ĐÔI SUY TƯ VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TRÁCH NHIỆM MỤC TỬ
Quý Cha rất thân mến,
Trong suốt hai tuần lễ Phụng vụ XXIV – XXV, các Bài Đọc 2 của Giờ Kinh Sách lần lượt trích bài giảng của Thánh Augustinô về các mục tử. Điều này chứng tỏ Giáo Hội coi trọng sứ vụ mục tử và muốn các Linh mục suy niệm đề tài này để chiếu soi cho cuộc đời và sứ vụ mục tử của mình.
Theo tinh thần đó, tôi cũng muốn chia sẻ với quý Cha, trong phần “Lời Chủ Chăn” tháng 10/2016, đôi suy tư và tâm tình về đề tài “Mục tử”. Trước tiên, tôi sẽ trích lại một số đoạn Sách Thánh quen thuộc về mục tử. Sau đó, tôi có đôi suy tư áp dụng cho cuộc đời và sứ vụ mục tử của chúng ta.
1. Một số đoạn Sách Thánh về mục tử
Trong phần này, tôi xin trích ra bốn đoạn Sách Thánh quen thuộc về mục tử, xin quý Cha, mỗi người đọc và nghiền ngẫm, để tìm ra ánh sáng chiếu soi đời sống và thái độ của mình trong sứ mệnh mục tử của một linh mục.
Trong bốn đoạn Sách Thánh được trích, hai đoạn từ các sách Tin Mừng vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh mục tử đích thực là Chúa Giêsu mà chúng ta được mời gọi noi theo, hai đoạn từ các sách Ngôn Sứ trình bày hình ảnh của mục tử bất trung, bị Thiên Chúa khiển trách.
"Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.'” (Lc 15,4-6).
"(Mục tử) gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, ông đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của ông... Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên… Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,2-5.9-11.14-16).
“Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành ; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.” (Ed 34,1-10).
“Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” (Gr 23,1-4).
2. Đôi suy tư áp dụng
Thưa quý Cha, từ những đoạn Sách Thánh trên đây tôi xin rút ra vài suy tư để chia sẻ với quý Cha, áp dụng vào hoàn cảnh sống của chúng ta.
a. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành… Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”
Một trong những đức tính của vị mục tử nhân lành là biết chiên của mình. Cái “biết” ở đây không phải là nhận thức lý thuyết trừu tượng, nhưng là cái biết của con tim. Tôi còn nhớ lần tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Á Châu năm 1998, chuẩn bị đón Năm Thánh 2000. Khi đến phiên các Dự Thính viên phát biểu, một nữ Dự Thính viên đến từ Hong Kong đã ngỏ lời như sau : “Chúng con không cần có các linh mục giám đốc, linh mục chuyên viên. Chúng con cần có những linh mục là mục tử”. Đây là những người cha, người mẹ luôn quan tâm chăm sóc, hướng dẫn và nâng đỡ đoàn con của mình..
Có lẽ trong hoàn cảnh của chúng ta, nhất là tại các giáo xứ có đông giáo dân và anh chị em lương dân, di dân, các cha xứ hay cha phó không thể biết rõ hết mọi người, nhưng điều quan trọng là “có lòng” với mọi người, quan tâm đến cái khó, cái khổ của con chiên để tìm cách hỗ trợ và đối xử thích hợp. Đây chẳng phải là ý nghĩa của câu nói nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Mục tử với mùi của chiên” đó sao ? Đoàn chiên là đối tượng của trí lòng người mục tử. Nhưng không thiếu những mục tử để hết lòng trí vào việc thực hiện những công trình hoành tráng, các chương trình hoạt động lớn nhỏ, mà không để ý đến, hay không để ý đủ đến đoàn chiên của mình. Có khi vì các chương trình hoạt động tông đồ mà đoàn chiên tan tác, nhưng mục tử cũng không quan tâm. Đây là vấn đề không “có lòng” với con chiên hay là vấn đề đảo lộn đối tượng của sứ vụ mục tử ?
b. “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…”
Trong lịch sử của Giáo phận, không thiếu những vị chủ chăn đã phải chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn, có khi nguy hiểm cả đến tính mạng của mình để lo cho đoàn chiên. Các ngài đúng là những “mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.
Hôm nay, tuy ít có những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn luôn có nhu cầu phải “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên”. Đối với nhiều anh em Linh mục chúng ta, “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” có nghĩa là vì lợi ích thiêng liêng của đoàn chiên, mục tử sẵn sàng hy sinh những sở thích, những thú vui riêng, chẳng hạn, việc tham quan, dã ngoạn, việc mua xe, đổi xe và các phương tiện tân tiến, các mối quan hệ bạn bè, v.v. Mặc dù những điều đó có thể là chính đáng, nhưng nếu vì lợi ích thiêng liêng của đoàn chiên, với tấm lòng của mục tử, chúng ta sẽ có khả năng từ bỏ, miễn sao đoàn chiên “được sống và được sống sung mãn” (Ga 10,10). Đối với những anh em Linh mục khác, “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” có nghĩa là sắp xếp lại các hoạt động không thuộc trách nhiệm được trao phó để có giờ ở với đoàn chiên và chăm sóc cho đoàn chiên Chúa đã trao cho mình. Trong thời gian vừa qua, đôi khi tôi đã xin một vài Cha rút ngắn thời gian đi nghỉ lại cũng chỉ với mục đích để các ngài có giờ ở với đoàn chiên đã được trao phó và cầu mong các ngài sẽ tìm thấy niềm vui khi ở với đoàn chiên.
c.“Đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”
Trước con mắt của mục tử, tất cả mọi con chiên, kể cả con chiên “bị mất”, đều quý giá vì đó là những con chiên chính Chúa đã ký thác cho mình để mình chăm lo, săn sóc thay cho Ngài. Con chiên bị mất là biểu tượng của những người không thân thiện, có khi còn nghi kỵ, chê bai, chỉ trích chủ chiên. Đó còn là hình ảnh của những người tội lỗi, những người có đam mê, nết xấu, những người gây buồn lòng cho chúng ta. Cái khó của mục tử là những con chiên bị mất đó lại ở tại nhà chứ không đi đâu xa xôi !
Nếu những cha mẹ có đứa con hư hỏng, phải tập “cắn răng chịu đựng” và kiên nhẫn giúp đỡ, thì mục tử còn phải vượt xa hơn, can đảm tha thứ và thương xót như Chúa dạy (x. Mt 5,44), vì chỉ lòng thương xót mới có sức cảm hoá và biến đổi. Chịu đựng khổ đau vì đoàn chiên là cách thế cao cả nhất mục tử biểu lộ tình yêu đối với họ, và chắc chắn, nhờ mầu nhiệm Thập giá này, Chúa sẽ làm phát sinh những hoa trái thiêng liêng lớn lao cho đoàn chiên, vượt xa sự mong đợi của chúng ta. Đó chính là xác tín của thánh Phaolô khi ngài nói : “Giờ đây, tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24 ; x. 2Cr 1,6). Đây là sự dũng cảm của đức tin mà chúng ta tuyệt đối cần đến ơn Chúa để thực thi. Sự chiến thắng bản thân như vậy chắc chắn sẽ mang đến cho chính mục tử chan chứa ơn sủng và niềm vui.
Ngoài việc phải đi tìm con chiên bị mất, mục tử còn phải cẩn thận để không làm mất con chiên nào mà Chúa đã trao phó cho mình. Nhiều khi vì những đam mê hay tính khí nóng nảy và lời nói cộc cằn, mục tử có thể làm cho đàn chiên tan tác và không thiếu người sẽ trở thành “con chiên bị mất”, không những đối với vị mục tử mà còn đối với chính Chúa nữa. Tôi muốn ghi lại đây kinh nghiệm sống được cha Piô Ngô Phúc Hậu kể lại trong cuốn “Nhật ký Truyền Giáo” của ngài :
“Hôm nay là ngày Chúa Nhật : cha phó làm lễ sáng. Mình đi xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em : ‘Con vô đi, trong kia còn chỗ’. Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo hắn. Mình lại vỗ vai hắn : ‘Trong kia còn nhiều chỗ lắm’. Hắn chuồn. Mình nắm tay hắn kéo vô. Hắn dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt siết hai vai hắn : ‘Vô không ?’. Hắn tỉnh queo, nhỏng mỏ : ‘Con đi lễ chứ có làm gi đâu mà cha làm hung làm dữ’. Mình thả lỏng hai tay. Hắn dõng dạc bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.
Có lẽ hắn sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây Thánh Giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.
Thằng cu tí đã cho mình một bài học xứng đáng. Nó là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường ; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an’”. (Ngô phúc Hậu, Nhật ký Truyền Giáo, Nxb Tôn giáo, Hà nội, 2010, tr. 140).
Biết đâu, đối với một số anh em linh mục chúng ta, đã chẳng có những “thằng cu tí”, và hơn nữa, có những con chiên, tuy vẫn còn ở đó, nhưng vì mục tử, mà lòng thì đã bỏ đạo, bỏ Chúa lâu rồi ? Không biết Chúa có nói lại những lời đã nói trong sách Ngôn sứ Giêrêmia không : “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác”.
d. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về… Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”
Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của nhân loại, thế nhưng, trên thế giới hôm nay vẫn còn nhiều tỷ người chưa biết, chưa xưng nhận điều này. Chẳng nói đâu xa, chỉ nghĩ đến các giáo xứ của chúng ta, có những nơi giáo dân chỉ được chừng 7%, còn giáo phận Xuân Lộc mà chúng ta luôn hãnh diện nói là giáo phận có đông giáo hữu nhất nước Việt Nam, số giáo dân cũng chỉ được gần 30%.
Đứng trước tình trạng này, các linh mục của Chúa, những người được hân hạnh tham dự sứ vụ mục tử của Chúa nghĩ thế nào, cảm nhận làm sao khi đọc lại mấy lời của Ngài : “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về… Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Lòng chúng ta có thổn thức như lòng của Chúa không ? Chúng ta có cảm nghiệm được mình không phải chỉ là mục tử cho các giáo dân, mà còn cho mọi người sống trong địa bàn của giáo xứ mình không ? Nhờ được thấm nhuần lòng thổn thức của Chúa và nhờ có ý thức là cả những anh chị em không công giáo cũng thuộc trách nhiệm mục tử của mình, chắc chắn sẽ phát sinh những hành động vươn tới anh chị em “không thuộc ràn này” để sớm tới ngày “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.
Xin Đức Mẹ, được toàn thể Giáo Hội tôn kính đặc biệt trong tháng 10, dưới tước hiệu “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, các Linh mục của Giáo phận, trở thành những hiện thân của Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành.
Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quí Cha.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc
Quý Cha rất thân mến,
Trong suốt hai tuần lễ Phụng vụ XXIV – XXV, các Bài Đọc 2 của Giờ Kinh Sách lần lượt trích bài giảng của Thánh Augustinô về các mục tử. Điều này chứng tỏ Giáo Hội coi trọng sứ vụ mục tử và muốn các Linh mục suy niệm đề tài này để chiếu soi cho cuộc đời và sứ vụ mục tử của mình.
Theo tinh thần đó, tôi cũng muốn chia sẻ với quý Cha, trong phần “Lời Chủ Chăn” tháng 10/2016, đôi suy tư và tâm tình về đề tài “Mục tử”. Trước tiên, tôi sẽ trích lại một số đoạn Sách Thánh quen thuộc về mục tử. Sau đó, tôi có đôi suy tư áp dụng cho cuộc đời và sứ vụ mục tử của chúng ta.
1. Một số đoạn Sách Thánh về mục tử
Trong phần này, tôi xin trích ra bốn đoạn Sách Thánh quen thuộc về mục tử, xin quý Cha, mỗi người đọc và nghiền ngẫm, để tìm ra ánh sáng chiếu soi đời sống và thái độ của mình trong sứ mệnh mục tử của một linh mục.
Trong bốn đoạn Sách Thánh được trích, hai đoạn từ các sách Tin Mừng vẽ ra trước mắt chúng ta hình ảnh mục tử đích thực là Chúa Giêsu mà chúng ta được mời gọi noi theo, hai đoạn từ các sách Ngôn Sứ trình bày hình ảnh của mục tử bất trung, bị Thiên Chúa khiển trách.
"Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói : 'Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.'” (Lc 15,4-6).
"(Mục tử) gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, ông đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của ông... Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ… Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên… Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10,2-5.9-11.14-16).
“Khốn cho các mục tử Israel, những kẻ chỉ biết lo cho mình ! Nào mục tử không phải chăn dắt đàn chiên sao ? Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt thì các ngươi giết, còn đàn chiên lại không lo chăn dắt. Chiên đau yếu, các ngươi không làm cho mạnh ; chiên bệnh tật, các ngươi không chữa cho lành ; chiên bị thương, các ngươi không băng bó; chiên đi lạc, các ngươi không đưa về; chiên bị mất, các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, chúng tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi. Chiên của Ta tản mác trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm.” (Ed 34,1-10).
“Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA - Vì thế, ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa Israel, phán như sau để lên án các mục tử, những người chăn dắt dân Ta : chính các ngươi đã làm cho đoàn chiên của Ta phải tan tác ; các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm gì đến chúng. Này Ta sẽ để ý đến các hành vi gian ác của các ngươi mà trừng phạt các ngươi - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Chính Ta sẽ quy tụ đoàn chiên của Ta còn sót lại từ khắp mọi miền Ta đã xua chúng đến. Ta sẽ đưa chúng về đồng cỏ của chúng ; chúng sẽ sinh sôi nảy nở thật nhiều. Ta sẽ cho xuất hiện các mục tử để lãnh đạo chúng ; họ sẽ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn phải hãi hùng, kinh khiếp và bị bỏ rơi nữa. Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” (Gr 23,1-4).
2. Đôi suy tư áp dụng
Thưa quý Cha, từ những đoạn Sách Thánh trên đây tôi xin rút ra vài suy tư để chia sẻ với quý Cha, áp dụng vào hoàn cảnh sống của chúng ta.
a. “Tôi chính là Mục Tử nhân lành… Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi”
Một trong những đức tính của vị mục tử nhân lành là biết chiên của mình. Cái “biết” ở đây không phải là nhận thức lý thuyết trừu tượng, nhưng là cái biết của con tim. Tôi còn nhớ lần tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục cho Á Châu năm 1998, chuẩn bị đón Năm Thánh 2000. Khi đến phiên các Dự Thính viên phát biểu, một nữ Dự Thính viên đến từ Hong Kong đã ngỏ lời như sau : “Chúng con không cần có các linh mục giám đốc, linh mục chuyên viên. Chúng con cần có những linh mục là mục tử”. Đây là những người cha, người mẹ luôn quan tâm chăm sóc, hướng dẫn và nâng đỡ đoàn con của mình..
Có lẽ trong hoàn cảnh của chúng ta, nhất là tại các giáo xứ có đông giáo dân và anh chị em lương dân, di dân, các cha xứ hay cha phó không thể biết rõ hết mọi người, nhưng điều quan trọng là “có lòng” với mọi người, quan tâm đến cái khó, cái khổ của con chiên để tìm cách hỗ trợ và đối xử thích hợp. Đây chẳng phải là ý nghĩa của câu nói nổi tiếng của Đức Thánh Cha Phanxicô : “Mục tử với mùi của chiên” đó sao ? Đoàn chiên là đối tượng của trí lòng người mục tử. Nhưng không thiếu những mục tử để hết lòng trí vào việc thực hiện những công trình hoành tráng, các chương trình hoạt động lớn nhỏ, mà không để ý đến, hay không để ý đủ đến đoàn chiên của mình. Có khi vì các chương trình hoạt động tông đồ mà đoàn chiên tan tác, nhưng mục tử cũng không quan tâm. Đây là vấn đề không “có lòng” với con chiên hay là vấn đề đảo lộn đối tượng của sứ vụ mục tử ?
b. “Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên…”
Trong lịch sử của Giáo phận, không thiếu những vị chủ chăn đã phải chấp nhận những hoàn cảnh khó khăn, có khi nguy hiểm cả đến tính mạng của mình để lo cho đoàn chiên. Các ngài đúng là những “mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.
Hôm nay, tuy ít có những hoàn cảnh nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vẫn luôn có nhu cầu phải “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên”. Đối với nhiều anh em Linh mục chúng ta, “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” có nghĩa là vì lợi ích thiêng liêng của đoàn chiên, mục tử sẵn sàng hy sinh những sở thích, những thú vui riêng, chẳng hạn, việc tham quan, dã ngoạn, việc mua xe, đổi xe và các phương tiện tân tiến, các mối quan hệ bạn bè, v.v. Mặc dù những điều đó có thể là chính đáng, nhưng nếu vì lợi ích thiêng liêng của đoàn chiên, với tấm lòng của mục tử, chúng ta sẽ có khả năng từ bỏ, miễn sao đoàn chiên “được sống và được sống sung mãn” (Ga 10,10). Đối với những anh em Linh mục khác, “hy sinh mạng sống cho đoàn chiên” có nghĩa là sắp xếp lại các hoạt động không thuộc trách nhiệm được trao phó để có giờ ở với đoàn chiên và chăm sóc cho đoàn chiên Chúa đã trao cho mình. Trong thời gian vừa qua, đôi khi tôi đã xin một vài Cha rút ngắn thời gian đi nghỉ lại cũng chỉ với mục đích để các ngài có giờ ở với đoàn chiên đã được trao phó và cầu mong các ngài sẽ tìm thấy niềm vui khi ở với đoàn chiên.
c.“Đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất”
Trước con mắt của mục tử, tất cả mọi con chiên, kể cả con chiên “bị mất”, đều quý giá vì đó là những con chiên chính Chúa đã ký thác cho mình để mình chăm lo, săn sóc thay cho Ngài. Con chiên bị mất là biểu tượng của những người không thân thiện, có khi còn nghi kỵ, chê bai, chỉ trích chủ chiên. Đó còn là hình ảnh của những người tội lỗi, những người có đam mê, nết xấu, những người gây buồn lòng cho chúng ta. Cái khó của mục tử là những con chiên bị mất đó lại ở tại nhà chứ không đi đâu xa xôi !
Nếu những cha mẹ có đứa con hư hỏng, phải tập “cắn răng chịu đựng” và kiên nhẫn giúp đỡ, thì mục tử còn phải vượt xa hơn, can đảm tha thứ và thương xót như Chúa dạy (x. Mt 5,44), vì chỉ lòng thương xót mới có sức cảm hoá và biến đổi. Chịu đựng khổ đau vì đoàn chiên là cách thế cao cả nhất mục tử biểu lộ tình yêu đối với họ, và chắc chắn, nhờ mầu nhiệm Thập giá này, Chúa sẽ làm phát sinh những hoa trái thiêng liêng lớn lao cho đoàn chiên, vượt xa sự mong đợi của chúng ta. Đó chính là xác tín của thánh Phaolô khi ngài nói : “Giờ đây, tôi vui mừng chịu đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh (Cl 1,24 ; x. 2Cr 1,6). Đây là sự dũng cảm của đức tin mà chúng ta tuyệt đối cần đến ơn Chúa để thực thi. Sự chiến thắng bản thân như vậy chắc chắn sẽ mang đến cho chính mục tử chan chứa ơn sủng và niềm vui.
Ngoài việc phải đi tìm con chiên bị mất, mục tử còn phải cẩn thận để không làm mất con chiên nào mà Chúa đã trao phó cho mình. Nhiều khi vì những đam mê hay tính khí nóng nảy và lời nói cộc cằn, mục tử có thể làm cho đàn chiên tan tác và không thiếu người sẽ trở thành “con chiên bị mất”, không những đối với vị mục tử mà còn đối với chính Chúa nữa. Tôi muốn ghi lại đây kinh nghiệm sống được cha Piô Ngô Phúc Hậu kể lại trong cuốn “Nhật ký Truyền Giáo” của ngài :
“Hôm nay là ngày Chúa Nhật : cha phó làm lễ sáng. Mình đi xung quanh nhà thờ, để tạo bầu khí trang nghiêm cho giờ lễ. Nhà thờ chưa đầy người, thế mà có một chú bé đứng chầu rìa ở bên cửa hông. Mình vỗ vai em : ‘Con vô đi, trong kia còn chỗ’. Em quay ngoắt một cái, chạy vọt xuống cửa phía dưới. Lại đứng chầu rìa. Lòng tự ái lãnh đạo bốc lên tới lỗ mũi. Mình dằn cơn nóng xuống, thủng thỉnh đi theo hắn. Mình lại vỗ vai hắn : ‘Trong kia còn nhiều chỗ lắm’. Hắn chuồn. Mình nắm tay hắn kéo vô. Hắn dạng chân chống chỏi. Nhân đức hiền lành xì ra ngoài hết. Mình nghiến răng lại, hai bàn tay sắt siết hai vai hắn : ‘Vô không ?’. Hắn tỉnh queo, nhỏng mỏ : ‘Con đi lễ chứ có làm gi đâu mà cha làm hung làm dữ’. Mình thả lỏng hai tay. Hắn dõng dạc bước ra cổng, rồi biến mất trong dòng người.
Có lẽ hắn sẽ không bao giờ trở lại nữa. Mình nhìn lên bàn thờ, nhìn lên nhà tạm, rồi nhìn lên cây Thánh Giá. Ánh mắt của mình không dừng lại được ở bất cứ nơi nào. Nó đành nhắm lại, vì xấu hổ.
Thằng cu tí đã cho mình một bài học xứng đáng. Nó là thầy của mình. Thầy ơi, vì con mà thầy đã từ giã thánh đường ; vì con mà có lẽ thầy sẽ bỏ đạo. Xin thầy hãy trở lại, để lương tâm của con tìm được sự bình an’”. (Ngô phúc Hậu, Nhật ký Truyền Giáo, Nxb Tôn giáo, Hà nội, 2010, tr. 140).
Biết đâu, đối với một số anh em linh mục chúng ta, đã chẳng có những “thằng cu tí”, và hơn nữa, có những con chiên, tuy vẫn còn ở đó, nhưng vì mục tử, mà lòng thì đã bỏ đạo, bỏ Chúa lâu rồi ? Không biết Chúa có nói lại những lời đã nói trong sách Ngôn sứ Giêrêmia không : “Khốn thay những mục tử làm cho đoàn chiên Ta chăn dắt phải thất lạc và tan tác”.
d. “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về… Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.”
Chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế của nhân loại, thế nhưng, trên thế giới hôm nay vẫn còn nhiều tỷ người chưa biết, chưa xưng nhận điều này. Chẳng nói đâu xa, chỉ nghĩ đến các giáo xứ của chúng ta, có những nơi giáo dân chỉ được chừng 7%, còn giáo phận Xuân Lộc mà chúng ta luôn hãnh diện nói là giáo phận có đông giáo hữu nhất nước Việt Nam, số giáo dân cũng chỉ được gần 30%.
Đứng trước tình trạng này, các linh mục của Chúa, những người được hân hạnh tham dự sứ vụ mục tử của Chúa nghĩ thế nào, cảm nhận làm sao khi đọc lại mấy lời của Ngài : “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về… Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Lòng chúng ta có thổn thức như lòng của Chúa không ? Chúng ta có cảm nghiệm được mình không phải chỉ là mục tử cho các giáo dân, mà còn cho mọi người sống trong địa bàn của giáo xứ mình không ? Nhờ được thấm nhuần lòng thổn thức của Chúa và nhờ có ý thức là cả những anh chị em không công giáo cũng thuộc trách nhiệm mục tử của mình, chắc chắn sẽ phát sinh những hành động vươn tới anh chị em “không thuộc ràn này” để sớm tới ngày “sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”.
Xin Đức Mẹ, được toàn thể Giáo Hội tôn kính đặc biệt trong tháng 10, dưới tước hiệu “Nữ Vương rất thánh Mân Côi”, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, các Linh mục của Giáo phận, trở thành những hiện thân của Chúa Giêsu, Mục Tử nhân lành.
Với lòng quý mến và tin tưởng, xin chào quí Cha.
+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc