www.langminhnews.net

CẦU NGUYỆN KHI CẢM THẤY DƯỜNG NHƯ VÔ ÍCH

Cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện.

”Cầu nguyện đặc biệt cần thiết nhất khi chúng ta cảm thấy cầu nguyện là vô ích.” Cố linh mục thần học gia Dòng Tên Michael J. Buckley (1931-2019), một trong những người cố vấn tâm linh quan trọng nhất của tôi đã viết những lời này. Ngài có ý gì khi nói như vậy?

Trước rất nhiều vấn đề, có khi chúng ta cảm thấy cầu nguyện là vô ích. Chẳng hạn trước một số vấn đề lớn của thế giới, chúng ta cảm thấy nản lòng và bất lực, chúng ta dễ dàng nói cầu nguyện là vô ích. Lời cầu nguyện của tôi sẽ có tác dụng gì với các cuộc chiến đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới? Giá trị của lời cầu nguyện của tôi là gì khi tôi phải đối diện với bất công, nạn đói, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính? Lời cầu nguyện của tôi có tác động nào khi cộng đồng của tôi đang chia rẽ và thù hận? Thật dễ dàng để cảm nhận cầu nguyện trong những tình huống này là vô ích.

Cũng vậy khi chúng ta bị bệnh nặng. Liệu lời cầu nguyện có thể chữa khỏi bệnh ung thư ở giai đoạn cuối không? Chúng ta có thực sự mong chờ một phương thuốc phép lạ không? Phần lớn chúng ta không nghĩ vậy, nhưng chúng ta vẫn tiếp tục cầu nguyện dù cảm thấy lời cầu nguyện của mình sẽ không thay đổi tình hình. Vì sao?

Vì sao phải cầu nguyện khi có vẻ như việc cầu nguyện là vô ích? Các thần học gia, các tác giả tâm linh giải thích cho chúng ta nhiều góc nhìn khác nhau về vấn đề này, tuy hữu ích nhưng không đầy đủ. Họ cho rằng, cầu nguyện không phải để thay đổi tâm trí Chúa, nhưng để thay đổi tâm trí của người đang cầu nguyện. Chúng ta không cầu nguyện để kéo Chúa về phía mình; chúng ta cầu nguyện để đặt mình về phía Chúa. Thêm nữa, chúng ta được dạy, lý do chúng ta cảm thấy Chúa không trả lời, vì Chúa như người cha yêu thương, biết điều gì tốt cho chúng ta và ban cho chúng ta những gì chúng ta thực sự cần chứ không phải những gì chúng ta ngây thơ muốn. Tác giả C.S. Lewis đã nói, chúng ta sẽ dành nhiều thì giờ trong cõi vĩnh hằng để tạ ơn Chúa vì những lời cầu nguyện Chúa đã không nhận lời.

Tất cả những điều này đều đúng và quan trọng. Đường lối của Chúa không phải là đường lối của chúng ta. Đức tin đòi hỏi chúng ta dành cho Chúa không gian và thời gian để Chúa là Chúa, không theo những mong chờ rất hạn hẹp và thiếu kiên nhẫn của chúng ta. Thực sự chúng ta nên tạ ơn Chúa vì điều này.

Nhưng dù vậy… khi Chúa Giêsu xin chúng ta cầu nguyện, Ngài không cảnh báo chúng ta: con phải xin những điều đúng đắn nếu con muốn Ta nhận lời. Không, Ngài chỉ nói: Hãy xin và con sẽ được. Ngài nói, một số con quỷ chỉ bị đuổi đi bằng ăn chay cầu nguyện.

Vậy, làm thế nào những con quỷ bạo lực, chia rẽ, hận thù, chiến tranh, đói kém, khí hậu nóng lên toàn cầu, nạn đói, phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính, ung thư, bệnh tim… có thể bị đuổi đi bằng lời cầu nguyện? Làm thế nào để cầu nguyện hữu ích một cách thiết thực khi đối diện với những vấn đề này?

Tóm lại, lời cầu nguyện không chỉ thay đổi người đang cầu nguyện mà còn thay đổi tình huống. Khi chúng ta cầu nguyện, thực tế chúng ta là một phần của tình huống mà chúng ta cầu nguyện. Lời cầu nguyện chân thành giúp chúng ta trở thành sự thay đổi mà chúng ta đang cầu nguyện để được. Chẳng hạn, cầu nguyện cho hòa bình giúp chúng ta bình tâm, mang lại cho thế giới thêm một trái tim thanh thản.

Dù điều này là đúng, nhưng cũng có một thực tế sâu đậm hơn. Sâu đậm vì khi chúng ta cầu nguyện, có điều gì đó đang xảy ra vượt ra ngoài cách chúng ta thường hình dung về sự tương tác đơn giản giữa nguyên nhân và kết quả. Khi thay đổi bản thân, chúng ta đang thay đổi tình hình; đúng vậy, nhưng theo cách sâu đậm hơn cách chúng ta thường tưởng tượng.

Là người có đạo, chúng ta nghĩ chúng ta là một phần của Nhiệm thể Chúa Kitô, và sự kết hợp của chúng ta trong Chúa không phải là sự kết hiệp của một cộng đồng lý tưởng. Nhưng, chúng ta là một phần của một sinh vật sống mà mọi bộ phận đều ảnh hưởng đến nhau, giống như trong một cơ thể vật lý. Vì lý do này, với chúng ta, không có một hành động nào là riêng tư – tốt hay xấu. Tôi ngần ngại khi nghĩ rằng điều này tương tự như hệ thống miễn dịch trong cơ thể con người, vì đây không chỉ là một phép so sánh. Nó là thực tế, hữu cơ. Giống như hệ thống miễn dịch bảo vệ sức khỏe cho toàn bộ cơ thể bằng cách tiêu diệt các tế bào và vi-rút gây nguy hiểm cho sức khỏe, thì bên trong Nhiệm thể của Chúa Kitô cũng vậy. Khi nào chúng ta, hoặc là những tế bào khỏe mạnh mang lại sức mạnh cho hệ thống miễn dịch bên trong Nhiệm thể Chúa Kitô, hoặc chúng ta là một loại vi-rút, một loại tế bào ung thư đe dọa cho sức khỏe. Cầu nguyện tạo nên sự khác biệt vì cầu nguyện giúp tăng cường hệ thống miễn dịch bên trong Nhiệm thể Chúa Kitô – chính xác giải quyết vấn đề chúng ta đang cầu nguyện. Mặc dù trên bề mặt, đôi khi lời cầu nguyện có vẻ vô ích, nhưng nó đang làm một điều gì đó quan trọng bên trong – điều cần thiết chính xác là khi chúng ta cảm thấy lời cầu nguyện của mình vô ích.

Ronald Rolheiser
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :