www.langminhnews.net

GIÁO HỘI HIỆP HÀNH NHỜ LỜI CHÚA-Lm. Lê Văn La Vinh, OP

Là Kitô hữu, chắc hẳn mỗi người chúng ta không ai phủ nhận được tầm quan trọng của Lời Chúa trong đời sống của Giáo hội cũng như của bản thân từng tín hữu. Công đồng Vatican II đã xác định rằng: “Lời Chúa – Thánh Kinh được Giáo hội xem như là quy luật tối cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh ứng và được ghi chép một lần cho muôn đời. Thánh Kinh phân phát cách bất di bất dịch lời của chính Chúa và làm vang dội tiếng nói của Chúa Thánh Thần qua các Ngôn sứ cùng các Tông đồ”[1]

Với lời khẳng định này, chúng ta thấy được vị trí thượng tôn và vai trò quan trọng của Lời Chúa trong đời sống Giáo hội và đời sống đức tin của các tín hữu. Lời Chúa là quy luật tối cao để hướng dẫn đức tin, có nghĩa là đời sống đức tin, sinh hoạt đức tin và việc thực hành đức tin của các Kitô hữu đều được hướng dẫn bởi Lời Chúa. Bởi đó - nói như lời thánh vịnh - Giáo hội vẫn tung hô và xác tín rằng: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng dẫn đường con đi” (Tv 119,105)

Điều này được minh định rõ hơn nơi sách giáo lý Hội thánh Công giáo để chỉ rõ cho chúng ta rằng: “Qua tất cả các lời ở trong Kinh thánh, Thiên Chúa chỉ nói có một Lời là Ngôi Lời duy nhất, trong Người, Thiên Chúa nói hết về mình cho nhân loại. Vì lý do đó, Hội thánh luôn tôn kính Kinh thánh như chính Mình Thánh Chúa. Hội thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Chúa và Mình Thánh Chúa Kitô để ban phát cho các tín hữu”[2]

Chính vì lẽ đó mà từ vài mươi năm trở lại đây, Giáo hội đã cố gắng làm cho Lời Chúa được loan truyền đến cho mọi người khi cho xuất bản và phổ biến thật nhiều các bản văn Thánh Kinh, dịch thuật và phổ cập Lời Chúa cho các dân tộc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, với những hình thức khác nhau để mọi người dễ dàng đón nhận và tiếp cận với Lời Chúa.

Ngày nay, bằng nhiều cách thế và với nhiều phương tiện, Giáo hội vẫn thường khuyến khích các tín hữu nghe, đọc, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa trong đời sống hàng ngày của mình. Lời Chúa được đặt làm nền tảng cho mọi sinh hoạt trong đời sống đạo: từ lớp giáo lý cho đến những buổi hội thảo hay các kỳ tĩnh tâm; nơi các cử hành phụng vụ cho đến các giờ kinh gia đình… Lời Chúa được đọc lên, được hướng dẫn và diễn giải cho người tín hữu được nghe, được hiểu, được nhớ và biết thực hành.

Quan trọng là thế, cần thiết là thế của Lời Chúa trong đời sống chúng ta…

Bởi đó, trong Giáo hội, Lời Chúa mỗi ngày vẫn được ban phát và được đón nhận: Ban phát bởi các thừa tác viên Lời Chúa là các mục tử và được đón nhận bởi đoàn chiên, bởi cộng đoàn tín hữu. Ở đây, chúng ta thấy có một vài khía cạnh cần phải suy nghĩ và luận bàn.

Trước nhất là việc loan truyền và phổ biến Lời Chúa trong thời đại hôm nay, thời đại khoa học phát triển với việc bùng nổ thông tin nhờ những phương tiện kỹ thuật. Hưởng nhờ thành quả từ những phương tiện kỹ thuật ngày nay, các thành phần dân Chúa trong Giáo hội từ cấp trung ương cho đến các địa phương nơi giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và ngay cả từng cá nhân cũng xử dụng các phương tiện kỹ thuật với nhiều dạng thức khác nhau để thông truyền, để phổ biến Lời Chúa, những bài suy niệm, những bài giáo lý… nhờ đó nhiều người được nghe, được tiếp cận với Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội. Phải nhìn nhận rằng đây là một điều tích cực mà kỹ thuật truyền thông đã hỗ trợ, và Giáo hội biết tận dụng để làm phương tiện loan báo Tin Mừng. Vấn đề cần quan tâm ở đây là chúng ta phải làm sao để các kênh thông tin về Lời Chúa hôm nay phải sáng, phải rõ, phải trung thực và tạo được sức hút cho mọi người hôm nay trong bối cảnh bùng nổ thông tin trên không gian mạng toàn cầu.

Thứ đến là vai trò của thừa tác viên Lời Chúa trong Giáo hội hôm nay; hay nói rõ hơn là bổn phận giảng dạy Lời Chúa (ban phát Lời Chúa) nơi các chủ chăn hôm nay. Chắc hẳn rằng việc loan báo Lời Chúa và một trong ba nhiệm vụ của người linh mục: nhiệm vụ tư tế - ngôn sứ và quản trị (người viết chỉ xin dừng lại ở chức năng của linh mục thừa tác mà không bàn đến chức năng Kitô hữu cộng đồng của người giáo dân). Và các linh mục luôn được mời gọi và nhắc nhở phải chu toàn nhiệm vụ này một cách cẩn trọng hết sức có thể trong vai trò của mình. Nhìn lại lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy trong mọi thời đại và ở nhiều nơi chốn, các mục tử trong Giáo hội đã có những bài giáo lý để hướng dẫn, để triển khai Lời Chúa với nhiều suy tư, với những gương sáng tin yêu trong tương quan với Lời Chúa. Và cũng có rất nhiều các mục tử khác đã rong ruổi trên nhiều nẻo đường để làm cho Lời Chúa được vang xa…; và khi thi hành nhiệm vụ này, nhiều người trong số các linh mục của Giáo hội đã phải chấp nhận hy sinh, chịu bách hại, đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Đây là một hình ảnh đẹp, một biểu tượng đẹp của những con người luôn biết yêu mến và biết loan truyền Lời Chúa trong dòng lịch sử của Giáo hội toàn cầu “Đẹp thay bước chân những người ra đi loan báo Tin Mừng”(Rm 10,15, Xc Is 52,7)

Ở đây, cũng thật cần thiết khi nhắc lại với các thừa tác viên Lời Chúa về tương quan cá vị của mỗi người với Lời Chúa. Đức Giáo hoàng Phanxico đã dùng một hình ảnh cụ thể khi ngài nói với các anh chị em sống đời thánh hiến: “… (mỗi người hãy) Xem Phúc âm có thực sự là “cuốn sách gối đầu giường” cho đời sống hàng ngày và cho các lựa chọn mà chúng ta được mời gọi để thực hiện”[3]. Trong nhiệm vụ của mình, các thừa tác viên không chỉ có công bố Lời Chúa mà còn phải giảng giải Lời Chúa cho đoàn chiên mà mình được giao phó. Về công việc này Đức Giáo hoàng nói rõ: “Bài giảng không thể là một hình thức giải trí như được trình bày trên các phương tiện truyền thông, nhưng phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ. Nó là một loại đặc biệt, vì nó là giảng dạy trong khuôn khổ của một cuộc cử hành phụng vụ”. Và Đức thánh cha còn nhấn mạnh thêm khi nói: “Việc chuẩn bị bài giảng là một nhiệm vụ rất quan trọng nên phải dành nhiều thời giờ để học hỏi, cầu nguyện suy niệm và sáng tạo mục vụ…”[4]

Những dòng chữ này được gởi đến với quý bạn đọc - và với các thừa tác viên Lời Chúa trong Mùa Chay thánh 2024 để mỗi người chúng ta cùng “đấm ngực” về những thiếu sót, bê trể và những cung cách không hay, không đúng với thừa tác vụ Lời Chúa mà mỗi người chúng ta đã lãnh nhận. Hy vọng rằng Mùa Chay này là cơ hội để mỗi chúng ta điều chỉnh, sửa đổi trong việc thi hành thừa tác vụ Lời Chúa của mình.

Trên đây là chúng ta vừa nói sơ lược về “người ban phát” Lời Chúa.

Giờ đây chúng ta cùng nói đến “những mảnh đất” mà Lời Chúa được gieo trồng – tức là cộng đoàn tín hữu hôm nay.

Với dụ ngôn “Người gieo giống” được trình bày trong Tin Mừng Matthêu (Mt 13,3-9. 18-23) chúng ta thấy - quả thật - Lời Chúa phán khi xưa, ngày hôm nay “đã được ứng nghiệm”.

Thực vậy, như đã nói ở trên, Giáo hội hôm nay đã vận dụng các phương tiện sẵn có để loan báo Lời Chúa … và như thế, Lời Chúa vẫn được gieo vãi mỗi ngày. Và các mãnh đất mà Lời Chúa được gieo vãi hôm nay cũng có những hình thái và đặc điểm tương tự như những thửa đất mà Tin Mừng Matthêu trình bày, nhưng nó được biểu hiện ở những hình thức khác, những thái độ và những tâm thế khác (mà chúng ta vẫn nhận thấy trong cuộc sống hàng ngày của mình)… để rồi Lời Chúa thật không dễ dàng phát triển … ngay trong thời đại hôm nay.

Với mãnh đất tốt mà Lời Chúa được gieo vãi, chúng ta nhận thấy là vẫn còn có nơi các tín hữu, nơi các gia đình Công giáo sự phân tâm, chia trí, hờ hững với Lời Chúa… (khi ít khi nhiều, khi nào cũng có)… Với tình trạng này, chúng ta cũng thấy là ‘sản lượng Lời Chúa” không được 100 đâu! Có mà không nhiều; chỉ mong sao hoa trái Lời Chúa mang lại kết quả mỗi ngày từ 30, 60 và hơn thế nữa… trong đời sống đạo là quý lắm rồi! Có được như thế thì có nghĩa là sự thăng tiến đời sống đức tin đã tỏ lộ mỗi ngày một hơn trong đời sống Giáo hội hôm nay.

Mong sao khi đọc được những dòng chữ này, mỗi tín hữu chúng ta cùng nhau “đấm ngực, thống hối Mùa Chay” vì thái độ không xứng đáng, và một lối sống không phải đạo đối với Lời của Thiên Chúa trong đời sống hàng ngày của mình.

Thiết nghĩ khi đã biết điều chỉnh lại được thái độ xứng đáng đối với Lời Chúa là biết nghe và biết sống Lời Chúa từ cả 2 phía: từ người gieo giống cho đến mảnh đất được gieo; từ thừa tác viên Lời Chúa đến các tín hữu… được thực hiện cách hài hòa và đồng điệu là chúng ta đang tham gia vào tiến trình HIỆP HÀNH cùng với Giáo hội để bước vào tương lai mới cùng với thế giới và nhân loại hôm nay.

Thật vậy, Hiệp Hành, là lúc mà mọi thành phần dân Chúa cùng nhau tiến bước - như ĐGH Phanxico nói – là chính con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Hội thánh của thiên niên kỷ thứ ba[5]. Và một trong những việc làm của dân Chúa để xây dựng một Giáo hội Hiệp hành là việc lắng nghe: Lắng nghe Lời Chúa, lắng nghe Chúa Thánh Thần và lắng nghe nhau. Điều này tài liệu chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục lần thứ 16 có viết: “Tính hiệp hành giúp cho toàn thể dân Chúa cùng nhau tiến bước, lắng nghe Chúa Thánh Thần và Lời Chúa, tham gia vào sứ mạng của Giáo hội trong sự hiệp thông mà Đức Kitô thiết lập giữa chúng ta”[6]

Với những điều vừa luận bàn trên đây, chúng ta thấy được rằng, nếu có đặt ra một tương quan, một nhịp cầu giữa Lời Chúa, với tính Hiệp hành mà Giáo hội đang khai mở và tiến bước; thì chúng ta thấy đây là một tương quan hữu cơ. Có nghĩa là cái này sinh ra nuôi dưỡng cái kia và cái kia cũng hưởng nhờ, tương tác và làm sống động cho cái này. Cả hai giúp nhau được sống và được triển nở. Như vậy, Lời Chúa hướng dẫn, soi sáng mọi thành phần dân Chúa cùng bước đi (hiệp hành) dưới sự thúc đẩy của Thần Khí; thì đồng thời Giáo hội cũng lắng nghe Lời Chúa như là đèn soi bước, như là ánh sáng chỉ đường cho từng bước đi của Giáo hội mỗi ngày, nhờ đó mà đặc tính hiệp hành được sáng tỏ trong từng bước đi của Giáo hội trong thời đại hôm nay.

Xin được mượn lời của Công đồng Vatican II khi nói lên tương quan giữa Lời Chúa và Giáo hội như để kết thúc cho những dòng suy tư này: “Lời Chúa còn có một sức mạnh và quyền năng có thể nâng đỡ và tăng cường Giáo hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo hội, là lương thực linh hồn, nguồn sống thiêng liêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo hội”.[7]
Tính cho đến thời điểm này thì Giáo hội chúng ta đã sống được 2 năm trong “bầu khí và môi trường” của một Hội thánh hiệp hành mà Thượng Hội đồng Giám mục đã đề ra và đang thúc đẩy mọi người tiến bước. Nhìn lại để suy gẫm và chiêm niệm tiến trình hiệp hành trong thời gian qua, chúng ta thấy những thành quả bước đầu mà tiến trình hiệp hành đã gặt hái được cũng như động lực để cổ vũ và động viện mọi thành phần Dân Chúa hiệp hành trong tương lai, chính là nhờ Lời Chúa. Điều này thật thích hợp và thật đúng với tiêu đề bài viết đặt ra mà chúng ta đang luận bàn: GIÁO HỘI HIỆP HÀNH NHỜ BỞI LỜI CHÚA.

Nguồn:GPXL.net
[1] HIến chế Mặc Khải – Dei Verbum số 21

[2] GLCG số 102 – 103.

[3] Tông thư Năm đời sống thánh hiến số 2

[4] Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm vui Tin Mừng số 138, 145.

[5] ĐGH Phanxico, Diễn từ Mừng kỷ niệm 50 năm thiết lập Thượng Hội đồng Giám mục (17/10/2015)

[6] Cẩm nang cho Thượng Hội Đồng về tính Hiệp hành số 1.2

[7] HIến chế Tín lý về Mặc khải - Dei Verbum số 21

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :