www.langminhnews.net

LỜI CHỦ CHĂN Tháng 06/2017

MẪU ĐỜI LINH MỤC, TU SĨ THÁNH THIỆN
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến,
Tôi luôn cầu nguyện và ước ao được nhìn thấy trong Giáo phận một hàng ngũ linh mục và tu sĩ thánh thiện, hết lòng với Thiên Chúa và hết mình với đoàn chiên đã được Ngài trao phó để hướng dẫn, chăm sóc và phục vụ thay cho Ngài, bởi lẽ: “Chính sự thánh thiện của linh mục mang đến hoa trái dồi dào cho tác vụ của các ngài…”[1]. Lòng ao ước đó hôm nay, nhân dịp tháng Thánh Tâm, thúc đẩy tôi chia sẻ về sự thánh thiện và nhiệt huyết tông đồ, không phải bằng những suy tư thần học, nhưng qua những gương sáng thánh thiện, đơn sơ và gần gũi của một số linh mục, tu sĩ sống trong thời đại chúng ta.
Qua phương tiện truyền thông, tôi đã đọc một số bài viết về cuộc đời của cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, thuộc Tu hội Truyền giáo Thánh Vinh Sơn, mới qua đời ngày 10 tháng 5 năm 2017 vừa qua. Những bài viết đó đã giúp tôi nhận ra gương sống thánh thiện nơi cha Augustinô Nguyễn viết Chung và một vài gương sống thánh thiện khác, đã gợi hứng cho sự thánh thiện của ngài.
Dưới đây, tôi sẽ trích lại một vài đoạn trong những bài viết về cha Augustinô Nguyễn Viết Chung để sau đó có đôi lời tâm sự gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ.

I. Một vài trích đoạn từ những bài viết về cha Augustinô Nguyễn Viết Chung
Bài viết của Bùi Văn Phụng
Một ngày vào năm 1973, các báo ở Sài Gòn đồng loạt đưa tin về cái chết của Jean Cassaigne, một người Pháp, nguyên là Giám Mục Sài Gòn, qua đời tại một trại phong ở Di Linh, một nơi đèo heo hút gió trên đường từ Sài Gòn đi Đà Lạt. Nguyễn Viết Chung đọc tiểu sử của vị cố Giám Mục trên báo và không hiểu do đâu anh lại mong muốn được nên giống ngài ở chỗ phục vụ người cùng khổ cho đến hơi thở cuối cùng. Anh chẳng biết gì về Đạo Công Giáo, thế mà Đức Cha Cassaigne lại là thần tượng của anh.
Năm 1974, Chung học Y Khoa Đại Học Sài Gòn. Tại đây anh gặp người công giáo đầu tiên trong đời anh, giáo sư bác sĩ Lichtenberger người Bỉ, dạy môn Mô phôi học. Chung ngưỡng mộ sự uyên bác khoa học vô song của ông. Các bài giảng vô cùng sinh động và phong phú của nhà khoa học uyên thâm làm cho Chung mê mẩn một cách lạ lùng. Chung kinh ngạc khám phá và nhận ra vị giáo sư khả kính này lại là một Linh Mục dòng Tên. Sau đó, Anh thường cùng các bạn trường Y đến nhà thờ để xem Giáo sư Lichtenberger dâng lễ… Năm 1984, bác sĩ Chung khi đó 29 tuổi, xin được bổ nhiệm lên trại phong Di Linh để thực hiện giấc mơ lớn nhất của đời anh. Nhưng theo đúng thủ tục hành chánh thì anh phải trình diện và chịu sự điều động của Sở Y tế Lâm Đồng. Bà trưởng phòng ngạc nhiên hỏi:
Anh có điên không hay là anh bị cùi?
Nếu tôi cùi thì bà đã thấy rồi. Còn có điên hay không thì tôi không biết, nhưng điều tôi biết là tôi mong muốn phục vụ những người cùi. …… Năm 1993, bác sĩ Chung tình nguyện lên công tác tại trại phong Bến Sắn, Bình Dương. Tại đây, anh làm việc hăng say như để đạt được tâm nguyện của mình giống như Đức Giám Mục Cassaigne trong việc phục vụ người bịnh phong cùi. Anh hết sức tận tụy không nề hà. Nhưng dù như thế anh vẫn thấy mình thua xa các Sơ Nữ Tử Bác Ái trong việc yêu thương phục vụ người bịnh. Các Sơ luôn nhẫn nại lắng nghe, phục vụ người bịnh hết lòng, không bao giờ làm họ buồn tủi. Tinh thần hy sinh, quảng đại đó khiến cho anh cảm phục. Anh cho rằng muốn có được tinh thần yêu thương người nghèo khổ như thế, anh phải trở thành một người giống như các Sơ. Anh chưa phải là người Công Giáo, nên anh không thể hiểu được tinh thần làm việc của các Sơ. Anh cũng muốn được phục vụ với tinh thần giống như các Sơ.
Ngày 28.8.1993, bác sĩ Chung đến gặp Cha Hoàng Văn Đoàn, dòng Tên, tại Bình Dương xin học giáo lý dự tòng. Ngày 15.5.1994, bác sĩ Chung được cha chính xứ Bến Sắn, Linh mục Trần Thế Thuận, làm lễ rửa tội cho anh tại nhà nguyện trại phong Bến Sắn. Nhưng bác sĩ Chung không hài lòng khi chưa được trở nên giống các Sơ để có thể yêu thương phục vụ người nghèo.
Ở tuổi tứ tuần, theo đuổi ơn gọi tu sĩ là một điều quá khó khăn. Dù vậy, ngày 15.9.1994, bác sĩ Chung trở thành tập sinh lớn tuổi nhất của dòng Vinh Sơn nam, số 40 đường Trần Phú, Đà Lạt.
Ngày lễ Truyền Tin (25.3.2003), Giáo Hội trao tác vụ Linh mục cho thầy Augustinô Nguyễn Viết Chung qua việc đặt tay của Giám mục Giuse Vũ Duy Thống tại nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài gòn.

Ngày 3.4.2003, Linh Mục Nguyễn Viết Chung quay về trại phong Bến sắn dâng Thánh lễ tạ ơn trong sự hân hoan của các bịnh nhân phong với sự hiện diện của cha sở Bến sắn, người mà 9 năm trước đây đã làm lễ rửa tội cho cha. Cha mới Augustinô Nguyễn Viết Chung vẫn giữ thái độ khiêm nhường, yêu thương và cung kính với các người bịnh và vẫn xưng mình là “con” khi nói chuyện với các bịnh nhân lớn tuổi.
Tháng 3 năm 2009, tôi về Sài Gòn có dẫn người cháu đến thăm Linh mục Nguyễn Viết Chung, cha dong dỏng cao, hơi ốm, nói năng nhỏ nhẹ: “Con cũng chỉ là cái máng để hứng lấy tình yêu thương của mọi người để mang đến cho những người kém may mắn”.

Bài viết của Hương Vĩnh
Linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung nguyên là một bác sĩ Phật giáo, chuyên môn về Da Liễu. Khi lên 18 tuổi, nhân đọc một bài báo nói về cái chết của Đức Cha Jean Cassaigne tại trại phong Di-Linh, cậu Chung cảm thấy cuộc sống đó quá tốt đẹp và vô tình Đức Cha Jean Cassaigne đã trở thành thần tượng của cậu… Từ đó cậu Chung có ý nguyện học làm bác sĩ để phục vụ bệnh nhân phong như Đức Cha Jean Cassaigne.
Khi bác sĩ Chung phục vụ tại trại phong Bến Sắn, Dì Hai Loan thuộc Tu Hội Nữ Tử Bác Ái là Phó Giám Đốc. Dì là người đã phục vụ ở đây gần 17 năm, bất ngờ ngã bệnh ung thư và mất đi sau mấy tháng. Khi Dì hấp hối, bác sĩ Chung đang sửa soạn để đi với bác sĩ Quang, bác sĩ Bích Vân lên trại phong Di-Linh khám mắt cho bệnh nhân. Vì xe chưa tới, bác sĩ Chung tiếc nuối những giây phút cuối cùng còn lại với Dì Hai Loan nên đã trở lại giường bệnh của Dì. Lúc đó Dì Hai Loan mở mắt ra, nhìn bác sĩ và đôi môi mấp máy như muốn nói điều gì. Dì Mười hiểu được, liền nói: “Chung, Dì Hai Loan nói, tại sao chưa đi?”… Sau đó, bác sĩ Chung đã về dự tang lễ của Dì Hai Loan và đã quyết định theo đạo. Một năm sau nữa bác sĩ Chung đã vào tu ở Tu Hội Truyền Giáo Thánh Vinh Sơn và đã nhận lãnh Thánh chức linh mục hơn một năm nay…
Nguyện ước của cha Chung là được phục vụ bệnh nhân phong và bệnh nhân Aids. Cha đã thực hiện nguyện ước, rồi cuối cùng ngã bệnh giữa những bệnh nhân mà cha yêu thương phục vụ, đúng như lời Chúa Kitô đã phán dạy: “Không có tình yêu nào cao trọng cho bằng hy sinh mạng sống mình vì kẻ mình yêu!”
Khi còn là tu sĩ, chưa được thụ phong linh mục, một ngày kia được tin cụ thân sinh bệnh, cha đi xe đạp về thăm. Vừa vào nhà, cụ thân sinh liền quở trách cha là một người “không biết nhục”. Theo lời cụ, các bạn bè của cha đều đi xe hơi, xây nhà lầu hai ba tầng cho bố mẹ ở. Còn cha, cha lại đạp chiếc xe đạp cọc cạch về thăm nhà! …
Đáp câu hỏi của tôi là trong thời gian đi tu cũng như làm linh mục, có lúc nào cha cảm thấy những thử thách quá lớn và nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc? Cha đăm chiêu nhìn tôi một phút rồi chậm rãi trả lời: “Thật ra, ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Âm…thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”
Cha Chung còn chia sẻ với tôi đôi điều có tính cách riêng tư nhưng có phần nào ray rứt tâm can. Trong giờ phút cảm động đó, tôi đã đưa tâm hồn lên với Chúa, cầu nguyện cho cha Chung và cho tất cả các linh mục cũng như nam nữ tu sĩ, đã trải qua những giây phút cô đơn trong cuộc đời tu trì, bằng lời kinh “Phút Cô Đơn” của Ludovic Giraud…
Cao điểm của những ngày về thăm Việt-Nam là việc tôi tháp tùng linh mục Augustinô Nguyễn Viết Chung đi thăm viếng Trung Tâm Mai-Hòa. Cha Chung hiện là một trong ba bác sĩ phục vụ tại Trung Tâm đó do các Nữ Tử Bác Ai Thánh Vinh Sơn đảm trách. Mỗi thứ hai hằng tuần, cha Chung đều lên Mai-Hòa suốt ngày để dâng Thánh lễ và khám bệnh. Hai bác sĩ thiện nguyện khác sẽ khám bịnh cho bịnh nhân vào ngày thứ tư và thứ bảy. Đây là Trung Tâm săn sóc bệnh nhân Aids ở giai đoạn cuối, không nơi nương tựa. Đây là một cơ sở Công giáo đầu tiên được chính thức thành lập để chăm sóc bịnh nhân Aids tại Việt-Nam.
Khi tới nơi, cha Chung và tôi cởi nón an toàn và bộ quần áo mưa ra. Mồ hôi tôi ướt đẫm như tắm. Nghe tiếng xe honda của cha Chung, mấy em bé năm sáu tuổi chạy ra mừng rỡ la lớn: “Cha ơi! Cha!” chẳng khác nào cảnh tượng mẹ đi chợ về…
Đây là Thánh lễ cảm động nhất mà tôi đã tham dự từ trước tới nay. Thánh Lễ được cử hành đơn giản trong một căn nhà thủy tạ hình bát giác, bên dưới là một giòng nước đục ngầu ứ đọng, không buồn chảy, chẳng khác gì giòng đời với chuỗi ngày dài lê thê của những bệnh nhân ở đây. Nghe những tiếng thưa đáp của các bệnh nhân trong Thánh lễ – nhất là của các em bé – tôi không thể cầm được nước mắt. Suốt buổi lễ, nước mắt tôi chan hòa, khi thấy các em vẫn hồn nhiên đọc kinh, hát xướng như thường, không chút ý thức về số phận đen tối đang đè nặng trên các em...
Tôi nhớ lại sau đó, cha Chung đã vào thăm các em trong căn nhà dành riêng cho các em. Các em đã xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha. Có em đã được cha ẵm lên, vuốt ve một cách trìu mến…

II. Đôi tâm tình gửi đến quý Cha và quý Tu sĩ
Quý Cha và quý Tu sĩ rất thân mến, đọc qua những dòng nói về cuộc đời cha Augustinô Nguyễn Viết Chung, tôi cảm thấy như đụng chạm được sự thánh thiện; tôi thấy sự thánh thiện hết sức quyễn rũ, lại rất gần gũi, ai cũng có thể nên thánh được. Xin quý Cha và quý Tu sĩ cho tôi tâm sự thêm ít điều.
Vẻ đẹp của sự thánh thiện có sức quyến rũ, lay động và lôi kéo tâm hồn Tất cả cuộc đời và sự phục vụ âm thầm, giản dị của cha Augustinô Chung làm toát ra một vẻ đẹp thần thánh, có sức quyến rũ, lay động và lôi kéo tâm hồn. Đang ở độ tuổi thanh niên, với những giấc mơ quyền bính, giầu sang của lứa tuổi 18, chưa biết gì về Đạo Công Giáo, thế mà mới chỉ đọc bài báo nói về Đức Cha Cassaigne phục vụ người cùi và chết vì bệnh cùi giữa những người cùi, cậu Chung đã muốn bắt chước ngài phục vụ người cùi. Cái gì đã lôi cuốn cậu Chung? Trong lớp học, cậu Chung cảm phục sự uyên bác của giáo sư bác sĩ Marcel Lichtenberger, thầy dạy của mình và khi khám phá ra ngài là một linh mục người Bỉ, lại bỏ giờ đi “xem ngài làm lễ”. Điều gì đã hấp dẫn cậu Chung? Khi phục vụ tại trại phong Bến Sắn, cảm phục các Dì Nữ Tử Bác Ái, nhất là Dì hai Loan vì đời sống và lòng bác ái phục vụ của các Dì, bác sĩ Chung đã quyết định gia nhập Giáo Hội Công Giáo, đi tu trong Tu hội Truyền giáo Vinh Sơn và trở thành linh mục. Sức mạnh nào đã thúc đẩy cậu Chung?
Vẻ đẹp thánh thiện nơi cha Augustinô Nguyễn Viết Chung cứ tăng lên mãi tới đoạn cuối của cuộc đời, tác giả Hương Vĩnh đã ghi lại trong mấy dòng ngắn ngủi, nhưng có sức lôi cuốn lạ lùng: “Nghe tiếng xe honda của cha Chung, mấy em bé năm sáu tuổi chạy ra mừng rỡ la lớn: Cha ơi! Cha! chẳng khác nào cảnh tượng mẹ đi chợ về… Đây là Thánh lễ cảm động nhất mà tôi đã tham dự từ trước tới nay… Tôi nhớ lại sau đó, cha Chung đã vào thăm các em trong căn nhà dành riêng cho các em. Các em đã xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha. Có em đã được cha ẵm lên, vuốt ve một cách trìu mến…”
Bởi đâu các em bé khi thấy cha Chung tới, đã mừng rỡ chạy ra tíu tít: “Cha ơi! Cha!”? Bởi đâu các em “xúm lại ôm chân cha, níu kéo cha và quyến luyến không muốn rời khỏi cha”? Bởi đâu Cha lại có đủ can đảm ẵm các em lên “vuốt ve một cách trìu mến”? Chúng đâu có phải là con riêng của Cha, lại là những đứa trẻ ốm yếu, bị bệnh Aids hành hạ!
Cuộc đời của cha Augustinô Chung là một bức họa tuyệt đẹp của sự thánh thiện, phát xuất từ sự thánh thiện của Thiên Chúa, xuyên qua những con người thánh thiện là Đức Cha Jean Cassaigne, linh mục giáo sư bác sĩ Marcel Lichtenberger, Dì hai Loan và các dì Nữ Tử Bác Ái tại trại phong Bến Sắn và Trung tâm Mai Hòa.
Đấy, thưa quý Cha và quý Tu sĩ, tôi ao ước biết bao có được tại giáo phận Xuân Lộc hàng linh mục và tu sĩ thánh thiện vì được sự thánh thiện của Thiên Chúa lôi cuốn, lay động và sự thánh thiện đó, xuyên qua các ngài, lôi cuốn và lay động tất cả đoàn Dân Chúa, biến con cái giáo phận Xuân Lộc thành “dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người” (1Pr 2,9).
Khao khát, nâng niu nguồn mạch sự thánh thiện Sự thánh thiện, nhất là sự thánh thiện lan tỏa qua ơn gọi độc thân, có một sức mạnh lôi cuốn lạ thường, có khả năng lướt lên trên nhiều rào cản, thu hút mọi người, nhưng lại hết sức dòn mỏng, cần phải được nâng niu và bảo vệ. Khi được hỏi trong hành trình tu trì cũng như thi hành sứ vụ linh mục, có lúc nào cha gặp những thử thách lớn lao đến độ nảy sinh ý định muốn bỏ cuộc không, cha Augustinô trả lời:“Thật ra ở giai đoạn nào trong đời sống tu trì cũng đều có những cám dỗ riêng: từ nhà tập đến khấn tạm rồi khấn trọn đời và làm linh mục. Nhưng nếu tu sĩ biết tuân giữ ba lời khấn là vâng lời, khiết tịnh và khó nghèo, đọc kinh Nhật Tụng, suy gẫm Phúc Âm…thì sẽ vượt qua những cơn cám dỗ.”
Sự thánh thiện không phải là một vật quí hiếm giữ trong bảo tàng viện, sở hữu một lần là có được mãi mãi, nhưng là hoa trái của mối tình thân với Thiên Chúa, cần phải được gìn giữ, nuôi dưỡng và phát triển thêm mỗi ngày. Để gìn giữ và làm tăng triển sự thánh thiện, cần phải có ba hành động sau đây:
Khao khát Thiên Chúa và sống trong tình thân với Ngài: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.” (Tv 62,2).
Dám chịu thiệt thòi và từ bỏ tất cả vì Chúa Giêsu, kể cả những thú vui chính đáng nho nhỏ hằng ngày: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được… Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.” (Lc 14,26-27.33); “Xin quý ông bà cầu nguyện cho cháu được giữ nghĩa cùng Chúa mỗi ngày cho đến chết” (Chân phước Thầy Giảng Anrê Phú Yên).
Đặt ra cho mình một quy luật sống riêng, đáp ứng vào thực tại cụ thể của mình, được đặt nền tảng trên “thái độ luôn sẵn sàng hành động không phải theo ý riêng nhưng theo ý Đấng đã sai mình (x. Ga 4,34; 5,30; 6,38)” [2]. Với lòng quý mến và tin tưởng, xin kính chúc quý Cha và quý Tu sĩ được tăng thêm lửa yêu mến và nhiệt thành nên thánh, đặc biệt trong tháng Thánh Tâm này. Ước mong quý Cha và quý Tu sĩ dành nhiều thời gian hơn để nép mình, tựa nương bên Thánh Tâm Chúa, từ đó sẽ trở nên giống Chúa và đủ sức mạnh để thúc đẩy đoàn Dân Chúa nhiệt thành nên thánh. Xin Đức Mẹ là Mẹ các linh mục và Nữ vương các kẻ đồng trinh khơi lên trong lòng quý Cha và quý Tu sĩ lửa nhiệt thành và lòng khát khao nên thánh.

+ Giuse Đinh Đức Đạo
Giám mục Giáo phận Xuân Lộc

[1] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Tác Vụ và Đời Sống các Linh Mục (Presbyterorum ordinis), số 15.
[2] Công đồng Vaticanô II, Sắc lệnh về Tác Vụ và Đời Sống các Linh Mục (Presbyterorum ordinis), số 12.


www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :