www.langminhnews.net

BÀI 20: MỤC VỤ PHỤNG VỤ LIÊN QUAN ĐẾN CHUẨN BỊ BÀN THỜ VÀ BÀI CA TIẾN LỄ

I/ SÁCH LỄ
1) Ngoại trừ trường hợp Thánh lễ chỉ có một thừa tác viên tham dự hoặc Thánh lễ được cử hành trong một nhà nguyện nhỏ, còn thông thường, Sách Lễ chỉ đặt trên bàn thờ khi tới phần chuẩn bị lễ vật (QCSL 74, 139, 306, 256).[1]

2) Không có chỉ dẫn nào từ tài liệu phụng vụ về việc nên đặt Sách Lễ ở đâu? Theo truyền thống, Sách Lễ thường được đặt ở ngoài khăn thánh và hơi chếch về bên trái một chút vì bấy giờ tư tế cử hành Thánh lễ quay lên và mặt bàn thờ chỉ đủ chỗ cho chén thánh và đĩa thánh nằm trên khăn thánh. Hiện nay, chủ tế thường cử hành Thánh lễ đối diện với dân chúng, thói quen đặt Sách Lễ chếch sang một bên không cần thiết và còn làm chủ tế xoay mặt ra một hướng khác khi đọc lời nguyện từ Sách Lễ. Để tránh tình trạng này, linh mục nên đặt Sách Lễ ngay trước mặt mình, còn khăn thánh, chén thánh, bình thánh và đĩa thánh thì đặt ở đằng sau Sách Lễ, nằm gần về phía dân chúng. Điều này giúp chủ tế dễ dàng tiếp xúc bằng mắt với các tín hữu vào lúc thích hợp cũng như thầy phó tế dễ dàng hơn trong việc mở sách khi cần (x. QCSL 171b).[2] Quan trọng hơn là giúp loại bỏ ấn tượng bàn thờ là của chủ tế hay các lễ phẩm được tiến dâng cũng thuộc về chủ tế.[3]

II/ TRẢI KHĂN THÁNH KHI NÀO?

Theo chỉ dẫn của Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma:

- Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, các lễ vật được đưa lên bàn thờ và sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô. Trước hết phải chuẩn bị bàn thờ hay bàn ăn của Chúa, tâm điểm nơi diễn ra toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể, phải trải trên đó một khăn thánh, đặt khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ (QCSL 73).

- Sau lời nguyện chung, tất cả ngồi và bắt đầu hát ca tiến lễ (x. số 74). Thừa tác viên giúp lễ hoặc một thừa tác viên giáo dân khác đem khăn thánh, khăn lau chén, chén thánh, tấm đậy chén và Sách Lễ lên bàn thờ (QCSL 139).

Vậy phải thực hành như sau: (1) Không nên đặt khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ lên trên bàn thờ ngay từ đầu lễ mà chỉ đặt lúc bắt đầu phần Phụng vụ Thánh Thể, tức là phần chuẩn bị lễ vật.[4] Tốt nhất, bàn thờ không được sử dụng và để trống ngay từ đầu lễ [ngoại trừ Sách Tin Mừng (nếu có)] cho đến khi Phụng vụ Thánh Thể bắt đầu; (2) Nên chuẩn bị đủ số bánh lễ trong các bình thánh sao cho cộng đoàn có thể rước lễ từ Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ đang cử hành (x. Hiến chế Phụng vị Thánh [PV] 13, 55; Huấn thị Bí Tích Cứu Độ [BTCĐ] 97- 98; QCSL 85).[5]

III/ SỬ DỤNG NHIỀU BÌNH THÁNH VÀ CHÉN THÁNH

1) Các cộng đoàn ít người nên sử dụng một chén và một bánh lớn/đĩa lớn chứa đựng tất cả số bánh cần thiết tượng trưng cho một bánh và một chén bởi đó chúng ta được quy tụ “vào trong một Nhiệm thể duy nhất của Chúa Kitô, một hiến lễ sống động tạ ơn”. Nhờ đó, linh mục và dân chúng được nhìn thấy như là đang tham dự vào cùng một của ăn của uống trong Bí tích Hiệp nhất (x. NTTL 105) và về mặt biểu tượng, thực hành này nhấn mạnh đến một trong những “hoa trái” của Thánh lễ là sự hợp nhất của cộng đoàn.[6] Khi nào không thể được mới cân nhắc dùng nhiều chén thánh và bình thánh hơn, nhưng không nên vượt quá nhu cầu cần thiết.[7]

2) Nếu dùng nhiều chén thánh, chén chính, tức chén chủ tế [nâng lên trong phần chuẩn bị lễ vật, trưng ra sau truyền phép và nâng cao trong phần Vinh tụng ca] nên có kích thước lớn hơn/cao quý hơn những chén khác. Chén thánh và đĩa thánh của chủ tế phải chiếm một vị trí trang trọng, nghĩa là được đặt trực tiếp ngay trước mặt chủ tế. Những chén và bình thánh khác, có thể để bên cạnh những đồ thánh trên một khăn thánh rộng, hoặc trên những khăn thánh khác được đặt trên bàn thờ. Tuy nhiên, tất cả chén thánh, đĩa thánh và bình thánh không nên để gần hơn về phía chủ tế mà nên ở giữa bàn thờ như một dấu hiệu cho thấy các lễ phẩm của Thiên Chúa thuộc về Dân Chúa như thánh Augustinô đã khẳng định ngay từ thế kỷ IV. Điều này cũng giúp loại bỏ ấn tượng bàn thờ là của chủ tế hay các lễ phẩm được tiến dâng cũng thuộc về chủ tế.[8]

3) Trong một vài lễ đồng tế mà lượng người tham dự đông đảo và với rất nhiều đồ thánh cần được sử dụng, có thể đặt trước Thánh lễ một khăn thánh đặc biệt lớn phủ hầu như toàn bộ bàn thờ, vì đồ thánh (chén thánh + bình thánh) hầu như chiếm hết mặt bàn thờ.[9]

4) Quy định phụng vụ đòi hỏi tất cả bánh rượu sẽ được truyền phép phải hiện diện cách thể lý trước mặt tư tế và ở trên khăn thánh để ngài liên kết giữa chất thể và mô thể, tức là nối kết giữa bánh-rượu và lời truyền phép. Tư tế sẽ đọc “Vì này là …”, cho nên để cho lời đọc có ý nghĩa và theo đúng như mô tả, bánh – rượu không được ở sau bàn thờ, sau chủ tế hay ở quá xa.[10]

5) Việc đậy nắp bình thánh ở bàn thờ chắc chắn là tùy ý (x. LNGM 155). Nếu có tập tục không đậy nắp bình thánh thì trừ khi Thánh lễ được cử hành ngoài trời, các bình đựng bánh nên để mở trong suốt nghi thức, các nắp đậy của chúng mang xuống đặt trên bàn phụ.[11]

IV/ BÀI CA TIẾN LỄ

1) Đang khi rước lễ phẩm lên thì: (1) Hát ca tiến lễ và kéo dài bài hát ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ. Ngay cả khi không rước lễ phẩm, nghi thức tiến lễ luôn có thể có bài hát kèm theo (QCSL 74, 139; LNGM 145); (2) Có thể hát ca tiến lễ bằng cách hát đối đáp giữa chủ tế và cộng đoàn theo bản văn của Sách Lễ Rôma (x. NTTL 23-25; Hướng Dẫn Mục Vụ Thánh Nhạc [MVTN 162]); (3) Ngoài hai trường hợp trên, vào ngày trong tuần/lễ nhớ, chủ tế và cộng đoàn nên đọc đối đáp theo bản văn của Sách Lễ Rôma (x. NTTL 23-25; QCSL 141-142; MVTN 162); (4) Dạo đàn lúc này cũng thích hợp, trừ ra trong Mùa Chay, nhưng không áp dụng cho Chúa nhật 4 Mùa Chay (x. QCSL 313; MVTN 163);[12]

2) Quy chế Tổng quát Sách Lễ Rôma [2002] cho chúng ta 3 chọn lựa để hát ca tiến lễ: (1) Hát đối ca với Thánh vịnh của nó (antiphona cum psalmo suo) từ Graduale Romanum; (2) Hát đối ca với Thánh vịnh của nó từ Graduale Simplex; (3) Hát một bài thánh ca nào khác phù hợp với (a) cử hành phụng vụ (tác động phụng vụ: bánh rượu và dâng tiến), hoặc (b) với tính chất của ngày lễ hoặc (c) mùa phụng vụ mà bản văn đã được Hội đồng Giám mục chuẩn nhận (x. QCSL 74, 367; MVTN 162). Điều này có nghĩa là phải ưu tiên cho những bài hát Thánh vịnh mà Hội thánh đã chỉ định từng phần cho mỗi lễ nghi phụng vụ được in trong sách Graduale Romanum/Graduale Simplex hơn là ca khúc thay thế (x. PV 121). Truyền thống hát Thánh vịnh đang khi kiệu lễ phẩm đã phổ biến tại châu Phi khoảng năm 400 và ở Rôma thì muộn hơn.[13]

3) Tại Việt Nam, tập quán thay ca dâng lễ bằng những bài hát có ý nghĩa dâng bánh rượu, dâng hồn xác lên Chúa vẫn có thể được duy trì, vì đang khi ca đoàn và cộng đoàn hát như thế, chủ tế vẫn đọc trọn vẹn bản văn theo quy định (Thông cáo số 3/94 của Ủy ban Thánh nhạc).[14] Tuy nhiên, ba điều cần lưu ý ở đây: (1) Không nhất thiết ngày nào cũng hát ca tiến lễ bởi bài ca này thuộc trong số các yếu tố ít quan trọng của Thánh lễ;[15] (2) Không nhất thiết ca tiến lễ phải đề cập đến bánh – rượu hay việc dâng tiến:[16] lời của bài ca tiến lễ có thể diễn tả niềm hân hoan, chúc tụng, cộng đoàn, hay chủ đề của ngày lễ, của mùa phụng vụ chứ không nhất nhất phải có bánh – rượu/dâng tiến (x QCSL 74, 367; MVTN 162).[17]

V/ NÂNG ĐĨA THÁNH & CHÉN THÁNH

1) Tại bàn thờ, vị tư tế tiếp nhận đĩa thánh có bánh; rồi hai tay cầm đĩa, nâng lên cao trên mặt bàn thờ một chút (aliquantulum elevatam) chứ không phải nâng lên cao quá (x. QCSL 141; NTTL 23). Sau đó, vị tư tế hai tay cầm chén, cũng chỉ nâng cao trên mặt bàn thờ một chút (aliquantulum elevatam) chứ không phải nâng lên cao quá (x. QCSL 142; NTTL 25); rồi đặt chén trên khăn thánh, tùy nghi đậy tấm che hay không.[18] Cử điệu “nâng lên cao một chút” lúc này giống với những gì diễn ra trong Bữa ăn Vượt Qua của người Do Thái: lương thực thường được đặt sẵn ở bàn bên cạnh, rồi sẽ được đưa sang bàn chính vào lúc phù hợp; và cũng phản ánh cử chỉ của chính Chúa Giêsu xưa kia khi Ngài đã cầm lấy bánh vào đêm trước khi ra đi chịu chết.[19] Trong Nghi Thức Thánh Lễ hiện nay, chủ tế không nâng lên cao như thực hành thời kỳ trước đây nữa [theo kiểu của Thánh lễ Trentô] trong đó đòi hỏi ngài phải giữ đĩa và chén ở ngang tầm mắt cho cử điệu “dâng lễ” đang khi mắt nhìn vào tượng Chúa chịu nạn trên bàn thờ. Chủ tế chỉ cần nâng đĩa thánh và chén thánh lên cao trên mặt bàn thờ một chút, nghĩa là chỉ cần giữ đĩa thánh/chén thánh ở dưới tầm mắt của mình, tương đương với mức độ chủ tế cầm lấy bánh/cầm lấy chén “nâng lên khỏi bàn thờ một chút” trong phần truyền phép (x. NTTL 89-90, 102-103, 110-111, 119-120...).[20] Hành động như vậy là vì theo thần học, lúc này mới chỉ là phần chuẩn bị lễ vật, là “cầm lấy” chứ chưa phải là hành động dâng lễ lên Thiên Chúa vốn sẽ diễn ra trong Kinh nguyện Thánh Thể. Chỉ sau khi bánh và rượu đã trở thành Mình và Máu Chúa Kitô, lúc ấy Hội Thánh mới chính thức tiến dâng lên Thiên Chúa Cha của lễ là chính Chúa Giêsu (x. QCSL 79f; Notitiae 6 (1970) 37-38, n. 25-26):[21]

- “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa.” (Kinh nguyện Thánh Thể II)

- “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ cuộc khổ hình sinh ơn cứu độ, sự sống lại và lên trời vinh hiển của Con Chúa, đồng thời mong đợi Người lại đến, chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Chúa.” (Kinh nguyện Thánh Thể III)

2) Chủ tế không đưa đĩa/chén lên cao quá với mục đích làm mẫu cho những người cầm giỏ tiền dâng giỏ tiền lên cao, và những người thu tiền thau cũng không làm bất cứ hành động/cử chỉ nào như thể đang cùng dâng lên và dâng theo [hành động của] linh mục.[22] Ở thời điểm này, Hội Thánh chỉ muốn vị chủ tế “…đứng ở bàn thờ, nhận đĩa thánh có bánh, hai tay nâng đĩa thánh cao lên khỏi bàn thờ một chút” (NTTL 23); và “…nhận chén thánh, cầm cả hai tay, nâng lên khỏi bàn thờ một chút” (NTTL 25).

3) Chủ tế không vội vàng hạ đĩa thánh/chén thánh xuống khăn thánh nếu như cộng đoàn chưa đáp xong câu “Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời” (x. NTTL 23-25).


[1] X. Edward McNamara, “Missals on the Altar” (28 Feb. 2017), acc. 12/12/2023, https://www.ewtn.com/catholicism/library/missals-on-the-altar-4842.


[2] Paul Turner, Let Us Pray: A Guide to the Rubrics of Sunday Mass (Collegeville: The Liturgical Press, 2012), no. 421.


[3] James Martin, SJ, Celebrating Good Liturgy (Chicago: Loyola Press, 2005), 21; Mcnamara, “Cách xếp đặt nhiều Chén thánh và Bình thánh trên bàn thờ”, dg. Nguyễn Trọng Đa (25/09/2007), acc. 12/12/2023, http://daminhrosalima.net/phung-vu/cach-xep-dat-nhieu-chen-thanh-va-binh-thanh-tren-ban-tho-22633.html.


[4] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal (Chicago: Liturgy Training Publication, 2011), no. 73; X. McNamara, “Missals on the Altar” (28 Feb. 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/missals-on-the-altar-4842.


[5] X. Eucharisticum Mysterium (1967), no. 31; Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma (1969), no. 56.


[6] X. Dennis C. Smolarski, SJ, How Not to Say Mass (New York/Mahwah: Paulist Press, 1986), 19; X. McNamara, “Using Multiple Ciboria and Chalices” (25 Sept. 2007), https://www.ewtn.com/catholicism/library/using-multiple-ciboria-and-chalices-4387; “When a Corporal Should Be Used” (26 Feb. 2019), https://www.ewtn.com/catholicism/library/when-a-corporal-should-be-used-4925.


[7] X. Johannes H. Emminghaus, The Eucharist: Essence, Form, Celebration (Collegeville: The Liturgical Press, 1997), 163.


[8] James Martin, SJ, Celebrating Good Liturgy, 21; Mcnamara, “Cách xếp đặt nhiều Chén thánh và Bình thánh trên bàn thờ”.


[9] Mcnamara, “Cách xếp đặt nhiều Chén thánh và Bình thánh trên bàn thờ”.


[10] X. Thomas Pazhayampallil, SDB, Pastoral Guide: Moral – Canonical – Liturgical, vol. II (Bangalore: KJC Publications, 1984), 100.


[11] Peter Elliot, Ceremonies of the Modern Roman Rite (San Francisco: Ignatius Press, 2004), no. 274, footnote 36.


[12] X. Regan, “Theology of the Latin and Rite,” trong A Commentary on the Order of Mass of the Roman Missal, ed. Foley Edward (Collegeville: The Liturgical Press, 2011), 213.


[13] Phan Tấn Thành, Cử hành Bí tích Tình yêu (Sài Gòn: Học Viện Đaminh, 2012), 180.


[14] Phaolô Nguyễn Văn Hoà, Thông cáo số 3/94 (30/08/1994) https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/thong-cao-so-394-18779.


[15] X. McNamara, “Hymns at Communion Time” (4 APR. 2017), https://www.ewtn.com/catholicism/library/hymns-at-communion-time-4847.


[16] X. McNamara, “Songs for the Offertory” (25 Aug. 2020), https://zenit.org/2020/08/25/liturgy-qa-songs-for-the-offertory/; “Marian Hymns at Offertory” (16 June 2009), https://www.ewtn.com/catholicism/library/marian-hymns-at-offertory-4480.


[17] X. HĐGM Hoa Kỳ, Music in Catholic Worship (1982), no. 71; Introduction to the Order of Mass (2003), no. 105; HĐGM Anh và xứ Wales, Celebrating the Mass: A Pastoral Introduction (2005), no. 180; David Haas, Music and the Mass (Chicago: Liturgy Training Publications, 1998), 69; Elliott, no. 271, footnote 32.


[18] Irwin, Responses to 101 Questions on The Mass, 84; André Mutel et Peter Freeman, Cérémonial de la sainte Messe à l'usage ordinaire des paroisses: suivant le missel romain de 2002 et la pratique léguée du rit romain, 2nd ed. (Perpignan: Editions Artège, 2012), 112-114.


[19] X. Erasto Fernandez, SSS, The Eucharist - Step by Step (Mumbai: St. Paul, 2005), 64-65.


[20] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, nos. 273 & 276; Turner, Let Us Pray, no. 461.


[21] X. DeGrocco, A Pastoral Commentary on the General Instruction of the Roman Missal, nos. 73, 141-142; Charles E. Miller, The Celebration of the Eucharist (NY: Alba House, 2010), 134; Gordon E. Truitt, Introduction to Parish Liturgy (Kansas: National Catholic Reporter Publishing Company, 1979), 19.


[22] X. Elliott, Ceremonies of the Modern Roman Rite, no. 367.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :