Tha nhân là ai, Ta phải yêu tha nhân như thế nào, Thiên Chúa đã làm gương về tình yêu thương tha nhân như thế nào, là những chủ đề của bài này.
1. Tha nhân là ai?
a. Một số cái nhìn phản diện:
Một số người có quan niệm tiêu cực về tha nhân theo cách nhìn của Plaute, một triết gia cổ La mã, nói rằng người đối với người là chó sói; hay theo tư tưởng của J.P. Sartre, một triết gia Pháp, nói rằng tha nhân chính là hỏa ngục.
Thực tế có nhiều lúc ta phải khổ là bởi tha nhân, vì người chung quanh ta: họ như chó sói lúc nào cũng rình rập cắn xé ta, họ chỉ là địa ngục làm khổ ta. Nhưng nghĩ lại, ta thấy như nói như vậy là qúa đáng, là phản lại quy luật về tình nhân ái tự nhiên, cũng như tình nhân ái do Thiên Chúa mặc khải.
b. Tình nhân ái tự nhiên:
Lương tri tự nhiên của con người ở mọi nơi đều đề cao và cổ võ cho tình yêu thương giữa nhân loại với nhau như là anh em trong một gia đình. Nhiều triết gia, vĩ nhân cũng nghĩ như thế: như đức Khổng tử dậy các môn đệ: “Tứ hải chi nội, giai huynh đệ giã”, nghĩa là người trong bốn bể đều là anh em.
c. Tình nhân ái xét về phương diện siêu nhiên:
Từ Cựu ước đến Tân ước, Thiên chúa luôn luôn dậy dỗ Dân Người cũng như tất cả nhân loại phải yêu thương nhau, về phương diện tiêu cực là đừng làm thiệt hại cho ai về bất cứ điều gì, như tiền của, danh tiếng, sức khỏe, mạng sống; đồng thời, về phương diện tích cực là phải tha thứ, chia sẻ, phục vụ, trợ giúp người khác như chính mình với nguyên tắc được gọi là LUẬT VÀNG mà Chúa Giêsu đã đưa ra, là “hãy làm cho kẻ khác những gì ngươi muốn người khác làm cho chính mình”(Mt7,12).
2. Thiên Chúa đã làm gương về tình yêu thương tha nhân
a. Thiên Chúa đã yêu ta một tình yêu muôn đời:
Thiên Chúa là tình yêu, nên từ muôn thuở, thì Người đã yêu tôi. Ngay khi chưa có tôi, từ khi chưa có vũ trụ này thì người đã yêu tôi và yêu tôi tha thiết, bởi lẽ nếu không yêu tôi thì Người đã không dựng nên tôi, và dựng nên cả vũ trụ này là để cho tôi.
b. Thiên Chúa đã đi bước trước:
“Đó chính là bản chất của lòng mến:
Không phải vì ta đã yêu mến thiên chúa,
Nhưng là Người đã yêu mến ta” (Ga 4,10)
c. Thiên Chúa đã giáng thế làm người:
“Ngài, phận là phận của vị Thiên Chúa,
Nhưng đã không nghĩ phải dành cho được
Chức vị đồng hạng cùng Thiên Chúa,
Song Ngài đã hủy mình ra không,
Là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,
Trở thành giống hẳn người ta,
Đem thân đội lốt người phàm” (Pl 2,6- 7)
d. Thiên Chúa đã thí mạng vì ta:
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta vô cùng khi đã thí mạng vì chúng ta, trong khi chúng ta phản nghịch cùng Người. Quả là “không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu”. (Ga 15,13).
e. Thiên Chúa đã nuôi chúng ta bằng thịt máu Người:
“Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55)
3. Nghĩa vụ của ta đối với tha nhân:
a. Yêu tha nhân cả hồn và xác:
Có những nhà làm việc từ thiện xã hội duy vật chủ nghĩa chỉ quan tâm giúp đỡ con người về phương diện vật chất mà thôi, và không chú tâm đến đời sống tâm linh của họ; lại cũng có những người thuộc hạng duy linh qúa đà, chỉ nghĩ đến lợi ích của linh hồn mà coi thường những nhu cầu của thân xác.
Bản tính con người có hồn có xác, nên tình yêu đối với tha nhân cũng phải hướng về cả xác lẫn hồn, tuy nhiên linh hồn bao giờ cũng phải có địa vị ưu tiên.
b. Yêu tha nhân với mối tình phổ quát:
Nghĩa là tình yêu của ta phải dành cho tất cả mọi người, không trừ một ai, kể cả những người thù ghét ta hoặc làm thiệt hại cho ta một cách nào đi nữa. Vì bản tính của tình yêu đòi hỏi như thế. “Nếu các ngươi yêu mến những kẻ yêu mến các ngươi thì có công gì?” (Mt 5,46)
c. Tình yêu khiêm hòa;
Tình yêu thực sự đòi hỏi khiêm nhường và hiền lành; khiêm nhường để có thể coi trọng và phục vụ quyền lợi anh em, hiền lành để chịu đựng, nhẫn nhục các tính xấu của anh em. “Hãy học cùng Ta, vì Ta hièn lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 12,29)
d. Tình yêu tha thứ:
Đức ái chân thực thì phải tha thứ, và tha thứ không giới hạn, như Đức Giêsu đã nói với Phêrô. “Ta không nói đến bảy lần, mà đến bảy mươi lần bảy”( Mt 18,22).
e.Yêu thương tha nhân tức là từ bỏ chính mình:
“Tình yêu huynh đệ không thể phát sinh và lớn lên nếu anh không từ bỏ chính mình, nếu tính ích kỷ của anh không biết chột dạ, nếu anh không dứt bỏ cái thế giới của anh, quan niệm của anh, tập quán của anh”
g.Yêu thương tức là dấn thân:
Kitô giáo là đạo cứu thế qua việc dấn thân phục vụ, theo gương Đức Kitô, con Thiên Chúa đã dấn thân đến làm người sống giữa chúng ta với trọn vẹn thân phận của một con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi, để cứu độ chúng ta.
Dấn thân là đi vào thế giới với thái độ cởi mở, thiện chí, khiêm tốn, hiền lành, sẵn sàng cộng tác với mọi người để mưu cầu hạnh phúc cho mọi người.
Dấn thân là đoán trước những nhu cầu của tha nhân để giúp đỡ trước khi họ mở miệng xin ta trợ giúp.
h. Yêu thương là phục vụ:
“Con người không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ”(Mt 21,28)
Phục vụ là cho đi: càng cho nhiều, càng phục vụ nhiều, càng yêu thương nhiều:
- Cho tiền là của cho ít nhất.
- Cho sự sống, sức khỏe, thời giờ là bậc thứ hai.
- Bậc cao nhất là cho sự kính trọng xứng với phẩm giá con người, là sống bình đẳng với người nghèo.
Cho tất cà biểu lộ một tình yêu vô bờ bến.
i. Yêu thương là hy sinh:
“Căn cứ vào điều này mà chúng ta biết được tình Chúa yêu thương: đó là Đức Kitô đã thí mạng sống vì ta, như vậy cả ta nữa, ta cũng thí mạng vì anh em”(1Ga 3,16)
Bởi đó, tiêu chuẩn giúp ta biết được một cách chắc chắn là mình đã yêu tha nhân như thế nào dựa trên việc ta đã thí mạng sống mình cho anh em ra sao. Yêu thương là hy sinh, hy sinh là yêu thương.
Cha Huvelin, linh hướng của anh Charles de Foucauld đã bàn rất hay về Đức Ái như sau:”nếu tôi nói: tôi đã yêu, thực không có gì buồn bã cho bằng, vì đó là một sự lãng quên, một chết chóc, vì tôi không còn yêu nữa; nếu tôi nói; tôi sẽ yêu, thì đó là một từ rỗng tuếch vì tôi chưa hiến thân chút nào. Vậy động từ YÊU chỉ có một”thì” duy nhất là hiện tại: tôi yêu, tôi đang yêu”.
HỌC TẬP CHỮ NHÂN ĐỨC ÁI NHÂN
About www.langminhnews.net
Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.