www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA CÁC NGÀY TRONG TUẦN IV TN NĂM B

THỨ HAI TUẦN 4 TN: Dâng Chúa Giê-su trong đền thánh

Dâng Chúa Giêsu trong Đền thánh

Giáo hội Roma lại thường kể lễ này vào số các lễ Đức Trinh Nữ. Trong thông điệp về lòng tôn sùng Đức Trinh Nữ Maria. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI viết: “Lễ mùng 2 tháng 2, được cải tên là lễ “dâng Chúa vào đền thánh”, cũng cần nhắc nhở để hưởng nguồn phong phú lớn lao của ân sủng Chúa Giêsu và Mẹ Maria đi song song. Đức Kitô thực hiện mầu nhiệm cứu độ. Mẹ Maria mật thiết kết hợp với Chúa chịu khổ hình, để thực hiện một sứ mạng vừa thuộc về Dân Chúa của Cựu ước, vừa là hình ảnh của Dân Tân ước luôn luôn vị bắt bớ gian khổ, thử thách đức tin và lòng trông cậy” (Lc 2,21-35) (Marialis Cultur, số 7b).

Sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh và thánh tẩy Đức Trinh Nữ đã được thánh sử Luca ghi lại (Lc 2,22-39). Sự kiện này nhằm thực hiện những lề luật đã được ghi rõ trong Cựu ước (Lv 12,8). Theo luật Môisê, phụ nữ sau khi sanh con thì bị coi là nhơ uế trong 40 ngày nếu sinh con trai và trong 80 này nếu sinh con gái. Trong những ngày ấy họ không được vào đền thờ và không được chạm đến vật dụng nào đã thánh hiến cho Thiên Chúa. Hết những ngày kiêng cữ trên, họ đến đền thờ để được thanh tẩy. Họ phải mang theo một con chiên nếu là nhà giàu hay hai con chim gáy hoặc bồ câu non làm của lễ. Ngoài ra để ghi nhớ dịp vượt qua đất Ai cập. Lúc các con đầu lòng của loài người hay là của loài vật đều phải dâng cho Thiên Chúa (Xh 13,2). Vậy, trung tín với lề luật, Đức Maria và thánh Giuse “khi đã đầy ngày, lúc phải làm lễ tẩy uế cho các đấng theo luật Môsê, thì ông bà đem hài nhi lên Giêrusalem tiến dâng cho Chúa” và các Ngài “dâng làm lễ tế một cặp chim gáy hay hai con bồ câu” (Lc 2,22-24).

Như vậy sự kiện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh diễn ra một cách bình thường dưới mắt người đời. Nhưng trong lịch sử cứu độ, đây là việc thực hiện lời tiên báo của tiên tri Malaki: “Thình lình sẽ đến nơi đền thờ của Người, vị Chúa tể mà các ngươi đòi hỏi, và thần sứ giao ước mà các ngươi ước nguyện, này vị ấy đến” (Ml 3,1). Chúa đã đến trong đền thờ Người. Bao nhiêu người đã ngóng chờ biến cố cứu độ này. Nhưng như chính tiên tri Malaki trước tự hỏi: “Ai chịu đựng nổi ngày Người đến ? Ai đứng vững được khi Người hiện ra?” (Ml 3,2). Dĩ nhiên khó ai nhận biết được Thiên Chúa, bởi vì Ngài đã mặc lấy vóc dáng con người như chúng ta. Phải có sự soi sáng của Thánh Thần mới biết được. Siméon và Anna là những người công chính và mộ đạo đã được hưởng đặc ân này. Được linh cảm, Siméon “đến đền thờ, khi cha mẹ bồng hài nhi Giêsu đến để làm theo điều lề luật dạy về Người” (Lc 2,270. Ẵm lấy Hài nhi trên tay, Siméon đã chúc tụng Chúa và nói:

“Mắt tôi đã thấy ơn Người cứu độ,

Người đã dọn sẵn trước mặt muôn dân,

Ánh sáng mạc khải cho dân ngoại và vinh quang của Israel dân Người” (Lc 2,30-32)

Còn nữ tiên tri Anna, “không rời khỏi đền thánh, thờ Chúa đêm ngày trong chay kiêng và cầu nguyện. Vào giờ ấy, bà đã đến bên tán tạ Thiên Chúa và bà đã nói về Ngài cho mọi kẻ ngóng đợi phúc cứu chuộc của Gierusalem” (Lc 37-38).

Ngày lễ Dâng Chúa Giêsu vào đền thánh còn được gọi là lễ Nến. Hôm nay Giáo hội làm phép những cây nến và phân phát cho giáo dân. Cầm nến sáng trong tay và tiến vào thánh đường, mọi người lặp lại Thánh Ca mà tiên tri Siméon đã hát khi Đức Mẹ và thánh Giuse dâng Chúa Giêsu vào đền thánh. Chúa Giêsu quả là ánh sáng muôn dân, dẫn lối chúng ta vào trong cung điện Người. Những “cây nến phép” này sẽ được cất giữ trong các gia đình để dùng vào dịp lãnh các bí tích sau hết hay để thắp bên thi hài người quá cố trong gia đình.

Xin Chúa cho chúng con luôn tìm về nẻo chính đường ngay, tìm đến cùng Đức Giêsu là ánh sáng chẳng bao giờ tàn lụi.

Hy Tế Cứu Chuộc

Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là “cặp bồ câu non“! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc. Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là “bản lề” chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để (Cứu chuộc) chúng ta.

Sao lại làm phép nến và rước nến hay gọi là Lễ Nến?

Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Symêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.

Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.

Lời của cụ già Symêon nói : “Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Quả thật, hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Symêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.

Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng tên tay cụ già Symêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta…Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta là ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tấm bánh được bẻ ra cho con người. Chúa nuôi dưỡng hồn xác chúng con bằng sức sống thần linh của Chúa. Xin Mình máu Thánh Chúa bồi dưỡng tâm hồn và thân xác chúng con. Xin cho mỗi lần chúng con đón rước Chúa là một lần chúng con được đổi mới trong ân sủng và tình thương của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, quỷ ám luôn là nỗi sợ của con người. Người bị quỷ ám dễ bị ma quỷ lấy đi nhân tính, nhân phẩm của chính mình. Xin Chúa canh chừng và bảo vệ hồn xác chúng con khỏi mối hiểm nguy của ba thù. Xin cho lòng trí chúng con luôn hướng về Chúa để tâm hồn chúng con luôn thanh sạch khỏi bợn nhơ tội lỗi.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ cho những lần chúng con để tâm hồn mình cho ma quỷ chiếm giữ. Chúng con còn nuôi dưỡng trong lòng những ước muốn tầm thường, những tư tưởng lỗi đức trong sạch, những việc làm bất chính. Trong lòng chúng con còn chất chứa những ích kỷ, kiêu căng, những đam mê tội lỗi. Xin Chúa là Đấng mà ai được đụng chạm đến cũng được thanh tẩy, được đổi mới. Xin Mình Thánh Chúa đổi mới chúng con trong ân sủng của Chúa, để linh hồn chúng con nên trong trắng vẹn tuyền. Amen.

THỨ BA TUẦN 4 TN: Th. Bla-xi-ô, giám mục, tử đạo

Thánh Blasiô, giám mục tử đạo

Có nhiều câu chuyện vây quanh thánh Blasiô. Ngài là giám mục Sêbasta, miền Armênia; Ngài hiến cả xác hồn cho dân chúng… nhất là dân nghèo, Ngài đã học nghề thuốc, nhưng không bao giờ chữa bệnh cho ai mà không xin Chúa giúp trước đã, dường như vị y sĩ vĩ đại này muốn nói rằng: “Tôi băng bó cho họ nhưng Thiên Chúa chữa lành cho họ”. Ngài rao giảng, dạy dỗ, nhưng không có bài học nào hay hơn chính gương mẫu đời Ngài.

Năm 315, một cuộc bách hại bùng ra dưới triều đại vua Luciniô. Đức giám mục giúp đỡ các vị tử đạo. Rồi để trốn thoát các kẻ thù địch, Ngài ẩn mình ở hang núi Agêa, là nơi Ngài sống bằng rễ cây và nước lã. Thú rừng thân tình bao quanh Ngài và Ngài chữa lành cho những con bệnh tật. Mỗi ngày một đông dân chúng tuốn đến với Ngài. Nếu thấy Ngài đang cầu nguyện chúng lặng lẽ không ngăn trở và đợi cho đến khi Ngài cầu nguyện xong. Khi đó Thánh nhân quay lại với đoàn vật và chúc lành cho chúng và đoàn vật mãn nguyện trở lại sa mạc.

Agricôla, quan cai trị Cappadecia tìm thú rừng sống trong các khu rừng gần Sêbasta, để xé các Kitô hữu. Đoàn người đi săn ngạc nhiên khi thấy cả bầy sói, gấu, sư tử trong một cái hang vây quanh một người, đang cầu nguyện. Họ vội về báo tin cho Agricôla và ông này đã truyền bắt vị tu rừng này. Thấy binh sĩ của nhà vua. Blasiô bình thản nói:

- Tôi đã sẵn sàng. Đêm qua Chúa hiện ra và nói với tôi, là Ngài ưng nhận lễ hy sinh của tôi.

Trên đường Ngài đi qua, dân chúng tuốn đến, trong số ấy có cả các lương dân. Họ khóc lóc xin người chúc lành. Một người mẹ đặt đứa trẻ đang hấp hối dưới chân Blasiô và nhìn trời bà la:

- Lạy Chúa nhân từ, xin đừng bỏ qua lời cầu của tôi tớ Ngài. Xin hãy trả lại sức khỏe cho tạo vật bé bỏng của Ngài.

Blasiô cúi xuống đứa trẻ hấp hối, cầu nguyện. Trời cao đã nghe Ngài, và người mẹ hân hoan đón nhận lại đứa con tràn đầy sức sống.

Khi đức Giám mục xuất hiện, Agricôla đưa nhiều hứa hẹn lẫn lời đe dọa. Nhưng điều này đã luống công. Thánh nhân nói:

- Tôi không sợ các cực hình Ngài đe dọa vì thân xác tôi nằm trong tay Ngài, nhưng linh hồn tôi thì không.

Ngài đã bị đánh đập tàn nhẫn và bị tống ngục. Các Kitô hữu tới thăm, Ngài an ủi khích lệ và chữa lành cho họ. Ngài đã giải cứu cho một đứa trẻ gần ngộp thở vì mắc xương cá. Vì kỷ niệm này và cũng vì lời cầu nguyện sau cùng khi đưa cổ cho lý hình, thánh Blasiô được kêu cầu cách đặc biệt để xin Ngài chữa lành các bệnh nhân đau cổ họng.

Những tường thuật về các phép lạ đi kèm với cái chết của Ngài thành gia sản truyền tụng rất được các giáo phụ ưa thích. Sau mỗi cuộc tra xét với một cực hình mới lại có một phép lạ đánh dấu cuộc trở lại ngay trong phòng giam của Ngài. Phép lạ lừng danh nhất là phép lạ về ngẫu tượng. Các Kitô hữu đến săn sóc những vết thương cho Ngài, đã ném xuống hồ các thần tượng của nhà cầm quyền. Họ bị tố giác và chịu tử dạo. Blasiô cũng bị kết án dìm vào hồ này, nhưng Ngài làm dấu thánh giá và đi trên mặt nước, rồi Ngài mời các quan tòa đi theo để minh chứng uy quyền các thần linh họ thờ. Những người nhận lời bị chết chìm ngay. Vị tử đạo vừa mới cho thấy vinh quang Thiên Chúa, liền được một thiên thần mời trở lại bờ hồ để chịu cực hình, Ngài vâng lời ngay. Agricôla bối rối liền truyền chém đầu Ngài. Blasiô trước khi chết, đã nài xin Chúa tỏ lòng nhân từ với những ai nhờ lời Ngài bầu cử mà xin cứu giúp.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Mỗi lần rước Chúa là một lần chúng con được đụng chạm đến Thánh Thể Chúa. Xin cho chúng con đủ đức tin để ơn lành của Chúa được ban đến cho chúng con, như những người Do Thái năm xưa, họ mong muốn được chạm vào thân thể Chúa để được chữa lành. Xin giúp chúng con biết siêng năng chạy đến cùng Chúa nơi bí tích Thánh Thể để lãnh nhận nguồn suối tình yêu của Chúa.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, cuộc sống vốn là một phép lạ. Từng hơi thở của con người là một phép lạ. Từng mần sống triển nở trên trần gian là một phép lạ. Phép lạ biểu lộ tình yêu của Chúa dành cho con người chúng con. Xin Chúa hãy chúc lành cho cuộc sống chúng con. Xin Chúa ban niềm vui và bình an cho mỗi người chúng con. Xin Chúa hãy gìn giữ linh hồn và thân xác chúng con trong tình thương của Chúa. Chúng con xin phó dâng cuộc sống làm người cho Chúa.

Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm tạ Chúa, vì nhờ Chúa mà chúng con nhận ra gương mặt mới của Thiên Chúa: một vì Thiên Chúa giầu lòng xót thương. Một vì Thiên Chúa yêu thương hết mọi loài. Xin dạy chúng con biết sống sao cho xứng với tình yêu cao sâu của Chúa. Xin giúp chúng con biết dùng tài trì Chúa ban để ca khen tình thương Chúa cho nhân trần.Amen.

THỨ TƯ TUẦN 4 TN

KHÁM PHÁ NGỌC TRONG ĐÁ


Đức Giê-su chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. (Mc 6,5-6)

Suy niệm: Vậy là cuộc ra mắt của Đức Giê-su với người đồng hương Na-da-rét thất bại nặng nề. Lý do thật dễ nhận thấy: lòng thành kiến. Ca dao Việt Nam nhận định: “Gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành bế Bụt đi chơi”. Có thể nói rằng bất cứ ai thành tâm thiện chí đến gặp Đức Giê-su, đều được ơn hoán cải: xấu nên tốt (ông Gia-kêu, người phụ nữ Sa-ma-ri…), tốt nên tốt hơn (các tông đồ, ông Ni-cô-đê-mô…), trừ những kẻ cứng lòng tin như dân làng Na-da-rét. Họ đánh mất cơ hội ngàn vàng ‘đổi đời’ chỉ vì họ chỉ biết nhìn đến quá khứ 30 năm Ngài chung sống ở giữa họ: một bác thợ mộc, một anh láng giềng, người con trong một gia đình tầm thường. Đôi mắt họ bị lớp vỏ quen thuộc che khuất, trí óc họ bị bao phủ bởi sương mù thành kiến, và họ đã hụt mất một cơ may.

Mời Bạn: Nhớ đến câu ngạn ngữ Anh: “Sự quen thuộc sinh ra lòng khinh thường”. Các bí tích, nghi thức trong đời sống đạo, vợ chồng, bạn hữu, họ hàng, hội viên đoàn thể… trong đời thường, có thể quá quen thuộc với bạn, khiến bạn coi thường, và vì thế, nhiều khi bạn không nhận ra đúng giá trị của những điều, những con người quen thuộc ấy.

Sống Lời Chúa: Tập nhận ra một khía cạnh tích cực, một đức tính nổi bật của những người sống quanh mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, tựa như dân làng Na-da-rét, cũng có lúc chúng con không tin Chúa hiện diện dưới hình bánh mong manh, nơi một linh mục yếu đuối, trong một Hội Thánh có nhiều bất toàn. Xin thêm đức tin cho chúng con. Amen (Rabbouni).

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa yêu thương chúng con nên Chúa đã nhập thể cứu đời. Chúa hòa mình giữa dòng đời như bao phận người. Chúa trở nên một con người giống như chúng con ngoại trừ tội lỗi. Chúng con cám ơn Chúa đã mặc lấy thân phận con người để nâng chúng con lên làm con Thiên Chúa. Xin Chúa giúp chúng con biết gìn giữ phẩm giá làm con cái Thiên Chúa qua đời sống thánh thiện của mình.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, thói đời thường “gần chùa gọi Bụt bằng anh”. Con người thường đánh giá nhau theo định kiến có sẵn trong đầu. Đôi khi còn bị ác cảm, yên trí về địa vị, gia tộc và quá khứ của một người, khiến chúng con đánh giá sai lệch và nông cạn về nhau. Thực tế là vậy, khi chúng con đã không có cái nhìn khách quan sẽ dẫn đến những nhận định bất công và thiếu trung thực. Vì “Yêu ai thì nói quá ưa – Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Xin giúp chúng con biết nhìn nhận nhau là anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đối xử với nhau như đối xử với chính Chúa đã mang lấy thân phận con người. Xin cho chúng con luôn tôn trọng lẫn nhau và đối xử công bằng với nhau. Xin loại trừ nơi chúng con những cái nhìn thiển cận, nông cạn và thiếu bác ái với nhau.

Lạy Chúa, Chúa đã yêu thương và yêu thương cho đến cùng. Cho dù có bị xem thường, phản bội hay loại trừ. Xin giúp chúng con biết theo Chúa trên con đường phục vụ, cho dù có bị khinh khi giữa những người mà chúng con đang phục vụ. Amen.

THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN: Th. A-ga-ta, trinh nữ, tử đạo

Thánh Agata, trinh nữ, tử vì đạo

Thánh Agata sinh tại Sicilia trong một gia đình danh giá. Các chị em của người là Anê, Lucia và Cêcilia đã đổ máu ra minh chứng Chúa Kitô dưới thời bạo vương Ðêciô, năm 251.

Tương truyền rằng từ thuở bé, Agata đã hứa giữ mình đồng trinh. Nhưng quan trấn ở Sicilia là Quintianô ngỏ ý xin cưới thánh nữ. Bị từ khước, ông tức giận bắt giam thánh nữ, lấy cớ ngài là người Công Giáo. Người ta đã hành hạ, khinh khi làm nhục ngài. Ðể trả thù, bạo quan hạ lệnh nướng ngài trên giường sắt. Sau đó, người ta lại tống giam thánh nữ. Lạ thay, trong đêm đó, thánh Phêrô đã hiện ra và chữa lành cho ngài. Dù bị quan trấn Quintianô nhiều lần dụ dỗ, ngài vẫn một lòng trung kiên với đạo Chúa. Dù đau đớn lăn lộn trên than hồng và mảnh chai nhọn, ngài vẫn tin cậy vào Chúa, Ðấng sẽ cứu linh hồn ngài. Chính cử chỉ của thánh nữ khiến cả thành phố náo động, Quintianô sợ dân nổi loạn nên truyền giam thánh nữ trong ngục. Ngài đã chết rũ tù ngày 05-12-251. Thánh nữ đã làm nhiều phép lạ như che chở thành Catana khỏi hiểm họa núi lửa Etna. Ngay từ thời đó, người ta đã cầu khẩn và cậy trông vào sự cầu bầu của thánh nữ. Giáo Hội mừng kính ngài vào ngày 05/02 mỗi năm.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là tình yêu và là con đường dẫn đến nguồn suối tình yêu. Chúa đã dành trọn cuộc đời để yêu thương và phục vụ tha nhân. Chúa đã vì yêu thương chúng con nên mang lấy thân phận con người, để cảm thông và chia sẻ với phận người chúng con. Chúng con xin cảm tạ Chúa. Xin Chúa giúp chúng con sống một đời với trọn ý nghĩa là trở nên hữu ích cho tha nhân.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin thắp sáng lên trong lòng chúng con ngọn lửa tình yêu của Chúa, để chúng con biết đem Tin mừng tình yêu Chúa đến cho những người chúng con gặp gỡ, cho môi trường chúng con đang sống. Xin cho chúng con biết ra đi với một tình yêu đầy lòng quảng đại để có thể cảm thông với nỗi khốn cùng của anh em. Một tình yêu bao dung để đón nhận mọi người trong tha thứ khiêm cung. Một tình yêu vô vị lợi để dám quên mình phục vụ anh em. Xin cho mỗi bước chân chúng con đi luôn để lại dấu tích của yêu thương mà không mong đền đáp. Xin cho cuộc đời chúng con luôn thanh thoát để đến với nhau trong tình nghĩa chân thành.

Lạy Chúa, Chúa hằng mong muốn quy tụ mọi người thành một đoàn dân duy nhất để tôn thờ Chúa. Xin cho chúng con luôn là những sợi chỉ để liên kết mọi người nên một với nhau trong tình nghĩa anh em một nhà. Xin Chúa chúc lành cho những ước nguyện chân thành của chúng con. Amen.

THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN: Th. Phaolô Mi-ki và các bạn tử đạo

Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo (qua đời năm 1597)

Thành phố Nagasaki, Nhật Bản, quen với người Mỹ vì đó là thành phố bị thả trái bom nguyên tử thứ hai, có hằng trăm ngàn người tử vong. Có 26 vị tử đạo của Nhật bị đóng đinh trên một ngọn đồi, ngày nay gọi là Núi Thánh, nhìn ra thành phố Nagasaki. Trong số các vị tử đạo có các linh mục, các tu sĩ Dòng Phanxicô, các tu sĩ Dòng Tên, các giáo dân, các giáo lý viên, các bác sĩ, cả người già lẫn trẻ em vô tội. Tất cả hiệp thông trong một niềm tin yêu vì Chúa Giêsu và Giáo hội Công giáo.

Thánh Phaolô Miki, tu sĩ Dòng Tên và dân bản xứ, được biết đến nhiều nhất trong số các vị tử đạo của Nhật Bản. Khi bị treo trên thập giá, Thánh Phaolô Miki nói với những người tụ họp quanh đó về việc thi hành án tử: “Lời kết án nói những người này từ Philippine đến Nhật, nhưng tôi không từ nước khác đến. Tôi là người Nhật đích thực. Lý do duy nhất tôi bị án tử là tôi đã dạy giáo lý của Đức Kitô. Chắc chắn tôi đã dạy giáo lý của Ngài. Tôi tạ ơn Chúa vì lý do đó mà tôi phải chết. Tôi tin tôi đang nói thật trước khi tôi chết. Tôi biết quý vị tin tôi, tôi muốn nói lại rằng hãy xin Đức Kitô giúp quý vị vượt qua và được hạnh phúc. Tôi vâng lời Đức Kitô. Noi gương Ngài, tôi tha thứ cho những người xử tử tôi. Tôi không ghét họ. Tôi cầu xin Chúa thương xót họ, và tôi hy vọng máu của tôi sẽ đổ trên các bạn của tôi như mưa nguồn sinh hoa kết trái”.

Khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản hồi thập niên 1860, họ không còn thấy dấu vết gì về Kitô giáo. Nhưng sau khi lập giáo đoàn, họ thấy có hằng ngàn tín hữu sống khắp Nagasaki vẫn âm thầm giữ đức tin. Thánh Phaolô Miki và các vị tử đạo được tôn phong chân phước năm 1627, rồi được tôn phong hiển thánh năm 1862.

Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại câu chuyện Gioan Tẩy giả bị trảm quyết.

Trong câu chuyện này chúng ta thấy có ba loại nhân vật: Gioan Tẩy Giả, tượng trưng cho lớp người công chính. Hêrôđê tượng trưng cho những con người yếu đuối và Hêrôđia, tượng trưng cho những người sống theo sự dữ.

1/ Gioan Tẩy Giả tượng trưng cho những người công chính

Vâng! Đúng như thế. Ông là hình ảnh của lớp người công chính. Người công chính là người luôn thi hành ý Chúa, bất chấp mọi khó khăn. Ông đã thi hành trách nhiệm của một vị ngôn sứ một cách can đảm, không sợ vua chúa quan quyền. Và cũng như các ngôn sứ trong Cựu ước, Gioan đã bị bắt bớ vì Lời Chúa và đã bị lên án tử. Ông là người được Chúa Giêsu khen ngợi là người cao trọng nhất trong các con cái loài người do người nữ sinh ra, nhưng ông lại chết cách nhục nhã, về tay một người phụ nữ lăng loàn. Cũng như bao người công chính khác, ông là hình ảnh của Đức Kitô, Đấng Công Chính sẽ bị bắt bớ và cuối cùng bị chết nhục nhã trên Thánh Giá.

Muốn theo Chúa hôm nay tôi cũng không có con đường nào khác. Và càng chịu khổ, chịu bắt bớ thì tôi lại càng phải vui mừng vì được nên giống Chúa Kitô hơn.

Xin gửi đến anh chị em một bài thơ. Bài thơ nhỏ nhưng rất hay:

Nếu Đức Kitô là người

Và chỉ là một con người,

Tôi sẽ trung thành với Ngài

Và sẽ trung thành luôn mãi

Nhưng nếu Đức Kitô là người

Và là Chúa Trời duy nhất,

Tôi sẽ bước đi theo Ngài

Đến tận chân trời góc biển.

2/ Hêrôđê tượng trưng cho những người yếu đuối

Ông là hình ảnh của những con người yếu đuối, hướng chiều theo tội lỗi. Sở dĩ ông tống ngục ông Gioan Tẩy Giả là cũng vì nghe lời Hêrôđia xúi giục, chứ riêng ông thì ông kính sợ Gioan Tẩy Giả vì biết Gioan là người công chính thánh thiện. Máccô viết: “Ông che chở người. Khi nghe ông nói, nhà vua rất phân vân nhưng lại thích nghe”. Hêrôđê đúng là mẫu người yếu đuối, buông theo sự dễ dãi đến khi muốn trở lại thì đã quá trễ, không thể làm lại được nữa.

Một chú vịt trời theo đàn bay về phương Bắc. Một buổi chiều khi đáp xuống một nông trại, chú vịt trời thấy đàn vịt nhà đang ăn bắp, liền nhảy lên để được ăn. Bữa ăn ngon làm nó không muốn bay theo đàn nữa, nó tự nhủ: để mai mốt mình bay theo cũng không muộn.

Nhưng rồi ngày qua ngày nó vẫn ở với đàn vịt nhà để được nuôi ăn. Mùa thu đến, đàn vịt trời bay từ hướng Bắc xuống hướng Nam: các bạn cũ kêu nó trở về khi bay qua nông trại. Chú vịt trời ráng sức đập cánh bay lên, nhưng đôi cánh bây giờ quá yếu, nó chỉ bay được lên nóc nhà rồi lại rơi xuống đất. Đời sống dễ dãi ở đây đã làm nó không thể bay được như xưa. Nó đành đứng nhìn đàn vịt trời bay xa dần.

Từ đó mỗi mùa xuân và mùa thu, chú vịt trời đều thấy các bạn cũ bay qua hướng Bắc rồi trở về hướng Nam.

Mới đầu nó còn thèm thuồng số phận đó, nhưng dần dần ước vọng mờ tan, nó yên lòng sống dưới đất với đàn vịt nhà trong trang trại!

3/ Hêrôđia tượng trưng những người sống theo sự dữ.

Bà là mẫu người sống theo sự dữ. Đã phạm tội loạn luân, lấy em chồng của mình thì chớ, lại còn “căm thù ông Gioan và muốn giết ông”. Và như chúng ta biết, dịp may đã đến để bà đạt được mục tiêu gian ác của mình. Bà đã giết Gioan, người đã dám chỉ trích tội lỗi của bà.

Người gian ác là người không biết đến hai tiếng lương thiện. Lối sống lương thiện của người công chính như luôn tố cáo họ, nên họ căm thù và muốn tiêu diệt cho bằng được. Họ trở thành nô lệ cho sự gian ác.

Thế nhưng, thử hỏi cuộc sống như vậy có hạnh phúc không thì không ai dám trả lời là có.

Đây là cuộc đối thoại của hai đứa trẻ

Em bé A hỏi: Sao ba tao chỉ có một vợ mà ông kia lại có hai vợ?

Em bé B nói: Là tại vì ông ta thích lấy nhiều vợ.

Em bé A lại hỏi: Vậy thì ông ta không sợ Chúa phạt sao ?

Em bé B nói: “Thì Chúa phạt rồi đó, hai bà vợ ngày nào cũng chửi nhau, con cái của họ thì đi bụi, còn ông thì ngày nào cũng ra quán uống rượu đến say mèm…”

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Chúa đã bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Chúa đã phải vác Thập Giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Chúa đã bị lột áo và bị đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Chúa đã chịu dang tay chết trên Thập Giá,

xin cho đất được nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

Với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa đã đến trần gian để làm chứng cho sự thật. Chúa biết rằng sự thật sẽ giải thoát chúng con khỏi cái chết muôn đời. Chúa cho chúng con biết sự thật của chúng con là con cái của Chúa. Chúa tạo dựng chúng con để được sống hạnh phúc đời đời bên Chúa. Xin cho chúng con biết đón nhận sự thật với niềm tin sắt son. Xin giúp chúng con biết sống theo chân lý vẹn toàn là sống đúng với phẩm giá làm người và làm con cái Chúa.

Nhưng Chúa ơi, đã bao lần chúng con đã không sống với lương tri con người. Chúng con sống quanh co, giả dối. Chúng con sống thiếu công bình, bác ái. Chúng con còn chưa dám sống với những điều mình tin. Chúng con còn sợ hy sinh, ngại gian khó khi phải sống theo lời Chúa. Xin Chúa tha thứ cho chúng con. Xin giúp chúng con luôn can đảm sống điều mình tin, cho dù phải trả giá bằng cả mạng sống như thánh Gioan năm xưa. Xin giúp chúng con dám sống chân thật và dám làm chứng cho sự thật. Xin ban ơn can đảm để chúng con biết sống theo lương tâm soi sáng, biết tránh xa sự xấu, và biết gìn giữ vẻ đẹp của linh hồn chúng con là hình ảnh của Chúa luôn trong trắng, tinh tuyền.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng chân thật. Xin giúp chúng con luôn can đảm làm chứng cho sự thật. Xin cho chúng con lòng trung thành tuyệt đối để có thể nói như thánh Phao-lô: “không có gì có thể tách tôi ra khỏi lòng yêu mến Chúa trong Chúa Giê-su Ky-tô”. Amen.

THỨ BẢY TUẦN 4 TN

VỀ LẠI BÊN CHÚA


Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. (Mc 6,30)

Suy niệm: Cơ thể con người cần theo một nhịp điệu cố định: lao động miệt mài rồi nghỉ ngơi, thư giãn. Mải mê làm việc mà không nghỉ ngơi sẽ sớm bị kiệt sức: đã có những người Nhật gục chết trên bàn giấy vì làm việc quá độ. Trái lại, chỉ biết thư giãn, rong chơi mà không làm việc sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, đời mình trở nên vô nghĩa. Trong đời sống thiêng liêng, người môn đệ Chúa Ki-tô cũng có một nhịp điệu nền tảng: ở với Chúa và được sai đi, rồi về lại bên Chúa và nghỉ ngơi. Nhịp điệu ấy được chính Thầy Giêsu truyền lại cho các môn đệ khi các ông qui tụ quanh Ngài để tường trình chuyến thực tập truyền giáo thành công. Đó cũng là một nhịp điệu theo vòng tròn đồng tâm, vì trung tâm và động lực của mọi sinh hoạt đời sống Ki-tô hữu là Đức Ki-tô.

Mời Bạn: Dầu bạn là ai, đang ở trong bậc sống nào, về lại bên Chúa là nhịp điệu cần thiết để duyệt xét lại đời sống, quy chiếu mọi hoạt động đời mình về Chúa, cả những thành công và thất bại, để có định hướng mới tốt hơn và hiệu quả hơn trong việc phụng thờ Chúa. Về lại bên Chúa cũng là lúc bạn được Chúa cho nghỉ ngơi, bồi dưỡng tâm hồn bằng ân sủng của Ngài.

Sống Lời Chúa: Cuối một ngày, cuối một tháng, ngày cuối năm là cơ hội thuận tiện tôi dành ít thời gian nhìn lại, lượng giá hoạt động của mình và rút kinh nghiệm cho thời gian sắp đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tìm về lại bên Chúa những lúc vui hay buồn, thành công hay thất bại, và kín múc từ nơi Chúa nguồn sức mạnh giúp con bước tiếp hành trình sứ mạng.


www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :