www.langminhnews.net

THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ vượt qua hằng năm, những gì xẩy ra trong cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi chịu chết cho đến lần Người hiện ra với những môn đệ đó ngày Chúa Nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.

Giáo hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “trong đó Chúa Kitô sẽ chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh” (thánh Ambrôsiô). Tam Nhật Vượt Qua bắt đầu từ thánh lễ chiều thứ Năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức đêm thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô.

Tam Nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa đều cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc vượt qua đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm thanh tẩy long trọng nhất trong năm, và các tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai này mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Kitô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ Sáu và nếu được, cả ngày thứ Bảy nữa để được làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh bí tích Hòa Giải trong những ngày cuối Mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Kitô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu thanh tẩy, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả Tam Nhật Vượt Qua chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về Phụng vụ đã ra về Đêm Thánh: “Toàn dân phải ở trong ánh sáng”.


THỨ NĂM TUẦN THÁNH

THÁNH LỄ CHIỀU

THÁNH LỄ TIỆC LY

Ý NGHĨA

Mỗi năm, dân Do Thái ăn lễ vượt qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã khai mào cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa ăn vượt qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thánh giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.

Mỗi lần cử hành thánh lễ chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với tất cả các linh mục trong giáo xứ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu và rửa chân cho 12 đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặc biệt của ngày lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế.

Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể và suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Ghêtsêmani, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”.

www.langminhnews.net

About www.langminhnews.net

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :