www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 33 TN

THỨ HAI TUẦN 33 TN
“XIN DỦ LÒNG THƯƠNG TÔI”
“Khi Đức Giê-su gần đến Giê-ri-khô, có một người mù đang ngồi ăn xin ở vệ đường…. Anh liền kêu lên rằng: “Lạy Ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !” (Lc 19,35.38)

Suy niệm: Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót vừa bế mạc tại giáo phận, nhưng lời kêu cứu của anh mù ở Giê-ri-khô vẫn còn vang vọng thống thiết trong thế giới hôm nay, nơi những mảnh đời đau khổ, bất hạnh quanh chúng ta. Đau đớn thay, những tiếng kêu thương ấy: “Xin dủ lòng thương tôi” lắm khi không được nhận biết, bởi vì người ta bịt tai, ngoảnh mặt, hay tệ hơn nữa, vì bị lấn át bởi sự ồn ào của đám đông, bị bóp nghẹt bởi mọi hình thức ngăn cản. Chúa Giê-su luôn đứng về phía những người đau khổ, bé mọn; Ngài truyền dẫn anh mù đến với Ngài để được chữa lành, để nhìn thấy ánh sáng, để nhận biết Ngài là Ánh Sáng thật cho trần gian.

Mời Bạn: Bạn ơi! Có khi nào bạn trở thành “kỳ đà cản mũi,” thành chướng ngại vật ngăn cản người khác đến với Ánh Sáng thật không? Bạn nài xin Chúa dủ lòng thương xót, nhưng đồng thời bạn cũng được mời gọi để chuyển thông lòng thương xót của Chúa đến cho anh em, những người đang cần đến lòng thương xót của Ngài. Mời bạn mở tai để nghe được những tiếng kêu cầu; mở mắt để nhận ra những bàn tay van nài lòng thương xót; và nhất là mời bạn mở tay ra để làm một việc gì đó góp phần làm nhẹ đi, xoa dịu đi những nỗi đau mà người anh em mình đang gánh chịu.

Sống Lời Chúa: Có lòng thương xót là biết ước ao điều tốt nhất cho anh em, và biết cảm thương khi họ không được hưởng điều tốt đẹp đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, “xin dủ lòng thương chúng con”. Amen.


THỨ BA TUẦN 33 TN

Thánh An-be-tô Cả, giám mục, tiến sĩ HT

TÌM LẠI NHỮNG GÌ ĐÃ MẤT
Đức Giê-su nói: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này… Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” (Lc 19,9-10)

Suy niệm: Tìm kiếm một người lạc giữa đám đông không phải là chuyện dễ dàng. Nhưng đối với một bà mẹ bị lạc mất đứa con, thì đó không phải là điều không thể được, mà hơn nữa là việc phải làm với bất cứ giá nào. Mối liên hệ thân thiết giữa hai mẹ con là động lực khiến họ luôn hướng về nhau; sự quen thuộc gần gũi là yếu tố giúp họ nhận ra nhau giữa đám đông xa lạ. Cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su và ông Da-kêu đã diễn ra như thế. Nỗi khao khát tình yêu đã thúc đẩy Da-kêu chạy tới trước và leo lên cành cây cao chỉ để có được một khoảnh khắc nhìn thấy Chúa đi ngang qua. Mặt khác, Chúa cũng khao khát “tìm và cứu những gì đã mất,” Ngài đã nhận ra Da-kêu ở giữa đám đông, kêu gọi ông và nhờ đó ông và cả nhà ông được hoán cải và được cứu độ.

Mời Bạn: Năm Thánh Lòng Thương Xót sẽ kết thúc nay mai, nhưng lòng thương xót của Chúa vẫn còn mãi. Lòng thương xót ấy luôn khao khát tìm kiếm các linh hồn đang lạc xa Ngài và đem lại cho họ điều tốt đẹp nhất là cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu với Ngài. Ước mong sao lòng thương xót của Chúa trở thành máu thịt, thành bản năng của người Ki-tô hữu, nhờ đó họ luôn nhạy bén nhận ra người anh em của mình giữa cuộc sống xô bồ và sẵn sàng hành động để chia sẻ tình yêu Chúa cho họ.

Sống Lời Chúa: Loại trừ khỏi tư tưởng, lời nói cũng như hành động của mình tất cả những gì là ác ý, tàn nhẫn, đồng thời đổ đầy tâm hồn mình lòng thương xót của Chúa: sự hiền lành và ước muốn đem lại điều tốt đẹp nhất cho tha nhân.

Cầu nguyện: Đọc kinh Năm Thánh.

THỨ TƯ TUẦN 33 TN

Thánh Ma-ga-ri-ta Xcốt-len
VƯƠNG QUYỀN CHÚA KI-TÔ
Đức Giê-su kể thêm một dụ ngôn: “Có một người quý tộc kia trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền rồi trở về.” (Lc 19,15)

Suy niệm: Nhà nghiên cứu lịch sử Võ Hương An dựng lại tấn bi kịch về cuộc tranh giành vương quyền trong lịch sử Việt Nam thời cận đại với những vụ trả thù tàn bạo. Để đáp trả hành vi vua Quang Trung san bằng phần mộ tổ tiên nhà Nguyễn, Nguyễn Phúc Ánh sau khi lên ngôi vua lấy hiệu là Gia Long đã cho quật mộ anh em nhà Tây Sơn và truyền “phanh xác tan xương, để trả thù cho Miếu Xã, rửa hận cho thần nhân” (Thực Lục I, q. XVIII). Với bút pháp “truyện trong truyện,” thánh Lu-ca đặt dụ ngôn các nén bạc lồng trong câu chuyện về người quý tộc “trẩy đi phương xa lãnh nhận vương quyền”. Trong bối cảnh Chúa Giê-su đang hành trình lên Giê-ru-sa-lem, dụ ngôn muốn nhấn mạnh rằng Nước Thiên Chúa khác vương quốc trần gian; vương quyền của Ngài không xây dựng bởi gươm giáo mà bởi tình yêu; và nếu có máu đổ ra thì không phải là máu trả thù rửa hận mà là máu Chúa đổ ra để cứu độ muôn người khỏi tội lỗi.

Mời Bạn: Những ai đón nhận vương quyền của Chúa Ki-tô thì tuân hành luật pháp của Nước Chúa, đó là Hiến Chương Nước Trời, là Tám Mối Phúc Thật, đồng thời tham gia vào chương trình cứu độ bằng thập giá của Ngài. Bạn sẽ thật hạnh phúc vì lúc đó “Nước Thiên Chúa là của bạn” (Lc 6,20).

Sống Lời Chúa: Bạn chọn một trong Tám Mối Phúc Thật làm châm ngôn sống và nỗ lực thực hành theo châm ngôn đó trong ngày sống của mình.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho Danh Chúa cả sáng, Nước Chúa hiển trị, Ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Amen.

THỨ NĂM TUẦN 33 TN
Thánh Ê-li-sa-bét Hung-ga-ri
HỮU DANH VÔ THỰC
Trông thấy thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!” (Lc 19,41-42)

Suy niệm: Thành Giê-ru-sa-lem thời Chúa Giê-su do vua Hê-rô-đê Cả – người đã giết các hài nhi ở Bê-lem – khởi công xây dựng từ năm 20 tr. CN mãi đến năm 64 s. CN. mới hoàn thành, chỉ tồn tại được 6 năm thì bị tướng Ti-tô phá bình địa, chỉ còn lại vài “bức tường than khóc” như hiện nay. Dù thành thánh còn dang dở sau “46 năm” xây dựng (x. Ga 2,20), và dù rất mực căm ghét Hê-rô-đê, người Do Thái cũng rất tự hào về ngôi đền thờ nguy nga lộng lẫy này. Thế nhưng, đứng từ trên cao nhìn xuống, Chúa Giê-su đã than khóc nó vì Ngài thấy trước sẽ tới ngày “không còn hòn đá nào trên hòn đá nào” bởi vì thánh đô đã không đón nhận Tin Mừng bình an đến với mình.

Mời Bạn: Với thái độ tự mãn và vụ hình thức, người Do Thái đã dừng lại ở đền thờ hoành tráng, lễ nghi trọng thể; vì thế họ đã khước từ Chúa Giê-su lẫn Tin Mừng của Ngài. Cũng thế, nếu mang danh là tín hữu mà dừng lại ở đền thờ và những lễ nghi thì niềm tin đó chỉ là hữu danh vô thực, và tôn giáo chỉ còn là cái xác không hồn. Đón nhận Tin Mừng bình an của Đức Ki-tô không chỉ là “đi lễ, đọc kinh”, mà còn là hoán cải và phục vụ trong cả cuộc sống.

Sống Lời Chúa: Khi nhận lời chúc bình an trong thánh lễ, bạn hãy nhớ đem bình an đó đến cho người khác bằng những hành vi bác ái.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, nhiều khi chúng con tạo nên cảm giác an toàn giả tạo bằng việc chu toàn một số công việc đạo đức bên ngoài cho yên lương tâm. Xin Chúa giúp con thay đổi nếp nghĩ của mình mỗi ngày bằng cách sống đức tin bằng những việc bác ái thiết thực.

THỨ SÁU TUẦN 33 TN
Cung hiến đền thờ Thánh Phê-rô và Phao-lô
NHÀ THỜ LÀ NHÀ CẦU NGUYỆN

“Đã có lời chép rằng: ‘Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các ngươi đã biến thành sào huyệt bọn cướp!’ ” (Lc 19,46)

Suy niệm: Tại Châu Âu hiện nay nhà thờ, tu viện đang dần phải bán đi. Trong khi đó tại Việt Nam, đa số nhà thờ rất nhộn nhịp, chắc là nhất nhì thế giới! Chúng ta có lý do để mừng và tự hào. Nhưng một số mục tử nhìn tới tương lai và bắt đầu lo. Làm sao để điều tệ hại như bên Tây không xảy ra bên ta trong mười hay hai mươi năm nữa? Chắc hẳn chỉ có một cách thôi, đó là bảo đảm chất lượng cho sự nhộn nhịp hôm nay. Thật vậy, nhộn nhịp là chuyện số lượng; còn chất lượng có thể là chuyện khác. Đền thờ Giê-ru-sa-lem ngày xưa rất sầm uất, nhưng chính Đức Giêsu đã gọi đó là “hang trộm cướp,” bởi vì người ta biến nơi đó thành cái chợ, nơi họ buôn bán, trục lợi bằng đủ thứ mánh lới đặc trưng của một ‘chợ trời’: đầu cơ, độc quyền, ép giá, lừa đảo, móc nối chia chác…

Mời Bạn: Thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II nhận định về Giáo Hội trước thềm thiên niên kỷ thứ ba: “Còn nơi nào mà bầu khí tục hoá chưa xâm lấn tới?” (số 36). Ta tham dự phụng vụ linh đình, nghi thức rầm rộ, hoành tráng, nhưng ta có xác tín mạnh mẽ sự hiện diện của Chúa không? Hay ta đến đó như ‘xác không hồn’, và ra về như ‘nước đổ lá môn’, chẳng đọng lại mấy tâm tình?

Chia sẻ: Theo bạn, nhà thờ hay Giáo Hội hôm nay có thể bị biến thành “hang trộm cướp” bằng những cách nào?

Sống Lời Chúa: Bạn tham dự Thánh Lễ có “chất lượng cao”: 1. về thời gian: không đi trễ về sớm; 2. về y phục: lịch sự, đoan trang; 3. về tâm tình đạo đức: đến gặp gỡ Chúa và gặp gỡ anh chị em với tất cả tâm hồn.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết đến với Chúa với cả tấm lòng thành.


THỨ BẢY TUẦN 33 TN
ƯỚC VỌNG TRƯỜNG SINH BẤT TỬ
“Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết mà là Thiên Chúa của kẻ sống.” (Lc 20,38)

Suy niệm: Tần Thuỷ Hoàng (221-210 tr. CN.), quyền uy tối cao trên cả đế quốc Trung Hoa mênh mông mà vẫn tham sống sợ chết. Ông truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài hơn 5.000 km để bảo vệ đế chế, sai người đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Biết mình có kéo dài sự sống mấy rồi cũng có lúc phải chết, ông lo xây lăng tẩm cho mình như một cung điện nguy nga đồ sộ, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm sông Ngân Hà, lấy vàng bạc dát tường, chôn sống hàng trăm cung nữ để phục vụ ông ở kiếp sau. Chối bỏ sự sống đời sau bằng cách cố gắng kéo dài sự sống đời này, hay coi sự sống bên kia thế giới cũng ăn ăn uống uống, cũng dựng vợ gả chồng như ở thế giới này đều phản ánh một cái nhìn bất cập về sự sống cả đời này lẫn đời sau. Lời Chúa dạy ta rằng “sự sống thay đổi chứ không mất đi”. Có sự sống đời sau nhưng không giống cuộc sống đời này như người đời vẫn nghĩ. Đối với những ai được kêu gọi vào cuộc sống đời đời ấy thì Thiên Chúa thế nào, họ cũng sẽ nên như thế (x. 1Ga 3,2). Vì Thiên Chúa là chủ của sự sống.

Mời Bạn: Chúng ta biến nỗi sợ chết thành lòng ham sống một cách mãnh liệt mà là sống cuộc sống đời đời với Chúa. Vì thế, dù đang phải bon chen với chuyện cơm áo gạo tiền, chúng ta quyết không để những sự đời này cản trở bước chân chúng ta trên con đường tiến về cõi sống vĩnh hằng.

Chia sẻ: Chúng ta đã biểu lộ niềm tin vào Đấng Phục sinh thế nào khi có người thân qua đời?

Sống Lời Chúa: Lần hạt và dâng hy sinh để cầu cho các đẳng linh hồn.

Cầu nguyện: Chúa ơi, xin Chúa sống trong con để con luôn sống cho Chúa.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :