa. Xin Chúa hãy ướp hồn chúng con bằng ơn thánh của Chúa. Xin cho tình yêu của Chúa được lớn lên còn cái tôi ích kỷ tầm thường của chúng con được nhỏ bé lại. Xin cho chúng con biết sống bao dung và nhân ái với nhau như Chúa vẫn hằng khoan dung với chúng con.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, dẫu biết rằng “nhân vô thập toàn”. Thế nhưng chúng con lại khó nhìn nhận sự yếu đuối của mình để đón nhận lời sửa dạy của cha mẹ và bạn hữu. Chúng con thường quá đề cao cái tôi khiến chúng con không thể nhìn thấy “cái đà trong mắt mình”. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa sự dịu hiền và khiêm nhường. Sự dịu hiền để chúng con cảm thông và đón nhận nhau trong yêu thương và tha thứ. Sự khiêm nhường để chúng con khiêm tốn đón nhận lời khuyên, lời dạy dỗ của mọi người.

Lạy Chúa, người xưa thường nói rằng : “cá không ăn muối cá ươn – Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Xin cho chúng con luôn sống tâm tình đơn sơ ngoan hiền để chúng con được lớn lên trong lời khuyên của cha và lời dạy của mẹ. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 19 TN: Th. Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Tin Mừng (Mt 18, 21 – 19, 1)

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Chúa Giêsu đáp: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy. “Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả”. Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y. “Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: “Hãy trả nợ cho ta”. Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: “Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh”. Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: “Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?” Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. “Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê, linh mục, tử đạo

Gương Thánh nhân

Thánh Mác-xi-mi-li-a-nô Kôn sinh tại Đun-ka Quô-la, nước Ba-lan, năm 1894.

Lớn lên, thánh nhân có lòng ước muốn phụng sự Chúa và phục vụ các linh hồn, nên đã xin nhập dòng Phan-xi-cô, Ngài chuyên cần học hỏi thần học, kinh tế và hằng ngày chịu khó tập rèn nhân đức.

Năm 1918, thánh nhân được thụ phong Linh mục. Từ đó ngài hiến mình cho công cuộc truyền giáo, xả thân cứu rỗi các linh hồn. Đặc biệt ngài hết lòng vâng phục kẻ trên và tôn sùng Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm, và hằng cậy nhờ Mẹ nâng đỡ phù trì trong mọi công tác tông đồ mục vụ.

Trong một bức thư gởi cho đồng nghiệp, thánh nhân đã kêu gọi phải lấy lòng nhiệt thành lo cho các linh hồn được cứu rỗi và thánh hoá, nhờ đức tuân phục và lòng sùng kính Mẹ Ma-ri-a:

“Đây là đường lối khôn ngoan, là con đường duy nhất mà qua đó chúng ta có thể quy chiếu vinh quang cao cả về cho Thiên Chúa. Nếu có con đường nào khác và thích hợp hơn thì chắc chắn Đức Ki-tô đã bày tỏ cho ta bằng lời nói và gương mẫu của Người. Nhưng Kinh Thánh đã tóm gọn thời gian Người sống ở Na-da-rét bằng những lời nầy: và Người vâng phục các ngài. Kinh Thánh cũng phác hoạ cả quảng đời còn lại gần như bằng dấu chỉ vâng phục, khi cho thấy ở một số đoạn rải rác là Người đã xuống thế gian để làm theo ý Cha. Vì vậy, chúng ta hãy yêu mến và đầy lòng yêu mến Cha trên trời là Đấng rất yêu thương, và chớ gì sự vâng phục của ta làm chứng cho lòng mến hoàn hảo nầy. Khi nào ta hy sinh ý riêng, khi ấy ta tỏ ra vâng phục nhất. Vì chưng, chúng ta không biết một phe cánh cao quý nào khác hơn là chính Đức Giêsu-Kitô chịu đóng đinh, để chúng ta tiến triển trong tình yêu của Thiên Chúa.

Chúng ta sẽ có được mọi điều đó dễ dàng hơn nhờ Đức Trinh nữ Vô Nhiễm, Đấng được Thiên Chúa chí nhân ủy thác việc ban phát lòng thương xót của Người. Thực vậy, điều chắc chắn là ý muốn của Đức Ma-ri-a là chính ý muốn của Thiên Chúa đối với ta. Khi tự hiến mình cho Mẹ, chúng ta trở thành dụng cụ của lòng thương xót Chúa trong tay Mẹ, như chính Mẹ là dụng cụ trong tay Thiên Chúa. Do đó, chúng ta hãy cho Mẹ hướng dẫn, để Mẹ dẫn dắt ta đi, và chúng ta sẽ được yên hàn bình an khi có Mẹ dìu dắt. Vì chưng, Mẹ sẽ xem xét và tiên liệu mọi sự cho ta, sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu thể xác linh hồn. Chính Mẹ sẽ tháo gỡ các khó khăn trở ngại”.

Phương pháp làm đặc biệt của thánh nhân là dùng báo chí truyền bá đức tin và củng cố lòng đạo. Ngài đã mời nhiều người cộng tác và xuất bản báo Công giáo ở Ba-lan và Nhật-bản. Năm 1927, ngài sáng lập nhà xuất bản, chuyên in ấn sách báo Công giáo, phổ biến giáo thuyết Chúa Ki-tô, cổ võ lòng tôn sùng Đức Mẹ Vô Nhiễm. Đồng thời ngài cũng thành lập đài phát thanh, tuyên truyền cổ động cho Nước Chúa Trị Đến.

Thấy ngài gây được nhiều ảnh hưởng lớn lao trong quần chúng, năm 1940, phát xít Đức bắt giam ngài tại Ốt-quít; đây là một trại tập trung rất khổ cực, kỷ luật gắt gao. Trong các quy luật đó, có điều khoản qui định: khi một tù nhân trốn trại, thì 10 người khác phải chết thế. Vậy một ngày trong tháng 8 năm 1941, có một tù nhân trốn khỏi trại, và người ta đã chỉ định 10 người chết thế; trong số đó có anh Ga-đô-nít-sét. Anh kêu la than khóc thảm thiết khi bị chỉ định chết thế, vì anh còn mẹ già con thơ, không ai nuôi dưỡng ! Đứng trước thảm cảnh đó, cha Mắc-xi-mi-en Kôn không thể cầm lòng nổi, và vì lòng mến Chúa yêu người, cha đã xin chết thay cho anh…

Thế là 10 người tử tù, trong số đó có cha Mắc-xi-mi-en Kôn, bị đẩy vào phòng hơi ngạt cho đến chết cách đau đớn !…

Thánh nhân đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô 6 nâng lên Chân phước và Đức Gioan-Phaolô 2 tôn phong Hiển thánh.

Quyết tâm

Noi gương thánh Mắc-xi-mi-en Kôn, hết lòng tôn kính Đức Mẹ, và sẵn sàng thương giúp những người lâm cơn khốn khó hoạn nạn phần hồn phần xác.

Lời nguyện

Lạy Chúa, nhờ Chúa ban ân sủng, Thánh Linh mục tử đạo Mắc-xi-mi-li-a-nô Kôn-bê đã hăng say cứu các linh hồn, hết tình yêu mến tha nhân và trọn đời gắn bó với Đức Trinh nữ Vô Nhiễm.

Xin nhận lời thánh nhân chuyển cầu, mà giúp chúng con đem hết sức mình phục vụ anh em, để danh Chúa được vinh quang rạng rỡ. Nhờ vậy, chúng con sẽ trở nên đồng hình đồng dạng với Con Một Chúa đến hơi thở cuối cùng.

LÀM SAO THA THỨ?

“Tôn chủ của tên đầy tớ ấy chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.” (Mt 18,27)

Suy niệm: Chúng ta thử làm một bài tính nhẩm: Người bạn của tên đầy tớ nợ anh ta 100 quan tiền, tương đương với số tiền 100 ngày công của người làm thuê thời bấy giờ. Còn tên đầy tớ thì nợ nhà vua 10.000 yến vàng – mà một yến vàng tương đương với số tiền của 6.000 ngày công – như thế y mắc nợ nhà vua số tiền tương đương với 60 triệu quan! Nghĩa là gấp 600.000 lần số tiền người bạn mắc nợ y! Với số nợ quá lớn như thế, dù có bán anh ta, vợ con và tất cả tài sản anh có cũng không đủ trả hết. Thế nhưng nhà vua đã chạnh lòng thương và xoá cho anh tất cả món nợ chỉ vì một lời anh cầu xin. Thế nhưng anh lại không thể cho bạn mình món nợ hết sức nhỏ bé. Hẳn anh có thể tha nợ cho bạn nếu anh nhớ chủ đã tha cho anh món nợ lớn lao thế nào.

Mời Bạn: Để tha thứ cho người xúc phạm đến mình, nếu nhìn vào mình thì chúng ta sẽ khó mà tha thứ vì con người mình thường nuôi tính trả thù. Nếu nhìn vào người xúc phạm đến mình thì càng khó tha thứ vì hậu quả họ gây ra nhiều khi không thể đền bù, giống như ly nước đã đổ ra thì không thể hốt lại được. Làm sao có thể tha thứ cho nhau được? Chỉ còn cách là nhìn vào Chúa. Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Ngài tha thứ một cách vô điều kiện.

Sống Lời Chúa: Suy niệm lời trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Đấng giàu lòng thương xót và luôn khoan dung tha thứ. Xin giúp con bắt chước Chúa mà tha thứ cho tha nhân như Chúa đã tha thứ cho con.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Mỗi lần chúng con rước Chúa là một lần chúng con được nuôi dưỡng bởi chính sức sống của Chúa. Xin cho chúng con biết sống như Chúa: yêu thương và vị tha. Xin cho chúng con biết học nơi Chúa: nhân ái và từ bi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã tha thứ cho người đàn bà ngoại tình, cho thánh Phêrô, và Chúa cũng đã từng tha thứ cho bao kẻ xúc phạm đến Chúa. Trên cây thập giá, Chúa đã cầu nguyện cho họ: “Xin tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Chúa cũng đã từng tha thứ cho chúng con. Thế nhưng, Chúa ơi! Sao chúng con lại quá khó khăn khi phải tha thứ. Chúng con dễ kết án nhưng lại rất khó bao dung. Chúng con dễ gây thù hận nhưng lại khó khi làm hoà. Xin tha thứ vì những lần chúng con đã có thái độ bất khoan dung với anh em. Xin cho chúng con cảm nghiệm được tình yêu Chúa dành cho mình, để chúng con luôn biết cư xử khoan dung với người khác.

Lạy Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan dung, xin giúp chúng con sống như Chúa để chúng con cũng sẵn lòng yêu thương và tha thứ cho nhau. Amen.

THỨ SÁU TUẦN 19 TN: Đức Mẹ hồn xác lên trời
Tin Mừng (Lc 1, 39-56)

Trong những ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng:

“Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm? Vì này tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”.

Và Maria nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, và thần trí tôi hoan hỉ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi, vì Chúa đã đoái nhìn đến phận hèn tớ nữ của Chúa. Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước, vì Đấng toàn năng đã làm cho tôi những sự trọng đại, và Danh Ngài là thánh. Lòng thương xót Chúa trải qua đời nọ đến đời kia dành cho những người kính sợ Chúa. Chúa đã vung cánh tay ra oai thần lực, dẹp tan những ai thần trí kiêu căng. Chúa lật đổ người quyền thế xuống khỏi ngai vàng và nâng cao những người phận nhỏ. Chúa đã cho người đói khát no đầy ơn phước, và để người giàu có trở về tay không. Chúa săn sóc Israel tôi tớ Chúa, bởi nhớ lại lòng thương xót của Ngài. Như Chúa đã phán cùng các tổ phụ chúng tôi, cho Abraham và dòng dõi người đến muôn đời”. Maria ở lại với bà Elisabeth độ ba tháng, đoạn Người trở về nhà mình.

ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI

Việc tin tưởng Đức Mẹ hồn xác lên trời đã có từ lâu đời trong Hội thánh. Và hằng năm nhiều nơi đã mầng kính lễ nầy với nhiều tên gọi khác nhau, như lễ Đức Mẹ an giấc, Đức Mẹ chuyển biến, Đức Mẹ sinh ra trên trời, Đức Mẹ được nâng lên trời… Đặc biệt sau Công đồng chung Ê-phê-sô (năm 431), lễ Đức Mẹ an giấc được mừng kính khắp nơi trong Giáo hội Đông phương. Còn trong Giáo hội Tây phương thì từ thế kỷ thứ 7 mới bắt đầu mừng lễ nầy:

Từ đó về sau, nhiều thư thỉnh nguyện của các Giám mục, các dòng tu, các nhà thần học gởi đến Đức Giáo Hoàng, xin ngài định tín việc Đức Mẹ lên trời cả hồn và xác. Chính trong Công đồng Va-ti-căn thứ nhất, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó. Vì theo ý kiến của tất cả các vị nầy, việc Đức Mẹ hồn xác lên trời có liên hệ mật thiết với cuộc đời đồng trinh và chức vụ làm mẹ của Ngài. Và vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện, như lời thánh Phao-lô nói: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được kêu gọi theo ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người” (Rm. 8, 28-29).

Dựa theo các thỉnh nguyện đó, năm 1946 Đức Giáo Hoàng Pi-ô thứ 12 đã gởi đến mỗi Giám mục một lá thư, yêu cầu trả lời câu hỏi sau đây của ngài:

“Theo sự khôn ngoan chính chắn của Đức Cha, Đức Cha có ý kiến gì về việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời? Đức Cha thấy cần được đưa ra và xác quyết như là một tín điều không? Đức Cha với hàng giáo sĩ và giáo dân có muốn điều đó không?

Gần hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện. Thế là ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Thánh Cha Pi-ô thứ 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời, cho toàn thể Giáo hội tin kính và mầng lễ ngày 15 tháng 8 hằng năm.

Đức Giáo Hoàng xác quyết:

“Các Thánh giáo phụ và các bậc đại tiến sĩ khi giảng và nói với giáo dân trong ngày lễ Thánh Mẫu hồn xác lên trời, vẫn nói về điều đó như là một chân lý đã được giáo dân biết và chấp nhận rồi. Các ngài đã giải thích cho rõ hơn, đào sâu ý nghĩa và tầm quan trọng, và nhất là làm nổi bật lên rằng: Lễ nầy không những kính nhớ việc thân xác Đức Trinh nữ Ma-ri-a, sau khi chết, không chịu hư nát chút nào, mà còn nhắc đến việc ngài toàn thắng sự chết, được vinh hiển trên trời, theo gương Con Một Ngài là Đức Giêsu-Kitô…

Tất cả lập luận và suy niệm trên đây của các giáo phụ đều dựa trên Kinh Thánh như là nền tảng cuối cùng; mà Kinh Thánh lại như đặt trước mặt ta một Đức Mẹ Thiên Chúa kết hợp rất mật thiết với Con mình và luôn luôn chia sẻ tất cả thân phận của Người…

Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giêsu-Kitô một cách huyền nhiệm vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm mẹ, cộng tác quãng đại với Đấng Cứu thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân Ngài đã được, Đức Trinh nữ cũng đã được gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ để nên giống Con mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được đưa lên vinh quang trên trời cả hồn lẫn xác, nơi ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời”.

Quyết tâm

Đức Mẹ đã được Chúa thưởng hồn xác về trời, hằng ngày kêu xin Đức Mẹ phù hộ, cho ngày sau được về trời hưởng phước với Mẹ.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Ma-ri-a, là Trinh nữ Vô Nhiễm và là Thánh Mẫu của Con Chúa.

Xin cho chúng con hằng biết hướng về phúc lộc quê trời, để mai sau được cùng Thánh Mẫu chung hưởng vinh quang.

SỐNG NHƯ MẸ, LÊN TRỜI VỚI MẸ

“Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn.” (Lc 14,21b)

Suy niệm: Trong một năm phụng vụ, những ngày lễ kính Đức Mẹ sắp xếp, dàn trải như một lộ trình mẫu giúp các tín hữu sống đức tin theo gương Mẹ để đạt tới đích điểm mà ngày lễ hôm nay nhắm tới là được lên trời với Mẹ. Thật vậy, vì cảm nhận được thân phận của một nữ tì hèn mọn trước kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa, Đức Ma-ri-a đã không khỏi bỡ ngỡ, e ngại trước lời mời gọi của Chúa qua lời thiên sứ truyền tin. Bằng lời xin vâng, Mẹ đã sẵn lòng cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa: không phải chỉ có lời thưa xin vâng lúc truyền tin, Mẹ đã thưa xin vâng suốt cuộc đời mình, xin vâng trong những lúc tăm tối của thử thách, xin vâng ngay cả khi chưa hiểu ý Chúa, xin vâng khi cùng Chúa Giê-su đi trên đường khổ giá, xin vâng khi tiếp tục đồng hành với các tông đồ. Chính vì trung thành với lời xin vângMẹ được ân thưởng lên cõi trời.

Mời Bạn: Yêu mến Mẹ, noi gương Mẹ, và sống như Mẹ là phương thế tốt nhất để sống trọn vẹn ơn gọi là Ki-tô hữu. Bạn và tôi, trong hành trình đức tin cùa mình, chúng ta cũng dám thưa vâng để ý Chúa được thể hiện trong cuộc đời chúng ta, hầu mai sau được cùng Mẹ vui hưởng Nước Trời.

Sống Lời Chúa: Thực hiện quyết tâm ba bước sau đây: 1/ chọn một biến cố vừa xảy ra trong cuộc sống của mình; 2/ bình tâm suy gẫm để khám phá ý muốn của Chúa qua biến cố đó; 3/ thưa vâng với Chúa và nỗ lực thực hiện.

Cầu nguyện: Nữ vương ban sự bình an – Cầu cho chúng con.

Đức Bà phù hộ các giáo hữu – Cầu cho chúng con.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ tình hiệp nhất. Qua bí tích Thánh thể chúng con được nên một trong Chúa và hiệp nhất với nhau trong tình yêu của Chúa. Chúng con cám ơn Chúa đã liên kết chúng con thành một gia đình của Chúa. Xin Chúa gìn giữ tình huynh đệ của chúng con để chúng con luôn sống đùm bọc và yêu thương nhau. Cách riêng trong đời sống hôn nhân, xin cho tất cả những ai đang sống đời hôn nhân biết trân trọng và gìn giữ hôn ước mà họ đã cam kết, và giây hôn phối mà Chúa đã kết hợp họ nên một gia đình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, như hạt lúa bì nghiền nát để kết thành tấm bánh, bao trái nho ép thành chén rượu. Xin dâng lên Chúa những hy sinh trong đời sống vợ chồng, những chén đắng chua cay, những gian truân vất vả trong khi chu toàn bổn phận gia đình. Xin cho các gia đình biết dâng hiến lễ hy sinh đời mình để kết hợp với hy tế thập giá của Chúa để sinh ơn cứu độ cho bản thân và gia đình.

Lạy Chúa, Chúa là tình yêu. Tình yêu Chúa luôn bao dung độ lượng, luôn hy sinh quên mình. Xin cho các đôi vợ chồng biết hy sinh cho nhau, tha thứ cho nhau, hầu thắp sáng niềm tin yêu, hy vọng cho gia đình mãi êm ấm thuận hòa. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 19 TN: Th. Tê-pha-nô Hung-ga-ri

Tin Mừng (Mt 19, 13-15)

Khi ấy, người ta đem những trẻ nhỏ đến cho Chúa Giêsu để Người đặt tay và cầu nguyện cho chúng. Các môn đệ liền quở trách chúng, nhưng chúa Giêsu bảo: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Ta, và đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời là của những người giống như chúng”. Sau khi Người đặt tay trên chúng, thì Người đi khỏi nơi đó.

THÁNH TÊ-PHA-NÔ HUN-GA-RI

Gương Thánh nhân

Thánh Tê-pha-nô sinh tại Ết-tẹt-gon khoảng năm 972, là con của vua Gey-sa nước Hun-ga-ri. Nhà vua là người ngoại giáo, nhưng khi cưới Sa-rôn-ta là người Công giáo thì nhờ ảnh hưởng của nàng mà trở lại đạo.

Lúc còn nhỏ, thánh nhân đã được mẹ huấn luyện đạo đức kỹ lưỡng. Năm lên 10 tuổi thì vua cha xin thánh A-đan-bê rửa tội cho ngài, đồng thời mời các nhà truyền giáo đến giảng đạo trong nước ông. Từ đó, Tê-pha-nô được các nhà truyền giáo chăm sóc dạy dỗ thêm đàng nhân đức. Và lúc 15 tuổi, ngài phụ giúp vua cha cai trị đất nước, cho đến lúc ông qua đời thì lên ngôi kế vị.

Từ ngày lên ngôi vua, thánh nhân lo ký kết thỏa hiệp với các nước láng giềng, để cho toàn dân được an cư lạc nghiệp, Ngài phóng thích nô lệ, ân xá các tù nhân, mở cơ quan từ thiện, giúp đỡ người nghèo và những kẻ già yếu bệnh tật.

Để có người cộng tác trong việc mở mang kiến thức cho dân chúng, thánh nhân đã mời các tu sĩ đến mở trường dạy học. Ngài còn làm một việc đặc biệt là sai sứ giả đến xin Đức Giáo Hoàng nhận nước Hun-ga-ri là quốc gia Ki-tô-giáo và phong vương cho ngài. Năm 1000, Đức Giáo Hoàng Sin-vét-te thứ 3 đã công nhận và gởi cho ngài mão triều thiên. Để đáp lại lòng ưu ái của Đức Thánh Cha, ngài ra sức Ki-tô hoá vương quốc của ngài. Ngài thiết lập 8 toà Giám mục, nhiều tu viện và xây cất thánh đường khắp nơi trong nước.

Dù bận lo việc nước việc đạo như thế, thánh nhân cũng không bỏ qua việc cầu nguyện hãm mình hằng ngày và dạy dỗ con cái. Các con của ngài đều chết sớm, chỉ còn lại một mình Em-mê-ríc sau nầy kế vị ngài. Ngài ân cần khuyên bảo cậu sống đạo đức thánh thiện: “Con rất yêu quí, tiên vàn cha truyền cho con, khuyên nhủ con, mời gọi con; nếu muốn làm vẻ vang cho vương miện nhà ta, thì con hãy cẩn thận và ân cần gìn giữ đức tin Công giáo và tông truyền, đến nỗi trở thành gương sáng cho mọi người Chúa đặt ở dưới quyền con, và mọi người trong hàng giáo sĩ sẽ phải công nhận con là người tuyên xưng đức tin Ki-tô-giáo thật sự; nếu không thì người ta sẽ chẳng còn gọi con là Ki-tô-hữu hay là con cái của Hội thánh nữa.

Vậy trong đền vua, sau đức tin thì Hội thánh phải chiếm hàng thứ hai. Hội thánh trước hết đã được chính Thủ lãnh là Đức Ki-tô gieo mầm, rồi được các chi thể của Người là các tông đồ và các giáo phụ đem trồng và xây dựng chắc chắn và được lan rộng ra khắp địa cầu. Nên cho dù Hội thánh luôn luôn sinh ra những con cái mới, song ở nhiều nơi, Hội thánh thật đã xa xưa.

Hội thánh ở nước ta còn trẻ trung và mới mẻ, nên cần phải có người bảo đảm và sáng suốt gìn giữ, kẻo ơn lành và lòng nhân từ Chúa đã ban cho chúng ta là những kẻ bất xứng, phải phá sản và mất đi vì con sơ xuất, lười biếng chậm chạp.

Con rất yêu quý, con là sự êm ái của lòng cha, là hy vọng của dòng dõi cha, cha khuyên con, cha truyền cho con, bằng mọi cách và trong mọi việc phải tỏ ra từ tâm…

Sau cùng con hãy can trường, đừng thấy phát đạt mà tự cao, đừng vì trở ngại mà nản chí, phải khiêm nhượng để được Chúa nâng lên ở đời nầy và trong đời sau…”

Thánh nhân qua đời ngày 15 tháng 8 năm 1038, và được tôn phong Hiển thánh năm 1083.

Quyết tâm

Noi gương thánh Tê-pha-nô, hằng ngày lo chu toàn bổn phận đối với Hội thánh và gia đình, bằng cách chuyên cần dạy dỗ con cái và mở mang Nước Chúa.

Lời nguyện

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa đã ban cho thánh Tê-pha-nô làm vua nơi trần thế để mở mang Giáo hội.

Nay Người được vinh hiển trên thiên đàng, thì xin cho Giáo hội cũng được người bênh vực chở che.



ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI CHÚA

Chúa Giê-su nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” (Mt 19,14)

Suy niệm: Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giê-su nói Nước Trời thuộc về những người hiền lành, nghèo khó, trong sạch… nhưng lại không nói rõ đó là những ai, thuộc lứa tuổi nào. Còn ở đây Chúa cho biết rõ: “Nước Trời thuộc về những người giống như các trẻ nhỏ.” Do đó, trẻ nhỏ trước mắt Thiên Chúa là những người đạt được những tiêu chuẩn của Tám Mối Phúc Thật. Quả thật, trẻ nhỏ bất luận là da trắng, da vàng hay da đen đều dễ thương vì những nét hiền lành, trong sạch, nhân ái… Tiếc thay, những nét dễ thương ấy lắm khi đã sớm biến mất trên những khuôn mặt còn măng sữa, bởi vì biết bao người đang ngăn cản chúng đến với Chúa bằng bạo lực, dâm ô, gian dối, tham lam, ích kỷ… Chúa nói những người làm như thế đáng phải cột cối đá vào cổ mà quăng xuống biển để khỏi làm gương xấu cho trẻ nhỏ nữa.

Mời Bạn kiểm điểm và loại bỏ những gì có thể gây gương xấu cho trẻ nhỏ:

- nơi bạn: lời nói, hành động, tác phong

- nơi gia đình bạn: sách báo, phim ảnh, những chương trình TV xen lẫn những cảnh bạo lực dâm ô…

- hướng dẫn con em biết cách tự bảo vệ trước những gương xấu ngoài xã hội

Nói riêng với các thiếu nhi: Các em cương quyết bảo vệ sự đơn sơ trong trắng của mình bằng cách luôn luôn “nói không” với điều xấu. Nhớ lời thánh trẻ Đa-minh Xa-vi-ô: “Thà chết chứ không phạm tội”.

Sống Lời Chúa: Nỗ lực đấu tranh để xoá bỏ những gương xấu cho trẻ nhỏ.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, dù tuổi đời con là bao đi nữa, xin cho con luôn sống tinh thần trẻ thơ trước nhan Chúa.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con thật hạnh phúc được nên một với Chúa qua bí tích Thánh Thể. Chúa trở nên bạn tâm phúc của chúng con. Chúa đồng hành với chúng con trong suốt hành trình dương gian. Xin cho chúng con biết học cùng Chúa nơi trái tim nhân hậu, trái tim biết chạnh lòng thương xót những khổ đau của tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, Chúa luôn yêu thương từng người. Chúa quan tâm tới từng nhu cầu cuộc sống. Không ai bị loại trừ ra khỏi lòng thương xót của Chúa. Không ai bị bơ vơ trước sự hiện diện của Chúa. Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con thiếu tôn trọng lẫn nhau. Chúng con thường phân loại hạng người sang hèn. Chúng con nâng niu người sang nhưng lại xem thường kẻ bần cùng. Chúng con quý trọng người có địa vị nhưng lại coi khinh kẻ thấp cổ bé miệng hơn mình. Chúng con chọn người giầu loại người nghèo. Chúng con thân kẻ quyền thế và xa lánh kẻ cơ hàn. Chúng con chưa thực sự sống liên đới với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà.

Lạy Chúa, Chúa dùng hình ảnh trẻ thơ yếu đuối để nhắc nhở chúng con đừng loại trừ ai. Xin giúp chúng con luôn trân trọng nhau và đón nhận nhau trong yêu thương và phục vụ như Chúa đã nêu gương cho chúng con. Amen.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :