WHĐ (21.11.2020) – Lễ trọng kính Chúa Giêsu Kitô, Vua Vũ trụ, trước đây được gọi là "Chúa Kitô Vua", được Đức Giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 như một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa thế tục, một lối sống gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi nghĩ suy của con người, sống và tổ chức cuộc sống của mình như thể Thiên Chúa không tồn tại. Ngày lễ nhằm tuyên bố một cách đánh động và hiệu quả về vương quyền của Chúa Kitô trên các cá nhân, gia đình, xã hội, chính phủ và quốc gia. Thánh lễ hôm nay thiết lập các danh hiệu vương quyền của Chúa Kitô trên loài người:
● Chúa Kitô là Thiên Chúa, Đấng Tạo dựng vũ trụ và do đó có quyền năng tối cao trên muôn loài; "Nhờ Ngài mà muôn vật được tạo thành" (Kinh tin kính);
● Chúa Kitô là Đấng Cứu Độ chúng ta, Ngài đã chuộc chúng ta bằng Bảo Huyết của Ngài, và biến chúng ta thành cơ nghiệp và sở hữu của Ngài;
● Chúa Kitô là Đầu Hội Thánh, "nắm giữ quyền tối thượng trong mọi sự" (Côlôsê 1:17);
● Thiên Chúa ban cho Chúa Kitô các quốc gia trên thế giới như quyền sở hữu và quyền thống trị đặc biệt của Ngài.
Thánh lễ hôm nay cũng mô tả những phẩm chất của vương quốc Chúa Kitô. Vương quốc này là:
● tối cao, không chỉ mở rộng cho tất cả mọi người mà còn cho các hoàng tử và vua chúa của họ;
● phổ quát, mở rộng đến mọi quốc gia và mọi nơi;
● đời đời, vì "Chúa sẽ ngự trị làm Vua đời đời" (Thánh vịnh 29:10);
● linh thiêng, "Nước tôi không thuộc về thế gian này." (Gioan 18:36) theo Đức Ông. Rudolph G. Gandas.
Trước khi cải tổ Lịch Phụng Vụ Rôma, lễ này được cử hành vào Chủ nhật cuối cùng của tháng Mười, nhưng trong lịch phụng vụ sửa đổi do Đức Giáo Hoàng Phaolô VI ban hành năm 1969, lễ được dời sang Chúa nhật cuối cùng của Mùa Thường Niên (ngay trước Mùa Vọng), và chủ đề của lễ là Sự thống trị của Chúa Kitô, đã biến lễ thành một kết thúc thích hợp cho năm phụng vụ.
1. Ý nghĩa lễ Chúa Kitô Vua trong Phụng vụ
Lịch Phụng Vụ là một tập sách trong đó mọi thời kỳ trong lịch sử Giáo hội đều được lưu truyền mãi mãi. Cho nên, ta có thể được tìm thấy trong đó những hình ảnh đa dạng của Chúa Kitô được người ta yêu mến trong nhiều thế kỷ tiếp theo. Trong các trang sách đó, chúng ta thấy hình ảnh của Chúa Giêsu đau khổ và hấp hối; chúng ta thấy những bức tranh về Thánh Tâm của Ngài; nhưng những hình ảnh này không phù hợp với bản chất của phụng vụ như vậy; chúng giống với những bàn thờ kiểu barốc trong một nhà thờ kiến trúc gôthic. Phụng vụ cổ xưa chỉ biết một Chúa Kitô: là Vua, rạng ngời, uy nghi và thần thánh.
Với khát vọng ngày càng dâng cao, tất cả Mùa Vọng là chờ đợi “Vua đến”; trong sách kinh, những bài thánh ca mùa này lặp đi lặp lại hai thành ngữ "Vua" và "đang đến." Vào mùa Giáng sinh, Giáo Hội sẽ chào đón, không phải Hài nhi Bêlem, mà là Rex Pacificus - “Vị Vua hòa bình trị vì trong vinh quang”. Sau đó, trong vòng hai tuần, sẽ có một ngày lễ thuộc vào những lễ lớn nhất trong năm của Giáo hội - Lễ Hiển Linh. Như trong thời cổ đại, các vị lãnh chúa phương Đông đến thăm các lãnh địa của họ (theophany: thần xuất hiện - Hiển Linh), cũng vậy Vua thần thánh xuất hiện trong thành của Ngài, tức là trong Giáo Hội; từ những khu vực thánh thiêng của mình, Vua đưa mắt nhìn khắp thế giới .... Vào ngày lễ cuối cùng của mùa Giáng sinh, Ngài hiện diện trong Đền thờ, Giáo Hội thánh thiện gặp Tân Lang vương giả của mình với tình yêu trinh nguyên: “Hãy trang hoàng loan phòng của ngươi, hỡi Sion, và đón tiếp Chúa Kitô Vua của ngươi!” (Thánh Gioan Đamascênô). Điệp ca của Mùa Giáng sinh có thể được tóm gọn trong những từ sau: Chúa Kitô Vua thiết lập Vương Quốc ánh sáng của Ngài trên trần gian!
Nếu bây giờ chúng ta suy tưởng về chu kỳ Mùa Phục sinh, thì vẻ rực rỡ huy hoàng của phẩm giá Vương Giả của Chúa Kitô thực sự đã phần nào bị che đậy bởi những đau khổ của Ngài; tuy nhiên, hiện diện trước mắt Giáo hội không phải là Chúa Giêsu đau khổ cho bằng một Chúa Kitô, là Anh hùng và Chiến binh vương giả, là Đấng đã chiến đấu với kẻ hùng mạnh trên chiến trường Golgotha và đã chết trong chiến thắng. Ngay cả trong Mùa Chay và hai tuần cuối Mùa Chay, Giáo hội vẫn tôn vinh Vua của mình. Hành động tôn vinh vào Chúa Nhật Lễ Lá khuấy động mạnh mẽ; khi hát thánh vịnh trong nghi thức rước lá, chúng ta đồng hành với Đấng Cứu Độ của chúng ta trong lời ca: Gloria, laus et honor tibi sit, Rex Christe, "Vinh quang, chúc tụng và tôn vinh Ngài, lạy Vua Kitô!" Đúng vào Thứ Sáu Tuần Thánh, Giáo Hội suy niệm về Con Người Đau Khổ trên Thập giá, nhưng đồng thời, và có lẽ hơn thế nữa, Giáo hội tôn kính Ngài là Vua trên ngai vàng. Bài thánh ca Vexilla Regis, "Cờ hiệu Nhà Vua tiến lên phía trước," là cách diễn tả hoàn hảo hơn tinh thần của phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh. Một đặc điểm nữa là trong Thánh vịnh 95 có câu, Dicite in gentibus quia Dominus regnavit, mà các Kitô hữu thời sơ khai luôn thêm vào một dòng, "Hãy tuyên xưng giữa các dân ngoại: Đức Chúa ngự trị từ trên cây Thập Giá!" Trong suốt thời gian Mùa Vượt qua, Giáo hội bận rộn với Đấng Cứu Độ và Chinh Phục được tôn vinh của mình đến nỗi Giáo Hội ít đề cập đến vương quyền của Ngài hơn; tuy nhiên, càng về cuối mùa, chúng ta càng mừng chiến thắng khải hoàn của Vua chúng ta sau khi Ngài hoàn thành công trình cứu độ, Ngài lên ngôi Vua vào Thứ Năm lễ Chúa Thăng Thiên.
Trong thời gian sau Lễ Ngũ Tuần, hình ảnh Chúa Kitô là Vua hoàn toàn vắng mặt trong phụng vụ. Tuy nhiên, vào ngày lễ Corpus Christi trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, kinh sáng sử dụng thánh vịnh 149 ca ngợi Chúa làm Vua: “Hỡi Ítraen, nào hoan hỷ, vì có Chúa là Ðấng tạo thành ngươi. Con cái Xion, hãy nhảy mừng, vì được Chúa làm Vua hiển trị”. Trong Giáo hội Hy Lạp, lễ Biến Hình là lễ trọng thể tôn vinh vương quyền của Chúa Kitô, “Summum Regem gloriae Christum adoremus” - Chúng ta hãy thờ lạy Chúa Kitô Vua vinh hiển muôn loài [ND]. Cuối cùng vào buổi hoàng hôn của năm phụng vụ Giáo hội, với mong muốn cháy bỏng, Giáo hội chờ đợi sự trở lại của Vua Uy Linh: “Chúa Giêsu là vua cả trời đất, nào ta hãy đến bái thờ Người” (Kinh sáng Lễ Chúa Kitô Vua).
2. Suy niệm Tin Mừng: Mátthêu 25: 31-46
Đối với ngày lễ Chúa Kitô Vua hôm nay, Giáo Hội đã chọn một đoạn phúc âm là bài giảng cuối cùng về cuộc đời công khai của Chúa Giêsu theo Thánh Mátthêu. Suy ngẫm về đoạn văn này dưới ánh sáng của lễ cần phải làm rõ hai điều.
Văn hóa phương Tây hiện đại không có vua - hay nữ hoàng. Số ít các vị vua còn lại không thực hiện bất kỳ quyền lực thực sự nào; họ đóng vai trò nghi lễ và chúng ta liên tưởng đến họ với sự hào nhoáng và lộng lẫy. Tuy nhiên, trong văn hóa Kinh thánh, các vị vua là người lãnh đạo cộng đồng của họ. Họ là "thẩm phán" theo nghĩa là họ đặt ra các tiêu chuẩn đạo đức cho cộng đồng. Đúng vậy, bài đọc Tin Mừng hôm nay ca tụng vương quyền của Chúa Kitô như một hành động “xét xử”.
Điều làm rõ thứ hai là Chúa Giêsu là một vị vua đặc biệt - cách “phán xét” của Ngài rất khác với những gì thông thường trên thế giới. Đây là những gì ngày lễ nói tới - "tin mừng cho người nghèo" theo tiêu chuẩn phán xét của Chúa Kitô (Thiên Chúa). Đây cũng là lời kêu gọi ăn năn được gửi đến với chúng ta với tư cách cá nhân và với tư cách là Giáo hội, vì những “phán xét” của chúng ta (lời nói hoặc hành động) thường khác xa với những lời phán xét của Chúa Giêsu.
Như mọi khi trong Kinh Thánh, vương quyền của Chúa Kitô không được giảng dạy bằng ngôn ngữ trừu tượng mà thông qua một câu chuyện kịch tính - một sự kiện mà chúng ta được mời gọi để xác định. Câu chuyện nói về một tương lai, sự phán xét cuối cùng - giống như câu chuyện ngụ ngôn của hai tuần trước, “Nước Trời sẽ giống như…” (Mátthêu 25:1). Sự phán xét hiện tại của chúng ta không bao giờ là “cuối cùng”, sự phán xét cuối cùng sẽ chỉ xảy ra “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu” (Mátthêu 25:31). Hiện tại, tất cả những gì chúng ta có thể chắc chắn là sự phán xét của Thiên Chúa sẽ làm chúng ta ngạc nhiên, và vì vậy chúng ta cần khiêm nhường trước sự hiện diện của Ngài. Khi chúng ta tự phụ và tự mãn, chúng ta chưa sẵn sàng cho sự phán xét của Thiên Chúa.
Thánh Phaolô tóm tắt lại thái độ của chúng ta: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.” (1Cr 4, 5).
Tuy nhiên, đây không phải là toàn bộ bức tranh. Đoạn Kinh Thánh hôm nay mời gọi chúng ta nhớ lại những “khoảnh khắc phán xét” tạm thời và thoáng qua mà chúng ta có thể đã trải qua:
● chúng ta ốm nặng.
● hôn nhân tan vỡ.
● chúng ta đã mắc phải lỗi lầm mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta sẽ không bao giờ chịu nổi.
● đất nước chúng ta trải qua thiên tai, lũ lụt, nạn đói, nội chiến.
Những kinh nghiệm này là những cuộc gặp gỡ đích thực với Thiên Chúa, chúng củng cố lời dạy của toàn bộ Kinh Thánh rằng khi Thiên Chúa đến thế gian “Kẻ mọn hèn, Chúa kéo ra khỏi nơi cát bụi, ai nghèo túng, Người cất nhắc từ đống phân tro, đặt ngồi chung với hàng quyền quý, hàng quyền quý dân Người.” (Thánh vịnh 113: 7-8), “Người làm cho đàn bà son sẻ thành mẹ đông con, vui cửa vui nhà” (câu 9), “Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót” (Mátthêu 20:16).
● Chúng ta nghĩ rằng một số người là "nhỏ nhất". Bây giờ chúng ta nhận ra họ thật sự là linh thánh, là thánh thiêng, vì những gì chúng ta đã làm cho họ là chúng ta đã làm cho Chúa Kitô và những gì chúng ta từ chối họ là chúng ta đã từ chối Chúa Kitô.
● Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã gặp Chúa Kitô bằng cách làm những điều phi thường. Bây giờ chúng ta nhận ra rằng gặp Chúa Kitô là thực hiện những việc rất thế trần, cho người đói ăn, uống cho người khát, quần áo cho người trần, thăm người bệnh và người trong tù.
● Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã gặp Chúa Kitô trong những giây phút cầu nguyện hoặc ở những nơi thánh. Giờ đây, chúng ta nhận ra rằng chúng ta gặp Ngài khi chúng ta cho những người khốn khó ăn mặc, khi chúng ta đến thăm các bệnh viện và nhà tù.
● Chúng ta nhận ra rằng quyền lãnh đạo trong các tổ chức tôn giáo không có giá trị gì trước Chúa. Theo phán định của Ngài, điều duy nhất đáng giá là sự phục vụ khiêm tốn.
Như mọi khi trong Kinh Thánh, sự phán xét gây ra hai phản ứng và chúng ta đã trải nghiệm cả hai phản ứng đó vào những thời điểm khác nhau:
● sự nhẹ nhõm tuyệt vời khi biết mình đã đúng. Những hành động tốt mà chúng ta (và những người khác có quyền trên chúng ta - “các thầy thượng tế và các kỳ lão”) coi là tầm thường thực ra lại thực sự vĩ đại, được ghi nhận trước mặt Thiên Chúa (và tất cả những người có suy nghĩ đúng đắn) và không bao giờ bị lãng quên. Đó là một trải nghiệm được trở về nhà, chúng ta “hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa” (Mátthêu 25: 34)
● nỗi buồn khủng khiếp khi nhận ra mình đã lỡ đò - như những cô phù dâu dại dột của hai tuần trước. Chúng ta bị sự hối hận – “lửa đời đời” (câu 41) - cắn rứt. Sự tương phản với những người đức hạnh là điều đáng chú ý; đối với những người đức hạnh đó là sự trở về nhà, trong khi những người lỡ đò này cảm thấy vong thân sâu sắc - ngọn lửa được “dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”, họ “ra đi để chịu cực hình muôn kiếp” (câu 46) trong số phận của mình.
Như vào hai Chúa Nhật vừa qua, chúng ta nhớ bối cảnh của bài giảng này. Việc Chúa Giêsu bị đóng đinh sắp xảy ra sẽ là một “thời khắc phán xét” trong đó phá vỡ mọi rào cản:
● người khiêm nhường nhất ở đó là Con Thiên Chúa,
● nơi thánh ở bên ngoài thành phố,
● người có đức tin là một người lính La Mã.
Trong những hoàn cảnh tồi tệ đó, “con người” đã hiện diện “trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người” (câu 31-32). Chúng ta nhớ lại những trải nghiệm mà tưởng chừng là thảm họa nhưng thực tế chúng lại là những khoảnh khắc phán xét cho chúng ta thấy giá trị của chúng ta đã sai đến mức nào.
Một lần nữa, chúng ta lưu ý đến tính thực tế không chút viển vông trong sự phán xét của Chúa Giêsu. Dấu hiệu chúng ta đã gặp Ngài là chúng ta phân biệt được điều thiện và điều ác, “chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái” (câu 33).
Lời dạy của Chúa Giêsu không phải là cổ tích hão huyền - "bạn phải sống với hậu quả của hành động của bạn". Tuy nhiên, “Tin Mừng” được ngụ ý – “những cơ hội khác sẽ nảy sinh, vì vậy đừng bỏ lỡ lần sau”.
Lạy Chúa, chúng con cảm ơn Chúa vì những khoảnh khắc đẹp đẽ khi chúng con xoa dịu nỗi đau của ai đó.
● có người đói, chúng con cho họ ăn,
● người khát chúng con cho họ uống;
● người trần truồng chúng con cho họ mặc,
● chúng con chào đón người lạ;
● đi thăm người bị bệnh, đến gặp một tù nhân.
Hoàn toàn bất ngờ, chúng con nhận ra rằng chúng con đã trải qua một khoảnh khắc may mắn, có một cuộc gặp riêng với Chúa và đã đạt được điều tốt nhất của bản thân; chúng con đã sở hữu một vương quốc đã được chuẩn bị cho chúng con từ khi thế giới được tạo thành.
Lạy Chúa, và đây là phần của mỗi người chúng con khi không có lòng trắc ẩn,
● có thể thấy kẻ đói mà không bao giờ cho họ ăn,
● thấy người khát mà không bao giờ cho họ uống gì,
● không bao giờ muốn tiếp đón người lạ, mặc cho kẻ trần truồng,
●hoặc không bao giờ đến thăm người bệnh và những người trong tù.
Đôi khi phần việc này của chúng con xem ra có ảnh hưởng, nhưng đó lại không phải là sự thật của chính chúng con; mà đó là sự dữ, được định sẵn cho ngọn lửa vĩnh cửu dành cho ác quỷ và các thiên thần của hắn.
“CHÚA GIÊSU LÀ VUA CẢ TRỜI ĐẤT, NÀO TA HÃY ĐẾN BÁI THỜ NGƯỜI”
About www.langminhnews.net
Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.