www.langminhnews.net

Lương tâm Kitô hữu

Trong thư Ro-ma, thánh Phao-lô đã nói về lương tâm và giải thích như sau: “Dân ngoại là những người không có Luật Mô-sê; nhưng mỗi khi họ theo lẽ tự nhiên mà làm những gì luật dạy, thì họ là luật cho chính mình, mặc dầu họ không có Luật Mô-sê. Họ cho thấy là điều gì luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2, 14-16).

Thực vậy, con người ai cũng có lương tâm vì “Lương tâm hiện diện trong sâu thẳm lòng người, chỉ bảo cho con người vào đúng lúc phải làm lành hay lánh dữ, chuẩn y những chọn lựa tốt và phản đối những chọn lựa xấu. Nhờ phán đoán của lương tâm, con người cảm thấy và nhận biết những quy định của Lề luật thần linh”(GLTK, bài “Lương Tâm”, nguồn tgpsaigon.net).

Công đồng Vat. II cũng khẳng định về vấn đề lương tâm, như sau: “Con người khám phá ra tận đáy lương tâm một lề luật mà chính con người không đặt ra cho mình, nhưng vẫn phải tuân theo. Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người... Quả thật, con người có một lề luật được Thiên Chúa khắc ghi trong tâm hồn. Tuân theo lề luật ấy chính là phẩm giá của con người... lương tâm là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ” (HC Vui Mừng và Hi Vọng / GS số 16 – x. GLHTCG số 1776).

Đức Hồng y Newman trong thư gởi quận công Norfolk cũng đã nói về sự cao trọng của lương tâm, như sau: “Lương tâm là một lề luật của tinh thần con người, nhưng vượt trên con người. Lương tâm ra lệnh, nêu lên trách nhiệm và bổn phận, điều chúng ta phải sợ và điều có thể hy vọng....Lương tâm là sứ giả của Ðấng nói với chúng ta sau một bức màn, dạy dỗ và hướng dẫn chúng ta, trong thế giới tự nhiên cũng như trong thế giới ân sủng. Lương tâm là vị đại diện thứ nhất trong các đại diện của Ðức Kitô” (x. GLHTCG số 1778).

* VAI TRÒ CỦA LƯƠNG TÂM TRONG ĐỜI SỐNG KI-TÔ HỮU

Lương tâm có một chỗ đứng quan trọng trong đời sống đức tin Ki-tô hữu. Bởi đó là tâm điểm sâu lắng nhất và là cung thánh của con người; nơi đây con người hiện diện một mình với Thiên Chúa và tiếng nói của Người vang dội trong thâm tâm họ (Vat II, GS số 16). Thiên Chúa đã dùng lương tâm để nói với chúng ta với tư cách là một sứ giả vĩ đại, một vị quan tòa công minh và một thầy dạy khôn ngoan.

. Sứ giả của Đấng vô hình

Vì là sứ giả của Thiên Chúa, nên tiếng nói của lương tâm luôn hướng chúng ta về Chân – Thiện – Mỹ. Thực vậy, “Lương tâm chứng nhận thế giá của chân lý bằng cách quy chiếu về Thiên Chúa là sự thiện tối thượng, Đấng thu hút và ban mệnh lệnh cho con người. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể cảm nhận được Thiên Chúa đang nói với mình” (GLHTCG số 1777). Công đồng Vat. II cũng khẳng định: “Tiếng nói của lương tâm luôn luôn kêu gọi con người phải yêu mến và thi hành điều thiện cũng như tránh điều ác. Tiếng nói ấy âm vang đúng lúc trong tâm hồn của chính con người...” (GS 16).

. Quan tòa phán xét công bình

Khi chúng ta làm một điều gì đó thuộc về sự xấu, sự ác, sự tội thì trong thâm tâm chúng ta cảm thấy áy náy và bất an. Đó là biểu hiện lương tâm chúng ta đang bị cắn rứt. Đó chính là lúc lương tâm lên tiếng như một vị quan tòa đang xét xử. Thực vậy, “Lương tâm là một phán quyết của lý trí; nhờ đó, con người nhận biết một hành vi cụ thể mình định làm, đang làm hay đã làm, là tốt hay xấu. Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa” (GLHTCG số 1778).

Vì lương tâm là lề luật của tinh thần của con người, nhưng vượt trên con người nên tiếng nói của nó có uy lực. Trước khi phán đoán, hành động hay ứng xử điều gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào, con người phải nghe theo phán quyết của lương tâm. Những phán quyết ấy có những tiêu chuẩn riêng căn cứ theo những lề luật mà Thiên Chúa đặt để trong nội tâm con người.

Thực vậy, “Lề luật đó, chính là lương tâm được Chúa khắc ghi trong tâm hồn, được biểu lộ cách kỳ diệu, được thực hiện trong sự yêu Chúa và yêu người. Phẩm giá của con người hệ tại việc tuân theo lề luật của lương tâm. Con người sẽ bị xét xử theo lề luật của lương tâm mình” (Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang, bài “Vấn đề Giáo dục Lương Tâm”, nguồn conggiao.info).

. Thầy dạy khôn ngoan và đáng tin cậy

Lương tâm cũng có vai trò như một thầy dạy khôn ngoan và đáng tin cậy. Mỗi khi chúng ta áy náy băn khoăn do dự, chúng ta hãy tự hỏi lương tâm và lắng nghe câu trả lời. Lương tâm sẽ hướng dẫn chúng ta là điều lành điều ngay và tránh điều dữ điều xấu. Thực vậy, “Mỗi người phải quay về với nội tâm, để có thể nghe được tiếng lương tâm. Ngày nay, việc quay về với nội tâm càng cần thiết hơn bao giờ hết, vì nếp sống hiện đại thường làm cho chúng ta trốn tránh suy nghĩ, kiểm điểm hay phản tỉnh: ’Anh em hãy quay về tự vấn lương tâm....Hãy quay về với nội tâm. Trong mọi sự anh em làm, hãy nhìn lên Thiên Chúa, Người chứng giám cho anh em’ (Thánh Augustinô, thư Gioan 8, 9)” (GLHTCG số 1779).

Vai trò hướng dẫn, chỉ dạy của lương tâm luôn rõ ràng. Gíáo lý HTCG đã nêu rõ: “Trong lời nói và hành động, con người phải trung thành tuân theo điều mình biết là chính đáng và ngay lành. Nhờ phán quyết của lương tâm, con người ý thức và nhận ra những quy định của luật Thiên Chúa” (Số 1778).

* VẤN ĐỀ GIÁO DỤC RÈN LUYỆN LƯƠNG TÂM KI-TÔ HỮU

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng không phải lúc nào phán đoán của lương tâm cũng đúng, cũng phải, cũng đáng tin cậy. Thậm chí có nhiều trường hợp lương tâm chúng ta trở nên chai lì và lệch lạc...khiến chúng ta có thể mắc sai lầm trong phán đoán một cách dễ dàng. Thực vậy, lương tâm có thể sai lạc, “Lương tâm vốn là tiếng nói tốt lành song có thể trở thành sai lạc do hoàn cảnh tác động, hoặc do lười biếng trau dồi khiến lương tâm thiếu hiểu biết, và nhất là do quá quen phạm tội nên lương tâm đã trở thành chai lì không nhận biết điều tốt lành. Mỗi người phải quay về nội tâm để kiểm điểm nếp sống hiện tại của mình sao cho phù hợp với đường lối của Thiên Chúa” (Bài GL “Lương tâm và tội lỗi”, nguồn simonhoadalat.com).

Vậy xét thực tế, lương tâm có thể phán đoán đúng hoặc phán đoán sai: “Khi phải đứng trước một chọn lựa, lương tâm có thể phán đoán đúng, hợp theo lý trí và luật Thiên Chúa, hoặc ngược lại, phán đoán sai” (GLHTCG số 1786). Và đây là những yếu tố làm lệch lạc phán đoán của lương tâm chúng ta, đó là: “Những lệch lạc trong phán đoán luân lý có thể xuất phát từ: a- Thiếu hiểu biết về Ðức Ki-tô và Tin Mừng; b- Gương xấu của người khác; c- Nô lệ các đam mê; d- Nghĩ sai lạc về tự do lương tâm; e- Khước từ quyền bính và giáo huấn của Hội Thánh; g- Thiếu hoán cải và bác ái” (GLHTCG số 1792).

Do việc lương tâm của ta có thể sai lầm và phán đoán chủ quan của ta có thể sai lạc, nên Hội thánh luôn nhắc nhở chúng ta phải quan tâm đến việc rèn luyện và giáo dục lương tâm.

Giáo lý HTCG dạy: “Lương tâm phải được rèn luyện và phán đoán luân lý phải được soi sáng. Một lương tâm rèn luyện tốt sẽ phán đoán ngay thẳng và chân thật. Lương tâm này sẽ đưa ra những phán quyết theo lý trí, phù hợp với điều kiện đích thực như Đấng Sáng tạo đầy khôn ngoan muốn. Việc giáo dục lương tâm rất cần thiết cho những người chịu ảnh hưởng các ảnh hưởng tiêu cực và bị tội lỗi cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thực” (Số 1783).

Thư Chung năm 2010 của HĐGMVN số 38 cũng nêu rõ, “Cách đặc biệt, Giáo Hội xác tín rằng việc giáo dục lương tâm cho mọi người là hết sức cần thiết. Theo đề nghị của Đại Hội Dân Chúa, ‘các giáo xứ cần quan tâm đến nền giáo dục đại chúng về lương tâm, những giá trị nhân bản và văn hóa đối thoại, dưới ánh sáng Lời Chúa’. Với lương tâm ngay chính, họ thoát khỏi chủ nghĩa tương đối về luân lý và sống đúng ơn gọi làm người của mình, giúp họ sống đạo cách ý thức và trưởng thành hơn. Ngoài ra, quyết định sống tốt một cách can đảm sẽ là một thông điệp mời gọi người khác cũng quyết định sống tốt”.

Trong việc rèn luyện lương tâm của người Ki-tô hữu, không thể không nhắc đến vai trò của Đức tin và Lời Chúa.

Đối với tác động của đức tin: Lương tâm sẽ được đức tin chân chính soi sáng, như thánh Phao-lô đã khẳng định: “Lương tâm tốt lành và trong sáng của người tín hữu còn được đức tin chân chính soi sáng, vì đức ái xuất phát đồng thời từ ‘một tâm hồn trong sạch, một lương tâm ngay thẳng và một đức tin chân chính’ “ (1 Tm 1, 5) (GLHTCG số 1794). Như vậy đức tin là ánh sáng, là đèn soi cho lương tâm đi đúng đường lối mà Chúa đã dạy. Chính đức tin vừa soi đường dẫn lối cho lương tâm theo đường ngay nẻo chính, mà còn là một sức mạnh nâng đỡ cho chúng ta vượt thắng những cám dỗ làm theo ý riêng và bỏ những giáo huấn chính thức…

Về Lời Chúa đối với lương tâm, Hội thánh dạy: “Lời Chúa là ánh sáng chỉ đường để rèn luyện lương tâm” (GLHTCG số 1785). Mọi tín hữu phải luôn kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng của Lời Chúa: “Chúng ta phải lãnh hội Lời Chúa trong đức tin, trong kinh nguyện và đem ra thực hiện; phải kiểm điểm lương tâm dưới ánh sáng Thập Giá Ðức Ki-tô; nhờ ơn Chúa Thánh Thần trợ giúp, có các chứng từ và lời khuyên nhủ của anh em giúp đỡ, được giáo huấn chính thức của Hội Thánh hướng dẫn (Dignitatis Humanae, 14)” (GLHTCG số 1785).

Hội thánh đã dựa vào Lời Chúa để đưa ra 3 nguyên tắc chung cho mọi trường hợp lương tâm phải đứng trước một sự chọn lựa nào đó (x. GLHTCG số 1789):

- Nguyên tắc thứ nhất: Chúng ta không bao giờ được phép làm điều xấu để đạt được một kết quả tốt.

- Nguyên tắc thứ hai: “Khuôn vàng thước ngọc”: Điều gì chúng ta muốn người khác làm cho chúng ta, chúng ta hãy làm điều đó cho họ. "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7, 12; x. Lc 6, 31; Tb 4, 15).

- Nguyên tắc thứ ba: Đức ái Ki-tô giáo luôn luôn đòi chúng ta tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ. "Phạm đến anh em và làm thương tổn lương tâm của họ... là phạm đến Ðức Kitô" (1Cr 8, 12); "Tốt nhất là tránh những gì gây cớ cho anh em mình vấp ngã" (Rm 14, 21).

Trong bài “Vấn đề giáo dục lương tâm” (nguồn conggiao.info ngày 7-4-2012), linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang đã đưa ra một số góp ý liên quan việc cần phải giáo dục lương tâm cho mọi người nói chung và việc phải giáo dục lương tâm Kitô giáo cho người Công Giáo nói riêng, chẳng hạn:

- Hiện nay, giáo dục lương tâm là điều khó vì ảnh hưởng của vô thần, duy vật, tục hoá, phủ nhận truyền thống tốt đẹp, tương đối hoá mọi điều, tương đối hoá chân lý, suy nghĩ hời hợt, chạy theo số đông;

- Phải tái giáo dục lại lương tâm: làm sao đem lại cho mọi người sự yêu chuộng chân lý khách quan, làm sao cho mọi người bảo vệ quyền tự do lựa chọn chính đáng chống lại sự lôi cuốn của số đông, chống lại sự thu hút của quảng cáo, làm sao cho mọi người biết nuôi dưỡng sự say mê vẻ đẹp luân lý và sự trong sáng của lương tâm;

- Để đào tạo, nuôi dưỡng và làm tăng trưởng lương tâm Kitô hữu, sự dạy dỗ các chân lý đức tin ngay từ khi nhỏ cho các em thiếu nhi, tuy cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ, vì sự giáo dục lương tâm Kitô hữu, nếu chỉ dừng lại trong giai đoạn ấu thơ và thiếu niên, thì rất dễ tiêu tan sau này. Công việc giáo dục này phải được kéo dài suốt cả cuộc đời của con người bởi vì trong giai đoạn tuổi trẻ, các thanh niên nam nữ cần phải được giáo dục rất nhiều về những giá trị của sự sống, của tình yêu, của hôn nhân, của gia đình, của xã hội và sự giáo dục cần phải được thường xuyên và thích nghi vì những vấn đề mới luôn được đặt ra trên nhiều phương diện, nhiều khía cạnh ./.
Aug. Trần Cao Khải

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :