www.langminhnews.net

NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NIỆM-SỰ KHÔN NGOAN VÀ BÌNH AN NỘI TÂM

WHĐ (02/10/2024) - Đề tài thường huấn tháng 10/2024 tập trung vào chủ đề: “Nuôi dưỡng tinh thần chiêm niệm”, với mục đích giúp anh chị em tín hữu, cách riêng là thành viên Hội đồng mục vụ giáo xứ, hồi tâm phản tỉnh về đời sống thiêng liêng và dấn thân tông đồ, nhằm giúp nhau sống đức tin mạnh mẽ và sống động hơn trong sứ vụ của mình.

NUÔI DƯỠNG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN VÀ CHIÊM NIỆM

Phanxicô Xaviê Nguyễn Thái

Cầu nguyện là tâm sự với Chúa, cầu nguyện được ví như là hơi thở của tâm hồn Kitô hữu. Qua cầu nguyện, Kitô hữu được sống kết hiệp mật thiết với Chúa và được nuôi dưỡng bằng sự sống của Chúa. Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận chia sẻ trong cuốn Đường Hy Vọng: “Bí quyết nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin”. Kiên nhẫn cầu nguyện với Chúa hằng ngày, cầu nguyện với tấm lòng yêu thương và tin tưởng phó thác tuyệt đối vào Chúa, cảm tạ và ngợi khen tôn vinh Chúa, cầu xin cho mình, cho gia đình và người thân, cho Giáo Hội và xã hội, cầu cho cả những người làm tổn thương và thù oán ta.

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm, ta cần thiết lập thói quen cầu nguyện hàng ngày. Dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và chiêm niệm Chúa. Đây là cách giúp ta tìm được sự hướng dẫn và sức mạnh từ Thiên Chúa. Đồng thời tham gia vào các hoạt động tâm linh: có thể là tham dự thánh lễ, tham gia nhóm cầu nguyện, nhóm Kinh Thánh, hoặc các khóa linh thao. Những hoạt động này giúp ta phát triển đời sống tâm linh và hiểu rõ hơn về thánh ý của Thiên Chúa. Ngoài ra, cũng cần trau dồi Kinh Thánh và đọc sách thiêng liêng, việc đọc Kinh Thánh và các sách thiêng liêng giúp ta thay đổi tâm thức thành người Kitô hữu đích thực hơn và áp dụng tinh thần Kitô giáo vào cuộc sống. Đời sống cầu nguyện và chiêm niệm của Kitô hữu giáo dân giữa đời thường cũng có thể được phối hợp một cách thuận tiện giữa cầu nguyện chiêm niệm và những hoạt động trong ngày. Tùy theo hoàn cảnh, ta có thể cầu nguyện nhiều lần trong khi làm việc, cho dù không thực thi một cách chuyên nghiệp, nhưng có được lòng khao khát và yêu mến cầu nguyện hết lòng trong khi làm bổn phận.

Nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm cũng chính là thực hành lời Chúa: Thực hành lòng bác ái, khoan dung và tha thứ. Trong đời sống thường ngày, ta sẽ gặp nhiều thách thức và xung đột, đời sống cầu nguyện bên trong, đi kèm với tinh thần hoán cải và việc thực hành lòng bác ái, khoan dung, tha thứ bên ngoài không chỉ giúp ta giữ được bình tĩnh và tìm cách giải quyết vấn đề một cách hòa bình mà còn cho ta nhìn lại chính mình và tìm gặp lại Chúa. Những chia sẻ kinh nghiệm và sự hướng dẫn từ Kitô hữu trong cộng đoàn nhỏ hay cộng đoàn lớn cũng góp phần trong việc nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm.

Cầu nguyện là kết hiệp với Chúa, là thanh luyện và nuôi dưỡng lòng đạo đức. Ta có thể cầu nguyện riêng một mình, cầu nguyện cùng cộng đoàn, cầu nguyện với Lời Chúa, cầu nguyện trước Thánh Thể, cầu nguyện với Thánh Thể trong tâm hồn, v.v... Vì nếu không có đời sống cầu nguyện và kết nối với tình yêu của Chúa như cành nho nối liền với cây nho ( x Ga 15, 5) thì chúng ta sẽ không có sức sống của Chúa và chẳng làm được việc gì. Kết hiệp với Chúa chúng ta có sự sống của Chúa. Từ đó, chúng ta mới sống theo lời Chúa, theo lối sống của Chúa: lối sống yêu thương, tha thứ, dịu dàng và khiêm nhường.

Không phải lúc nào chúng ta cũng hứng khởi và tràn đầy năng lượng trong việc cầu nguyện. Thực tế, chúng ta là con người yếu đuối, cũng có những giai đoạn bị ảnh hưởng môi trường bên ngoài làm cho ta suy thoái tâm lý, cảm thấy thất vọng, buồn chán và không biết cầu nguyện thế nào. Đấy là những lúc chúng ta phải kiên nhẫn để khôi phục đức tin và niềm hy vọng, và Thần Khí Chúa sẽ cầu thay nguyện giúp ( x Rm 8, 26).

Để nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu, chúng ta có thể chiêm niệm những mầu nhiệm Mân Côi: mầu nhiệm năm sự vui, năm sự sáng, năm sự mừng, và một cách đặc biệt về năm sự thương.

Chúng ta cầu nguyện chiêm niệm theo gương Chúa Giêsu. Ngài thường tìm những nơi thanh vắng, Ngài lên núi và cầu nguyện một mình suốt đêm. Họa lại một phần đời sống cầu nguyện và hoạt động của Chúa Giêsu có thể là gia đình Mácta, Maria và Lazarô. Mácta là người hoạt động, Maria là người chiêm niệm, và Lazarô là người sám hối. Người giáo dân cần tìm ra cách để có thể hoàn thiện trong việc kết hợp giữa các việc cầu nguyện chiêm niệm, hoạt động và sám hối.

Hành trình tâm linh trong thế giới hôm nay cần có sự cầu nguyện chiêm niệm không chỉ nhằm đưa lại sự bình an cho chính bản thân mình, nhưng còn dẫn chúng ta đến con đường hoán cải tâm hồn thực sự và được Chúa Thánh Thần tác động mạnh cho chúng ta ra đi góp phần làm thay đổi môi trường xã hội theo tinh thần Kitô giáo và có thể đưa nhiều người về với Chúa. “Nếu không có chiêm niệm và cầu nguyện nội tâm, Hội thánh không thể hoàn thành sứ vụ của mình, đó là sứ vụ hoán cải và cứu vớt nhân loại” (cha Thomas Merton).

Hồi tâm

1) Nếu thiếu đời sống cầu nguyện, ta có nhận ra khuôn mặt của thiên Chúa đích thực không. Bằng phương thức nào tôi có thể siêng năng nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và chiêm niệm?

2) Trong đời sống thường ngày, làm cách nào tôi có thể cầu nguyện trong buổi làm việc mà vẫn chu toàn bổn phận.

3) Ngoài việc xin ơn, làm thế nào tôi có thể hăng say cầu nguyện và chiêm niệm về cuộc đời Chúa Giêsu?

Tài liệu tham khảo: sách “Cầu Nguyện Chiêm Niệm” của linh mục Thomas Merton.


 SỰ KHÔN NGOAN VÀ BÌNH AN NỘI TÂM

Lm. Tôma Vũ Ngọc Tín, S.J.

Sự khôn ngoan và bình an nội tâm là hai yếu tố cốt lõi của đời sống hạnh phúc: “Hạnh phúc thay người tìm được khôn ngoan, người đạt tới sự hiểu biết” (Cn 3:13). Sự khôn ngoan trong Thánh Kinh không phải là sự thông thái thế gian hay tuỳ thuộc vào lượng kiến thức, nhưng là sự thấu hiểu thâm sâu về thánh ý Thiên Chúa và cách sống theo sự dẫn dắt của Ngài. Khôn ngoan là món quà của Thần Khí, giúp con người nhận ra con đường sống đúng đắn, vượt qua những cám dỗ và thử thách, để sống theo ý Chúa.

Tương tự, bình an nội tâm là một hồng ân vượt trên mọi hiểu biết: “Bình an của Thiên Chúa, vượt quá mọi sự hiểu biết, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 4:7). Bình an nội tâm không đến từ hoàn cảnh bên ngoài, mà xuất phát từ một tâm hồn hoàn toàn tin tưởng và cậy dựa vào Thiên Chúa. Khi con người sống trong bình an của Thiên Chúa, họ không còn bị chi phối bởi lo âu hay sợ hãi, nhưng luôn cảm nhận được sự an ủi và vững tin dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Bình an nội tâm qua đời sống cầu nguyện

Cầu nguyện là con đường chính yếu để phát triển và gìn giữ bình an nội tâm. Qua cầu nguyện, con người không chỉ gặp gỡ Thiên Chúa mà còn tìm gặp ơn an ủi và sự bình an từ Ngài. Chúa Giêsu thường xuyên tìm kiếm nơi tĩnh lặng để cầu nguyện và chiêm niệm, ngay cả trong những lúc bận rộn vì sứ vụ. Cầu nguyện giúp tâm hồn lắng đọng, thoát khỏi những ồn ào và căng thẳng của đời sống thường nhật, và bước vào không gian linh thánh để gặp gỡ Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên nhủ rằng: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, hãy đem những ước nguyện của mình trình bày trước mặt Thiên Chúa, trong lời cầu nguyện, khẩn xin và tạ ơn” (Pl 4:6). Cầu nguyện như một cách để giao phó mọi lo lắng, căng thẳng vào tay Chúa. Khi biết đặt tất cả vào bàn tay quan phòng của Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy sự bình an nội tâm, một sự bình an không đến từ những giải pháp tức thời, mà từ sự tin tưởng tuyệt đối vào sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Dừng lại, ngẫm suy và nguyện cầu, đó là những nhịp sống thiêng liêng giúp mỗi người thoát khỏi sự hấp tấp, vội vã và lo lắng, để khám phá sự hiện diện của Thiên Chúa trong từng khoảnh khắc. Đó là cách mà tâm hồn được an định và tĩnh lặng, để lắng nghe tiếng Chúa và học cách đáp lời Ngài.

Sự khôn ngoan Kitô giáo trong đời sống hàng ngày

Khôn ngoan Kitô giáo là cách sống theo ánh sáng của Tin Mừng. Công đồng Vatican II trong Gaudium et Spes nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khôn ngoan trong bối cảnh xã hội hiện đại: “Con người cần phát triển không chỉ về mặt kỹ thuật, mà cả về trí tuệ và luân lý, để xây dựng một xã hội công bằng và hòa bình” (GS 1). Khôn ngoan Kitô giáo mời gọi người tín hữu sống với một tinh thần phán đoán đúng đắn, biết phân định điều gì là thiện hảo, điều gì là theo ý Chúa.

Trong đời sống hàng ngày, sự khôn ngoan được thể hiện qua những quyết định đúng đắn trong mọi khía cạnh của cuộc sống, từ công việc, gia đình đến mối quan hệ xã hội. Một người khôn ngoan không bị lôi cuốn bởi những cám dỗ tức thời hay những lợi ích cá nhân ngắn hạn, nhưng luôn đặt mình dưới ánh sáng của sự thật và tình yêu Thiên Chúa. Khôn ngoan giúp người tín hữu biết làm chủ cảm xúc, tránh những quyết định vội vàng, và biết lắng nghe hướng dẫn của Thiên Chúa.

Khôn ngoan không chỉ là một hành vi lý trí mà còn là một thái độ sống, được thể hiện qua sự kiên nhẫn, khiêm nhường và lòng bác ái. Người khôn ngoan biết tôn trọng người khác, không tìm kiếm sự công nhận hay quyền lợi cho bản thân, mà luôn sẵn sàng lắng nghe và phục vụ với tình yêu.

Làm thế nào để tiếp tục sống ơn bình an ngay trong những hoàn cảnh đầy thử thách?

Gìn giữ ơn bình an nội tâm, đặc biệt trong những thời điểm thử thách, đòi hỏi sự một sự thao luyện nhất định. Một vài thực hành thiêng liêng sau đây có thể giúp người tín hữu sống ơn khôn ngoan và gìn giữ ơn bình an.

- Cầu nguyện mỗi ngày: Cầu nguyện là cách hiệu quả nhất để gìn giữ ơn bình an. Một thời gian cụ thể mỗi ngày để cầu nguyện và suy ngẫm Lời Chúa sẽ giúp tâm hồn trở nên tĩnh lặng và vun đắp đời sống thiêng liêng, gắn bó với Thiên Chúa.

- Sống trong hiện tại và đối diện với thách đố trong đời sống: Sự lo lắng và căng thẳng thường đến từ những suy nghĩ thái quá về tương lai hoặc quá khứ. Sống trong hiện tại và tin tưởng vào sự quan phòng của Thiên Chúa giúp tâm trí không bị chi phối bởi những điều chưa xảy ra: “Đừng lo lắng về ngày mai; ngày mai sẽ lo cho ngày mai” (Mt 6:34). Thực tế, thách đố hay khó khăn là một phần của cuộc sống. Đối diện với khó khăn bằng niềm tin vào Thiên Chúa, biết rằng Ngài luôn đồng hành.

- Hồi tâm và sống lòng biết ơn: Hồi tâm để nhận biết ơn lành Chúa ban và để cảm nghiệm cách Chúa hiện diện và hoạt động trong đời sống thường ngày, nhờ đó, sống lòng biết ơn và tình thân với Thiên Chúa.

Sự khôn ngoan và bình an nội tâm không chỉ là những nhân đức mà còn là hồng ân Chúa ban cho những ai cậy dựa vào Ngài. Qua cầu nguyện, người Kitô hữu tìm thấy ý nghĩa của các thực tại trần thế, và ơn bình an để sống thực tại ấy. Sự bình an Thiên Chúa trao ban, như Thánh Phaolô nói, “vượt quá mọi sự hiểu biết”, sẽ là nguồn sức mạnh thiêng liêng giúp mỗi Kitô hữu sống trong niềm vui và tin cậy vào Chúa.

Hồi tâm

1) Bạn thường cầu nguyện như thế nào trong đời sống thường ngày? Điều gì thường cản trở bạn cầu nguyện?

2) Bạn cảm nghiệm thế nào về sự hiện diện và tác động của Chúa Thánh Thần trong những quyết định quan trọng? Làm thế nào để bạn có thể lắng nghe và vâng theo Thánh Thần hơn nữa?

3) Trong cuộc sống thường ngày, bạn cảm nghiệm thế nào về sự hướng dắt của Chúa Thánh Thần? Làm thế nào bạn có thể mở lòng để tương tác với Ngài và để sống theo hướng dẫn của Ngài hơn?

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :