www.langminhnews.net

SUY NIỆM LỜI CHÚA HẰNG NGÀY TUẦN 4 MC

THỨ HAI TUẦN IV MÙA CHAY
TIN MỪNG: Ga 4,46-54

SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể về một trường hợp chữa bệnh khá đặc biệt của Chúa Giêsu, khác hẳn với cách thông thường Người vẫn làm. Nghĩa là thay vì phải có một sự đụng chạm trực tiếp với bệnh nhân, thì hôm nay Chúa chữa bệnh từ xa, chữa bệnh không phải vì niềm tin của bênh nhân mà vì niềm tin và trái tim yêu thương của người cha bệnh nhân. Chúa Giêsu không đụng chạm đến thân thể bệnh nhân, nhưng đụng chạm vào tấm lòng và yêu thương của người thân của họ.

Một niềm tin đích thực không cần một sự nhìn thấy tỏ tường, vì như thế không còn là tin nữa, mà là bất đắc dĩ chấp nhận một chuyện đã xảy ra rồi. Chúa Giêsu cũng đã khẳng định điều đó sau lời cầu xin của viên sĩ quan đến xin Người chữa lành cho con trai mình:

“Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!" Tuy nhiên, với thái độ khiêm tốn và tin tưởng của viên sĩ quan, cho thấy ông đã không thuộc thực trạng chung với những người tin dựa theo dấu lạ.

Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan này có quyền lực về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giêsu truyền đạo, ông sẽ tin tưởng vào quyền lợi vật chất và khoa học hơn là niềm tin. Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giêsu không đơn thuần là một thầy dạy như các kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, ông đã hạ mình đến cầu xin Người. Lại nữa, vì tấm lòng của một người cha thương đứa con bệnh tật, ông không ngại vượt qua rào cản của ý thức hệ và chính trị, để chạy đến với Chúa Giêsu.

Nhưng hơn hết, ông tin vì ông nghe Lời Chúa Giêsu bảo: “Ông về đi, con ông sống”, chứ ông không đòi dấu lạ rõ ràng, nên niềm tin đó đã chữa lành cho con ông.

Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Ngài trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tin nhưng xin Ngài nâng đỡ niềm tin còn yếu kém của chúng con. Amen.


THỨ BA TUẦN IV MÙA CHAY

 TIN MỪNG: Ga 5,1-3a.5-16

SUY NIỆM
Hôm nay, tiếp tục hành trình tại Giêrusalem, Chúa Giêsu chữa bệnh cho một người bất toại đã 38 năm nằm ở bờ hồ Bết-da-tha. Sự việc lại bị các biệt phái công kích khi thấy người được chữa lành vác chõng đi về trong ngày Sabát. Qua câu chuyện Tin Mừng ghi lại hôm nay, chúng ta cùng suy niệm một vài điểm sau đây:

Tình trạng của con bệnh.

Ở đây chúng ta không bàn luận liệu có tồn tại một hồ nước có khả năng thần kỳ chữa bệnh mỗi ngày một lần cho người xuống trước hay không? Nhưng với cách tường thuật có tính biểu tượng của Tin Mừng thứ tư, chúng ta nhận thấy có một tình trạng bệnh tật của một con người đã kéo dài gần bốn chục năm, không được cứu chữa, do tự mình không đủ sức để xuống hồ trước và còn thê thảm hơn khi không ai giúp anh ta xuống hồ để được chữa lành (x.Ga 5,7).

Cho đến một ngày kia, Chúa Giêsu đi qua, Người cảm thông với tình trạng của anh mà chữa lành cho anh, dù anh chưa kịp xin Người.

Như vậy:

38 năm bị giam hãm trong cơn bệnh, người bất toại cố dùng đến sức mình nhưng đã thất bại, và chính sự lãnh đạm của mọi người không giúp anh cũng làm cho tình trạng của anh vô phương cứu chữa, cho tới ngày anh gặp Chúa Giêsu, anh nói lên tình trạng bất lực của mình, và Chúa đã cứu anh.

Đó cũng là tình trạng của nhiều tâm hồn, ở lâu trong tội, để rồi tự mình không thể đứng lên trở về với Chúa, càng tồi tệ hơn là những người anh chị em trong cùng đức tin đã không làm gì để giúp nhau hoán cải. Chỉ đến khi mở lòng ra, nói hết tình trạng khốn khổ của mình, để cho Chúa đi qua cuộc đời mình, thì Chúa sẽ giúp chúng ta đứng lên.

Vấn đề ngày sa-bát.

Theo Biệt Phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do Thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.

Có câu chuyện kể rằng, hôm ấy một Rabi Do Thái cưỡi ngựa đi từ Giêricô về Giêrusalem vừa đi vừa hát thánh ca, trên đường đi, chẳng may con ngựa trượt chân ngã xuống vực, nhanh tay vớ được cành cây nên Rabi không rơi xuống vực. Ông thấy con ngựa rơi xuống nước nên không hề hấn gì, nhưng bờ cao không lên được, ông định chặt nhành cây lấp đất cho con ngựa lên, nhưng sực nhớ hôm đó là ngày sa-bát không được làm việc tay chân nên thôi, ông liền phục trong bụi cây rình thấy một người hành hương cưỡi ngựa đi qua, ông rút súng bắn người ấy rơi xuống vực và cướp ngựa phóng đi, tiếp tục hát thánh ca.
Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Hằng ngày trong suốt 38 năm người Do Thái vẫn đi trên bờ hồ Bết-da-tha và người bị bất toại vẫn nằm ở đó, nhưng họ không thấy, và vì sợ phạm luật Sa-bát chăng. Chúa Giêsu biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bất toại, vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giêsu.

Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết ý thức tình tương thân tương ái trong Chúa mà sẵn sàng giúp đỡ tha nhân bỏ đường tội lỗi trở về với Chúa. Amen.

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY

 TIN MỪNG: Ga 5,17-30

SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc nói về người Do Thái muốn giết Đức Giêsu và cái tội không giữ luật Sa-bát và dám gọi Thiên Chúa là Cha mình. Kế đến, là diễn từ về công việc của Đức Giêsu là làm điều Chúa Cha làm và theo ý Chúa Cha muốn.

Sự đối lập giữa Chúa Giêsu và người Do Thái.

Sự đối lập giữa những người Do Thái ở thủ đô với Chúa Giêsu luôn là đề tài nóng trong cả bốn Tin Mừng. Cũng như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất. Chúa Giêsu là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của các kinh sư – biệt phái và nhất là giới cầm quyền Do Thái. Chính vì thế mà họ đã tìm cách tẩy chay Chúa Giêsu, tiếc là họ không có lý do đủ mạnh ngoài việc bám víu vào luật Sa-bát, nhưng ngay cả luật này họ cũng bị Chúa Giêsu vạch trần những điều khoản tỉ mỉ do họ thêm vào mà sai lệch ý Thiên Chúa. Điều mà Chúa Giêsu khẳng định, tất cả việc Người làm là theo ý Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu là Ánh Sáng thuần khiết từ Thiên Chúa đi vào tấm lòng đồng trinh thuần khiết của Mẹ Maria. Vì thế mà mẹ đã cưu mang Ngôi Lời mà vẫn đồng trinh, tựa như ánh mặt trời chiếu qua tấm kính trong tinh khiết vào căn phòng rực ánh sáng mà tấm gương không bị ảnh hưởng. Trong khi, ánh sáng ấy chiếu đến sự mục nát xấu xa của giới chức Do Thái đã làm rõ ý đồ đen tối của họ, vì họ như tấm gương bám đầy bụi bẩn trần tục không thể tiếp nhận ánh sáng cho dân chúng, mà còn tìm mọi cách để che khuất và khử trừ Ánh Sáng.

Mọi người chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi chúng ta có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật, và tìm cách diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày.

Làm theo ý Thiên Chúa.

Khác với chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giêsu có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người. Như Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,19-21).

Như vậy, hai công việc mà Chúa Giêsu hằng làm như Chúa Cha làm chính là: Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương như vậy, và Chúa Cha cho kẻ chết sống lại thế nào thì Chúa Con cũng phục sinh ai Người muốn. Chính hai điều này mà Chúa Giêsu không ngại vượt qua những quy định thêm vào khắt khe của Biệt Phái về luật Sa-bát, Người dùng luật yêu thương để cứu chữa bệnh tật thân xác và phục sinh tâm hồn cho những ai tin vào Người: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (ga 5,24). Còn những ai không tin vào Chúa Giêsu như những người Biệt Phái kia thì tự loại mình ra, bởi: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga 5,23).

Như vậy, mọi người chúng ta hôm nay muốn làm theo ý Chúa Cha là khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống luật yêu thương vượt trên tất cả mọi sự ràng buộc khác.

Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu Ánh Sáng Chúa vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, để thánh hóa mọi bí ẩn tâm can và làm cho tâm hồn chúng con được sáng, hầu chúng con sống trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen.

THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY

 TIN MỪNG: Ga 5,31-47

SUY NIỆM
Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn.

Bài Tin Mừng hôm nay xoay quanh chủ đề Lời Chứng. Chúa Giêsu khẳng định Người không cần làm chứng về mình, nhưng có lời chứng từ Chúa Cha và những gì ghi trong Thánh Kinh cũng như các sứ ngôn làm chứng cho Người.

Lời chứng từ Chúa Cha.

Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Nhưng trong Tin Mừng Gioan có lẽ chỉ nói tới một lần nhãn tiền Chúa Cha phán vọng xuống rằng: “Ta đã tôn vinh Danh Ta, Ta sẽ còn tôn vinh nữa!" (Ga 12,28). Tuy nhiên, ở đây Chúa Giêsu giải thích Lời Chứng của Chúa Cha tức là việc Chúa Cha sai phái Chúa Con thực thi việc Cứu Độ, và việc đó đã được chứng nhận qua bao dấu lạ Người làm. “Thật vậy, Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương thế ấy, Chúa Cha ban sự sống thế nào thì Chúa Con cũng ban sự sống cho những ai Người muốn… Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào thì Chúa Con cũng vậy” (x.Ga 5, 20-21.26tt). Chính sự việc được xảy ra theo lời Chúa Giêsu là do Người thực hiện theo ý Chúa Cha và Chúa Cha đã làm cho việc đó xảy ra.

Những lời chứng khác.

Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến Môisê, Gioan Tẩy Giả và Thánh Kinh đều viết về Người, dù Chúa không cần đến những chứng cớ ấy, nhưng đó lại chính là cái mà người Do Thái tìm kiếm Đấng Messia. Tiếc là sự tìm kiếm của họ chỉ nhằm thỏa mãn theo ý họ, họ tìm những gì Thánh Kinh nói đến một Đức Kitô hiển hách theo kiểu người phàm; còn nếu có tìm kiếm một Đấng Messia như Thánh Kinh loan báo, thì họ cũng chỉ dừng lại ở những gì nói đến sự hiển thắng mà không quan tâm đến con đường khổ giá để đạt đến sự hiển thắng. Chính vì vậy mà họ không thể chấp nhận và không thể tin vào Đấng đã đến và đang nói với họ. Cho nên, Chúa Giêsu đã phải nói với họ rằng: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống… Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?" (Ga 5,39-40.46-47).

Một số người cho rằng bởi vì Thánh Kinh là Lời Chúa rồi nên họ đâu cần gì khác để hướng dẫn họ. Thế nhưng, cũng như Thiên Chúa đã nói qua các biến cố và qua các ngôn sứ, thì người cũng sẽ tiếp tục nói với chúng ta qua các biến cố thời sự và qua các vị hướng dẫn trong Giáo Hội nhờ Thần Khí. Vì thế, Chúa Giêsu tố giác những ai nghĩ họ đã nắm toàn bộ chân lý chỉ vì họ có cuốn Thánh Kinh, chứ không tin vào Người là Đấng Chúa Cha sai đến vẫn hằng ngày ở với họ.

Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau (Ga 5,44) mà vì thế trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen.


THỨ SÁU TUẦN IV MÙA CHAY

TIN MỪNG: Ga 7,1-2.10.25-30

SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta tập chú suy niệm về việc nhận biết Chúa Giêsu như thế nào cho đúng với bản tính tự hữu của Người. Người là một Thiên Chúa đồng bản thể với Chúa Cha từ đời đời, hay chỉ là một con người Giêsu bình thường xuất thân từ làng Nazareth như cách biết của nhóm lãnh đạo Do Thái.

Biết Đức Giêsu là ai?

Biết Đức Giêsu là ai là điều cốt yếu đối với chúng ta, vì điều mà Người ban tặng cho chúng ta là vô giá: đó là được thông phần sự sống của Thiên Chúa. Nhưng nếu Đức Giêsu không đến từ Thiên Chúa và không là Thiên Chúa thì lời hứa đó chẳng có giá trị gì. Chính vì vậy mà phải khám phá ra cho được Đức Giêsu là ai, vì nhờ đó mà chúng ta tìm thấy ơn cứu độ.

“Chúng tôi biết ông xuất thân từ đâu” (Ga 7,27). Những người Do Thái này tưởng mình biết Thánh Kinh, nhưng Thánh Kinh lại có trăm ngàn chỗ vượt quá trí hiểu của chúng ta nếu chúng ta không biết lắng nghe. Trước mặt họ, Chúa Giêsu tự xưng mình là Đấng Thiên Sai. Người dùng tước hiệu này không phải để gây sự nể nang, nhưng là để làm nổi bật đặc tính của Người là liên hệ với Chúa Cha đồng thời biết rõ Chúa Cha (x. chú giải của nhóm CGKPV).

Thật ra, chỉ vì người Do Thái chỉ tìm những đoạn Thánh Kinh có lợi cho họ, họ tìm những gì mang tính siêu việt và vẽ ra một Đấng Cứu Thế phải thoả mãn tham vọng của họ, nên họ cố tình bỏ qua những lời Thánh Kinh tiên báo về nơi sinh hạ, cũng như những gì các ngôn sứ viết về người tôi tớ đau khổ của Gia-vê.

Thời nào cũng thế, con người vẫn muốn đi tìm một Thiên Chúa theo ý mình, nên họ khó lòng chấp nhận một Đức Giêsu vác khổ giá đồng hành với họ.

Biết và yêu.

Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì chúng ta đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?

Cũng vậy, người Do Thái biết rất rõ về nguồn gốc nhân loại của Chúa Giêsu sinh ra ở đâu, con cháu ai và làm nghề gì, và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết Chúa Giêsu vậy, thậm chí biết rõ hơn chúng ta nhiều, nhưng ma quỷ đâu có yêu mến Người.

Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giêsu ngự trong Bí Tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Ngài thật không? Tin và biết là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.

Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Người không? Có đến viếng Thánh Thể không?

Lạy Chúa Giêsu, có thể chúng con đã từng tự hào biết Chúa qua những nghiên cứu, nhưng lại không yêu mến Chúa cho đủ. Xin Chúa cho chúng con biết Chúa là một Thiên Chúa đích thực là Đấng đã chịu đau khổ và chết vì chúng con, chứ không phải đi tìm một Thiên Chúa thỏa mãn ý mình. Để từ đó, chúng con không ngại bước theo con đường khổ giá mà Chúa đã đi, hầu đạt tới vinh quang phục sinh với Chúa. Amen.


THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY

TIN MỪNG: Ga 7,40-53

SUY NIỆM
Người xưa tin rằng, miền đất nào có “long mạch” (gân rồng) thì ở đó sẽ xuất hiện bậc đế vương hoặc hiền tài. Đời nhà Đường (vua Đường Ý Tông năm 860-873) bên Trung Quốc đã cử một thầy pháp về phong thủy tên là Cao Biền sang nước Việt chúng ta để đi trấn yểm các nơi có long mạch, nhằm nước Việt sẽ không có bậc vương quân nào xuất hiện và mãi mãi làm nô lệ cho Tàu. Cũng đâu chỉ đến khi Cao Biền qua trấn yểm long mạch, mà trước đó bao trăm năm người dân Việt đã nô lệ cho giặc Tàu hùng mạnh đến nỗi mất dần niềm tin về chủ quyền, sự việc càng tệ hơn khi người ta không còn tin là nước Việt còn có thể xuất hiện được vị quân vương nào cứu mình nữa và như an phận trong kiếp nô lệ trải qua bao nhiêu đời vua chúa phương Bắc.

Ngày xưa suốt bốn trăm năm nô lệ bên Ai Cập, dân Do-thái cũng hầu như tuyệt vọng và an phận trong kiếp tôi mọi, cho đến khi Chúa cho xuất hiện Môi-sê cứu họ và chính họ đã không tin nổi lời Môi-sê dù chứng kiến phép lạ.

Một số cấp lãnh đạo tôn giáo trong dân Do-thái mà bài Tin Mừng hôm nay kể đến, phần thì họ như tuyệt vọng về kiếp sống bị ngoại bang (Rôma) đô hộ, phần vì họ mang trong mình một thành kiến về quá khứ là chưa có một vị ngôn sứ nào xuất thân từ Nazareth (Galilê), chính Bartholomeo trước khi được gọi làm môn đệ cũng đã trả lời là: “nào ở Nazareth nào có cái chi hay?”

Điều mà người Do-thái bám víu vào vẫn là lời ngôn sứ tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít và sinh tại thành Đa-vít là Bêlem, là một thành phía Nam gần thủ đô Giêrusalem. Trong khi Chúa Giê-su ở làng Nazareth, thuộc Galilê là một thành phía Bắc. Có một số người biết Đức Giêsu sinh tại Bêlem trong khi Giuse và Maria về Bêlem khai hộ khẩu, rồi sau khi từ Ai-cập về đã định cư tại Nazareth, nên những người Do-thái cãi nhau và chia rẽ lẫn nhau.

Tuy nhiên có một thực tế mà họ không thể chối cãi là họ chưa từng gặp một ai giảng dạy như Chúa Giêsu, đến nỗi những lính tráng của các thượng tế cũng phải về báo cáo là: "Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! " (Ga 7,46). Đáng tiếc là nhóm cầm quyền về tôn giáo của Do-thái cố tình không nhìn ra sự thật, họ còn lên án bất kỳ ai dám ca ngợi về Chúa Giêsu và tự cho họ mới là người nắm giữ chân lý. Họ lên án từ lính đến dân và cả người cùng cấp với họ là Nicôđêmô: "Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! " (Ga 7,47-48). Lời tuyên bố của giới thủ lãnh đã tự lên án họ và loại họ ra khỏi đức tin khi nói: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” (Ga 7,47).

Thật ra, không phải là các thượng tế và kinh sư Do-thái không biết, nhưng là họ sợ mất quyền lợi, như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất. Chúa Giêsu là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của giới cầm quyền.

Có thể không ít người trong chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật. Chúng ta ghanh ghét và lên án bất kỳ ai dám nói thật và tìm cách cả vú lấp miệng em hoặc dùng quyền diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày.

Lại nữa, chúng ta vẫn mang trong mình thành kiến về nguồn gốc hay quá khứ của ai đó thì mãi mãi như vậy. Một người hiện nay tốt thế nào, thì trong mắt chúng ta họ vẫn là xấu khi chúng ta xét đoán họ có một lý lịch dòng họ hoặc quá khứ của họ. Chúng ta vẫn dùng sự thành kiến và hiểu biết của mình để kỳ thị người khác…

Lạy Chúa Giêsu, cũng như người Do-thái xưa, chúng con vẫn cố tình bịt mắt lương tâm lại để lẩn tránh sự thật; chúng con cũng cũng tìm lý do để biện minh cho những sai trái của mình và sẵn sàng lên án bất cứ ai dám nói lên sự thật. Xin cho chúng con trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh này, biết khiêm tốn lắng nghe và đón nhận những lời góp ý của mọi người, mà ra sức sửa đổi cho hợp với ý Chúa. Amen.
Hiền Lâm

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :