jos nguyen

LINH ĐẠO ĐỜI HÔN NHÂN

MỘT NỀN TU ĐỨC CHO BẬC HÔN NHÂN

K
ể từ sau Công Đồng Vaticanô II, việc nên thánh không còn được xem là độc quyền của một số thành phần ưu tuyển trong Giáo Hội, nhưng đó là ơn gọi chung của tất cả những ai đã chịu phép rửa. Để nói lên tính cách phổ quát của ơn gọi và bổn phận nên thánh, trong những thập niên gần đây, Giáo Hội đã tôn phong chân phước hoặc hiển thánh cho rất nhiều người sống bậc vợ chồng. Vì thế, khi nói đến một nền tu đức cho bậc vợ chồng, chúng tôi muốn hiểu đó là một con đường mà các đôi vợ chồng phải đi qua để đạt đến sự trọn lành trong bậc sống của họ. Đó là con đường giúp họ thực hiện ơn gọi đặc thù trong bậc vợ chồng.

1. Với kiểu nói một nền tu đức cho bậc vợ chồng, phải chăng có một nền tu đức dành riêng cho họ? Công Đồng Vaticanô II chẳng nói đến một ơn gọi nên thánh chung dành cho mọi người chịu phép rửa sao?

Quả thực, tất cả mọi người đều được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh, nhưng do sự khác biệt của cá tính cũng như địa vị, bậc sống và cảnh huống, nên có muôn nghìn con đường để sống ơn gọi nên thánh. Ngày nay, người tín hữu Kitô không thể mô phỏng cuộc sống của các tín hữu thời tiên khởi và ngay cả chính nếp sống của Chúa Giêsu, tức là nếp sống của một thời đại cách chúng ta hơn 2000 năm.

Mỗi người có những điều kiện sống riêng, nên không thể không có những phương thế thực hiện ơn gọi nên thánh không giống những người khác. Một vị ẩn tu trong sa mạc có lối sống hay có nền tu đức khác với nhà truyền giáo. Một nữ tu trong dòng kín có lối sống và nền tu đức khác với một người mẹ trong gia đình. Có một cốt lõi chung cho mọi người là phép rửa. Nhưng những phương thế thực hiện cốt lõi ấy lại khác nhau đối với từng người. một niềm tin duy nhất hướng dẫn cuộc lữ hành, nhưng có nhiều cách thế khác nhau để sống cùng một niềm tin ấy. Do những điều kiện sống hoặc do những đặc sủng khác nhau, mỗi người có thể có một cách thế nên thánh riêng cho mình.

Chúng ta có thể nhìn vào vô số các dòng tu trong Giáo Hội để hiểu được sự khác biệt ấy. Người ta nói đến nền tu đức của Dòng Tên, Dòng Phanxicô, Dòng Đaminh, Dòng Biển Đức, v.v.. có bao nhiêu dòng tu thì có bấy nhiêu nền tu đức. Chúng ta có thể nói, có bao nhiêu hoàn cảnh sống thì có bấy nhiêu nền tu đức. Sống và thực thi ơn gọi nên thánh trong những điều kiện và hoàn cảnh đặc biệt; thiết tưởng, các đôi vợ chồng cũng có một cách thế nên thánh hoặc một nền tu đức riêng của họ.

2. Trong số 56 của Tông Huấn về Đời sống hôn nhân và gia đình, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định: “Ơn gọi nên thánh phổ quát cũng được ngỏ đối với các đôi vợ chồng và các bậc cha mẹ Kitô hữu, ơn gọi này được nêu bật trong bí tích Hôn Phối và được thực hiện một cách cụ thể trong thực tế của cuộc sống hôn nhân”. Từ đó phát sinh ơn thánh và sự đòi hỏi phải có một nền tu đức đích thực và sâu xa cho hôn nhân và gia đình.

Để hiểu thế nào là một nền tu đức dành riêng cho các đôi vợ chồng, thiết tưởng chúng ta không có một nền tảng nào vững chắc hơn giáo huấn của Công Đồng Vaticanô II. trong số 40 của Hiến Chế về Mầu nhiệm Giáo Hội, Công Đồng đã dạy: “Tất cả mọi tín hữu dù thuộc địa vị hay bậc sống nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô và sự trọn lành của Đức Ái”.

Khẳng định trên đây của Công Đồng là sự lặp lại chính mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con ở trên trời là Đấng trọn lành”. Trở nên trọn lành tức là nên thánh. Điều đó cũng có nghĩa là thể hiện ơn gọi làm người. Tất cả mọi người đều được kêu gọi. Không ai có thể nói mình được chọn hoặc bị Thiên Chúa đặt vào trong một điều kiện xấu hơn hay ưu đãi hơn. Không ai sinh ra dưới một ngôi sao xấu hay tốt hơn người khác. Và cũng không có địa vị, bậc sống này cao trọng hơn địa vị hay bậc sống khác.

3. Nhân một buổi tiếp kiến chung năm 1982, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã khẳng định trong một bài huấn đức: “Những lời dạy của Chúa Giêsu không hề có một chút hàm ý nào về sự thấp hèn của hôn nhân. Những lời của Người không đưa ra bất cứ một luận cứ nào về sự thấp hèn của bậc hôn nhân hay về sự trổi vượt của bậc đồng trinh hay độc thân”.

Cũng trong Hiến Chế về Mầu Nhiệm Hội Thánh, Công Đồng Vaticanô II không ngần ngại gọi tất cả tín hữu là những người được thánh hiến. Trong số 41 của cùng một văn kiện, Công Đồng dạy rằng: “Trong và nhờ cảnh huống, bổn phận và hoàn cảnh sống của mình, mọi Kitô hữu ngày càng được thánh thiện hơn nếu biết tin tưởng lãnh nhận mọi sự từ tay Cha trên trời, và biết cộng tác với ý Thiên Chúa bằng cách tỏ lộ cho mọi người biết tình yêu của Ngài đối với thế giới trong chính việc họ phục vụ trần thế”.

Những dòng trên đây của Công Đồng giúp chúng ta hiểu được sự cần thiết phải có một nền tu đức riêng cho đời sống vợ chồng. Các đôi vợ chồng đạt đến sự thánh thiện nhờ và trong chính bậc sống của họ. Tự nó, bậc hôn nhân là một mô thức sống đức ái. Nó có những tiện lợi và bất tiện của nó. Nó có những ơn riêng và những nguy hiểm của nó. Nó có thể tạo thành thiên đàng mà cũng có thể là hoả ngục.

jos nguyen

About jos nguyen

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :