www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN BÁT NHẬT SAU LỄ GIÁNG SINH

28 THÁNG 12
CÁC THÁNH ANH HÀI

Mt 2,13-18
“Ở Rama, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ:
tiếng bà Rakhen khóc thương con mình.”
(Mt 2,18)1. Lịch sử cho chúng ta biết rằng, Hêrôđê là một bậc thày trong nghệ thuật ám sát. Vừa lên ngôi ông đã thủ tiêu các thành viên trong Tòa Án Tối Cao của người Do Thái. Sau đó ông tàn sát các nhân viên trong tòa án mà không cần suy tính trước. Về sau ông lại giết vợ là Mariamne và mẹ nàng là Alexandra. Ông giết luôn con trưởng là Antipater, hai con trai thứ là Alexandre và Aristobolus. Ông cũng đã sắp đặt trước để khi ông lâm chung thì cuộc tàn sát các nhân sĩ tại thành Jêrusalem sẽ được thực hiện. Vì thế Hêrôđê không thể nào lặng lẽ chấp nhận một ấu vương nào đó mới ra đời.

Ông đã cẩn thận tra hỏi các nhà thông thái về thời điểm ngôi sao xuất hiện và đã quỉ quyệt suy tính tuổi của Hài Nhi thánh để trù tính biện pháp sát nhân và bây giờ ông mau chóng thi hành kế hoạch man rợ của mình. Ông truyền lệnh giết tất cả bé trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bêlem và các vùng phụ cận.

Có điểm cần lưu ý, Bêlem không phải là một thành phố lớn và số bé trai dưới hai tuổi không quá 20-30 hài nhi. Chúng ta không nên nghĩ đến con số hàng trăm em. Thế nhưng việc này cũng không khiến tội ác của Hêrôđê kém phần khủng khiếp.

2. Trong thư gởi các thiếu nhi thế giới ngày 3/12/1994

Đức Gioan Phaolô II viết: “Những ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là những ngày lễ.” Vâng! Ngay từ những ngày đầu sau khi sinh hạ, Hài nhi Giêsu đã phải đương đầu với một đe dọa trầm trọng: bạo vương Hêrôđê ra lệnh tàn sát các trẻ thơ dưới hai tuổi, và vì lý do này Chúa Giêsu bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập...”

Như vậy chúng ta thấy mầu nhiệm giáng sinh đã được gắn liền với mầu nhiệm tử nạn ngay từ lúc Chúa Giêsu mới chỉ là một hài nhi.

3. Chính từ biến cố này mà chúng ta hiểu được một phần nào về vấn đề đau khổ, đau khổ của những kẻ vô tội, đặc biệt là đau khổ của những trẻ thơ. Việc các thánh Anh Hài chịu chết hé mở cho chúng ta thấy một phần nào giá trị của những cái chết. Cái chết của các thánh anh hài đã góp phần vào việc thực hiện kế hoạch Thiên Chúa cứu độ muôn người.

Người ta kể rằng: Một hôm Đức Ala gọi một thiên sứ đến và truyền lệnh: “Ngươi hãy xuống trần gian và đưa về đây cho Ta người đàn bà góa có 4 đứa con thơ”.Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con còn non dại, rồi trở lại với Đức Ala và tha thiết nài xin Người rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ khỏi những đứa con thơ ấy? Nhưng lời van xin của sứ thần chẳng đánh động được Đức Ala. Cuối cùng, sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.

Hoàn thành công tác xong, nhưng xem chừng vị thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và con? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, thì sứ thần hết sức ngạc nhiên, vì từ trong tảng đá đó có một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên:

- Ôi lạy Đấng Tối Cao, mầu nhiệm thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài. (Trích “Món quà giáng sinh”)

4. Vâng sẽ thật là khó hiểu khi chúng ta thấy các em bé vô tội Bêlem phải chết cách oan ức như thế! Phải chờ cho đến ngày chiến thắng Phục Sinh, chúng ta mới có thể hiểu được giá trị những cái chết của các em bé sơ sinh nầy: chết vì Chúa thì sẽ được sống với Người.

Phải, nếu không có biến cố Phục Sinh thì cái chết của các em bé Bêlem hôm nay, cũng như cuộc sống đầy đau khổ của chúng ta thật phi lý, vô nghĩa. Và cuộc đời Chúa Giêsu chỉ là một thất bại đắng cay mà thôi.

Như vậy từ cuộc tử đạo của Các Thánh Anh Hài, chúng ta có thể rút ra được một bài học quí giá này: trong đức tin, những đắng cay và đau khổ luôn có giá trị của nó.

Nếu cái chết của Các Thánh Anh Hài xem ra khó hiểu, thì cuộc đời của chúng ta cũng có những cái khó hiểu: sao Chúa lại chọn một người như tôi nhỉ?

Chúa lại thương một người như tôi? Chỉ có tình thương của Chúa mới biết được điều đó.

Lạy Chúa, thế giới con đang sống còn đầy những thảm họa do con người đã lạm dụng tự do của mình. Xin cho con biết sử dụng tự do để làm vinh danh Chúa và mang lại niềm vui hạnh phúc cho mọi người.

NGÀY V TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Lc 2,22-35

"Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài." (Lc 31-32)

1. Qua câu chuyện trên đây chúng ta thấy muốn gặp Chúa thì người ta phải có điều kiện nào. Phải nói điều kiện đầu tiên là phải có lòng khao khát.

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo, có một câu chuyện sau đây:

Một đệ tử đến thưa vị linh sư của mình:

- Thưa thầy, con muốn gặp Chúa.

Vị linh sư chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng.

Ngày hôm sau người môn sinh trở lại và bày tỏ cùng một ước muốn. Vị linh sư cũng chỉ mỉm cười và tiếp tục giữ thinh lặng.

Rồi một ngày đẹp trời, ông dẫn người đệ tử đến dòng sông. Thầy trò cùng dầm xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát. Bất thần vị linh sư túm lấy cổ anh và dìm xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy để ngóc đầu lên khỏi mặt nước.

Bấy giờ vị linh sư mới hỏi anh:

- Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?

Không chút suy nghĩ, người đệ tử đáp ngay:

- Thưa, con cần không khí để thở.

Lúc bấy giờ vị linh sư mới giải thích:

- Con có cảm thấy ước ao được gặp Chúa như vậy không? Nếu con khao khát Chúa như vậy con sẽ gặp được Ngài tức khắc. Ngược lại, nếu con không có ước muốn ấy, thì cho dù có vận dụng hết cả tài năng và sức lực, con cũng sẽ chẳng bao giờ gặp được Ngài.

Cả cuộc đời cụ Simêon chỉ mong ước khao khát có một điều: Được gặp Chúa. Đây là một khát vọng rất lớn và hôm nay thì cụ đã được mãn nguyện. Chúng ta thấy cụ sung sướng đến mức độ như thế nào! Sung sướng đến mức độ không còn tha thiết gì với cuộc sống trên đời nữa. Lý do, bởi vì cụ đã được thấy Đấng Cứu Thế và biết rằng, thời đại Cứu Thế đã khai mở.

"Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân :
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel dân Ngài." (Lc 2,29-32)

2. “Ông Simêon nói với bà Maria: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng” (Lc 2,34).

Như vậy theo lời tiên tri của cụ già Simêon, thì Đức Giêsu sẽ là một dấu gây chia rẽ: kẻ thì theo, người thì chống đối; kẻ theo thì đứng lên, người chống thì té ngã. Cụ đã nói rất đúng. Ngay trong chính bản thân tôi, có khi tôi theo Chúa nhưng cũng có khi tôi không muốn theo Ngài. Lý do rất dễ hiểu bởi vì không phải lúc nào Chúa cũng làm thỏa mãn mọi ước nguyện của tôi. Nhưng kinh nghiệm dạy cho tôi rằng: Khi biết đi theo Chúa tôi sẽ vững bước trên đường đời. Ngược lại, khi không cùng đi với Chúa, cuộc đời tôi sẽ bơ vơ và rất dễ vấp ngã.

Đây là một bằng chứng:

Roy Cam Parisella, bị bại liệt phải ngồi xe lăn. Hằng ngày cô vẫn phải đến Trung Tâm Vật Lý Trị Liệu vốn là một cơ sở tôn giáo để được chăm sóc. Lần nào cô cũng thấy có một số người thường dừng lại trước một tấm bảng đồng được gắn ở tường ngay trong phòng tiếp nhận bệnh nhân. Một buổi chiều kia, cô cũng dừng xe lăn, tò mò nhìn lên và thấy cả một bài cầu nguyện được khắc ở trên tấm bảng đó. Cô đọc một cách hết sức chậm rãi. Bỗng cô cảm thấy một niềm phấn khởi trào dâng lên từ tận đáy tâm hồn bấy lâu nay đã tuyệt vọng vì âu sầu tủi nhục của cô.

Đây là lời cầu nguyện ấy:

Lạy Chúa,

Con cầu xin ơn Mạnh Mẽ để thành đạt trong cuộc đời,

thì Chúa lại làm cho con ra yếu ớt để biết vâng lời khiêm hạ,

Con cầu xin có sức khỏe để mong thực hiện những công trình lớn lao,

thì Chúa lại bắt con chịu tàn tật và chỉ làm được những việc tốt lành nho nhỏ.

Con cầu xin được giàu sang để sống một cuộc đời sung sướng thoải mái,

thì Chúa lại bắt con nghèo nàn để học biết thế nào là khôn ngoan.

Con cầu xin được có uy quyền để mọi người phải kính nể ca ngợi con,

thì Chúa lại cho con sự thấp hèn để con biết cần đến Chúa.

Con cầu xin cho có được tất cả để tận hưởng cuộc đời,

thì Chúa lại cho con cả một cuộc đời để được hưởng mọi sự.

Con xin gì cũng chẳng được theo ý con muốn.

Nếu chỉ dừng lại ở đây thì quả cuộc đời là một bế tắc,

nhưng Parisella đã biết nhìn xa hơn khi cô đọc thêm những lời cầu nguyện ở cuối bài. Những lời đó như thế này:

Nhưng những điều con đáng phải mơ ước

mà con không hề biết thốt lên lời cầu xin;

thì Chúa lại đã ban cho con thật dư đầy từ lâu.

Lạy Chúa,

Hóa ra, con lại là người có phúc hơn hết trên đời này.

Bởi con đã nhận được ơn phúc Chúa vô vàn.

(PARADOXES OF PRAYERS)

NGÀY VI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Lc 2,36-40

"Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh,
đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa."
(Lc 2,40)

1. Bà Anna đã đến tuổi “tri thiên mệnh” nên bà biết phải theo đuổi những gì cần thiết cho cuộc sống của mình. Đó là việc cầu nguyện, tu thân tích đức và mong chờ ơn cứu độ. Đây quả là một thái độ rất khôn ngoan trước mặt Chúa.

Người ta kể lại rằng, có một chàng thanh niên đến xin thọ giáo với một vị sư tổ chuyên về ngọc thạch. Sau khi chấp nhận anh ta làm môn sinh, vị sư tổ đã trao cho anh ta một viên ngọc thạch quí giá, và bảo anh hãy nắm chặt lấy nó ở trong tay. Sau đó thay vì những giáo huấn về nghề nghiệp, ông lại thao thao bất tuyệt nói với người đệ tử của ông về triết lý nhân sinh, về thiên văn địa lý. Ông nói cả hơn một giờ đồng hồ như thế rồi ông bảo người môn đệ trả lại cho ông viên ngọc thạch đó rồi cho chàng về nhà.

Hôm sau, chàng thanh niên đó lại trở lại, và cái cảnh hôm trước lại tái diễn. Thế rồi ngày này qua ngày khác, tháng nọ qua tháng kia, không có một điều gì khác lạ cả.

Bỗng một hôm vị sư tổ bảo chàng thanh niên đó nhắm mắt lại, rồi thay vì một viên ngọc như mọi khi, ông trao lại cho chàng một viên đá và cũng bảo chàng nắm tay lại.

Vừa nắm bàn tay lại chàng thanh niên nói:

- Thưa Thầy, đây không phải là viên bảo ngọc.

Vị sư tổ về ngọc thạch reo lên:

- Khá lắm, khá lắm, thế là con đã thành tài rồi đó.

Vâng! Chúng ta vừa mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Sinh làm người, lấy tên là Giêsu.

Qua biến cố Giáng Sinh, Thiên Chúa đã trao cho nhân loại một viên ngọc vô cùng quí giá, là Chúa Giêsu, để nhờ đó mà nhân loại được sống.

Thế nhưng thử hỏi có được bao nhiêu người trong nhân loại đã giơ tay ra để đón nhận lấy viên ngọc quí đó. Thánh Sử Gioan, trong bài tiền ngôn Tin Mừng của Ngài, Ngài đã đau xót nói lên rằng: “Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Ngài" (Ga 1,10). Và còn hơn thế nữa: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người" (Ga 1,11).

Chính vì thế “Ngài đã đến, nhưng Ngài lại phải ra đi".

Tại sao nhân loại đã có thái độ thờ ơ như vậy?

Thưa chỉ vì nhân loại chưa nhận biết được giá trị của viên ngọc quí Giêsu. Chính vì thế mà nhiều người đã đi chọn cho mình những viên ngọc giả hiệu là danh vọng, lạc thú, giầu sang, chức quyền thay vì chọn viên ngọc thật, vô cùng quí giá là Chúa Giêsu.

2. Nhưng có một người trong loài người đã biết được giá trị của viên ngọc Giêsu và đã chọn viên ngọc đó. Đó là bà Anna mà Tin Mừng hôm nay nhắc đến.

Thánh sử Luca cho biết về bà rằng: “Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được 7 năm, rồi ở goá, cho đến nay đã 84 tuổi”.(Lc 2,36-37)

Trong Thánh Kinh, người góa bụa được đồng nghĩa với người nghèo. Như thế ở đây, bà Anna không những nghèo, mà lại còn già nữa, vì bà đã 84 tuổi.

Thế nhưng, con người khốn khổ đó đã sáng suốt và chọn lựa đúng. Thánh sử viết: “Bà không rời bỏ Đền thờ, những ăn chay, cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”.(Lc 2,37)

Thì ra bà đã biến đổi cuộc đời mà nhiều người có thể cho là vô tích sự, trở thành một của lễ hy sinh dâng lên cho Thiên Chúa. Lý do khiến cho bà: “không rời bỏ Đền thờ, những ăn chay cầu nguyện” chỉ là vì bà thấy được giá trị của việc chọn Chúa. Với bà, Chúa là một viên ngọc vô giá.

Và khi đã chiếm hữu được viên ngọc đó rồi, một niềm vui tràn ngập tâm hồn bà, khiến bà quên đi thân phận góa bụa, già nua, để chỉ nghĩ đến một việc là phụng thờ Chúa. Và khi cơ hội đến, bà đã không ngần ngại nói “về Hài Nhi cho những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Jêrusalem" (Ga 2,38).

Bà Anna mà Tin Mừng hôm nay nói đến phải trở thành một mẫu gương sống động cho chúng ta, đặc biệt là cho những người nghèo khổ, già nua bệnh tật.

Đừng bao giờ chúng ta nghĩ rằng, cuộc đời vô tích sự của chúng ta là vô giá trị trước mặt Thiên Chúa, mà chúng ta phải nghĩ rằng, chúng ta có thể làm cho nó trở nên vô giá trước mặt Chúa, nếu chúng ta biết chọn Chúa, nếu chúng ta biết biến nó thành một của lễ hy sinh, bằng một đời sống kết hợp với Chúa trong chay tịnh và cầu nguyện.

Đây chính là điều mà Thánh Gioan đã căn dặn chúng ta trong bài đọc I: "Các con đừng yêu mến thế gian và những điều thuộc về thế gian” (1Ga 12,17) mà phải yêu mến Thiên Chúa và những điều thuộc về Người.

Trong thánh lễ hôm nay chúng ta hãy cầu xin Chúa mọi người chúng ta biết dùng chính cuộc sống của mình, dù cuộc đời đó giầu hay nghèo, sung sướng hay khổ đau, trẻ trung hay già cả vv... làm của lễ dâng lên cho Thiên Chúa. Như thế là chúng ta đã chọn Chúa. Và nếu chúng ta đã chọn Chúa, thì Chúa cũng sẽ chọn chúng ta.

NGÀY VII TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Ga 1,1-18

"Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta." (Ga 1,14)

Có rất nhiều điều chúng ta có thể dùng làm để tài để suy niệm trong bài Tin Mừng hôm nay, nhưng trong giới hạn của một bài suy gẫm hằng ngày, tôi xin dừng lại hai ý: Ngôi Lời là sự sống và Ánh sáng.

1. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành. Điều được tạo thành nơi Người là sự sống. (Ga 1,3-4)

Sự sống là một mầu nhiệm. Sự sống bắt nguồn từ Thiên Chúa.

Trên trần nhà nguyện Sixtina trong nội thành Vatican, danh họa Michel Ange đã vẽ một bức tranh nổi tiếng về việc sáng tạo con người. Trong bức tranh này, người ta thấy Thiên Chúa từ trên một đám mây như cố gắng đưa ngón tay trỏ của Ngài về phía Adam. Và từ bên dưới, con người Adam như còn yếu đuối cũng cố gắng đưa bàn tay của mình hướng về phía Thiên Chúa: Chỉ một chút nữa là một ngón tay của Adam có thể chạm vào ngón tay Thiên Chúa. Bức tranh cố ý để một khoảng cách rất nhỏ giữa bàn tay sáng tạo của Thiên Chúa và ngón tay trỏ của con người Adam. Tất cả các du khách khi viếng thăm ngôi nhà nguyện này đều chú mục vào bức tranh và hầu như mọi người đều nhận ra rằng sự sáng tạo của Thiên Chúa sẽ xóa bỏ khoảng cách đó khi Thiên Chúa thổi hơi sự sống vào trong con người của Adam.

Vâng! Sự sống của con người là do Thiên Chúa ban cho. Vàkhi tạo dựng nên vũ trụ, Thiên Chúa đã nhắm đến sự sống, và khi tạo dựng sự sống, Thiên Chúa nhắm đến việc tạo dựng con người, một con người giống hình ảnh Thiên Chúa.

Khi phạm tội, con người đã đánh mất đi sự sống thần linh của mình, và Ngôi Lời lại xuống thế làm người, để những ai đến với Người tìm lại được sự sống ấy. Chính trong Ngôi Lời mà ta có sự sống, vì thế muốn có sự sống thì ta phải đến với Lời của Thiên Chúa, tiếp xúc với Lời Chúa. Lời Chúa đã làm cho kẻ bệnh tật được lành, kẻ chết sống lại, và chỉ có Lời Chúa mới làm cho ta có sự sống thật mà thôi.

Sau 300 Đạo Chúa bị cấm ở Nhật Bản và sau nhiều thập niênĐạo bị cấm ở Trung Quốc, các nhà truyền giáo đã hết sức ngạc nhiên trở lại các nơi này. Các ngàiđã tìm thấy một đức tin vẫn sống động nơi các Kitô hữu. Hỏi ra các ngài mới biết: Trong thời gian đạo Chúa bị cấm, vì thiếu các linh mục giảng Lời Chúa, các Kitô hữu đã dùng sách Tin Mừng để dạy cho con cháu họ. Chính Lời Chúa đã giúp họ duy trì được đức tin. Họ vẫn có được sự sống đức tin mạnh mẽ nhờ Lời của Chúa. Thậ là một điều kỳ diệu.

2. Sự sống là ánh sáng cho nhân loại.

Nếu sự sống của mọi loài trên mặt đấtphải cần đến ánh sáng mặt trời để tồn tại và phát triển thìLời Chúa cũng cần cho sự sống đức tin như thế.

Một câu chuyện nhỏ từ Internet: Một hôm, tôi và con trai cùng trồng đậu. Vì thời tiết nóng bức, lũ chuột hoành hành, nên tôi vùi hạt đậu sâu xuống đất. Vài ngày sau, tôi dắt con trai ra xem. Khi bới đất lên, tôi thấy rất nhiều hạt đậu đã nảy mầm, phía trên mỗi hạt đậu nhú lên hai chiếc lá non màu vàng. Những sinh mệnh yếu ớt đang lớn lên từng giây từng phút trong khoảng trống dưới đất. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ ngoi lên khỏi mặt đất.

Con trai ngạc nhiên hỏi tôi:

- Mẹ ơi, những mầm cây này cũng có mắt hay sao mẹ?

Tôi trả lời:

- Chúng không có mắt đâu con.

Vậy tại sao chúng lại biết vươn lên khỏi mặt đất mà không đâm xuống dưới.

- Bởi vì chúng muốn tìm kiếm ánh sáng. Không có ánh sáng chúng sẽ chết.

- Mẹ ơi, nếu không có ánh sáng, con người chúng ta có chết không?

Con trai tôi lại hỏi tôi.

- Chắc chắn là thế rồi, nhưng tôi không dám trả lời như thế mà chỉ nói với nó:

- Con yên tâm đi, không bao giờ thiếu ánh sáng đâu.

Vâng! Ánh sáng không hề thiếu và ánh sáng không thể thiếu. Vì nếu thiếu ánh sáng, mọi loài sẽ không thế tồn tại trên cõi đời này.

Mẹ Têrêsa bảo: "Chúa Giêsu đã đến như là ánh sáng của thế gian" Và mẹ còn viết rất hay như sau: "Với tôi, Chúa Giêsu là tất cả:

Chúa Giêsu là sức sống tôi muốn sống;

Ngài là ánh sáng tôi muốn chiếu tỏa;

Ngài là đường tôi đi về nhà Cha,

Là tình yêu tôi muốn tỏ tình,

Là niềm vui tôi muốn chia sẻ,

Là hạt giống an bình, tôi gieo rắc."

Xin được kết thúc bằng lời cầu nguyện của Đức Hồng Y Roger Etchegaray:

Lạy Chúa,

xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa

và dạy con bước đi ngay trong đêm tối

cũng như giữa ban ngày.

Xin truyền cho con sức mạnh của Người.

Ứớc gì những cánh tay rã rời

vì thất bại của con tìm lại được sức trẻ

để gieo trồng hàng ngàn cây xanh cho một thế giới mới.

Ước gì mồ hôi con pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.

Ước gì máu con hòa lẫn với Máu Chúa

trên Núi Sọ để tứơi gội cho mảnh đất

đã bị khô cằn vì bất công và ích kỷ.

NGÀY MỒNG 1 THÁNG GIÊNG
Đức Maria Là Mẹ Thiên Chúa.
Lc 2,16-21

"Họ liền hối hả ra đi. Đến nơi,
họ gặp bà Maria, ông Giuse,
cùng với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ."
(Lc 2,16)

Hôm nay, Giáo Hội mừng lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Đây là một trong những hồng ân mà Thiên Chúa dành cho Đức Maria, Mẹ của chúng ta.

1. Đây là việc của Thiên Chúa, là sáng kiến của Thiên Chúa chứ không phải do công nghiệp gì của Đức Mẹ,

- Ngay từ những trang đầu của sách Sáng Thế Ký: Thiên Chúa đã báo trước cho chúng ta thấy về hình ảnh của một người phụ nữ. "Ta sẽ gây một mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó."(St 3,15)

- Trong Isaia 7,10-14 Giavê lại nói với Akhar lần nữa rằng: "Hãy xin với Giavê, Thiên Chúa của ngươi một dấu, sâu nơi đáy thẳm âm phủ hay là cao vời vợi bên trên" - Nhưng Akhar nói:"Tôi đâu dám xin thế, Tôi không muốn thử sức Chúa tôi". Ngài mới nói: "Hỡi nhà Đavid, hãy nghe đây. Phải chăng làm mệt người ta, các ngươi còn cho là quá ít hay sao, mà các ngươi lại còn muốn làm mệt cả Thiên Chúa nữa? Cho nên chính Ta là Đức Chúa sẽ cho các ngươi một dấu: Này một cô nương sẽ thụ thai và sinh con và bà sẽ gọi tên Con là Emmanuel".

2. Tuy là sáng kiến của Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa lại muốn con người cộng tác với Người. Đức Maria đã được Thiên Chúa đoái thương đến.

Mẹ đã nói lên lời: "Xin Vâng" và từ lời "Xin vâng" đó, Ngôi Hai Thiên Chúa đã nhập thể làm người và trở thành con-của-loài-người (Deus – Homo).

Đức Mẹ Maria là mẹ của Chúa Giêsu Thiên Chúa làm người cho nên Đức Mẹ trở thành Mẹ của Thiên Chúa.

Rồi trên cây Thánh Giá Chúa đã trối Đức Mẹ cho Thánh Gioan để Đức Mẹ trở thành Mẹ của cả loài người.

Cuộc đời có mẹ hạnh phúc lắm.

Tình thương của mẹ lạ lùng lắm

Luca Durtain có viết nên một huyền thoại này:

Một ngày đẹp trời nọ trên dương gian

Sứ thần Grabriel ngồi nhìn xuống quả địa cầu....nét mặt ngài đang vui bỗng ngài chau mày lại. Ngài tự lẩm bẩm trong miệng:

- Thật là ghê tởm... Ghê tởm quá!

Vâng quả địa cầu đã trở nên ghê tởm, vì nó tràn ngập tội lỗi, chẳng khác gì thời ông Nôe.

Tên Grabriel có nghĩa là"cánh tay của Thiên Chúa". Ngài liền đến trước ngai vàng phủ phục trước tôn nhan Chúa và thưa:

- Lạy Chúa, xin cho phép con được mượn lưỡi gươm của đồng nghiệp Micae để gọt vỏ quả địa cầu đi, sâu chừng năm bảy dặm như người ta gọt vỏ một củ khoai. Như thế là có thể loại bỏ được hết mọi nhờm gớm nhân gian cho khỏi tôn nhan Chúa.

Chúa trả lời:

- Được lắm! Nhưng nhà ngươi nên nhớ: "Lưỡi gươm đã dùng trong vườn địa đàng ngày trước, bây giờ chỉ có quyền chém phá những gì có quyền chém phá thôi"

Được phép Chúa, sứ thần Grabriel vụt bay xuống trần gian, xăn tay áo, gọt quả địa cầu, bắt đầu từ Bắc cực đi tới...

Mọi sự đều cúi mình san sát trước lưỡi gươm thần. Không ai, không vật gì, từ tảng đá cứng rắn nhất cho đến những ngọn núi cao ngất trời...tất cả đều cúi đầu vâng theo. Không ai, không có gì cưỡng lại được.

Nhưng rồi một hôm khi lưỡi gươm đi tới một ngôi làng nhỏ nằm ẩn khuất bên một sườn đồi, đột nhiên lưỡi gươm thần như đụng phải một vật gì cứng rắn lạ thường không thể nào đi qua nổi

- Có chuyện gì lạ ở đây chăng?

Và sực nhớ lại Lời Chúa đã dặn trước khi xuất hành, Grabriel xỏ gươm vào vỏ, hạ cánh tay xuống, bước vào trong ngôi nhà nhỏ kia xem có gì lạ chăng.

Ngài đã trông thấy gì ở trong đó?

Một chiếc nôi và bên cạnh một chiếc nôi ấy một người mẹ đang ngồi cặm cụi gọt vỏ khoai giống hệt như ngài đang gọt quả địa cầu.

Đó chính là chướng ngại ngăn cản gươm thần lại không cho đi tới.

Trước cảnh tượng ấy, Grabriel như đột nhiên tỉnh giấc mơ màng...Ngài vội vàng quì sấp mặt xuống đất, vòng hai tay lại:

- Phải rồi! Phải rồi! Hồi xửa hồi xưa đã có một lần ta phụng mệnh Thiên Chúa xuống trần gian, truyền tin hoan hỉ cho một thiếu phụ trong làng Nazareth, tại một căn nhà nhỏ hẹp giống như căn nhà này. Thật ta đang làm một việc hết sức là nông nổi ngông cuồng!

Sau đó Ngài ngẩng đầu lên và nói:

"Hỡi đồng nghiệp Micae, tôi xin hoàn trả lại ngài thanh gươm này. Tôi đã khám phá ra rằng: Ở trên quả địa cầu này ít nhất có hai tạo vật còn mạnh mẽ hơn cả gươm thần sắc bén của ngài. Đó là một đứa trẻ thơ và một bà mẹ hiền."

Vâng chính nhờ hai nhân vật ấy mà quả địa cầu mới đứng vững được cho đến ngày hôm nay.

Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy Mẹ lên đường.
Xin Mẹ dạy chúng con đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt chia ly.

Xin giữ chúng con luôn đi trên Ðường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến gặp gỡ Thiên Chúa.

NGÀY MỒNG 02 THÁNG GIÊNG
Ga 1,19-28

Ông nói:
"Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi,
như ngôn sứ Isaia đã nói." (Ga 1,23)

Bài Tin Mừng hôm nay nói đến Gioan Tẩy Giả.

Qua cuộc đối thoại giữa Gioan Tẩy Giả và những người hỏi ông, chúng ta học được ở nơi Gioan những đức tính gì?

1. Trước hết ta thấy ông là một người rất thành thật.

Người thành thật là người có thì nhận, không thì nhất định không nhận. Có nói có, không nói không. Đức tính thành thật là một trong những đức tính căn bản làm nên tư cách của con người. Đức tính này ngày nay cũng rất cần cho cuộc sống của chúng ta.

Một vị vua Ba-Tư mong ước có một người cố vấn trung thực, luôn biết nói cho mình nghe sự thật. Nghe nói trong vùng có một ông lão tên là Elaim viết sách rất trung thực, không hề bao giờ xuyên tạc bóp méo sự thật, vua liền cho mời ông đến, đồng thời cũng cho gọi 9 vị cận thần cùng vào chầu. Nhà vua phán:

- Các khanh hãy trả lời thành thật, các khanh nghĩ thế nào về vinh quang của ta?

Mọi người còn đang bỡ ngỡ thì vua sai đem ra 10 chiếc nhẫn quý và hứa sẽ ban thưởng cho ai nói đúng sự thật. Thế là cả 9 vị cận thần tranh nhau ca ngợi nhà vua nào là đạo đức, nhân ái, nào là hùng mạnh và giàu có nhất thiên hạ. Vua có vẻ hài lòng, ban cho mỗi người 1 chiếc nhẫn. Riêng cụ già Elaim vẫn lặng thinh. Nhà vua mới ngạc nhiên hỏi. Cụ từ tốn trả lời:

- Người ta có thể mua được những lời nịnh hót, nhưng không thể nào mua được sự thật. Sự thật không thể đem rao bán, và cũng chẳng có ai đem bán sự thật!

Nhà vua liền gặng hỏi về mình, Elaim trầm ngâm rồi nói: “Đây chính là suy nghĩ thật của tôi. Bệ hạ là chủ và là vua của tôi, tuy vậy, bệ hạ cũng chỉ là một tạo vật do Thượng Đế dựng nên nhằm gây dựng hạnh phúc ấm no cho thần dân trong nước của bệ hạ mà thôi!”. Nghe những lời ấy, nhà vua hớn hở vui mừng, không trao chiếc nhẫn làm quà, mà lại ngỏ lời muốn chọn ông lão làm cố vấn bên cạnh mình hằng ngày để có thể luôn được nghe những lời khuyên trung thực.

Hôm sau, vua lại cho gọi 9 vị cận thần vào hỏi:

- Các ngươi có thích những chiếc nhẫn ta đã ban cho hôm qua không?

Cả 9 người đều cùng xum xoe thưa bẩm:

- Muôn tâu bệ hạ, hạ thần còn quý những chiếc nhẫn ấy hơn cả mạng sống của mình nữa, bởi vì đó là báu vật bệ hạ đã ban tặng. Thế nhưng, hạ thần cũng xin vô phép mà bẩm rằng: có lẽ bệ hạ đã bị tên bán nhẫn nào đó nó lừa gạt, vì hạ thần đã kiểm lại thì hóa ra cả 9 chiếc nhẫn đều là đồ giả ạ!

Đến đây nhà vua mới bật cười:

- Ha ha ha, các ngươi lại ngỡ rằng, ta không biết điều đó hay sao? Các ngươi đã nói với ta những lời tung hô giả dối thì ta cũng chỉ ban cho các ngươi những chiếc nhẫn giả, thế là công bằng rồi còn gì?

Từ đó, những lời nịnh hót giả dối biến mất hẳn khỏi triều đình nhà vua. Trăm họ được hưởng một thời thái bình thịnh trị dưới quyền lãnh đạo đầy nhân ái và công minh của nhà vua, bên cạnh luôn có một cụ già cố vấn chỉ biết nói sự thật mà thôi.

2. Thứ đến ông là người rất khiêm nhường.

Khiêm nhường là một trong những đức tính quí hiếm trong xã hội hôm nay. Xã hội hôm nay, con người thích phô trương.

Đức cố Giáo Hoàng Gioan 23 kể lại một kinh nghiệm độc đáo của đời mình như sau: “Lúc tôi mới được bầu làm Giáo hoàng để lãnh đạo Giáo Hội hoàn vũ, tôi rất lo lắng và sợ hãi trước một trách nhiệm quá lớn lao và nặng nề. Nhưng một đêm kia, trong giấc ngủ chập chờn không yên, tôi nghe có một tiếng nói phán bảo tôi: “Kìa Gioan, đừng tự xem mình là quan trọng!”

Tôi choàng tỉnh dậy, ngẫm nghĩ thấm thía về ý nghĩa giấc chiêm bao. Và kể từ dạo ấy, tôi đã cố gắng áp dụng câu nói này trong đời tôi, trong mọi công việc của Giáo Hội mà tôi phải giải quyết mỗi ngày. Đừng tự xem mình là quan trọng! Và thật sự, tôi đã ăn ngon ngủ yên như trước khi được chọn làm Giáo hoàng.

Vâng! mọi bất ổn trong cuộc sống của chúng ta thường phát xuất từ nguyên nhân đó: Vì luôn coi mình là quan trọng, nên chúng ta mới tranh giành địa vị thứ bậc, chúng ta mới khó chấp nhận những người khác, chúng ta mới khó cộng tác với người khác v.v

Khiêm nhường là một đức tính được Thiên Chúa yêu mến. Khác hẳn với tính tự cao, tự đại. Tính tự cao, tự đại có thể so sánh với những ngọn núi, ngọn đồi, còn đức khiêm nhường được ví như những chỗ trũng, chỗ sâu, luôn đón nhận được những dòng nước từ trên cao đổ xuống. Hồng Ân của Thiên Chúa cũng như vậy. Nó đã không dừng lại trên đỉnh núi hay triền đồi, nhưng chảy tràn xuống và đọng lại chan chứa ở những nơi thấp nhất dưới chân.

Kinh Thánh nói: "Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường" (Lc 4.6).

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :